• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

PHẦN THỨ BA

ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)

Chương VII

THỜI KỲ XÔVIẾT

VIII- NHỮNG BÀI HỌC CỦA PHONG TRÀO XÔVIẾT

Phong trào Xôviết tại miền bắc Trung Kỳ, mặc dù chỉ có ở trong hai tỉnh, nhưng có một tầm quan trọng lớn lao không những trong phạm vi Đông Dương, mà trong tất cả các nước, đặc biệt là các nước thuộc địa. Toàn bộ sự nghiệp của các Xôviết đã chứng minh cho những người lao động trên khắp thế giới thấy rõ những thành quả mà họ đã giành được bằng sức đấu tranh cách mạng của bản thân mình dưới sự lãnh đạo của người bạn đồng minh và nhà lãnh đạo chắc chắn nhất của họ: giai cấp vô sản mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản.

Các Xôviết đã hoàn thành được một sự nghiệp vĩ đại trong khoảng thời gian vài tháng. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong thời gian ấy, những người cộng sản không phạm phải sai lầm. Chúng ta cần phải rút ra từ phong trào Xôviết những bài học bổ ích nhất. Một mặt, chúng ta cần phổ biến rộng khắp trong quảng đại quần chúng nhân dân những mặt tích cực trong công tác của chúng ta để chứng tỏ cho họ thấy rõ chúng ta là người duy nhất bảo vệ một cách trung thành lợi ích của họ; mặt khác, chúng ta phải nghiên cứu những sai lầm của chúng ta để sau này khỏi vấp lại. Nhìn nhận sai lầm và nhược điểm không phải là cái gì xấu đối với những người cộng sản, bởi vì phương pháp tự phê bình thực sự cách mạng luôn luôn là một trong những nét đặc thù nhất thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa bônsơvích đối với những học thuyết tư sản, và là một trong những bảo đảm cho thắng lợi sau này của chúng ta. Mác và Lênin đã từng nói rằng chỉ những đảng cách mạng chân chính mới có thể tiến hành tự phê bình mà không tan rã. Tự kiểm điểm những thành công và nhược điểm của mình, tức là chúng ta đi theo đường lối đúng đắn của Đảng Bônsơvích vạch ra.

Phong trào Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ cống hiến cho chúng ta rất nhiều bài học. Đấy là những bài học không những chỉ bổ ích cho những người cộng sản Đông Dương, mà cả cho phong trào cách mạng quốc tế nữa.

* * *

Theo ý chúng tôi, những bài học chủ yếu của phong trào Xôviết là:

1. Phong trào Xôviết là đỉnh cao nhất của cuộc đấu tranh cách mạng ở Đông Dương trong những năm 1930 - 1931 về mặt số lượng cũng như chất lượng. Về mặt số lượng, đặc điểm của phong trào lúc này là có nhiều cuộc biểu tình nông dân và bãi công công nhân, trong đó tháng 9 là tháng đầu tiên của phong trào khởi nghĩa đã chiếm vị trí hàng đầu. Tháng 9 có: 19 cuộc bãi công (ước độ 1/5) trong số 98 cuộc, với 7.250 người tham gia (tức 1/4) trong số 31.680 người suốt cả năm 1930; 133 cuộc biểu tình nông dân (tức) trong số 400 cuộc với 166.070 người tham gia (nghĩa là quá 1/2) trong số 310.413 người suốt cả năm 1930. Phong trào còn có một đặc điểm nữa là các cuộc biểu tình quần chúng có lúc lên tới hai, ba vạn người như ở Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Về mặt chất lượng, đặc điểm của phong trào không những là ở mục đích khởi nghĩa đánh đổ phong kiến và đế quốc, và giành chính quyền của nó, mà còn ở phương pháp tổ chức của nó, ở tính chất phong phú trong các hình thức lãnh đạo của những người cộng sản, ở sự tham gia của quần chúng ngay trong thời gian chuẩn bị cũng như trong quá trình đấu tranh, ở việc thu hút mọi tầng lớp nhân dân lao động đông đảo vào cục diện đấu tranh, ở những phương tiện đấu tranh muôn hình muôn vẻ của quần chúng, ở tinh thần chiến đấu của những người khởi nghĩa, ở sự đồng tình của binh lính, ở sự liên minh khăng khít giữa công nhân và nông dân.

2. Mặc dù nói chung tính chất phản đế của phong trào nổi bật hơn tính chất phản phong kiến, nhưng phong trào Xôviết vẫn không vì thế mà không phải là tượng trưng sinh động nhất, cụ thể nhất của mối quan hệ chặt chẽ giữa đấu tranh phản đế với cách mạng ruộng đất; việc quần chúng khởi nghĩa tiến về Vinh, Bến Thủy, những đợt tấn công liên tiếp vào các cơ quan hành chính dưới khẩu hiệu “đánh đuổi đế quốc”, những cuộc khởi nghĩa và biểu tình chống chính quyền phong kiến nhằm tịch thu công điền công thổ và ruộng đất của địa chủ, những sự kiện đó chứng tỏ rằng quần chúng lao động Đông Dương, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không những đã hiểu rõ sự cần thiết phải đấu tranh nhằm thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng: tư sản dân chủ, mà còn thực hiện được từng phần những nhiệm vụ ấy trong ba huyện nữa. Chính nội dung đặc thù ấy (phản đế và cách mạng ruộng đất) phân biệt phong trào Xôviết do những người cộng sản lãnh đạo với phong trào phản đế đơn thuần do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo hồi tháng 2-1930.

3. Những Xôviết đã thiết lập được tại ba huyện Nghi Lộc, Thanh Chương và Nam Đàn đồng thời là cơ quan chính quyền. Những Xôviết ấy là cơ quan chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân (dưới bá quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân). Tuy ba huyện có rất ít công nhân, nhưng nếu cho rằng các Xôviết ấy chỉ đơn thuần là cơ quan chuyên chính của giai cấp nông dân như một số đồng chí nói thì hoàn toàn sai lầm. Đánh giá như thế là trái với thực tế và cũng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (đội tiền phong của giai cấp vô sản) trong các Xôviết. Đối với những người lao động bị bóc lột thì những Xôviết là cơ quan chính quyền của họ, bởi vì họ đã thiết lập nền chuyên chính dân chủ cách mạng của họ thay thế bè lũ phong kiến, địa chủ và hào lý (tất cả đều đại diện cho chính quyền đế quốc Pháp và triều đình Huế) mà họ đã lật đổ được bằng khởi nghĩa vũ trang. Việc thiết lập chính quyền Xôviết công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản còn có nghĩa là quảng đại quần chúng lao động đã hiểu rõ bản chất phản động của nhà nước tư sản, tức “một công cụ thống trị giai cấp, một công cụ nô dịch của giai cấp này đối với giai cấp khác, là sự thiết lập một “trật tự” công việc để hợp pháp hoá và củng cố công cuộc nô dịch đó, trong khi làm dịu tính xung đột giữa các giai cấp” (Lênin: Nhà nước và cách mạng); thiết lập chính quyền Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ còn có nghĩa là Đảng Cộng sản chúng ta đã có thể làm cho đông đảo quần chúng lao động trong nước hiểu rõ không nên có ảo tưởng về cái gọi là dân chủ tư sản, dân chủ chân chính chỉ có thể là sự nghiệp cách mạng của bản thân mình, muốn đạt tới mục đích đó, “trước hết phải tìm mọi cách không phải chuyển bộ máy quan liêu và quân sự sang tay kẻ khác - như đã xảy ra từ trước tới nay - mà đập tan nó đi. Đó là điều kiện tiên quyết của mọi cuộc cách mạng nhân dân...” (Thư của Mác gửi Cughenman).

4. Phong trào Xôviết một lần nữa đã vạch trần một cách thực sự mặt nạ của những lý luận phản động của bọn tờrốtxkít phủ nhận vai trò cách mạng của nông dân và cho rằng sự xung đột giữa giai cấp vô sản và nông dân là không thể tránh khỏi.

Trong phong trào Xôviết, nông dân đã đấu tranh rất kiên quyết chống chế độ phong kiến và đế quốc.....[37]. Giai cấp vô sản, thông qua Đảng Cộng sản của mình, đã lãnh đạo và chuyển biến các cuộc biểu tình của những người “nhà quê” tỏ tình đoàn kết với công nhân bãi công Bến Thủy thành những cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, giành ruộng đất; sau đó nông dân khởi nghĩa lại ủng hộ công nhân (công nhân đồn điền Pharuy, công nhân thất nghiệp Bến Thủy) bảo vệ yêu sách của họ. Phong trào Xôviết chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng liên minh công nông (dưới bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản) là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất để hoàn thành tốt đẹp cuộc cách mạng phản đế và phản phong kiến ở Đông Dương.

5. Đặc điểm của phong trào Xôviết còn hiểu hiện trong sự đồng tình của binh lính đối với những người khởi nghĩa. Sự đồng tình đó chứng tỏ rằng:

a) Những lý thuyết cơ hội chủ nghĩa xem binh lính như kẻ thù của nhân dân lao động, chẳng những là sai lầm mà còn là nguy hại nữa.

b) Công tác binh vận của Đảng Cộng sản đã đem lại kết quả.

c) Chúng ta có nhiệm vụ phát triển sâu rộng và có hệ thống công tác tuyên truyền và tổ chức trong binh lính.

Chúng ta phải kiên trì giải thích có hệ thống cho những người lao động hiểu rõ rằng binh lính (người bản xứ, người Pháp hay người thuộc địa) không phải là kẻ thù của chúng ta, chính họ cũng xuất thân từ giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. Nếu binh lính thường hay đóng vai trò những kẻ tàn sát phong trào cách mạng, như vậy không phải vì họ là tay sai thực thụ của các giai cấp thống trị, mà chỉ vì trình độ giác ngộ giai cấp của họ còn chưa thật cao. Điều đó đề ra cho những người cộng sản nhiệm vụ phải nâng cao tinh thần chiến đấu cho binh lính, lôi cuốn họ vào trong công cuộc đấu tranh cách mạng. Chúng ta không nên quên rằng không có binh lính ủng hộ thì rất khó mà chiến thắng được.....[38] “đấu tranh vì quân đội”; “.....[39] rõ ràng, nếu cách mạng không có tính chất quần chúng và không tranh thủ được quân đội, thì không thể nào nói tới một cuộc đấu tranh nghiêm chỉnh được. Rõ ràng công tác trong quân đội là cần thiết” (Lênin).

6. Tinh thần chiến đấu gương mẫu mà quần chúng lao động đã biểu thị trong phong trào Xôviết là một miếng đòn đánh thẳng vào mặt những người cầm đầu cơ hội tiểu tư sản trước đây của Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, những kẻ luôn luôn đánh giá thấp sáng kiến và chí hy sinh của quần chúng, luôn luôn khẳng định - dĩ nhiên là sai lầm - rằng quần chúng không giác ngộ, quần chúng chưa muốn đấu tranh, v.v.. Chẳng những các tầng lớp tiên tiến trong nhân dân lao động tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng, mà làn sóng cách mạng còn lôi cuốn được cả những tầng lớp rất chậm tiến nữa. Tất cả những sự kiện đó xác minh một lần nữa rằng người cộng sản cần luôn luôn đem lý luận cách mạng liên hệ với thực tiễn cách mạng, cần luôn luôn là người bảo vệ trung thành lợi ích của quần chúng lao động. Nếu qua thể nghiệm bản thân mà quần chúng thấy được rằng Đảng Cộng sản - như Xtalin nói - biết lắng nghe ý kiến của họ, hết sức quan tâm đến bản tính cách mạng của họ, nghiên cứu cuộc đấu tranh thực tiễn của họ, thì họ sẽ hoàn toàn tin tưởng Đảng và sẽ sẵn sàng chịu đựng mọi thứ hy sinh (kể cả tính mạng của họ nữa) để đi theo Đảng đấu tranh cách mạng).

7. Đồng chí Xtalin, lãnh tụ phong trào cách mạng thế giới, thường nói rằng những người cộng sản cần phải đem lại cho phong trào không những lòng tin tưởng sắt đá, phương hướng và nhận thức sáng suốt về mối liên hệ nội tại của mọi biến cố xảy ra”, mà còn phải nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh của quần chúng nữa. Những người cộng sản Đông Dương đã học tập được rất nhiều ở quần chúng. Có nơi, quần chúng tỏ ra cấp tiến hơn Đảng Cộng sản và có khi đi trước cả hoạt động của Đảng nữa. Điều đó đã làm cho những người cộng sản, qua kinh nghiệm của bản thân thấy rõ mình còn đi sau quần chúng trong những trường hợp như vậy, cho nên họ cần phải cải tiến phương pháp công tác để có đầy đủ khả năng dẫn đầu quần chúng; tự sáng kiến của mình, quần chúng thường sáng tạo ra những phương pháp đấu tranh mới mẻ, sau đó Đảng đã sử dụng và phổ biến rộng rãi, những cuộc mít tinh truy điệu các chiến sĩ cách mạng bị giết chết, việc biểu tình tạm thời phân tán lúc có máy bay xuất hiện, các đội “cảm tử”, các đội tự vệ, v.v. không phải là những chiến thuật do những người cộng sản ngồi tại bàn giấy tưởng tượng ra, mà là những chiến thuật nảy ra trong quá trình đấu tranh với sự cộng tác thường xuyên của bản thân quần chúng. Có nơi, quần chúng đưa ra một số yêu sách bộ phận thích hợp với hoàn cảnh của họ, mà những người cộng sản chưa hề nghĩ tới. Trong khi biến những yêu sách đó thành của mình, Đảng đã học thêm được nhiều khẩu hiệu mới và dùng những khẩu hiệu này huy động quần chúng lao động các nơi khác đấu tranh. Thế là phương pháp và sách lược đều hình thành qua quá trình đấu tranh của bản thân quần chúng. Tất cả những điều đó đã dạy cho các đồng chí chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ càng những mặt tích cực và tiêu cực trong mỗi cuộc chiến đấu của quần chúng nhằm rút ra những bài học tốt nhất cho phong trào cách mạng thế giới nói chung và phong trào cách mạng Đông Dương nói riêng.

8. Phong trào Xôviết đã rung chuyển hàng triệu người bị bóc lột ở thành thị và nông thôn. Ảnh hưởng Đảng chúng ta phát triển rất nhanh chóng. Ngay cả ở những nơi hẻo lánh nhất, người ta cũng bàn luận về chủ nghĩa cộng sản. Không những chỉ có quần chúng công nông hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản và tự nguyện lăn mình vào cuộc đấu tranh cách mạng chống bè lũ đế quốc và địa chủ, phong kiến và hào lý dưới lá cờ của chủ nghĩa Lênin, mà cả những tầng lớp tiểu tư sản đông đảo cũng tham gia đấu tranh cách mạng nữa. Chúng ta đã nói đến những cuộc bãi khoá và biểu tình của học sinh ủng hộ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ. Nhưng những sự kiện đặc sắc nhất trong hoạt động cách mạng của giai cấp tiểu tư sản vẫn là những cuộc bãi công chính trị của giới tiểu thương hàng xáo, hàng bánh ngọt, hàng cá, những cuộc tổng bãi công, v.v.. Những viên chức nhỏ và nghèo túng cũng tỏ cảm tình với phong trào Xôviết. Sau ngày 12-9-1930, một cuộc mít tinh lớn biểu dương tinh thần đoàn kết với những người khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ, đã được tổ chức tại Sài Gòn; thành phần tham dự mít tinh đông nhất là những viên chức nghèo làm việc ở các hãng buôn, công sở hành chính (kể cả toà đốc lý Sài Gòn). Và trong các nhà tù, tù chính trị cũng biểu tình và tuyệt thực để tỏ tình đoàn kết phong trào Xôviết.

Đảng ta đã biết thu hút những người lao động ngoại kiều (nhất là Hoa kiều) vào cuộc đấu tranh.

Mặc dù Đảng ta ít chú ý đến công tác vận động các dân tộc ít người, ảnh hưởng của Đảng vẫn thâm nhập đến những dân tộc bị áp bức và chậm tiến đó. Chúng ta đã có dịp thấy rằng dưới ảnh hưởng của phong trào Xôviết một vài tầng lớp lao động thuộc các dân tộc ít người (công nhân Lào, công nhân nông nghiệp thuộc dân tộc ít người, v.v.) đã tham gia đấu tranh cách mạng.

9. Công tác tổ chức của chúng ta được phát triển và tăng cường đó là một điều đánh dấu phong trào Xôviết. Hồi đầu tháng 2-1930, Đảng ta chỉ có hơn 500 đảng viên, nhưng đến ngày mồng 1-10 thì con số đảng viên đã lên tới 1.600 đảng viên, nghĩa là tăng hơn ba lần (đó là chưa tính số đảng viên ở khắp Nam Kỳ và 10 tỉnh Trung Kỳ).

Song song với sự phát triển phong trào cách mạng ở nông thôn, rất đông nông dân lao động đã gia nhập Đảng và chiếm đa số trong Đảng; tại Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi diễn ra phong trào khởi nghĩa, có 907 và 378 đảng viên, 174 và 122 đoàn viên thanh niên cộng sản (hồi tháng 10-1930 ở Đông Dương có tất cả 1.007 đoàn viên thanh niên cộng sản).

Ảnh hưởng của phong trào Xôviết và những thắng lợi bộ phận của công nhân và nông dân đã tác động tốt đến sự phát triển của phong trào công hội. Trong thời kỳ khởi nghĩa, Đông Dương có 7.482 hội viên công hội phân bố ra như sau:

2.797 ở Bắc Kỳ.

2.045 ở Nam Kỳ.

2.640 ở Trung Kỳ.

Đó là một thành công lớn, bởi vì, cho đến lúc thống nhất Đảng Cộng sản, các công hội đỏ mới tập hợp được vài trăm hội viên mà thôi.

Ảnh hưởng Đảng phát triển rất nhanh chóng nhất là ở trong nông dân. Từ khi thống nhất Đảng Cộng sản cho đến ngày mồng 1-5, số nông dân vào tổ chức chỉ mới hơn 1.000 người. Nhưng ngày mồng 1-9, thì con số đó lên tới 28.000 và đến ngày 1-10 thì lên tới 60.000 người; riêng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ đã có tới 31.718 và 8.000 nông dân được tổ chức vào nông hội.

Công tác vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản phát triển khá nhanh. Trước tháng 9-1930, tại mỗi tỉnh chỉ có một vài phụ nữ lao động ở trong tổ chức. Nhưng trong phong trào Xôviết, tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã có tới 816 và 48 phụ nữ gia nhập các tổ chức cách mạng của phụ nữ. Cần nói thêm rằng, các tổ chức cách mạng khác của quần chúng cũng đều phát triển dưới ảnh hưởng của các Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ.

10. Tình đoàn kết cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản thế giới và của các dân tộc thuộc địa đã vĩnh viễn đập tan luận điệu bi quan của một số đồng chí cho rằng phong trào cách mạng Đông Dương là một phong trào riêng lẻ, không dính líu gì với phong trào quốc tế, cho nên các nhà cách mạng Đông Dương chẳng trông mong gì được ở sự giúp đỡ của các đồng chí quốc tế. Tình đoàn kết quốc tế đó chứng tỏ cho những người lao động Đông Dương thấy rằng cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, và trong khi tham gia phong trào cách mạng Đông Dương, họ đã mặc nhiên tham gia cách mạng thế giới vậy. Và nếu phong trào Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ vẫn đứng vững được trong nhiều tháng mặc dù yếu hơn bọn đế quốc Pháp về mặt lực lượng vũ trang, như vậy là vì những người lao động nước ta đã được nhân dân lao động trên toàn thế giới ủng hộ.

Giai cấp vô sản Pháp là bộ phận đi hàng đầu trong việc ủng hộ phong trào cách mạng Đông Dương. Sự ủng hộ đó của giai cấp vô sản Pháp chứng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng tư sản dân chủ ở Đông Dương.

11. “Cách mạng tiến triển thì đồng thời cũng tạo ra một thế lực phản cách mạng mạnh mẽ và cố kết với nhau, nghĩa là cách mạng buộc kẻ thù phải dùng đến những thủ đoạn tự vệ ngày càng cực đoan; đồng thời cách mạng cũng định ra những phương pháp tiến hành càng ngày càng mãnh liệt hơn” (Mác).

Phong trào cách mạng Đông Dương nói chung và phong trào Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ nói riêng, đã chia Đông Dương thành hai phe đối lập nhau rõ rệt:

a) Khối cách mạng của giai cấp vô sản, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, do Đảng Cộng sản lãnh đạo;

b) Khối phản động của bọn đế quốc Pháp và bè lũ tay sai Pháp (phân bộ Bắc Kỳ của Đảng Xã hội Pháp), tay sai của bản xứ (phong kiến, địa chủ và hào lý, bọn quốc gia cải lương và tất cả các đảng phái chính trị tư sản phản động).

Làng mạc bị đốt sạch, hàng nghìn người bị bắt bớ, hàng nghìn người bị giết chết, đấy là sự nghiệp tội ác của chủ nghĩa đế quốc Pháp trong thời kỳ Xôviết. Chỉ riêng tại Hưng Nguyên, trong ngày 12-9, đã có 250 người bị giết và 1.000 người bị thương. Chính trong thời kỳ Xôviết, chính phủ đế quốc đã lập ra các toà đại lý Pháp tại các huyện và ngay tại các tổng nữa, tăng cường lục quân và hải quân ở Đông Dương, thiết lập hơn 60 đồn binh tại hai tỉnh đỏ và thành lập “dân đoàn”. Ngoài những đợt đem quân đi tiễu trừ, Khâm sứ Trung Kỳ còn ra thêm Đạo luật ngày 8-10-1930, còn tên sát nhân Lơphôn thì đã ra lệnh cho bọn hào lý trừng phạt toàn bộ tất cả những làng nào có hoặc chứa chấp những người cộng sản. Bọn quan lại và hào lý giết hại những người cộng sản không cần xét xử. Giai cấp tư sản bản xứ, thông qua Đảng Lập hiến Đông Dương, đã xin Chính phủ Pháp dùng hơi ngạt chống lại các cuộc biểu tình, tăng ngân sách quân sự, tăng kinh phí mật thám, thành lập những đội lính cơ mới để bảo vệ tài sản cho bọn phú hào. Bọn quan lại, địa chủ, hào lý và phần lớn phú nông đã thành lập Đảng Lý nhân, Hội bảo vệ tài sản tư hữu, v.v. để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Còn bọn xã hội đế quốc ở Bắc Kỳ thì đòi chính phủ đế quốc phải hành động quyết liệt hơn nữa chống phong trào Xôviết.

Trong các thủ đoạn đàn áp, chính phủ đế quốc đã tổ chức chiến dịch “quy thuận” cưỡng bách để chống phá phong trào Xôviết.

Cũng cần nói thêm là chính trong thời kỳ Xôviết, “Liên minh chống cộng ở Viễn Đông” giữa các chính phủ Đông Dương, Hồng Kông, Xiêm, Nam Dương, Philíppin, Nhật Bản và Trung Hoa được tăng cường.

Cả hệ thống khủng bố của chủ nghĩa đế quốc Pháp có ý nghĩa gì đối với những người lao động? Đó là một bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh cho những người lao động thấy rõ những lý luận hợp tác giai cấp do các đảng quốc gia cải lương và bọn xã hội dân chủ truyền bá dẫu chỉ là những điều lừa bịp nhằm làm cho họ xa lìa đấu tranh giai cấp, thấy rõ sự nghiệp giải phóng cho mình phải do tự bản thân mình đảm nhiệm lấy và chỉ bằng con đường đấu tranh cách mạng kiên trì nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, họ mới có thể đạt tới kết quả đó được.

12. Đem so sánh phong trào cách mạng Yên Bái với phong trào Xôviết, chúng ta nhận thấy rằng Việt Nam Quốc dân Đảng là một đảng của những người mưu đồ tiểu tư sản xa rời quần chúng, còn Đảng Cộng sản là một đảng quần chúng thực sự. Công cuộc khởi nghĩa chẳng những không phải chuẩn bị đằng sau con mắt quần chúng như ở Yên Bái mà trái lại, lại xuất phát từ phong trào quần chúng.

Nói chung, các tầng lớp lao động rộng rãi đã tham gia tích cực vào phong trào qua tất cả mọi giai đoạn của nó. Trong khi Yên Bái không được quần chúng lao động ủng hộ rộng khắp, thì ngược lại phong trào Xôviết chẳng những được các giai cấp bị áp bức trong nước ủng hộ, mà còn nòng cốt để cho làn sóng cách mạng phát triển sâu rộng trên toàn cõi Đông Dương.

Phong trào Xôviết đã chứng minh cho những người lao động thấy rõ Việt Nam Quốc gia cách mạng Đảng là không triệt để. Đảng này trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái không nêu lên được một khẩu hiệu nào nhằm bênh vực lợi ích của những người lao động, còn Đảng Cộng sản thì khi đã nắm được chính quyền, liền bắt tay thực hiện cương lĩnh chính trị của mình nhằm đem lại lợi ích cho các giai cấp cần lao. Tất cả những điều đó đã chỉ rõ cho quần chúng bị bóc lột biết rằng chính đảng duy nhất triệt để cách mạng của họ chỉ có thể là Đảng Cộng sản.

13. Đảng ta đã đóng vai trò lớn lao trong phong trào Xôviết. Xứ ủy Trung Kỳ chính là người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo phong trào ấy. Ngay khi được tin thành lập Xôviết, một mặt Ban Chấp hành Trung ương đã phê phán các sai lầm của những người cộng sản Trung Kỳ, nhưng mặt khác, đã huy động quần chúng lao động khắp Đông Dương ủng hộ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ. Chúng ta hãy xem dưới đây Ban Chấp hành Trung ương của Đảng ta đã chỉ thị như thế nào cho đảng viên các tổ chức của Đảng để mở rộng phong trào Xôviết:

“Bổn phận các tổ chức đảng trong cả nước là phải dốc toàn lực ra để bảo vệ tỉnh Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy và biểu tình phản kháng những hành động vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc. Tính mệnh của anh chị em nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh tùy thuộc ở sức ủng hộ của công nhân và nông dân trong cả nước. Nhiệm vụ của tất cả mọi đảng viên là phải ra sức bảo vệ cuộc đấu tranh của nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Nói chung, phải huy động quần chúng đấu tranh xung quanh những khẩu hiệu sau đây:

- Phản đối chủ nghĩa đế quốc tàn sát Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Công nông binh! Hãy đoàn kết lại để bảo vệ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đỏ” (Thông tri của Ban Chấp hành Trung ương với đảng viên).

Tuy biết rằng những điều kiện để tạo ra một tình thế cách mạng thực sự chưa thật đầy đủ, tuy thấy rằng cuộc khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ nổ ra quá sớm, nhưng Ban Chấp hành Trung ương vẫn không chỉ thị cho các đồng chí ở Nghệ An và Hà Tĩnh thoái lui. Trái lại, lại đề nghị các đồng chí đó tăng cường tấn công hơn nữa vào các giai cấp thống trị. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã huy động quần chúng lao động khắp cả nước ra sức ủng hộ cuộc tấn công của công nhân và nông dân miền bắc Trung Kỳ. Điều đó chứng tỏ Ban Chấp hành Trung ương đã quán triệt những nguyên lý bônsơvích nói rằng “trong lịch sử, cũng có những lúc cuộc đấu tranh của quần chúng tỏ ra vô vọng, thậm chí có thể thất bại, nhưng rất cần thiết để giáo dục quần chúng sau này và chuẩn bị cho họ đi vào các đợt đấu tranh mai sau” (Lênin: Lời tựa lần xuất bản tập thư của Mác gửi Cughenman năm 1907), rằng “một khi một khẩu hiệu như thế (nghĩa là khẩu hiệu khởi nghĩa - H.T.C) đã tung ra rồi, mà nếu chúng ta rút lui, quay về với lực lượng tinh thần, quay về tìm điều kiện cải thiện tình thế khởi nghĩa, tìm những lối thoát mới, thì như vậy thật rõ ràng là nhục nhã”, v.v.. Không, mỗi khi khẩu hiệu đã tung ra rồi thì phải gác lại mọi điều quanh co, phải giải thích một cách rành mạch cho quảng đại quần chúng hiểu rõ những điều kiện thực tế gì có thể đưa khởi nghĩa thắng lợi lúc đó (Lênin).

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã căn dặn những người cộng sản ở miền bắc Trung Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng Đảng và các Xôviết trong quần chúng, để nếu thất bại thì quần chúng cũng hiểu được ý nghĩa của các Xôviết và tìm cách giữ vững lực lượng Đảng và các nông hội (Thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ). Ban Chấp hành Trung ương nhận thấy cần phải tổ chức tốt hơn nữa các cuộc biểu tình và mít tinh, cần phải có một kỷ luật chặt chẽ hơn nữa trong khi đấu tranh. Ban Chấp hành Trung ương đã nêu ra các chiến thuật tạm thời phân tán đoàn biểu tình khi gặp máy bay xuất hiện.

Ban Chấp hành Trung ương đã phê phán sai lầm của những người cộng sản ở miền bắc Trung Kỳ trong vấn đề ruộng đất và đặt ra cho Xứ ủy Trung Kỳ nhiệm vụ phải gấp rút giáo dục chính trị cho những người lao động ở các làng Xôviết để họ hết lòng ủng hộ các Xôviết và tự mình hiểu rõ Xôviết là chính quyền của họ.

Trong lúc vẫn kêu gọi củng cố các Xôviết, Ban Chấp hành Trung ương đã nhìn xa hơn và đề ra rằng nếu quân tiễu trừ kéo đến thì các Xôviết có thể tạm thời “giải tán” để lúc chúng rút đi thì lại thành lập lại ngay. Ban Chấp hành Trung ương nhận thấy cần thiết phải huấn luyện quân sự cho các đội tự vệ và cung cấp vũ khí cho họ. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã chỉ thị cụ thể cho Xứ ủy Trung Kỳ tìm cách cải thiện đời sống của những người lao động ở các làng Xôviết về mặt y tế, văn hoá, v.v..

Ban Chấp hành Trung ương quyết định rằng ở các làng đã thành lập Xôviết thì nông hội có thể giải tán, nhưng cần tổ chức những ban chấp hành nông hội bí mật làm nòng cốt để nếu các Xôviết thất bại thì những nông hội đó có thể hoạt động trở lại như trước. Ban Chấp hành Trung ương kịch liệt phê bình Xứ ủy Trung Kỳ không tổ chức công nhân nông nghiệp vào các công hội độc lập của giai cấp. Ban Chấp hành Trung ương còn nhắc nhở Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức lại các tổ chức địa phương nhằm làm cho Đảng Cộng sản thích nghi với những điều kiện hợp pháp mới của chế độ Xôviết, đồng thời chuẩn bị để cho chúng luôn luôn có thể rút vào bí mật bất cứ lúc nào cần đến.

Như vậy là chúng ta thấy rằng tuy có phạm một số sai lầm trong phong trào Xôviết, nhưng Ban Chấp hành Trung ương đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Ban Chấp hành Trung ương đã ra những chỉ thị, nói chung là đúng, cho những người cộng sản ở Trung Kỳ và đã huy động những người lao động khắp cả nước bảo vệ Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nhận được chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Xứ ủy Trung Kỳ đã sửa chữa ngay những sai lầm phạm phải trong những ngày đầu khởi nghĩa và thành lập Xôviết. Sau đó, Xứ ủy đã tiến hành giải thích rõ ràng ở trên báo chí của mình tại sao cuộc khởi nghĩa tuy chưa chín muồi mà đã nổ ra. Nhưng bây giờ, một khi phong trào khởi nghĩa đã phát động thì chẳng những Xứ ủy không lùi bước mà còn tìm cách làm cho nó phát triển thêm sâu rộng hơn nữa. Xứ ủy đã kêu gọi quần chúng đi tập hợp dưới lá cờ của Ban Chấp hành Trung ương để phát triển phong trào cách mạng ở khắp các tỉnh và bảo vệ sự nghiệp các Xôviết. Xứ ủy cũng nhận thấy cần thiết phải tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa (và trước hết là chống khuynh hướng khủng bố cá nhân), vạch trần sự phản bội của đảng cảnh sát Lý nhân, và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng có tính chất tổ chức và kỷ luật hơn.

Theo sáng kiến của Ban Chấp hành Trung ương, các Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng đã huy động quần chúng lao động xung quanh mình để ra đấu tranh bảo vệ hai tỉnh đỏ.

Đảng Cộng sản chúng ta là chính đảng duy nhất ở Đông Dương đã phát động quần chúng lao động khắp cả nước đấu tranh để bảo vệ và mở rộng phong trào Xôviết. Điều đó cũng chứng tỏ rằng các đồng chí chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng lịch sử của phong trào Xôviết, rằng Đảng Cộng sản chúng ta là đội tiền phong duy nhất triệt để cách mạng của những người lao động bị áp bức cả nước.

__

Chú thích:

37. Bản tiếng Pháp mất một số từ (B.T).

38, 39. Bản tiếng Pháp mất một số từ (B.T).

40. Đây là nguyên văn câu trích trong một báo cáo của Đảng dịch ra chữ Pháp (H.T.C).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK