Nếu ở phương Tây tiểu thuyết lịch sử xuất hiện với vai trò của Chủ nghĩa Lãng mạn thì ở Việt Nam ta, trước yêu cầu hiện đại hóa trong buổi đầu tiếp xúc với văn học phương Tây, truyện và tiểu thuyết về đề tài lịch sử cũng đã có một giai đoạn phát triển rất ấn tượng, gắn với sự xuất hiện của Trào lưu Lãng mạn thời kỳ 1930-1945, do một nhu cầu đặc thù. Đó là nhu cầu trốn hoặc tránh sự đối mặt gay gắt trong xã hội phong kiến - thuộc địa. Nói cách khác là chủ trương thoát ly thực tại, để tìm đến một thế giới khác - cho sự giải phóng cá nhân con người, trong đó quá khứ cũng là một bối cảnh lý tưởng cho sự hư cấu, thêu dệt nên những câu chuyện tình giữa các ông hoàng - bà chúa, những giai nhân - tài tử, tuy xiêm áo - mũ mãng là theo lối xưa, nhưng cốt cách tâm hồn, cử chỉ ăn nói đều là người của hiện đại. Một khuynh hướng viết như thế làm nên cả một dòng truyện lịch sử với những tác giả tiêu biểu như Khái Hưng với Tiêu Sơn tráng sĩ, Lan Khai với Ai lên phố Cát, Cái hột mận, Trần Thanh Mại với Ngô Vương Quyền, Phan Trần Chú với Hồi chuông Thiên Mụ v.v… cuốn theo sự say mê đón đợi của một lớp độc giả trẻ tuổi trong đời sống thành thị…
Nhưng nếu bên cạnh Trào lưu Lãng mạn còn có Trào lưu hiện thực - dám đối mặt với sự thực tối tăm, tàn nhẫn của xã hội, thì dòng truyện lịch sử cũng có một khuynh hướng khác - không mượn lịch sử làm một cái phông mờ để điểm trang cho những thiên diễm tình lãng mạn, mà hướng vào sự thật lớn của lịch sử - đó là những chiến thắng lớn của dân tộc và số phận của nhân dân khi đất nước bị ngoại xâm. Một lịch sử dân tộc Việt Nam thì có lúc nào vắng thiếu những thời như thế, kể từ thời của huyền sử Thánh Gióng, cho đến Hai Bà Trưng, qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê…, cho đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, như Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX, Đề Thám đầu thế kỷ XX… Tôi muốn làm một liệt kê như trên bởi sự có mặt gần như khá đủ các tên tác phẩm ứng với những thời đoạn oanh liệt của dân tộc, gắn với các triều đại từng làm vẻ vang cho lịch sử của dân tộc… qua một dòng viết của vài thế hệ tác giả, từ Cựu học sang Tân học, kể từ Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tử Siêu, Đinh Gia Thuyết… đến Ngô Tất Tố, Chu Thiên, Trúc Khê, Trần Thanh Mại, Nguyễn Huy Tưởng… kéo dài suốt từ đầu thế kỷ XX đến 1945; và do đây là thời kỳ chuyển động của văn học trên con đường hiện đại hóa, nên các khuynh hướng viết cũng có sự phát triển từ cũ sang mới, để đạt đến một tư duy nghệ thuật hiện đại thay cho mô hình tư duy trung đại.
Con đường của tiểu thuyết lịch sử như trên dẫn đến sự xuất hiện Nguyễn Huy Tưởng ở chặng cuối của nó, khi đất nước đang nung nấu chuẩn bị cho một cuộc Tổng khởi nghĩa; khi người thanh niên Nguyễn Huy Tưởng ở tuổi 30 đã có sự tiếp nhận bước đầu tư tưởng cách mạng và chuẩn bị tham gia các hoạt động yêu nước trong Hội Truyền bá Quốc ngữ và Hội Văn hóa Cứu quốc.
Đêm hội Long Trì và An Tư là hai tiểu thuyết lịch sử lớn của Nguyễn Huy Tưởng viết vào thời gian này, cùng lúc với kịch Cột đồng Mã Viện và Vũ Như Tô…
*
* *
Tiểu thuyết An Tư (viết xong cuối năm 1943, in trên Tri tân 6-1944 – 7-1945) chọn đề tài là cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Trong ba lần quân Nguyên kéo sang, Nguyễn Huy Tưởng đã tập trung miêu tả cuộc kháng chiến lần thứ hai, là cuộc thể hiện trọn vẹn nhất cả hai mặt khó khăn và thuận lợi của quân dân nhà Trần dưới triều Trần Nhân Tông với vai trò Tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo. Là thời diễn ra Hội nghị Diên Hồng và hội được gần như là tất cả những gương mặt tiêu biểu của Thăng Long, như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng…; và về phía địch, thì cũng có đủ các tên tuổi Thoát Hoan, Toa Đô, Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi… Là thời Trần Hưng Đạo công bố Hịch tướng sĩ xuất quân, và Trần Quang Khải có thơ ca khúc khải hoàn. Là người thuộc lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã khai thác tối ưu công suất của chất liệu mà lịch sử cho phép để tạo một thế giới nhân vật ở cả hai phía địch - ta; đã để cho cuộc chiến đi qua cả hai âm hưởng bi - hùng khi Thăng Long bị Thoát Hoan chiếm đóng đến khi Thăng Long hết sạch bóng giặc. Cuốn tiểu thuyết không bỏ sót một tên tuổi quan trọng nào của lịch sử, nhưng cũng không quên số phận nhân dân trong nhiều vai phụ. Và, điểm nhấn cuối cùng (hoặc đầu tiên) là sự trực tả với nhiều trường đoạn hấp dẫn mối tình đằm thắm và bi tráng giữa An Tư công chúa với Chiêu Thành Vương Trần Thông.
Một mối tình riêng trong một thời cả triều đình vào trận, cùng với quân dân cả nước chung một quyết tâm Sát Thát!
* * *
Lịch sử có ghi một câu về An Tư, em gái út Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cô ruột của vua Thiệu Bảo Trần Nhân Tông, trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Khiển nhân tống An Tư công chúa, vu Thoát Hoan dục thư quốc nan dã" (cho người đưa công chúa An Tư đến chỗ Thoát Hoan để làm thuyên giảm nạn nước). Còn Trần Thông là sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng. Như vậy là cốt cách hiện thực của cả hai nhân vật đều rất ít ỏi và, do vậy, cần đến sức sáng tạo của người viết trên các chủ đề hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Mà một cuộc kháng chiến hùng vĩ đến như thế trong đối sánh lực lượng quá chênh lệch giữa hai bên thì có thiếu gì, nếu không nói là đòi hỏi biết bao những gương hy sinh vì nghĩa lớn. Có nghĩa là trong cái được lớn chung của đất nước có những mất mát không nhỏ cho từng số phận cá nhân con người. Trên một căn bản trung thành với tinh thần của lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã không chịu cầm tù hoặc ràng buộc trong cái mong manh, ít ỏi của các sự kiện lịch sử, vào một thời cách ta quá xa - những bảy, tám trăm năm mà thư tịch để lại là rất hiếm hoi, vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là cuộc thảm sát văn hóa của Minh Thành Tổ thế kỷ XV, chỉ trong 20 năm - trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.
Trước Nguyễn Huy Tưởng, và cho đến bây giờ, đã có nhiều tiểu thuyết viết về đời Trần. Trên dòng chảy đó, An Tư là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng, với chủ đề lớn là sự gắn bó số phận cộng đồng và cá nhân, với sự hòa quyện âm hưởng sử thi và trữ tình, Và trong đối cực giữa cái thiện - cái ác, cái được - cái mất, cái thắng - cái thua là những tấn kịch, là chất kịch trong từng cảnh ngộ, từng số phận con người. Chất kịch tạo nên những xung đột nội tâm, trong hầu khắp các nhân vật được lịch sử tôn vinh như vua Thiệu Bảo, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật… Còn bi kịch là dành cho cái chết của hai nhân vật chính - cả hai: An Tư và Trần Thông đều là những hình bóng khuất mờ trong lịch sử, nhưng lại được văn học làm cho sống động, qua sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng.
* * *
Vậy là, chỉ hơn 10 năm, sau cái ao ước: "Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn Quốc ngữ thôi" của chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng mới 18 tuổi (Nhật ký ngày 19-12-1930), văn học hiện đại đã có sự xuất hiện một tác gia viết về lịch sử, vượt lên và đổi khác, để có một gương mặt mới trong dòng truyện về lịch sử đã được hình thành và phát triển trong ngót nửa thế kỷ hiện đại hóa. Và khi An Tư dừng lại trên Tri tân, số ra tháng 7-1945 thì cả dân tộc đang đứng trước ngưỡng của một cuộc Cách mạng vĩ đại nó là sản phẩm, là kết tinh lòng yêu nước, và sự đồng tâm nhất trí của trên hai mươi triệu đồng bào Việt Nam.
Tháng Năm - 2007
- GS Phong Lê -
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK