Đang nói chuyện khi Tống Giang vì muốn cướp xác Giải Trân, Giải Bảo ở đèo Ô Long nên trúng mưu Thạch Bảo. Bấy giờ quân mai phục bốn bề nổi dậy: phía trước có quân mã của Thạch Bảo, phía sau là Đặng Nguyên Giác chặn đường. Thạch Bảo cất giọng quát to:
- Tống Giang không xuống ngựa đầu hàng còn đợi đến bao giờ?
Quan Thắng cả giận vỗ ngựa múa đao xông vào đánh Thạch Bảo. Hai tướng giao chiến chưa phân thắng bại thì phía sau tiếng hò reo vang dậy, đó là bốn viên tướng tổng quản thuỷ quân của Phương Lạp cùng lúc lên bờ, hội với bọn Vương Tích, Tiểu Trung từ trên đèo đánh xuống. Hoa Vinh vội ra chặn đánh phía sau. Giao chiến với VươngTích chưa được vài hiệp, Hoa Vinh quay ngựa bỏ chạy. Vương Tích, Tiểu Trung thừa thắng đuổi theo. Hoa Vinh nâng tay thả hai mũi tên liên châu trúng đích, hất nhào hai tướng xuống ngựa. Quân sĩ hoảng sợ la hét chạy dạt về phía sau. Bốn viên tổng quản thuỷ quân thấy một lúc cả Vương Tích, và Tiểu Trung đều chết thì không dám tiến, vì thế một mình Hoa Vinh có thể địch nổi bọn chúng. Một lúc sau, thêm hai toán quân tiếp tới. Một toán là quân của chỉ huy Bạch Khâm, một toán là của chỉ huy Cảnh Đức.
Bên trận Tống Giang hai tướng cùng lúc xông ra: Lã Phương đón đánh Bạch Khâm, Qúach Thịnh giao chiến với Cảnh Đức. Bốn tướng ngồi trên lưng ngựa quần thảo bất chấp sống chết. Bấy giờ Tống Giang bồn chồn lo lắng bỗng nghe phía sau quân Thạch Bảo la hét bỏ chạy. Đó là Lý Quỳ cùng hai tay thuẫn Hạng Sung, Lý Cổn dẫn một nghìn quân bộ đánh tới. Đặng Nguyên Gíac đem quân tiếp ứng thì gặp đội quân bộ của Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng. Lỗ Trí Thâm múa thiền trượng sắt, Võ Tòng vugn đôi giáo đao cùng xông vào chém giết. Theo sau là Tần Minh, Lý Ứng, Chu Đồng, Yến Thuận, Mã Lân, Phàn Thuỵ, Nhất Trượng Thanh, Vương Nuỵ Hổ, đốc suất quân mã liều chết xông tới đánh tan quân mã của bọn Thạch Bảo, Đặng Nguyên Giác. Tống Giang được giải vây đem quân về huyện Đồng Lư. Thạch Bảo cũng thu quân lên trên đèo. Tống Giang về đến doanh trại khen ngợi các tướng:
- Không có các anh em đến cứu thì Tống Giang này đã theo Giải Trân, Giải Bảo chầu trời.
Ngô Dụng nói:
- Ngô Dụng tôi sợ huynh trưởng đi chuyến này bất lợi, nên đã đề phòng, sai các tướng đi cứu viện.
Tống Giang nghe xong khen ngợi mãi không thôi.
Lại nói hai nguyên soái bên quân Phương Lạp là Thạch Bảo và Đặng Nguyên Giác ngồi trong trại quân trên đèo Ô Long bàn nhau:
- Hiện giờ binh mã của Tống Giang lui về đóng ở huyện Đồng Lư, nhưng nếu bất ngờ bọn họ theo đường tắt vượt qua đèo thì thành Mục Châu chỉ cách tấc gang sẽ bị nguy. Quốc sư nên về đại nội ở huyện Thanh Khê xin thiên tử điều thêm quân mã giữ đèo mới là kê phòng bị vững chắc.
Đặng Nguyên Gíac nói:
- Nguyên suý nói rất đúng, bần tăng xin đi.
Nói đoạn, Đặng Nguyên Gíac liền lên ngựa về Mục Châu. Tới nơi Đặng Nguyên Gíac vào yết kiến thừa tướng Tổ Sĩ Viễn, nói:
- Quân Tống Giang hùng mạnh, thế khó ngăn nổi. Hiện giờ quân mã của chúng đang tiến như cuốn chiếu, bần tăng lo xẩy sự chẳng lành, nên về đây tâu xin vương thượng điều thêm binh tướng đến giữ cửa ải.
Tổ Sĩ Viễn nghe đoạn bèn lên ngựa cùng với Đặng Nguyên Giác rời Mục Châu đến động Bang Nguyên ở huyện Thanh Khê. Trước hết hai người vào yết kiến tả thừa tướng Lưu Mẫn Trung, nhờ tả thừa tướng tâu xin triều đình cho quân viện. Ngày hôm sau trong buổi chầu sớm, Phương Lạp lên ngự ở chính điện, hai vị tả, hữu thừa tướng cùng với Đặng Nguyên Giác vào chầu, nghi lễ bái yết đã xong, Đặng Nguyên Giác bước lên chúc thánh thượng vô cương, rồi tâu:
- Thần tăng Đặng Nguyên Giác vâng lĩnh thánh chỉ cùng với thái tử đóng giữ Hàng Châu. Không ngờ quân mã của Tống Giang hùng mạnh tiến như cuốn chiếu, thế khó địch nổi, lại bị viên binh sự làm phản đưa giặc vào thành nên Hàng Châu thất thủ, thái tử vì ham đánh mà thiệt mạng. Lần này Nguyên Giác tôi cùng nguyên suý Thạch Bảo cho lui quân về giữ cửa ải ở đèo Ô Long, trước sau đã lấy đầu bốn tướng của Tống Giang, thanh thế hơi chấn phát. Hiện nay Tống Giang đã chiếm đóng huyện Đồng Lư, bọn thần sợ sớm muốn quân giặc sẽ theo đường tắt vượt qua cửa ải, dù hiểm trở cũng khó giữ nổi. Xin bệ hạ sớm cho tướng giỏi điều thêm quân mã tinh nhuệ đến chung sức cùng giữ ải để trù mưu đánh giặc, thu phục thành trì.
Phương Lạp nói:
- Quân các nơi đã điều đi cả. Mấy ngày trước cửa ải Dục Nhĩ ở Hấp Châu nguy cấp, trẫm đã phải cho điều đến mấy vạn quân đến đóng. Hiện chỉ còn quân mã ở doanh ngự lâm, quả nhân muốn dùng để giữ đại nội, không thể điều đi nơi khác được.
Đặng Nguyên Gíac lại tâu:
- Không có quân cứu viện, thần tăng không biết tính sao. Nếu quân Tống vượt đèo, thành Mục Châu biết lấy gì mà chống giữ?
Tả thừa tướng Lưu Mẫn Trung bước ra khỏi hàng tâu:
- Xin bệ hạ xét kỹ cho. Cửa ải Ô Long là nơi hiểm yếu, cứ như ngụ ý của thần thì quân ngự lâm tất cả có ba vạn, có thể chia một vạn giao cho quốc sư đem đến giữ ải Ô Long, xin vương thượng soi xét.
Phương Lạp không theo lời tâu của Lưu Mẫn Trung, vẫn không chịu cho đưa quân ngự lâm đến giữ ải Ô Long. Tan buổi chầu hôm ấy, các quan ai nấy ra về. Lưu thừa tướng bàn bạc với các quan, chỉ còn cách đê Tổ thừa tướng giao cho một tướng ở Mục Châu đem năm nghìn quân theo quốc sư đến giữ đèo Ô Long. Vì thế, Đặng Nguyên Gíac cùng với Tổ Sĩ Viễn về đến Mục Châu liền chọn ngay năm nghìn quân tinh nhuệ, đặt dưới quyền của Hạ Hầu Thành. Hạ Hầu Thành đem quân đến doanh trại ở đèo Ô Long, thuật lại sự việc cho Thạch Bảo biết. Thạch Bảo nói:
- Triều đình đã không điều quân ngự lâm đến đây thì bọn ta chỉ biết giữ ải chứ không cho quân ra giao chiến. Cứ để cho bốn thuỷ quân tổng quản giữ đầu bãi sông, hễ có thuyền đến là bọn ta cho quân rút.
Hãy tạm gác chuyện Bảo Quang quốc sư cùng bọn Thạch Bảo, Bạch Khâm, Cảnh Đức, Hạ Hầu Thành đóng giữ cửa ải Ô Long. Kể tiếp chuyện Tống Giang bị hao quân tướng phải lui về đóng giữ ở huyện Đồng Lư. Hơn hai chục ngày quân sĩ nghỉ ngơi không giao chiến. Bỗng có quân thám mã về báo "Triều đình sai Đồng khu mật đem vật phẩm đến ban thưởng, hiện đã tới Hàng Châu. Nghe nói Đồng khu mật sai đại tướng Vương Lẫm đem đồ thưởng đến chỗ Lư tiên phong ở ải Dục Linh, Đồng khu mật đích thân đến ban thưởng tại đây." Tống Giang nghe tin bèn cùng với Đồng khu mật vào huyện đường tuyên đọc sắc chỉ rồi chia đồ thưởng ban cho các tướng. Anh em Tống Giang vái tạ Đồng khu mật rồi mở tiệc khoản đãi. Đồng khu mật nói:
- Hạ quan nghe nói anh em quý tướng đi chinh thảo chuyến này bị nhiều tổn thất.
Tống Giang ứa nước mắt đáp:
- Năm trước anh em Tống Giang tôi theo Triệu khu mật đi đánh giặc Liêu, giành thắng lợi vẹn toàn, tướng hiệu không mất một ai. Từ khi vâng sắc đi đánh Phương Lạp, chưa rời khỏi kinh sư thì Công Tôn Thắng đã cáo từ lui về, triều đình lại lưu lại mấy người phục dịch xa giá. Từ khi đem quân vượt Trường Giang đến đâu cũng đều bị tổn vong. Mới đây lại thêm tám chín đầu lĩnh bị ốm phải nằm lại ở Hàng Châu, sống chết ra sao chưa biết. Vừa rồi hai lần đánh trận ở đèo Ô Long lại mất thêm mấy tướng, thực cũng là do núi non hiểm trở, khó dàn quân đối trận nên chưa dám cho quân đánh qua cửa ải. Nay đúng lúc anh em chúng tôi đang nóng lòng mong đợi, may được ân tướng đến đây.
Đồng khu mật nói:
- Thiên tử nghe tin tiên phong lập nhiều công lớn, sau lại nghe anh em tướng hiệu nhiều người tử trận nên đặc sai hạ quan đưa hai đại tướng Vương Lẫm, Triệu Đàm đến đây trợ chiến. Hạ quan đã cử đại tướng Vương Lẫm đem đồ thưởng đến chỗ Lư tiên phong.
Đồng khu mật nói đoạn bèn gọi đại tướng Triệu Đàm đến chào Tống Giang rồi cho quân cùng đóng lại ở huyện Đồng Lư mở tiệc khoản đãi. Ngày hôm sau Đồng khu mật cho điểm ngay quân mã định đi đánh ải đèo Ô Long. Ngô Dụng can rằng:
- Xin ân tướng chớ vội. Trước hết ta nên sai Yến Thuận, Mã Lân theo đường ven khe tìm dân địa phương nhờ tìm đường tắt đi qua ải. Hai mặt đánh giáp vào khiến bọn giặc trước sau không tiếp ứng được, như thế chỉ cần xoa tay là lấy được cửa ải ấy.
Tống Giang nói:
- Quân sư nói rất phải.
Nói đoạn, liền sai Mã Lân, Yến Thuận dẫn mấy chục tên quân rời doanh trại đi tìm người dẫn đường. Chập tối ngày hôm sau bọn Yến Thuận dẫn một cụ già đến chào Tống Giang. Tống Giang hỏi:
- Lão phụ đây là ai?
Mã Lân thưa:
- Lão phụ là người vùng này, biết rõ mọi đường đi lối lại.
Tống Giang nói:
- Lão phụ làm ơn chỉ giúp cho chúng tôi một lối đi tắt qua đèo Ô Long, Tống Giang tôi sẽ xin hậu thưởng.
Cụ già đáp:
- Gìa này vốn là dân ở đây, nhiều phen bị Phương Lạp tàn hại, dân chúng không đường trốn tránh, may triều đình cho quân tới, muôn dân có phúc lại được thấy cảnh thái bình. Già biết một con đường nhỏ đến vùng Đông Quản, đến cách Mục Châu không xa thì vòng lên phía bắc, lại chuyển sang cửa tây bắc là đến đèo Ô Long.
Tống Giang nghe xong cả mừng bèn gọi lấy bạc, lụa ban thưởng rồi mời cụ già nghỉ lại trong doanh trại, sai dọn rượu khoản đãi. Ngày hôm sau, Tống Giang mời Đồng khu mật ở lại giữ huyện Đồng Lư, tự mình dẫn mười hai chánh phó tướng theo con đường nhỏ tiến vào núi. Đó là bọn Hoa Vinh, Tần Minh, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Đái Tôn, Lý Quỳ, Phàn Thuỵ, Vương Anh, Hổ Tam Nương, Hạng Sung, Lý Cổn, Lăng Chấn dẫn một vạn quân mã bộ, người ngậm tăm, ngựa rọ mõm lặng lẽ tiến nhanh theo cụ già dẫn đường. Đến đèo Tiểu Ngưu, thoáng thấy quân giặc, Tống Giang bèn gọi Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn lên đánh. Bốn năm trăm tên quân chặn đường đều bị bọn Lý Quỳ giết sạch. Vào khoảng canh tư, quân Tống đã tiến đến Đông Quản, tướng trấn thủ là Ngũ Ứng Tinh nghe tin quân Tống đến, lượng sức chỉ còn hai nghìn người ngựa không địch nổi, bèn bỏ thành rút chạy. Về đến Mục Châu, Ngũ Ứng tìm gặp Tổ thừa tướng báo tin: "Quân của Tống Giang đi đường tắt vượt đèo Ô Long, hiện đã đến Đông Qủan."
Tổ Sỹ Viễn nghe nói cả sợ, vội gọi các tướng đến bàn bạc. Bấy giờ Tống Giang đã ra lệnh cho pháo thủ Lăng Chấn phát hoả bắn súng liên châu. Thạch Bảo ở trại quân trên đèo Ô Long hoảng hốt, nghe tiếng súng nổ vội sai chỉ huy Bạch Khâm đem quân đi thám thính. Bạch Khâm thấy cờ hiệu bên quân Tống Giang mọc khắp các dốc núi, vội trở về báo tin. Thạch Bảo nói:
- Triều đình đã không phái quân cứu viện, bọn ta chỉ việc giữ chặt cửa ải, không phải cứu viện ở đâu hết!
Đặng Nguyên Giác nói:
- Nguyên suý nhầm rồi! Có đưa quân đi cứu viện cho Mục Châu hay không là tuỳ quyền của nguyên suý. Nhưng nếu đại nội thất thủ thì bọn ta ở đây cũng không giữ được. Nguyên suý không đi thì tôi sẽ đi cứu Mục Châu!
Thạch Bảo khuyên can mãi không được. Đặng Nguyên Giác vẫn điểm lấy năm nghìn người ngựa, xách cây thiền trượng cùng Hạ Hầu Thành đem quân xuống núi.
Lại nói quân Tống Giang tiến đến Đông Qủan nhưng không đánh ngay vào thành Mục Châu mà chiếm ải đèo Ô Long trước, vừa vặn gặp ngay Đặng Nguyên Giác. Người ngựa tiến dẫn đến, quân đôi bên sẵn sàng nghênh chiến. Hoa Vinh trông thấy vội ghé tai Tống Giang nói nhỏ:
- Tên giặc này thì cứ làm như thế là bắt sống được.
Tống Giang gật đầu khen phải rồi gọi Tần Minh đến căn dặn. Tần Minh giật cương ngựa tiến ra đánh Đặng Nguyên Giác. Hai tướng giao chiến chừng năm sáu hiệp, Tần Minh vờ thua quay ngựa chạy, quân lính tán loạn bỏ chạy. Đặng Nguyên Gíac thấy Tần Minh chịu thua bèn bỏ Tần Minh định xông vào bắt sống Tống Giang. Nguyên là Hoa Vinh đã sẵn sàng bảo vệ Tống Giang, chỉ đợi Đặng Nguyên Giác đến gần là giương cung nhắm bắn. Cung trương thật căng, một mũi tên như sao lướt bay đến cắm phập vào giữa trán Đặng Nguyên Gíac. Nguyên Giác liền lăn xuống ngựa và bị đại quân của Tống Giang ào lên xéo nát. Quân Phương Lạp đại bại. Hạ Hầu Thành chống đỡ không nổi bèn quay ngựa chạy về Mục Châu. Quân Tống Giang trèo lên đèo Ô Long rồi từ đó lao gỗ, bắn đạn đá xuống tới tấp. Sau đó Tống Giang cho quân quay lại đánh lấy Mục Châu.
Lại nói Tổ thừa tướng thấy Hạ Hầu Thành thua trận, chạy về báo tin quân Tống Giang vượt qua Đồng Quản giết Đặng quốc sư, sau đó chạy lại đánh Mục Châu.
Tổ Sỹ Viễn nghe xong liền sai người về Đại nội ở huyện Thanh Khê xin Lưu thừa tướng cho vào triều tâu rằng:
- Hiện nay quân Tống theo đường tắt đã lọt vào Đông Qủan, đang tiến đánh Mục Châu rất gấp. Xin bệ hạ sớm cho quân đi cứu ứng, để muộn thì Mục Châu tất vị vây hãm.
Phương Lạp nghe nói cả sợ vội sai điện tiền thái uý Trịnh Bưu điểm một vạn năm ngàn quân kỵ mã ngự lâm ngày đêm đi gấp đến cứu thành Mục Châu. Trịnh Bưu tâu rằng:
- Thần kính vâng thánh chỉ, xin bệ hạ cho thiền sư cùng đi hỗ trợ tất sẽ đánh bại Tống Giang.
Phương Lạp chuẩn tâu bèn cho mời Linh Ứng thiền sư Bao Đạo Ất. Thiền sư đến dưới điện rập đầu lạy chào. Phương Lạp nói:
- Binh mã Tống Giang nhiều lần vây hãm thành trì, làm hao binh tổn tướng, nay xem chừng sắp xâm phạm đô thành của trẫm. Hiện bọn chúng đã đánh đến Mục Châu, trẫm mong thiền sư ra tay pháp thuật giữ nước cứu dân, bảo toàn giang sơn xã tắc.
Bao thiền sư tâu:
- Bệ hạ rộng lòng quá khen, bần đạo là kẻ bất tài, nguyện xin đem học thức bình sinh nương nhờ hồng phúc của bệ hạ, một phen ra tay quét sạch binh mã của Tống Giang.
Phương Lạp cả mừng sai dọn yến khoản đãi thiền sư. Bao Đạo Ất ăn uống xong cáo từ ra về, rồi cùng Trịnh Bưu, Hạ Hầu Thành bàn định việc xuất quân.
Bao Đạo Ất nguyên là người ở vùng núi Kim Hoa, xuất gia tu hành từ lúc còn nhỏ, học phép thuật phù thuỷ. Sau đó, thường dùng yêu phép hại người. Hắn có một thanh bảo kiếm gọi là Huyền nguyên hỗn thiên có thể ném xa lấy đầu người ngoài trăm bước. Vì Bao Đạo Ất là mưu sĩ tiếp tay cho Phương Lạp làm sự bất nhân nên được Phương Lạp tôn gọi là Linh ứng thiền sư. Trịnh Bưu xuất thân là một viên đô đầu ở huyện Lan Khê thuộc Vụ Châu, từ nhỏ quen dùng thương bổng, sau gặp Phương Lạp được tin dùng thăng đến chức điền suý thái uý. Trịnh Bưu rất mê đạo pháp phù thuỷ, tôn lạy Bao Đạo Ất làm thầy, học được nhiều môn phép thuật, mỗi khi lâm trận thường hoá phép làm mây mù, vì thế người ta thường gọi là Trịnh ma quân. Hạ Hầu Thành cũng là người ở miền núi Vụ Châu, xuất thân làm nghề săn bắn, quen sử dụng cây đinh ba, làm kẻ dưới quyền theo Tổ thừa tướng đóng giữ thành Mục Châu. Ngày hôm ấy ba người đang ngồi trong phủ điện suý bàn việc cất quân đánh Tống Giang thì viên tiểu lại canh cửa vào báo, "Có quan tư thiên thái giám Phố Văn Anh đến." Bao thiền sư hỏi quan thái giám đến có việc gì? Phố Văn Anh đáp:
- Hạ quan nghe tin Bao đại nhân sắp cất quân đi đánh quân Tống, Văn Anh tôi ban đêm xem thiên tượng thấy tướng lĩnh ở phương nam đều mất ánh sáng. Bên Tống Giang thì các ngôi tướng tinh còn sáng đến một nửa. Cứ theo ngu ý thì thiền sư đi chuyến này thì có thể có điều thất lợi. Sao Bao đại nhân không trở về triều tâu lên chúa thượng xếp quy thuận Tống triều để cứu nguy cho nước?
Bao thiền sư nghe nói cả giận, tuốt kiếm Huyền nguyên hỗn thiên chém Phố Văn Anh làm hai đoạn rồi sau đó viết biểu văn tâu lên Phương Lạp. Chuyện không có gì đáng nói.
Người chép sử có thơ làm chứng rằng:
Vượng khí đông nam dĩ tiệm tiêu
Vạn bằng tả đạo dụng nhân yêu
Văn Anh trí thức chân thiên mệnh
Hà sự quyên sinh tại nguỵ triều?
Khí vượng đông nam đã tiêu điều
Còn theo tặc đảng dấy tinh yêu
Văn Anh đã biết chân thiên mệnh
Sao vẫn liều thân giúp nguỵ triều?
Bấy giờ Trịnh Bưu làm tiên phong đưa quân mã tiến ra khỏi thành. Bao thiền sư giữ trung quân, Hạ Hầu Thành dẫn hậu quân tiếp ứng. Quân mã lên đường tiến gấp đến cứu Mục Châu.
Lại nói quân tướng Tống Giang tiến đánh Mục Châu chưa phân thắng bại, bỗng có quân thám mã về báo tin quân Phương Lạp từ huyện Thanh Khê đến cứu viện. Tống Giang nghe xong bèn sai hai tướng Vương Nuỵ Hổ, Nhất Trượng Thanh đem quân tiền bộ đi nghênh địch. Vợ chồng Vương Nuỵ Hổ đem ba nghìn quân mã tiến về Thanh Khê, gặp quân Trịnh Bưu trên đường đi. Trịnh Bưu thúc ngựa lên đánh Vương Nuỵ Hổ. Hai tướng chẳng cần hỏi đáp liền dàn ngay thế trận rồi tung ngựa vào giao chiến. Hai tướng đánh chừng tám chín hiệp. Trịnh Bưu lẩm nhẩm niệm chú rồi quát: "Nhanh!" . Lập tức trên chóp mũ trụ của Trịnh Bưu bay ra một làn khí đen, rồi trong đám khói hiện lên một thiên thần mặc giáp vàng, tay cầm chuỳ phép, từ trên không lao vụt xuống. Vương Nuỵ Hổ thấy vậy kinh sợ, chân tay bủn rủn, các đường giáo loạc choạc, lập tức bị Trịnh ma quân đâm nhào xuống ngựa. Nhất Trượng Thanh thấy chồng bị đâm ngã ngựa vội múa đôi song đao lao vào cứu. Trịnh Bưu liền quay lại đánh Nhất Trượng Thanh. Đánh lướt qua một hiệp, Trịnh Bưu quay ngựa chạy, Nhất Trượng Thanh muốn báo thù cho chồng vội thúc ngựa đuổi theo. Trịnh ma quân kẹp giáo vào nách, thò tay vào túi vải đeo bên sườn, móc một quả cầu sắt, nghiêng người nhắm ném giữa trán Nhất Trượng Thanh. Nhất Trượng Thanh gục ngã chết ngay dưới chân ngựa. Thương thay nữ tướng trải thân trăm trận, nào ngờ giờ đây thành giấc mộng xuân. Trịnh ma quân vẫy gọi quân mã quay lại đuổi theo quân Tống. Quân Tống đại bại trở về báo cho Tống tiên phong biết Vương Nuỵ Hổ và Nhất Trượng Thanh đều bị Trịnh ma quân giết chết, người ngựa tổn thất quá nửa. Tống Giang thấy lại mất thêm Vương Nuỵ Hổ và Nhất Trượng Thanh, bèn nổi giận điểm ngay quân mã cùng bọn Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn dẫn năm nghìn người ngựa tiến đánh báo thù. Không bao lâu quân của Trịnh ma quân kéo đến. Tống Giang bừng bừng căm giận thúc ngựa xông lên quát:
- Tên giặc kia sao cả gan giết hai tướng của ta?
Trịnh Bưu nâng thương thúc ngựa ra định đánh Tống Giang. Lý Quỳ thấy vậy bèn vung đôi búa chạy như bay tới. Hạng Sung, Lý Cổn múa thuẫn che đỡ cho Lý Quỳ. Ba người xông thẳng vào Trịnh Bưu. Trịnh ma quân phải quay ngựa chạy. Bọn Lý Quỳ ba người bám sát theo sau, xông vào giữa trận quân nam. Tống Giang sợ Lý Quỳ thiệt mạng vội vẫy quân mã ồ ạt xáp chiến. Quân nam tan rã, tán loạn bỏ chạy. Tống Giang liền cho khua chiêng thu quân về. Khi Hạng Sung, Lý Cổn kèm được Lý Quỳ quay về bỗng thấy mây đen trùm kín, khí độc mù trời, bốn bề tối đen như mực. Người ngựa của Tống Giang đã lọt vào trận đồ yêu quái của Trịnh ma quân. Quân sĩ nháo nhác hoảng loạn, phải dò dẫm từng bước mà đi, xung quanh tối đen như mực, ngửa tay không thấy. Tống Giang ngửa mặt lên trời than rằng:
- Có phải Tống Giang này đành bó tay chịu chết ở đây?
Trong khoảng từ giờ Tị đến giờ Mùi mây mù tan dần, bắt đầu lờ mờ có ánh sáng, rồi thấy xuất hiện nhiều người cao lớn lực lưỡng mặc áo giáp sắt vây kín xung quanh. Tống Giang sợ hãi ngã lăn ra đất, miệng lẩm nhẩm: "Xin cho Tống Giang này được chết" . Tống Giang không dám ngước lên, bên tai chỉ nghe tiếng mưa gió ào ào, ba quân tướng sĩ của Tống Giang cũng nằm rạp chờ chết. Một lúc sau mưa gió ngớt dần, Tống Giang thấy mình vẫn còn sống lại có một người đi tới kéo tay và nói: "Tướng quân hãy đứng dậy!" . Tống Giang ngước nhìn thấy một thư sinh đang giơ tay kéo mình lên. Tống Giang giật mình kinh sợ vội đứng dậy lạy chào, rồi hỏi họ tên. Người ấy đáp:
- Tiểu sinh họ Thiệu, tên Tuấn, vốn ở vùng này, đến đây báo cho nghĩa sĩ biết; vận số cua Phương Lạp sắp hết, chỉ trong vòng một năm nữa nghĩa sĩ sẽ phá tan được quân hắn. Tiểu sinh xin ra tay giúp nghĩa sĩ. Nay tuy gặp nguy khốn nhưng quân cứu viện đã đến, chẳng hay nghĩa sĩ đã biết chưa?
Tống Giang hỏi:
- Thưa tiên sinh, cứ như vận số của Phương Lạp thì đến bao giờ bắt được hắn.
Thiệu tú tài giơ tay đẩy ra, Tống Giang kinh sợ giật mình tỉnh dậy, mới hay đó là giấc chiêm bao. Nhìn kỹ thì hoá ra những người cao lớn mặc áo giáp ấy chỉ là những cây thông. Tống Giang lên tiếng gọi quân sĩ đứng dậy tìm đường tiến. Bấy giờ mây tan mù tạnh trời lại, trong sáng chỉ nghe phía ngoài rặng thông reo hò vẳng đến. Tống Giang liền hạ lệnh cho quân sĩ từ phía trong tiến ra. Chẳng bao lâu đã thấy Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng dẫn quân tiến đến, hiện đang giao chiến với Trịnh Bưu. Bao thiền sư ngồi trên ngựa thấy Võ Tòng vung đôi giới đao, chạy bộ xông vào đánh Trịnh Bưu, liền rút thanh kiếm Huyền nguyên hỗn thiên từ trên không sà xuống chém trúng vai Võ Tòng. Võ Tòng máu me lênh láng, ngã ngất. Lỗ Trí Thâm vung thiền trượng ra sức đánh cứu, thấy Võ Tòng đã giật được thanh kiếm của Bao Đạo Ất, nhưng tay trái bị chém gần đứt hẳn. Võ Tòng hồi tỉnh, thấy cánh tay lủng lẳng bèn đưa giới đao cắt cho đứt hẳn. Tống Giang gọi một tên quân hiệu dìu Võ Tòng về trại nghỉ ngơi. Lỗ Trí Thâm một mình xông xáo đánh vào giữa trận, gặp ngay Hạ Hầu Thành. Hai tướng giao chiến chừng vài hiệp, Hạ Hầu Thành thua chạy. Lỗ Trí Thâm vác thiền trượng xồng xộc đuổi theo, quân nam tán loạn bỏ chạy. Hạ Hầu Thành cắm đầu chạy vào rừng sâu. Lỗ Trí Thâm đuổi theo đến cùng.
Nói tiếp chuyện Trịnh ma quân đuổi theo đến trước trận quân Tống thì bị ba tướng Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn vung đao ào đến đánh. Trịnh ma quân không địch nổi phải quay lại chạy trốn. Bọn Lý Quỳ không thuộc đường núi, nhưng muốn lập công nên liều mạng trèo đèo, vượt suối đuổi theo, không ngờ bờ khe bên kia bọn Trịnh Bưu đã đặt sẵn ba nghìn quân mai phục. Hạng Sung vội quay lại nhưng bị hai tướng quân nam ra chận đánh. Hạng Sung liền gọi Lý Quỳ và Lý Cổn nhưng lúc ấy bọn Lý Quỳ đang vượt khe đuổi theo Trịnh Bưu rồi. Nước ở đoạn khe đó rất sâu, Lý Cổn vừa sẩy chân ngã xuống liền bị quân cung nỏ trên bờ bắn tới tấp xuống như mưa mà chết. Hạng Sung lặn xuống nước nhưng bị mắc vào lưới do quân mai phục đã giăng sẵn. Hạng Sung cố sức giẫy dụa nhưng bị quân Trịnh Bưu ào xuống đâm chém làm trăm mảnh. Thương thay Lý Cổn, Hạng Sung đến đây chịu chết, kẻ anh hùng cũng đành bó tay." Chỉ còn một mình Lý Quỳ đuổi Trịnh Bưu vào sâu trong núi. Quân nam chạy dọc bờ khe đuổi đánh, cách chừng nửa dặm lại nghe phía nam tiếng reo hò vang dậy. Đó là bọn Hoa Vinh, Tần Minh, Phàn Thuỵ đem quân đến cứu. Quân Trịnh Bưu tan rã bỏ chạy. Bọn Hoa Vinh cứu được Lý Quỳ đem về, nhưng Lỗ Trí Thâm thì tìm mãi không thấy. Các tướng đến gặp Tống Giang kể lại chuyện đuổi đánh Trịnh ma quân, khi vượt khe không may Lý Cổn, Hạng Sung bị giết, chỉ cứu được Lý Quỳ đem về. Tống Giang đau xót khóc hồi lâu. Khi điểm lại binh mã, ngoài số chết tại trận lại thêm Lỗ Trí Thâm mất tích và Võ Tòng bị chém mất tay. Đang lúc Tống Giang đau buồn, quân thám mã về báo: "Quân sư Ngô Dụng cùng các tướng Quan Thắng, Lý Ứng, Chu Đồng, Yến Thuận, Mã Lân đem một vạn quân theo đường sông đã đến tiếp viện" . Tống Giang ra ngoài trại nghênh tiếp bọn Ngô Dụng, hỏi thăm mọi việc xảy ra. Ngô Dụng trả lời:
- Đồng khu mật đem theo quân mã cùng với quân của đại tướng Vương Lẫm, Triệu Đàm và đô đốc Lưu Quang Thế đã tới dưới đèo Ô Long. Các tướng là Lã Phương, Qúach Thịnh, Bùi Tuyên, Tưởng Kính, Sái Phúc, Đỗ Hưng, Úc Bảo Tứ và các đầu lĩnh thuỷ quân Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, Đồng Uy, Đồng Mãnh ở lại giữ trại còn các tướng khác đều theo Ngô Dụng tôi đến tiếp ứng.
Tống Giang nói:
- Lại một phen hao binh tổn tướng. Võ Tòng thành người tàn tật, Lỗ Trí Thâm hiện không biết ở đâu, ta cầm lòng không được.
Ngô Dụng khuyên can:
- Xin huynh trưởng hãy tạm nén buồn, bây giờ chính là lúc phải cố sức đánh Phương Lạp, chủ tướng chớ quá đau xót mà tổn hại sức khoẻ.
Tống Giang giơ tay chỉ về phía rặng thông, kể lại cho quân sư Ngô Dụng nghe giấc mộng lạ hôm trước.
Ngô Dụng nói:
- Nếu có điềm báo mộng như thế, thì chắc nơi đây phải có đền miếu thờ vị thần thiêng đã hiển linh phù hộ chủ tướng.
Tống Giang nói:
- Quân sư nói rất phải, ta nên vào núi tìm xem.
Nói đoạn Tống Giang, Ngô Dụng thong thả đi bộ vào trong núi. Cách một quãng không xa, hai người thấ một ngôi miếu thấp thoáng trong rừng thông. Đến gần thấy trước miếu có tấm biển thếp vàng bốn chữ: "Ô Long thần miếu" . Tống Giang đi vào thượng điện, bỗng giật mình nhìn thấy trên điện thờ tượng Long quân hình dáng chẳng khác người thư sinh đã gặp trong giấc mộng. Tống Giang cúi lạy khấn rằng: "Anh em Tống Giang chúng tôi đội ơn cứu giúp của Long quân tôn thần, chưa biết lấy gì báo đáp, muôn trông thôn thần phù hộ dẹp yên Phương Lạp, anh em chúng tôi sẽ xin triều đình cho sửa sang đền miếu, gia phong tôn hiệu."
Tống Giang, Ngô Dụng lạy xong bước xuống thềm, đọc chữ trên tấm bia mới hay thần họ Thiệu tên Tuấn, người đời Đường, thi tiến sĩ không đỗ, nên nhảy xuống sông tự vẫn. Ngọc Hoàng thượng đế thương là người trung thực nên cho làm thần sông. Dân trong vùng dựng miếu thờ, bốn mùa cúng tế, cầu đảo rất linh ứng. Tống Giang thấy vậy liền sai người giết lợn đen, dê trắng đem đến tế. Làm lễ xong, Tống Giang ra ngoài miếu xem xét thấy xung quanh là rặng thông kỳ lạ đã hiện lên trong giấc mộng. Đến ngày nay ngoài cửa bắc thành Nghiêm Châu vẫn còn di tích cũ của miếu Ô Long đại vương, trên núi Vạn Tùng Lâm. Có thơ làm chứng như sau:
Trung tâm nhất điểm quỷ thần tri
Ám lý duy trì tín hữu chi
Dục thú long quân chân tính tự
Vạn Tùng lâm hạ độc tồn bi.
Lòng trung một tấc thấu thần linh
Gặp lúc nguy nan dữ chuyển lành
Muốn biết Long quân tên họ thật
Vạn Tùng bia đá vẫn lưu danh.
Nói tiếp chuyện Tống Giang làm lễ tạ ơn thần Long quân rồi ra khỏi miếu, lên ngựa trở về trại cùng với quân sư Ngô Dụng bàn việc tiến quân đánh Mục Châu. Đến chừng nửa đêm hôm ấy, Tống Giang cảm thấy tâm thần mỏi mệt bèn ngả lưng nằm xuống ghế, bỗng nghe báo "Có Thiệu tú tài đến thăm." Tống Giang chưa kịp ra đón tiếp thì Thiệu Long quân đã đến trước mặt, chắp tay vái chào rồi nói: "Nếu tiểu sinh không kịp đến cứu thì nghĩa sĩ đã bị Bao Đạo Ất dùng tà pháp biến gốc thông thành người, bắt sống nghĩa sĩ rồi. Tiểu sinh được nhận lễ vật hiến tế nên đến đây cảm tạ nghĩa sĩ. Nhân tiện báo để nghĩa sĩ biết cũng chỉ ngày một, ngày hai sẽ hạ được thành Mục Châu, còn Phương Lạp cùng lắm trốn tránh được một tuần rồi sẽ bắt sống được."
Tống Giang đang định mời Thiệu tiên sinh vào trong trướng hỏi chuyện, bỗng nghe tiếng gió rít, giật mình tỉnh dậy mới biết là giấc mộng.
Tống Giang vội nhờ quân sư Ngô Dụng đoán mộng xem sao. Ngô Dụng nói:
- Long quân tôn thần đã báo mộng như thế thì ngày mai ta có thể cất quân đánh lấy Mục Châu.
Tống Giang nói:
- Quân sư nói rất đúng.
Tảng sáng Tống Giang hạ lệnh chỉnh điểm quân mã đi đánh Mục Châu. Sai Yến Thuận, Mã Lân ở lại đóng giữ con đường lớn chạy qua đèo Ô Long. Các tướng Quan Thắng, Hoa Vinh, Tần Minh dẫn quân mã đánh thẳng vào phía cửa bắc. Pháo thủ Lăng Chấn bắn đạn lửa cửu sương (Nguyên văn là "cửu sương mẫu hoả pháo" - loại đạn lửa bắn một phát ra chín viên lớn, mỗi viên lớn lại nổ ra nhiều viên nhỏ. ) vào thành, tiếng nổ long trời lở đất người ngựa hoảng hốt kinh sợ.
Lại nói quân mã của Bao thiền sư và hậu quân Trịnh Bưu đã bị bọn Lỗ Trí Thâm đánh tan. Lỗ Trí Thâm thừa thắng đuổi theo Hạ Hầu Thành rồi mất tích không biết đi đâu. Bấy giờ bọn Trịnh Bưu đã đem quân mã lui về đóng trại trong thành rồi cùng với hữu thừa tướng Tổ Sỹ Viễn, tham chính Thẩm Thọ, thiên thư Hoàng Dật nguyên suý Đàm Cao và tướng trấn thủ là Ngũ Ứng Tinh bàn định. Tổ Sỹ Viễn nói:
- Nay quân địch đã đến dưới thành, không một phen tử chiến thì không còn cơ sống thoát!
Trịnh ma quân dẫn Đàm Cao, Ngũ Ứng Tinh và mười viên nha tướng đem một vạn tinh binh mở cửa thành xông ra giao chiến với quân Tống Giang. Tống Giang lệnh cho quân mã lùi về phía sau một tầm tên bắn để quân bọn Trịnh Bưu tiến ra dàn trận. Bao thiền sư sai khiêng ghế chéo đặt trên mặt thành, ngồi điều khiển trận đánh. Tổ thừa tướng, Thẩm tham chính, và Hoàn thiên thư cùng ngồi trên chòi canh quan sát. Trịnh ma quân xách thương nhảy lên ngựa xông ra trước trận. Bên trận quân Tống, Đại đao Quan Thắng múa đao thúc ngựa đến đánh Trịnh Bưu. Hai tướng ngồi trên ngựa quần nhau chưa đầy vài hiệp đã thấy rõ Trịnh Bưu không địch nổi, chỉ đủ sức đỡ gạt, né tránh những đường đao của Quan Thắng mà thôi. Bao Đạo Ất ngồi trên thành múa tay làm phù phép yêu quái, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, quát: "Nhanh!" rồi hà hơi thổi. Lập tức trên đầu Trịnh ma quân hiện ra một luồng khí đen rồi xuất hiện một vị thần mặc áo giáp sắt tay cầm gậy trừ tà từ trên không lao xuống. Khắp trận quân nam, mây đen đùn lên trùm kín. Tống Giang liền cho gọi Hỗn thế ma vương Phàn Thuỵ đến. Một mặt Tống Giang tự mình niệm mật chú "gọi gió trừ mây mù" theo bài bí quyết trong thiên thư. Lập tức trên mũ trụ của Quan Thắng toả ra một đám mây trắng, trong mây cũng hiện ra một vị thần tóc đỏ, mặt xanh, mắt biếc, răng nanh. Vị thần tướng cưỡi trên lưng con rồng đen, tay cầm chuỳ sắt lao đến vị thần mắc giáp sắt của Trịnh ma quân. Dưới đất quân hai bên reo hò trợ chiến. Hai thần tướng đánh nhau đưa đầy vài hiệp, thần tướng cưỡi rồng đen đã đánh bại vị thần mặc giáp sắt. Dưới đất Quan Thắng đưa một đao, đầu Trịnh ma quân lăn xuống ngựa. Bao Đạo Ất thấy bên quân Tống gió thổi sấm vang, định đứng dậy liền bị đạn lửa oanh thiên của Lăng Chấn bắn tan xác. Quân Phương Lạp đại bại, quân Tống Giang thừa thế đuổi thẳng vào thành Mục Châu. Chu Đồng hất thương đâm nguyên suý Đàm Cao lăn xuống ngựa. Lý Ứng múa phi đao giết tướng trấn thủ Ngũ Ứng Tinh. Thấy Bao thiền sư bị giết vì đạn lửa, quân nam trên thành xô nhau chạy xuống. Quân mã của Tống Giang nhất loạt đánh vào thành, bắt sống Tổ thừa tướng Thẩm tham chính. Hoàn thiên thư bọn phó tướng thì không cần biết họ tên, đều bị giết hết.
Tống Giang cùng các tướng vào thành, trước hết hạ lệnh thiêu huỷ hành cung của Phương Lạp, tất cả vàng lụa thu được đều đem thưởng cho ba quân tướng sĩ. Rồi Tống Giang cho treo biển vỗ yên trăm họ. Các tướng chưa điểm xong quân mã thì thám mã trở về phi báo: "Mã Lân bị tướng Phương Lạp là Bạch Khâm đâm chết ở đèo Ô Long hất xuống ngựa. Thạch Bảo đuổi tới bồi thêm một đao xả Mã Lân làm hai đoạn. Yến Thuận thấy vậy xông lên đánh bị Thạch Bảo vung ngọn chuỳ " Nhất lưu tinh" đánh chết. Hiện giờ Thạch Bảo đắc thắng, đang thừa thế đánh vào thành. Tống Giang nghe tin Yến Thuận, Mã Lân tử trận lại một lần nữa thương xót than khóc khôn nguôi. Rồi Tống Giang sai bốn tướng Quan Thắng, Hoa Vinh, Tần Minh, Chu Đồng đón đánh bọn Thạch Bảo, Bạch Khâm quyết chiến để giữ cửa ải đèo Ô Long. Chưa biết bốn tướng đánh Ô Long ra sao, chỉ biết:
Huyện Thanh Khê dẹp tan quân giặc mạnh
Động Bang Nguyên bắt sống thiên tử rơm
Rồi đây anh em Tống Giang:
Danh thơm sử sách nghìn năm toả
Công lớn thanh bình vạn cổ truyền
Chưa biết bọn Tống Giang đón đánh quân địch ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK