Tế Điên vẫy gọi chó trắng lại, lấy bốn xiên thịt nướng cho chó trắng ăn. Chó trắng lắc đầu vẫy đuôi nhảy nhót vui mừng. Cho chó ăn xong, Tế Điên lấy dây đỏ cột tay chó cho sát xuống và cột miệng cho luôn, đoạn lấy son phấn tô lên, lấy quần áo cho mặc và giày đỏ tra vào chân chó trắng. Tế Điên niệm chân ngôn: "Án ma ni bát mê hồng!". Lấy tay rờ vào mặt chó trắng, nói:
Khắp người lông trắng mỏ đen,
Lắc đầu vẫy đuôi ra oai,
Ngày thì canh cửa đêm canh trộm,
Chủ nhân nghèo cũng chẳng ăn năn,
Chó lành chẳng hề sủa bậy,
Tối nay vào chốn hương khuê,
Bần đạo điểm hóa ngươi xinh đẹp,
Để đi báo ứng Thắng Tiên Vương.
Tế Điên dùng pháp thuật điểm hóa cho chó trắng xong, Triệu Bân, Mai Thành Ngọc nhìn lại, thấy chó trắng đã biến thành người đẹp thiên kiều bách mị, rất vui mừng. Triệu Bân lật đật ra cửa Tiền Đường thuê thuyền xong, trở về cùng Tế Điên tiếp tục bày tiệc. Uống cho đến lúc trời đã lên đèn, nghe bên ngoài tiếng trống vang lừng, kiệu hoa đã đến. Lục Bính Văn sau khi sai người đưa bạc và vật dụng đến nhà Mai Thành Ngọc xong liền cầm bức họa người đẹp đến nhà Vương Thắng Tiên, Lục Bính Văn nói:
- Xin chúc mừng lão sư.
Vương Thắng Tiên từ khi hỏa thiêu Hợp Hoan lầu, cứ đinh ninh người đẹp bị chết thiêu nên lòng càng nhớ tưởng mãi không một khắc nào quên. Hôm nay nghe Lục Bính Văn đến nói chúc mừng, bèn hỏi:
- Ta có gì mừng đâu nào?
- Môn sinh rước về cho lão sư một người đẹp, công việc đã xong xuôi. Vị cô nương này tự họa cho mình một bức chân dung. Lão sư gia xem bức họa này thử, thiệt giống như người không khác.
Vương Thắng Tiên mở bức họa người đẹp ra xem rồi nói:
- Trên đời sao có người đẹp như thế này?
- Hiện tại có đấy, môn sinh đã thu xếp ổn thỏa cho lão sư rồi. Đó là em gái của Mai Thành Ngọc ở ngõ thứ hai hẻm Thanh Trúc. Quy định là tối nay đem kiệu rước đưa đến cho lão sư thành thân, gặp mặt là biết liền thôi.
Vương Thắng Tiên vốn là tên bợm háo sắc, nghe nói như vậy chịu quá:
- Hiền khế cực khổ vì ta quá, ta thật hổ thẹn.
- Chỉ cần lão nhân gia che chở cho môn sinh về việc thả Đậu Vĩnh Hàng khỏi bị cách chức là được.
- Ôi, đó là việc nhỏ, dễ thôi, dễ thôi!
Nói rồi Vương Thắng Tiên bảo gia nhân dọn tiệc để cùng Lục Bính Văn đối ẩm, một mạch sai gia nhân tìm thuê một chiếc kiệu hoa để đi rước dâu. Hễ có tiền thì việc gì cũng xong. Trong chốc lát mọi việc đều sẵn sàng. Trống nhạ vang trời, kiệu hoa đi thẳng đến ngõ thứ hai ở hẻm Thanh Trúc. Tế Điên đã sắp đặt trước, thấy kiệu hoa đến bảo đóng chặt cửa không cho vào, ra lệnh thổi kèn đánh trống một chặp cho rôm rả! Bên ngoài kèn trống nổi lên inh ỏi. Tế Điên hô:
- Thổi bài mở cửa, công xích thượng liễu thanh nương, phát phấn điệp.
- Thổi xong đưa bao lì xì, phải đưa bao vô cho thật nhiều, Tế Điên mới cho kiệu vào. Lại bảo Mai Thành Ngọc nói:
- Khi tân nhân lên kiệu, rất kị người lạ mặt, kiệu phải đem vào sát cửa.
Kiệu phu dạ, khiêng kiệu vào tận cửa. Tế Điên bồng chó trắng để vào trong kiệu. Do pháp thuật của Tế Điên, chó trắng ngồi yên trong kiệu không phát ra được tiếng nào, kèn trống nổi lên inh ỏi, kiệu phu khiêng kiệu đi về nhà Vương Thắng Tiên. Tới nơi, vú em ra vèn rèm lên dìu chó trắng xuống kiệu. Vương Thắng Tiên nhìn thấy quả là người đẹp vô cùng, đôi chân mang giày nhỏ xíu. Tế cáo trời đất xong, Vương Thắng Tiên vui mừng quá mức, ngồi vào trong trướng mà trên bàn tiệc rượu đã dọn sẵn, mọi người xúm lại mời tân nhân ăn. Tân nhân không nói cũng không ăn. Ai nấy đều lại dòm mặt người đẹp. Do pháp thuật của Tế Điên, chó trắng muốn nhúc nhích cũng không được. Thấy cả nhà đều lạ mặt, nó tức giận lắm. Nó tức giận vì thấy đồ ăn đầy bàn mà không thể nào mở miệng được.
Đến chừng trống đổ canh hai, Lục Bính Văn nói:
- Xin mời lão sư vào động phòng! Lát nữa môn sinh cũng về, ngày mai sẽ đến chúc mừng!
Vương Thắng Tiên vào trong phòng nhìn lại, người đẹp ngồi đó mà không nói lời nào. Vú em muốn giúp tân nhân trút bỏ áo xiêm nên bước tới mở dây cột ra, mở luôn cột miệng của chó trắng. Vương Thắng Tiên lúc đó mới bảo:
- Các vú em hãy ra đi!
Mấy vú em đều lui ra hết. Vương Thắng Tiên vội vàng bước tới, nói"
- Người đẹp ơi, nàng không nên mắc cỡ! Đây là đạo lý của nhân gian, chúng ta sẽ là chồng vợ mà!
Nói rồi, tên tiểu tử này dâm tâm nổi dậy, bước tới ôm choàng chó trắng kê miệng định hôn. Chó trắng đang tức giận sẵn, nhằm ngay mặt Vương Thắng Tiên phập một cái, ngoạm sứt chiếc mũi của hắn. Lúc này chó trắng đã hiện lại nguyên hình, mang luôn cả áo xiêm chạy tuốt ra ngoài, Vương Thắng Tiên bị táp đau quá nằm lăn ra mà hét:
- Cẩu tinh, cẩu tinh.
Gia nhân nghe lạ quá, không ai dám bắt chó lại. Sau khi chó chạy đi rồi, chạy đến lượm chiếc mũi của Vương Thắng Tiên, thừa lúc máu nóng còn chảy đem gắn nó lại. Lại cho tìm Lục Bính Văn. Lục Bính Văn đã nghe biết tin đó, lật đật chạy về nha môn, sai người đi bắt Mai Thành Ngọc. Quan nhân tới nơi thì nơi đó chỉ còn nhà trống. Việc của Vương Thắng Tiên cũng không thể ém nhẹm được, ai nấy đều cho là Lục Bính Văn gian kế rắp tâm muốn hãm hại. Mọi người đem việc đó bẩm lại với Thừa tướng. Thừa tướng nghe xong, tức giận nói:
- Em ta là kẻ vô tri, Lục Bính Văn cố tình dẫn dụ hắn nên mới xảy ra việc đáng giận này.
Thừa tướng đem việc này tâu với vua và nói rằng:
- Lục Bính Văn tự ý thả đại đạo Đậu Vĩnh Hàng, bỏ bê công vụ, hành xử như kẻ lái chợ, nếu còn ở lại quan chức thì mặc ý tung hoành.
Hoàng thượng bèn ban chỉ dụ: Cách ngay chức tước của Lục Bính Văn, vĩnh viễn cũng không thâu dụng nữa. Lục Bính Văn dĩ nhiên là phải bị cách chức.
Khi còn tại chức Hình đình, hắn gom góp cũng được khoảng 8 đến 10 ngàn lạng bạc, hắn bèn cùng phu nhân, tiểu thơ, thiếu gia mướn xe, thuê kiệu từ Lâm An bồng bế nhau về Nam kinh. Một hôm, đoàn người ngựa đang đi ngang dưới núi Thúy Vân, bỗng có mấy mươi tên lâu la chạy ra cản đường. Một tên hét lên:
- Những tên dê non nhạn lẽ trước mặt kia hãy đem vàng bạc nộp tiền mãi lộ, sẽ tha cho được sống. Bằng không nghe lời thì của người đều mất cả đấy!
Lục Bính Văn nghe nói, lật đật thúc ngựa đến trước, cầm một tấm danh thiếp, hỏi:
- Trại chủ của các người họ gì?
Lâu la đáp:
- Đại trại chủ chúng tôi là Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ.
- Cảm phiền các vị cầm tấm danh thiếp này báo lại là Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn từ nhiệm trở về nhà, đặc biệt đi vòng đường đến vấn an trại chủ và mượn núi đi qua.
Lâu la cầm danh thiếp lên núi báo lại. Châu Hổ, Cao Thuận, Cao Trân ba vị trại chủ nhìn nhau bàn tán nhưng không ai biết mặt. Đậu Vĩnh Hàng nghe nói người mới đến là Lục Bính Văn, không dằn được cơn thịnh nộ đang sôi sục trong lòng, nói:
- Ba vị trại chủ đã không quen thì được rồi. Lục Bính Văn là kẻ thù của tôi, hãy để cho tôi hôm nay báo thù rửa hận.
Nói rồi, Đậu Vĩnh Hàng đứng dậy rút phắt con dao định chạy xuống núi. Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ nói:
- Đậu huynh đài hãy khoan đã. Anh cùng hắn có mối thù gì vậy, nói rõ cho chúng tôi nghe với.
Đậu Vĩnh Hàng mới đem việc ở Lâm An bị Lục Bính Văn làm hại ra sao, thuật lại từ đầu đến đuôi.
Châu Hổ nói:
- Anh đã có cừu thù với hắn như vậy cũng không cần phải xuống núi giết hắn làm chị Hắn có chết đi kể như là đã xong đời, như vậy đâu gọi là báo thù. Tôi có chủ ý, không cần phải lấy tính mạng hắn, để tôi xuống núi mời hắn lên sơn trại dùng lời ngon ngọt an ủi hắn. Ba anh em sẽ nói đưa hắn đi một đoạn đường rồi áp giải hắn về Từ Vân quán, nơi ở của Tổ sư gia, đem vợ và con gái hắn cho Tổ sư gia thích cho ai thì chọ Nơi Tổ sư gia có Càn Khôn sở và Phụ nữ doanh. Cho Lục Bính Văn ở đó hầu hạ mọi người, lúc không có việc gì thì lôi hắn ra đánh một trận đầy ải hắn cho nhục nhả tả tơi. Như vậy còn hơn là bắt hắn chết. Sơn trại này nhờ hai anh coi sóc giùm. Lát nữa ba anh em tôi sẽ đưa hắn đi.
Đậu Vĩnh Hàng nghe nói cũng phải, hỏi Châu Hổ:
- Vậy tôi có cần gặp hắn không?
- Không cần gặp hắn làm gì, để tôi xuống núi gặp hắn thôi.
Nói rồi Châu Hổ, Cao Thuận, Cao Trân cùng kéo xuống núi, Lục Bính Văn ở dưới núi đang lo lắng, Châu Hổ đến gần, nói:
- Té ra đại nhân giá lâm, tiểu khả không đến sớm để tiếp rước, xin chân thành tạ lỗi!
Lục Bính Văn lật đật nói:
- Trại chủ ở trên, tôi là Lục Bính Văn xin ra mắt! Hôm nay xin mượn đường qua núi, hôm khác sẽ đến đáp tạ.
Châu Hổ nói:
- Đại nhân đã đến tệ sơn, xin mời lên sơn trại giây lát cho biết.
Lục Bính Văn nghe nói, trong bụng đã đánh lô tô, nhưng đâu dám nói không đi. Ba vị trại chủ lập tức cho lâu la áp tải người ngựa lên núi cùng Lục Bính Văn. Vào đến sơn trại, phân ngôi chủ khách tiếp đãi. Lục Bính Văn nói:
- Tôi chưa được lãnh giáo tôn tánh ba vị trại chủ.
Bọn Châu Hổ mỗi người tự xưng tên họ và sai lâu la dọn tiệc khoản đãi Lục Bính Văn. Châu Hổ hỏi:
- Đại nhân từ đâu đến đây?
- Tôi từ thành Lâm An muốn trở về huyện Thượng Nguyên ở Kim Lăng.
- Hôm nay chúng ta có duyên, lát nữa chúng tôi sẽ đưa đại nhân một đoạn.
- Không cần quý vị nhọc sức, các vị trại chủ khỏi phải làm thế!
- Đại nhân bất tất phải khiêm nhường, đây là ba anh em chúng tôi muốn đưa đi mà.
Ăn uống xong, ba vị trại chủ dắt theo 100 lâu la đưa Lục Bính Văn xuống Thúy Vân Phong thẳng đến Từ Vân quán ở phủ Thường Châu. Trên núi chỉ còn Đậu Vĩnh Hàng và Châu Khôn ở lại coi ngó sơn trại. Châu Khôn nói với Đậu Vĩnh Hàng:
- Anh ơi, Lục Bính Văn phen này sắp gặp báo ứng rồi. Kể ra hắn hại người trở lại hại mình! Bây giờ anh em ta phải làm sao đây!
- Bây giờ coi như chúng ta báo được thù, có điều chúng ta vốn là người dân lương thiện thủ phận bách tính. Bị dính vào việc này không biết gỡ sao cho ra. Bây giờ chúng ta chiếm núi rơi vào số phận thảo khấu, cuối cùng chúng ta phải tính kế khác mới xong.
Anh em ở trên núi năm, sáu ngày, một hôm có lâu la chạy lên núi bẩm báo:
- Hiện tại dưới núi có một người đang đứng trước sơn khẩu mắng chửi om sòm, đòi tiền mãi lộ. Nếu không chịu nộp thì rấn lên núi, gà chó giết hết không chừa một mống!
Đậu Vĩnh Hàng và Châu Khôn nghe báo, nói:
- Chuyện này lạ dữ đa! Lâu nay người ta chiếm núi xưng đại vương cốt để đón đường cướp của còn đằng này lại muốn lên núi đòi tiền đại vương, thiệt là khi dể ta quá mức!
Hai người vội lấy binh khí, thót lên ngựa dẫn lâu la chạy xuống núi.