Nói là đánh nhau cũng không đúng, vì tính ra là tôi đơn phương chủ động tìm đánh người ta.
Hôm đó tôi có tiết thể dục buổi chiều, lớp Diệu Hiền bị xin thêm giờ, không thể ra chơi, vì vậy tôi đem nước vòng ra phía sau muốn đưa qua lối cửa sổ vào phòng cho bạn ấy.
Ai ngờ lúc đi qua góc khuất thì nghe được ba thằng đang nói xấu bạn trai mỹ nhân của mình.
Tuấn Anh là một cái tên rất đẹp, nhiều người muốn đặt tên giống y như cậu ấy nhưng tôi vẫn nhận ra được người được nhắc đến trong cuộc nói chuyện đó là Tuấn Anh của tôi. Vì nguyên nhân cậu ấy bị chửi rủa có liên quan mật thiết đến cá nhân tôi. Thì ra vào mùa Hè cuối năm lớp 8, Tuấn Anh đã âm thầm tìm đến người làm gãy tay tôi trong kì thi học sinh giỏi Hoá.
Đến tận bây giờ tôi mới biết chuyện này. Năm đó, Tuấn Anh từng hỏi thông tin của người làm tôi bị thương nhưng tôi không nói, cũng không biết, còn can ngăn nói rằng do tôi đứng ngay lối đi, té ngã chỉ là vô ý. Nhưng hoá ra mọi chuyện không đơn giản như đầu óc nông cạn của tôi suy nghĩ. Chuyện năm đó không phải vô tình.
Thằng khốn đó nói nhìn tôi "giả tạo thấy ớn, ra vẻ ta đây, làm bài còn dư nửa thời gian không lo kiểm lại bài mà còn ra vẻ, rõ ràng ngẩn ngơ nhìn trời mây mà đặt bút xuống trang giấy lại quẹt ra mặt người, sĩ gái."
Ngày đó, tôi nhớ mình đã vẽ người mà mình thầm thương trộm nhớ trong khi đợi chuông báo hết giờ.
Bình An ngày còn nhỏ vẫn nghĩ rằng nộp giấy thi rồi nghênh ngang ra về đầu tiên là tỏ vẻ ta đây nên mới cố ý ngồi lại đợi các bạn.
Thằng đó nói "nhìn thấy ghét nên đẩy chơi một cái, ai mà ngờ người nó mềm mụp gãy mẹ nó tay."
Tôi nắm chặt hai tay đến ửng đỏ, móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay đau nhói. Tôi cũng đâu có ngờ được lòng người sâu cạn khó đong đếm đến thế.
Tuấn Anh chẳng biết thông tin gì từ tôi nhưng không bỏ qua mà vẫn cất công đi dò hỏi người này người kia, trường này trường kia, láng máng có người tố cáo, truy ra kẻ tâm tư nhỏ mọn, ba tháng Hè tìm đánh đi đánh lại đúng ba lần.
Suốt thời gian đi học thêm cùng nhau, bên cạnh nói cười mỗi ngày, thế mà cậu ấy cũng chưa từng cho tôi hay biết lấy một lần.
Tụi nó xúm lại cười ha hả, nói rằng may mắn vì Tuấn Anh không học ở đây, nói tính cậu ấy ngông nghênh hách dịch, nói Tuấn Anh của tôi cậy nhà giàu gia thế bành chướng nhà mặt phố bố làm to nên không coi ai ra gì.
Tôi cười nhạt.
Sai bét! Nhà cậu ấy ở trong thôn quê ngay gần nhà tôi, tối nào cũng đi bộ một lát là có thể ôm tôi vào lòng ngủ say mê. Bố mẹ cậu ấy làm lớn chứ không phải to, lớn to hơn to nhiều.
Thiển cận! Không biết gì hết!
Thế thì tôi phải cho bọn nó biết, tôi sẽ là cái bóng của Tuấn Anh, thay cậu ấy đứng vững ở cái trường này, xem tụi nó còn thấy may mắn được nữa hay không?
"Học ở đây thể nào cũng làm đại ca bắt nạt người khác, nghe nói ở trường cũ chó cậy gần nhà nên nó cũng làm trùm."
Lúc tôi bình tĩnh lại thì đã đạp thằng khốn đó ngã sấp xuống sân bóng, đầu gối ghì lên cổ nó, một tay túm tóc nó nện mạnh khuôn mặt xuống đất, tay còn lại nhanh chóng chớp thời cơ đánh lén mà tặng nó ba cú đấm liên hoàn. Vẫn là mặt nhẫn lấp lánh giúp tôi xin nó tí huyết, máu mũi chảy ròng.
"Mày nói ai là chó?" Tôi gằn giọng, dùng lực dưới gối.
Nó quẫy đạp chửi đổng lên, tôi cũng chửi lại, tiếp tục đánh xuống. Dĩ nhiên một mình tôi sẽ không đánh lại ba người, tôi chỉ tranh thủ lúc chúng nó không để ý mà đánh lén theo cách Tuấn Anh chỉ dạy mà thôi. Nhưng chúng tôi chửi thề gây gổ ồn ào vang cả một cõi, tụi nó chưa kịp đập lại thì đã bị đám đông nhào tới cản. Máu nóng dồn lên não, tôi thấy mình không có ai vây quanh nên càng được đà lấn tới.
Tôi biết, mọi người làm bộ can ngăn nhưng thực ra là đang giữ người cho tôi đánh. Bênh vực không cần biết lý do thì chắc chắn là bạn của Tuấn Anh, bạn cậu ấy đa số là học ban Cơ Bản buổi chiều. Là vì có cậu ấy gửi gắm nên mới xông tới giúp đỡ.
Cơ thể tôi như được tăng thêm mười phần sức mạnh, cứ thế xông tới đánh đấm túi bụi. Trong khi quần ẩu tất nhiên sẽ không tránh khỏi cũng bị tạt lại cho mấy cú, nhưng tôi chẳng thấy đau đớn gì cả. Nỗi tức giận đã lấn át mọi cảm giác rồi. Tụi nó trước đó còn cười cợt, chửi Tuấn Anh đẹp trai của tôi là thằng đầu buồi rẻ rách, mắng Tuấn Anh ngoan ngoãn của tôi là du côn đại ca học đường. Như vậy hỏi sao tôi có thể bình tĩnh để yên được đây?
Tuấn Anh không phải du côn, cậu ấy chưa từng bắt nạt người khác. Tuấn Anh là quân tử trượng nghĩa, chỉ ra tay tương trợ khi gặp kẻ ỷ mạnh hiếp yếu thôi.
"Hôm nay tao sẽ cho mày biết thế nào là du côn!" Tôi ghì thằng mà mình cay nhất lên thân cây, tiếp tục giáng xuống nhiều đòn liên tiếp vào mặt, vào bụng. Nó bị tôi kéo ra khỏi đám đông, không còn ai giữ lại tay chân nên bắt đầu phản kháng, cũng không chịu thua nhưng vì bị đánh bất ngờ nhiều cú nên không có thế, chỉ có thể quờ quạng mấy cái vào không trung. Có đôi lúc tôi chưa né kịp, bị táng trúng cũng không thấy đau.
Một đám đông đứng vây quanh xem trò vui nhưng không một ai lại tách tôi ra cả. Những người muốn cản thực sự, đã bị bạn Tuấn Anh ngăn lại cả rồi. Chắc thấy tôi nổi máu điên nên để yên cho tôi đánh hả giận.
Hai thằng đồng bọn đang bị giữ lại bắt đầu gào toáng lên: "Tâm! Đừng đánh nữa! Mẹ mày nhìn rõ xem nó là ai! An T1/2 đó!"
"Nó là An T1/2 được tụi xưởng cưa đón đưa! Mày điên rồi!"
"An T1/2 được đám bida bảo kê! Nhìn kỹ mặt nó đi!"
Bọn nó gào lên rất nhiều nhưng tôi nghe lọt được có bấy nhiêu, chỉ đến khi thằng chó chết tên Tâm này đột ngột dừng tay ôm đầu xin tha thì tôi mới hoàn hồn dừng tay, đứng thẳng người, thở dốc.
Tôi bật con dao bấm cắm sượt ngang mặt nó, găm thẳng vào gốc cây, môi run run mà nghiến răng hỏi: "Mày nói ai là thằng đầu buồi rẻ rách?"
Nãy giờ vật lộn, những lời cần nói tôi đều đã hét ra bằng hết, nó đương nhiên là biết tôi đánh người vì ai. Nên bây giờ dù ngoan cố đến đâu cũng phải tự nhận "Dạ em nói em."
"Cái gì?" Tôi gằn giọng, siết nắm tay, ấn mũi dao đâm sâu xuống rồi dùng lực kéo chếch qua, lưỡi kim loại lạnh lẽo vừa vặn chạm nhẹ lên cần cổ nó.
Ánh mắt nó đỏ ngầu, hầu kết trượt một đường rồi cấp tốc nói: "Anh An, em xin lỗi! Em nói em là thằng đầu buồi rẻ rách! Em xin lỗi! Thực sự em không cố ý chửi nó... à không... em không cố ý chửi bạn... Em chỉ giỡn cho vui thôi."
Tôi rút dao ra rồi dùng khuỷu tay ghì chặt cổ nó, hét lên: "Vui không? Tụi chó chúng mày nói xấu người khác có vui không?"
Ban đầu khi nghe một tiếng anh An, tôi đã muốn nói đừng gọi tôi là anh. Nhưng sau khi hai thằng phía sau cũng lên tiếng "Anh An bỏ qua lần này đi mà... nó không cố ý đâu... nó từng bị Tuấn Anh tìm tới gây sự nên mới có thù oán..." Nghe vậy, tôi thấy một tiếng "Anh" này hoàn toàn chấp nhận được. Là do tôi tự quy ước, "Anh An" là tên Tuấn Anh ghép cặp với tên tôi chứ không phải "anh An" như miệng tụi nó nói.
Thấy thằng Tâm ho sặc sụa, mặt mũi đỏ ngầu, tôi mới buông tay ra rồi đứng thẳng người lui về nửa bước, hỏi: "Mày tên gì?"
"Dạ em tên Tâm." Nó ôm cổ, mặt cúi thấp một chút, tiếp tục ho khan.
"HỌ TÊN!" Mắt tôi trừng nó chằm chằm.
Nó nhanh chóng đáp lời ngay lập tức: "Hồ Hữu Tâm."
Tôi cười nửa miệng, nhận xét: "Bố mẹ đặt cho cái tên đẹp mà mày sống bẩn dữ vậy? Mày lặp lại ba lần cho tao! Hồ Hữu Tâm là thằng đầu buồi rẻ rách!"
Tâm: "..."
Nó nuốt nước miếng một đường.
Tôi cầm con dao lên, bấm một cái 'Tạch', lưỡi dao bén nhọn lại lần nữa bật mạnh ra ngay trước mặt, cách đầu mũi nó khoảng hai phân.
"Hồ Hữu Tâm là thằng đầu buồi rẻ rách!"
"Hồ Hữu Tâm là thằng đầu buồi rẻ rách!"
"Hồ Hữu Tâm là thằng đầu buồi rẻ rách!"
Sau khi nghe nó vội vàng nói lí nhí như vậy ba lần thì tôi ép buộc nó phải hô lớn lên ba lần y hệt như thế nữa. Xung quanh vang lên những tiếng cười đùa sang sảng. Tôi quay lưng lại mới thấy phía sau mình đứng một đoàn đông đủ, hầu hết là bạn bè lớp mới cấp ba, lớp cũ cấp hai và rất nhiều bạn bè của Tuấn Anh nữa.
Có cảm giác mình là... đại ca học đường.
Hình như tôi đã trở thành kẻ xấu bắt nạt bạn học mất rồi.
Tôi cởi mũ lưỡi trai rồi tiến về phía trước, hỏi: "Mày có biết tao là ai không?"
Tâm ấn chặt lưng vào gốc cây, đôi môi run rẩy, đầu gật như gà mổ thóc.
"Có chứ ạ! Em biết nhưng em học buổi chiều, không được tiếp xúc với anh nên mới chưa đến hiếu kính đại ca." Tự nhiên nó hét toáng lên: "Là chưa chứ không phải không đâu ạ!"
"..."
Hiếu kính? Đại ca? Tôi ấy hả?
Câu trả lời kì quái gì đây? Tôi đang hỏi nó có biết tôi là người mà nó đẩy xuống sân năm đó không thôi mà. Chẳng lẽ lăn lộn chửi qua chửi lại nãy giờ mà nó vẫn không nhớ ra? Trong khi tôi đã cố ý bỏ mũ xuống để cho nó thấy vết bớt nữa đó. Chắc do tôi nhạt nhoà trong đám đông, nếu khuôn mặt tôi mà đẹp rạng ngời như Tuấn Anh thì chắc chắn nó đứng cách tám trăm mét cũng nhận ra rồi.
Đang định đổi câu hỏi thì mồm nó lại liến thoắng: "Chú nuôi của em ruột của bạn thân của anh họ của chị của bạn của anh em đã dặn đi dặn lại là không được động đến anh rồi. Sao mà em dám chứ!"
"..."
Là ai?
"Anh tha cho em đi mà! Em không biết anh có quan hệ gì với bạn Tuấn Anh nhưng em xin thề từ giờ trở đi sẽ không chửi bạn ấy nữa!"
Tôi đấm cho nó một cú ngã sõng soài xuống sân.
Tôi không buồn nói rõ ân oán giữa chúng tôi nữa nhưng có người lại muốn làm rõ ràng.
Lớp trưởng hộ tống tôi đi gặp thầy tổng phụ trách uống trà đàm đạo.
Trước khi đi, tôi đưa ly nước cho Diệu Hiền, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt đầy lo lắng của bạn ấy.
Cường học chung thể dục với lớp tôi nên hùng hổ nói với lớp trưởng: "Ê Đức, tí nữa mày phải nói dối là bọn kia gây sự trước nghe chưa!"
Lớp trưởng gật đầu: "Đương nhiên rồi."
Cường nhíu mày, giọng điệu sốt ruột: "Không được, không được rồi! Hay là mày nói là tao đánh nhau đi! Cứ nói như vậy rồi bảo thằng An chỉ nhảy vào can thôi. Tao quen với chuyện này rồi chứ nó lên đấy lớ nga lớ ngớ không biết nói xạo rồi bị phạt oan."
"..."
Oan cái gì? Phạt mới đúng tội mà. Cường ơi là Cường! Không hổ là anh em tốt của tao! Bao nhiêu năm cho ăn ngon cuối cùng cũng có lúc phát huy tác dụng.
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi phì cười từ chối, tội ai người nấy gánh.
Bây giờ bình tĩnh lại mới thấy dại, sợ là sẽ bị hạ hạnh kiểm mất thôi, cuối năm mẹ mà biết sẽ dần cho một trận. Biết thế cứ kiên nhẫn, đợi lúc về đón đầu ở cổng trường rồi ra ngoài mới tẩn cho xong. Hu hu hu...
Lớp trưởng thở dài, lắc đầu: "Mẹ nó chứ! Đéo biết đứa nào mách lẻo nữa, thầy chỉ đích danh thằng An rồi, còn bảo nó đem nộp dao lên kia kìa."
Chân tôi khựng lại, khó khăn nuốt nước miếng một lượt, cuối cùng kéo khoá túi quần móc con dao bấm ra nhét vào tay thằng Cường, dặn dò: "Mày tạm thời giữ giùm tao. Cũng đừng đi theo nữa, lỡ thầy cô thấy, nghĩ có liên quan rồi lôi vào thì toi. Kệ tao đi, tao có cách nói."
Con dao này là vật đính ước của tôi và bạn trai. Không thể để bị tịch thu được!
"Thấy chưa~?"
Chưa ra khỏi sân bóng thì Hiếu từ góc khuất khoanh tay thình lình bước tới chắn ngang trước chúng tôi.
Giọng điệu kéo dài, mỉa mai.
Còn cười nhạt hoặc... cười khinh bỉ gì đó, tôi không dám chắc, chỉ là khoé miệng nhếch một bên lên trông ngứa mắt vô cùng.
Bạn ấy tiếp tục liến thoắng: "Hiếu nói có sai không? An bị..."
'BỤP!!!"
Tôi không dừng lại, cũng không tránh đường mà thẳng tay nện cho nó một cú vào bên má phải.
Đằng nào cũng đang trên đường lên phường, chi bằng xử luôn một thể cho nhanh.
Mấy lời chưa nói hết theo tiếng rên bụm mặt của Hiếu nuốt xuống cuống họng rồi.
Dù sao cũng là "tha hoá", "dạy hư"... mấy từ này tôi nghe hoài phát chán.
"Chó chết!" Cường nghiến răng, mắng Hiếu một tiếng sau đó đập tay với tôi và lớp trưởng, chúng tôi ăn ý tản ra, chỉ có tôi đi theo lớp trưởng lên lãnh đạn.
Cách nói của tôi là sự thật như thế nào thì cứ khai bằng sạch hết thế ấy chứ quả thật tôi không nghĩ ra phải nói dối như nào cả.
Tôi làm ra vẻ "giả tạo thấy ớn" mà trong miệng thằng Tâm vừa nói về mình, mềm mỏng cúi đầu nói rõ ẩu đả với bạn là do hồi xưa đi thi học sinh giỏi bị thằng Tâm cố ý xô mình ngã lăn mấy vòng xuống sân, bị gãy tay, đau đớn, nhập viện, bó bột, biết bao nhiêu lâu mới lành. Muốn chi tiết tàn tạ bao nhiêu, có chi tiết bi thảm bấy nhiêu.
Ai nấy đều sửng sốt.
Khi biết được tôi là người năm đó bị đẩy ngã gãy tay thì thằng Tâm hoảng hốt thấy rõ, mặt mũi tái mét như muốn xỉu tới nơi. Vậy là nó không nhận ra tôi thật.
Nó lắp bắp liên hồi nói rằng vừa rồi do nó gây sự trước nên tôi tự vệ.
Thầy tổng phụ trách Đoàn la mắng chúng tôi một trận, tưởng vậy là xong chuyện rồi, ai ngờ tôi bị mời phụ huynh lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường.
Tim tôi đập 'thình thịch' dữ dội. Dù có chuẩn bị tinh thần thì cũng không thể ngờ được lại to chuyện đến thế này. Hồi xưa Tuấn Anh giỏi thật sự, đánh nhau mấy trận con con trên trường suốt cũng có thấy phải mời bố mẹ đâu.
Lên cấp ba sẽ không có họp phụ huynh như ngày còn nhỏ nữa, chỉ trừ khi học sinh gây chuyện động trời thì mới mời gia đình lên góp ý.
Nhưng chuyện của tôi đâu có động lắm? Mới đánh nhau thôi mà.
Tôi còn chưa kịp đi ra bàn bạc với tụi thằng Cường để nhờ tụi nó chia sẻ kinh nghiệm về nhà nói dóc thì nghe thầy Hiệu phó vào phòng thông báo một tin giật gân. Thầy ấy đã liên hệ với mẹ tôi rồi. Liên hệ như thế nào? Nhà tôi chưa có điện thoại liên lạc mà? Trường cấp ba tiên tiến đúng là nhiệt tình quá mức cần thiết rồi. Mới đánh bạn học có một xíu xìu xiu mà đã cho người tới tận nhà mời phụ huynh.
Cầm chắc tối về sẽ ăn một trận đòn no, tôi thấp thỏm đứng đợi trước cửa phòng Đoàn với một bụng mong nhớ Tuấn Anh cồn cào. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự những gì cậu ấy nói trong quá khứ đều ứng nghiệm lên hiện tại của tôi. Tuấn Anh sợ tôi cô đơn, bơ vơ nên mỗi một tấc đất ở đây đều có dấu chân cậu ấy nắm chặt tay tôi cùng nhau bước qua, để mỗi tháng năm sau này dù đi đâu, đứng đâu thì tôi cũng cảm thấy có cậu ấy gần ngay bên cạnh. Chúng tôi đã từng cùng nhau hôn môi ngay tại nơi này, Tuấn Anh từng đè tôi lên cánh cửa phía sau lưng mà hôn vừa sâu vừa lâu. Nghĩ đến cậu ấy, tôi lại không cảm thấy sợ nhiều nữa, như thể đã được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh vậy.
Rồi khi thấy bóng dáng "mẹ" tôi cao lớn lực lưỡng mặc hẳn com-lê cười tươi roi rói bước tới vỗ vai, xoa đầu tôi thì chút sợ gãi cỏn con lập tức bay biến sạch sành sanh.
"Sao anh lại ở đây?" Tôi ngớ người ra.
Anh Hùng đưa ngón trỏ lên môi, đôi mắt vui vẻ đến híp cả lại, "Suỵt! Phải gọi là ba."
"..."
Thì ra người nhà trong lời thầy hiệu phó là "ba" tôi, là do tôi tự mặc định người nhà mà thầy liên hệ là mẹ nên mới bồn chồn, lo lắng. Cuộc đời của tôi, mỗi khi nhắc về gia đình hay người nhà thì chỉ có mẹ và em Bình chứ khái niệm ba chưa từng tồn tại.
Tôi mỉm cười, khen nhỏ giọng: "Nhìn anh đẹp y như chú rể ấy!" Mặc cả vest còn nghiêm chỉnh hơn thầy giáo trong trường tôi nữa.
"Thật không?" Anh Hùng hơi cúi xuống kéo lại vạt áo một chút, nói đùa: "Mặc trước để sau này tình yêu ập tới bất ngờ cũng đỡ phải bỡ ngỡ."
Chúng tôi chỉ nói chuyện riêng đôi ba câu rồi bị đón vào tận trong phòng Hiệu trưởng uống trà.
Thầy Hiệu trưởng và Hiệu phó đều niềm nở khách sáo với "ba" nhưng thầy tổng phụ trách lại tố cáo tội của tôi đến nước miếng tung bay. Đúng là vừa đấm vừa xoa mà.
Nghe sơ qua đoạn xã giao thì tôi cũng hiểu, thầy Hiệu phó gọi điện cho "ba" hẹn ngày mai tới họp nhưng "ba" quan tâm tôi nên đến ngay tức khắc.
Tôi nghe mà thấy lòng mình nửa chua xót, nửa ấm áp. Hoá ra nếu có ba thì sẽ có cảm giác bớt chênh vênh như bây giờ. Tôi... cũng có điểm tựa rồi. Chỗ dựa này là Tuấn Anh dịu dàng đem đến cho tôi.
Thầy giáo nói tôi đánh bạn là hành vi sai trái, nếu là học trò khác thì khiển trách, lần sau tái phạm mới mời phụ huynh. Còn tôi, thầy theo dõi học bạ, còn hỏi cả một số giáo viên cũ, biết tôi không phải học sinh cá biệt, sợ tôi theo bạn bè xấu học hư nên mới mời người nhà tới để sát sao con em mình hơn.
Anh Hùng lắng nghe chăm chú, gật đầu, vâng dạ liên tục.
Anh ấy hành xử rất có văn hoá, đầu tiên là cảm ơn sau đó tới xin lỗi nhà trường.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng anh ấy cứ xin lỗi rồi hứa sẽ không tái phạm cho xong chuyện, nhưng không phải.
Anh ấy ngồi thẳng sống lưng, giọng điềm tĩnh mà nói: "Đặt trên cương vị là một giáo viên, các thầy sẽ thấy con tôi sai, nhưng nếu các vị ngồi ở đây có con cháu bị tình trạng giống An nhà tôi thì cảm giác sẽ thế nào?"
"An năm đó còn là thằng nhóc bé tẹo teo, chỉ vì học sinh khác ghen ăn tức ở mà nỡ lòng nào đẩy thằng bé ngã xuống sân làm gãy cả tay. Năm xưa tôi cũng như nó, đều nghĩ là bạn vô tình, nhưng hôm nay tận mắt tận tai nghe được người ta cố ý xô đẩy mình thì làm sao mà chịu nổi. Cảm xúc bộc phát nóng giận mới là điều hiển nhiên của con người, huống chi thằng nhóc kia cũng thừa nhận nó gây sự trước, con tôi cũng chỉ là nhất thời tự vệ tự nhiên, không gây thương tích cho bạn học."
Trong phòng im phăng phắc.
Rõ ràng là có bị thương mà, môi thằng khốn kia còn đang chảy máu, lỗ mũi vẫn nhét bông kia kìa.
Tôi chột dạ, cúi đầu càng thấp. Chắc thương tích trong mắt anh ấy khác với người bình thường.
Tại sao mọi người không cãi lại? Hôm nay anh Hùng có để lộ hình xăm hầm hố đâu mà phải ngại va chạm. Các thầy mạnh dạn lên chứ!
Anh ấy tiếp tục mỉm cười, giọng hào sảng không nể nang gì mặt mũi sượng ngắt của cả phòng: "Các thầy nếu biết con trai mình bị bạn học cố ý đẩy ngã đến gãy xương, mấy tháng mới lành lặn thì có vui vẻ dạy con mình phải sống thiện lành như Bồ Tát, không được nảy sinh cảm xúc cá nhân, không được đứng lên phản kháng hay không?"
Tôi mím môi chiêm nghiệm về quá khứ, năm đó hình như một tháng là tôi tháo bột rồi mà ta???
Anh Hùng tự nhiên bật cười làm thầy phụ trách giật nảy cả người, "Huống hồ An nó cũng có chừng mực. Thanh thiếu niên tầm này lăn lộn đánh nhau đôi ba cái cũng coi như luyện tập cơ thể dẻo dai." Ngưng hẳn ba bốn giây lại bổ sung: "Không chết được."
Có tiếng hít khí khe khẽ.
"Chuyện này..." Thầy Hiệu phó nói: "... chúng tôi không có ý đó. Hôm nay mời anh đến là... để..."
Thầy Hiệu trưởng cười cười, ngắt lời: "Như đã trình bày với quý phụ huynh, dĩ nhiên trò An làm ra hành vi như vậy là có nguyên do, chúng tôi cũng có thể hiểu được tâm sinh lý tuổi vị thành niên mới lớn. Nhưng bạo lực trong trường học là không nên, huống..."
Lần này đến lượt anh Hùng cười hề hề cắt lời: "Vâng. Đúng là không nên. Tôi sẽ khuyên cháu nó lần sau để ra khỏi cổng hẵng đánh."
"..."
Cả phòng lại im ắng đến kì lạ.
Tôi cúi đầu, bặm chặt môi, cố nhịn cười.
Thầy Hiệu trưởng hắng giọng, cười xoà: "Con trai tuổi này đúng là hay vật lộn, đánh nhau một trận rồi hôm sau lại làm lành, thân thiết ngay ấy mà. Không đánh thì không quen. Hồi xưa tôi cũng thế."
Tôi bĩu môi. Còn lâu tôi mới chơi với thằng nói xấu bạn trai của mình.
"Nhưng anh có biết trò An đã mang dao đến trường không?"
Tôi sợ hết hồn. Hồi nãy tôi đã chối bằng sạch rồi nhưng thầy không tin sao? Cũng đúng thôi, tụi tôi cũng chỉ là đám nhóc choai choai vắt mũi chưa sạch trong mắt thầy cô, vậy thì không ai tin tôi không mang dao thật rồi.
Tôi liếc nhìn anh Hùng, sợ anh ấy đánh giá. Nhưng không ngờ anh Hùng cũng đang nhìn qua tôi, còn cười sang sảng, móc từ túi quần ra một con dao điêu khắc tỉ mỉ tinh xảo đặt 'cộp' lên mặt bàn.
Đừng nói là tôi mà bất kì ai trong căn phòng này cũng phải giật mình. Chẳng lẽ anh ấy nói lý lẽ khô cổ họng, dài dòng mất thời gian quá nên quyết định hành động luôn cho nhanh?
Nhưng mà... nếu máu đổ tại đây thì tôi sẽ bị đuổi học đó.
Còn anh Hùng thì... không biết ngày tháng năm nào mới có thể gặp lại được.
Tôi âm thầm nhắm chặt mắt.
Ngoài dự đoán, anh Hùng không phải nói rằng đồng ý cho tôi chơi dao để phòng thân mà bật con dao kia ra trước mặt các thầy. Lúc này tôi mới hiểu tại sao anh ấy lại làm vậy.
Thứ đó của anh Hùng không phải dao mà là cờ lê, mỏ lết cỡ nhỏ, bấm 'lách cách' thêm hai ba lượt còn có bấm móng tay, đồ khui bia, lục giác các loại. Anh ấy giải thích rằng các thầy nhìn nhầm, không phải tôi mang hung khí tới lớp mà chỉ là dụng cụ sửa xe lỡ tuột xích giữa đường mà thôi.
"..."
Tôi muốn bái sư!
Tôi muốn học cách nói láo!
Tất cả đều ngẩn ra sau đó thì thở phào như thật, tiếng nhẹ nhõm nghe rõ trong phòng. Tôi có cảm giác anh Hùng phải là anh ruột chảy chung dòng máu với Tuấn Anh mới đúng. Tại sao có thể bốc phét trôi chảy mượt mà đến như thế?
Kết thúc cuộc họp không đâu vào đâu, hỏi ra mới biết rằng ngày đầu năm anh Hùng từng lên đưa danh thiếp cho nhà trường, dặn dò gửi gắm, tôi có bề gì thì phải lập tức liên lạc cho anh ấy. Ai có mà ngờ, tôi lại là tên gây ra hoạ. Anh cũng không hỏi tôi "có dùng dao thật không" hay "dao ở đâu ra" mà chỉ nhét cái dao đa năng kia vào tay tôi, nói cầm thêm mà gọt trái cây ăn chơi. Đúng vậy, đó vẫn là con dao bấm, chẳng qua nút bật ra nằm ở một nơi bí mật hơn, lưỡi dao cũng thanh mảnh sắc bén hơn mà thôi.
Tôi có lòng muốn giải thích vì áy náy làm phiền anh nhưng anh ấy không có lòng nghe. Anh Hùng xua tay, thấy tôi hết tiết rồi thì kéo tôi đi chụp hình kỉ niệm ngày anh ấy đẹp trai.
"..."
Đẹp thì đẹp một mình đi!
Tôi từ chối: "Em không thích chụp hình."
"Ai nói là chụp em?"
"..."
Tôi ngẩn ra, xấu hổ vì mình tưởng bở nên đành đi cùng anh ấy. Cuối cùng tôi cũng bị ép thảy vào khung hình không biết bao nhiêu lần. Tôi kể cho anh Hùng nghe về công việc làm thêm của mình. Anh ấy gật gù nói rằng "đã biết." Cũng không phải anh ấy đặc biệt quan tâm mà thị trấn chỗ tôi trong mắt anh ấy thì nhỏ như cái lỗ mũi, anh sống trên này thì làm sao mà không rành được. Tôi cũng ù ù cạc cạc gật đầu, thấy chí lý. Hồi đầu năm chẳng quen biết gì mà anh ấy còn yên tâm nhét xe Tuấn Anh bắt tiệm net trông cơ mà. Người trong giang hồ thường quen biết rộng.
Anh Hùng rủ tôi sang xưởng cưa chơi cho biết nhưng tôi từ chối, còn phải về làm thêm nữa.
Ảnh nhíu mày, "Ngày có tiết thể dục vẫn phải làm à?" Sau đó lấy điện thoại di động ra nói hai câu, thế là tôi được nghỉ.
Ủa?
Người dân trên thị trấn đều thắm thiết, thân thiện, thân thiết với nhau như vậy à?
Tôi hỏi "tại sao anh Hai biết số điện thoại của anh Bi?" Thì anh Hùng chỉ tay lên bảng hiệu to đùng đùng bên quán bida rồi hất cằm, "Số lù lù trên đó kìa."
"..."
Rõ ràng nhận được đáp án đúng chính xác không thể vặn lại được nhưng trong lòng lại thấy lấn cấn chỗ nào.
Trước khi đi thăm quan công ty bao la, bát ngát, rộng lớn thì tôi vẫn chạy về trực tiếp xin phép anh Thịnh. Miêu tả như vậy không quá chút nào, thậm chí còn chưa thể tả hết được độ to của công ty anh ấy. Anh Hùng dẫn tôi đi một vòng còn phải chạy bằng xe máy. Chia thành mấy khu như kho xưởng lưu trữ, khu phân xẻ gỗ, xưởng cưa, gian điêu khắc... rất nhiều nơi mà tôi tưởng tượng cũng không ra nổi. Lâu nay cứ ngỡ Tuấn Anh gọi xưởng cưa tức là nơi để cưa xẻ gỗ thôi.
Tôi nói: "Biết vậy em xin vào đây làm thêm rồi." Cảm thấy cầm dùi đẽo đục ra nhiều hình cũng khá thú vị.
Nhưng anh Hùng lắc đầu, "Em xin cũng không cho. Bụi lắm. Làm ba cái đồ này chai hết tay."
Anh ấy còn lấy xe bán tải chở tôi đi thăm thú cửa hàng trưng bày ở thị trấn, tiện thể quảng cáo luôn nhiều tiệm rải rác khắp trấn khác lên tới trên phố, rồi cả tình khác cũng có. Nói rằng gỗ là đặc sản ở quê mới ăn nên làm ra.
Tôi nghe mà xây xẩm mặt mày, cảm thán: "Anh giàu quá!" Hồi xưa tưởng nhà Tuấn Anh đã giàu rồi không ngờ còn gặp người giàu hơn. Anh ấy khoe khoang tít mù vậy chứ khi được tôi khen thì lại cười ha hả lắc đầu, "Không phải anh giàu."
Đúng là người có tiền thường rất... Khoe của vậy chứ khi được tán dương thì bày đặt khiêm tốn.
Anh Hùng cười ha ha ha, "Sao em bĩu môi mãi thế? Hèn chi thằng nhóc Tuấn Anh cứ mở miệng ra là 'em An dễ thương' mãi."
Tim tôi đánh 'thịch' một cái, vội vàng buột miệng hỏi: "Tuấn Anh liên lạc với anh ạ?"
"Không. Nó liên lạc với anh làm gì?" Anh ấy cười cười, "Vậy em có liên lạc với nó chưa?" Vừa nói vừa móc điện thoại ra, "Anh hỏi số rồi cho em gọi điện hỏi thăm bạn nhé?"
Tôi xua tay lia lịa, "Dạ không. Em... em tiện miệng thì hỏi vậy thôi."
Lúc về lại phân xưởng, anh ấy dẫn tôi vào căn phòng nhìn bừa bộn không khác gì phòng em Bình nhưng lại được gọi bằng cái tên khá sang trọng là văn phòng marketing.
Thôi kệ đi. Dù sao cũng không phải phòng của mình. Người ta bày bừa nhưng người ta giàu là được.
Tôi cố nhón chân đi mé mé lắt léo để không đạp phải đồ đạc của các anh ấy. Trong này có đầy đủ bàn ghế như phòng làm việc trên tivi nhưng đa số mọi người toàn ngồi dưới đất hoặc chen chúc nhau trên ghế sofa gõ máy lạch cạch. Ai cũng vui vẻ lịch sự hết, đều cười gật đầu lại khi tôi cúi chào, thậm chí đang đà chửi thề "mẹ mày!" cũng thay đổi lời thành "đậu mè! phụ huynh bạn!" làm tôi phải bịt miệng lại nhịn cười. Cả phòng cũng cười rộ lên khiến tôi thoải mái.
Phải đi qua mấy phòng liên tiếp như vậy mới đến được căn phòng ngăn nắp sạch đẹp trong cùng, nhìn cũng ra dáng gần giống một phần mười phòng giám đốc trong phim rồi. Anh Hùng đưa cho tôi xem một xấp ảnh, cả trên giấy và trên máy vi tính. Nhìn thì giống ảnh chụp nhưng anh ấy nói đó là người ta vẽ.
Tôi trầm trồ khen ngợi. Đẹp thực sự!
Đó là những bản vẽ thiết kế toà nhà Karaoke. Gọi là toà nhà cũng không ngoa vì nó tận bảy tầng. Xem diện tích nữa thì thấy vô cùng rộng. Phải nói chỗ tôi là vùng quê, ngay cả bưu chính, sở nông nghiệp, hay đồn công an huyện mới chỉ có ba hoặc bốn tầng. Vừa rộng vừa cao thì có huyện đội là năm tầng. Còn anh Hùng tính xây nhà hát mà tận bảy tầng luôn? Không thể tin được! Trên trấn, gia đình tư nhân xây nhà cao cao thì cũng có đầy nhà bốn, năm tầng là bình thường, nhưng diện tích sẽ không rộng, chỉ vừa đủ ở thôi. Còn chỗ đất này phải rộng ngang ngửa trường tôi kia kìa, nhìn kỹ kích thước thì có khi dài hơn sâu hơn nhiều.
Nghe tôi gọi là "nhà hát" thì anh ấy gật gù, nói cái tên dễ thương, sau này sẽ ghi thẳng lên biển hiệu là "Nhà hát Karaoke Bình An."
Tôi nghe mà sững sờ, xấu hổ xua tay, "Anh đừng đùa."
Anh ấy cười, "Anh đâu có đùa. Tên quán tụi anh chưa nghĩ ra thật. Hôm nay mời em đến là để góp ý xem bản thiết kế này có hợp lý không?"
Hỏi rõ ràng ra mới biết, nơi này không phải của riêng anh ấy mà là hùn chung vài người cùng đầu tư. Nên lúc tôi hỏi "sao không đặt tên Thiên Hùng giống tên công ty?" thì anh lắc đầu.
"Mới bảy tầng mà em đã ngạc nhiên à? Bản thiết kế này chưa chính thức đâu, một thằng đang đòi sửa lại thành mười tầng đấy. Nhưng em cứ góp ý trước tổng quan đi."
Tôi từ chối: "Em thì biết gì đâu mà góp ý ạ. Em vừa nhìn đã sững sờ vì đẹp rồi, còn to nữa chứ. Nếu xây tận mười tầng thì to cao ngang ngửa trên thành phố luôn đó." Tôi xem trên tivi thôi chứ thực tế vẫn chưa từng thấy nhà hát nào bự như vậy cả. Khi nãy tôi cảm thán "sợ mọi người leo lên đến tầng thứ mười thì xỉu mất tiêu rồi, hát được gì nữa", anh Hùng bật cười, giải thích rằng sẽ xây cả thang máy. Là cái thùng, mình chui vào, ấn nút số tầng rồi nó sẽ chở mình đi giống như trên bệnh viện ngày xưa tôi với bạn trai hôn môi giữa sân đông đúc dòng người qua lại.
Nghĩ đến đây, tôi liếm môi dưới một chút.
Anh ấy cũng cười, gật đầu: "Sẽ lớn nhất ở đây. Hiện tại huyện mình mảng karaoke chưa nổi trội, mới có hai quán nhỏ lẻ như mắt mũi. Anh tính chừng nào chỗ mình lên thị xã thì chúng ta sẽ thâu tóm hết mảng ăn chơi."
Nghe người có tiền nói chuyện làm tôi ê hết cả đầu nhưng khi từ "chúng ta" bay bổng lọt thỏm vào tai thì tôi lại cảm thấy cơ thể thư thái, nhẹ nhõm lạ kì. Tôi không xua tay chối đây đẩy nữa vì sự thật đúng là tôi có cái quái gì góp ích ở đây đâu. Thế mà trong lời lẽ tự nhiên của anh Hùng lại vô thức coi tôi như anh em trong nhà thật sự. Tôi cảm động, vậy là theo như lời anh ấy nói tôi có óc thẩm mỹ mà cũng ngồi nghiêm túc xem xét rồi góp ý chút xíu cả một buổi chiều.