• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cái tin tù sổng làm cho Bàn Văn Tam nổi trận lôi đình thịnh nộ.

Trong phút tức giận, ông già muốn giết hết lũ quân canh, kể từ Tựu Nghĩa trở xuống.

Nhưng ông còn mải truy nã bọn Ma Vạn Thắng đã. Ông điểm một trăm quân kỵ, thân tự dẫn chúng ra rừng, theo vết chân của kẻ thù, đuổi mãi đến khi mặt trời xế bóng mới chịu quay về.

Ông vừa đi vừa nghĩ: một mối ngờ bỗng nảy ra trong óc: "Việc này hẳn do Bàn Tuyết Hận"!

Về tới trại, Bàn Văn Tam lập tức cho gọi chàng trai trẻ vào.

Ông nhìn chàng bằng vẻ mặt dữ tợn đến nỗi thiếu niên phải cúi đầu trông xuống.

- Tuyết Hận! Việc này đầu đuôi thế nào, ngươi phải thú thực cho ta nghe.

- Lạy chú, việc tù xổng nếu bảo là tại cháu cũng không phải mà bảo không tại cháu cũng không phải.

- Thế nghĩa là làm sao?

Tuyết Hận rơm rớm nước mắt:

- Cháu nghĩ đau tình mẫu tử, không thể nào điềm nhiên trông thấy mẹ cháu phải chịu thảm hình được. Đã đành mẹ cháu có tội nhưng công ơn sinh dục, cháu nghĩ vẫn không đành. Bởi thế nên cháu liều trộm mệnh chú tha cho mẹ cháu. Cháu cũng biết như vậy là có tội nên bây giờ cháu sẵn sàng chịu tội, không dám oán hận gì nữa...

Bàn Văn Tam vỗ giường thét mắng:

- Ừ thì ngươi bảo vì xót tình mẫu tử mà tha cho con đàn bà khốn nạn, nhưng còn Ma Vạn Thắng?

- Thưa chú, Ma Vạn Thắng trốn lúc nào, cháu thực không rõ!

Ngờ vực, Bàn Văn Tam nhìn Tuyết Hận:

- Ngươi chớ nói quanh để chực lừa ta!

- Thưa chú, đó là sự thực, cháu không dám nói man.

- Nếu ngươi không tha nó, sao thằng phản tặc ấy lại đi thoát được?

- Cháu xin thề rằng việc đó cháu tuyệt nhiên không biết. Cháu chỉ tha cho một mình mẹ cháu mà thôi.

- Mày vào hang lúc nào?

- Bẩm lúc canh tư.

- Mày làm cách nào lừa bọn quân canh?

- Bẩm nhờ có sương mù tỏa đặc nên cháu bò lại cửa hang được mà bọn lính canh không ai biết gì cả.

- Mày nhờ đứa nào giúp sức?

- Bẩm chỉ có một mình cháu.

- Thế nào? Không có đứa nào đồng mưu với mày hay sao?

- Bẩm không.

- Có lý nào mày nhấc nổi tảng đá ấy một mình được!

- Không, cháu không động gì đến tảng đá cả. Cháu khoét một lỗ nhỏ bên cạnh cửa hang chui vào lôi mẹ cháu ra rồi về thẳng buồng nằm ngủ, cũng không ngờ có kẻ đến tháo cho Vạn Thắng.

- Mày là thằng bất hiếu, nghe không! Cha mày bị chết thảm chết hại về tay chúng nó mà mày không biết xót, lại còn tha cho kẻ thù. Mày nghĩ đến tình mẹ con nhưng lúc nó quăng mày vào đống lửa, nó có nghĩ đến tình mẹ con hay không? Bay đâu, điệu cổ thằng bất hiếu này ra chém cho ta.

- Bẩm chúa công, tiểu chủ tuy đã phạm quân lệnh mà thực đã tỏ ra một người nhân hiếu, xin chúa công nghĩ tình giọt máu cuối cùng của đại vương xưa còn lại mà tha tội cho, Ma Vạn Thắng chạy được, chẳng qua mệnh nó chưa tuyệt. Nay việc lớn chưa thành lại đi chém tướng, chúng tôi e quân sĩ chán nản hết.

Bàn Văn Tam giận run người lên nhưng thấy thuộc hạ tha thiết xin cho Tuyết Hận nên phải dằn lòng nhận lời.

Ông đuổi Tuyết Hận ra ngoài đoạn nói tả hữu:

- Nay Ma Vạn Thắng xổng mất, ta làm cách gì để bắt được? Nó chết hụt một lần tất nhiên phòng bị cẩn thận chứ không như lần trước nó vô tình.

Tựu Nghĩa bước lên nói:

- Bẩm chúa công, tôi có một kế này, may thi hành được.

- Kế gì?

- Ma Vạn Thắng về chuyến này tất nhiên phải mộ thêm quân để phòng khi Hoàng Sùng Anh về báo thù. Trận đánh ở thung lũng hôm nào, Sùng Anh tất yên chí là do Ma Vạn Thắng. Con nó chết, quân nó tan vỡ. Cái thù ấy thế nào nó không trả lại. Ma Vạn Thắng cũng đoán biết như thế nên phải lo. Tôi xin phép chúa công đem mấy thủ hạ thân tín sang châu Đại Man tìm cách vào đầu quân để kiếm dịp lại gần Vạn Thắng...

Bàn Văn Tam gật đầu khen ngợi:

- Kế ấy hay lắm! Ngươi có thể lập tức thi hành.

- Ngày kia đã là ngày kỵ của đại vương. Chúng tôi làm lễ xong sẽ xin đi ngay.

Câu nói làm cho ông già ngồi im, vẻ mặt buồn bã...

Chắc chắn mười mươi sẽ được mổ kẻ thù để lấy gan tế vong hồn người anh thương tiếc. Bàn Văn Tam đau đớn thấy hy vọng của mình phải tan tành. Mối thù ôm nặng trong lòng đã hai mươi năm trời đằng đẵng, rồi đây chẳng biết đến ngày nào mới trả được! Tuổi ông thì mỗi ngày một già yếu, trông có Tuyết Hận thì xem chừng không được việc gì. Bàn Văn Tam càng nghĩ càng buồn và hối hận sao không chém gian phu dâm phụ ngay từ khi mới bắt được!

"Lần sau ta không khờ như thế nữa! Vớ được là ngả phăng ngay! Giờ hãy sửa soạn làm lễ anh ta đã!".

Bàn Văn Tam hạ lệnh thiết linh vị anh là đại vương Bàn Văn Nhị và sửa soạn tam sinh cúng lễ. Tất cả ba quân tướng sĩ cùng đủ mặt.

Tam Thân vào chủ tế, rót ba tuần rượu dâng lên đoạn ôm mặt khóc cực kỳ thê thảm.

Mọi người cùng ứa nước mắt.

Tuyết Hận động lòng hối quá. Bao nhiêu tư tưởng khoan dung nhất thời tiêu tán, nhường chỗ cho sự căm hận sôi nổi.

Lễ gần xong, ai lấy sắp lui thì một người từ đâu bỗng xồng xộc bước vào.

Trăm miệng cùng kêu:

- Phu nhân!

Tuyết Hận nhìn mẹ, ngạc nhiên đến nỗi đờ ra như người mất vía

Cả Bàn Văn Tam cùng sửng sốt không hiểu.

Yến Xuân phục xuống trước bàn thờ vừa lạy vừa khóc, đoạn đứng vùng lên và dõng dạc nói bằng một giọng sang sảng:

- Tôi đến đây, các người cùng ngạc nhiên lắm! Ngạc nhiên là phải vì ở đời ai không ham sống, ai dại gì lại lăn mình vào chỗ chết. Tôi đã bị bắt, nhưng được con tôi thương tình tha cho. Như thế đáng lẽ tôi mau mau trốn đi mới phải. Nhưng nghĩ mình tội lỗi đã nhiều, sống bao nhiêu càng thêm tủi hổ bấy nhiêu mà thôi. Con nhà dòng dõi tướng môn, tôi về hầu hạ đại vương các người từ khi mới đến tuổi cài trâm. Vợ chồng tình nặng nghĩa đầy, cũng tưởng cùng nhau trăm năm đầu bạc, chẳng ngờ bụng dạ đàn bà nông nổi, tôi ham mê phú quý, nghe lời ngon ngọt của Ma Vạn Thắng, dám mưu sự giết chồng, giết con để theo nó. Lòng tôi như vậy, tưởng dẫu loài hùm beo rắn rết cũng không độc ác bằng. Nhưng nay, trước cái tâm nhân hiếu của con tôi, tôi bắt đầu hối lỗi, tự đem mình đến nộp, các người giết hay để, tôi cũng xin cảm ân. Tôi chỉ mong các người mở lượng từ bi, đừng ghét bỏ, đừng khinh bỉ nữa thì tôi dù chết cũng được yên tấc dạ!

Những lời tha thiết chân thành của Yến Xuân làm cho mọi người phải bùi ngùi cảm động. Ngay Bàn Văn Tam vẫn thù oán Yến Xuân cũng phải nao lòng.

Ông già đứng lên, cất tiếng nói:

- Những lời hối cải vừa rồi chắc vong linh anh tôi cũng lấy làm hả. Cái nghĩa anh em máu mủ, cái phận làm tôi bắt buộc chúng tôi phải trả thù báo oán, nhưng đối với một người đã biết lỗi mình, chúng tôi thực sẵn lòng tha thứ. Còn sự chết sống thì tôi nên nhường chị, chị nghĩ thế nào cho phải thì nghĩ.

- Tôi xin đa tạ chú và đa tạ các người. Hôm nay đến đây, bản tâm tôi không phải cốt gợi lòng thương để cầu lấy chút sống thừa. Đời tôi không nên kéo dài ra làm gì nữa. Vậy trước linh sàng đại vương, tôi xin các người chứng kiến cho tấm lòng thành thực hối quá của tôi.

Dứt lời, nàng rút dao găm tự đâm một nhát vào giữa ngực.

Tuyết Hận kêu lên một tiếng thê thảm và chạy lại đỡ lấy mẹ.

Yến Xuân từ từ ngã. Nàng thở dốc lên, mắt đờ đẫn nhưng vẫn cố ấp úng nói một câu cuối cùng:

- Con! Con đừng giận mẹ nữa... nhé?...

Ai nấy im lặng cúi đầu, tỏ ý kính chào người chết.

Bàn Văn Tam truyền khâm niệm cho Yến Xuân và làm ma chay cho tử tế rồi đem mai táng.

Công việc bận rộn mất mấy ngày mới xong. Tựu Nghĩa bèn vào từ biệt Bàn Văn Tam đoạn dẫn mấy thủ hạ thân tín sang châu Đại Man.

Việc Tựu Nghĩa đi, Tuyết Hận không hay biết gì cả.

Chàng vơ vẩn có đến mười hôm trời như người mất vía.

Những việc xảy ra làm cho tâm hồn chàng sôi nổi lại. Chàng cảm thấy rằng bấy lâu chàng đã viện cớ tránh cái việc phải làm. Đột nhiên, cái chết của mẫu thân chàng khiến Tuyết Hận thấy rõ cái tính khẩn cấp và nghiêm trọng của sự phục thù báo oán.

Chàng không nghĩ ngợi gì lôi thôi như trước nữa, hẹn với lòng sẽ lấy cho bằng được thủ cấp Ma Vạn Thắng đem về rồi sau thế nào hãy hay.

Nhưng, chàng không nói cho ai biết trước việc mình sẽ làm. Chàng định lẳng lặng ra đi, lúc nào thành công mới quay về.

Chàng sửa soạn hành lý, biên thư để lại cho ông chú khỏi lo ngại, đoạn sai thắng ngựa ra đi, dặn đầy tớ không được kinh động.

Ròng rã hai ngày, Tuyết Hận mới đến khu rừng Cấm. Qua chỗ gặp nàng Nhạn, chàng bồi hồi nhớ lại cuộc phiêu lưu lần trước. Nó đã cho hai người gặp gỡ nhau...

Tuyết Hận xuống yên, ngồi nghĩ vơ vẩn... Chàng buồn rầu tưởng đến dung nhan thiếu nữ, đến cái phút say đắm trên yên ngựa, đến mối tình sâu xa bắt đầu chớm nở trong tim chàng cùng tất cả những việc éo le đã làm đảo lộn cuộc đời chàng.

Cái hy vọng tốt tươi nó làm cho Tuyết Hận thoáng trông thấy cái tương lai rực rỡ ngày nay đã tan nát hết. Thù cha, một khi chàng còn phải báo thù thì tình duyên cùng thiếu nữ thôi còn có mong gì! Chàng thở dài, liếc mắt nhìn quanh như để phân bua nỗi sầu khổ cùng cảnh vật nhưng rừng cây vẫn điềm nhiên rực rỡ dưới ánh nắng chiều thu!

Dưới nắng chiều thu, những cây phong bắt đầu thay sắc lá, đỏ rực một vùng. Những bông hoa lạ cuối mùa nở tung, cố phô vẻ đẹp màu tươi trước ngày mưa phùn, gió bấc... Trong cái tranh tối tranh sáng của khu rừng tịch mịch, những con gà lôi lông trắng, những con vẹt mỏ đỏ lông xanh bay thấp thoáng. Những tiếng chim gõ kiến, chim gầm ghì, chim họa mi hót đua nhau thành một khúc nhạc êm đềm... Gần xa chung quanh, trong các bụi rậm, chốc chốc thoáng đưa ra những tiếng xì xào bí mật...

Cảnh rừng sáng dội lên rồi tắt hẳn...

Tuyết Hận giật mình đứng dậy. Chàng biết rằng ngày đã xế chiều.

Nhảy phắt lên yên, Tuyết Hận ra khỏi rừng cây thì mặt trời vừa lặn.

Trên đường vắng, chàng gặp từng đám trai gái ở chợ về, trên vai mỗi người một cái thông đính hay một đôi cuôi đựng muối cùng các thứ lặt vặt mà họ đã đổi bằng hóa vật...

Họ vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Nhiều người đùa bỡn nhau, hoặc cùng nhau hát những câu tự tình êm ái. Giọng hát du dương cất lên trong khoảng im lặng hoàn toàn, trong cái thời khắc mà cỏ hoa cũng có chiều ngẩn ngơ tư lự ấy có một sức gợi cảm vô cùng...

Tuyết Hận thở dài, so sánh cuộc đời của bọn trai gái lâm lũng, cuộc đời bình dị, yên tĩnh của họ với cái đời sôi nổi phong ba của mình.

Chàng ao ước và thèm muốn sự vui cười của bọn thanh niên nam nữ như không biết cái lo lắng là gì ấy.

Buông cương cho ngựa đi bước một, Tuyết Hận tưởng tượng ra một cảnh đời khuất nẻo ở xó rừng vắng vẻ nào đó, trong một túp lều tranh sạch sẽ, đầy ánh sáng tươi cười, bên một dòng suối nô giỡn trong lòng cát sỏi, chàng muốn sống với nàng những ngày bình dị, không tham lam, không thù oán, không ao ước gì ngoài cái hạnh phúc yêu đương... Hai người sẽ nâng niu âu yếm nhau, sẽ vui cười suốt ngày và cùng hát cho nhau nghe những câu hát êm đềm...

Trong khi Tuyết Hận đuổi theo giấc mộng rỡ ràng ấy thì quanh mình chàng, trời cứ tối dần, tối dần...

Sương bắt đầu ẩm, hơi gió lạnh thoáng qua.

Tuyết Hận rùng mình, nhìn rừng cây mỗi lúc một trở nên bí hiểm.

Ngoảnh lại sau lưng, bọn trai gái vui cười đã biến đâu mất hết. Con đường đất vắng tanh vạch trên nền cỏ sẫm một nét trắng mờ...

Một cảm giác tịch liêu đè nặng xuống tâm hồn chàng trai trẻ... Chàng đau đớn, thấy mình hoàn toàn là kẻ cô độc, sống một đời không lạc thú, không hy vọng và hơn nữa, bắt buộc phải làm những việc tàn nhẫn mà bản tâm thực chẳng muốn làm...

Chàng loanh quanh tìm chỗ trọ, sau cùng, chàng vào gọi cửa một túp nhà tranh hẻo lánh.

Thấy động, con chó bên trong sủa rầm rĩ rồi hồi lâu Tuyết Hận mới thấy người ra mở cửa.

- Ông hỏi gì?

- Tôi là khách qua đường muốn nhờ người qua đêm tối.

- Nhà tôi neo người và nghèo lắm!

- Cái đó không sao. Người cho tôi nhờ là đủ!

- Vậy mời ông vào. Ông đưa cương để tôi dắt ngựa ra sau cho nó ăn cỏ.

Tuyết Hận trao cương cho ông già đoạn bước vào trong gian lều đầy bóng tối, chàng lại gần bếp, chụm củi cho lửa cháy to lên.

Dưới ánh đỏ chờn vờn, Tuyết Hận liếc nhìn cảnh nghèo nàn của chủ nhân hiện lờ mờ ra trước mắt. Trong đời, chàng thực chưa từng thấy một cảnh tượng nào tiều tụy hơn.

Nhà chỉ có một gian thì cái bếp nấu đã chiếm một phần lớn. Trong bếp, tro than ngập ngụa những mẩu củi cháy dở ngổn ngang bốc khói lên một cái giàn nứa đen kịt bồ hóng. Áp vách sau là một cái giường tre thấp trên phủ một tấm da gấu ngựa.

Trước giường nằm, một cái bàn thờ, làm bằng một tấm ván thông treo áp vách, trên để một bình hương bằng tre. Cạnh ống hương để lổng chổng dăm quyển sách nát, một thanh kiếm gỗ và một lá cờ đuôi nheo bằng vải đỏ. Tờ giấy hồng điều dán trên vách đặc kịt những chữ Nho, nom xa chẳng rõ gì cả.

Tuyết Hận đương ngắm ngía tỉ mỉ thì chủ nhà, buộc xong ngựa, đã từ ngoài bước vào.

Đó là một ông già trạc độ năm, sáu mươi tuổi. Mặt ông ta dài như mặt lừa, màu da xám xịt, râu tóc đỏ như râu ngô. Dưới bộ lông mày rậm, hai mắt hấp him, nom hệt mắt dơi. Mặt đã nhiều vết nhăn song miệng hãy còn tươi vì hàm răng đen hãy còn đều chăn chắn.

Ông già ngồi xổm xuống cạnh bếp, xoa tay đoạn lấy ra một chiếc điếu cán dài. Ông trịnh trọng nạp thuốc vào điếu châm lửa rồi thong thả hút mấy hơi tỏ ý rất ngon lành.

Lâu lâu, ông mới bắt đầu hỏi khách lạ:

- Ông từ đâu đến?

- Thưa cụ, tôi từ xa lắm.

- Ông qua đây có việc gì?

- Tôi đi chơi.

Ông già nhìn Tuyết Hận.

- Nom ông như một vị thanh niên kiếm khách thì phải?

Sự tò mò của ông cụ khiến chàng hơi khó chịu.

- Vâng ạ.

- Thế thì chắc ông chưa xơi cơm.

- Thưa cụ chưa.

Ông già đứng lên lấy gạo nếp đổ vào một đoạn tre tươi lẫn với nước, đút nút ống bằng một nắm lá chuối đoạn bắc ngang lên bếp nướng. Ông làm một cách chậm rãi, cẩn thận. Hai người cùng lặng im.

Một lúc lâu, cơm lam chín. Ông già tước ống tre, lấy lá chuối ra với một khúc cá kho đặt ở trước mặt chàng trai trẻ.

- Mời ông xơi tạm.

- Cám ơn cụ.

Tuyết Hận ăn rất ngon lành. Có lẽ chưa bao giờ chàng ăn một bữa ngon như thế.

Khi đã no nê, Tuyết Hận trở nên hay nói hơn.

- Cụ ở đây có một mình thế này cũng buồn lắm nhỉ?

Ông cụ điềm nhiên nhìn lửa cháy.

- Ấy nó cũng quen đi. Trước kia, tôi vẫn ở cùng anh tôi nhưng từ khi anh tôi bị giết...

Ông già ngừng lại. Trên gương mặt lạnh lùng bỗng hiện ra một vẻ thù oán gớm ghê.

Chàng trai trẻ tò mò hỏi:

- Thế lệnh huynh bị kẻ cướp hay là giặc nó sát hại?

- Tuy không phải là giặc cướp mà cũng chẳng khác gì. Kẻ thù của tôi tức là Ma Vạn Thắng!

Tuyết Hận rùng mình:

- Ô! Lệnh huynh có thù gì với quan Tiết chế mà người lại...

- Thù gì? Chẳng thù gì cả. Ông tính, anh tôi làm người thầy cúng thì còn thù oán gì với ai!

- A! Thế ra cụ là...

- Phải, tôi là em Ké So. Anh tôi thì nội vùng này ai mà không biết! Từ khi ấy, tôi thui thủi có một mình, buồn quá! Tôi chẳng cần phải giấu giếm gì ai, tôi sẽ báo thù cho mà xem. Tình cốt nhục, ông tính ai mà im cho được!

- Người ta binh hùng tướng dũng, cụ thân cô thế cô làm gì được!

- Mặc chứ! Tôi chỉ có một mình nhưng chí tôi đã quyết, tôi làm cho bằng được. Nếu tôi không thể giết nó thì tôi sẽ giết người thân thuộc của nó. Nghĩa là tôi sẽ làm cho nó phải đau đớn như tôi. Tôi còn chờ cơ hội tốt hễ gặp nó càng hay không thì tôi sẽ đâm cho con gái nó một mũi.

Tuyết Hận nắm lấy tay ông già.

- Cụ nghĩ nhầm! Người ta có thù với cụ chứ con gái người ta...

- Thế anh tôi có thù gì với nó? Ở đời này hễ gây thù gì sẽ phải chịu sự phục thù.

Giọng nói quả quyết và cái vẻ mặt dữ tợn của ông già khiến chàng trẻ tuổi phải lo lắng cho tính mệnh của nàng Nhạn.

Chàng cúi đầu nghĩ ngợi đến cái vòng luẩn quẩn trong đó loài người cứ hết đời ấy sang đời khác thù oán giết hại nhau...

Ông già nhổ toẹt vào bếp đoạn hung hăng nói:

- Nghe đâu ngày mai nó mộ thêm quân để đánh nhau với Cờ Vàng. Tôi sẽ len vào đó!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK