Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ở Quả Thịnh lăng, nông nỗi lại càng ngao ngán.

Mỗi ngày hai lần sớm tối, bọn cung nhân áo trắng theo sau ông Tông Nhân Lệnh, từ điện Kiền Long đến đền thờ ở lăng làm lễ chiêu tịch. Dưới những cây cao ngất, bóng tối che hồ khắp các đài tạ, ở một nơi tĩnh mịch đầy khí chết, lũ cung nữ, trắng toát cúi đầu sắp hàng từ từ tiến bước, nom tựa một lũ oan hồn hiện lên muốn đến tận nhà mồ kêu oan cùng ông vua nằm dưới kia, xác thịt đã sắp tiêu mà còn dìu đến tận Sơn lăng một đoàn cung nga thể nữ.

Người tham chẳng bờ bến nào cả. Ở đời, đến làm vua là giàu sang hết đất rồi. Giầu có bốn bể, sang làm thiên tử mà cũng chưa đủ! Sung sướng bao nhiêu tiếc đời bấy nhiêu. Vì thế Tần Thuỷ Hoàng sai Từ Phúc vượt Đông Hải tìm thuốc trường sinh. Hán Vũ Đế sửa cung Cam Toàn, xây đài Thông Thiên để hứng nước Cam Lộ đều là kéo dài cái đời lầu vàng điện ngọc, cung nữ hàng nghìn, bàn ăn đẫy trượng cả. Đánh nhau với hai chữ sinh tử chẳng xong, bọn họ mới tính đến cái kế cuối cùng. Ăn không xong đạp đổ. Xây lầu điện cho họ ở không đủ, họ lại bắt làm lăng chứa cái xác khô. Hàng nghìn con gái chết lịm trong cung chưa chán; họ lại đem bọn ấy chôn sống ở Sơn lăng.

* * *

Trừ những lễ nghi phiền phức ra, bọn cung nhân không phải làm gì cả. Những lúc nhàn rỗi, hoặc ngồi ở hiên Nam điện Kiền Long, hoặc đi rong trong lăng, dưới những bóng thông reo, ven những bờ ao đài tạ, câu chuyện họ nói với nhau toàn là những lời buồn bực uất ức oán vọng, than vãn. Những tiếng rì rầm ảo não ấy hoà với tiếng gió reo cành thông, nước đánh hồ sen, chim kêu trong bụi, nghe như một cung đàn sầu thảm, bi ai. Nghe kỹ thì mỗi câu chuyện là một thiên thảm sử.

Đây là chuyện bà Tiệp dư họ Tạ:

"Tôi bị tiến vào cung năm Nhâm Thân để hầu bà Thái hậu. Khi đó thì vua Thần Tông hiếm hoi chưa có con, nên cho tuyển thêm cung phi nhiều lắm. Năm tôi bị tiến vào cung tuổi mới mười ba nên chỉ được làm thể nữ hầu bà Thái hậu họ Trịnh thôi.

Đến năm Mậu Dần, được thăng lên làm cung nga, năm ấy tôi vừa mười chín. Đến năm Quí Vị được thăng làm Tiệp dư, năm ấy hai mươi bốn tuổi."

Bọn cung nhân nghe đến đó khẽ cười.

- Lên đến Tiệp dư, là được hầu hạ Quân vương rồi đó. . .

Bà Tiệp dư cau lông mày, nói:

- Các chị còn trẻ đừng bông đùa nhảm thế. Để tôi nói nốt cho mà nghe. Năm ấy là năm Quí Vị, niên hiệu Dương Hoà thứ chín, tôi được thăng Tiệp dư hôm rằm tháng chín, thì đến hai mươi xảy ra một việc to. Vì việc ấy, đức Thần Tông phải nhường ngôi cho đức Chân Tông, mà tôi thì phải giam ở Linh Ngữ bên Phủ liêu mất hai tháng: Sáng hôm hai mươi, không biết có việc gì Thanh Đô Vương vào chầu vua sớm. Đi đến nhà tả vua điện Long Đức, gặp tôi, Thanh Đô Vương liền xuống kiệu sấn lại nắm tay, hỏi:

"- Danh hoa khuynh quốc chừng này mà bỏ liều thân trong này ư?

"Tôi cố giật tay ra mà nói rằng:

"- Vương thượng không nên lỗi đạo làm tôi đến thế.

"- Ta hỏi đùa mày đó thôi, mày làm gì mà kiêu hãnh thế. Vua mày cũng ở tay ta mà thôi, mày đừng giở ra lắm trò nữa!

"- Quyền ở vương thượng cả, vương thượng muốn làm gì chẳng được. Thần thiếp chỉ là đứa đàn bà, chỉ biết tận trung mà thôi, không biết có quyền thế nào khác hoàng thượng cả.

"Việc ấy sau rầm rĩ cả lên, chắc là chúa Thanh Đô Vương trót lầm nên tìm cách tế tát đi thì phải, nên cuối tháng ấy bắt đức Thần Tông phải nhường ngôi cho đức Chân Tông, lên làm thái thượng hoàng ở cung riêng".

Một người cung nhân lại hỏi:

- Còn bà thì sao?

- Còn tôi, nhà chúa bắt về phủ Liêu giam trong Linh Ngữ hai tháng rồi lại cho về cung cũ mà hầu đức Chân Tông chứ không được theo đức Thần Tông về cung riêng. Năm năm sau, năm Mậu Tý, đức Chân Tông thăng hà, táng ở Hoa Phố lăng. Tôi chắc mười phần là phải ở Hoa Phố lăng. Tôi cũng mong như thế, vì bấm đốt nửa đời người rồi, chẳng muốn giây vào việc đời làm gì nữa.

- Năm ấy, bà bao nhiêu tuổi mà kêu là quá nửa đời người.

- Năm ấy tôi hai mươi chín. Hai mươi chín kể ra thì còn trẻ, nhưng sống trong cung cấm như cây mọc trên chậu sứ, sao bằng cây trồng ngoài vườn.

"Năm ấy Thần Tông thượng hoàng lại về ngôi cũ. Nhưng vì việc mấy năm trước, ngài cũng không dám gần tôi nữa. Tôi sống thừa trong cung cấm từ ngày ấy đến nay. Bây giờ được ở Sơn lăng cùng các chị, tôi tự lấy làm sung sướng vô cùng. Kể tuổi đã năm mươi hai rồi, sờ lên đầu điểm hai thứ tóc, thôi thế cũng xong một đời. . ."

Bà Tiệp dư họ Tạ nói đến đấy thở dài một tiếng thực dài, cái thở dài ấy dường như đem hết bao khí sầu muộn bi thương trong bốn mươi năm trời tuôn ra.

Một người cung nữ khác lại nói:

- Bà còn may mắn hơn tôi. Số phận tôi lại lạ lùng khắt khe lắm nữa. . . Nguyên là tôi bị tuyển vào cung để hầu đức Thần Tông thế nào lại hoá ra làm cung nhân đức Huyền Tông đây. Tôi bị tiến cung năm Nhâm Dần. . . Tôi ở Thanh Hoá từ tháng tám đi. Lên đến Kẻ Chợ[12] ngôi. thì vua Thần Tông phải bệnh rồi mất, vua Huyền Tông lên nối

"Năm ấy, tôi mới mười bốn tuổi. Sang năm sau, nhà chúa khiến bốn ông Quận Trạc, Quận Phổ, Quận Cương, Quận Giao vào trong nội cung coi bốn vệ quân thị vệ. Vua Huyền Tông khi đó mới lên mười, bọn cung nhân là đồ chơi cho bốn đức ông ấy cả. Tôi bị tuyển đến hầu Quận Trạc. Tấm thân gái yếu nhốt chặt trong cung, lại rơi vào tay những đứa có quyền thế, thôi thì còn phải nói gì nữa. Kể năm thấm thoát là chín năm rồi. Thôi còn chi nữa mà mong. Đời người đến thế là xong một đời".

Một người cung nhân bây giờ mới lên tiếng:

- Bà Tiệp dư đã già rồi không kể, tôi không dám nói, nhưng các chị còn biết mặt vua, chúa. Tôi mới thực khổ, cũng là vào ở trong cung, mà suốt mười lăm năm không được nom thấy vua, chúa gì cả, thật tuyệt nhiên không. Tôi là con nhà gia thế cháu ông Hoàng Giáp mà cũng phải chịu nước đắng cay như thế, nghĩ càng tủi nhục trăm phần.

"Nhà tôi lúc đỏ, thì đỏ như son tàu, mà lúc đen thì đen hơn bùn ao. Cổ nhân nói rằng: Phúc bất trùng lai hoạ vô đơn chí, lúc ấy ngẫm ra đúng lắm. Đen nhất cho tôi là lúc nhà tôi thịnh thì tôi không được biết, chỉ đẻ ra để biết lúc suy, để khổ sở cay đắng về việc nhà, về thân thế.

Năm thầy tôi sinh tôi, ông tôi đã ngót năm mươi. Giữa năm đẻ tôi là ông tôi làm quan vì cương trực bị giáng chức. Hồi đó ông tôi đang làm quan Ngự sử, hai năm trước là năm Ất Dậu, niên hiệu Phúc Thái thứ ba, chúa Trịnh Thanh Đô Vương muốn phong con trưởng Tây Vương bây giờ lên Thái úy, Tây Quốc Công. Ông tôi làm Ngự sử cho là phận sự phải nói, liền làm phiếu tâu đệ vào phủ chúa nói rằng:

"Vương thượng đã một mình coi hết cả việc nước lẽ đạo thần tử đã có chỗ khó rồi. Nay lại phong cho Vương Trưởng Tử làm Thái uý Tây Quốc Công, mở phủ riêng, cho coi hết quốc gia trọng sự. Các Vương Tử, mỗi người trấn một trấn to, như thế là Vương Thượng lấy nước làm của riêng đó. Vả lại Thái uý lên cao quá tôi e các Vương Tử khác có ngày làm loạn.

"Lời lẽ ông tôi nói cũng phải lắm. Ngờ đâu Thanh Đô Vương nổi giận, cách tuột ông tôi đuổi về. Quả nhiên đến tháng năm năm ấy bọn Trịnh Lệ, Trịnh Sầm nổi loạn thật. Đến năm Đinh Hợi là năm đẻ tôi, Thanh Đô Vương nghĩ lại cũng hối, nên mới khôi phục cho ông tôi, nhưng giáng xuống làm Tri phủ, sung ngay vào chức kinh thành phủ Thừa.

"Đến năm Nhâm Thân, niên hiệu Khánh Đức thứ tư đời vua Lê Thần Tông. Thày tôi lấy chân Sinh đồ và Ấm sinh đi thi Hội. Đáng lẽ được đỗ, vì đã vào chính trúng cách đã vào điện thí rồi, ngờ đâu chỉ phạm huý một chữ, mà không những không đỗ mà lại bị chung thân không được thi nữa. Lúc bấy giờ chúa Tây đang làm Thái uý quyền thế to lắm, và được chúa Thanh Đô yêu lắm. Chữ "Tây" là chữ phong tước chứ có phải là tên đâu mà lỡ phạm vào thì bẻ hành, bẻ hẹ, làm tội tình người ta thế. . .".

Đến đó bà Tiệp dư họ Tạ vội gạt đi:

- Chết! Chị liều lĩnh quá! Ai nghe tiếng thì có khốn không? Từ rầy thì nói đoái là đoài nhé!

- Vâng Tây hồ, gọi là Đoài hồ, trấn Sơn Tây gọi là trấn Đoài, tôi cũng biết thế, nhưng nghĩ tức lắm không chịu được.

- Thì chị hãy nén cái tức đi mà nói nốt câu chuyện đã nào.

Thở dài một tiếng thật mạnh, người cung nhân lấy vạt áo lau nước mắt rồi nói tiếp:

- Thày tôi hỏng thi năm trước thì năm sau chết, chết đuối các chị ạ. Chết đuối ngay cái hồ đào ở nhà. Thày tôi buồn, chiều chiều cùng tôi lên chiếc thuyền độc mộc bơi trong hồ sen, quanh hòn giả sơn chơi. Một hôm bất ý, thuyền vướng phải chiếc rễ liễu mọc ngầm dưới nước tròi lên chọc vào đáy thuyền. Thuyền lật. Tôi vớ được chiếc rễ si, leo lên cầu được nên sống. Thày tôi vớ phải hòn đá có rêu, tuột tay xuống. . .

Nói đến dây người cung nhân nức nở khóc. . . Bà Tiệp dư họ Tạ kiếm lời an ủi:

- Thôi chị ạ! Cùng là số đoạn trường, khách một thuyền ai cũng như ai. Chị em ta đây hẳn kiếp trước ăn cắp chuông chùa, ăn trộm của Phật nên phải đền bồi đó. Cùng lứa vô duyên cùng phường bạc mệnh, ta lại gặp nhau ở giữa chỗ chết này, tôi tưởng chẳng nên buồn duyên tủi phận cho lắm vì buồn tủi cũng thừa mà thôi, mà lại thêm gợi cho chị em cùng số những nỗi đau lòng. . .

Nói đến đây, bà Tiệp dư họ Tạ bất giác cũng sụt sùi hàng lệ. Rồi thì cả bọn cung nhân đều mặt ủ mày chau, âm thầm lặng lẽ. Trong khi ấy một người cung nhân, cứ đứng tựa gốc cây thông cười ha hả.

Tiếng cười ở giữa chỗ buồn, tiếng ấy một là ngạo đời, hai là rồ dại. Đối với bọn cung nhân khi bấy giờ thì là gồm cả ngạo và rồ. Cùng cảnh với người mà người khóc ta cười, thế là rồ. Người đương có chuyện buồn, mà ta đem tiếng cười phá đám, thế là ngạo.

Vừa ngạo vừa rồ, còn ai dung được, một cung nhân khác lên tiếng mắng:

- Chị kia rồ dại hay sao mà cười như xổ ruột ra thế, chị lấy cảnh này làm vui sướng lắm sao?

Người cung nhân kia lại cười nói:

- Bà Tiệp dư, cùng các chị giọt ngắn, giọt dài thì có ích gì không? Có lẽ tôi rồ thật, nhưng cái rồ của tôi các chị học được cũng hay.

- Nói đứng đắn, lúc này không phải là lúc đùa, bọn ta chẳng nên đùa cợt.

- Thì đứng đắn vậy cho các chị bằng lòng. Tôi thì bất cứ gặp việc gì, tôi cũng phải vội cười ngay vì sợ chẳng cười đi thì sau lại phải khóc về việc ấy. Đời này toàn trò đáng khóc, ta lấy tiếng cười mà đón để lấp trước đi. Đời ta là bài trường hận ca, ta hát phăng khúc trường lạc ca, cho át tiếng sầu thương đi. Các chị muốn khóc thì cứ khóc đi. Khóc sao cho hết kiếp đoạn trường thì cứ khóc. Còn tôi, xin phép bà Tiệp dư và các chị tôi cười và hát một khúc.

Người cung nữ vỗ nhịp hát:

Luân vương lắm nỗi lạ thường
Nén sầu, nuốt thảm, nuốt thương ta cười.
Cười thôi nhé! Ai đừng rũ rượi
Bóng thiều quang có đợi mình đâu.
Can chi chuốc thảm mua sầu
Đời chi để nhuộm những mầu khóc thương!

Hát xong người cung nữ lại vỗ tay cười. Khi đó, cả bọn cung nữ chú mục vào người ấy ai ai cũng hồ như khuây những nỗi đau ruột xót lòng. Bà Tiệp dư nói:

- Thôi để chị Ấu Mai kể nốt chuyện chị ấy cho chị em nghe đã. Mấy câu, mấy điệu bông lơn của chị Tố Hà mà hay đó: chị Ấu Mai đã ráo lệ rồi kia.

Tố Hà lại vỗ tay cười:

- Các chị cứ rồ dại cả như tôi mà hay đó! . . .

Bà Tiệp dư gạt đi:

- Thì im cho chị ấy nói nốt nào!

Ấu Mai lại nói:

- Thày tôi chết năm hai mươi sáu tuổi. Năm ấy tôi mới lên bảy, ông tôi thì sáu mươi mốt. Bọn thuật số họ khéo nói dựa. Năm trước, thày tôi mắc tội "Phạm trường qui", họ tán là tại năm tuổi thày tôi; năm sau, thày tôi mắc nạn, họ lại tán năm tuổi ông tôi. Năm nay là năm tuổi tôi, giá chết quách cũng xong! . . .

Tố Hà nói:

- Chị này nói năng la cà quá. Mặc kệ lũ thuật số, chị hãy nói nốt chuyện chị đã nào!

- Tôi bị tuyển vào cung năm Đinh Dậu, niên hiệu Thịnh Đức thứ năm, đời vua Thần Tông. Năm ấy vì Chúa thượng[13] bây giờ mới nhập thừa Vương thống[14]. Vua Thần Tông cùng trạc tuổi với chúa, thủa bé chơi với nhau. Năm Đức Kính Tông mưu với Trịnh Xuân định giết Triết Vương[15], đáng lẽ thì đức Kính Tông cùng các hoàng tử đều bị giết cả.

Khi đó đức Thần Tông mới mười bốn tuổi mà Chúa thượng, bấy giờ mới mười ba. Đức Thần Tông khi đó là Thái tử mà Chúa thượng là cháu đích tôn của Triết Vương.

Chúa thượng tuy tuổi còn nhỏ nhưng thông minh lắm. Khi đảng Trịnh Xuân là Văn Đốc hành thích hụt Triết Vương ở Tam Kỳ rồi bị bắt; mưu vỡ ra, Triết Vương cho chúa Thanh Đô vào nội điện ép vua Kính Tông tự ải và bắt hết các hoàng tử về phủ Liêu.

"Chiều hôm ấy, Triết Vương đi rong chơi trong vườn ngự uyển với Chúa thượng. Triết Vương hỏi Chúa thượng rằng:

"- Mày đi chơi với thằng Lê Duy Kỳ, mày có biết bố nó định giết tao không?

"- Bẩm cháu có ngờ đâu như thế. Bụng người ta mỗi người một khác, bố con cũng chẳng cứ là bụng dạ ruột gan.

"- Mày lấy gì làm chắc?

"- Bẩm chú Thái Bảo Xuân cháu mà còn mưu thế Vương Phụ được, thì bố con đã lấy gì làm thân! Cứ cháu trộm nghĩ thì việc này Vương phụ không nên trách Lê Thị. Ròi từ trong xương ròi ra. Vương phụ có làm to tát ra lắm, cháu sợ mua xấu với thiên hạ. Các hoàng tử còn nhỏ dại cả phỏng có tội gì?

"Triết Vương nghe động lòng bảo Chúa thượng rằng:

"- Cháu cầm cái kim bài này vào ngay linh ngữ gọi thái tử Duy Kỳ ra đây, nếu là đứa khá thì ta cũng dung cho.

"Khi đức Thần Tông ra. Triết Vương hỏi rằng:

"- Thái tử có biết số phận thái tử ra sao không?

"- Phá sào chi hạ, an hữu hoàn noãn[16], tôi tự hiểu bất tất Vương thượng còn phải hỏi làm gì.

"- Thái tử muốn xin ta gì chăng?

"- Tôi chỉ muốn xin được theo hoàng khảo xuống suối vàng thôi!

"Vì thế Trịnh Xuân được tha, các hoàng tử thoát nạn, đức Thần Tông lên nối ngôi".

Bà Tiệp dư hỏi:

- Bằng ấy việc thì quan hệ gì đến việc chị bị tiến cung mà chị nói?

- Quan hệ lắm chứ. Đức Thần Tông thoát nạn vì Chúa thượng bây giờ nên đối với chúa có cái ơn khắc xương ghi dạ. Vì thế, năm bấy giờ Chúa thượng lên ngôi chúa, đức Thần Tông mới kén lấy ba mươi sáu con gái nhỏ đẹp, tuổi lên mười đến mười hai vào cung tập lục dật[17] để mừng, đội vũ nữ[18] ấy ở luôn trong cung đến năm đức Huyền Tông lên ngôi thì ba mươi nhăm người được thải ra mà riêng mình tôi phải ở lại để hầu thái hậu vì trong bọn, tôi được thái hậu yêu nhất. Thế mới hay rằng: được kẻ quyền thế yêu cũng là một cái vạ. Thế rồi từ năm ấy đến năm nay, trước sau kể đến mười lăm năm, trải hai triều vua, sống mờ sống ám, sống tủi, sống nhục, trong nội điện cho đến bây giờ: Đem ra đây chôn sống với đấng quân vương mình không biết mặt mũi ra sao? . . .

Tố Hà hỏi bông:

- Năm mới tiến vào cung, chị còn bé mà vua đã già thì sống mờ, sống ám, chứ khi đức Huyền Tông lên ngôi thì là thiếu niên Thiên tử, với tuyệt sắc giai nhân, chị còn ân hận gì. Mờ ám là tại chị chứ!

Ấu Mai lườm Tố Hà mà không nói gì.

Bà Tiệp dư nói:

- Tính tuổi ra thì khi đức vua Huyền Tông lên ngôi, ngài mới lên mười, mà chị Ấu Mai đã mười bảy rồi. Kịp khi ngài lớn thì chị lại già quách rồi.

Tố Hà vẫn đùa:

- Năm nay chị ấy mới hai mươi nhăm già gì mà già? À phải! Đức vua năm nay mới mười tám thôi nhỉ. Người mười tám tất coi người hai mươi nhăm là già, nhất là người ấy lại là vị thiếu niên Thiên tử. Nhưng tôi trông chị Ấu Mai chỉ vào trạc mười chín, đôi mươi thôi, ngài cứ dùng tạm cũng được.

- Chị chỉ đùa láo thôi, chỗ này không phải chỗ đùa.

* * *

Một buổi chiều, ven hồ Thuý Vi, dưới bóng cây liễu bỏ mành tựa vào chiếc lan can trúc, hai người cung nữ đương đứng thẩn thơ.

Hồ Thuý Vi mùa ấy tàn sen, nước ngâm trong vắt. Điểm mặt hồ chỉ có ít lá thông già rơi rụng lúc trời cuối đông, vài bông hoa hồng mai mới nở đầu mùa. Hôm ấy trời nổi gió bấc, lá thông, hoa hồng mai, xô cả về phía hai người đứng, dường như muốn đem cái cảnh hoa trôi gió thổi, ghẹo khách hồng nhan. Trên đầu lá liễu từng chùm bỏ thõng xuống la đà trước gió, vẩy nốt mấy giọt nước mưa còn dính lại từ trận mưa hôm trước, tựa người đàn bà gội đầu thõng tóc ra phơi. Thỉnh thoảng một chùm lại đập vào mặt hai người cung nhân, trút mấy giọt nước mưa trên má. Giọt nước ấy điểm trên hai khuôn mặt buồn tênh, trông tựa như những làn nước mắt.

Bên kia bờ, dãy thông ào ào reo theo gió, thiết tha như khúc nhạc não nùng. Trời dần dần tối, toàn cảnh cây hồ đài tạ, một khắc một mờ. Một lúc, từ từ trăng ở phía đông lên, tọt qua mấy ngọn thuỷ tùng mà chiếu xuống hồ. Trăng buổi ấy là trăng ngàn ngậm sương, lạnh lung hiu quạnh, chẳng có vẻ mát mẻ êm đềm như độ giữa thu.

- Chị Tố Hà, sáng hôm nay, chị có người nhà vào thăm đấy ư?

- Không! Có người nhà người cửa nào vào đâu. Tôi quê tại Vườn Cam, ở Cao Bằng mà chúng ta mới từ kinh vào đây từ tháng trước, đến nay tính ra chưa đầy tháng rưỡi, thì nhà tôi đã dịp vào đâu mà thăm. . . Chị Ấu Mai còn hơn tôi một điều là khi bước ra

đi, người nhà được biết ngay. Tôi thì còn chán! Bây giờ chưa chắc đã biết.

- Biết cái gì chứ, biết cái khốn nạn này thì càng muộn, tôi tưởng càng hay. Nhưng từ kinh lên Vườn Cam, tôi tưởng, chậm lắm chỉ trong một tháng là tin tới thôi, kể từ ngày đi là hôm mồng hai tháng trước, tính ra đến nay đã là một tháng mười hai ngày rồi, sao tin lại chưa tới?

- Tôi có quen thuộc ai ở kinh đâu, tôi làm gì có tiền mà thuê người lên Cao Bằng báo tin. Khi tôi biết đích là tôi phải vào ở Sơn Lăng, tôi không biết làm thế nào mà báo tin lên Cao Bằng cho người nhà tôi nữa. Cho tới hôm hai mươi tám tháng mười mà tôi cũng chưa biết làm ra thế nào được. Tôi đã tính liều không cho người nhà biết nữa. Thôi thì liều như cha mẹ tôi không có tôi là con, nghĩ thế rồi tôi cứ việc sắp quần áo để đợi ngày theo Tử cung Hoàng đế vào Ninh Lăng, chẳng nghĩ ngợi gì cả.

"Đến hôm mồng hai, nhắm mắt cứ đi. May sao đi đến cung[19] Hà Hồi, gặp một người làng trước làm lính thú[20] ở Bắc Bố Chính khi đó được lệnh thải hồi về quê, nhân đó mới nhờ mang tin về nhà hộ".

- Hôm đóng ở Hà Hồi là hôm mồng ba, từ hôm đó đến nay may ra người ta cũng đến Vườn Cam rồi.

- Chưa! Anh ta bảo với tôi rằng: về kinh còn phải vào trại trong phủ Liêu, chờ lệnh, không biết chừng mấy ngày mới được lệnh về hẳn quê. Sớm là mười ngày, chậm là một tháng, có khi họ quên đi thì đến vài bốn tháng. Thế chị đã có người nhà vào thăm chưa?

- Mẹ tôi vào ở Thanh, từ ngày chúng ta theo Tử cung Đại Hành hoàng đế vào đây, cũng chưa vào thăm được, vì tôi chắc còn phải xin phép toà Ngự sử vào phủ Tông nhân.

Ngửng lên trông trăng đã nhấp nhô thò lên ngọn cây Thuỷ tùng, Tố Hà bảo Ấu Mai:

- Trăng lên rõ rồi, ta về đi. Đứng mãi trời sương, lỡ bị cảm thì thiệt thân!

- Ở nơi này, chị còn giữ gìn kỹ lưỡng thế à?

- Ở đâu cũng thế, gặp cảnh ngộ nào cũng thế. Mình chẳng thiết thân mình, thì còn mong ai thiết đến? Thôi về đi?

Nói đoạn, hai người cùng về.

Về tới trại cung, bà Tiệp dư, cùng các cung nhân còn thức cả, mọi người hỏi:

- Sen và Mai một hoa ở nước, một hoa ở cạn, sao mà đi đâu cũng díu đôi thế? Đi đâu mà rét run cả người lên thế? [21]

- Từ chiều tôi đã thấy hai chị đứng tựa lan can hồ Thuý Vi. Trời rét thế mà đứng ngắm nước, tôi cũng chịu hai chị thực, gàn guộc có một.

- Có hai chứ!

Tố Hà nói:

- Thì trong lòng ta đến ngoài da đều lạnh lẽo cả. Đứng hóng mát ngoài hồ giữ phù ngồi so rét với các chị, tôi tưởng cũng thế mà thôi.

Bà Tiệp dư nói:

- Mai là ngày rằm phải làm lễ sớm đó: Các chị ai vào buồng nấy đi ngủ cả thôi, đừng chuyện trò la cà mãi nữa. Còn được nói chuyện đến già ở đây, tôi chỉ sợ các chị hết chuyện thôi!

Mọi người đứng dậy ai vào phòng nấy.

* * *

Ngoài trăng đông lạnh lẽo, chiếu tỏ xuống mặt hồ bóng loáng như gương, lạnh lùng thê thảm.

Trong ba trăm cung nhân như tù bị xử tử, giam hậu, đương vật mình quằn quại, với đêm gió bấc hơi sương.

Ngoài gió ngàn thổi mạnh, xao xác hơi may, thổi nghiêng khóm trúc la đà, vuốt mạnh lá thông thành tiếng. Trông khóm trúc như người tội nhân cúi đầu van ngọn cuồng phong. Nghe tiếng thông reo như tiếng rền rĩ oan thảm của chốn Sơn lăng lạnh lẽo.

Trong tiếng thở dài hoà với tiếng tay đập xuống giường tựa như tiếng, như bộ của người hấp hối chán nản tiếc đời.

Trăng chiếu trại cung, như muốn soi rõ cái mồ chôn hàng trăm người còn sống xác mà chết lòng, gió lọt kẽ cửa, như muốn chia buồn cùng bọn má hồng mệnh bạc.

__

[12]. Kinh đô, tiếng cổ.

[13]. Tức là Tây Vương Trịnh Tạc (1657-1682).

[14]. Lên nối ngôi Chúa.

[15]. Trịnh Tùng tức là Bình An Vương, khi chết rồi miếu hiệu là Thành Tổ, thuỵ là Triết Vương.

[16]. Dưới cái tổ vỡ, còn cái trứng nào lành.

[17]. Xưa thiên tử dùng bát dật, chư hầu dùng lục dật, ba mươi sáu người vũ nữ thành sáu hàng sáu người gọi là lục dật.

[18]. Vũ nữ, vũ là múa, nữ là con gái, vũ nữ là con gái dùng để múa.

[19]. Đời xưa chia đường ra từng cung, đến mỗi cung có nhà để ăn nghỉ, nếu đi việc công thì có ngựa trạm để đổi. Cung có cung dài cung ngắn, cung dài, đi một ngày đường, cung ngắn đi nửa ngày.

[20]. Lính đóng nơi biên địa là lính thú. Khi đó Trịnh, Nguyễn phân tranh, châu Bố Chính là địa đầu.

[21]. Tố Hà là sen trắng, Ấu Mai là mai non.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK