• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lại nói Mạnh Thường quân tự Tần trốn về, đừơng qua nước Triệu, Bình Nguyên quân Triệu, Thắng ra ngoài đón ở ngoài ba mươi dặm, rất là cung kính. Người nước Triệu vốn nghe tiếng Mạnh Thường quân mà chưa được biết mặt, lúc ấy thi nhau đi xem, thấy Mạnh Thường quân lùn thấp bé nhỏ, trong bọn người đi xem, có kẻ cười nói rằng:

- Trước kia ta hâm mộ Mạnh Thường quân, cho rằng người trời tất là khôi vĩ khác thường, nay xem ra thì chỉ là một anh chàng bé nhỏ mà thôi!

Cũng có nhiều người hùa theo cười cợt. Đêm ấy những kẻ cười Mạnh Thường quân đều bị mất đầu. Bình Nguyên quân biết đó là do môn khách của Mạnh Thường quân làm ra, nhưng không dám hỏi đến.

Lại nói Tề Mân vương sau khi đã sai Mạnh Thường quân sang Tần, thì như mất hai cánh tay, sợ nước Tần dùng mất, rất lấy làm lo, cho khi thấy Mạnh Thường quân trốn về được, thì cả mừng, lại dùng làm tướng quốc. Từ đó Mạnh Thường quân được tân khách theo về càng đông, bèn chia làm ba đẳng; khách thượng đẳng gọi là "đại xá", khách trung đẳng gọi là "hạnh xá", khách hạ đẳng gọi là "truyền xá". Đại xá là gồm những khách nào có thể thay thế mình, hạng này được ăn thịt đi xe; hạnh xá gồm những khách nào có thể dùng được, hạng này chỉ được ăn thịt, không được đi xe; truyền xá gồm những khách chỉ cho ăn cơm sạch trấu cho khỏi đói, ra vào mặc ý đó là hạng hạ khách. Những người khách mà lúc trước đã có công làm gà gáy chó sủa hay giấy trạm giả, đều được ở vào hạng đại xá. Hàng năm số bổng thu đựợ ở ấp Tiết, không đủ để cung tân khách, Mạnh Thường quân bèn đem tiền cho ấp Tiết vay, lấy số lãi để thêm vào sự chi tiêu. Một hôm có một người thân thể cao lớn, mặc áo rách, đi dép cỏ, tự nói họ Phùng, tên Hoan, người nước Tề, xin vào yết kiến. Mạnh Thường quân vái chào mời cùng ngồi, nói rằng:

- Tiên sinh hạ cố, có điều gì dạy Văn này ?

Hoan nói:

- Không có gì. Tôi trộm nghe ngài có lòng yêu mến kẻ sĩ, không chọn sang hèn, cho nên chẳng ngại đem cái thân nghèo đến nương náu cửa ngài.

Mạnh Thường quân cho ở hạng truyền xá. Hơn mười ngày, Mạnh Thường quân hỏi người truyền xá trưởng rằng:

- Người khách mới đến làm việc gì ?

Truyền xá trưởng nói:

- Phùng tiên sinh nghèo quá chẳng có cái gì, chỉ có một thanh kiếm lại không có vỏ, lấy dây cỏ buộc đeo ở sau lưng, ăn xong cứ gõ gươm mà hát rằng: "Gươm ơi! về đi thôi! ăn không có cá!"

Mạnh Thường quân cười nói:

- Đó là hắn hiềm ta cho ăn uống chẳng có gì!

Nói xong, liền đổi cho vào ở hạng hạnh xá, bữa ăn nào cũng có cá thịt. Lại sai người hạnh xá trưởng xét xem ý Hoan thế nào. Năm ngày sau, người hạnh xá trưởng bảo rằng:

- Phùng tiên sinh vẫn gõ gươm mà hát như cũ, nhưng câu hát có khác lần trước. Tiên sinh hát rằng: "gươm ơi! về đi thôi! đi không có xe!"

Mạnh Thường quân lấy làm lạ, nói:

- Hắn muốn ta đãi vào hạng thượng khách chăng ? người ấy chắc là có tài lạ!

Rồi đổi cho lên hạng đại xá, và sai người đại xá trưởng xét xem thế nào. Hoan ngày ngày cỡi xe ra đi đến đêm mới về, lại hát rằng: "Gươm ơi! về đi thôi! chẳng có gì gửi về nhà giúp đỡ!"

Đại xá trưởng nói với Mạnh Thường quân.

Mạnh Thường quân nhăn trán nói rằng:

- Người khách ấy sao tham lam đến thế ?

rồi lại sai dò xét xem, nhưng Hoan không hát nữa. Được hơn một năm, người quản gia nói với Mạnh Thường quân rằng tiền thóc chỉ còn đủ tiêu trong một tháng. Mạnh Thường quân tra sổ thấy dân gian thiếu nợ rất nhiều, bèn hỏi các tân khách rằng:

- Ai có thể đến ấp Tiết đòi nợ cho tôi được ?

Người đại xá trưởng nói rằng:

- Phùng tiên sinh chẳng thấy có sở trường gì, nhưng xem ra thì một con người trung thực có thể dùng được. Hôm trước ông ta đã tự xưng làm thượng khách. Vậy ngài hãy dùng xem.

Mạnh Thường quân liền cho vời Phùng Hoan đến nói về việc đi thu nợ, Phùng Hoan nhận lời ngay, không hề từ chối, rồi cỡi xe đi ngay đến ấp Tiết, ngồi ở trong công phủ. Dân ấp Tiết có đến một vạn nhà, phần nhiều đều có vay nợ, nghe Tiết công sai vị thượng khách đến thu, thì đem nộp giả rất nhiều, tính số tiền được lãi hơn mười vạn. Phùng Hoan đem nhiều tiên sai mua rượu và trâu bò, lại cho yết thị phàm nhà nào có nợ Mạnh Thường quân, không kể trả được hay không trả được, ngày hôm sau phải mang giấy đến công phủ để xét. Trăm họ nghe có rượu và trâu bò đều đúng kỳ mà đến. Phùng Hoan đều cho ăn uống no say, rồi nhân đó xét rõ ai giàu ai nghèo. Ăn xong, mang sổ ra xét lại, hiện người nào dư sức, dẫu nhất thời không trả được mà về sau có thể trả được, thì bắt viết văn tự xin tra hạn. Thấy thế, những người nghèo quá không thể trả được đều lạy xin nới rộng kỳ hạn. Phùng Hoan sai đem hết những giấy nợ của bọn người nghèo châm lửa đốt, rồi bảo mọi người rằng:

- Mạnh Thường quân sở dĩ cho các ngươi vay tiền là sợ các ngươi không có tiền để làm sinh kế, chứ không phải vì mưu lợi đâu! nhưng Mạnh Thường quân có mấy ngàn thực khách, bổng lộc không đủ, cho nên bất đắc dĩ phải đòi số nợ lãi để cung tân khách. Nay người có thể trả được thì cho gia hạn, người không thể trả được đã đốt bỏ văn tự đi coi như không có nợ. Mạnh Thường quân làm ơn với ấp Tiết các ngươi co thể gọi là hậu lắm đó!

Trăm họ đều dập đầu nói:

- Mạnh Thường quân thật là cha mẹ chúng tôi!

Trước kh đó có người đem việc đốt giấy nợ báo cho Mạnh Thường quân biết, Mạnh Thường quân giận quá, sai người đi ngay gọi Phùng Hoan về. Phùng Hoan tay không vào yết kiến Mạnh Thường quân, Mạnh Thường quân giả ý hỏi rằng:

- Khách khó nhọc lắm nhỉ, thu nợ xong rồi à ?

Hoan nói:

- Không những tôi đã vì ngài thu nợ, lại vì ngài thu được cả lòng dân nữa.

Mạnh Thường quân biến sắc mặt trách rằng:

- Văn này vì khách ăn trong nhà những ba nghìn người, bỗng lộc không đủ, cho nên phải cho dân Tiết vay để lấy lãi ma chi dùng thêm. Nghe nói khách thu được tiền lãi đem mua nhiều trâu bò rượu thịt cho họ ăn uống, lại đốt bỏ mất một nửa những giấy nợ, thế mà còn nói là để thu lòng người, thì chẳng rõ cái cách thu lòng người gì mà lạ vậy ?

Hoan thưa rằng:

- Xin ngài bớt giận để tôi giãi bày. Ngừơi mắc nợ rất đông, không bày ra cho ăn uống thì chúng không chịu đến đủ mặt, không xét rõ được ai thừa sức và ai nghèo khổ. Kẻ có sức trả thì tôi đã bắt làm giấy khất. Còn kẻ nghèo khổ thì dầu đốc thúc, chúng cũng không trả được, nợ lâu lãi nhiều rồi đến bỏ trốn ấp. Ấp Tiết là đất thế phong của ngài, nhân dân ở đó là những người mà ngài phải cùng chung những lúc yên nguy; nay tôi đốt bỏ những giấy nợ vô dụng đi để rõ tấm lòng ngài khinh của mà yêu dân, cái tiếng nhân nghĩa sẽ lan rộng ra vô cùng, vì thế nên tôi mới nói là đã vì ngài thu lòng người vậy.

Mạnh Thường quân vì phải lo tính đến sự cung nuôi tân khách, trong lòng vẫn lấy làm giận. Nhưng văn tự nợ đã bị đốt cả rồi, cũng không làm thế nào được. Mạnh Thường quân đành phải gượng làm vui, vái tạ Phùng Hoan.

Lại nói Tần Chiêu vương lấy làm hối là đã để Mạnh Thường quân về mất, lại thấy Mạnh Thường quân là con người cơ mưu đáng sợ, lo người ấy đắc dụng ở Tề tất sẽ làm hại cho Tần, bèn đặt điều cho nói ở khắp nước Tề rằng Mạnh Thường quân được nêu cao danh giá trong thiên hạ, nguồi người chỉ biết có Mạnh Thường quân mà không biết có vua Tề; bất nhật Mạnh Thường quân sẽ thay làm vua nước Tề. Lại sai người nói với Khoảng Tương vương nước Sở rằng trước kia sáu nước đánh Tần, một mình quân Tề ở lại sau, vì Sở tự xưng là "tung ước trưởng", Mạnh Thường quân không phục, cho nên không chịu cùng đánh, và khi Hoài vương ở Tần, vua Tần muốn cho về, Mạnh Thường quân sai người đến bảo vua Tần là không nên, vì bấy giờ thái tử nước Sở đang làm con tin ở Tề, cho nên Mạnh Thường quân muốn xui Tần giết Hoài vương đi, rồi về sẽ giữ thái tử lại để cầu Sở phải cắt đất, vì vậy thái tử xuýt không được về, mà Hoài vương phải chết ở Tần, vua Tần có lỗi với SỞ là do Mạnh Thường quân xui nên, cho nên muốn được Mạnh Thường quân mà giết đi, để xin lỗi với Sở, không ngờ hắn lại trốn về mất. Nay hăn lại chuyên quyền ở nước Tề, chẳng sớm thì muộn hắn sẽ cướp ngôi. Hai nước Tần, Sở từ đây chẳng được yên nữa. Nay vua Tần xin hối điều lỗi trước mà kết hiếu với Sở, gả con gái làm vợ vua Sở, để cùng phong bị cái biến Mạnh Thường quân.

Vua Sở lầm nghe lời nói ấy, bèn thông hoà với Tần, đón con gái vua Tần làm phu nhân, rồi cũng sai người đặt điều nói như thế ở Tề. Quả nhiên vua Tề sinh nghi, bèn thu tướng ấn của Mạnh Thường quân, cho về ở ấp Tiết. Các tân khách nghe Mạnh Thường quân bị bãi chức dần dần bỏ đi, chỉ có Phùng Hoan vẫn theo bên cạnh cầm cương xe cho Mạnh Thường quân. Chưa đến ấp Tiết, trăm họ già trẻ đã dắt díu nhau đi đón, tranh nhau dâng rượu cơm và hỏi thăm sức khoẻ. Mạnh Thường quân nói:

- Bây giờ mới thấy rõ câu tiên sinh nói vì Văn này mà thu lòng người vậy.

Phùng Hoan nói"

- Ý tôi không phải chỉ có thế mà thôi! nếu cho tôi được một cỗ xe, thì tôi sẽ làm cho ngài được thêm trọng ở Tề, ấp ăn lộc càng thêm rộng.

Mạnh Thường quân nói:

- Tiên sinh định thế nào tôi xin vâng theo.

Mấy hôm sau Mạnh Thường quân sắm xe ngựa và tiền bạc đưa cho Phùng Hoan và nói rằng:

- Xin để tiên sinh dùng đi đâu tuỳ ý!

Phùng Hoan đi ngay sang Tần, xin vào yết kiến Chiêu Tương vương, nói rằng:

- Kẻ sĩ đến ở Tần đều muốn làm cho Tần mạnh, và làm cho Tề yếu, Tần với Tề thế không cùng mạnh được, nước nào mạnh thì được thiên hạ.

Vua Tần hỏi:

- Tiên sinh có kế gì cho nước Tần trở nên mạnh được không ?

Phùng Hoan nói:

- Đại vương đã biết nước Tề bỏ Mạnh Thường quân chưa ? Tề sở dĩ được thiên hạ xem trọng là vì có Mạnh Thường quân là người hiền tài, vậy mà vua Tề nghe lời dèm pha, thu lại tướng ấn, lấy công làm tội, Mạnh Thường quân tất oán Tề lắm. Nay nhân ngay lúc Mạnh Thường quân đang oán Tề, mà Tần mời sang làm tướng, thì bao nhiêu việc kín của Tề, Tần sẽ biết hết, nhân đó mà lấy cả nước Tề cũng được, há phải là chỉ mạnh hơn Tề mà thôi đâu ? đại vương nên kíp sai sứ đem lễ vật ngầm sang đón Mạnh Thường quân ở ấp Tiết, chớ nên bỏ lỡ cơ hội. Vạn nhất vua Tề biết hối mà lại dùng Mạnh Thường quân, thì trong hai nước Tề và Tần, nước nào mạnh yếu chưa thể định được!

Bấy giờ Vu Lí Tật mới mất, vua Tần nóng muốn được một vị hiền tướng, nghe lời Hoan nói thì cả mừng, bèn lấy mười cỗ xe tốt, trăm dật hoàng kim, sai sứ giả đem nghi trượng thừa tướng đi theo để đón Mạnh Thường quân, bảo phải đi ngay chớ nên dùng dằng.

Phùng Hoan bèn đi gấp về Tề, không vào chào Mạnh Thường quân vội, trước đến yết kiến vua Tề nói rằng:

- Tần và Tề tranh nhau mạnh yếu hơn thua như thế nào, vua đã biết. Được người hiền tài thì mạnh, mất người hiền tài thì yếu. Nay tôi nghe người ta nói vua Tần thấy Mạnh Thường quân bị bãi thì lấy làm may lăm, sai sứ sang đón về làm tướng. Nếu Mạnh Thường quân làm tướng quốc nước Tần thì sẽ đem những điều lợi cho Tề mà làm lợi cho Tần, như vậy thì Tần trở nên mạnh, mà Lâm Tri, Tức Mặc thì nguy đến nơi rồi!

Vua Tề ra vẻ sợ hãi hỏi rằng:

- Như vậy thì biết làm thế nào ?

Phùng Hoan nói:

- Sứ Tần sớm chiều sẽ đến ấp Tiết, nhân lúc họ chưa đến, đại vương nên lại dùng Mạnh Thường quân làm tướng, ban rộng thêm ấp phong, Mạnh Thường quân tất mừng mà nhận. Sứ Tần dẫu mạnh, lẽ nào chẳng nói với vua mà dám tự tiện đón vị tướng quốc của người ta ư ?

Mân vương khen phải, nhưng thực ra trong lòng vẫn chưa tin, bèn sai người đi đến nơi biên cảnh dò xét hư thực, thì thấy xe ngựa ầm ầm kéo đến, hỏi ra thì quả là sứ Tần. Sứ giả luôn đêm về nói với Mân vương, Mân vương liền sai Phùng Hoan cầm cờ tiết đi đón Mạnh Thường quân, rồi cho phục chức tướng quốc, lại phong thêm cho một nghìn hộ. Sứ giả Tần đến ấp Tiết, nghe Mạnh Thường quân đã lại làm tướng nước Tề, bèn quay xe trở về. Khi Mạnh Thường quân đã trở lại làm tướng nước Tề, thì những tân khách trước bỏ đi đều lại quay về cả. Mạnh Thường quân bảo Phùng Hoan rằng:

- Văn nay đối với tân khách không dám có điều gì thất lễ, mà khi bị bãi chức, khách đều bỏ Văn này mà đi. Nay nhờ tiên sinh mà Văn này lại được phục chức, tân khách còn mặt mũi nào mà thấy Văn nữa ?

Phùng Hoan đá rằng:

- Vinh nhục thịnh suy là lẽ thường ở đời. Ngài không thấy cái chợ ở nơi đô hội lớn đó ru ? sớm ra thì ai nấy chen vai tranh cửa mà vào, đến chìều thì vắng ngắt như bãi tha ma; vì những cái người ta cần đến không có nữa. Ở đời giàu sang lắm kẻ cầu thân, nghèo hèn chẳng ai buồn hỏi, đó là việc thường ngài còn lại gì!

Mạnh Thường quân lạy hai lạy mà nói rằng:

- Kính xin vâng mệnh!

rồi cứ đãi khách như xưa.

Bấy giờ Ngụy Chiêu vương, cùng Hàn Lý vương hợp binh đánh Tần, Tần sai Bạch Khởi đem quân đón đánh, đại chiến ở Y Khuyết, chém đầu hai mươi bốn vạn, bắt được tướng Hàn là công tôn Hỉ, lấy được ba trăm dặm đất Hà Đông. Chiêu Tương vương cả mừng, cho rằng bảy nước đều xưng vương cả thì tước vương không lấy gì làm lạ, muốn lập riêng đế hiệu để tôn mình lên trên, nhưng lại sợ mang tiếng là đôc tôn, bèn sai người nói với Tề Mân vương rằng:

- Nay thiên hạ đều xưng vương, chẳng biết theo ai, quả nhân ý muốn xưng Tây đế để chủ phương tây, tôn vua Tề làm Đông đế để chủ phương đông, chia đôi thiên hạ, ý đại vương cho là thế nào ?

Mân vương ý chưa quyét, hỏi Mạnh Thường quân, Mạnh Thường quân nói:

- Tần vì ngang ngược, nên chư hầu ghét, nhà vua chớ nên bắt chước.

Được hơn một tháng, Tần lại sai sứ sang Tề ước cùng đánh Triệu, gặp lúc Tô Đại ở Yên đến, Mân vương hỏi ngay về việc cùng Tần xưng đế. Đại thưa rằng:

- Tần không mời nước khác cùng xưng đế, mà chỉ riêng mời nước Tề, là có ý tôn Tề vậy, nếu cự tuyệt thì phật ý Tần, mà nhận thẳng thì bị chư hầu ghét. Vậy xin nhà vua cứ nhận lời mà chớ xưng, để cho Tần xưng trước, chờ khi nào chư hầu phương tây đều đã tuân theo, bấy giờ nhà vua sẽ xưng đế để chủ phương đông, cũng chưa muộn gì. Nếu Tần xưng đế mà chư hầu không phục, thì nhà vua sẽ nhân đó mà bắt tội Tần.

Mân vương theo lời lại hỏi về việc Tần ước Tề cùng nhau đánh Triệu.

Tô Đại nói:

- Xuất quân mà không có cớ thì việc tất không thành. Triệu không có tội gì mà ta đánh, nếu được đất chỉ lợi cho Tần, chứ Tề không có ích gì. Nay vua Tống là người vô đạo, thiên hạ đã gọi là Kiệt Tống, vậy đánh Triệu, không bằng đánh Tống, được đất có thể giữ, được dân có thể sai, mà lại được tiếng là giết kẻ bạo ngược, đó là việc làm của Thang, Vũ ngày xưa vậy.

Mân vương bằng lòng lắm, bèn nhận đế hiệu mà không xưng, rồi hậu đãi Tần mà từ chối việc đánh Triệu. Vua Tần xưng đế mới được hai tháng, thấy Tề vẫn xưng vương, bèn bỏ đế hiệu không xưng nữa.

Lại nói vua Tống bấy giờ tên là Yển, sinh có tướng lạ, mình dài chín thước bốn tấc, mặt rộng một thước ba tấc, mắt như sao lớn, mặt có ánh sáng, sức khoẻ có thể uốn cong nắn thẳng được một cái móc sắt. Đời Chu Hiển vương năm thứ 41, Yển giết anh là Định Thành mà tự lập lên làm vua. Được mười một năm, nhân trong nước có người tìm tổ chim sẻ, thấy trong một cái trứng đã nở được một con cắt con, cho là điềm lạ, đem dâng Yển, Yển sai quan thái sử bói xem hay dở thế nào. Thái sử xem xong tâu rằng:

- Chim nhỏ nhà sinh chim lớn, đó là cái điềm đổi yếu làm mạnh, lập nên nghiệp bá vương.

Yển mừng nói rằng:

- Nước Tống yếu lắm, nếu quả nhân không chấn hưng thì còn chờ đợi ai ?

Rồi kén nhiều tráng đinh, tự huấn luyện lấy, được mười vạn tinh binh, đông đánh Tề, lấy năm thành; nam đánh Sở mở rộng được hơn ba trăm dặm đất; tây lại đánh được Nguỵ, lấy hai thành; diệt nước Đằng chiếm lấy cả nước, rồi sai sứ sang thông hiếu với Tần. Tần cũng sai sứ sang đáp lại. Từ đó Tống trở nên một nước mạnh, cùng Tề, Sở, Tam Tấn ngang hàng. Yển tự xưng là Tống vương, cho rằng anh hùng thiên hạ không ai bằng mình, muốn chóng làm nên nghiệp bá vương; mỗi khi coi chầu, bắt quần thần đều hô vạn tuế; trên thềm hô dưới thềm theo, lính vệ ngoài cửa cũng đều hô theo, tiếng nghe xe đến vạn dặm. Yển lại lấy túi da đựng máu trâu treo lên một cái cần cao, giương cung mà bắn, cung mạnh tên cứng bắn suốt qua cái túi da, máu từ trên không chảy xuống dòng dòng, rồi sai người truyền ngôn ở chợ rằng vua ta bắn trời đắc thắng, để dọa nạt người ở xa. Lại bày cuộc uống rượu suốt đêm, đem rượu ép đổ cho quần thần, nhưng ngầm sai tả hữu lấy nước sôi giả làm rượu để mình uống, quần thần người nào vốn uống được nhiều lúc ấy cũng đều say lả ra không giữ được lễ nữa, chỉ có Yển vẫn tỉnh táo như thường. Những người tả hữu hót nịnh rằng:

- Quân vương lượng rượu như bể, dù uống đến nghìn thạch cũng không say!

Yển lại bắt nhiều phụ nữ để hành lạc, một đêm có thể ngự được mười con gái, sai người nói phao lên rằng tinh thần vua Tống mạnh bằng mấy trăm người, không bao giờ thấy mỏi mệt. Một hôm đến chơi ở gò Phong Phụ, thấy một người đàn bà hái dâu rất đẹp, bèn xây đài Thanh Lăng để đứng trông, rồi hỏi dò thì biết là vợ Hàn Phùgn, con gái họ Tức, bèn sai người đến dỗ Phùng bảo đem vợ hiến mình. Phùng đem chuyện ấy nói với vợ và hỏi có bằng lòng không. Người vợ làm bài thơ để tỏ ý rằng:

Núi Nam có con chim

Núi Bắc chăng lưới bắt

Chim mặc sức bay cao

Lưới kia đành quãng vất.

Vua Tống vẫn cứ yêu mến họ Tức không thôi, sai người đến tận nhà cướp lấy. Hàn Phùng thấy vợ bị bắt đưa lên xe đi, trong lòng đau xót, liền tự sát. Vua Tống đòi họ Tức cùng lên đài Thanh Lăng, bảo rằng:

- Ta đây là vua Tống, có quyền cho người được phú qúi, cũng có quyền cho người được sống hay bắt người phải chết, chồng nàng đã chết, nàng còn về với ai ? nếu nàng bằng lòng quả nhân, thì sẽ được lập làm vương hậu.

Họ Tức lại làm bài thơ để tỏ ý rằng:

Chim có sống mái,

Chẳng theo phượng hoàng,

Thiếp là thứ dân

Chẳng thích Tống vương!

Vua Tống nói:

- Nàng nay đã đến đây, dẫu không muốn thờ quả nhân cũng không thể được.

Họ Tức nói:

- Để cho thiếp tắm gội thay áo, lạy linh hồn chồng cũ, rồi sẽ xin hầu đại vương!

Vua Tống bằng lòng. Họ Tức tắm gội thay áo xong, ngửa trông lên không, chắp tay vái hai vái, rồi từ trên đài đâm đầu xuống đất. Vua Tống vội sai người kéo áo lôi lại nhưng không kịp, trông xuống thì đã thấy nàng tắt hơi rồi, khám trong mình thấy ở giải quần có một bức thư, đại ý nói sau khi chết xin cho đem thi thể cùng chôn một mộ với Hàn Phùng, ở dưới suối vàng sẽ được cám ơn sâu. Vua Tống cả giận, bắt chôn riêng một nơi, cố làm cho hai một cách xa nhau, cho đông tây dẫu trông thấy nhau mà không gần nhau được. Chôn được ba ngày, vua Tống trở về nước. Bỗng một đêm bên cạnh mỗi ngôi mộ có mọc lên một cây văn tử, chỉ trong một tuần, cây ấy mọc cao hơn ba thước, cành lá quấn qúit lấy nhau như một. Có một đôi chim uyên ương bay đậu ở trên cành, giao đầu cùng kêu thương, người trong xóm thương xót bảo nhau rằng đó là oan hồn vợ chồng Hàn Phùng hóa sinh ra vậy, bèn gọi thứ cây ấy là "cây tương tư".

Vua Tống bạo ngược, quần thần có nhiều người can ngăn. Vua Tống căm giận, bèn để cung tên ở bên chỗ ngồi, người nào can ngăn liền giương cung bắn chết, trong có một ngày mà bắn chết ba người là Cảnh Thành, Đái Oo, và công tử Cần. Từ đó cả triều không ai dám can ngăn nữa. Chư hầu gọi vua Tống là Kiệt Tống. Bấy giờ vua Tề nghe lời Tô Đại, sai sứ sang Sở, Ngụy ước cùng đánh Tống để chia ba.

Vua Tần nghe tin giận nói rằng:

- Tống mới cùng Tần kết giao mà Tề đánh, quả nhân tất phải cứu Tống mới được.

Vua Tề sợ quân Tần cứu Tống, hỏi kế Tô Đại.

Đại nói:

- Tôi xin ngăn quân Tần để đại vương được thành công đánh Tống.

Tô Đại bèn đi yết kiến vua Tần nói rằng:

- Nay nước Tề đánh Tống, tôi xin có lời mừng quả nhân. Vua Tề cường bạo không khác gì vua Tống, nay ước cùng Sở, Ngụy mà đánh Tống, cái thế tất đánh lừa Sở, Ngụy. Sở, Ngụy bị lừa tất phải quay về phía tây mà theo Tần, như vậy Tần bỏ một Tống để nhử Tề mà thu được hai nước Sở, Nguỵ vậy. Vì nhà vua có cái lợi ấy nên tôi mừng.

Vua Tần nói:

- Quả nhân muốn cứu Tống, có nên chăng ?

Đại đáp rằng:

- Kiệt Tống bị thiên hạ đem lòng căm giận đều muốn mất đi mà một mình Tần lại cứu, thiên hạ sẽ lại đem lòng căm Tống mà đổi sang căm Tần.

Vua Tần nghe lời, không phái quân đi cứu Tống nữa. Quân Tề kéo đến đất Tống trước; quân Sở, Ngụy cũng lục tục đến họp, tướng Tề là Hàn Nhiếp, tướng Sở là Đường Muội, tướng Ngụy là Mang Mão, ba người cùng họp bàn. Đường Muội nói:

- Vua Tống dâm ngược, lòng ngừời lìa oán, ba nước ta đều có cái thù mất quân mất đất, nên truyền hịch văn, tuyên bố tội ác, để chiêu dụ những dân đất cũ, khiến họ quay dáo lại mà đánh Tống.

Hàn Nhiếp nói:

- Hai ngài nói đều phải cả!

Bèn làm hịch văn kể mười tội lớn của Kiệt Tống: 1. đuổi anh cướp ngôi, được nước không chính; 2. diệt Đằng kiêm đất, cậy mạnh lấn yếu; 3. tham công hiếu chiến, xâm phạm nước lớn; 4. túi da bắn trời có tội với thượng đế; 5. say sưa suốt đêm, không hỏi đến việc chính; 6. cướp lấy vợ người, hoang dâm vô sỉ; 7. bắn giết những bề tôi can ngăn, khiến những người trung lương phải ngậm miệng; 8. tiếm vương hiệu, ngạo mạn tự tôn; 9. riêng nịnh nước Tần, kết oán với các lân quốc; 10. khinh thần thánh ngược nhân dân, không còn giữ đạo làm vua. Hịch văn đến đâu, lòng người đều náo động, ở những nơi của ba nước bị Tống chiếm được, nhân dân đều khong vui lòng theo Tống, nên đâu đấy đều đuổi bỏ quan lại, lên mặt thành tự giữ để đợi quân Tề đến, bởi vậy quân ba nước đến đâu được đấy, thẳng đến thành Chuy Dương. Vua Tống điểm duyệt xa mã, tự lĩnh đạo trung quân, cách thành mừơi dặm đóng binh, để phòng giữ quân ba nước đánh úp. Hàn Nhiếp sai tướng bộ hạ là Lư Khâu Kiệm sai mấy tên quân to tiếng, đứng trên xe cao, kể mười tội của Kiệt Tống. Vua Tống cả giận, sai tướng quân là Lư Man ra thành đánh qua vài hợp. Lư Khâu Kiệm thua chạy, Lư Man đuổi theo, Kiệm bỏ hết xe ngựa khí giới lật đật chạy trốn. Vua Tống lên trên lũy, trông thấy quân Tề đã thua, mừng nói rằng:

- Đánh lui được quân Tề, thì Sở, Ngụy chẳng còn làm gì đươc.

Bèn đem hết quân ra đánh, thẳng bức dinh Tề. Hàn Nhiếp lại nhường một trận, lui ra ngoài hai mươi dặm đóng trại, sai hai quân Đường Muội và Mang Mão chia hai đường tả hửu lẻn đánh mặt sau đại dinh vua Tống. Hôm sau, vua Tống tửởng là quân Tề không thể đánh được nữa bèn đem hết quân tiến đánh. Lư Khâu Kiệm dùng hiệu cờ Hàn Nhiếp, bày ra trận thế để chống giữ. Từ giờ thìn đến giờ ngọ, đánh nhau hơn ba mươi lần, vua Tống quả nhiên là người anh dũng, một tay chém chết hai mươi viên tướng Tề, binh sĩ chết mất hơn trăm, tướng Tống là Lư Man cũng chết trận. Lư Khâu Kiệm lại thua to bỏ chạy, bỏ lại vô số xe ngựa và khí giới; quân Tống tranh nhau cướp lấy. Bỗng có thám tử báo rằng quân địch đánh úp thành Chuy Dương rất gấp, hỏi dò ra là hai quân Sở, Ngụy. Vua Tống cả giận, vội quay quân trở lại, đi chưa được năm dặm, bỗng có một đạo quân xông ra, quát to lên rằng:

- Thượng tướng nước Tề là Hàn Nhiếp ở đây , đứa hôn quân vô đạo kia sao không đầu hàng đi!

Hai tướng tả hữu vua Tống là Tái Trực, Khuất Chí Cao đều đem quân ra, Hàn Nhiếp hăng hái ra oai, chém chết ngay Chí Cao ở dứơi xe; Tái Trực không giao phong, bảo hộ vua Tống vừa đánh vừa chạy, về đến dưới thành Chuy Dương. Tướng giữ thành là công tôn Bạt nhận được quân mã của nhà, mở cửa cho vào. Ba nước họp quân đánh phá, ngày đêm không nghỉ. Bỗng lại có một đạo quân kéo đến, tức là Tề Mân vương, sợ Hàn Nhiếp không thành công, thân suất đại tướng Vương Chúc, thái sử Hiểu dẫn ba vạn quân đến giúp sức. Quân Tống biết vua Tề thân đốc quân, đều sợ hãi mà sinh nản lòng cả, lại vì vua Tống không thương quân lính, ngày đêm chỉ đốc thúc canh giữ mà chẳng có ân hưởng gì, nên đều oán giận. Tái Trực bảo vua Tống rằng:

- Thế quân địch rất mạnh mà lòng người lại sinh biến, chi bằng đại vương hãy bỏ thành tạm tránh đến Hà Nam, rồi sẽ lo khôi phục sau.

Vua Tống bấy giờ trong lòng buồn bực, cái chí muốn đồ bá tranh vương đã nguội ngắt như tro tàn, bèn than thở một hồi, rồi cùng Tái Trực nửa đêm bỏ thành mà trốn. Công tôn Bạt dựng cờ hàng, đón vua Tề vào thành, vua Tề vỗ yên trăm họ, một mặt sai quân lính đuổi theo vua Tống. Đến Ôn ấp thì đuổi kịp, trước bắt Tái Trực chém chết, vua Tống nhảy xuống ngòi Thần Nông, không chết, bị quân lính lôi ra chém đầu đưa về Chuy Dương. Tề, Sở, Ngụy bèn cùng diệt Tống, chia đất làm ba. Khi quân Sở, Ngụy đã đi rồi, Mân vương nói:

- Việc đánh Tống này, công Tề nhiều hơn, vậy Sở và Ngụy sao được nhận đất ? bèn đem quân ngậm tăm theo sau Đường Muội, đánh úp quân Sở ở Trùng Để, thừa thắng tiến mãi, thu lấy cả đất Hoài Bắc, lại lấn đánh Tam Tấn được thắng lợi luôn. Sở, Ngụy căm giận vua Tề phụ ước, quả nhiên đều sai sứ cầu phụ nước Tần. Tần lại cho đó là cái công của Tô Đại.

Tề Mân vương đã lấy được Tống, thì chí khí lại càng kiêu căng, sai sứ đi dụ vua ba nước Vệ, Lỗ, Trần, ép phải xưng thần vào triều. Ba nước sợ oai phải theo. Mân vương nói:

- Quả nhân chiếm Yên diệt Tống, mở đất hơn nghìn dặm, đánh Lương cắt Sở oai lừng khắp chư hầu, Lỗ, Vệ đều đã xưng thần. Mai kia sẽ đem một toán quân lấy đất của hai nhà Chu, dời chín đỉnh đến Lâm Tri, xưng hiệu là thiên tử để ra lệnh cho thiên hạn, ai còn dám không theo.

Mạnh Thường quân can rằng:

- Vua Tống vì kiêu căng cho nên Tề mới đánh được, xin đại vương nên lấy nước Tống làm răn. Nhà Chu dẫu hèn yếu, nhưng vẫn là vua chung thiên hạ, bảy nước đánh nhau không dám động đến, là vì còn sợ danh nghĩa. Đại vương trước kia đã bỏ đế hiệu không xưng, thiên hạ thấy thế đều khen ngợi nước Tề là khiêm nhượng, nay bỗng nảy ra cái chí thay nhà Chu, e không phải là cái phúc của nước Tề.

Mân vương nói:

- Vua Thang đánh Kiệt, vua Vũ đánh Trụ. Kiệt, Trụ, chẳng phải là thiên tử đó ru ? Quả nhân sao không bằng Thang, Vũ, chỉ tiếc ngươi không phải là Y Doãn, Thái Công đó thôi!

Rồi đó lại thu tướng ấn của Mạnh Thường quân. Mạnh Thường quân sợ bị giết, bèn cùng tân khách chạy sang Đại Lương ở nhờ công tử Vô Kỵ.

Vô Kỵ là con bé của Ngụy Chiêu vương, tính người rất là khiêm tốn, qúy trọng kẻ sĩ, niềm nở tiếp đãi tân khách. Một hôm, đang ăn cơm buổi sáng, bỗng có một cho chim cưu bị con chim dao đuổi, vội chui xuống gậm bàn, Vô Kỵ che giấu cho con chim cưu, thấy con chim dao đi rồi, mới thả cho ra. Không ngờ con dao ẩn ở trên nóc nhà, thấy con cưu bay ra thì đuổi bắt mà ăn thịt. Vô Kỵ tự trách rằng:

- Con cưu ấy tránh nạn mà vào với ta, thế mà vẫn bị con dao giết chết, thực là ta phụ con cưu ấy.

Nghĩ vậy rồi cả ngày không ăn, sai các người tả hữu bắt chim dao, được hơn trăm con, mỗi con nhốt vào một cái lồng, Vô Kỵ nói:

- Chỉ có một con dao giết con cưu kia, nỡ nào lại bắt tội lây đến những con dao khác!

Bèn cầm gươm đập lên những cái lồng mà khấn rằng:

- Con nào không giết con cưu kia thì hướng vào ta mà kêu lên, ta sẽ tha cho!

Tất cả chim dao đều kêu, riêng đến một cái lồng, con dao ở trong ấy gục đầu không dám ngửa trông, bèn bắt ra giết chết. Rồi sai mở lồng thả các con khác ra. Người ta nghe việc ấy đều lấy làm kính phục, nói rằng:

- Triệu công tử không nỡ phụ một con chim cưu, thì khi nào lại nỡ phụ người!

Từ đó kẻ sĩ không kể hiền ngu đều theo về đông như chợ, khách ăn trong nhà cũng đến ba nghìn người, cũng như Mạnh Thường quân và Bình Nguyên quân. Nước Ngụy có một ẩn sĩ là Hầu Doanh, tuổi đã hơn bảy mươi, nhà nghèo phải làm chức giữ cửa ở Di Môn. Vô Kỵ nghe tiếng là người thanh khiết và hay có kỳ kế, người trong làng xom đều tôn kính, gọi là Hầu Sinh, bèn đi xe đến tận nhà yết kiến, lấy hai mươi cân hoàng kim làm lễ chào. Hầu Sinh từ chối nói rằng:

- Doanh này yên phận nghèo để giữ mình, không nhận lấy của ai một đồng nào, nay đã già rồi, lẽ nào lại vì công tử mà đổi tiết ?

Vô Kỵ không thể ép được, muốn tỏ ý tôn kính cho tân khách biết, bèn đặt một cuộc đại yến. Đến ngày, tôn thất và các tướng văn tứớng võ nước Nguỵ cùng các quý khách đều đến dự yến. Khi mọi người đã ngồi yên rồi, còn trống ghế thứ nhất ở bên tả, Vô Kỵ bèn sai sắp xê thân hành đến Di Môn mời Hầu Sinh đến dự yến. Hầu Sinh lên xe, Vô Kỵ vái mời ngồi trên, Hầu Sinh không thể nhún nhừơng. Vô Kỵ ngồi bên cạnh để cầm cương, ý rất cung kính. Hầu Sinh lại bảo Vô Kỵ rằng:

- Tôi muốn đến thăm một người bạn là Chu Hợi làm nghề mổ lợn ở trong chợ, công tử có thể cùng đi với tôi được không ?

Vô Kỵ nói:

- Xin cùng đi với tiên sinh!

Rồi đánh xe quặt đường đi vào chợ. Đến cửa hàng thịt, Hầu Sinh nói:

- Công tử hãy tạm dừng xe lại, để già này xuống thăm khách.

Hầu Sinh xuống xe, vào nhà Hợ, cùng Hợi ngồi ở trước bàn thịt nói chuyện với nhau giờ lâu. Hầu Sinh thỉnh thoảng lại nhìn Vô Kỵ, thấy Vô Kỵ vẫn ra ý vui vẻ không chán nản. Bấy giờ mấy chục tên kỵ binh theo hầu, thấy Hầu Sinh nói chuyện mãi, lấy làm tức mình, có đứa chửi vụng, Hầu Sinh cũng nghe tiếng nhưng nhìn Vô Kỵ thì thấy Vô Kỵ vẫn vui vè, bèn từ biệt Chu Hợi, lại lên xe ngồi trên như trước. Vô Kỵ đi từ giờ ngọ mãi đến giờ thân mới về đến phủ, các qúi khách thấy Vô Kỵ thân đi đón khách, lại để trống chỗ để đợi, không biết là vị du sĩ có tiếng ở nơi nào hay sứ thần nước lớn nào, đều một lòng kính cẩn chờ đợi. Chờ mãi không thấy đến, ai nấy đều chán nản. Bỗng nghe báo công tử đã đón khách về đến nơi, mọi người đều đứng dậy chờ xem khách là người nào. Khi khách vào, chúng đều ngước mắt nhìn xem, thì thấy một ông già râu bạc, áo mũ mộc mạc, mọi người đều kinh ngạc. Vô Kỵ dẫn Hầu Sinh giới thiệu với khắp mọi người, ai nấy mới biết là người giữ cửa Di Môn, đều không bằng lòng. Vô Kỵ mời Hầu Sinh ngồi ghế đầu, Hầu Sinh không hề nhún nhường. Khi uống rượu đã nửa chừng, Vô Kỵ tay nâng chén rượu mời Hầu Sinh, Hầu Sinh đón lấy và nói rằng:

- Tôi đây là một kẻ lại giữ cửa quan, công tử đã hạ mình đến đón, chờ lâu ở trong chợ, lại cho ngồi trên các tân khách, về phần tôi thực là quá phận. Sở dĩ tôi làm ra như thế, là muốn cho công tử được tiếng là biết nhún mình quí kẻ sĩ vậy!

Các qúi khách đều cười thầm rồi tiệc tan. Từ đó Hầu Sinh là thượng khách của Vô Kỵ. Hầu Sinh nhân đó mà tiến cử Chu Hợi, Vô Kỵ mấy lần đến yết kiến, nhưng Chu Hợi tuyệt không đến đáp lễ, mà Vô Kỵ cũng không lấy làm quái, đủ biết là người phục lòng qúi trọng kẻ sĩ nhường nào!

Bấy giờ Mạnh Thường quân đến Ngụy, ở nhờ Vô Kỵ, đồng thanh đồng khí nên tình ý rất hợp nhau. Mạnh Thường quân vốn chơi thân với Bình Nguyên quân nước Triệu, khuyên Vô Kỵ kết giao với Bình Nguyên quân, Vô Kỵ lại đem người chị gả cho Bình NGuyên quân làm phu nhân. Từ đó Triệu, Ngụy thông hiếu với nhau, có Mạnh Thường quân đứng giữa làm môi giới.

Mân vương nước Tề từ sau khi Mạnh Thường quân bỏ đi, lại càng kiêu căng, muốn thay nhà Chu làm thiên tử. Bấy giờ ở nước Tề sinh ra nhiều điềm quái dị, trời mưa ra máu trong khoảng vài trăm dặm, ướt cả áo người đi đường, tanh hôi lạ thường; lại đất nẻ vài trượng, nước suối chảy ra; lại có người đến cửa quan mà khóc, chỉ nghe thấy tiếng, mà không thấy hình. Nhân dân lấy làm lo sợ, các quan đại phu là Hồ Cáng, Trần Cử đều lần lượt vào can ngăn Mân vương và xin gọi Mạnh Thừơng quân về. Mân vương đều tức giận đem giết chết cả, sai phơi thây ngoài đường đi, để bịt miệng những người muốn can. Vì vậy bọn Vương Chúc, Thái Sử Hiểu đều xưng bệnh từ chức, về ẩn ở làng xóm.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK