• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

PHẦN THỨ BA

ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)

Chương VII

THỜI KỲ XÔVIẾT

I- MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Thời kỳ vẻ vang nhất trong phong trào cách mạng Đông Dương rõ ràng là thời kỳ Xôviết. Cờ đỏ phấp phới bay suốt nhiều tháng ở ba huyện lớn trong tỉnh Nghệ An đỏ: Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc.

Phong trào Xôviết là đỉnh cao nhất của cuộc đấu tranh cách mạng trong những năm 1930 - 1932. Ảnh hưởng của các Xôviết đã lôi cuốn được đông đảo tầng lớp quần chúng còn chậm tiến trong nhân dân lao động vào cục diện đấu tranh, những người trước tháng 9-1930 còn đang bàng quan với đấu tranh cách mạng.

Chính quyền Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ đã làm cho uy tín Đảng Cộng sản tăng lên rất nhiều trong các tầng lớp quần chúng bị áp bức đông đảo, lòng tin của những người này vào đội tiền phong của họ tăng lên gấp bội. Chính quyền Xôviết đã thu phục được cảm tình chung của những người lao động trên toàn thế giới. Nhưng chính quyền Xôviết, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, đã và sẽ là kẻ thù không thể khuất phục của giai cấp tư sản Pháp và bè lũ chó săn bản xứ. Vì vậy, báo chí tư sản đã ra sức bài xích vai trò lịch sử của chính quyền Xôviết, che giấu sự nghiệp vĩ đại của nó, cố dựng lên cho nó đủ các loại tội ác. Báo chí cộng sản bất hợp pháp của chúng ta thì không phổ biến được rộng rãi trong quần chúng những biện pháp cách mạng đáng ghi nhớ do các Xôviết chủ trương, không phân tích được đầy đủ những bài học và nêu rõ tầm quan trọng lịch sử của những biện pháp đó đối với phong trào cách mạng Đông Dương.

Chính vì thiếu sót đó của báo chí cộng sản chúng ta, nên e chẳng những phần lớn quần chúng lao động đến nay vẫn chưa biết rõ đã có những Xôviết làm lay chuyển chính quyền đế quốc trong suốt hàng tháng tồn tại, mà ngay cả đến một số chiến sĩ có trách nhiệm cũng chưa hiểu rõ các Xôviết đó đại biểu cho cái gì, những Xôviết mà đội tiền phong cộng sản dũng cảm của chúng ta đã có công tổ chức và lãnh đạo.

Đảng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phong trào Xôviết. Cũng như cách mạng Nga năm 1905 và Công xã Quảng Châu năm 1927 đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học phong phú, phong trào khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ cũng đã đưa lại cho các cán bộ mới, nhất là đưa lại cho những người lao động không đảng phái ở Đông Dương nhiều bài học: thành công và sai lầm của phong trào, những phương pháp mới về tổ chức và lãnh đạo quần chúng, những hình thức đấu tranh riêng biệt của những người lao động, tinh thần chiến đấu và hy sinh của họ, mối tương quan giai cấp, v.v.. Đảng ta có nhiệm vụ phải tự mình học tập và phổ cập trong quần chúng những bài học của phong trào Xôviết, để sau này trong công tác, chúng ta không còn vấp lại những sai lầm như cũ và có thể sử dụng những điểm tích cực đã được rút trong thời kỳ khởi nghĩa.

Chính quyền Xôviết đã tồn tại suốt nhiều tháng ở miền bắc Trung Kỳ. Ngay báo chí tư sản cũng buộc phải thừa nhận sự thật ấy. Chẳng hạn Tạp chí L’ Asia française (Pháp Á) số ra tháng 11-1930 viết: “Tất cả khu vực ấy của lãnh thổ (nghĩa là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh - ghi chú của H.T.C) đã bị tách ra khỏi sự bảo hộ của nước Pháp”. Còn tờ Opinion (Công luận) trong số ra ngày 12-12-1930 đã phải thú nhận: “Sự việc xảy ra tại các tỉnh miền bắc Trung Kỳ, Vinh và Hà Tĩnh, không phải là một cuộc nổi dậy nữa, mà là một cuộc cách mạng thật sự. Những người tuyên truyền cho Mátxcơva đã hoạt động sâu rộng đến nỗi ở hai huyện này, người ta đã thiết lập chính quyền Xôviết. Chính quyền của chúng ta hầu như không tồn tại ở hai tỉnh ấy nữa...”.

“... ở nông thôn miền bắc Trung Kỳ, các Xôviết đã tổ chức bộ máy hành chính của họ” (chúng tôi nhấn mạnh - H.T.C).

Thật thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chúng ta, chỉ mới được thiết lập ở ba huyện, nhưng ở các huyện khác thuộc hai tỉnh đỏ ấy, chính quyền thực sự cũng đã nằm trong tay những người lao động rồi, bởi vì bọn hào lý, tức là bọn đại diện chính thức cho quyền lực đế quốc và phong kiến, đã trở thành bất lực trước những người nông dân nổi dậy, những người chỉ còn tuân theo mệnh lệnh của các cấp ủy Đảng Cộng sản và các ban chấp hành nông hội ở xã mà thôi. Kẻ thù vu khống chúng ta, đồng thời chúng cũng buộc phải thừa nhận lực lượng vật chất và tinh thần của chúng ta tại các làng xã Xôviết. Báo Opinion số ra ngày 23-9-1930 đã phải nhìn nhận rằng mặc dù đế quốc khủng bố và gây nên những tội ác tày trời, nhưng chính quyền tại các làng xã vẫn bị tấn công tơi bời:

“Không khí là không khí của các vùng trong thời chiến tranh bên Pháp ngày đêm nơm nớp lo sợ máy bay thả bom...

Khắp tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tại Vinh và Bến Thủy là nơi dân chúng còn đang sống ở trong tình thế phòng ngự thường xuyên... một bản thông tri mật đã được truyền tay khắp những người Pháp cư trú trong thành phố chỉ rõ cho mỗi một người một chỗ trú ẩn nhất định trong trường hợp - báo động.

Hà Tĩnh... đang ở trong một tình trạng hỗn loạn bất thường.

Tại các làng mạc, bọn lý trưởng và chánh tổng chẳng còn chút quyền hành nào, cũng như không còn làm chủ được tài sản và tính mạng nữa...

Mặc dù lính cẩm và lính khố xanh hoạt động ráo riết và khá xông xáo, chính quyền ở làng mạc vẫn bị tấn công tơi bời..." (chúng tôi nhấn mạnh - H.T.C).

Chính quyền Xôviết của chúng ta đứng vững được bốn tháng. Khởi nghĩa bắt đầu từ tháng 9, lan ra nhiều huyện khắp ở miền bắc Trung Kỳ mãi cho đến đầu năm 1931. Các Xôviết tồn tại lâu dài như thế, đó là điều chứng minh hùng hồn rằng phong trào cách mạng năm 1930 rộng lớn biết chừng nào, và Đảng Cộng sản đã được đông đảo quần chúng lao động trong nước ủng hộ biết chừng nào. Sở dĩ khối đế quốc phong kiến không thể dập tắt nổi phong trào Xôviết trong vài ba ngày, chính là vì làn sóng cách mạng không những chỉ nổ ra ở miền bắc Trung Kỳ mà thôi mà còn lan toả khắp Đông Dương nữa, vì binh lính mà bọn cường bạo đế quốc sử dụng để đem đi tàn sát những người lao động khởi nghĩa lại thường đồng tình với anh em của họ đang đấu tranh, vì bọn đế quốc phải trấn áp chẳng những phong trào ở hai tỉnh, mà còn phải trấn áp cả những cuộc đấu tranh anh dũng của hàng triệu con người bị áp bức đang nổi dậy từ nhiều nơi trong nước. Nếu chính quyền Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ đã đứng được hơn bốn tháng, như vậy là nhờ những tinh thần dũng cảm của quần chúng nổi dậy, đặc biệt là nhờ những người cộng sản lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa đã tỏ ra dũng cảm tuyệt vời trước sự tàn sát của bọn đế quốc.

Báo chí tư sản âm mưu bưng bít lực lượng của các Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ, nhưng vẫn buộc phải thừa nhận rằng lực lượng đó đã tồn tại trong nhiều tháng ròng rã. Chẳng hạn báo Opinion đã viết:

“Chúng ta không thể ngăn chặn phong trào đó bằng lực lượng vũ trang bởi vì toàn thể dân chúng đều chống lại chính quyền và quan lại”...“Phong trào không bị dập tắt, bởi vì sau khi đội quân chinh phạt đã rút khỏi, những người còn sống sót trong làng đã từ các bụi rậm và đáy sông nhảy ra và tổ chức lại các Xôviết” (chúng tôi nhấn mạnh - H.T.C).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK