• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đang nói chuyện lúc bấy giờ quân sư Ngô Dụng bàn với Tống Giang:

- Khí thế quân giặc trong thành đã suy yếu lắm. Trước bọn chúng cậy có yêu thuật, nay biết Kiều Đạo Thanh thua trận mà viện binh cũng không có, làm gì chẳng khiếp sợ? Sáng nay Ngô Dụng tôi lên chòi cao nhìn vào, thấy quân trong thành có ý hoảng loạn sợ hãi. Thừa dịp bọn chúng đang hoảng hốt, ta mở đường mới, nêu rõ lợi hại, như vậy tất quân sĩ sẽ trói bọn tướng tá để ra hàng. Quân ta không cần đến gươm đao mà giặc phải mất thành.

Tống Giang cả mừng nói:

- Kế của quân sư rất phải!

Bàn bạc xong, Ngô Dụng bèn lấy giấy bút thảo hịch bố cáo cho quân dân trong thành Chiêu Đức đều biết:

"Tướng tiên phong của triều đình Đại Tống đi đánh loạn quân Điền Hổ bố cáo cho tướng sĩ và quân dân trong thành Chiêu Đức biết rõ: Tên Điền Hổ phản nghịch ắt phải chịu tội chết, ngoài ra những kẻ bị bắt buộc phải theo làm thuộc hạ xét tình đáng tha thứ. Tướng sĩ giữ thành nếu biết bỏ tà theo chính, sửa lỗi, làm lại cuộc đời, dẫn dắt quân dân mở cửa thành nhận đầu hàng thì sẽ được triều đình xá tội, cho ghi tên để bổ dụng. Nếu không chịu hối cải thì binh lính và dân chúng trong thành vốn là con dân của nhà Tống hãy mau dấy nghĩa, bắt trói bọn tướng tá mà quy thuận thiên triều. Ai có công đều sẽ được trọng thưởng, ta sẽ xin để triều đình phong chức quan cao. Nếu chần chừ ngoan cố, khi đại quân vào phá thành thì ngọc đá đều hoá thành tro bụi, không một kẻ nào sống thoát.

Nay đặc dụ".

Ngô Dụng viết xong, Tống Giang cho chép ra mấy chục bản, sai buộc vào đốc tên rồi tản đi khắp bốn phía mà bắn bổng vào thành. Tống Giang lại truyền cho quân vây thành chỉ đánh cầm chừng để nghe ngóng trong thành động tĩnh ra sao. Tảng sáng hôm sau bỗng nghe trong thành vọng ra tiếng hò la vang trời, rồi các cổng thành đều dựng cờ hàng. Bấy giờ mọi người mới biết hai viên tì tướng là Kim Đĩnh và Hoàng Việt tập hợp quân dân nổi lên giết bọn phó tướng Diệp Thanh, Ngưu Canh, Lãnh Ninh chặt lấy thủ cấp treo lên ngọn sào, giơ cao cho quân Tống Giang xem. Các đầu lĩnh Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lưu Đường, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn, Đường Bân được tha khỏi nhà giam, đều được mời lên kiệu rước ra ngoài thành để trao trả. Quân dân đi theo đều mang hương hoa nghênh tiếp Tống Giang vào thành. Tống Giang cả mừng, truyền lệnh cho các tướng thống lĩnh quân mã theo thứ tự trước sau đưa quân vào thành. Gươm đao không dính máu, trăm họ được bình yên, tiếng reo mừng vang như sấm dậy.

Tống Giang vào đóng suý phủ ở phủ đường. Bọn Lỗ Trí Thâm tám người đến yết kiến Tống tiên phong. Lỗ Trí Thâm nói:

- Anh em tiểu đệ những tưởng phải bỏ thân đất giặc, nhờ uy của huynh trưởng mới đựợc về đoàn tụ với nhau, thật như trong giấc chiêm bao!

Anh em Tống Giang cảm khái rơi nước mắt. Tiếp đó Kim Đĩnh và Hoàng Việt dẫn bọn Ông Khuê, Sái Trạch, Dương Xuân vào yết kiến. Tống Giang đáp lễ rồi đỡ dậy nói:

- Các tướng quân có công lớn dấy đại nghĩa bảo toàn sinh linh trăm họ.

Hoàng Việt thưa:

- Bọn tiểu nhân chúng tôi không sớm quy hàng là đắc tội lắm, không ngờ lại được tiên phong tiếp đãi trọng hậu. Ơn này xin ghi lòng tạc dạ, thề chết để báo đền.

Rồi Hoàng Việt kể lại chuyện các đầu lĩnh Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ sang sảng mắng giặc, không chịu đầu hàng. Tống Giang cảm đọng rơi lệ khen ngợi hồi lâu, Lý Quỳ nói:

- Anh em tiểu đệ nghe nói tên yêu tặc Kiều Đạo Thanh đang ẩn náu ở Bách Cốc lĩnh, xin cho tiểu đệ đến đó chém đầu hắn làm trăm mảnh cho hả giận!

Tống Giang nói:

- Công Tôn Thắng đã bao vây Kiều Đạo Thanh ở Bách Cốc Lĩnh tìm cách bắt hắn phải hàng phục. La chân nhân căn dặn phải thu dùng Kiều Đạo Thanh, hiền đệ không được nóng vội.

Lỗ Trí Thâm nói với Lý Quỳ:

- Lệnh của huynh trưởng như thế thì bọn ta phải tuân theo.

Tống tiên phong bèn sai người đi treo bảng vỗ yên dân chúng, khao thưởng ba quân, ghi công cho Công Tôn Thắng, Kim Đĩnh, Hoàng Việt. Bỗng tin báo có Thần hành thái bảo Đái Tôn từ châu Tấn Ninh về. Đái Tôn vào phủ yết kiến. Tống tiên phong liền hỏi tin chiến trận ở châu Tấn Ninh, Đái Tôn nói:

- Tiểu đệ đến Tấn Ninh vừa gặp lúc Lư tiên phong đang cho quân vây đánh thành. Lư tiên phong bảo Đái Tôn tôi ở lại chờ đến khi lấy đựợc thành hay trở về báo tin với huynh trưởng luôn một thể. Tiểu đệ ở lại đó ba bốn ngày. Thành Tấn Ninh lúc đầu không hạ nổi, đến đêm mồng sáu tháng này ban đêm sương mù dày đặc, trong gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Lư tiên phong cho quân bí mật trèo lên bao đất, kéo tay nhau trèo lên mặt thành. Tướng giặc bị giết tại trận tất cả mười ba tên. Em ruột Điền Hổ là Điền Bưu mở cửa bắc đánh thốc ra mở đường chạy trốn, bọn nha tướng không chạy kịp đều phải đầu hàng. Quân ta thu hơn năm nghìn chiến mã, quân giặc vứt giáo quy hàng hơn hai vạn tên. Số bị giết tại trận nhiều không kể xiết. Lấy được thành Tấn Ninh, sáng hôm sau Lư tiên phong sai treo bảng chiêu an dân chúng, xếp đặt việc canh phòng. Bỗng có tin Điền Hổ sai điện suý Tôn An cùng mười tên chánh phó tướng dẫn hai vạn quân cứu viện đến hạ trại cách thành Tấn Ninh mười dặm. Lư tiên phong liền sai Tần Minh, Dương Chí, Âu Bằng, Đặng Phi đưa quân ra ngoài thành nghênh chiến, Lư tiên phong đưa quân đi theo tiếp ứng. Bấy giờ Tần Minh và Tôn An giao chiến hơn năm mươi hiệp chưa phân thắng bại. Lư tiên phong đến thấy Tôn An võ nghệ cao cường bèn cho khua chiêng thu quân. Tôn An cũng lui quân về. Lư tiên phong bàn với bọn Tần Minh dùng mưu bắt Tôn An phải hàng phục. Ngày hôm sau, Lư tiên phong sai các tướng đưa quân đi mai phục rồi tự mình cầm quân ra trận. Đánh với Tôn An hơn năm mươi hiệp, ngựa chiến của Tôn An bỗng chúi ngã về phía trứơc, hất Tôn An xuống đất, Lư tiên phong nói to:

- Cho người về thay ngựa rồi trở lại giao chiến cho tỏ rõ hơn thua.

Tôn An thay ngựa rồi quay lại đánh với Lư tiên phong, hơn năm mươi hiệp nữa. Lư tiên phong vờ thua rẽ ngựa, dụ cho Tôn An đuổi theo đến cửa rừng. Bỗng một tiếng pháo lệnh nổ vang, quân mai phục hai bên nhất tề đổ ra. Tôn An trở tay không kịp, bị quân Tống quăng tròng giật ngã. Quân sĩ ập đến bắt sống cả người và ngựa. Ba tướng của Điền Hổ là bọn Tần Anh, Lục Thanh, Diêu Ứớc phóng ngựa theo cứu Tôn An thì gặp Dương Chí, Âu Bằng, Đặng Phi xông ra chặn đánh. Sáu tướng ngồi trên ngựa quần thảo từng đôi một. Giữa lúc đánh hăng, Dương Chí bỗng quát to một tiếng rồi nâng thương đâm Tần Anh lăn nhào xuống ngựa. Âu Bằng đâm dứ một đường, Lục Thanh liền phạt đao xuống. Âu Bằng nhẹ nhàng né tránh, Lục Thanh chém trượt, không kịp thu đao, liền bị Âu Bằng phóng thương đâm trúng gáy, chết ngay tại trận. Diêu Ước thấy hai tướng ngã ngựa, liền rẽ cương chạy về tận nhà. Đặng Phi đuổi kịp, vung thiết chuỳ đánh vuốt theo, Diêu Ước giập đầu vỡ mũ lăn xuống ngựa. Lư tiên phong vẫy quân đuổi đánh. Quân Điền Hổ đại bại, bị chém giết tại trận bốn năm nghìn tên, tàn quân phải chạy lui về phía sau mười dặm. Lư tiên phong thắng trận đem quân vào thành. Thấy quân sĩ áp giải Tôn An đến, Lư tiên phong tự tay cởi trói rồi tiếp đãi trọng vọng, khuyên Tôn An nên quy thuận triều đình. Thấy Lư tiên phong là người nhân hậu, có nghĩa khí, Tôn An xin hàng phục rồi nói với Lư tiên phong: "Hiện còn bẩy viên chánh phó tướng và một vạn năm nghìn quân mã đang đóng ở ngoài thành. Xin cho Tôn An tôi đi gọi bọn họ về hàng". Lư tiên phong không chút nghi ngờ, cho Tôn An một mình một ngựa đến trại quân Điền Hổ ở ngoài thành thuyết phục các tướng đem quân đầu hàng. Tất cả bẩy tướng thuộc hạ của Tôn An theo về thành yết kiến Lư tiên phong. Lư tiên phong vui mừgn sai bầy tiệc khoản đãi. Tôn An nói:

- Tôn An tôi cùng Kiều Đạo Thanh xuất quân từ châu Uy Thắng. Kiều Đạo Thanh đi cứu viện cho ải Hồ Quan. Hắn có yêu thuật, sợ Tống tiên phong mắc vào ngón độc của hắn. Kiều Đạo Thanh với Tôn An tôi là người đồng hương. Xin tướng quân cho Tôn An tôi đến Hồ Quan tìm cách thuyết phục Kiều Đạo Thanh quy thuận.

Lư tiên phong vui mừng sai Đái Tôn tôi dẫn Tôn An về đây yết kiến huynh trưởng. Một mặt truyền lệnh cho Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Lã Phương, Quách Thịnh quản lĩnh hai vạn quân mà ở lại đóng giữ thành Tấn Ninh. Lư tiên phong thống lĩnh các tướng còn lại đưa hai vạn quân mã lên đường sang châu Phần Đương. Đái Tôn tôi trổ phép thần hành đem cả Tôn An về đây, dọc đường nghe tin huynh trưởng đã vây thành Chiêu Đức, Kiều Đạo Thanh cũng đang bị vây trong núi. Hôm nay nghe tin đại binh đã vào thành, Đái Tôn tôi bèn đi thẳng vào đây yết kiến huynh trưởng. Tôn An còn đang chờ ở bên ngoài.

Tống Giang cả mừng bảo Đái Tôn dẫn Tôn An vào. Thấy Tôn An hiên ngang khôi vĩ, khác xa kẻ tầm thường, Tống Giang liền xuống thềm đón tiếp. Tôn An rập đầu lạy chào rồi nói:

- Tôn An tôi trót cầm quân chống đại binh của thiên triều, tội muôn lần đáng chết!

Tống Giang vội đáp lễ, nói:

- Mong tướng quân bỏ tà theo chính, hợp sức với Tống Giang tôi để diệt trừ Điền Hổ. Khi thắng trận trở về, Tống Giang sẽ xin tâu lên hoàng thượng phong thưởng cho tướng quân.

Tôn An cúi mình vái tạ. Tống tiên phong liền sai bày rượu khoản đãi. Tôn An nói:

- Yêu thuật của Kiều Đạo Thanh rất lợi hại, may sao tiên phong đã có Công Tôn tiên sinh giúp sức, khiến hắn phải bó tay.

Tống Giang nói:

- Công Tôn Nhất Thanh muốn thu phục hắn đem chính pháp, giáo hoá để sau này cần dùng. Hắ bị bao vây trong núi đã ba bốn ngày nay nhưng chưa tỏ ý muốn đầu hàng.

Tôn An nói:

- Hắn là chỗ quen thân với tiểu nhân, xin tiên phong cho Tôn An này thuyết phục hắn về hàng.

Tống tiên phong liền sai Đái Tôn cùng đi với Tôn An đến doanh trại của Công Tôn Thắng. Chào hỏi xong, Công Tôn Thắng nghe nói lại sự việc lấy làm mừng, liền cho Tôn An vào núi tìm Kiều Thanh. Tôn An vâng lệnh một mình lên ngựa đi ngay.

Lại nói Kiều Đạo Thanh cùng bọn Phí Trân, Tiết Xán và hơn chục tên tàn quân ẩn náu trong miếu Thần Nông. Ba đạo nhân trụ ở miếu ấy hàng ngày đi mộ hoá các nơi dành dụm được chút ít thóc gạo bị bọn Kiều Đạo Thanh ăn hết, nhưng thấy bọn chúng đông người đành nuốt giận không dám kêu. Hôm ấy Kiều Đạo Thanh nghe tiếng hò la trong thành vang tớ, bèn ra ngoài miếu trèo lên mỏm đá cao đứng nhìn. Thấy quân Tống Giang đã lấy được thành, ở cổng lớn có nhiều người ngựa ra vào. Kiều Đạo Thanh biết thành Chiêu Đức đã mất, đang lúc lo buồn, chợt thấy trong lùm cây phía dưới mỏm đá có người tiều phu lưng giắt búa tay cầm đòn gánh làm gậy trèo lên, vừa đi vừa hát:

Thướng sơn như vãn chu,

Hạ sơn như thuận lưu.

Vãn chu đương sự giới,

Thuận lưu thường tự do.

Ngã kim hướng sơn giả,

Dự vi hạ sơn mưu.

Lên núi như ngược sóng

Xuống núi tựa xuôi dòng

Ngược thuyền lo ngay ngáy

Xuôi dòng thì thong dong

Ta nay tìm lên núi

Để tính việc xuôi sông.

Nghe bài ca của người hát củi, Kiều Đạo Thanh chột dạ, bèn cất tiếng hỏi:

- Lão có biết tin tức trong thành thế nào không?

Lão tiều đáp:

- Kim Đĩnh, Hoàng Việt đã giết phó tướng Diệp Thanh, nộp thành quy thụân nhà Tống rồi. Quân Tống Giang đã lấy được thành Chiêu Đức không tốn một mũi tên.

Kiều Đạo Thanh nói:

- Đúng thế thật!

Lão tiều rẽ ra sau mỏm đá đi tiếp lên núi. Lại thấy một người cưỡi ngựa cũng đang tìm đường đi lên. Kiều Đạo Thanh bước xuống, nhìn kỹ bỗng giật mình nhận ra người ấy là điện suý Tôn An. Kiều Đạo Thanh nghĩ bụng: "Tôn điện suý tìm đến đây làm gì?" Vừa lúc ấy Tôn An xuống ngựa bước lại chào. Kiều Đạo Thanh vội hỏi:

- Điện suý dẫn quân đi Tấn Ninh, sao lại đến đây một mình? Dưới núi có quân bao vây mà điện suý lại lên đây được?

Tôn An đáp:

- Để thư thả sẽ kể lại cho tôn huynh nghe.

Thấy Tôn An không gọi mình là "quốc sư", Kiều Đạo Thanh đã phần nào đoán ra sự thật.

Hai người vào trong miếu, bọn Phí Trân, Tiết Xán đều ra chào Tôn An. Chào hỏi xong, Tôn An đem chuyện thua trận phải đầu hàng ở Tấn Ninh kể lại một lượt. Kiều Đạo Thanh chỉ im lặng ngồi nghe. Tôn An nói:

- Tôn huynh chớ nên nghi ngại. Tống tiên phong là người rất mực nghĩa khí, bọn ta quy thuận, theo đứng dưới cờ, về sau ắt cũng được phần tốt đẹp. Tôn An tôi đến đây chính là vì tôn huynh. Có phải thuở trước tôn huynh từng đến xin họ đạo với La chân nhân?

Kiều Đạo Thanh vội hỏi:

- Ai nói với hiền huynh chuyện ấy?

Tôn An đáp:

- Có phải La chân nhân không tiếp tôn huynh, sai đạo đồng ra bảo: ngày sau "Ngộ đức mà hàng?"

Kiều Đạo Thanh vội đáp:

- Đúng thế!

Tôn An lại nói:

- Tôn huynh có biết ai đã phá phép thuật của tôn huynh không?

Kiều Đạo Thanh nói:

- Chỉ biết hắn ở trong quân Tống Giang, không rõ lai lịch ra sao.

Tôn An nói:

- Người ấy là Công Tôn Thắng, đồ đệ của La chân nhân đó. Công Tôn Thắng hiện giữ chức phó quân sư của Tống tiên phong. Chính Công Tôn Thắng kể cho Tôn An biết chuyện ấy. Thành này tên là thành Chiêu Đức. Phép thuật của tôn huynh bị phá, chẳng phải là ứng hợp với câu "Ngộ đức mà hàng" đó sao? vâng lời La chân nhân muốn cảm hoá tôn huynh để cùng theo chính đạo, nên Công Tôn Thắng chỉ cho quân bao vây chứ không đánh lên núi. Công Tôn Thắng phép thụât cao cường, nếu muốn làm hại tôn huynh phỏng có khó gì! Tôn huynh đừng nên cố chấp.

Kiều Đạo Thanh nghe lời khuyên của Tôn An, bèn dẫn bọn Phí Trân, Tiết Xán theo Tôn An xuống núi, cùng vào quân doanh yết kiến Công Tôn Thắng.

Tôn An vào trước báo tin. Công Tôn Thắng cả mừng ra cửa trại đón tiếp. Kiều Đạo Thanh sụp lạy xin chịu tội:

- Đội ơn pháp sư có lòng nhân ái, chỉ vì Đạo Thanh tôi mà pháp sư phải vất vả đem quân đến đây. Đạo Thanh tôi càng thêm nặng tội!

Công Tôn Thắng vui mừng không kịp đáp lạy, vội dìu Kiều Đạo Thanh đứng dậy tiếp đãi như khách quý. Kiều Đạo Thanh nói:

- Đạo Thanh tôi có mắt không biết nhìn, nay được theo hầu bên cạnh pháp sư thật là may mắn lắm!

Công Tôn Thắng bèn truyền lệnh giải vây, bọn Phàm Thụy đều nhổ trại lui quân. Công Tôn Thắng dẫn bọn Kiều Đạo Thanh, Phí Trân, Tiết Xán vào yết kiến Tống tiên phong. Tống Giang tiếp đãi tử tế, lựa lời ôn tồn vỗ về. Kiều Đạo Thanh thấy Tống Giang khiêm tốn nhã nhặn lại càng kính phục. Một lúc sau, các tướng Phàn Thuỵ, Đan Đinh Khuê, Ngụy Định Quốc, Lâm Xung, Trương Thanh cũng đều đến đông đủ, Tống Giang truyền lệnh đưa người ngựa vào đóng trong thành Chiêu Đức, rồi cho bầy tiệc chúc mừng. Trên chiếu tiệc Công Tôn Thắng nói với Kiều Đạo Thanh:

- Xét ra phép thuật của túc hạ, trên không thể sánh với chư Phật Bồ Tát, trải bao kiếp tu hành mới đạt được chính pháp, thông đạt tới cõi hư không tam muội, biến hoá thần thông tuỳ theo ý muốn. Giữ thì không thể sánh với phép thuật của bậc chân tiên ở chốn Bồng lai ba mươi sáu động, phải mấy chục năm rút nước thêm hỏa, đổi tuỷ thay gân, mới có được hình hài siêu phàm là nhờ bùa chú, đoạt được phần thắng nhất thời, trộm cắp tinh anh của trời đất, mượn oai của quỷ thần mà thi thố. Phật gia gọi đó là "tà pháp", bên đạo gia thì gọi là "huyễn thuật", túc hạ nếu cho những thứ phù phép ấy là siêu phàm nhập thánh há chẳng phải là nhầm lẫn sao?

Kiều Đạo Thanh nghe xong như người tỉnh mộng, sụp lạy, suy tôn Công Tôn Thắng làm thầy. Anh em Tống Giang nghe Công Tôn Thắng nói rành mạch những điều huyền diệu, ai nấy đều thán phục. Tan tiệc mọi người ra về, chuyện không có gì đáng nói.

Ngày hôm sau Tống Giang sai Tiêu Nhượng viết biểu gửi về triều tâu việc thu phục hai phủ Tấn Ninh, Chiêu Đức. Một mặt cũng gửi thư báo cho Túc thái uý biết tin thắng trận, xin mong Túc thái uý chọn người hiền tài để triều đình bổ đến cai quản sáu phủ Vệ Châu, Tấn Ninh, Chiêu Đức, Cái Châu, Lăng Xuyên, Cao Bình thay cho các tướng tiếp tục đem quân đi chinh thao. Tiêu Nhượng viết xong biểu văn, Tống Giang liền sai Đái Tôn trổ phép hành chuyển về kinh sư. Đái Tôn vâng lệnh lên đường ngay trong ngày hôm ấy.

Đái Tôn nhận biểu văn, gói hành lý, đem theo một tên trong đội khinh kỵ đi theo, rồi từ biệt Tống tien phong để lên đường. Đái Tôn trổ phép thần hành, chỉ mất một ngày đã về đến Đông Kinh. Trước hết Đái Tôn đến phủ Túc thái uý trình thư của Tống tiên phong. Gặp Dương ngu hầu, Đái Tôn lấy vài lạng bạc đem biếu, nhờ Dương ngu hầu trình thư vào phủ. Một lát sau Dương ngu hầu trở ra nói: "thái uý cho mời tướng quân vào".

Đái Tôn theo Dương ngu hầu vào sảnh đường. Túc thái uý đang ngồi xem thư của Tống Giang. Đái Tôn tới lạy chào, Túc thái uý nói:

- Hiện đang có chuyện rắc rối, ngươi cầm thư về đây thật đúng lúc! Mới hôm kia, bọn Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu hết lời phỉ báng Tống tiên phong làm hao quân tổn tướng, làm nhục mệnh triều đình, xin thiên tử trị tội. Thiên tử còn do dự chưa quyết thì quan hữu chính ngôn Trần Quán dâng sớ bác lại. Một mặt tố cáo bọn Sái Kinh vu khống hãm hại trung thần. Một mặt đề cao công trạng của Tống tiên phong, nói rõ đại quân đã vượt ải Hồ Quan, xin hoàng thượng trị tội bọn Sái Kinh. Sái Kinh căm tức bới chuyện để hãm hại Trần Quán. Hôm qua Sái thái sư tâu với thiên tử là Trần Quán có soạn bài văn "Tôn Nghiêu lục" ví vua Thần Tông như vua Nghiêu, tức là có ngụ ý xúc phạm đến đức kim thượng. Cũng may thiên tử chưa xử tội Trần Quán. Nay ngươi về báo tiệp, không những Trần Quán được mát mặt mà ta cũng trút được bao điều lo lắng. Buổi chầu sáng mai ta sẽ dâng biểu báo tiệp của Tống tiên phong.

Đái Tôn lạy tạ rồi ra tìm quán trọ nghỉ ngơi, chuyện không cần phải nói.

Lại nói về sáng hôm sau Tống Huy Tông ngự triều ở Điện Văn Đức, Túc Thái uý lạy mừng xong liền dâng biểu báo tiệp của Tống Giang. Tống Huy Tông lấy làm mừng.

Túc tháii uý nói:

- Quan ch anh ngôn Trần Quán soạn bài "Tôn Nghiêu lục" ví tiên đế như vua Nghiêu mà coi bệ hạ như vua Thuấn, như thế có gì đáng phạm tội? quan chính ngôn là người thẳng thắn, không chịu luồn cúi, gặp việc dám tâu, đáng gọi là người có đảm lược. Xin bệ hạ gia phong quan tứớc rồi sai Trần Quán lên Hà Bắc làm giám chiến, tất Trần Quán sẽ lập công lớn.

Tống Huy Tông chuẩn tâu, truyền thăng chức cho Trần Quán làm đồng tri khu mật viện, giữ chức an phủ, thống lĩnh hai vạn quân ngự doanh đến doanh trại quân Tống Giang làm giám chiến, cho phép đem theo tiền bạc để khao thưởng ba quân tướng sĩ.

Tan chầu Túc thái uý về phủ, gọi Đái Tôn vào trao thư phúc đáp. Đái Tôn bèn cáo từ Tức thái uý trổ phép thần hành rời khỏi Đông Kinh, ngày hôm sau đã về đến thành Chiêu Đức.

Tống Giang đang kiểm điểm binh mã, trù tính việc tiến quân, thấy Đái Tôn về, vội hỏi ngay tin tức ở Đông Kinh. Đái Tôn trình thư phúc đáp của Túc thái uý. Tống Giang xem xong kể lại đầy đủ cho các tướng cùng nghe. Mọi người đều nói:

- Trần an phủ cương trực dũng cảm như vậy, anh em ta bỏ sức ở chiến trường cũng không uổng phí.

Tống Giang cho quân sĩ nghỉ ngơi chờ nghênh tiếp thánh chỉ, sau đó sẽ xuất quân. Các tướng đều tuân lệnh đóng quân đồn trú trong thành. Chuyện ấy không phải nói đến.

Lại nói chuyện về huyện Lộ Thành ở phía bắc phủ Chiêu Đức tướng trấn thủ huyện ấy là Trì Phương nghe tin Kiều Đạo Thanh bị vây hãm liền sai người thâu đêm đi gấp về châu Uy Thắng cáo cấp với Điền Hổ. Quan sảnh viện tiếp biểu văn cáo cấp của Trì Phương, định tâu lên Điền Hổ, bỗng có tin báo thành Tấn Ninh thất thủ, chỉ một mình đệ tam đại vương Điền Bưu sống sót. Vừa lúc ấy, Điền Bưu về đến nơi. Điền Bưu cùng quan sảnh viện vào cung yết kiến Điền Hổ. Điền Bưu khóc lớn, thưa rằng:

- Thế lực quân Tống rất lớn, thành Tấn Ninh đã mất. Con thần là Điền Thực bị giết, một mình thần chạy thoát về đây. Mất đất tan quân, thần đáng muôn lần tội chết!

Điền Bưu nói xong lại khóc thảm thiết, Quan sảnh viện tâu rằng:

- Thần vừa tiếp biểu văn của Trì Phương ở huyện Lộ Thành báo tin Kiều Quốc sư bị quân Tống bao vây ở Bách Cốc Lĩnh, thành Chiêu Đức lâm nguy trong sớm tối.

Điền Hổ nghe tâu cả kinh, liền gọi các quân văn võ là bọn hữu thừa tướng thái sư Biện Tường, khu mật quan Phạm Quyền, thống quân đại tướng Mã Linh vào triều bàn bạc. Điền Hổ nói:

- Mấy ngày gần đây Tống Giang đem quân xâm phạm lãnh thổ, chiếm hai quận lớn. Quân tướng của ta thiệt hại khá nhiều. Quốc sư Kiều Đạo Thanh cũng đang bị bao vây. Các ngươi nghĩ xem có cách gì đối phó.

Lúc ấy Ô Lê quốc cữu bước lên tâu rằng:

- Xin quốc vương chớ lo! thần đội ơn lớn của triều đình, xin thống lĩnh quân mã ngay hôm nay lên đường đi cứu viện cho Chiêu Đức, thề phải bắt sống bọn Tống Giang, khôi phục lại các thành trì đã mất.

Ô Lê quốc cữu nguyên là một nhà phú hộ ở châu Uy Thắng, giỏi võ nghệ, đôi tay có sức nghìn cân, quen dùng cây cugn cứng và một thanh đại đao bạt gió nặng năm mươi cân. Ô Lê có người em gái nhan sắc xinh đẹp đem dâng cho Điền Hổ, được phong làm khu mật, vì thế được tôn xưng là quốc cữu.

Lúc ấy Ô Lê quốc cữu tâu:

- Thần có con gái tên là Quỳnh Anh, gần đây chiêm bao được thần nhân dạy cho các môn võ nghệ. Khi tỉnh dậy quả thấy sức vóc hơn người, lại có biệt tài ném đá, trăm phát trúng cả trăm, vì thế người ta thường gọi là "mũi tên Quỳnh". Xin bệ hạ cho con thần được làm tướng tiên phong, chắc lập được công lớn.

Điền Hổ liền phong tứớc quận chúa cho Qùynh Anh, Ô Lê vừa tạ ơn xong thì thống quân đại tướng Mã Linh tâu:

- Thần xin đem quân mã đến châu Phần Dương đánh lui quân địch!

Điền Hổ cả mừng ban cho kim ấn, hổ phù và các đồ châu ngọc quý giá. Ô Lê, Mã Linh mỗi người đem ba vạn quân cấp tốc lên đường.

Chưa nói chuyện Mã Linh thống lĩnh quân mã đi châu Phần Dương. Hãy nói chuyện Ô Lê quốc cữu lĩnh thánh chỉ binh phù rồi ra trường giảng võ điểm lấy ba vạn quân mã, cho sửa sang đao thương cung nỏ và các đồ khí giới. Sau đó Ô Lê về phủ riêng, dẫn con gái là nữ tướng tiền bộ tiên phong Quỳnh Anh vào cung cáo từ Điền Hổ để đem quân lên đường. Quỳnh Anh vâng lệnh cha, thống lĩnh quân mã tiến gấp về phủ Chiêu Đức. Chuyện nữ tướng cầm quân xông trận sẽ kể sau, chỉ biết trước rằng:

Gái trinh liệt gia thù quyết báo,

Trai anh hùng duyên phượng thoả nguyền.

Chưa biết vị nữ tướng cầm quân ra trận thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK