• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Quân Tấn đuổi theo Tề Khoảnh công đến đất Viên Lân . Tề Khoảnh công sợ hãi, họp các tướng lại để hỏi kế . Quốc Tá nói rằng:

- Tôi xin đem cái lò nghiễn (lò hai tầng, trên chưng, dưới nấu) của Kỷ hầu và cái khánh ngọc sang lễ nước Tấn để xin giảng hoà; còn những đất ta xâm chiếm của nước Lỗ và nước Vệ khi trước thì trả lại cho hai nước ấy .

- Như thế là ta xử với Tấn quá phải lắm rồi, nếu Tấn không nghe thì thế nào cũng phải cố sức đánh!

Quốc Tá vâng lệnh đem lò nghiễn và khánh ngọc sang dinh quân Tấn, vào nói trước với Hàn Quyết . Hàn Quyết nói:

- Vì Lỗ và Vệ than phiền bị Tề luôn luôn xâm chiếm, cho nên chúa công tôi thương tình mà đến cứu, chứ chúa công tôi có thù gì với nước Tề!

Quốc Tá nói:

- Tôi xin tâu với chúa công tôi trả lại những đất xâm chiếm của Lỗ và Vệ thì tướng quân nghĩ thế nào ?

Hàn Quyết nói:

- Việc ấy quyền tại quan nguyên soái (trò Khước Khắc) tôi chứ tôi không dám quyết .

Nói xong, liền đưa Quốc Tá vào yết kiến Khước Khắc . Khước Khắc trông thấy Quốc Tá, hầm hầm nổi giận . Quốc Tá đối đáp vẫn có lễ phép . Khước Khắc nói:

- Nước ngươi đã sắp mất đến nơi, lại còn muốn dùng lời nói khéo để làm kế hoãn binh hay sao! Nếu thực lòng xin giảng hoà thì phải theo ta hai điều .

Quốc Tá nói:

- hai điều đó là gì, xin ngài cho biết .

Khước Khắc nói:

- Một là nước ngươi phải đưa người con gái của Tiêu Quân sang ở nước ta để làm tin; hai là trong địa giới nước Tề phải đắp một con đường từ tây sang đông, để vạn nhất sau này nước Tề có bội ước thì ta giết người làm con tin ấy, và khi đem quân sang đánh ta có thể đi suốt từ tây sang đông được .

Quốc Tá nổi giận mà nói rằng:

- Nguyên sóai nghĩ sai rồi! Con gái của Tiêu Quân là ai, tức là thân mẫu chúa công tôi, cũng chẳng khác gì thân mẫu vua Tấn, lẽ nào lại đem quốc mẫu làm con tin bao giờ! Còn ruộng đất ở trong nước tôi là phải tuỳ theo địa thế mà đắp, nếu vì nước Tấn mà đổi lại tất cả thì khác gì một nước đã mất rồi . Nguyên soái nói như thế là ý không muốn cho nước tôi giảng hoà .

Khước Khắc nói:

- Không muốn cho giảng hoà thì nước ngươi làm gì ?

Quốc Tá nói:

- Nguyên soái chớ có khinh nước Tề tôi quá! Nước tôi dẫu bị thua một trận, nhưng chưa lấy gì làm tổn hại cho lắm, nguyên soái không cho hoà thì chúng tôi xin thu thập quân mã, cùng với nguyên soái quyết chiến một trận . Một trận không được thì hai trận; hai trận không được thì ba trận, nếu ba trận cũng không được thì bấy giờ cả nước Tề tôi là của nước Tấn, cần gì còn phải gửi người làm tin và đắp đường từ tây sang đông làm gì ? Ngay bây giờ, tôi xin từ biệt nguyên soái .

Quốc Tá liền đặt cái lò nghiễn và cái khánh ngọc xuống đất, rồi chắp tay vái chào mà lui ra . Qúy Tôn Hàng Phủ và Tôn Lương Phu đứng ở sau màn nghe nói, chạy ra bảo Khước Khắc rằng:

- Làm như vậy thì nước Tề giận ta quá lắm, tất cố sức mà đánh, không lẽ ta thắg mãi, chi bằng ta theo lời giảng hoà là hơn .

Khước Khắc nói:

- Sứ nước Tề đã đi rồi thì biết làm thế nào ?

Qúy Tôn Hàng Phủ nói:

- Ta nên sai người đuổi theo mà gọi lại .

Khước Khắc liền sai người đuổi theo, mời Quốc Tá hãy trở lại dinh quân Tấn . Khước Khắc bảo Quý Tôn Hàng Phủ và Tôn Lương Phu cùng Quốc Tá làm lễ tương kiến, rồi lại nói với Quốc Tá rằng:

- Tôi sợ không làm nổi việc ấy thì có lỗi với chúa công tôi, cho nên tôi chưa dám nhận lời; nay hai quan đại phu nước Lỗ và nước Vệ (trở Quý Tôn Hàng Phủ và Tôn Lương Phu) đã cùng nói với tôi, thì tôi cũng không dám trái ý . Vậy tôi xin nghe lời đại phu .

Quốc Tá nói:

- Nguyên soái đã thuận cho nước tôi giảng hoà thì xin ăn thề:

"Nước Tề nhận phải triều cống nước Tấn, lại trả những đấ xâm chiếm của nước Lỗ và nước Vệ . Nước Tấn nhận phải rút quân về và không được xâm phạm của cải nước Tề".

Hai bên đều phải lập tờ thệ văn, Khước Khắc truyền đem tiết sinh ra, cùng nhau ăn thề rồi từ biệt . Khước Khắc lại tha cho Phùng Sửu Phủ trở về nước Tề . Tề Khoảnh công cho Phùng Sửu Phủ làm thượng khanh .

Bọn Khước Khắc thắng được quân Tề, trở về nước Tấn . Tấn Cảnh công đều gia phong thái ấp cho; lại cho Hàn Quyết làm tân trung quân nguyên soái, Triệu Quát làm phó; Củng Sóc làm tân thượng tuân nguyên soái, Hàn Xuyên làm phó; Tuân Trụ làm tân hạ quân nguyên soái, Triệu Chiên làm phó, mọi người đều được phong tước quan khanh cả .

Quan tư khấu là Đồ Ngạn Giả thấy họ Triệu hưng phấn càng đem lòng ghen ghét, ngày đêm chỉ cố tìm sự lầm lỗi của họ Triệu để dèm pha với Tấn Cảnh công; lại mật kết với họ Loan và họ Khước, khiến cho hai họ ấy cùng về bè với mình .

Tề Khoảnh công từ khi bị thua về, hết lòng sửa sang chính trị, để định báo thù nước Tấn . Vua tôi nước Tấn cũng sợ nước Tề báo thù, không giữ được nghiệp bá chủ, lại bắt các nước phải trả lại cho nước Tề những đất xâm chiếm mà nước Tề đã phải trả lại cho họ khi trước (theo minh ước) . Từ bấy giờ các nước chư hầu cho rằng nước Tấn không có tín nghĩa, bèn không tin phục nước Tấn nữa .

Lại nói chuyện Hạ Cơ nước Tần từ khi kết duyên với quan liên doãn nước Sở là Tương Lão, chưa được một năm thì Tương Lão phải đi đánh trận ở Bí Địa . Hạ Cơ mới cùng với con riêng của Tương Lão là Hắc Sái tư thông; đến lúc Tương Lão chết trận, Hắc Sái say mê Hạ Cơ, bỏ không đi tìm xá Tương Lão, người trong nước ai cũng chê cười . Hạ Cơ lấy làm xấu hổ, muốn mượn tiếng đi tìm xác Tương Lão để trở về nuớc Trịnh, (nguyên Hạ Cơ là con gái nước Trịnh, trước lấy chồng ở nước Tần), Tước thân công ở nước Sở là Khuất Vu thuê người mật báo với Hạ Cơ rằng:

- Thân công có lòng yêu mến nàn lắm, nàng về nước Trịnh hôm nào thì hôm ấy thân công sẽ sang xin cưới ngay .

Khúất Vu lại sai người nói với Trịnh Tương công rằng:

- Hạ Cơ muốn về nước nhà, sao nhà vua không sai người đón về ?

Trịnh Tương công quả nhiên sai sứ sang nước Sở để xin đón Hạ Cơ . Sở Trang vương hỏi các quan đại phu rằng:

- Hạ Cơ muốn tìm xác Tương Lão, người nước Trịnh có ý muốn giúpp cho được việc, vậy nên mới sai người sang đón về .

Trang vương nói:

- Xác Tương Lão chết ở nước Tấn, người nước Trịnh giúp thế nào được ?

Khuất Vu nói:

- Tuân Dinh là con yêu của Tuân Thủ, nay bị giam ở nước Sở ta . Tuân Thủ thương nhớ lắm! Bây giờ Tuân Thủ mới được lên làm chức trung quân phó tướng ở nước Tấn, lại quen biết với quan đại phu nước Trịnh là Hoàng Thủ, thì tất thế nào rồi cũng nhờ Hoàng Thủ điều đình với nước Sở ta, xin đem thi thề công tử Cốc Thần (con Sở Trang vương) và Tương Lão sang đổi lấy Tuân Dinh về . Vua nước Trịnh vì việc giao chiến ở Bí Địa, sợ nước Tấn đem quân sang hỏi tội, cũng muốn nhân việc này để lấy lòng nước Tấn, đó là tình thực, chứ không còn nghi ngờ gì nữa!

Nói chưa dứt lời thì Hạ Cơ vào từ biệt Sở Trang vương, tâu việc xin về nước Trịnh, vừa tâu vừa khóc, nước mắt như mưa . Lại nói với Sở Trang vương rằng:

- Nếu không tìm được Tuơng Lão thì thiếp xin thề không về nước Sở nữa!

Sở Trang vương có lòng thương mà cho đi . Hạ Cơ đi sang nước Trịnh . Khuất Vu lại mật đưa thư cho Trịnh Tương công, xin cưới Hạ Cơ làm vợ . Trịnh Tương công biết việc Sở Trang vương và công tử Anh Tề khi trước muốn lấy Hạ Cơ, lại thấy Khuất Vu đang được trọng dụng ở nước Sở, cũng muốn kết thân, mới nhận lễ và cho cưới . Người nước Sở không ai biết chuyện ấy cả . Khuất Vu lại sai người sang bảo Tuân Thủ nước Tấn đem thi thể công tử Cốc Thần và Tương Lão sang đổi lấy Tuân Dinh về . Tuân Thủ viết thư nhờ Hoàng Thủ (quan đại phu nước Trịnh) ở giữa nói hộ với Sở Trang vương .

Sở Trang vương muốn được thi thể con mình là công tử Cốc Thần, mới tha cho Tuân Dinh về và nước Tấn cũng giả lại hai thi thể . Đến lúc quân nước Tấn đánh Tề, Tề Khoảnh công sai sứ sang cầu cứu nước Sở, chính gặp lúc nước Sở mới có tang, chưa đem quân sang cứu, sau nghe tin quân Tề thua trận và quan đại phu nước Tề là Quốc Tá đã phải xin giảng hoà với Tấn, Sở Cung vương mới bảo triều thần rằng:

- Nước Tề theo Tấn là vì nước Sở ta chưa kịp đến cứu, đó không phải là bản tâm nước Tề . Nay ta nên cử binh đi đánh Lỗ và Vệ để báo thù cho nước Tề, có ai dám vì ta đem cái ý ấy sang nói cho vua Tề biết ?

Khuất Vu xin đi . Sở Cung vương nói:

- Nhân tiện nhà ngươi đi qua nước Trịnh, nên nước với vua Trịn đến tháng mười đem quân sang hội nhau ở địa giới nước Vệ, và cũng nói cho vua Tề biết .

Khuất Vu về nhà thu xếp tiền của và cho gia quyến đi trước còn mình thì ở lại sau, rồi thẳng đường tiến sang nước Trịnh . Khuất Vu đem lời nói của vua Sở vào ước với vua Trịnh, rồi lui ra nhà quán xá cùng với Hạ Cơ làm lễ thành thân . Đêm hôm ấy Hạ Cơ nỉ non bên gối, hỏi Khuất Vu rằng:

- Việc này khi trước phu quân có tâu với vua Sở không ?

Khuất Vu đem chuyện Sở Trang vương và công tử Anh Tề khi trước đều muốn lấy Hạ Cơ nói lại cho Hạ Cơ nghe, lại bảo Hạ Cơ rằng:

- Ta vì ái khanh mà chịu phí bao nhiêu tâm cơ, ngày nay ba sinh mới phỉ mười thuyền, ta không dám về nước Sở nữa; sáng mai ta cùng với ái khanh tìm chốn nương thân, cùng nhau bách niên giai lão, ái khanh nghĩ thế nào ?

Hạ Cơ nói:

- Phu quân đã không về nước Sở thì việc đi sứ Tề này biết làm thế nào ?

Khuất Vu nói:

- Ta chẳng đi sứ Tề nữa! Ngày nay, cùng với nước Sở chống nhau, chỉ có nước Tấn, âu là ta cùng ái khanh sang ở nước Tấn .

Ngày hôm sau, Khuất Vu viết một đạo biểu giao cho người hầu đem về tâu với Sở Cung vương, rồi cùng Hạ Cơ trốn sang nước Tấn . Tấn Cảnh công đanh lấy việc thua nước Sở làm xấu hổ, nghe tin Khuất Vu đến, mừng lắm nói rằng:

- Thế này thì thật là trời đem người ấy đến giúp ta!

Tấn Cảnh công nói xong, liền cho Khuất Vu làm quan đại phu, lại phong cho đất Hình Địa để làm thái ấp . Khuất Vu mới bỏ họ Khuất, lấy chữ Vu làm họ, đặt tên là Thần . Từ bấy giờ vẫn gọi là Vu Thần . Sở Cung vương tiếp được tờ biểu của Vu Thần, mở ra đọc, đại lược nói rằng:

"Vua Trịnh đem Hạ Cơ gả cho tôi, tôi trót dại, không thể từ chối được . Nay tôi sợ đại vương trị tội, vậy phải tạm trốn sang nước Tấn; còn việc sứ Tề, xin đại vương chọn sai người khác . Tôi cam chịu tội chết!"

Sở Cung vương nổi giận, triệu công tử Anh Tề và công tử Trắc vào đưa tờ biểu cho xem . Công tử Trắc nói:

- Nước Sở ta và nước Tấn xưa nay vôn là cừu định với nhau, nay Vu Thần trốn sang nước Tấn, tức là làm phản, phải trừng phạt để làm gương .

Công tử Anh Tề nói:

- Hắc Sái thông dâm với kế mẫu là Hạ Cơ, cùng là có tội, cũng phải trừng phạt mới được .

Sở Cung vương theo lời, liền sai công tử ÁnhTê đem quân đến vây bắt gia tộc của Vu Thần, và sai công tử Trắc đến bắt Hắc Sái mà chém đi . Bao nhiêu gia tài của Vu Thần cùng Hắc Sái đều bị công tử Anh Tề và công tử Trắc chiếm lấy hết cả . Vu Thần nghe tin ấy mới đưa thư cho công tử Anh Tề và công tử Trắc, đại lược nói rằng:

"Các ngươi xui giục vua Sở làm những việc tham tàn, giết hại kẻ không có tội; ta quyết làm cho các người phải khổ sở ở nơi đường sá mà chết!"

Bọn công tử Anh Tề giấu bức thư ấy đi, không dám nói cho Sở Cung vương biết . Vu Thần bày mưu lập kế cho nước Tấn để sang thông hiếu với nước Ngô; rồi đem những phép xa chiến dạy người nước Ngô; lại cho con là Hồ Dung sang làm quan hành nhân ở nước Ngô, để thông tin tức cho nước Ngô và nước Tấn . Từ bấy giờ nước Ngô mỗi ngày một cường thịnh, chiếm lấy những thuộc quốc ở phía đông của nước Sở; vua nước Ngô là Trọng Mộng tiếm hiệu xưng vương . Sở Cung vương cho công tử Anh Tề làm đại tướng cùng với quân nước Trịnh sang đánh Vệ, tàn phá bờ cỡ nước Vệ, rồi lại đem quân sang xâm chiếm nước Lỗ, đóng đồn ở đất Dương Kiều . Trọng Tôn Miệt (tướng nước Lỗ) đem thợ khéo và con gái dệt cửi thêu thùa giỏi của nước Lỗ, mỗi hạng một trăn người sang dâng nước Sở và được giảng hoà . Nước Tấn cũng sai sứ ước với Lỗ Thành công cùng sang đánh Trịnh . Lỗ Thành công nhận lời .

Năm thứ 20 đời Chu Định vương, Trịnh Tương Công (Kiên) mất, thế tử Phi lên nối ngôi, tức là Trịnh Nhiệu công . Trịnh Nhiệu công cùng với nước Hứa tranh nhau địa giới . Vua nước Hứa sang kêu với Sở Cung vương . Sở Cung vương cho vua Hứa là phải lẽ, sai người trách Trịnh Nhiệu công . Trịnh Nhiệu công tức giận, mới bỏ Sở theo Tấn . Năm ấy, Khước Khắc nước Tấn bị thương, què mất cánh tay trái, liền cáo lão về nhà, chẳng được bao lâu thì mất . Loan Thư thay làm chức trung quân nguyên soái (tức là tướng quốc). Năm sau công tử Anh Tề nước Sở sang đánh Trịnh, Loan Thư đem quân đi cứu .

Lúc bấy giờ Tấn Cảnh công thấy nước Trịnh và nước Tề đều thần phục mình, thì sanh lòng kiêu ngạo, lại tin dùng Đồ Ngạn Giả, và ham sự chơi bời săn bắn như Tấn Linh công thuở xưa . Triệu Đồng và Triệu Quát có ý bất hoà với anh là Triệu Anh, vu cho việc dâm loạn, rồi đuổi sang nước Tề, Tấn Cảnh công cũng không thể nào mà ngăn cấm nổi . Bấy giờ núi Lương Sơn tự nhiên sụt đá xuống làm nghẽn một khúc sông, nước sông ba ngày không chảy được . Tấn Cảnh công sai quan thái sử bói xem tốt xấu thế nào . Đồ Ngạn Giả đút tiền cho quan thái sử để nói về việc hình phạt không hợp lẽ . Tấn Cảnh công nói:

- Ta dùng hình phạt, chưa hề có làm quá bao giờ, sao lại bảo là không hợp lẽ ?

Đồ Ngạn Giả nói với Tấn Cảnh công rằng:

- Hình phạt không hợp lẽ nghĩa là không đán tội mà trị tội, cũng như đán tội mà không trị tội . Triệu Thuẫn giết vua Linh công ta ở Đào Viên, việc ấy chép vào sử sách, đó là một tội không thể dung tha được; thế mà Thành công không trị tội, lại giao quyền chính trong nước cho kẻ phạm tội, dây dưa mãi đến bây giờ, con cháu của kẻ phạm tội làm quan, đầy khắp trong triều, thế thì lấy gì làm răn cho kẻ khác được ? và tôi nghe tin bọn Triệu Đồng và Triệu Quát cậy nhiều vây cánh, có ý muốn làm phản, Triệu Anh can ngăn không được, phải chạy ra nước ngoài; còn họ Loan và họ Khước, cũng sợ thế họ Triệu, không dám nói ra . Việc núi Lương Sơn đồ này, chính là ý trời muốn khiến chúa công giải tỏ nỗi oan của Linh công trước và trị tội họ Triệu đó!

Tấn Cảnh công từ trận đánh nhau ở Bí Địa đã ghét bọn Triệu Đồng và Triệu Quát chuyên quyền xấc xược, nay nghe lời noi của Đồ Ngạn Giả thì xiêu lòng bèn đem lời nói ấy mà hỏi Hàn Quyết . Hàn Quyết nói:

- Việc giết vua Linh công ở Đào Viên không dự gì đến Triệu Thuẫn . Và họ Triệu từ Triệu Thôi trở xuống, đời đời có công to với nước Tấn, sao chúa công lại nghe lời nói của đứa tiểu nhân mà nghi con cháu công thần ?

Cảnh công vẫn còn hồi nghi, lại hỏi Loan Thư và Khước Kỳ . Đồ Ngạn Giả đã dặn Loan Thư và Khước Kỳ trước, bởi vậy Loan Thư và Khước Kỳ cứ hàm hồ, không chịu biện bạch cho họ Triệu . Cảnh công mới cho lời nói của Đồ Ngạn Giả là thực liền ghi tội Triệu Thuẫn vào cái mộc bài, giao cho Đồ Ngạn Giả mà bảo rằng:

- Nhà ngươi liệu thế nào cho khỏi kinh động người trong nước thi cứ việc mà làm .

Hàn Quyết biết mưu của Đồ Ngạn Giả, đêm hôm ấy đến bảo với Triệu Sóc, bảo Triệu Sóc nên đi trốn . Triệu Sóc nói:

- Thân phụ tôi ngày xưa chỉ vì không chịu để cho tiên quân giết, đến nỗi mang tiếng xấu về sau, nay Đồ Ngạn Giả phụng mệnh chúa công để giết tôi thi tôi đâu dám trách . Nhưng vợ tôi hiện đang có thai, đã gần đến tháng, nếu sinh gái, thì chẳng nói làm chi, may mà sinh trai thì còn có thể giữ được dòng giống họ Triệu . Một giọt máu thừa ấy, xin tướng quân bảo toàn cho thì tôi dẫu hồn về chín suối, cũng được hả dạ!

Hàn Quyết khóc rằng:

- Tôi chịu ơn Triệu tướng quốc (trỏ Triệu Thuẫn) ngày xưa, chẳng khác tình cha con . Ngày nay tôi sức hèn tài mọn, không thể chém được đầu giặc (trỏ Đồ Ngạn Giả), tôi đã lấy làm xấu hổ lắm, nay còn một việc này, tôi xin hết sức! Nhưng quân giặc căm tức đã lâu, nay nhân dịp báo thù, không còn phân biệt ngọc đá vàng thau, tôi có làm gì cũng là vô ích, chi bằng ngài hãy cho công chúa (vợ Triệu Sóc, con gái Tấn Thành công) tránh nạn vào ở trong cung, mai sau sinh đặng con trai thì tất có cơ báo thù được .

Triệu Sóc vâng lời, rồi hai người gạt nước mắt mà từ biệt nhau . Triệu Sóc ước riêng với vợ là Trang Cơ rằng:

- Ngày sau sinh con gái thì đặt tên là Văn, nếu sinh con trai, nên đặt tên là Vũ, bởi vì văn thì vô dụng mà có vũ thì mới báo thù được!

Triệu Sóc lại nói chuyện cho Trình Anh biết . Trình Anh hộ tống cho Trang Cơ ra cửa sau đi một cái xe kín lên trốn vào cung ở với mẹ là Thành phu nhân (mẹ Tấn Cảnh công) . Sáng hôm sau, Đồ Ngạn Giả đem quân vây nhà họ Triệu, lấy cái mộc bài của Tấn Cảnh công ghi tội Triệu Thuẫn treo ở trước cửa, rồi kể tội họ Triệu phảnh nghịch, bắt bọn Triệu Sóc, Triệu Đồng, Triệu Quát, Triệu Chiên, cùng bao nhiêu già trẻ trai gái trong nhà đem giết tất cả . Con Triệu Chiên là Triệu Thắng bấy giờ đang ở đất Hàm Đan, nhờ vậy thóat nạn, bỏ trốn sang nước Tống . Đồ Ngạn Giả không tìm thấy Trang Cơ liền nói:

- Trang Cơ không cần phải bắt vội, nhưng nghe đâu đã có thai, vạn nhất sinh con trai thì vẫn còn cái giống phản nghịch, thêm di họa về sau!

Quân sĩ báo rằng:

- Nửa đêm hôm qua, có người đi một cái xe kín vào cung .

Đồ Ngạn Giả nói:

- Đó tất là Trang Cơ .

Nói xong, vào tâu với Tấn Cảnh công rằng:

- Toàn gia bọn phản nghịch đã trừ hết được rồi, chỉ còn có công chúa (trỏ Trang Cơ) trốn vào trong cung, xin tâu để chúa công định đoạt .

Cảnh công nói:

- Mẹ ta yêu công chúa lắm, không hỏi được đâu!

Đồ Ngạn Giả nói:

- Công chúa có mang sắp đẻ, nếu sinh hạ con trai, thì để lại giống phản nghịch, ngày sau lớn lên thế nào cũng báo thù, việc Đào Viên tất nhiên lại xảy ra một lần nữa, chúa công nên nghĩ cho kỹ!

Cảnh công nói:

Để sau này hễ sinh con trai thì ta sẽ trừ đi cũng được!

Đồ Ngạn Giả ngày đêm sai người dò thăm xem Trang Cơ sinh trai hay sinh gái . Mấy hôm sau, Trang Cơ quả nhiên sinh được con trai . Thành phu nhân truyền cho cung nhân nói dối là sinh con gái . Đồ Ngạn Giả không tin, muốn sai một người vú vào cung để khám nghiệm xem . Trang Cơ sợ hãi, cùng với Thành phu nhân thương nghị, nói dối là đứa con gái sinh ra, đã chết mất rồi . Bấy giờ Tấn Cảnh công say mê tửu sắc, chính sự trong nước để mặc Đồ Ngạn Giả muốn làm gì thì làm . Đồ Ngạn Giả nghi Trang Cơ không phải sinh con gái, và con cũng chưa chết, mới thân hành đem nữ bộc vào khám xét trong cung . Trang Cơ đem đứa cô nhi buộc vào trong đũng quần, rồi khấn rằng: "Nếu lòng trời định làm tuyệt họ Triệu thì hãy khiến đứa cô nhi này khóc; nhược bằng họ Triệu không đến nỗi tuyệt tự thì xin cho đứa cô nhi này cứ nằm im như không".

Khi nữ bộc dắt Trang Cơ ra ngoài rồi vào khám xét trong cung thì chẳng thấy gì cả . Đứa cô nhi ở trong quần cứ nằm im, không kêu khóc chút nào . Đồ Ngạn Giả khám xong trở về, nhưng trong lòng vẫn còn ghi hoặc . Có người bảo là cô nhi đã được đem ra khỏi cung rồi . Đồ Ngạn Giả liền yết thị rằng: "Hễ ai phát giác được đứa cô nhi ấy thì thưởng cho một nghìn nén vàng; nếu biết mà không nói thì cũng coi như là kẻ chứa giấu đồ gian, phạm tội phản nghịch, toàn gia sẽ bị xử trảm" .

Đồ Ngạn Giả lại truyền cho quân sĩ canh giữ cửa cung rất nghiêm mật; ai ra vào đều phải khám xét thật kỹ .

Triệu Thuẫn khi trước có hai người môn khách tâm phúc, một người là Công tôn Chử Cữu, một người là Trình Anh . Công tôn Chử Cữu được biết tin Đồ Ngạn Giả vây nhà họ Triệu trước Trình Anh liền bàn với Trình Anh cùng đến chịu nạn với họ Triệu, Trình Anh nói:

- Kẻ kia giả mệnh chúa công đến bắt họ Triệu thì dù chúng ta có đến để chịu chết, cũng chẳng ích gì cho họ Triệu cả .

Công tôn Chử Cữu nói:

- Vẫn biết là không ích gì, nhưng ân nhân mình có nạn, lẽ nào mình lại tránh cái chết cho được ?

Trình Anh nói:

- Trang Cơ (vợ Triệu Sóc) hiện đang có thai, nếu sinh con trai thì ta cùng nhà ngươi hết lòng mà ủng hộ, chẳng may mà sinh con gái thì bấy giờ chúng ta hãy chết, cũng chưa chậm kia mà!

Đến lúc nghe tin Trang Cơ sinh con gái, công tôn Chử Cữu khóc mà than rằng:

- Lòng trời định làm tuyệt họ Triệu hay sao!

Trình Anh nói:

- Chưa lấy gì làm chắc, âu là ta hãy dò xét xem đã!

Trình Anh liền đút tiền cho các cung nhân để báo tin cho Trang Cơ . Trang Cơ biết Trình Anh là người trung nghĩa, mới viết một chữ "Vũ" đưa ra . Trình Anh mừng thầm rằng:

- Công chúa quả nhiên sinh con trai rồi!

Sau Đồn Ngạn Giả vào khám xét trong cung, không thấy gì cả . Trình Anh mới bảo công tôn Chử Cữu rằng:

- Cô nhi họ Triệu vẫn ở trong cung mà Đồ Ngạn Giả không tìm thấy, đó mới thật là lòng trời . Nhưng giấu như thế chẳng qua cũng chỉ giấu được một lúc mà thôi, sau này việc tiết lộ ra, Đồ Ngạn Giả tất lại khám xét, âu là ta phải lập kế đem ra giấu ở một nơi xa thì mới bảo toàn được .

Công tôn Chử Cữu ngẫm nghĩ trong nửa ngày, rồi hỏi Trình Anh rằng .

Trình Anh nói:

- Liều chết thì dễ, chứ giữ lấy cô nhi là một việc khó .

Công tôn Chử Cữu nói:

- Nhà ngươi nhận lấy việc khó, để ta làm việc dễ cho . Nhà ngươi nghĩ thế nào ?

Trình Anh nói:

- Bây giờ nhà ngươi định kế gì ?

Công tôn Chử Cữu nói:

- Làm thế nào tìm được một đứa cô nhi khác, nói dối là cô nhi của họ Triệu, ta ẵm được vào giấu ở trong núi Thú Dương, rồi nhà ngươi ra thú, để cho Đồ Ngạn Giả vào bắt . Khi hắn đã bắt được cô nhi giả ấy rroi thì đứa cô nhi thật kia mới có thể thóat nạn được .

Trình Anh nói:

- Tìm đứa cô nhi khác không khó, chỉ khó một nỗi làm thế nào đem cô nhi thật ở trong cung ra cho được toàn vẹn ?

Công tôn Chử Cữu nói:

- Trong bọn các tướng, chỉ có Hàn Quyết là chịu ơn họ Triệu rất nhiều, việc đem đứa cô nhi ở trong cung ra, có thể nhờ Hàn Quyết được .

Trình Anh nói:

- Ta mới sinh con trai, cũng gần ngày với đứa cô nhi họ Triệu, có thể thay được; nhưng nhà ngươi đã có cái tội giấu đứa cô nhi ấy, tất nhiên se bị giết . Nhà ngươi chết trước ta thì ta sao đành lòng!

Trình Anh nói xong, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng .

công tôn Chử Cữu nổi giận mà nói rằng:

- Đó là một việc hay cho ta, sao nhà ngươi lại khóc!

Trình Anh liền gạt nước mắt, rồi từ giã lui về . Đêm hôm ấy, Trình Anh ẳm con giao tay cho công tôn Chử Cữu; lại sang yết kiến Hàn Quyết, đưa cho Hàn Quyết xem chữ "Vũ" rồi sau mới nói đến cái mưu của công tôn Chử Cữu cho Hàn Quyết nghe . Hàn Quyết nói:

- Trang Cơ đang có bệnh, sai ta đi tìm thầy thuốc, nếu nhà ngươi đánh lừa cho Đồ Ngạn Giả đi vào núi Thú Dương, tự khắc ta có kế đem được cô nhi họ Triệu ra .

Trình Anh liền phao lên cho mọi người biết rằng:

- Quan tư khấu họ Đồ (tức là Đồ Ngạn Giả) muốn bắt cô nhi họ Triệu, sao lại tìm ở trong cung ?

Người nhà Đồ Ngạn Giả nghe nói, liền hỏi Trình Anh rằng:

- Nhà ngươi có biết chỗ cô nhi họ Triệu ở đâu không ?

Trịnh Anh nói:

- Cho ta một nghìn nén vàng, ta mới chịu bảo .

Người nhà Đồ Ngạn Giả liền đưa Trình Anh vào yết kiến Đồ Ngạn Giả . Đồ Ngạn Giả hỏi họ tên là gì . Trình Anh nói:

- Tôi họ Trình tên Anh, cùng với công tôn Chử Cữu cùng làm tôi họ Triệu, nay công chúa (trỏ Trang Cơ) sinh con trai, có sai người ẵm ra giao cho hai chúng tôi đem giấu . Nhưng tôi sợ sau này có người tố giác thì nghìn nén vàng thưởng về tay họ được, mà cả nhà tôi tất bị chết oan, vậy nên tôi phải thú được .

Đồ Ngạn Giả nói:

- Đứa cô nhi ấy nay giấu ở đâu ?

Trình Anh nói:

- Ngài cho đuổi hết người xung quanh đi, rồi tôi xin nói .

Đồ Ngạn Giả tức khắc truyền cho tả hữu lui ra . Trình Anh nói với Đồ Ngạn Giả rằng:

- Hiện nay giấu ở trong núi Thú Dương, đi ngay mới bắt được, nếu chậm thì y trốn sang nước Tần mất! Nhưng ngài nên thân hành đi, người khác phần nhiều là thân tình với họ Triệu, chớ nên ủy thác cho ai cả .

Đồ Ngạn Giả nói:

- Nhà ngươi cứ đưa ta đi . Nếu là việc thực thì ta trọng thưởng cho, nếu không thì có tội đó!

Trình Anh nói:

- Tôi cũng vừa ở trong núi về đây, bụng đói quá, xin ngài cho ăn một bữa .

Đồ Ngạn Giả sai người dọn cơm cho ăn . Trình Anh ăn xong, lại giục Đồ Ngạn Giả đi ngay . Đồ Ngạn Giả đem ba nghìn quân theo Trình Anh thẳng đường đi vao núi Thú Dương . Đường đi quanh co, kể hàng mấy dặm, trông thấy ở bên kia suối có mấy gian nhà gianh, cửa đóng kín mít . Trình Anh trỏ cái nhà ấy mà bảo Đồ Ngạn Giả rằng:

- Đây tức là chỗ công tôn Chử Cữu giấu đứa cô nhi!

Trình Anh đến trước gọi cửa . công tôn Chử Cữu mở cửa ra đón, trông thấy quân sĩ, giả cách hoảng hốt chạy trốn . Trình Anh gọi mà bảo rằng:

- Nhà ngươi chớ chạy, quan tư khấu họ Đồ đã biết đứa cô nhi họ Triệu ở đây rồi; ngài thân hành đến bắt, nhà ngươi nên mau mau đem nộp đi .

Trình Anh nói chưa dứt lời thì quân sĩ đã trói ngay công tôn Chử Cữu lại, đem đến trước mặt Đồ Ngạn Giả . Đồ Ngạn Giả hỏi:

- Đứa cô nhi họ Triệu bây giờ để đâu ?

Công tôn Chử Cữu đáp:

- Thực quả không có!

Đồ Ngạn Giả sai người lục sóat trong nhà thì thấy cửa buồng khóa kỹ lắm . Giáp sĩ phá cửa mà vào . Trong buồng rất tối, nghe như có tiếng trẻ con sợ khóc ở trên một cái giường, bèn ẵm ra ngoài thì thấy tã lót toàn bằng gấm vóc, rõ là một đứa bé con nhà quý phái . Công tôn Chử Cữu trông thấy, muốn chạy đến giành lấy, nhưng bị trói không làm gì được, mới quát to lên mà mắng Trịnh Anh rằng:

- Trình Anh thật là một đứa tiểu nhân! Khi trước họ Triệu bị bắt, ta ước với mày cùng nhau liều chết mà đến cứu, mày có bảo ta rằng công chúa (trỏ Trang Cơ) đang có thai, nếu chết đi thì sau này ai là người phù tá cho cô nhi . Nay công chúa đem cô nhi giao cho mày với ta cùng giấu vào chỗ núi này, bây giờ mày lại tham nghìn nén vàng mà đi tố giác . Ta dẫu chết cũng chẳng tiếc gì, chỉ tiếc rằng không đền được cái ơn của họ Triệu mà thôi!

Công tôn Chử Cữu xỉ mắng Trình Anh luôn miệng, một điều tiểu nhân, hai điều tiểu nhân, khiến Trình Anh hổ thẹn, mặt đỏ bừng, bảo Đồ Ngạn Giả rằng:

- Sao ngài không giết chết nó đi!

Đồ Ngạn Giả truyền đem công tôn Chử Cữu ra chém, rồi xách đứa cô nhi họ Triệu ném mạnh xuống đất chết tươi . Trong khi Đồ Ngạn Giả thân hành vào núi Thú Dương để băt cô nhi họ Triệu, thì ở khắp khinh thanh không có chỗ nào là không bàn tán xôn xao về việc này, người thi mừng thay cho Đồ Ngạn Giả, người thi thương thay cho họ Triệu, bởi vậy quân sĩ canh giữ cửa cung, cũng hơi trễ nải việc khám xét . Hàn Quyết sai một người tâm phúc, giả cách làm thầy thuốc vào cung xem bệnh cho Trang Cơ, đem cái mảnh giấy có chữ "Vũ" của Trình Anh đưa khi trước dán ở trên cái đẫy đựng thuốc . Trang Cơ trông thấy chữ "Vũ" liền hiểu ý ngay . Người thầy thuốc bắt mạch xong, giả cách theo lối đoán bệnh, nói qua mấy câu: thai tiền sản hậu v...vv.. Trang Cơ thấy cung nhân đứng xung quanh đều là người tâm phúc cả, liền đem đứa cô nhi đặt vào đẫy thuốc . Đứa cô nhi kêu khóc rầm lên . Trang Cơ lấy tay vỗ ở ngoài đẩy thuốc mà khấn rằng:

- Triệu Vũ! Triệu Vũ! Nhà ta trăm mạng chết oan, sự việc báo thù chỉ trông vào một thân con đó thôi, khi con ra cửa cung, chớ có kêu khóc!

Trang Cơ dặn xong thì đứa cô nhi không khóc nữa; khi đem ra cửa cung, cũng chẳng ai khám xét gì cả . Hàn Quyết đem được cô nhi họ Triệu ra, khác nào như người được của báu, liền giấu vào một nơi nhà kín, giao cho vú nuôi, dẫu người trong nhà cũng chẳng ai biết được .

Đỗ Ngạn Giả về dinh, đem nghìn nén vàng thưởng cho Trình Anh . Trình Anh từ chối, không chịu nhận thưởng . Đồ Ngạn Giả nói:

- Nhà ngươi chỉ vì cầu thưởng mà ra thú, cớ sao lại còn chối từ ?

Trình Anh nói:

- Tôi trước làm môn khách họ Triệu đã lâu, nay giết cô nhi họ Triệu để gỡ tội, đã làm một điều bất nghĩa, nay lại còn dám tham vàng hay sao . nếu nghĩ đến cái công nhỏ mọn của tôi thì xin dùng số vàng ấy để thu táng cho một nhà họ Triệu, gọii là chút tình của tôi đối với họ Triệuu ngày xưa .

Đồ Ngạn Giả bằng lòng mà nói rằng:

- Nhà ngươi thật là một người có nghĩa! Những thây rơi của họ Triệu, ta cho phép nhà ngươi được dùng số vàng này mà thu táng .

Trình Anh lạy tạ, nhận lấy nghìn nén vàng, rồi thu táng thây rơi họ Triệu, ở bên cạnh mộ Triệu Thuẫn . Khi thu táng đã xong, lại đến tạ ơn, thì Đồ Ngạn Giả muốn giữ lại để bổ dụng . Trình Anh ứa nước mắt mà nói rằng:

- Tôi chỉ vì tham sống sợ chết mà làm cái việc bất nghĩa này, còn mặt mũi nào trông thấy người nước Tấn nữa! Từ đây, chỉ xin bỏ cửa nhà để đi kiếm ăn nuôi miệng ở phương xa mà thôi!

Trình Anh cáo từ Đồ Ngạn Giả, rồi đến yết kiến Hàn Quyết . Hàn Quyết đem đứa cô nhi họ Triệu và một người vú nuôi giao cho Trình Anh . Trình Anh nhận làm con mình, đem vào núi Mạnh Sơn để nuôi giấu . Về sau người ta gọi núi ấy là Tàng Sơn .

Đến ba năm sau, Tấn Cảnh công ra chơi Tân Điền, thấy chỗ ấy ruộng đất tốt lắm, mới thiên đô ra ở đấy, gọi là Tân Giáng, còn đô thành cũ thì gọi là Cố Giáng . Triều thần làm lễ chúc mừng . Cảnh công đặt tiệc ở nội cung để khoản đãi . Trời đã gần tối, nội thị sắp sửa thắp nến, thì bỗng có một trận gió dữ, cuốn vào trong cung điện, hơi lạnh buốt người, ai cũng kinh sợ . Trận gió vừa qua thì Tấn Cảnh công thấy một con ma đầu bù, mình dài hơn trượng, xoã tóc đến tận đất, ở ngoài cửa bước vào, quát tó lên mà mắng rằng:

- Trời ơi! con cháu ta có tội gì mà nhà ngươi giết đi, ta đã tâu với Ngọc hoàng thượng đế, cho đến đây để đánh chết nhà ngươi .

Nói xong, giơ đùi đồng đánh Tấn Cảnh công . Tấn Cảnh công kêu rầm lên rằng:

- Các quan cứu ta với!

Miệng kêu, tay rút thanh kiếm để chém con ma, chẳng ngờ lại chém phải ngón tay của mình . Triều thần không hiểu ra làm sao, vội vàng xúm lại giật lấy thanh kiếm . Tấn Cảnh công hộc máu tươi ra đằng miệng, rồi ngã lăn xuống đất.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK