Khách làng chơi ngày nay xuống phố Khâm Thiên chắc cũng nhận thấy rằng: ở Hà Nội đi xuống, theo đường ga xe lửa, đi đến chỗ gần giữa phố rẽ vào tay phải, có cái ngõ con đi vào chùa Liên Hoa. Về thời chuyệnnày xảy ra, ngõ ấy ở cạnh toà Khâm Thiên giám. Có hai ngõ, một ngõ ở phía tây toà Khâm là lối đi vào chùa Thiên Bảo, một ngõ ởphía đông, đi sát cạnh đài Toàn cơ Ngọc Hành là lối đi vào nhà ông Hoàng giáp Đặng Phi Hiển. Ngõ con ngày nay đi vào chùa Liên Hoa tức là cái ngõ phía tây, mà chùa Liên Hoa ngày nay phỏng chừng cũng làm trên cố chỉ chùa Thiên Bảo. Ở góc đông bắc chùa Thiên Bảo có cái tháp chuông cao hai trượng, từng trên cùng để cái chuông đồng cao năm thước, miệng rộng ba thước, dầy hai tấc, nặng hai vạn năm nghìn bảy trăm cân. Chuông ấy đúc từ hồi nước ta còn thuộc nhà Minh.
Trên lưng chuông, đề năm tháng theo lịch nhà Minh: Đại Minh Vĩnh Lạc thập bát niên, tuế tại Canh Tý, đông thập nhị nguyệt, sóc, tạo (1420). Năm ấy là năm Lê Thái Tổ Cao hoàng đế đánh được tướng nhà Minh là Lý Bân ở Thi Lăng rồi lùi về đóng ở Lỗi Giang. Chuông ấy do một bọn sư ở Bắc Hà quyên tiền đúc ra để cầu nguyện cho công việc vá trời lấp bể của Bình Định Vương chóng thành. Khi đúc, dùng đến hai vạn năm nghìn cân đồng và bảy trăm cân vàng. Vì đúc giữa lúc quân Minh còn đô hộ ta, nên niên hiệu phải đề theo lịch nhà Minh. Nếu ai được lên tận gác chuông, chui vào trong chuông thì chắc thấy một dòng chữ: Long phi Trùng Quang thập lục niên, tuế tại Canh Tý, đông thập nhị nguyệt, sóc, tạo (1420). Vì sao vua Lê Thái Tổ đuổi được quân Minh, bình định được nước, thiên hạ cho là chùa ấy, chuông ấy thiêng lắm, nên có điều gì cũng đến đó thỉnh chuông cầu nguyện.
Linh ứng như vàng treo là câu tục ngữ khẩu truyền đời ấy. Câu ấy nghĩa là: cầu đến chuôngVàng Treo chùa Thiên Bảo là linh ứng nhất. Sau dùng rộng mãi nghĩa ra thì bất cứ ai nói câu gì linh ứng trời, đất có điểm gì linh ứng. . . thiên hạ đều gọi là linh ứng như vàng treo.
Đến năm Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, liền bắt hoà thượng chùa Thiên Bảo phải huỷ quả chuông ấy đi. Mạc Đặng Dung bắt huỷ quả chuông ấy có ý sợ Trời Đất lại giúp cho nhà Lê trung hưng chăng, sợ dân gian lại cầu nguyện cho nhà Lê khôi phục lại cơ nghiệp cũ chăng. Tuy có lệnh bắt huỷ, nhưng dân gian vẫn có ý muốn giữ. Bởi thế nên mới giấu quả chuông xuống dưới bệ thờ Phật. Sau khi nhà Lê trung hưng, quả chuông ấy đem treo dưới nhà tổ, tháp kia vẫn để không đó. Từng trên cùng, từ ngày không có chuông, vẫn để trống bốn mặt, không có tường, cửa gì cả. Rồi lâu ngày do thói cẩu thả, ngói rơi gần hết, không đủ để che nắng mưa nữa.
Lại còn nỗi, chuông thiêng thì gác treo chuông cũng phải thiêng, nên vì sợ ma, sợ quỉ, sợ thần chuông, sợ cái vô lý. . . ít ai dám lên gác chuông ấy nữa. Nhiều người thời đó quả quyết nói rằng: "Đêm khuya có tiếng chuông từ ngọn tháp Vàng Treo ra". Lại có người nói rằng: Chính mắt tôi trông thấy nửa đêm có người áo trắng quần trắng ngồi trên gác ấy đánh vào chỗ treo chuông cũ, nghe lanh lảnh rõ tiếng đồng ngân. Hoà thượng chùa ấy cũng nói rằng: "Mỗi khi thỉnh chuông ở nhà tổ thì chính chỗ thỉnh chuông không thấy kêu mà ở trên gác chuông cũ kia thì tiếng nghe rõ mồn một". Vì thế không ai dám nhìn nhận chữa chạy gì đến gác chuông ấy nữa. Dầm mưa dãi nắng mãi, suốt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chiếc tháp đều bị rêu mọc phủ hồ kín. Những chỗ khe đá khe gạch, cây cối mọc ra tua tủa. Nhà chùa sợ cái tháp ma kia sẽ đuổi mất kẻ tu hành, người lễ bái, nên xây bức tường ngăn chiếc tháp ra ngoài địa giới.
* * *
Vào buổi sáng trung tuầntháng tư, trời chưa rõ mặt, có người đàn bà chạy hốt hoảng ở ngõ Tây xóm Nam làng Văn Chương, vừa thở vừa kêu như người bị con thú dữ đuổi:
- Ối làng nước ôi! Cứu tôi mấy! . . . Ma, Ma. . . con lạy ngài.
Chú tiểu Hương trong chùa đó đương thắp hương ở nhà tổ, nghe kêu gào cũng vứt cả nắm hương cầm tay chạy đi rủ các tiểu bạn ra cửa chùa xem có việc gì. Hoà thượng tủm tỉm cười:
- Phải rồi. . . , chắc là người nào đi chợ sớm, qua dưới chân tháp Vàng Treo thấy con ma trắng nó gọi. . . Các con ra xem, nếu người ta sợ quá thì các con bảo người ta hãy vào chùa nghỉ cho hoàn hồn đợi trời sáng hẳn hãy đi.
- Ối trời ôi! Tôi chết mất, bạch cụ. . .
Cửa Tam Quan vừa mở, bốn chú tiểu đã nghe tiếng ngã, tiếng ngã nặng như cây thịt hết hồn đổ sụp xuống. Bốn chú vội chạy ra thì thấy cách cửa chùa chừng mười lăm bước, một người đàn bà đầu tóc rũ rợi nằm sóng soài trên mặt đất. Quang, gánh, thúng, tiền, tung toé mỗi thứ một nơi.
Vỗ nước vào mặt, một lúc người ấy mới tỉnh dậy, nét mặt còn in vẻ sợ, vừa thở hổn hển vừa ngơ ngác trông các chú tiểu, vừa tiếng thở dài tiếng vắn:
- Con cắn rơm. . . cắn. . . cỏ. . . con lạy ngài. . .
- Không, chúng tôi ở trong chùa ra đây. Đừng sợ, chị Xã!
- Con là người. . . buôn bán lương thiện. Ngài tha. . . ngài tha cho con. . .
- Không! Tiểu Hương đây, đừng sợ.
Nhìn kỹ bốn người:
- Kìa. . . chú Hương, kìa các chú. Các chú cứu tôi với. . . Con ma ở tháp Vàng Treo nó vừa toan bóp cổ tôi. . .
- Không! Đừng sợ! Đứng lên thu quang gánh tiền nong rồi vào chùa với chúng tôi.
Chú Hương nâng người kia dậy, chú Trà nhặt quang gánh, chú Diệu nhặt tiền nong vung vãi, chú Thuỷ dìu dắt người ấy vào trong nhà tổ.
Hoà Thượng hỏi:
- Thế nào? Chị Xã thấy gì mà sợ quá thế?
- Bạch cụ, hôm nay phiên chợ Bằng, con đi chợ sớm, qua ngõ đây. Khi đi dưới chân tháp Vàng Treo con đã có ý đi sát cạnh toà Khâm cho đỡ sợ. Con lắng tai nghe thấy trên tháp có tiếng hát nho nhỏ. Con sợ quá nhưng cũng cố gượng bước đi. Con nghĩ rằng ma dẫu thiêng nhưng chẳng lẽ con người lương thiện. . . lại làm chết con. Vừa đi con vừa khấn: "Lạy ngài tha con, con là người lương thiện". Con đương khấn thì bỗng trên tháp có tiếng gọi: "Chị Xã Bủng! Đứng lại tôi hỏi". Con liếc mắt nhìn lên thấy trên gác chuông có con ma quần trắng, áo trắng, đầu phủ khăn trắng, đương vừa vẫy vừa gọi con. Hết hồn, con ù té chạy, vừa chạy vừa kêu thét rầm rĩ. Con định chạy vào chùa, nhưng gần đến Tam Quan sợ quá ngất người đi, ngã xuống không biết gì nữa. . .
Hoà thượng, trong khi nghe vẫn tủm tỉm cười, lũ tiểu thì chú nào chú ấy, đứng nấp sau lưng hoà thượng cả mà đứng thật sát vào nhau. Nụ cười vẫn giữ trên môi, hoà thượng nói với mọi người:
- Phải, có ma thật! Con ma ấy mới đến ở tháp chuông chiều tối hôm qua. Già đây đương sắm sửa đèn hương tụng kinh giải thoát cho nó đây.
"Các con lo đèn hương đi thôi, lấy sẵn bộ kinh Thủ Sám để ở chiếu lễ. Lúc nào các con sắm sửa xong thì lên bạch lại ta và mang cho ta chiếc áo cà sa".
Xã Bủng nghe hoà thượng nói, vẫn chưa hết sợ:
- Vâng, bạch cụ tụng kinh giải thoát oan hồn cho nó để nó đi nơi khác, kẻo nó quấy nhiễu dân làng. Bạch cụ, cụ có mua quần, áo, bánh đa, thanh bông, hoa quả để cúng cháo thì cụ cứ giao cho con.
- Không, ta có cúng ma đâu mà mua những thứ ấy.
- Bạch cụ, con tưởng cụ cúng con ma ở tháp chuông?
- Không, người đấy, có phải ma đâu!
- Người! Cụ nói cho con khỏi sợ. . . Rõ con trông là ma.
- Không, người đấy. Người ấy nay mai sắp chết. Ta đây muốn tụng kinh giải thoát cho đến ngày người ấy chết, trước cầu cho chùa ta được yên lành, sau là phổ độ cho người xấu số. Người ấy phải chịu tội "phơi thây" ở cạnh chùa ta, ta phải tụng kinh cầu yên cho thầy trò ta. Người ấy chết vì nghiệp chướng tiền duyên, ta muốn cầu cho vong linh người ấy được giải thoát mà sang Tây phương tĩnh độ. [44]
- Người ấy là ai, bạch cụ? Tội phơi thây là tội gì?
- Người ấy là con gái ông Chiêu Đặng Thụ Ấm nhà quan Hoàng Đặng.
Xã Bủng sửng sốt người lên mà rằng:
- Cô Cháu! Cô Cháu quan Hoàng Đặng! Thảo nào mà biết tên con. Tội nghiệp! Thế cô ấy tội tình gì thế, bạch cụ?
- Tội tình gì thì miệng nhà sư già này cũng không được nói ra. Nói ra, lời nói ô uế, sư già này sợ mất quả phúc tu hành trong bảy mươi năm trời đi. Đừng hỏi nữa.
Tiểu Hương xuống nói:
- Bạch Cụ, xong cả rồi.
Hoà thượng đứng dậy:
- Thôi chị đi chợ.
Tiểu Hương mặc áo cho thầy, cầm gậy trúc đưa vào tay thầy, Hoà thượng tay chống, tay vịn vào vai tiểu Hương từ từ ra cửa lên Tam Bảo. Xã Bủng thấy trời đã sáng hẳn, cũng bái từ hoà thượng để đi chợ.
* * *
Trên gác chuông Vàng Treo, Ấu Mai thức đến gần sáng mệt quá thiếp đi, nằm phục xuống sàn, ngủ. Chợp mắt được chốc lát thì một làn gió lạnh lại đánh thức dậy. Nhìn ra bốn phía trời còn tối, trên đầu lác đác còn vài ngôi sao.
Nhìn khắp bốn bề để nhận xem chỗ mình bị nhốt bây giờ là chỗ nào, mà xung quanh đêm tối mò mò như bưng lấy mắt.
Họ mang ta đến chốn nào đây? Bốn ngựa phanh thây! Sao họ lại mang ta đến chỗ như cái tháp thế này? Hay là họ còn giam ta ở đây để làm nhục ta lần nữa rồi mới cho ta chết đây. . . Được rồi, được rồi, khi nào ta lại chịu chết khốn khổ như thế. Sẵn tháp cao đây, gieo mình xuống một cái là thoát nợ đoạn trường. Nhưng khoan đã, đợi sáng xem chốn này là chốn nào đã.
Một lát tiếng gà gáy báo sáng rộn khắp mọi nơi, trước mặt lờ mờ bóng nhà cửa cây cối đã dần dần thoát màu tối ban đêm. Dưới bóng sáng nàng nhận rõ ra nơi nàng chôn nhau cắt rốn.
Kìa cái đầm trước cổng "Tình Vũ Bất Quan", kìa cái hồ "Tĩnh Tâm", kia cái thư trai, ông ta vẫn đọc sách. . . Nơi xưa còn đó mà nào đâu những cảnh ngày xưa, những người ruột thịt? Kìa ai kia, trông như chị Xã Bủng người làng. Hay là ta lên tiếng gọi hỏi chơi, gọi là được chuyện trò với người đồng hương, người biết ta từ thuở nhỏ dại.
Vừa lên tiếng gọi to mấy tiếng: Bác Xã, bác Xã! Bác Xã Bủng! thì bác Xã Bủng đã rú lên mà chạy.
À ra bây giờ ta đã là ma rồi! Chưa chết mà đã là ma! Thế thì ta phải chết! Không ai thèm nhận ta là người nữa thì ta phải chết! Chết là phải, sống không ruột thịt thân thích, sống làm sao được. Vâng, tôi xin chết, tôi không dám sống. Tôi xin làm ma, tôi không dám làm người. Tôi xin chết ngay dưới chân tháp này, tôi chẳng đợi bốn ngựa xé thây. Tôi xin chết mà! Tôi xin làm ma mà! Vừng đông đã rạng rồi kìa, thôi ta phải sớm tính thân ta đi thôi!
Nàng đi ra bao lan, nhìn xuống đất, nhìn lên trời.
- Trời cao đất dầy, xin chứng giám cho tôi.
Trèo lên lan can, nàng giơ chân bước vào chỗ không. . .
- À! Cô định tự tử à? Cô định tự tử để thoát hình phạt của nhà nước à?
Một cánh tay rắn như sắt nắm lấy tay Ấu Mai, lôi nàng vào. Tức khắc nàng bị trói ngay vào chiếc cột, miệng bị đóng hàm thiếc.
- Thôi nhé! Cô cứ ngồi yên đây nhé. Cô muốn chết, cái đó cũng không khó gì, cô giằn lòng đợi mấy hôm nữa thì cô được chết. Đi đâu mà vội thế? Xuýt nữa chúng tôi chậm chân, cô gieo mình xuống chân tháp mà chết thì chúng tôi phải đền mạng. Thôi, cô nghỉ.
Nói xong, tên lính trèo thang xuống.
Đêm hôm qua, lúc đem Ấu Mai lên gác chuông, y quên không trói và buộc hàm thiếc, gần sáng, giật thức nhớ ra liền chạy đến ngay. Tới nơi, thì vừa vặn.
Lúc ấy vào độ tháng tư, trời đương độ nóng nực. Người ngồi trong nhà còn nóng thay nữa là ngồi trên chiếc tháp lộ thiên, thì không khác gì người bị rang vậy.
Ngày phải chịu nắng đốt người, đêm phải hứng hết sương gió, nàng phải cảm. Phải cảm mà vẫn phải phơi nắng phơi sương. Phải cảm như thế lại là may vì không biết đói là gì nữa. Nếu khoẻ mạnh thì còn phải chịu lửa cơ đốt ruột nữa vì không ai cho ăn uống gì. Người ốm nóng như hòn than, cơm tuy không thèm, nhưng nước thì thèm lắm. Trời hạ nắng mới; chang chang hai ngày liền không lúc nào dịu cả. Trưa hôm thứ ba trời mưa rào một trận to. Nàng mừng lắm, muốn lê ra chỗ giọt ngói há mồm hứng giọt nước mưa, nhưng bị trói không sao lê ra được, nàng đành ngậm miệng vào áo hút cái nước mưa thấm đẫm vào mình. Uống được ngụm nước, người tỉnh táo hơn lên một ít, nhưng được một lúc, mưa tạnh, trời lại nắng. Mặc bộ quần áo ướt chảy ra nước mà phải nắng, hơi bốc lên ngùn ngụt như chiếc trõ sôi. Sốt kịch quá, đến chiều nàng ngất hẳn đi. Một luồng gió buổi tối lại đánh thức nàng dậy. Sờ xung quanh chỗ nằm, tay nàng đập phải một đống gì lù lù bên cạnh. Mở mắt ra nhìn thì là một người. Nàng cố hết sức chỉ hỏi được một tiếng:
- Ai?
- Em, em Tố Hà đây, em lại chịu tội cùng chị đây.
Dưới bóng trăng, nàng nhận rõ là mặt Tố Hà. Mệt quá, nàng không nói gì cả, nhắm mắt nằm yên. Giá nàng khoẻ mạnh còn đủ sức để nói thì thế nào cũng mắng Tố Hà mấy câu, song nàng ốm quá, không còn sức đâu nói được nữa. Tố Hà sờ người nàng từ đầu đến chân.
- Trời! Nằm phơi nắng phơi sương ba ngay rồi, người nóng như lửa, cơm nước một giọt một hạt không có thế này! Tội giết người đến thế này là cùng.
"Dạ, thưa chị, em đến đây để thú tội cùng chị, rồi em xin chết trước mặt chị để chuộc cái tội kia. Thưa chị, ngay sau khi em tố cáo chị là em hối hận ngay, xong sự đã trót rồi, biết làm sao được. Thôi, chị coi em như con yêu tinh quỉ sứ thù chị kiếp trước, kiếp này theo chị mà giết hại chị đó".
"Em hối, em hối vô cùng, xin chị tha thứ cho. Chị có tha thứ cho em thì chết đi em mới nhắm mắt được. Em xin nói hết chuyện trong ngục tù cho chị nghe. Khi lên tới kinh, ông hoàng Duy Lễ được giam bên phủ chúa, em được ở nhà quan Hình Tào Thị Lang. Khi án ngục thành rồi, người ta thả em ra, em vội vàng đến hỏi ông Ngự Sử Trịnh Kha xem ngày nào chị phải hành hình, thì ông ta nói chị còn phải chịu hình phơi nắng trên tháp Vàng Treo này ba ngày ba đêm rồi mới đem hành hình. Em vội vàng tìm đến đây, lừa lúc đêm mượn thang nhà chùa trèo lên đây cùng chị. Chị ơi! Em đem cái chết đến bù nghĩa chị em, chị có nhân cho không?"
Ấu Mai lắc đầu.
- Em xin chết cùng chị, chị có bằng lòng không?
Ấu Mai gật đầu.
Tố Hà cởi trói cho Ấu Mai, ẵm lên lòng.
- Vâng, chị nên chết ở đây, mà em cũng nên chết ở đây. Hai chị em cùng gieo mình xuống đây mà chết.
Ấu Mai gật đầu, cố dùng hết sức hỏi:
- Vũ Lăng hầu. . . ? Thuý Hồng. . . ?
- Hôm qua em xin phép vào ngục thăm ông, vào tới nơi thì biết tin ông đã tự tử ở trong ngục rồi. Em Thuý Hồng cũng mất hôm qua ở trong ngục. Nó ốm mà chết, có lẽ vì tuyệt vọng.
Ấu Mai ứa hai hàng nước mắt.
Tố Hà cũng không cầm được lệ.
- Ông dùng dây lưng tự ải trong ngục tối hôm trước. Sáng hôm sau em vào thì ông đã quá cố rồi. Ông có để lại một bài thơ, tiếc rằng em chỉ được xem qua, không nhớ hết được, chỉ nhớ được một câu thôi:
Phụ mình chi nữa, riêng phụ hoa.
Ấu Mai mỉm mép cười.
Tố Hà nói: Thôi đôi ta chết thôi chứ!
Ấu Mai gật đầu.
Tố Hà ôm Ấu Mai ra lan can, trèo lên, quăng mình xuống.
Xóm Khâm Thiên bây giờ, phủ ngoài một nước mã hào nhoáng xa hoa, mà thật ra chỉ là cái mô lớn lấy tiếng đùa cười, giọng hát xướng, lòng dục vọng, chôn sống hàng trăm nghìn đoá hoa vô tội. Những người bị chôn sống ở đó, có kẻ biết mình bị lục trầm[45] tâm tử[46]; có kẻ vô tâm, tưởng mình còn có thể cười cợt vui đùa. . .
Hai trăm năm mươi chín năm trước đây, cũng ở đấy, Ấu Mai và Tố Hà đã uổng một đời tài hoa.
Xưa là mồ chôn chết, nay là mồ chôn sống hồng nhan, hay là "Tạo hoá lại khéo ra tay xếp đặt?".
__
Tháng 8-10 năm 1933.
__
[44]. Tĩnh độ: mặt chữ là tĩnh thổ, nhưng ở kinh Phật phải đọc là tĩnh độ.
[45]. Đẳm cạn ở giữa đất cạn mà chết đuối, thành ngữ đó dùng để tỏ ý rằng: nỗi thống khổ của người đời do người gây nên, chẳng phải trời làm ra.
[46]. Chết lòng. Chỉ còn sống cái xác, còn cái lòng chết rồi. Thành ngữ ấy, một là chỉ con người vô liêm sỉ hết sức, không đoái đến việc tự cứu mình nữa.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK