Khi nghe Tế Điên bảo có mùi trộm dưới gầm giường (sàn để hạ), Tô Bắc Sơn vội sai gia nhân đi bắt, lấy cây hươ dưới gầm giường mà không thấy chi hết, báo hại Trần Lượng sợ đến nỗi hồn bay ngàn dặm! Tại sao không hươ trúng Trần Lượng? Thật ra Trần Lượng đã đề khí móc tay chân lên thành giường dán sát người vào đáy giường chịu trận. Gia nhân hươ gậy mấy lượt mà không thấy trúng, Trần Lượng tưởng mình đã thoát được rồi, trong bụng nghĩ: "Sư phó ổng đùa mình đây, chắc là muốn cho người ta bắt mình chớ gì! Phải làm sao đây?".
Kế nghe gia nhân nói:
- Thưa viên ngoại, ở đây có ăn trộm nào đâu, nếu có sao hươ hoài không trúng?
Tế Điên nói:
- Làm gì không có trộm, bây lấy đèn rọi thử coi, hoặc giả tụi bây bốn đứa nắm chân giường bật ngửa xem có không thì biết. Ta nói có thì có mà.
Tô viên ngoại bèn bảo bốn tên gia nhân cầm chân giường bật ngửa lên, Trần Lượng không còn ngả nào trốn được nữa bèn cầm dao phóng ra ngoài, mọi người sợ hết hồn. Hai bên gia nhân lấy cây cản lại, dao của Trần Lượng chém dính vào cây côn gỗ, mọi người đổ xô đến vây chặt. Trần Lượng sợ quá không cách nào hơn là bỏ dao chạy thoát thân, nhảy vút ra ngoài. Bọn gia nhân hò reo:
- Bắt lấy nó!
Trần Lượng đã tót lên nóc nhà co giò chạy trối chết, ra đến bên ngoài, lựa chỗ vắng vẻ, thay bộ đồ dạ hành đi, kiếm chỗ nghỉ đỡ chờ đến sáng. Trời đã sáng tỏ, Trần Lượng bước tới trước nhà Tô viên ngoại xem thử, vừa tới cổng, thấy cửa lớn mở ra, từ bên trong Tô Phước đi ra, miệng nói lảm nhảm:
- Bây giờ viên ngoại đuổi ta rồi, ta biết ở đâu đây.
Tô Phước đang lảm nhảm than thở thì Trần Lượng đi tới nói:
- Ê, đứng lại coi, ta muốn đánh mi đây!
Nói rồi chộp áo Tô Phước lại tung quyền đánh tới tấp, đang lúc tên ác nô bị đánh tới tấp, năn nỉ xin tha mạng, Trần Lượng đánh tới hồi cao hứng thì đằng kia đi lại hai vị, một vị nói:
- Hai anh đừng đánh nhau nữa, mới sáng sớm mà đã có chuyện xích mích rồi! Thôi, đừng đánh nhau làm chi!
Trần Lượng nghe can bèn nói:
- Hai vị có lời khuyên, bọn tôi đâu dám không nghe, lời tục có nói: Trước sân mọc cỏ lạ, việc tốt chẳng bằng không! Đã có hai vị khuyên, bọn tôi xin cám ơn!
Hai người ấy thấy lời khuyên của mình có hiệu quả bèn bỏ đi, trước khi đi, hỏi:
- Có phải Tô quản gia có đó không, hai người sao đánh nhau dữ vậy?
Tô Phước nói:
- Tôi cũng chẳng biết tại sao? Tôi với anh này đâu có quen, cũng chẳng có điều gì thù oán! Sáng nay tôi dậy sớm, mới từ trong nhà đi ra, gặp anh này kêu tôi đứng lại và níu tôi mà đánh, tôi cũng không biết tại nguyên cớ gì!
- Thôi, Tô quản gia đi đi.
Tô Phước cũng không dám ở lại, đánh thì đánh không lại mà đi cũng đi không được, nghe nói vậy lật đật bước đi. Tô Phước đi khỏi thì Dư Thông trong nhà viên ngoại cũng lò dò ra cửa, đúng ra Tô Bắc Sơn định đưa bọn họ lên nha môn xử tội, nhưng Tế Điên nói:
- Không cần phải thế, hai đứa nó đã hết lời năn nỉ, ta dạy cho chúng nó biết mùi khổ chút đỉnh thôi, nếu không chịu chừa bỏ, lần sau sẽ bị ác báo!
- Đã có sư phó xin cho tụi nó, tôi cũng không làm khó dễ chi.
Đến sáng hôm sau, Tô gia chủ bảo gia nhân thả họ ra. Thả Tô Phước ra trước, lát sau mới đến lượt Dư Thông. Vừa mới ra cửa, Trần Lượng gặp mặt tức thì cơn giận nổi lên, trong bụng thầm nghĩ: "Hay dữ a! Nếu không có hai thằng này thì ta đâu có mạo hiểm như hồi hôm?". Nghĩ rồi xôm xôm bước tới níu Dư Thông lại, chẳng nói chẳng rằng cung tay đánh liên hồi, đánh đến nổi áo rách sút dây, bò lê trên đất. Dư Thông bị trận đòn này nặng hơn Tô Phước khi nãy. Vừa hay có một người đi qua đường khuyên giải, Trần Lượng mới chịu ngưng tay và nói:
- Xong rồi.
Dư Thông cũng không biết ấp giáp gì ráo, chỉ cố nhịn đau mà bước. Trần Lượng đứng đó một lát, không bao lâu Tế Điên từ trong nhà ra, trong tay cầm con dao của Trần Lượng. Tô viên ngoại nói:
- Bạch sư phó, người ăn cơm rồi hãy đi, cần gì phải về chùa sớm?
- Ta cần phải về chùa mới yên bụng được. Hơn nửa tháng nay ta chưa về chùa.
Nói rồi bước ra cửa. Đi một quảng không xa, Trần Lượng lật đật đi theo. Thấy bốn phía không có ai, muốn đến xin lại con dao mà không dám. bỗng nghe Tế Điên nói:
- Ngươi thật là lớn mật! Muốn tới ta xin lại dao mà không dám tới. Ta lấy dao đâm ngươi à! Việc thấy trước mắt hãy còn là giả, lời nghe qua tai chắc chi là thật? Vô cớ mà muốn giết đi cả nhà người ta lại chẳng biết thật giả gì ráo! Ta đem con dao này bán đi, ai muốn mua ta bán quách cho rồi!
Có một người chuyên bán đồ cổ, tự bút, sách vở, đao thương… nghe Tế Điên nói như vậy bèn bước tới xem. Con dao chuyên là thứ thuần thép luyện thành. Xem rồi bèn hỏi:
- Thưa sư phó, lão nhân gia muốn bán con dao này bao nhiêu tiền, tôi xin mua.
- Ông đưa ta tiền hai bầu rượu rồi cầm nó đi đi.
- Thưa sư phó, người muốn uống thú rượu bao nhiêu tiền một bầu?
- Ta muốn uống thứ rượu một lượng một bầu.
Người kia nghe nói, cười cười bỏ đi thẳng. Trần Lượng đi theo Tế Điên đến Lãnh Tuyền đình ở Tây Hồ bèn đến trước Tế Điên, quỳ xuống nói:
- Bạch sư phó, tôi chỉ một chút hồ đồ đã làm những chuyện bậy bạ, xin lão nhân gia từ bi xá tội cho!
- Thôi, ngươi đứng dậy đi, lượm con dao lên rồi theo ta về chùa.
Trần Lượng vâng dạ rồi cùng theo sau Tế Điên. Về đến chùa Linh Ẩn thấy có vị môn đầu tăng (giữ cửa), Tế Điên nói:
- Này hai sư đệ, tôi mới thâu nhận một đứa đệ tử, hai vị xem thử thấy có được không?
Tịnh Minh vội nói lia lịa:
- Xin chúc mừng, chúc mừng! Xin mời sư huynh vào! Cũng phải dẫn nó ra mắt chư vị chứ!
- Này Trần Lượng! Ngươi hãy đến cúi đầu ra mắt sư thúc đi.
Môn đầu tăng chỉ nói: - Không dám.
- Sư đệ không nên khách sáo làm gì. Nó đã cúi đầu vái chào rồi thì hai vị cứ nhận lễ đi, rồi cho đồ điệt một ít tiền.
- Không có, không có! Ở đây làm gì có tiền. Sư huynh đừng giả ngộ chứ!
Tế Điên dẫn Trần Lượng tiến vào cổng chùa. Thấy ở đằng kia, Giám tự tăng là Quảng Lượng đang đứng yên, Tế Điên bảo:
- Này Trần Lượng, con nên đến cúi đầu ra mắt đại sư gia của con đi.
- Đừng cúi đầu, đừng vái chào! Tôi không có tiền đâu!
Tế Điên dẫn Trần Lượng vào nội thất phương trượng, lễ chào Phương trượng rồi lên Đại Hùng bảo điện lễ Phật. Lễ Phật xong, giống chuông nổi trống nhóm Tăng chúng lại. Tế Điên nói:
- Thưa các sư huynh đệ! Tôi mới thâu một đồ đệ, xin chư huynh đệ chiếu cố giùm! Nhưng có một điều này: Trần Lượng, ngươi là đệ tử của ta, ta muốn uống rượu, ngươi phải đi đong rượu cho ta, ta muốn ăn thịt, ngươi phải mua cho ta!
Trần Lượng luôn luôn vâng dạ:
- Phải, vâng, đồ đệ phải luôn luôn hầu hạ sư phó.
- Ngươi nếu không có tiền thì sao?
- Đồ đệ nếu không có tiền, thì coi chỗ nào đó kiếm chút đỉnh.
- Không cần đi đâu xa! Cứ mượn tạm các vị trong chùa này thôi. Các vị ấy đều là sư thúc, sư đại gia của ngươi cả, nếu có thấy cũng không rầy la chi hết. Tôi nói việc này có đúng không?
Chúng tăng nghe nói đều cười và đáp:
- Phải! Ông dạy nó trước hết đi ăn trộm à! Thiệt là thầy nào trò nấy!
Từ đó ngày nào Trần Lượng cũng mua rượu thịt về cung phụng cho thầy. Có bao nhiêu tiền bạc cũng chi hết, y phục đem theo cũng cầm nốt, không đầy mấy ngày, áo quần đem theo cũng sạch luôn. Trần Lượng thầm tính: "Tối nay mình ra ngoài kiếm chút đỉnh tiền đem về cung phụng cho sư phó mới được". Chờ đến canh ba, thấy Tế Điên đang ngáy pho pho, Trần Lượng cầm bao đồ dạ hành sắp sửa đi ra, kế nghe Tế Điên nói:
- Ta đã dặn ngươi rồi, chỉ trộm loanh quanh trong chùa này thôi mà ngươi không chịu nghe lời ta hử? Hay a! Để ta cạo đầu ngươi rồi mới dạy ngươi được.
Tế Điên đứng dậy bước thẳng xuống trai đường, nói:
- Qúy vị nhà bếp cho tôi một chậu nước nóng.
Vị giám trai hỏi:
- À, nửa đêm cần nước nóng làm chi vậy?
- Để gọt tóc cho đồ đệ tôi.
Nói rồi bưng chậu nước nóng đi thẳng. Lúc đó chúng tăng nghe tiếng ồn ào cũng đổ xô tới, nói:
- Ái chà, nửa đêm ông ta lại nổi khùng rồi!
Trần Lượng đứng chết trân không nhúc nhích. Mọi người lấy làm thương hại kéo ra bên ngoài, nói:
- Ngươi nên đi gấp đi, ông ấy phát điên rồi đấy!
Trần Lượng lúc đó mới hoạt động lại bình thường, bèn đi ra ngoài thay đồ dạ hành, Trộm mấy mươi lượng bạc. Trời sáng bèn đem lại chuộc y phục về rồi tìm một quán nhỏ, kêu bốn món ăn, ngồi tựa lưng vào cửa sau mà thưởng thức. Uống được vài hớp rượu, trong lòng thầm nghĩ: "Mình tính đi xuất gia, chẳng dè lại ra nông nổi này! Mình nghĩ Tế Công là vị cao tăng đạo đức, khi vào chùa lại không chịu xuống tóc cho mình. Phải chăng mình chưa đáng được xuất giả".
Nghĩ tới nghĩ lui có ý ăn năn. Kế bên nghe bên ngoài có tiếng nói:
- May quá, gặp một quán rượu! Bữa nay ta phải say khướt một bữa mới được. Cổ nhân nói:
Ở đời có rượu hãy vui say,
Cửa tuyền thiếu rượu chớ đi ngay!
Người nói câu đó chính là Tế Điên xăm xăm từ bên ngoài đi vào. Nhân vì khi hôm, Tăng chúng kéo Trần Lượng đi trốn, Tế Điên giận lắm! Đòi cho được Giám tự tăng hai điếu tiền rồi bỏ chùa ra đi từ sớm. Ra đến Tây Hồ, đem hai điếu tiền cho người hết sạch. Đứng trước cửa quán, dòm vô thấy đông người bèn vừa nói mấy câu trên vừa bước vào quán. Trần Lượng vừa thấy Tế Điên bước vào sợ quá co giò lủi mất. Tế Điên lừng lững bước vào chiếc bàn dọn sẵn cơm rượu bỏ trống, ngồi xuống ăn uống tự nhiên. Người dọn bàn thấy vậy, nói:
- Người kêu thức ăn chạy mất, Hòa thượng ngồi uống rượu của người ta kìa!
Tế Điên vừa uống vừa ngâm nga:
Rượu uống ít vào khỏi phải say
Răn chừa sắc dục sống thêm dai
Của tiền hợp lý kho đầy ắp
Nhẫn nhịn gia đình khỏi họa tai.
Ăn uống no say, Tế Điên đứng dậy định đi. Người hầu bàn nói:
- Hòa thượng ăn cơm không trả tiền, đi sao được!
- Ông lại đằng thủ quỹ bảo họ ghi sổ, ngày mai ta lại, ta sẽ trả cho ông, được không?
- Này Hòa thượng, tiệm của chúng tôi không có sổ.
- Không có sổ hả, dễ ợt, bảo chưởng quỹ đi mua một cuốn!
- Hòa thượng ơi, ông đừng nói đùa! Tiệm chúng tôi có sổ đó chứ, tại ông không quen nên nói không có đó chứ.
- Ông dám nói là không quen với ta à? Đừng nói bậy bạ nhé! Chúng ta quen nhau mà!
- Chúng tôi nếu có quen với Hòa thượng lại giả đò nói không quen thì cho tôi là thằng ngốc đi!
- Thôi, đừng rủa, đừng thề, ngươi lớn xác ngần ấy mà ngay cả Hòa thượng ta cũng không nhận ra à?
- Tôi biết ông là Hòa thượng chứ, mà có biết ông là Hòa thượng ở chùa nào đâu?
Đang cãi cọ nhau thì vị chưởng quỹ đến nói:
- Này Hòa thượng, ông định đến quấy rối chúng tôi hả? Không trả tiền thì không đi được đâu nhé!
Hai bên đang tranh cãi thì có hai người từ bên ngoài đi vào, nói:
- Hòa thượng ăn uống hết bao nhiêu để bọn ta trả cho! Chúng ta đi tìm Hòa thượng muốn hụt hơi, khác nào vùi băng kiếm lửa, ép cát tìm dầu đây! Bạch sư phó, xin lão nhân gia đi với bọn tôi nhé!
Tế Điêm dòm lại chẳng biết hai người này là ai.