• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Một buổi sáng cuối đông, khắp nơi bàng bạc một mầu mờ ảo của hơi sương, bốn bề chìm trong vẻ yên tĩnh hiếm có, chỉ đôi lúc khẽ vang lên mấy thanh âm sột soạt như tiếng chân của một con thú lạc bầy cọ vào kẽ lá. Một dãy vài mươi gốc liễu trơ trụi ven bờ suối, phía xa thấp thoáng bóng một ngôi nhà nhỏ lẩn khuất trong sương sớm như càng làm tăng thêm mấy phần hoang lạnh.

Dòng suối nhỏ ấy không biết bắt đầu từ đâu song vẫn không ngừng róc rách, uốn mình chảy vòng qua một ngôi am cũ kĩ. Buổi cuối đông, nước suối lạnh buốt đến cắt da cắt thịt và trong vắt như có thể soi tận đáy. Ở gần đấy lại có một cái bảng gỗ đề tự mấy chữ “Suối Nhu Tuyền, Bạch Vân Am”, ra chừng có vẻ thanh nhã lắm.

Khi những tia nắng đầu tiên lấp ló xuất hiện phía chân trời thì có một người đàn bà trung niên mang thùng ra ghánh nước. Lại trông vẻ mặt thiểu não của bà ta, xem chừng như đang gặp chuyện gì làm phiền lòng lắm. Chỉ nghe bà ta vừa đi vừa lẩm bẩm: “Thật là một lũ thuật sĩ vô lại, chỉ biết lừa tiền mà. Cuối cùng thì phu nhân vẫn sinh con gái. Ài, phu nhân ngoài miệng thì cười nhưng trong lòng ắt hẳn đang buồn lắm…”

Thì ra đây là người hầu gái thân thiết của phu nhân một gia đình rất có thế lực ở Lâm An. Nghe nói trước khi xuất giá, vị phu nhân này tên gọi Tiết Gia Yến, là thiên kim độc nhất của Tiết gia - một gia đình giầu có bậc nhất ở kinh thành. Năm mười tám tuổi, Tiết tiểu thư được gả cho một vị tân khoa tiến sĩ. Nhờ được thế lực của bên đằng vợ nâng đỡ, vị tiến sĩ đó thăng tiến rất nhanh trên đường hoạn lộ, mấy năm sau đã leo lên đến chức Thị lang, cũng nhờ thế mà Tiết Gia Yến rất được vinh sủng. Chỉ hiềm một nỗi, kết hôn được bốn năm mà Gia Yến phu nhân vẫn chưa có tin lành nên lấy làm lo lắng lắm. Bởi thế Tiết Gia Yến quanh năm cầu trời lễ phật, tích đức làm thiện những mong ông trời rủ lòng thương mà ban cho một mụn con.

Kiên trì như thế suốt hai năm, rốt cục gần đây lão Thiên cũng đã rủ lòng thương thật. Song vì người thiếp của phu quân mình trước đó đã sinh hạ con trai, Tiết Gia Yến không muốn thua chị kém em nên lân la tìm hỏi khắp nơi bí quyết để sinh hạ nam hài. Được một thuật sĩ nghe đồn là rất cao tay mách nước rằng hãy cất một căn nhà nhỏ cạnh Bạch Vân Am, sống thanh bạch an tĩnh từ đó cho tới khi sinh nhất định sẽ đạt được ước nguyện. Chính bởi vì thế Tiết Gia Yến cùng với người vú nuôi của mình lặn lội đến tận chốn hoang sơ thôn dã này nhằm đạt được ước nguyện, bất chấp sự khuyên bảo lẫn phản đối của người chồng.

Chẳng dè trời như chẳng chịu lòng người, đến kì khai hoa nở nguyệt Tiết Gia Yến hạ sinh một nữ hài tử. Tuy ngoài mặt vẫn cố gượng cười nhưng trong lòng lấy làm buồn phiền lắm. Bởi thế sáng ngày hôm sau đã giục Trương nhũ mẫu chuẩn bị hành lý để lên đường về kinh thành.

Nói về chuyện của người nhũ mẫu họ Trương, để chiều hôm ấy có thể lên đường trở về Lâm An nên từ mờ sáng đã ra suối ghánh nước. Nào ngờ vừa đi đến ven bờ suối, khi chuẩn bị lấy thùng múc nước, bà ta như nhận thấy điều gì liền hốt hoảng la lên. Hướng theo ánh mắt ấy, gần đó có một thiếu phụ trẻ đang nằm gục ven bờ suối.

Qua phút hoảng loạn ban đầu, Trương nhũ mấu kịp định thần lại và tiến bước đi về phía người thiếu phụ trẻ. Quan sát kĩ thì thấy người thiếu phụ kia hai mắt nhắm nghiền, tóc tai tán loạn, gương mặt thì tím đi vì lạnh song vẫn không mờ được một vẻ đẹp dịu dàng đến hiếm có. Lại như thiếu phụ này sắp đến kì sinh nở vì vùng bụng đã nhô cao nhiều lắm, quần áo thì thấm đẫm hơi sương, không chừng đang nằm giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Quan sát được vậy, người đàn bà trung niên họ Trương không dám chậm trễ vội xốc thiếu phụ kia lên, gắng hết sức dìu cô ta vào nhà.

Thật là trùng hợp và may mắn đến lạ kì, ngay buổi chiều hôm ấy người thiếu phụ kia mặc dù yếu đuối bệnh tật song cũng kịp sinh hạ được một tiểu hài tử khỏe mạnh. Sau khi đứa nhỏ vừa ra đời, thiếu phụ trẻ kia đã mê man ngất đi, không kịp biết hài tử mình sinh hạ rốt cục là nam hay nữ.

- Ài, tốt quá rồi. Cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông rồi. Ai, cô ta kiệt sức ngất đi rồi. Phu nhân, là một nam hài kháu khỉnh.

Tiết Gia Yến ở bên cạnh đó cười buồn:

- Cô gái này một thân một mình lang thang cơ cực. Nhưng xem chừng cô ta cũng thật là may mắn.

Vào lúc này đứa bé đỏ hỏn trên tay Trương nhũ mẫu không ngừng quơ đôi bàn chân nhỏ xíu, miệng thì khóc váng lên không dứt. Bà nhũ mẫu họ Trương hết nhìn đứa trẻ, lại nhìn sang phía Tiết Gia Yến, lúc ấy chẳng hiểu sao đột nhiên lên tiếng:

- Phu nhân, sự việc ngày hôm nay chỉ có hai chúng ta biết. Chi bằng…

Như chợt hiểu ra ý câu nói dang dở kia, tuy nhiên Tiết Gia Yến chỉ khẽ thở dài:

- Ta biết nhũ mẫu có ý tốt. Thế nhưng con mình dứt ruột đẻ ra, làm sao đành lòng giao cho người khác nuôi nấng được.

Nhũ mẫu họ Trương lúc ấy vội vã hạ giọng:

- Phu nhân, người thiếu phụ này độc thân một mình ở nơi hoang vắng này, không nơi nương tựa, lại như không ai thân thích. Chi bằng chúng ta cứ… sau đó đón hai mẹ con cô ấy cùng về phủ, lại nhận tiểu thư làm con nuôi. Lúc đó chẳng phải là vẹn cả đôi đường sao?

Nghe ý kiến vậy của người nhũ mẫu, Tiết Gia Yến hơi ngẩn người ra, ngập ngừng:

- Nhưng mà…

Nhũ mẫu họ Trương lên tiếng:

- Phu nhân xin hãy cân nhắc và quyết định nhanh thôi. Ài, cứ nghĩ đến ánh mắt câng câng của nha đầu họ Lệ kia, nô gia thật sự cũng không thể chịu đựng được.

oOo

Năm Thiệu Hưng thứ hai mươi.

Sau hòa ước Thiệu Hưng, nhà Tống phải cắt toàn bộ đất đai mạn bắc sông Hoài cho đến Đại tán quan- Thiểm Tây cho nhà Kim, hàng năm phải triều cống cho nhà Kim 25 vạn lạng bạc trắng, 25 vạn súc lụa thượng hạng cùng vô số ngọc ngà châu báu. Để có bạc triều cống và phục vụ cho nhu cầu ăn chơi hưởng lạc, Tống Cao Tông liên tục tăng thuế má khiến đời sống nhân dân ngày càng thêm cơ cực vất vả. Đã vậy mấy năm nay khắp Giang Bắc đồng ruộng hoang hóa, thiên tai hoành hành, đi đâu cũng thấy nạn dân chết đói, trộm cướp như rươi. Duy chỉ có vùng Giang Nam đất đai mầu mỡ cùng kinh thành Lâm An phồn hoa thì cuộc sống nhân dân có dễ chịu đôi chút.

Buổi chiều tà, trước cửa một khách điếm nằm ven bờ hồ ở Đạo Hương thôn có một đám đông chừng mấy chục người đang tụ tập. Đám người này già trẻ, trai gái, lớn bé đều có đủ cả, hết thảy đều đang tập trung lắng nghe một người kể chuyện. Người kể chuyện là một ông già tầm ngoài sáu mươi tuổi, mái tóc lốm đốm điểm sương song đôi mắt và dáng vẻ hãy còn tinh anh lắm. Lão vận một chiếc bố y bạc phếch, bên trong là chiếc áo vải thô mỏng tang, ra chừng không xem cái lạnh mùa đông vào đâu. Trên tay lão cầm chiếc hài cỏ chốc chốc lại gõ lên đỉnh chiếc trúc lạp phía trước mặt, miệng thì đều đều:

- Vừa mới gần đây thôi, Hoàn Nhan Lượng làm đảo chính giết Kim Hy Tông, lên ngôi vua, thanh trừng hơn trăm quí tộc người Nữ chân. Hắn ta lại thành lập cái gọi là Thượng Thư lệnh, Cơ Mật viện, tin dùng rất nhiều người không phải là người Nữ Chân...

Ông ta vừa kể đến đây, mọi người xôn xao ồ lên, sau đó có tiếng nói to: “Nói như lão tiên sinh đây thì có rất nhiều người Hán chúng ta làm tay sai cho bọn Kim cẩu ư?”

Ông lão kể chuyện gật đầu cười khẽ:

- Chính thế. Chính thế. Thế nhưng cái đám người kia nếu gặp một tên đại gian thần, đại Hán gian bán nước ở Lâm An đây thì cũng phải chắp tay lạy mấy tiếng lão tổ tông thôi. Dám hỏi các vị có biết người mà lão nhắc đến là ai không?

Khi thấy xung quanh xôn xao song không có một ai chính thức lên tiếng đáp, ông ta lại giơ chiếc thảo ngoa gõ bộp một cái vào chiếc trúc lạp, đoạn nói: “Hẳn là thâm tâm mọi người ai nấy đều tỏ tường kẻ đó là ai, song sợ tai họa mà không dám đứng ra trả lời.”

Đúng lúc ấy thì có một cậu bé tầm tám chín tuổi, gương mặt khôi ngô, dáng vẻ nhanh nhẹn tiến ra hỏi: “Lão bá, thực sự thì tiểu nhi không biết người mà lão bá bá nhắc đến là ai. Liệu…”

Qua trang phục mà cậu bé này đang mặc, mười phần đó là một tiểu công tử của một gia đình giầu có. Và vì thế không có gì ngạc nhiên khi cậu vừa nói đến đây, ở phía sau có một tráng hán khôi kiện vội tiến ra kéo lại, đồng thời ra dấu cho cậu ta im lặng. Ông lão kể chuyện vừa trông thấy cậu bé, ánh mắt khẽ lóe lên một cái tia hiếu kì rồi sau đó tiếp tục kể:

- Mới vừa rồi thôi, sau khi Kim quốc có biến, Tuần sử Tạ Duy Khang đã dâng sớ xin hoàng thượng ổn định triều chính, tuyển đại tướng cất quân Bắc phạt, đòi lại nửa mảnh giang sơn của người Hán chúng ta. Ây, nhưng rốt cục vòng vo một hồi, vị trung lương họ Tạ ấy đã phải hứng chịu tai ương từ trên trời rơi xuống. Đáng thương thay, đáng thương thay…

Nói đến đây lão lắc đầu thở dài, cất giọng chán nản nói:

- Ai dè có người vu cho Tạ Duy Khang âm mưu kích động can qua, gây náo loạn triều đình, kiếm cơ hội để tiện bề kéo bè kết đảng làm chuyện bất chính. Tạ thị lang bị khép vào tội chết, người trong nhà họ Tạ cũng không thoát khỏi thảm cảnh, nam thì bị lưu đày biệt xứ, nữ thì bị mang bán vào lầu xanh. Toàn bộ gia sản bị tịch biên ném thêm vào phần lễ vật cho sứ giả Kim triều. Trên đời này khi nào có chuyện vô lý bất nhân như vậy không?

Ngay sau khi hoàng thượng hạ thánh chỉ, Tạ đại nhân uất hận hộc máu mà chết. Tạ phu nhân không muốn mai này bị rơi vào vũng bùn nhơ, bởi thế thắt cổ tự vẫn. Chỉ thương thay cho tiểu hài nhi nhà họ Tạ kia, đứa nhỏ bất hạnh ấy chưa đầy mười tuổi cũng bị xung nô, mang ra đem bán công khai.

Nói đến đây lão cầm chiếc thảo ngoa gõ vào trúc lạp, khi giơ lên là bật thành tiếng, khi hạ xuống thì vang thành điệu, thanh âm nghe thật thê lương:

Vì lòng son mà sa thảm cảnh.

Thác cửu tuyền cô quạnh thê lương.

Than ôi! Thế sự vô thường.

Toàn gia trung liệt một trường huyết châu.

Thương ôi, thương ôi. Trường huyết lệ này cũng chỉ vừa mới xảy ra thôi. Đầu tháng tới, ái nữ của Tạ đại nhân sẽ bị người ta mang ra bán ở trước cổng nha môn Lạc Thành.

Lão kể đến đây lật ngửa chiếc trúc lạp rồi rũ áo đứng dậy, than thở rằng:

- Lão kể chuyện này mong các vị khách quan đây chung tay giúp đỡ hậu nhân trung lương, để Tạ đại nhân có thể yên lòng chốn cửu tuyền.

Nghe qua câu chuyện của lão nhân kia, mọi người đều lấy làm xúc động lắm. Tuy nhiên ngặt vì thời buổi khó khăn, người ở đây cũng chẳng mấy ai khấm khá, bởi thế chiếc trúc lạp kia chỉ lèo tèo vài ba đồng bạc lẻ. Nào ngờ đến đây bỗng thấy cậu bé ban nãy tiến ra, giật áo lão nhân vừa kể chuyện:

- Lão bá bá, cháu hiện giờ không có mang theo ngân lượng. Nhưng xin lão bá hãy chỉ đường cho cháu tìm đến Lạc Thành, lúc đó cháu nhất định sẽ có cách giúp đỡ.

Đám người đi theo bảo vệ vị tiểu công tử kia nghe vậy thì la lên:

- Nhị công tử, công tử đừng có mang chuyện này ra đùa giỡn nữa. Ngày mai chúng ta phải về Lâm An thành rồi. Nếu mà có chuyện gì bất trắc, ắt phu nhân…

Nào ngờ thấy cậu bé kia trừng mắt, gắt khẽ:

- Cái gì mà đùa chứ. Hừ, ta…

Đang nói đến đây thì hốt nhiên cậu nghe một tiếng cười dài. Vội vã đưa mắt nhìn về phía thanh âm đang phát ra thì thấy lão nhân tóc bạc kia tay cầm trúc lạp, chân mang hài cỏ đang rảo bước như bay, vừa đó mà đã cách xa mấy chục bước. Tư thái ông ta vừa ung dung nhàn hạ mà tốc độ thì mau lẹ vô cùng, thoáng chốc đã mất dạng. Mọi người trông thấy vậy giật mình hoảng hốt: “Rốt cục ông ta có phải là người nữa không vậy?

oOo

Hôm đó là một ngày trời đông lạnh lẽo, trời dù chưa đổ tuyết song nếu áo che không đủ kín, gió lùa vào cũng thừa đủ khiến người ta rùng mình từng cơn. Trong tiết trời gía buốt như thế, thật lạ khi vẫn có một đám đông tụ tập chờ trước cổng phủ nha Lạc Thành. Thật chẳng hiểu từng đó con người đang chờ đợi điều gì ẩn chứa đằng sau hai cánh cửa sắt to bản và nặng nề ấy.

Cho đến đầu giờ Thìn, chợt có một người hô khẽ:

- Ra rồi.

Tiếng hô vừa dứt, lập tức cánh cổng nha môn Lạc Thành từ từ mở ra. Đám đông đưa mắt nhìn thì thấy một trung niên thấp lùn vận quan phục bệ vệ bước ra, theo sát sau lão là một tốp nha binh gươm giáo sáng choang. Điều kì lạ nhất là lẫn giữa đám quan binh kia là một cô bé gái hãy còn nhỏ tuổi lắm. Cô bé này mặc chiếc áo mầu hồng nhàu nát và lem luốc những vết bẩn và bụi, tóc tai tán loạn bước chân xiêu vẹo trong gió lạnh. Lúc ấy chỉ thấy gã quan nhân kia hừ một tiếng:

- Hồng di đâu. Sao mãi giờ chưa thấy tới?

Ở bên dưới có tiếng nói khẽ:

- Kia là Thường Vĩnh đại nhân đấy. Ài, trông thật giống một củ khoai mập vậy.

- Huynh nói nhỏ thôi, bộ muốn chuốc vạ vào thân hả…

Lúc này vị quan nhân béo lùn Thường Vĩnh kia làm bộ đưa tay vái chào một vòng xung quanh, sau đó cất tiếng:

- Các vị, hẳn các vị cũng đã nghe qua vụ án về tên nghịch tặc Tạ Duy Khang. Tên họ Tạ này dù đã làm đến chức Tả thị lang mà tâm thuật bất chính, tìm cách xúc xiểm và chia rẽ mối quan hệ hòa hiếu bang giao giữa hai nước Tống - Kim. Rất may là thánh thượng anh minh, tên gian tặc kia cuối cùng cũng đã bị trừng trị thích đáng.

Nói đến đây gã đưa hai bàn tay to bè và xù xì kia xoa xoa vào nhau ra chiều lạnh lắm, đoạn chắp tay phía sau lưng rồi lên giọng nói to.

- Lần này bổn quan phục thượng mệnh, đứng ra thi hành giám sát án vụ Tả Duy Khang. Đáng nhẽ với tội danh đó của Tạ Duy Khang, toàn gia họ Tạ đều bị thảm tử. Song thánh thượng động long nhan mà khai ân, tha cho nhi tử của hắn một con đường sống.

Kế đó "củ khoai lang mập mạp" đó lại đưa tay chỉ về phía cô bé đáng thương kia mà rằng:

- Thực theo thánh chỉ, nha đầu Tạ Bội Ngọc kia đáng nhẽ phải xung nô, làm kiếp lao dịch cả đời miền biên ải. Ấy nhưng xét vì thị tuổi nhỏ mà ban cho đặc ân, hiện thời bổn quan mang Tạ Bội Ngọc ra đấu mãi, mang số ngân lượng thu được xung vào công quĩ.

Thường Vĩnh vừa nói đến đây bất chợt phía dưới xôn xao cả lên. Có người thở dài: “Nghe người kể là có chuyện này mà ta không tin. Nhưng giờ được chứng kiến thì mới thấy. Ôi, loạn hết cả rồi. Có ai đời thời buổi này lại mang một cô bé như thế ra công khai rao bán chứ. Như thế còn gì là luân lý, còn gì là nhân tâm nữa chứ!”

Mọi người xì xào bàn tán một hồi, thì ra đa số những người đến đây hầu hết là vì tính hiếu kì mà kéo đến xem phiên chiêu mãi này. Sau chừng nửa nén hương, có một người đàn bà trung tuổi, phấn son lòe loẹt, áo quần diêm dúa, khoác ra ngoài một chiếc áo bông kép tiến ra và nói:

- Thảo dân là Liễu Nhai Xuân, người của Vọng Hoa Lâu ở Lâm An, xin ra mắt Thường Đại Nhân. Cách đây không lâu bọn thảo dân cũng nghe qua phong thanh về vụ án của họ Tạ, lại nghĩ đến hoàn cảnh của tiểu hài tử kia thì thấy cũng thật đáng thương. Bởi thế lần này Vọng Hoa Lâu chúng tôi xin bỏ ra một trăm lượng bạc để chuộc nha đầu đó về, cho tiểu nha đầu đó có cơ hội bắt đầu cuộc sống mới.

Đến đây có người bĩu môi: “Hừ, một lũ buôn người mà giở giọng thiện nhân.”

Người huynh đệ của ông ta gật đầu đáp, thanh âm như muỗi kêu chỉ đủ cho hai người nghe: “Đại ca nói phải lắm. Đệ nghe nói mẫu thân của vị Bội Ngọc tiểu thư kia mấy năm trước vốn là một mỹ nhân danh lừng đất Giang Nam. Ài, cái lũ bất lương kia tính mua về nuôi lớn, đào tạo Bội Ngọc tiểu thư thành cái cần câu tiền cho Vọng Hoa Lâu mà.”

Thường Vĩnh đại nhân làm bộ không nghe rõ, khẽ nghiêng cái cuống họng nung núc thịt lên hướng một bên tai về phía mụ buôn người và nói:

- Hai trăm lượng bạc. Liệu ta có nghe nhầm không vậy?

Liễu Nhai Xuân trong lòng thì thầm chửi tên họ Thường lòng tham vô đáy. Song mụ nghĩ: “Hai trăm lượng tuy lớn thật đậy, song chỉ cần nuôi nha đầu kia thêm năm bẩy năm thì thừa sức thu lại được gấp bội con số đó.” Bởi thế mụ vội vã đáp:

- Đại nhân, ngài không nghe nhầm đâu. Quả là thảo dân ra giá hai trăm lượng.

Thường Vĩnh nghe vậy cao giọng:

- Còn ai ở đây trả giá cao hơn hai trăm lượng không?

Lúc này một gã trung niên ăn vận quí phái, lại như vì tửu sắc quá độ nên gương mặt xanh xao, bước ra:

- Thường đại nhân. Tiểu nhân là Tôn Thẩm Hào ở Lâm An. Tiểu nhân xin ra giá hai trăm năm mươi lượng.

Thì ta họ Tôn vốn là một phú hào ở chốn kinh thành. Hắn ta xưa nay vốn nổi tiếng là con quỉ háo sắc, mới ngoại tứ tuần mà đã kịp rước về trong nhà mười hai thê thiếp. Xem qua cái cách và bản tính của họ Tôn, e rằng lần này xuất bạc mua người cũng chỉ là kiếm về thêm một vị tiểu phu nhân dành cho tương lai mà thôi.

Thường Vĩnh nghe thấy có người chịu đứng ta tranh giành Tạ Bội Ngọc với Liễu Nhai Xuân thì mừng lắm, lão cất tiếng the thé:

- Hai trăm năm mươi lượng. Có ai trả cao hơn nữa không.

Liễu Nhai Xuân vì sự xuất hiện của Tôn Thẩm Hào thì tức tối và lo lắng ra mặt, mụ vội lên tiếng:

- Đại nhân, thảo dân ra giá hai trăm năm mốt lượng bạc.

Tôn Thẩm Hào lớn tiếng:

- Hai trăm sáu mươi lượng.

- Hai trăm sáu mốt lượng.

Cứ như thế hai người này cò kè bớt một thêm hai, phút chốc số tiền đã lên tới ba trăm lạng bạc. Đến đây Tôn Thẩm Hào đã có chút chán nản, thầm nghĩ: “Bỏ ra mấy trăm lạng bạc chỉ để mua về một tiểu nha đầu. Mai này lỡ như nó không xinh đẹp được như mẫu thân nó thì sao chứ. Ba trăm lạng bạc đó ta có thể thừa sức cưới được vài người thiếp tử tế. Hừ… như vậy đi.” Nghĩ được thế Tôn Thẩm hảo nói:

- Đại nhân, cái giá ba trăm lạng đã là cực hạn của thảo dân rồi. Vậy thì xin mời Vọng Hoa Lâu rước người vậy.

Gã ta nói xong bực bội bước về phía đám đông. Liễu Nhai Xuân thấy thế lấy làm đắc chí lắm. Qua một lúc nữa không thấy ai trả giá cao hơn thì chắc mẩm vị tiểu cô nương Tạ Bội Ngọc kia ắt phải là người của mình rồi. Ai dè lúc ấy thì có một người đàn bà trung tuổi dáng vé điêu ngoa hớt hải chạy tới. Vừa tới nơi mụ ta vội líu ríu:

- Thường đại nhân, thứ lỗi cho tiểu nữ đến trễ.

Thường Vĩnh nghe thấy thế bực tức:

- Hừ, hừ… Ngươi làm bổn qua bực mình lắm rồi đấy. Hồng Di, ngươi đến rồi thì tốt lắm. Ngươi xem, vị cô nương đây của Vọng Hoa Lâu ra giá ba trăm lẻ một lạng bạc.

Người đàn bà có tên là Hồng Di kia thấy vậy cười khẽ, sau đó sấn sổ bước lại phía Tạ Bội Ngọc. Bàn tay của mụ đặt lên trên chiếc cằm nhỏ xinh của cô bé đoạn nâng khẽ, đồng thời tay kia cầm vai Bội Ngọc xoay một vòng như một món hàng, đoạn nói:

- Mọi người xem, một vị tiểu cô nương băng thanh ngọc khiết, tuổi còn nhỏ mà đã thanh tú mỹ lệ như thế, năm mười năm sau sẽ trở mỹ nhân như thế nào chứ. Huống chi dẫu gì vị tiểu cô nương đây cũng xuất thân danh gia, tư chất phiên phú ẳt không phải bàn. Một người như vậy, ấy mà chỉ đáng giá ba trăm lạng thôi sao.

Gió vẫn từng cơn buốt đến cắt da cắt thịt. Lúc này cả người cô bé gái tên Tạ Bội Ngọc kia đang run lên, song dường như chẳng phải là vì lạnh lẽo mà là vì thương tâm và chua xót. Hàm trăng nhỏ trắng buốt cắn vào môi tưởng như bật máu, đôi mắt đỏ hoe song Tạ Bội Ngọc từ đầu đến cuối vẫn lặng im không có bất kì lời nói hay hành động nào, vẫn mặc cho Hồng Di muốn làm gì thì làm. Một đứa bé gái nhỏ tuổi mà ngoan cường như thế, thật làm người ta thương xót lắm lắm.

Lúc ấy, Liễu Nhai Xuân nghe thế liền hỏi:

- Hồng Di, nói như vậy tức là sao chứ. Ở đây không có ai trả cao hơn đâu.

Người đàn bà tên là Hồng Di kia miệng lưỡi xoen xoét:

- Ai, quả là ít người minh nhãn thấy được báu vật mà. Thôi như vậy đi, nếu không có ai trả giá cao hơn năm trăm lạng bạc, vậy thì hãy để tiểu cô nương này lại cho Di Hồng Viện chúng tôi vậy.

Liễu Nhai Xuân nghe thấy thế tức đến trào máu: “Hừ, dám đứng ra giành người với Vọng Hoa Lâu chúng ta sao. Hừ, rõ cũng chỉ là người của tên mập kia mà thôi, thị cũng không dám già néo đứt dây đâu. Dẫu sao mua nha đầu kia năm trăm lượng cũng không thiệt thòi gì lắm.”

Nghĩ thế họ Liễu đứng ra xướng:

- Được, cứ như vậy đi. Vọng Hoa Lâu chấp nhận trả năm trăm lượng bạc để rước tiểu cô nương họ Tạ kia.

Thường Vĩnh và Hồng Di nghe có người gật đầu chấp thuận thì vui mừng: “Như vậy là lần này bỏ túi được ba trăm lạng bạc rồi. Thật là may mắn hết sức. Nghĩ thế song tên quan mập lùn kia vẫn nói to:

- Năm trăm lượng bạc trắng. Có ai trả cao hơn không?

Sau một hồi không thấy có người thưa, Thường Vĩnh cao giọng:

- Như vậy đi, bổn quan tuyên bố ...

Vùa nói đến đây thì hắn thấy một bóng trắng bước thấp bước cao đang ra sức chạy tới phía đám đông. Hiếu kì quan sát kĩ thì họ Thường nhận ra đó là một tiểu hài tử độ muời tuổi đang vừa thở vừa ôm theo một cái bọc. Vừa chạy vào đến nơi thì tiểu nam hài này đã vội cất tiếng:

- Ai là tiểu thư nhà họ Tạ vậy?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK