Nếu được quay lại cuộc sống bình thường, Vô Phong sẽ không ngần ngại điền vào phần kỹ năng trong hồ sơ xin việc: “có thể sống sót giữa hai làn đạn”. Quận 4 Cửu Long, sa mạc Hồi Đằng, Khẩu Lỗ thành rồi miền đông bắc Băng Thổ – cái đận kẹt giữa lũ điên choảng nhau bước sang lần thứ tư. Nó chưa chịu buông tha tên tóc đỏ.
Bên trong một ngôi nhà thuộc vùng biên Bạch Tu quốc, miền đông bắc Băng Thổ…
Vô Phong ghé đầu gần khe cửa sổ, nắng tàn kẻ đường thẳng lờ nhờ trên bộ mặt ám khói. Qua cái khe, hắn trông thấy thành phố đầu mối giao thương giữa Bình Di quốc và Bạch Tu quốc. Một nơi sầm uất gồm những bến tàu điện ngầm, cảng thuyền cạn tấp nập; những con phố rộn rịp bước chân lũ dã yến với hàng hóa chất đầy lưng; những quán rượu huyên náo với dân buôn, người tộc thiểu số, dân bản địa, người phương đông phương tây tụ họp, kháo nhau đủ mọi chuyện phiếm. Cảnh tượng từng là như thế. Giờ chúng vẫn vậy, chỉ khác là không bóng người và bị đè bẹp dưới bàn chân của sự im lặng. Một số nơi đã vỡ vụn hoặc sứt sở vì đạn pháo. Thành phố đang có chiến tranh.
Ba ngày trước, phiến quân từ Bình Di quốc tràn vào cướp phá, quân chính phủ Bạch Tu cùng lực lượng đánh thuê lập tức đáp trả. Chiến trường lan khắp phố sá, dân chúng vội vã di tản. Chỉ người cứng đầu không chịu bỏ nhà cửa, đám hôi của hay kẻ xui xẻo mới ở lại. Vô Phong thuộc nhóm xui xẻo. Nơi hắn ẩn náu nằm giữa vùng giao tranh, có thể dính đạn pháo bất cứ lúc nào. Cách đây một con đường, dăm ba ngôi nhà há mồm nhìn trời bằng tầng mái thủng toác nóc, gạch bị lột lộ ra dầm sắt cốt thép, tựa thể vừa trở ra từ một trận tra tấn tàn bạo. Vô Phong nghĩ chỗ này chẳng bao lâu nữa cũng há mồm nhìn trời. Xui xẻo thường đi thành chương, đóng thành quyển.
Tên tóc đỏ không dám thập thò bên cửa sổ lâu hơn vì sợ lính bắn tỉa. Hắn trở vào trong, dựa vào thính giác lẫn trực giác để cảnh giới. Lát sau, hắn sang phòng kế bên gọi Si Giáng thay phiên mình. Cô gái uể oải đứng dậy, vừa đi vừa tu bình trà thiết mộc đắng ngoét. Vô Phong ngồi dựa tường, hai mắt dằm dặm như có kim chích trong hốc nhãn cầu, cơ bắp vừa dão duột vừa ngứa ngáy. Lúc này chẳng liều thuốc nào công hiệu bằng một giấc ngủ. Nhưng Vô Phong không thể ngủ, hắn còn phải trông chừng “những người khác”.
“Những người khác” ở đây là bốn ông già. Họ tụ tập với nhau ở góc, người thức kẻ ngủ, ngủ thì co quắp, thức thì lo âu. Ai nấy đều sợ hãi một cách vô thức hoặc có ý thức. Hầu hết họ dành cuộc đời cho thế giới tưởng tượng của phóng thí nghiệm, công thức, số má chữ nghĩa nên không thể chịu nổi chiến tranh – bộ mặt tàn khốc nhất của thực tại. Giữa tâm chiến sự, họ dễ tổn thương, chẳng khác một đám trẻ con dễ tổn thương cần được quan tâm săn sóc.
-Ông ổn chứ? Ông Đốc Lãm? – Vô Phong nhổm dậy khi thấy một người ho sù sụ mãi không dứt – Thuốc của ông đây! Đợi một chút… nằm yên, cố gắng thở đều. Thuốc còn nhiều, đừng lo!
Vô Phong đưa bi đông nước cho ông già Đốc Lãm. Uống xong, người nọ đỡ hơn, tiếng ho bớt nặng. Nhiều năm tiếp xúc quang tố dạng thô khiến ông ta bị nhiễm độc phép thuật, cơ quan hô hấp tổn thương nặng, phải dùng thuốc tới ngày xuống mồ. Vô Phong kiểm tra, nhận ra thuốc còn nửa vỉ và qua ngày mai là hết nhẵn. Sang ngày kia ông già cầm chắc cái chết, tên tóc đỏ chỉ trấn an ông ta để tình hình bớt căng thẳng. Ở đây vốn đã quá nhiều căng thẳng.
Hai ngày trước, tên tóc đỏ gọi điện xin Đa Lạt giúp đỡ và nhận được câu trả lời chắc như đinh đóng cột “Cứ yên tâm! Mọi người sẽ an toàn!”. Nhưng cái an toàn chắc nịch ấy nghe chừng vẫn ở tít Băng Hóa và chưa đóng thùng chuyển lên phi thuyền. Từ ngày Liên Minh rạn nứt, Băng Hóa xử lý mọi chuyện chậm chạp hơn nhiều, sức ảnh hưởng của họ lên toàn lục địa đang yếu đi.
Chiều tàn, tối đến, Vô Phong gà gật nửa thức nửa ngủ. Bộ não mỏi mệt của hắn chỉ gồng lên khi bộ đàm bên tai lạo xạo giọng nói nhừa nhựa: “Tôi đang vào!”. Mai Hoa xuất hiện sau ít phút. Gã đi thám thính cả chiều và mót được một ít đồ ăn nước uống, nhưng thứ quan trọng nhất là thuốc cho Đốc Lãm lại không có. Thuốc này hiếm, Mai Hoa lục tung cả thành phố mà không tìm nổi một viên. Để tránh to chuyện, Vô Phong kéo gã cú vọ ra một chỗ:
-Ngày kia không có thuốc, ông già tắt thở. – Hắn nói – Anh có thể liên hệ bọn Mũi Tên Vèo Vèo chứ? Bảo chúng chuyển đồ tới đây, đắt bao nhiêu cũng được. Cả Mi Kha lẫn đại thống lĩnh đều cần Đốc Lãm. Ông ta làm sao, cả lũ ăn cám!
-Nếu mà dễ thế thì tôi làm lâu rồi! – Mai Hoa lắc đầu – Mũi Tên Vèo Vèo có chế độ khác với vùng chiến sự. Họ phải thu đủ đơn đặt hàng rồi mới chuyển cả thể. Cậu đặt một khoang thuốc nặng cỡ nửa tấn, may ra họ mới chịu lê mông. Nhưng kể cả vậy, tôi cũng không nghĩ họ sẽ chuyển hàng tới chỗ chúng ta…
Gã cú vọ mở bản đồ ba chiều hiện toàn cảnh thành phố. Mai Hoa chỉ vào khu vực tây nam – nơi giao tranh ác liệt nhất giữa chính phủ và phiến quân, cũng là nơi bọn Vô Phong đang ẩn náu:
-…ở đây hiện chẳng có luật lệ nào, đánh nhau tùm lum! Không giới tuyến ngừng bắn, không có đường chuyển hàng tiếp tế nhân đạo, không có đường cung cấp nhu yếu phẩm. Hỗn loạn y hệt hồi chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành. Chẳng thằng điên nào bán mạng vì mấy vỉ thuốc đâu, anh bạn.
-Hết cách à? – Vô Phong gãi đầu.
-Có, nhưng khó. – Mai Hoa đáp – Phải qua chỗ chính phủ đóng quân rồi nhờ họ chuyển hàng. Vấn đề là quân chính phủ đang dựng hàng rào kẽm gai, bất cứ ai bên ngoài hàng rào đều là kẻ địch. Tôi có quan hệ ở Bạch Tu nhưng vô dụng. Bạch Tu quốc đang xù lông, họ đang chửi rủa cả phiến quân lẫn Bình Di quốc. Nói lý với đám đầu nóng là dại, phải đợi đầu chúng nguội bớt, mà đợi nguội xong…
Gã cú vọ nhún vai thay lời muốn nói. Tên tóc đỏ nhăn mặt thầm kêu khổ. Như hắn dự liệu, xui xẻo luôn nối đuôi nhau mà tới. Nhưng giờ không phải lúc để Vô Phong than khổ kêu sở, hắn cần tìm ra cách.
Ba tuần trước, Vô Phong khởi hành từ Băng Hóa quốc đi tìm các nhà khoa học từng phục vụ Đề Án Mắt Trắng. Một hành trình dài dằng dặc bắt đầu từ các nước tây nam lục địa, vòng xuống phía nam rồi hướng lên tây bắc, tiến đến vùng giáp ranh với lục địa Đông Thổ, cuối cùng trở lại Sáu Nước Đông Bắc này. Danh sách gồm ba mươi hai người, hắn chỉ tìm được hai mươi mốt, bảy người đã chết vì bệnh tật hoặc mất tích, bốn người ở đây là cuối cùng. Làm việc với đám này không dễ; sau nhiều năm bị Băng Hóa quốc kìm kẹp, họ cố nhiên thèm khát tự do và không thích một gã từ đâu mò đến bắt mình làm nọ kia. Vô Phong phải dùng mọi thủ đoạn để “đóng gói” đám cứng đầu này lên chuyến tàu đến Biên Ngoại thành – thủ phủ của họ Cát Giá, kể cả biện pháp mạnh như chích điện. Hắn không dư thời gian cũng không nhiều lựa chọn.
Suốt ba tuần ấy, Vô Phong lo ngay ngáy về bọn “bốc mả” từ Đông Thổ. Không ai biết chúng đi đâu hay làm gì, cũng không một động thái nào cho thấy chúng từng tồn tại. Người khác nghĩ đó là chuyện phiếm đánh thuê, cứ dăm bữa nửa tháng lại có, còn với Vô Phong – mục tiêu của lũ “bốc mả” – thì chẳng dễ chịu chút nào. Hắn cảm giác những cái mũi chó săn hít hà bới móc từng khoảnh đất Băng Thổ đang hướng về mình. Trong thời gian này, hắn có xu hướng phân biệt chủng tộc khi lảng tránh người Đông Thổ hoặc bất cứ ai có đặc điểm “Đông Thổ”. Nếu bất đắc dĩ tiếp xúc, hắn sẽ cẩn thận săm soi họ.
“Đừng tỏ ra tiêu cực vậy, anh chỉ làm mọi thứ rối hơn thôi!” – Có lần Si Giáng khuyên nhủ – “Cứ đợi tin tức ông Đa Lạt, biết đâu ông ấy thuyết phục được Ẩn Lý Thị? Ông ấy là người điều phối mà, đúng không? Ổng đã giải quyết bao nhiêu vụ phức tạp rồi, chuyện cỏn con này đáng gì?”
Si Giáng có lý lẽ nhưng bởi không ở vị trí như Vô Phong nên cô ả vô tư. Kẻ ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt. Dọc đường hóng chuyện dân buôn và lính đánh thuê, hắn nghe lỏm được vô số chuyện báo thù của dân Đông Thổ, đặc biệt là người Diệp quốc. Càng nghe, hắn càng ít trông đợi vào ông học giả.
Mặt trời lặn hẳn, bóng tối dày đặc hơn, gió tuyết cào những móng tay lạnh lên thành phố vùng biên kêu rin rít. Vô Phong nhìn màn đêm qua khe cửa, trong đầu tính toán những giải pháp. Hắn mở bản đồ, dự tính tiếp cận khu vực quân chính phủ. Nếu hắn đi ngay đêm nay và may mắn được giúp đỡ, thuốc mới đến kịp ngày.
Đương mải tính, tên tóc đỏ bỗng thấy một nhà khoa học bước tới xin điếu thuốc. Đáp lại, Vô Phong đưa bao thuốc cùng bật lửa cho ông già trong khi vẫn cắm mặt vào bản đồ. Hắn đang tránh giao tiếp bằng mắt với người nọ. Mỗi cái nhìn của ông ta tựa mảnh dao lam cắt da thịt, vết không rộng nhưng sâu và ủng tràn máu. Thực tình ông già chẳng có ác ý mà ngược lại, luôn thân thiện và tươi cười. Chính vì những biểu cảm đó của ông già mà Vô Phong mới khó xử. Những kẻ gây tội luôn nhạy cảm với lòng tốt.
Ông già khoa học gia nhìn bản đồ, nghĩ ngợi đôi chút đoạn cất lời:
-Tôi biết cậu hết thuốc cho Đốc Lãm, nhưng đừng cố quá. Tôi biết một số chuyện ngoài kia. Quân chính phủ đang coi mọi người ngoài giới tuyến là kẻ địch, giờ cậu vào đó chỉ làm bia tập bắn thôi. Trừ phi cậu mang cho họ một cục quang tố.
Vô Phong gật gù tỏ ý đã nghe. Ông già tiếp tục:
-Đừng dằn vặt nhiều, anh bạn. Người phương bắc chúng tôi coi cuộc sống là bữa nhậu và mỗi ngày là một ly rượu, cứ uống mãi uống mãi, anh sẽ quên bữa nhậu bắt đầu từ lúc nào, cũng chẳng nhớ những ly rượu trước ra sao.
-Ông thật sự tha thứ cho tôi? – Vô Phong chợt hỏi.
-Đúng, tôi đã làm vậy và tin rằng làm vậy là đúng. Vấn đề ở cậu, không phải tôi. Cậu nghĩ sao?
Vô Phong không trả lời. Trong đám khoa học gia mà hắn từng gặp, người này đặc biệt hơn cả. Ông ta tên Ngột Đài, người Bạch Tu quốc. Ngày tên tóc đỏ gõ cửa nhà, Ngột Đài tiếp đón hắn đàng hoàng thay vì chửi bới xua đuổi như mấy nhà khoa học khác. Cách đây một tuần, bên bàn trà, Vô Phong được nghe những chuyện chưa bao giờ biết nhưng lại do chính tay mình gây nên…
*
* *
Tôi biết cậu vì chúng ta từng gặp nhau, mặc dù… trông cậu hơi khác. Quả thực là bây giờ, cậu khác nhiều! Không giống hồi đó khi cậu xuất hiện ở ngưỡng cửa, tôi đã biết rằng cậu mang theo chết chóc lẫn đau khổ. Và cả tóc đỏ nữa! Cậu nhuộm tóc phải không?
Khi ấy tôi không sống ở Bạch Tu quốc. Vì không muốn bị Băng Hóa giám sát, tôi sang Cận Hải quốc thuộc tây nam lục địa, nước này thuộc Khối Ngũ Giác và luôn dè chừng Băng Hóa. Tôi từ bỏ nghiên cứu khoa học, chuyển nghề đánh xe dã yến. Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ làm cái nghề thấp kém như vậy, nhưng hóa ra nó hợp với tôi và cho tôi nhiều thứ hơn là khi làm khoa học. Thậm chí khi chuyển nghề, tôi có thêm một đứa con trai – điều mà tôi luôn mong mỏi nhưng không thể có khi làm khoa học. Tôi, vợ, con trai và con gái lớn sống hạnh phúc trong một trang trại nhỏ. Chúng tôi không có nhiều và cũng có rất nhiều.
Một ngày tháng cuối năm 7505, chính xác là ngày 7 tháng 12 năm đó, cậu gõ cửa nhà tôi. Tại sao tôi nhớ? Vì tôi không thể quên ngày đó. Thậm chí tôi nhớ chính xác cậu đến lúc mười giờ tối, bởi đúng lúc đó đồng hồ trong phòng khách rung chuông. Hôm ấy rất lạnh, mưa buốt, còn cậu đến với bộ dạng ướt đẫm, áo quần rách nát. Cậu nói mình cần giúp đỡ. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã muốn từ chối. Mái tóc đỏ cùng ánh mắt của cậu khiến tôi dự cảm không lành, dù rằng khuôn mặt cậu mỏi mệt như vừa chạy trốn. Nhưng tôi không tin tưởng trực giác của mình, bởi từ khi sinh ra, trực giác luôn khiến tôi mắc sai lầm. Chẳng ai muốn sai mãi, đúng không? Và liệu ai muốn ngoảnh mặt trước lời cầu xin khẩn khoản? Vậy là tôi mời cậu vào nhà với sự hiếu khách. Tôi mang cho cậu quần áo mới, rồi dọn bánh mì, sữa nóng, mứt cam và một ít bơ. Cậu ăn ngon miệng, nói rằng mình là dân Hoa Thổ bị lừa sang đây làm nô lệ tình dục đồng tính. Tôi tin lời cậu vì chuyện này không hiếm ở Băng Thổ. Lúc đó cậu trẻ hơn, thân thể gầy gò, dễ bị bọn đồng tính để mắt.
Ăn xong, cậu xin ngủ nhờ một đêm. Tôi từ chối. Cậu tiếp tục cầu xin, nói rằng sẵn sàng ngủ dưới sàn bếp hoặc ở cạnh cửa ra vào, miễn là không phải ra ngoài. Rốt cục tôi đồng ý. Tôi không phải người quý tộc sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của khách, tôi chỉ muốn làm điều đúng đắn. Ngày đó, tôi cũng giống cậu bây giờ khi mỗi ngày phải sống trong dằn vặt nghĩ ngợi. Đề Án Mắt Trắng làm tôi mất ngủ thường xuyên. Nếu Nữ Thần Tiên Tri và Vạn Thế cần tôi chuộc lỗi, tôi sẽ làm mà không thắc mắc. Và để chuộc tội, tôi đồng ý cho cậu ngủ nhờ.
Quả là cậu chỉ ngủ nhờ hay cậu cố tỏ ra như thế. Hôm sau, chúng tôi xuống nhà và thấy cậu đang chuẩn bị bữa sáng. Cậu nói rằng muốn cảm ơn. Tuy rằng bữa sáng của người Phi Thiên không hợp dân phương bắc nhưng gia đình tôi rất cảm kích. Sau bữa ăn, cậu nói sẽ làm vài việc ngắn hạn để kiếm tiền về Hoa Thổ, trong thời gian đó cậu xin tá túc ở nhà kho cũ của tôi, bên cạnh chuồng dã yến. Gia đình tôi không giàu có cũng không sở hữu món đồ giá trị nào; ngay cả căn nhà cũng tầm thường tới mức chẳng khiến lũ du thủ du thực nổi máu tham lam. Nếu có gì khiến lũ côn đồ để ý thì là đứa con gái lớn của tôi, nhưng vì tôi đã tin cậu bị lừa sang đây làm nô lệ tình dục nên tôi loại bỏ khả năng đó. Và đúng là cậu không hề có ý đồ với con gái tôi.
Hơn nửa tháng kế tiếp, cậu làm thuê từ sáng đến chiều và chỉ về nhà khi chúng tôi đã xong bữa tối. Nhiều lần chúng tôi mời ăn cùng, cậu từ chối, rồi miễn cưỡng đồng ý và rất khách sáo trên bàn ăn. Lúc đó, cậu tỏ ra là một người tự trọng, lấy làm tủi hổ khi nhận lòng tốt từ người khác. Chúng tôi không thể thuyết phục nổi cậu ngủ ở phòng khách thay vì nhà kho. Lúc rảnh hay Ngày Nguyện, cậu giúp tôi sửa bánh xe, chăn nuôi dã yến hoặc giúp vợ tôi nấu ăn. Các con tôi quý cậu, nói rằng chúng muốn một anh trai như thế. Đôi lúc, tôi thật sự mong cậu ở lại đây lâu hơn nữa. Hoặc giả sử nếu quay lại Hoa Thổ, tôi mong cậu tới đây thường xuyên và làm khách, gia đình tôi luôn chào đón cậu.
Đã có lúc chúng tôi nghĩ cậu là một thành viên trong gia đình. Ở thị trấn hẻo lánh, con người luôn nghĩ mọi chuyện đơn giản và tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Một ngày cuối tháng, cậu từ biệt chúng tôi và trở lại Hoa Thổ. Tôi đánh xe đưa cậu ra ga, sau đó đi đường khác để tới thị trấn kế bên mua hàng năm mới. Tôi từng kể với cậu là thị trấn kế bên lớn hơn, chợ cũng rộng hơn, nên tôi sẽ dành khoảng một ngày mua sắm rồi mới đánh xe về nhà. Vùng hẻo lánh chẳng nhiều chuyện kể, thành ra con người dễ nói mấy chủ đề nhạt nhẽo như chợ búa làm vườn. Năm đó hàng hóa khan hiếm hơn, ít thứ để lựa chọn nên tôi không ngủ lại mà đánh xe về nhà ngay buổi tối…
Tôi trở lại thị trấn lúc ba giờ sáng. Tại đó tôi là người duy nhất đang thức, cũng là người duy nhất trông thấy quầng sáng bập bùng ở hướng nam – hướng nhà tôi. Tôi vội thúc dã yến chạy về phía đó. Và tôi phát hiện nhà mình đang cháy. Căn nhà gỗ sạm màu cũ kĩ giờ đây đỏ rực, từng thớ gỗ lằn lên vô số rãnh nóng rãy. Dù mới ở cửa trang trại nhưng tôi có thể cảm nhận hơi nóng hầm hập. Nó không chỉ mang hơi nóng của lửa, mà có cả hơi nóng của tiếng gào thét, của sự tàn nhẫn. Giống lò mổ. Có thể gọi như thế. Nó giống lò mổ.
Hoảng hốt, bấn loạn, tôi chạy đến, nhận ra giữa phòng khách nơi gia đình sẽ tập trung ăn món ngỗng quay mừng năm mới, cậu đứng ở đó. Là anh chàng có mái tóc đỏ xin ngủ nhờ cách đây nửa tháng. Là cậu, nhưng khác hẳn. Không sợ sệt, không khách sáo, không đáng thương, không còn dáng vẻ tiều tụy khiến người khác động lòng trắc ẩn. Cậu đứng đó, tay cầm kiếm như đồ tể, còn con trai tôi bò dưới mặt đất. Nó bò bằng tứ chi trên mặt sàn nóng đỏ, hai chân đẫm máu, có lẽ đã bị chém vào xương. Nó nhìn cậu, thốt lên mấy câu thế này, mà đến giờ vẫn ám ảnh tôi:
“Xin đừng… tôi không biết… cha tôi chỉ là người đánh xe, không phải nhà khoa học gì cả! Xin đừng… xin ông… tôi không biết…”
Con trai tôi mới tám tuổi. Trẻ con thích sống vì có quá nhiều điều đang đợi chúng. Đáp lại con tôi, cậu đâm kiếm thẳng vào trái tim nó, nơi mà thằng bé đã từng gọi cậu là “anh” và muốn cậu sống cùng gia đình. Nó không phải nạn nhân duy nhất. Sau này tôi được biết vợ mình chết trên tầng hai, bà ấy đã vật lộn với cậu để con gái tôi chạy thoát. Trong hoảng loạn, đứa con gái khốn khổ của tôi nghĩ rằng có thể trốn dưới tầng hầm. Nhưng cậu ở đây nửa tháng, biết rõ từng ngóc ngách ngôi nhà nên con bé không hề có cơ hội. Người ta tìm thấy nó cạnh thùng sơn cùng nhát đâm giữa ổ bụng.
Khi đó, tôi không thể làm gì khác ngoài quỳ trên đất và nhìn mọi thứ cháy rụi. Thế giới Tâm Mộng là thế giới chiến binh, nơi kẻ có sức mạnh được quyền lên tiếng, được viết những câu chuyện đầy say mê, còn người như chúng tôi chỉ biết viết nên những thứ nhàm chán và chẳng ai quan tâm. Cậu thấy tôi, có lẽ hơi ngạc nhiên vì tôi về sớm hơn dự định. Giả sử về muộn hơn, hẳn tôi đã nghĩ đám du thủ du thực gây nên bi kịch này. Cậu bước ra cùng một chiếc cặp da, bên trong đựng đầy giấy tờ sót lại từ Đề Án Mắt Trắng. Cậu tiếp cận tôi và gia đình tôi vì những mảnh giấy, khai thác thông tin để tìm thời cơ xuống tay. Nếu kế hoạch thành công, cậu sẽ quay trở lại, đóng vai người thân thiết giúp đỡ tôi, rồi tiếp tục khai thác tôi để tìm những nhà khoa học khác.
Tôi quỳ ở đó, sẵn sàng đón nhận cái chết, bởi tôi biết mình không thể phản kháng. Ở thời khắc đó, cậu nhìn tôi bằng bộ mặt vô hồn, không tỏ ra bất cứ biểu hiện nào là chúng ta từng quen biết nhau. Giống một đồ tể, hoặc giống máy giết gia súc trong lò mổ. Nhưng thay vì giết tôi, cậu chỉ lững thững bước qua với chiếc cặp da. Cậu không quan tâm ngôi nhà cháy hay những người cậu giết, cũng chẳng gửi một lời chế nhạo mỉa mai hay đóng vai kẻ thừa lệnh bất đắc dĩ. Cậu không nhìn tôi. Cậu hành xử với tư cách của đấng toàn năng có quyền định đoạt số phận mọi sinh vật sống. Cậu bỏ đi, để lại tôi với trang trại cháy đỏ.
Và quả thực cậu là đấng toàn năng. Ở đồn cảnh binh, tôi chẳng khai điều gì về cậu. Thậm chí người ta nghĩ tôi là tên giết người man rợ đang tâm hạ sát gia đình mình. Cậu không giết tôi nhưng đã giết phần quan trọng nhất của con người: cái phần khao khát sống. Phải chăng đó là chủ đích của cậu? Rồi một lúc nào đấy cậu quay trở lại, đóng vai người cứu rỗi tôi? À, có lẽ tôi đang lảm nhảm. Dù sao cậu cũng chẳng nhớ gì…
Sau ngày đó, tôi lang thang, đi hết nước này tới nước khác, cuối cùng định cư tại Bạch Tu quốc. Gặp lại vài người bạn cũ, tôi được biết rằng Đề Án Mắt Trắng được tạo ra nhằm xây dựng một chiến binh giống Liệt Giả. Và tôi cũng nghe phong thanh rằng Phi Thiên quốc đã làm được điều đó. Cái dở của đề án khoa học là chia thành nhiều mô-đun nhỏ, tôi biết rất nhiều mà cũng không biết rất nhiều. Nếu biết mục đích đề án, ngày đó tôi đã không cho cậu vào cửa, nhưng ai biết đấy, có thể cậu sẽ giết tôi và gia đình tôi ngay hôm ấy thì sao?
Những năm tháng đó, tôi khốn khổ vì vẫn muốn sống, sống vì nỗi sợ sệt bóng tối sẽ nuốt chửng thân thể và không thấy ánh sáng mặt trời, không cảm nhận được gió lạnh phương bắc. Bạch Tu quốc không phải nơi dễ sống, nơi đây đầy tệ nạn, con người ít thân thiện, vậy nên tôi dành nhiều thời gian ở thánh đường, suy nghĩ những chuyện đã xảy ra. Năm đầu tiên, tôi dành toàn bộ thời gian để căm thù cậu. Nhưng sang năm thứ hai, năm thứ ba rồi năm kế tiếp, tôi chợt hiểu đó là cái giá phải trả khi tham gia Đề Án Mắt Trắng. Nữ Thần Tiên Tri rất công bằng còn thần báo thù Nê Mê không quên nợ. Cậu là vị sứ giả mà hai vị nữ thần gửi đến, bắt tôi phải chứng kiến cảnh gia đình mình tàn lụi trong lửa. Sau nhiều năm, tôi chấp nhận rằng mình phải trả nợ, còn trả đến bao giờ thì tôi không rõ…
Về phần cậu, vì coi cậu là sứ giả của các vị thần nên tôi không nghĩ cách trả thù nữa. Kẻ yếu đuối như tôi không thể thờ phụng thần Nê Mê mãi. Theo nghĩa nào đó, tôi tha thứ cho cậu. Nhưng liệu đó có phải sự tha thứ thật tâm? Hay tôi cố tỏ ra cao thượng như người ta vẫn nói “tha thứ là sự trả thù đau đớn nhất”? Tôi không chắc. Tuy nhiên nếu ngày mai, cậu giết tôi vì một lý nào đấy thì tôi cũng chấp nhận. Nữ Thần Tiên Tri yêu cầu tôi trả nợ, tôi sẽ trả đủ cho người, và tôi cũng tha thứ cho cậu…
Lúc này, cậu là một sứ giả của các vị thần, hay cậu chỉ là con người? Tóc đỏ? Nếu là con người thì tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng phải trả nợ. Oái oăm là các khoản nợ thường ập đến lúc chúng ta say.
Nhưng có thể, chỉ là có thể, các vị thần quên tính nợ với chúng ta, hoặc cố tình quên để chúng ta bắt đầu một lần nữa…
*
* *
Sau cuộc nói chuyện, Vô Phong đâm sợ việc gõ cửa nhà người khác. Tội ác quá khứ đang ở đâu đấy ngoài kia và chờ hắn tới nhận nợ. Trong danh sách các nhà khoa học phục vụ Đề Án Mắt Trắng, hắn mang nợ với một mình Ngột Đài. Nhưng hắn không dám nghĩ con số đó là bao nhiêu với Đề Án Ngục Thánh.
Ngột Đài gửi trả bao thuốc rồi quay về phòng. Bấy giờ Vô Phong mới dám nhìn ông già, nhưng chỉ thấy dáng điệu khắc khổ đằng sau mà không biết bộ mặt tiều tụy đằng trước. Hình dáng con người nói lên số phận, mà góp phần tạo hình dáng cho Ngột Đài có bàn tay tên tóc đỏ. Không phải sự giúp đỡ hay lòng tốt, hắn cắt gọt ông ta bằng kiếm và sự lừa dối.
Nửa đêm, Vô Phong định mạo hiểm tới khu vực quân chính phủ thì bên Khai Y gọi điện, báo rằng họ đã cử hai phi thuyền vận tải đến cùng thuốc men. Nhưng quân đội Bạch Tu không cho phi thuyền đáp xuống lãnh thổ của mình, mà yêu cầu dời ra ngoài thành phố. Từ đây ra bãi đáp đầy rẫy phiến quân, mỗi bước chân đều nằm trong tầm súng bắn. Vô Phong và Mai Hoa bắt điện đàm với thống lĩnh quân đội Bạch Tu, thương lượng cả buổi nhưng bất thành. Suốt cuộc thương lượng, ông thống lĩnh Bạch Tu quốc cười giòn như vừa được xỉa một đòn đau vào nách Băng Hóa quốc.
Hết cách, nhóm Vô Phong phải di chuyển ra ngoài thành phố. Bảy người họ khởi hành lúc hai giờ sáng, men theo những dãy phố đổ nát không bóng người mà đi, đường vòng vèo xa gấp rưỡi. Phiến quân ở ngay bên kia con phố và chỉ cách họ một dãy nhà, đám đốt lửa nã súng chỉ thiên ăn mừng chiến thắng, đám tranh thủ khua khoắng của nả, ước chừng hàng trăm người. Bị phát hiện lúc này, bọn Vô Phong chỉ còn đường chết.
Sau hai tiếng, cả nhóm tiếp cận bãi đáp. Nhưng trong một ngày mà xui xẻo áp đảo may mắn, họ chạm trán một đội phiến quân đi tuần. Hai bên đấu súng dữ dội, Vô Phong lấy thân mình che chở đám khoa học gia, dẫn họ băng qua khu đất trống trải tới chỗ phi thuyền. Đạn bắn rát, tấm khiên nội lực trên tay Vô Phong run bần bật như chính tâm trạng của hắn. Trong hợp đồng với Mi Kha, nếu để một nhà khoa học chết, hắn sẽ bị trừ tiền. Nhưng giờ hắn không phải sứ giả của vị thần nào và cũng không phải lính đánh thuê, hắn chỉ là con người đang trả nốt món nợ.
Nghe tiếng đấu súng, phiến quân kéo đến ngày càng đông. Phi thuyền không chịu được đạn bắn nên phải cất cánh rồi thả thang dây. Đợi tất cả mọi người lên phi thuyền, Vô Phong mới chịu đi. Hắn bám thang dây cố gắng trèo lên giữa làn đạn lập lòe. Bất thình lình từ mặt đất, một quả tên lửa vọt đến bay sát sạt phi thuyền, phi công đánh tay lái theo phản xạ khiến phi thuyền nghiêng hẳn sang một bên. Ngột Đài gần cửa nhất, ông già không kịp phản ứng liền rớt ra ngoài. Vô Phong vội đưa tay tóm lấy ông già, sức nặng đè xuống làm thang dây run lẩy bẩy, kêu kẽo kẹt. Vô Phong hét:
-Cố lên, ông già!
Ngột Đài nhìn khoảng không bên dưới, mặt cắt không hột máu. Ông ta thở gấp:
-Hình như nó tới rồi…
Ông già chưa nói hết, một tràng đạn ào qua xuyên thủng người. Ông ta gục xuống. Mới phút trước, Vô Phong còn cảm giác đang xách một tảng đá, giờ lại thấy như đang nắm một khối thạch cao nhẹ bẫng và nát vụn. Có lẽ Nữ Thần Tiên Tri vừa bắt Ngột Đài tất toán khoản nợ. Vô Phong nhìn xác chết hồi lâu đoạn buông tay. Ngột Đài rơi vào bóng tối đen kịt đầy gió lẫn tuyết. Giờ đây ông ta có thể trở về Tụ Hồn Hải với linh hồn sạch sẽ, không chút gánh nặng, mọi thù oán với tên tóc đỏ đều chấm dứt.
Hai chiếc phi thuyền rời khỏi vùng đất ám khói bom đạn. Si Giáng lôi Vô Phong lên rồi hỏi:
-Chúng ta đi đâu nữa?
-Gửi họ về Biên Ngoại thành, trừ Đốc Lãm. Ông ấy sẽ đi cùng chúng ta đến Vương Quốc Cũ. – Vô Phong trả lời.
Ngột Đài đã tự do trong thế giới tâm linh. Còn ở thế giới hiện thực, thần Nê Mê chưa xong việc với tên tóc đỏ. Con dao găm trong tay vị nữ thần báo thù không bỏ quên bất cứ kẻ gây nợ nào.