Ở đời thường thấy người thời nên, thì gặp vận hội may luôn luôn, còn người không có thời, hoặc thời chưa nên, thì gặp vận-hội rủi hoài hoài. Xương-Văn với Xương-Cấp hai anh em đồng lánh nạn. Xương-Văn bị truy tróc đem về triều, trót 5 năm trời lúng-túng ở trong cung, bá quan không ai đoái tưởng, người kiến-vi tâm phúc chỉ có một mình văn-thần Giang-hoài-Nhơn mà thôi. Thân phận như vậy tưởng khẩn cầu Bình-vương đừng sanh con và phải trông đợi cho Bình-vương thăng-hà rồi, hoặc may mới đem cơ nghiệp về cho họ Ngô được. Nào dè gặp hồi thời hưng vận đạt, trong mấy ngày mà có bốn muôn binh giúp sức, lại có thêm hai đại-tướng khuôn phò.
Còn Xương-Cấp lưu lạc trót 5 năm trời, ban đầu lâm bịnh nên phải nằm co trong chốn thôn quê, rồi bị bắt tưởng chẳng khỏi vong thân tán mạng. Đến sau tìm gặp được Phạm-bạch-Hổ, là người mình trông cậy, tưởng đã có thể khôi phục giang-san nào dè thời vận chưa đạt, nên khiến cho Bạch-Hổ đau hoài, không định mưu kế chi được, rồi lại nghe Cảnh-Thạc dẫn binh đánh bắt phải lánh mình lên núi Trà-Hương mà mai danh ẩn tích.
Từ khi Xương-Cấp trở lên núi thì anh ta ngã lòng thất chí, không muốn tính việc chi nữa, mỗi ngày cứ trồng khoai tỉa đậu mà giải khuây đó thôi. Sầm-Bích muốn đi qua mấy trấn khác mà cậy giúp binh, ngặt vì triều đình đương sai tướng cầm binh kiếm bắt Xương-Cấp, còn Bạch-Hổ thì đau nặng không thể bảo hộ được; nếu để Xương-Cấp ở lại Trà-Hương mà đi, thì sợ rủi gặp nguy biến không ai phò tá, còn nếu dắt hết mà đi một lượt, lại lo giữa đường rủi gặp binh cản thì khó mà thoát thân. Bởi cảnh ngộ như vậy nên Sầm-Bích với mấy người thủ hạ đều ngồi khoanh tay mà chịu, chớ không biết liệu làm sao được, chỉ than phiền với nhau lên xuống thành Đằng-châu mà thăm bịnh Bạch-Hổ và dọ tin Cảnh-Thạc mà thôi.
Còn Bạch-Hổ nhiếc Cảnh-Thạc cho đã nư giận, tưởng Cảnh-Thạc oán hận về trại đốc binh đánh lấy Đằng-châu, nên dạy Lương-chánh-Tôn đề phòng, và nhứt định hễ bị Cảnh-Thạc lấy được thành rồi thì Bạch-Hổ tự tử, chớ không chịu thấy mặt Cảnh-Thạc nữa. Nào dè cách ít ngày lại nghe Cảnh-Thạc nhổ trại lui binh, Bạch-Hổ cười mà nói rằng: “Té ra Cảnh-Thạc cũng còn chút đỉnh lương tâm, nên ta nhiếc đã không giận mà lại biết hổ.”
Vả khi Thái-tử Xương-Cấp từ giã trở lên nui rồi, thì Bạch-Hổ có dạy Lương-chánh-Tôn gởi tờ mời chư trấn hội-nghị. Lữ-Đường, Lý-Khuê, Thủ-Thiệp và Nhựt-Khánh lục thục sai bộ tướng đến tỏ rằng nếu Bạch-Hổ khứng hưng binh đánh Bình-vương mà đem nghiệp cả lại cho nhà Ngô, thì mấy trấn ấy sẵn lòng kéo binh tiếp viện.
Bạch-Hổ thấy có 4 trấn sẵn lòng tiếp binh thì trong bụng mừng thầm, nên tính hễ lành bịnh thì cho rước Xương-Cấp rồi cử binh phục nghiệp. Nào dè bịnh trầm trệ hoài, bớt thì bớt nhiều, nhưng mà hết thì không thiệt hết nên dây dưa mấy năm, để cho Xương-Cấp cứ ở trên núi tỉa đậu trồng khoai mà chờ thời đợi vận.
Qua năm Canh-Tuất (năm 950) Bạch-Hổ tuy chưa lành bịnh nhưng mà nghe nói bọn Kiều-Thuận với Kiều-công-Hãn chiêu binh mãi mã ở Hồi-Hồ, muốn xuống đánh lấy đất Phong-châu chắc sao Bình-vương cũng lo trừ bọn ấy, nên viết tờ mời Lữ-Đường, Lý-Khuê, Thủ-Thiệp và Nhựt-Khánh bổn thân đến Đằng-châu hội-nghị. Bạch-Hổ lại cho rước Xương-Cấp với Sầm-Bích xuống thành.
Bốn trấn tiếp được tờ của Bạch-Hổ mời, muốn đốc Bạch-Hổ xuất binh cho mau, nên lục-thục tới đủ mặt, Bạch-Hổ gượng ra tiền đường mà tiếp chư trấn và tiếp dẫn Thái-tử cho chư trấn biết mặt, Lữ-Đường thấy Xương-Cấp thì động lòng nên khóc ngay, Lý-Khuê, Thủ-Thiệp và Nhật-Khánh nhớ Ngô-vương nên cũng ứa lụy.
Bạch-Hổ nói rằng: Lúc nầy triều đình đương lo lắng về mối loạn họ Kiều, chánh là lúc phải hưng binh. Ngặt vì mình có bịnh không cầm binh được, nên tính để Thái-tử cầm binh Đằng-châu, có Sầm-Bích với Lương-chánh-Tôn theo làm phó tướng, Bạch-Hổ khuyên chư trấn hãy về lo hưng binh một lượt đặng chia thế lực của triều-đình, làm như vậy có lẽ mới thắng được.
Lữ-Đường ngày trước dấy binh tính về kinh mà vấn tội Tam-ca ngặt vì chư trấn không ứng tiếp nên bị đại bại. Từ ấy đến sau Lữ-Đường oán hận Tam-ca, thường có lòng muốn hưng binh khêu chiến nữa, song xét mình thế cô binh thiểu, chắc không thắng nổi nên cực chẳng đã phải cố thủ thành trì không dám dấy động. Nay nghe Bạch-Hổ giao hết binh quyền cho Xương-Cấp điều đình, lại có hỗ tướng là Sầm-Bích với Chánh-Tôn tá trợ, thì mừng không xiết kể, liền hẹn với Lý-Khuê, Thủ-Thiệp và Nhật-Khánh đến ngày rằm tháng ba phải gom hết binh mã tại Tế-Giang rồi hiệp nhau kéo tới Cổ-Loa thành khêu chiến.
Xương-Cấp cũng định một ngày ấy khởi binh kéo lên Cổ-Loa.
Lữ-Đường, Lý-Khuê, Thủ-Thiệp và Nhật-Khánh liền từ Thái-tử với Bạch-Hổ mà về trấn đặng chỉnh binh mã, ai cũng phấn chấn, duy có Ngô-Nhật-Khánh trong lòng lo, nên sắc coi không được vui.
Đến bữa mùng 1 tháng ba chỉ Lý-Khuê với Thủ-Thiệp đã kéo binh tựu tới Tế-Giang mỗi người được hai ngàn, hiệp với ba ngàn binh mã của Lữ-Đường tổng-cộng được bảy ngàn. Lữ-Đường trông Nhật-Khánh cho đến chiều bữa rằm mà cũng chưa thấy đến, trong lòng nóng nảy như lửa đốt. Vì đã khắc kì với Thái-tử Xương-Cấp rồi, không được trì huỡn, nên Lữ-Đường, Lý-Khuê với Thủ-Thiệp làm lễ xuất binh rồi kéo nhau mà đi, không chờ Nhật-Khánh.
Ở Đằng-châu, Bạch-Hổ dạy gom hết binh đồn điền về nhập với binh trong thành, cộng lối 5 ngàn người, giao cho Sầm-Bích với Chánh-Tôn luyện tập, rồi đến ngày rằm tháng ba, Xương-Cấp mới khởi trình, Xương-Cấp giao cho Sầm-Bích một ngàn 500 quân đi làm tiền đạo, còn mình với Chánh-Tôn thì đi hậu đạo. Kiên-Trinh, Hà-Mai, Hà-Liễu đều rước vào thành Đằng-châu, giao cho Lý-Hữu-Dư ở lại bảo hộ, còn mấy người thủ hạ kia thì sung vào tiền đạo cho Sầm-Bích sử dụng.
Các việc phân phú xong rồi, đến giờ ngọ Xương-Cấp với chư tướng vào từ biệt Bạch-Hổ rồi mở hoát cửa thành kéo binh đi, cờ phất trống rung oai phong lẫm liệt.
Bình-vương sai Xương-Văn cầm binh đi dẹp loạn họ Kiều có sai Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi theo hộ trì, mà lại gìn giữ nữa, nên trong lòng chẳng có chút chi lo. Chẳng dè cách vài ngày có tin báo rằng: Lữ-Đường ở Tế-Giang hiệp binh với Lý-Khuê và Thủ-Thiệp tính kéo về đánh lấy kinh-đô, giặc đi còn chừng nửa ngày đường nữa thì tới thành. Bình-vương nghe báo cả kinh, liền lâm triều hội bá quan mà nghị sự ngăn giặc.
Triệu-Hùng tâu rằng: “Lữ-Đường tài lược bao nhiêu mà Bệ-hạ phải lo. Xin Bệ-hạ hãy cho tôi dẫn một đạo binh ra bắt nó đem về mà nạp cho Bệ-hạ.”
Bình-vương nghe lời khẳng khái thì mừng, lại nhớ năm trước Lâm-Hổ với Triệu-Hùng đã có giáp chiến với Lữ-Đường một lần, Lữ-Đường mới đánh có một trận mà đại bại đào tẩu, nên chắc Triệu-Hùng đủ sức dẹp giặc được. Vua liền hạ lịnh cấp cho Triệu-Hùng một muôn binh đặng kéo ra đường Tế-Giang mà ngăn bọn Lữ-Đường.
Triệu-Hùng vừa kéo binh ra khỏi thành chừng đôi ba dặm, bỗng có tin khác báo rằng Xương-Cấp cầm binh Đằng-châu cũng kéo về đánh Cổ-Loa nữa. Vua nghe tin ấy hồn phi phách lạc, lính quýnh không biết liệu mưu kế chi được nữa.
Vua than rằng: “Vậy mà năm ngoái Đỗ-Cảnh-Thạc về tâu rằng không có Xương-Cấp ở Đằng-châu, còn Bạch-Hổ đã quy thuận rồi. Nếu năm ngoái không có ở Đằng-châu thì bây giờ ở đâu mà ra đó ? Còn nếu Bạch-Hổ quy thuận thì sao lại giúp binh cho Xương-Cấp ? Mà Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi trẩm đã sai đi hết rồi bây giờ còn ai mà đối địch với Xương-Cấp ? Hay là trời khiến thời trẩm đã hết rồi sao !”
Lâm-Hổ bước ra quì trước bệ rồng tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, tiểu tướng tuy bất tài, song cũng nguyện đem binh ra chống cự với Xương-Cấp”. Bình-vương phán rằng: “Tướng quân cầm binh cự địch thì được rồi, song hễ tướng quân đi thì còn ai thủ thành ?”
Bá quan thảy đều quì mà xin vua hạ chỉ cho Lâm-Hổ đi đánh Xương-Cấp, còn thành trì thì bá quan đồng lãnh bảo thủ. Bình-vương thấy triều đình văn-võ đều trung-thành với vua thì trong lòng bớt lo, nên dạy điểm binh còn gần ba muôn, liền cấp cho Lâm-Hổ một muôn đi chống cự với Xương-Cấp, còn bao nhiêu thì để lại giữ gìn kinh-đô.
Lâm-Hổ vưng lịnh đi rồi, thì Bình-vương trong lòng lo sợ nằm ngồi không an, dạy bá quan phải đóng chặt bốn cữa thành, ngày đêm giữ gìn nghiêm nhặt luôn luôn.
Qua ngày sau, lúc trời vừa mới sáng, quân canh ở phía bắc-môn, ở trên địch lầu dòm thấy xa xa có một đạo binh kéo đi vào thành, gươm giáo lố xố như đám rừng rụng lá, người ngựa lao xao như bầy kiến tha mồi. Quân lật đật phi báo với quan; quan kinh hãi không kịp xem xét lật đật chạy báo với vua, lao xao lố xố cả thành thảy đều lính quýnh.
Bình-vương nghe báo hồn phi phách tán, tưởng giặc đã vào thành rồi, nên ôm đầu và khóc chạy vào trong cung. Mã-Chiêu là tướng hộ vệ, ngày trước tuy ám sát Bạch-Hổ không được, song khi trốn vào tới triều vua cũng ghi công để cho ở trong cung mà hầu hạ, anh ta thấy vua chạy thì lật đật chạy theo tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, theo lời các quan tâu thì giặc còn ở xa, chưa đến cửa thành, xin Bệ-hạ đừng sợ. Nói cùng mà nghe, ví dầu mà giặc có đến trước cửa thành đi nữa, hễ thành bế môn ở trong giữ gìn nghiêm nhặt, thì chúng nó bất quá vây thành mà thôi, chớ không làm sao mà vào được. Nếu giặc vây thành thì Bệ-hạ sai người phá chạy đi báo cho Thái-tử cùng Dương, Đỗ-nhị-quốc-công đem binh về giải cứu, có hại chi mà lo.”
Bình-vương đứng nghe, tay còn run, mặt còn sợ, nên phán nhỏ nhỏ rằng: “Té ra giặc còn ở xa hay sao. Vậy mà hồi nãy ai báo nói giặc đã kéo binh vào thành ?”
Mã-Chiêu tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, các quan báo nói ở xa có một đạo binh nhắm cửa thành mà kéo tới, song bị lộn xộn Bệ-hạ không nghe rõ, chớ không phải giặc đã vào thành.”
Bình-vương tay rờ ngực, miệng phán rằng: “Các quan nhác quá ! Việc như vậy mà kinh hãi vào tâu lộn-xộn làm cho trẩm phải kinh tâm”
Bình-vương lần trở ra chánh-điện, truyền lịnh các quan phải coi giữ mấy cửa thành cho chặt, nếu ai bất tuân thì sẽ chém đầu. Vua lại dạy Mã-Chiêu lãnh quân-hộ-vệ đóng chung quanh chánh điện mà bảo hộ long nhan.
Mặt trời mọc chừng được vài sào, đạo binh thấy xa khi nãy đã kéo tới ngoài Bắc-môn, rồi kêu mà nói rằng: Thái-tử dẹp loạn Phong-châu xong rồi, nên dẫn binh về triều phục mạng, trong thành mau mau khai môn mà nghinh tiếp.”
Tướng-sĩ giữ bắc-môn nghe nói chưng hửng, đã hết sợ mà lại mừng, nên lật-đật vào trước chánh-điện mà báo tin cho vua hay, song cửa thành cũng còn đóng chặt, chớ chưa chịu mở. Vua nghe tin Thái-tử Xương-Văn khải hoàn thì chẳng xiết nỗi mừng, nhưng mà trong lòng còn chút nghi ngại nên hỏi rằng: “Vậy mà có Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi về cùng một lượt đó hay không ?”
Các quan tâu rằng: binh tướng ở ngoài thành vừa kêu nói như vậy thì lật-đật vào phi báo cho vua hay, chưa kịp hỏi cho cặn kẽ. Vua liền bước xuống ngai và đi với các quan ra bắc môn. Mã-Chiêu dẫn ít chục quân thị-vệ theo hộ giá.
Vua leo lên địch lầu đứng dòm ra ngoài thành, thấy mấy muôn binh đứng ngay hàng ngay ngũ, trước vòng binh thì Xương-Văn cỡi ngựa kim đứng giữa, còn Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi mỗi người cỡi một con ngựa tía đứng hai bên. Vua xem rõ ràng, chẳng còn nghi ngại chi nữa, liền truyền lịnh khai thành mà tiếp rước.
Vua leo xuống địch lầu rồi trở vào trong chánh điện trước sân chầu mà chờ Xương-Văn, Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi vào đặng tỏ lời khen ngợi.
Quân kéo vào thành được phân nửa rồi mới thấy Xương-Văn, Kiết-Lợi và Hoài-Nhơn vào. Ba người nầy tay cầm khí giới đi thẳng tới sân chầu, thấy Bình-vương mà cũng không xuống ngựa. Bình-vương lấy làm lạ, vừa muốn quở bỗng nghe Xương-Văn nạt lớn rằng: “Tướng-sĩ mau bắt trói phản thần lại cho ta nào.” Xương-Văn và nói và chỉ lưỡi gươm ngay mặt Bình-vương. Bình-vương sảng-sốt chưa kịp nháy mắt thì bỗng nghe một tiếng dạ vang trời, rồi thấy mấy ngàn quân sĩ ào tới rần rần.
Mã-Chiêu đứng núp sau lưng vua, liền rút gươm nhảy ra ngăn cãn. Bình-vương nhờ có quân hộ-vệ nên mới thoát chạy vào chánh-điện. Mã-Chiêu với mấy trăm lính hộ-vệ chống cự không nổi nên cũng thối lui vào chánh điện. Bình-vương lính quýnh không biết đường chạy, nên chui dưới ngai ngồi run lập-cập. Mã-Chiêu đứng trong cửa điện cầm gươm ngăn cản, quân sĩ của Xương-Văn xông vào bị giết rất nhiều. Giang-Hoài-Nhơn thấy quân dụ dự, sợ Bình-vương thoát khỏi, nên bươn bả xuống tới mà đốc sức. Hoài-Nhơn thấy Mã-Chiêu hâm-hở, mà mặt mày bộ trướng giống hệt Sầm-Bích, tưởng lầm người ấy là Sầm-Bích, không hiểu Sầm-Bích ở đâu lọt vào đó mà hộ giá cho Bình-vương, sợ tướng sĩ giết chết, nên hô lớn lên rằng: “Hết thảy áp vào bắt sống người ấy cho ta”.
Mấy ngàn tướng sĩ quăng khí giới áp vào một lượt, mấy người đứng trước bị Mã-Chiêu chém, song số đông quá, Mã-Chiêu không thể đối địch nổi nên phải quăng gươm đưa tay chịu trói.
Xương-Văn dắt một tốp tướng-sĩ khác xông vào chánh-điện, thấy Bình-vương ngồi trốn dưới ngai, run lập cập như người có cữ rét, thì động lòng thương xót, không nỡ làm hại, nên day mặt chỗ khác mà dạy tướng-sĩ trói, chớ không muốn ngó.
Quan quân canh giữ mấy mặt thành vừa nghe có loạn trước chánh-điện không biết việc lành dữ thể nào, rùn rùn kéo nhau mà chạy vào, kẻ bươn bả chạy vào, người mở cửa thành xông ra, lao nhao lố nhố xô lấn nhau lớp bị té, lớp bị đạp, nên chết rất đông. Người nào mở chạy ra ngoài thành thì bị Cảnh-Thạc chận lại bắt hết.
Người sau có đề thi bình-luận cử chỉ của Đỗ-Cảnh-Thạc như vầy:
Mang lốt đại-thần dễ lắm sao ?
Chữ trung là tiết bực anh-hào.
Không mòn không nhiễm tua bền chí,
Khi trắng khi đen khéo đổi màu !
Dầu nhớ người xưa tình nghĩa nặng,
Cũng thương bạn cũ đức tài cao.
Có đâu làm thói lăng nhăng thế,
Rày đó mai đây bợm cấm rào.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK