Ở Hoa-lư-động[1] có một vị thanh-niên tráng sĩ họ Đinh tên Bộ-Lãnh, lúc Ngô-Quyền khởi nghĩa báo thù, anh ta mới được 15 tuổi mà thôi, nhưng mà anh ta chí khí hùng hào, sức lực mạnh mẽ, trong xứ dầu người lớn tuổi cũng phải kiên nể. Đinh-bộ-Lãnh vốn là con quan Thứ-sử Hoan-châu, tên là Đinh-công-Trứ, hồi đời Khúc-Hạo làm Tiết-đạt-sứ.
Năm đinh-sửu (năm 917) Khúc-Hạo qua đời, con là Khúc-thừa-Mỹ lên kế nghiệp cha, chẳng rõ ý chi không chịu giao hảo với Nam-Hán Hoàng đế ở Phiên-Ngung, lại cầu phong với vua nhà Lương. Đinh-công-Trứ ở Hoan-châu nghe tin ấy thì lấy làm bất bình, nên lật đật về Đại-la-Thành vào ra mắt Khúc-thừa-Mỹ mà can rằng: “Đất Giao-châu trót một ngàn năm bị Trung-hoa thâu đoạt, mấy năm nay nhờ có Lưu-Cung ở Quảng-châu không phục Bắc-triều, hai đàng ghìm nhau, nên chúng ta mới được yên ổn. Vả chúng ta ở dưới, Lưu-Cung ở giữa, nhà Lương ở trên, thì ta phải hòa với Lưu-Cung, chớ sao lại phục nhà Lương, thoảng như Lưu-Cung đem binh Nam-Hán mà đánh ta, thì nhà Lương ở xa làm sao mà ứng tiếp được, xin thượng quan phải xét lại mà bải sự cầu phong vơi nhà Lương đi, nếu thượng quan cãi lời tôi thì sợ đất Giao-châu nầy không giữ được”.
Khúc-thừa-Mỹ không thèm nghe lời can gián, mà lại nói nhiều tiếng tự phụ, làm cho Đinh-công-Trứ phiền lòng trở về Hoan-châu vào thở ra than, trong trí chác rằng Giao-châu sớm muộn gì cũng về tay Nam-Hán Hoàng đế. Qua năm quí mùi (năm 923) vợ Đinh-công-Trứ là Đàm-thị mới sanh Đinh-bộ-Lãnh vừa được chừng 3 tháng, thì thiệt quả Nam-Hán Hoàng đế sai tướng là Lý-khắc-Chánh đem binh sang đánh đất Giao-châu, bắt Khúc-thừa-Mỹ giải về Phiên-Ngung rồi Nam-Hán Hoàng đế phong cho bộ tướng là Lý-Tấn làm Thứ-sử qua hiệp với Lý-khắc-Chánh mà cai trị đất Giao-châu. Đinh-công-Trứ nghe tin Thừa-Mỹ bị bắt, đất Giao-châu đã về tay người Tàu, thì chắc lưỡi kêu trời rồi nhuốm bịnh không đầy một tháng thì tỵ-thế.
Lý-Tấn sai quan Tàu vào cai trị Hoan-châu. Đàm-thị bơ vơ không nơi nương ngụ, mới bồng con về Hoa-lư-động mà xin tá túc với em chồng tên là Đinh-Quản. Tuy Hoa-Lư là xứ núi non rừng rú nhơn dân tuy nghèo khổ, nhà cửa thưa thớt, nhưng mà Đinh-Quản là một người tánh chất kiệm cần, bởi vậy trong nhà đủ ăn, có nuôi 3 con trâu để cày ruộng. Đinh-Quản có một đứa con trai tên là Đinh-Điền cũng một tuổi với Đinh-bộ-Lãnh, khi mẹ con Đàm-thị về tới thuật chuyện Đinh-công-Trứ chết thì Đinh-Quản than khóc hết sức, thấy cháu còn nhỏ mà mồ côi cha thì hết lòng thương yêu nên nguyện nuôi cháu cho trọn nghĩa đồng bào cốt nhục, nhờ Đinh-Quản tử tế nên mẹ con Đàm-Thị có chỗ dung thân, khỏi lo đói khát.
Khi Đinh-bộ-Lãnh được 5 tuổi thì Đam-Thị tỵ-trần, bỏ Đinh-bộ-Lãnh lại cho Đinh-Quản dưỡng dục. Qua năm Đinh-mão (năm 931) Dương-diên-Nghệ là nha-tướng của Khúc-Hạo thuở trước, chiêu mộ quân sĩ để đánh Lý-Tấn và Lý-khắc-Chánh mà báo thù cho Khúc-thừa-Mỹ, thì trong mỗi làng mỗi xóm ai ai cũng đều thuận tùng, nên những người trai tráng thường hay tựu lại mà luyên-tập võ nghệ để giúp sức cho Dương-diên-Nghệ.
Đinh-Quản là bực thổ hào trong xứ Hoa-Lư, bởi vậy những kẻ trai tráng thường hay tựu tập tại nhà Đinh-Quản mà tập luyện kẻ lại múa siêu, người tập đi roi kẻ tập lăn khiên người tập độc kiếm. Khi ấy Đinh-bộ-Lãnh với Đinh-Điền đã được 8 tuổi, ngó thấy người ta luyện tập võ nghệ thì trong lòng ham mộ lắm nên hễ lúc nào không có ai thì hai trẻ ra sân bắt chước nhảy múa đánh đập. Đinh-bộ-Lãnh mạnh mẽ lẹ-làng mà trí lại sáng suốt, nghe ai nói thì hiểu liền, thấy ai làm thì nhớ hết, bởi vậy mấy thiệu nghề võ đều thuộc lòng rồi kiếm cây nhỏ làm roi mà tập.
Chừng Đinh-bộ-Lãnh được 10 tuổi, chú mới sai đi giữ trâu. Bữa nào cũng vậy, hễ Bộ-Lãnh dắt trâu ra khỏi nhà thì lo kiếm bọn chăn trâu mà chơi, hễ gom được năm bảy đứa rồi thì chia ra một bên phân nửa rồi đánh lộn với nhau.
Bên nào có Bộ-Lãnh thì ăn hoài: chơi năm mười lần sắp chăn trâu đều biết sức Bộ-Lãnh nên không dám đối địch với anh ta nữa. Bộ-Lãnh thấy vậy mới chấp hết bọn chăn trâu ở một bên, còn một mình anh ta ở một bên. Bọn chăn trâu chịu, rồi áp ra mà đánh, chúng nó đông đứa, áp vô một lượt ôm mà vật Bộ-Lãnh. Bộ-Lãnh tuy đánh đạp mấy đứa vô trước, song mấy đứa sau áp vô nữa, ôm chặt anh ta quá nên túng thế phải chịu thua. Bộ-Lãnh ngồi suy nghĩ một hồi rồi bước ra khích đánh nữa. Sắp chăn trâu thấy mình đã đánh thắng được một trận rồi, tưởng nếu đánh nữa thì cũng sẽ ăn nữa, nên dàn ra mà đánh. Chẳng dè khi chúng nó vừa áp vô thì Bộ-Lãnh lại trá bại tháo lui; chúng nó thấy vậy lại càng hứng chí rượt theo, nhưng bởi vì có đứa chạy mau có đứa chạy chậm, không xáp vô một lượt nữa được, nên Bộ-Lãnh thừa thế trở lại đánh mấy đứa tới trước ngã lăn, rồi mấy đứa tới sau đứa nào tới cũng đều bị đánh hết thảy, đứa u đầu, đứa xể mặt, thất kinh không dám chống cự nữa. Từ ấy về sau sắp chăn trâu đều tôn Bộ-Lãnh làm anh cả; nếu có đứa nào cãi lộn với nhau thì phải thưa cho Bộ-Lãnh phân xử. Khi còn nhỏ thì hung hăng như vậy, nhưng Bộ-Lãnh thương Đinh-Điền là con của người chú lắm, hai anh em chẳng hề khi nào rời nhau, đi đâu cũng đi với nhau, làm việc gì cũng làm chung với nhau, mà Bộ-Lãnh mạnh mẽ hơn, nên mấy việc nặng nề cực nhọc thì Bộ-Lãnh gánh vác thế cho Đinh-Điền hết thảy. Chừng được mười ba mười bốn tuổi thì chú bắt vào rừng đốn củi chớ không cho đi coi trâu nữa. Tuy vậy mà hễ bữa nào rảnh rang thì Bộ-Lãnh chạy đi kiếm sắp chăn trâu mà chơi. Mà sắp chăn trâu cũng kỳ, hễ thấy dạng Bộ-Lãnh thì mừng rỡ vô cùng, áp nhau chạy lại mà nghinh tiếp rồi nắm tay nhau lại làm kiệu để cho Bộ-Lãnh ngồi mà khiên đi, hò hét om sòm, kiếm mấy bóng mát để Bộ-Lãnh ngồi rồi khoanh tay đứng chung quanh mà hầu.
Năm mậu tuất, là năm bắt đầu thuật truyện nầy, thì Bộ-Lãnh đã được 15 tuổi. Nhà Trần-Lão ở gần nuôi trâu nhiều nên cuối tháng giêng mới mướn thêm một đứa bạn tên là Lê-Dực đặng coi trâu. Lê-Dực ở làng xa, thuở nay không biết mặt Bộ-Lãnh. Nó đã 21 tuổi rồi, mà lại vóc vạt vậm-vỡ, sức lực mạnh-mẽ lắm. Ngày mùng một tháng hai nó dắt trâu của Trần-Lão lên mé rừng cho ăn. Sắp chăn trâu thấy nó lạ mặt nên xúm nhau lại làm quen rồi đứa hỏi tên tuổi, đứa hỏi quê quán lăn xăn. Chúng nó thấy Lê-Dực cao lớn vậm vỡ thì trầm trồ hoài, có một đứa lại cắc cớ hỏi rằng: “Nầy anh, anh cao lớn như vầy mà dám cự với anh cả của chúng tôi hay không?” Lê-Dực nghe hỏi thì chưng hửng rồi hỏi lại rằng:
- Anh cả của bây là đứa nào?
- Anh không biết hay sao? Anh cả của chúng tôi là Đinh-bộ-Lãnh đó.
- Bộ-Lãnh nào tao có biết đâu. Có nó ở đây hay không?
- Không, anh cả bữa nay không ra chơi.
- Thế thì nó dữ lắm hay sao mà bây hỏi tao dám cự với nó hay không?
- Không có dữ! Anh cả còn nhỏ, mới 15 tuổi, song mạnh mẽ lắm, chắp hết thảy bọn tôi mà đánh không lại ảnh nữa.
- Hứ! Mạnh gì! Bây là đồ con nít nên bây sợ, gặp tao thì tao bẻ cổ nhét lưng chớ tao dễ sợ đâu.
- Anh nói phách đây anh chết đa.
- Bây kêu nó ra đây.
Mới nói chuyện tới đó thì thấy dạng Bộ-Lãnh ở trong xóm đi ra với Đinh-Điền. Sắp chăn trâu vỗ tay mừng rỡ rồi chạy vô đón rước, vòng tay làm kiệu rồi khiêng riết lại chỗ Lê-Dực đứng đó mới để xuống. Có một đứa chăn trâu nói rằng: “anh cả của chúng tôi đây nè! Anh giỏi thì anh bẻ cổ nhét lưng đi”.
Bộ-Lãnh với Lê-Dực liếc ngó nhau, rồi Bộ-Lãnh mới day lại hỏi sắp chăn trâu rằng:
- Đứa nào đòi bẻ cổ tao?
- Anh đó đa.
Bộ-Lãnh ngó ngay Lê-Dực mà hỏi:
- Tôi vô can, mà thuở nay chưa quen biết với anh lần nào, vì cớ chi không có mặt tôi mà anh lại dám buông lời sĩ nhục tôi?
Lê-Dực cũng ngó Bộ-Lãnh mà đáp rằng:
- Mấy đứa nầy nó khoe tài mầy lắm, rồi lại hỏi tao có dám cự với mầy chăng. Tao nói chúng nó sợ mầy, chớ tao dễ sợ đâu, nếu mầy dữ với tao, thì tao bẻ cổ nhét lưng. Tao có nói thì tao chịu, chớ phải là nói lén mầy đâu.
- Anh giỏi thì bẻ cổ tôi đi. Nếu anh bẻ cổ tôi không được, thì tôi lấy cặp con mắt của anh đặng treo nhành cây nầy coi chơi.
Lê-Dực thấy Bộ-Lãnh nhỏ hơn mình mà nói hơi cao, thì giận đỏ mặt bèn nhảy tới đưa tay muốn chụp cổ Bộ-Lãnh, chẳng dè Bộ-Lãnh lẹ quá, trớ ngang qua rồi lòn đá Lê-Dực trúng tại hông bên tả một cái ạch; Lê-Dực một tay ôm hông một tay chờn-vờn muốn níu đầu Bộ-Lãnh, Bộ-Lãnh thừa thế liền nhảy a vô chận cổ móc hết hai con mắt của Lê-Dực mà quăng ra cho Đinh-Điền cầm. Lê-Dực té ngửa ôm mặt mà la; sắp chăn trâu cười vang rân rằng: “Thất kinh hay chưa, còn nói phách nữa thôi?” rồi bỏ Lê-Dực nằm đó khiêng Bộ-Lãnh vào mé rừng đặng ngồi nghỉ mát.
Đến chiều trâu nhà ai cũng đã về hết, duy chỉ có trâu của Trần-Lão không về, Trần-Lão chạy đi kiếm, lên đến mé rừng gặp Lê-Dực đương nằm ôm mặt mà la khóc. Hỏi ra mới hay Bộ-Lãnh đánh và móc mắt Lê-Dực. Trần-Lão dìu-dắt Lê-Dực và đuổi trâu về, rồi qua nhà Đinh-Quản mà mắng vốn. Đinh-Quản kêu Bộ-Lãnh ra mà hỏi rõ đầu đuôi, rồi đánh đòn 50 roi. Bộ-Lãnh kêu nài nói rằng tại Lê-Dực ỷ lớn muốn khiêu khích và nhảy ra đánh trước, chớ không phải tại mình sanh sự. Đinh-Quản sợ Trần-Lão đi kiện, nên tuy Bộ-Lãnh nói phải mà không chịu nghe, cứ đè đánh ép đủ 50 roi rồi đuổi đi, không cho ở nữa.
Đinh-Điền sợ cha nên không dám khuyên giải, song thấy Bộ-Lãnh ra đi thì thương xót vô cùng, bởi vậy lén chạy theo đưa cho Bộ-Lãnh một quảu gạo với một gói áo quần rồi anh em khóc với nhau mà từ biệt.
Trong xứ ai nghe chuyện Bộ-Lãnh còn nhỏ mà đánh móc con mắt Lê-Dực là đứa đã lớn hơn lại mạnh hơn, thì cũng đều ngợi khen kính phục, mà ai nghe nói Bộ-Lãnh bị chú đuổi ra khỏi nhà thì cũng đều thương xót, bởi vậy Bộ-Lãnh ghé nhà nào họ cũng đều vui lòng cho ở đậu.
Bộ-Lãnh bơ-vơ, nay ở nhà nầy, mai qua nhà khác, nghĩ phận mình không cha không mẹ thì buồn bực vô cùng, ban đêm nằm thổn thức ngủ không an, ban ngày thả linh đinh theo rừng núi. Cách vài ngày nghe người ta đồn rằng Kiều-công-Tiện giết Dương-diên-Nghệ mà đoạt chức Tiết-đạt-sứ, nên Ngô Thứ-sử Ái-châu chiêu binh mãi mã đặng đánh báo thù, trong ít ngày nữa ắt binh sẽ kéo đi ngang qua Hoa-Lư. Bộ-Lãnh nghe nói như vậy thì trong bụng mừng thầm, bèn tính đón Ngô Thứ-sử mà xin đầu quân đặng lập chút công danh cho đẹp mày nở mặt. Đêm ấy Bộ-Lãnh đợi Đinh-Quản ngủ rồi, mới lén về nhà kêu Đinh-Điền ra ngoài mà bày tỏ ý của mình cho Đinh-Điền nghe rồi khuyên Đinh-Điền ở nhà ráng giúp đỡ cho chú để mình lập chút công danh, hứa rằng ngày nào công thành danh toại rồi sẽ về rước chú và em đến đặng chung hưởng vinh huê phú quí. Đinh-Điền bận-bịu không muốn cho Bộ-Lãnh đi. Bộ-Lãnh nói rằng bây giờ chú còn đương giận, nếu ở lân la trong xứ, thì chú càng giận thêm, chớ không ích gì. Đã vậy mà đứng làm trai phải vẫy vùng trong bốn biển, nước ly loạn phải lo giúp nước, có chút tài phải lo lập thân danh, vậy nên chi bằng nhơn dịp nầy mà trổ chí anh-hùng, hoặc may trời giúp vận tông môn hiển đạt. Anh em nói to nhỏ dặn dò với nhau cho tới mặt trời hừng đông, gà gáy tưng bừng, Bộ-Lãnh mới từ biệt xách gói áo quần mà đi.
__
Chú thích:
1. Hoa-lư-động bây giờ thuộc huyện Gia-Viễn, tỉnh Ninh-Bình (Bắc kỳ)
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK