• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lữ Thiệu cho người khiêng tới mấy chục sọt bánh màn thầu, đám đông nạn dân lao tới như hổ đói. Không đủ sức để chạy nữa, họ bò lê dưới đất nhận đồ ăn. Những tiếng nhai nuốt nhồm nhoàm, rào rào vang khắp không gian, như ngấu nghiến vào thần kinh của mỗi người đang có mặt ở đó. Có người ăn nhanh quá, màn thầu tắc nghẹn trong cổ họng, không thở được, không ai giúp. Khi chúng tôi phát hiện ra thì đã tắt thở. Lữ Thiệu lạnh lùng thông báo lệnh chia ruộng phát hạt giống, yêu cầu dân vùng thiên tai nhanh chóng đăng ký và lập tức trở về quê hương tiếp tục trồng cấy.

Không có lời cảm ơn, không mảy may xúc động, tất cả các nạn dân đều khóc khi nhận hạt giống. Tôi bế Cẩu Nhi đứng ở điểm đăng ký, chờ đợi cả ngày vẫn không thấy bóng dáng người phụ nữ có tên Tần Tố Nga đâu. Tôi đã dò hỏi nhưng không ai hay biết. Tôi liền đến tìm Đoàn Nghiệp, vì ông ấy có danh sách các binh sĩ. Tìm mãi mới thấy một dòng tên bị gạch ngang đỏ chói: Ngụy Trường Hỷ, người Liễu Viên, Đôn Hoàng.

Tôi ôm bé Cẩu Nhi về nhà, trên đường đi gặp toàn những người dân vùng thiên tai đã nhận được hạt giống, đang chuẩn bị trở về quê cũ. Tôi đứng bên lề đường, chăm chú quan sát từng người phụ nữ qua lại, mong gặp được mẹ của Cẩu Nhi. Em đã mất đi người cha, tôi cầu mong em không phải trở thành trẻ mồ côi. Trời bắt đầu tối dần, gió lớn cuốn tung những đám bụi, quất vào tấm thân còm cõi của những con người may mắn sống sót. Họ là những bóng hình lẻ loi, cô độc, đang lê đi trong vô định với nỗi hoang mang, buồn thảm. Tôi chợt nhớ đến bài dân ca Bắc Triều “Bài ca Lũng Sơn” mà lòng nhói đau:

“Nước nguồn Lũng Sơn chia về muôn ngả

Nào khác phận mình, biền biệt quê xa Sáng rời Hân Thành, tối ngủ Lũng Sơn Rét run cầm cập, lầm lũi, tủi hờn. Dưới băng nước chảy, rặt tiếng kêu thương

Trông về quê cũ, lòng đau dạ sờn”.

Nhẩm đọc bài thơ não nùng kia, tôi lại hình dung ra hình ảnh những con người hồi hương này cô độc lê đi trên những chặng đường núi non cheo leo, hiểm trở, tiết xuân se lạnh không làm dịu đi nỗi ám ảnh kinh hoàng, không làm vơi đi nỗi đớn đau và hoang mang tột cùng trong lòng họ. Có lẽ họ sẽ chẳng thể ngon giấc trong suốt phần đời còn lại. Về đến nhà thì thấy hơn một nửa số nạn dân được chúng tôi cưu mang đã ra đi, vì dường như ai nấy đều muốn nhanh chóng rời khỏi vùng đất ác mộng này. Thời gian còn lại trong ngày, tôi dành để nựng Cẩu Nhi thôi khóc và cùng Rajiva tiếp nhận những lời từ biệt. Đến tối, tôi thấy căn phòng của mình đã hoàn toàn trống trải. Đây là đêm đầu tiên sau nhiều tháng, chỉ có hai chúng tôi trong không gian của riêng mình.

Tôi bưng nước ấm vào cho Rajiva rửa ráy. Chậu nước ấm này là công sức suốt một buổi chiều kiếm củi ở ngoại thành của Hô Diên Bình. Rajiva đang trầm ngâm bên cửa sổ, tôi gọi mãi mới quay lại, lẳng lặng rửa ráy. Xong xuôi, chàng lại trở về vị trí cũ.

- Đang nghĩ gì vậy?

Tôi định quét dọn phòng ngủ, nhưng không yên lòng khi thấy chàng cứ mãi im lặng.

Chàng không quay lại nhìn tôi mà chăm chú ngắm nhìn vầng trăng lạnh lẽo chênh chếch ngoài cửa sổ, giọng chàng rì rầm như tiếng suối ngày đông giá buốt:

- Ngải Tình, nàng còn nhớ, vào cái ngày bắt đầu xảy ra nạn đói, ta đã hứa không để ai phải chết đói không?

Tôi thở dài, vậy là chàng vẫn còn canh cánh trong lòng chuyện đó.

- Rajiva, đừng tự trách nữa… - Không phải ta tự trách.

Chàng nhẹ nhàng cắt lời tôi, ánh mắt như muốn trải bày:

- Chúng ta đã dốc toàn bộ sức lực để cứu người. Ta cứ nghĩ làm vậy sẽ không để ai phải chết đói, nhưng kết quả, chúng ta chỉ giúp được hai trăm người. Ta đem bán toàn bộ tài sản của mình cũng chỉ cứu được hai trăm mạng người trong số hơn mười vạn nạn dân. Tháng cuối cùng của trận đói, phải nhờ vào cuộc trao đổi của nàng với Mông Tốn, cả nhà ta mới có thể tiếp tục sinh tồn.

Chàng chìa hai bàn tay với những đốt dài, gầy guộc ra trước mặt, lật qua lật lại quan sát thật kỹ, rồi bật cười chua chát:

- Thì ra khả năng của ta lại nhỏ bé nhường vậy!


Chàng buông thõng tay xuống, tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ:

- Nếu lúc xưa ta thuận theo ý Lữ Quang, bày ra vài quẻ bói để gạt ông ta, nếu ta chịu đặt sang bên lòng tự tôn cá nhân để cầu xin ông ta ban chỗ ở và lương thực cho những nạn dân đó, thì có thể cứu sống thêm bao nhiêu người nữa?

Tôi ngẩng lên nhìn chàng. Dưới ánh trăng bàng bạc, con người ấy tựa như một thân cây cô lẻ, ánh sáng chiếu nghiêng, hắt lên những đường nét sáng rõ của gương mặt chàng. Chàng cười buồn, vẻ bất lực thấm trong âm hưởng thê thiết của giọng nói:

- Ít nhất không chỉ hai trăm con người đó. Đầu óc tôi rối bời, không sao chắt ra được một câu chữ hoàn chỉnh, lời chàng chua chát vang bên tai:

- Và nếu như, ta có thể thuyết phục Lữ Thiệu hủy lệnh đóng cửa thành, thì còn có thể cứu sống thêm bao nhiêu người nữa?

Chàng quay lại nhìn tôi, nụ cười khổ sở đè nặng trên khóe môi:

- Ngải Tình, xưa nay ta luôn tin tưởng và ra sức bảo vệ những giá trị mà ta cho là cao quý, tránh xa những xô bồ trần tục, cứ ngỡ làm vậy là đúng. Nhưng sau thảm kịch này, ta nhận thấy mình là kẻ không biết cân nhắc thiệt hơn.

Chàng ngửa đầu lên, để vầng trăng chiếu rọi vào đôi đồng tử màu xám nhạt, tỏa ra thứ ánh sáng lung linh, giọng chàng đượm buồn:

- Thuật trị dân mà nàng truyền dạy cho Mông Tốn nhấn mạnh: để đạt được mục đích có thể bất chấp thủ đoạn. Phật pháp Đại Thừa cũng có thuyết: tùy cơ hành sự, miễn sao đạt được sự thuận tiện. Nhưng ta đã quá ư kiêu ngạo, không chịu kết giao với họ Lữ kia. Ta đã quên rằng, dù bọn họ có hung ác, tàn bạo đến đâu, họ vẫn là vua một nước, số phận của muôn dân nằm trong tay họ. Lẽ ra ta đã có thể cứu giúp nhiều người hơn nữa, nhưng lại bảo thủ, sức mình hèn mọn mà đòi một tay chống đỡ cả bầu trời, thật đáng chê cười!

- Rajiva…

Như không nghe thấy tiếng gọi khe khẽ của tôi, chàng vẫn lặng lẽ đắm chìm trong thế giới của riêng mình.:

- Hồi nhỏ đến Kabul học đạo, ta được kể cho nghe câu chuyện này. Ngày đó Vua Kabul bắt được một chú chim nhỏ, Vua muốn nghe chim hót, nhưng suốt ba năm, chim không hề cất lên tiếng nào. Hoàng hậu gợi ý rằng: nghe đồn, loài chim sẽ cất tiếng hót khi trông thấy đồng loại, hãy đặt vào lồng một tấm gương, để chú chim tưởng rằng được gặp đồng loại. Vua làm theo cách đó, quả nhiên chú chim nhỏ đã cất tiếng khi nhìn thấy bóng mình trong gương, nhưng đó là tiếng kêu ai oán thấu tận trời xanh, chú chim đã hót vang cho đến khi đứt hơi mà chết.

Chàng ngước lên vầng trăng lạnh lẽo ngoài kia, vẻ cô quạnh, lẻ loi như một thứ định mệnh dai dẳng, vây khốn lấy chàng. Trầm tư giây lát, giọng nói phiêu linh lại vang lên trong đêm tịch mịch:

- Ngải Tình, kể từ khi đến Guzang, ta không cứu được người cũng không thể thuyết pháp, nhìn ra xung quanh, thấy mình như một vật thể cô đơn, lẻ loi và rất đỗi hoang mang. Ta giống như chú chim nhỏ trong câu chuyện kia, cất tiếng kêu đơn độc, vô vọng trên cành cây khô héo. Lẽ nào, ta phải dựa dẫm vào kẻ là vua một nước nhưng giết người không nương tay, coi mạng người như cỏ rác ấy, mới có thể cứu nhân độ thế, mới có thể truyền bá Phật pháp ư?

Nước mắt chứa chan, sống mũi tôi cay xè. Một con người phẩm cách cao thượng, không mảy may vương chút bụi trần như chàng, nếu không tận mắt chứng kiến và tự thân trải nghiệm những khổ nạn vừa qua, sao có thể gạt sang bên lòng tự tôn để suy sét những vấn đề vô cùng khó khăn đối với tư tưởng truyền thống và khí khái cao ngạo của chàng kia chứ!

Tựa vào bờ vai luôn khiến tôi được vững dạ của chàng, tôi thở dài, nói:

- Danh sư Thích Đạo An, người từng cầu đến sự giúp đỡ của Phù Kiên nói rằng: “Không dựa vào nhà cầm quyền, khó lòng phát triển Phật pháp”. Ngày trước ở Tây vực chàng được mọi người tôn vinh, chủ yếu là bởi xuất thân của chàng, hoàng thất Khâu Từ đã hậu thuẫn cho chàng, là chỗ dựa vững chắc của chàng. Phật giáo là quốc giáo ở Tây vực, chàng xuất thân từ gia đình quý tộc, nên dĩ nhiên không cần suy nghĩ đến vấn đề phải dựa vào quyền lực của Vua chúa để truyền bá đạo Phật. Nhưng Trung Nguyên thì khác. Những ưu thế chàng có được ở Tây vực đã trở nên vô nghĩa khi đến Trung Nguyên. Nơi đây, Phật pháp không mấy phát triển, không ai quan tâm đến xuất thân của chàng, không quý tộc vương tôn nào ủng hộ tư tưởng của chàng.

Chàng hướng sang tôi, nỗi buồn trong đáy mắt đậm sâu. Tôi đưa tay vuốt ve hàng lông mày đang nhíu lại của chàng xót xa khi thấy những nếp nhăn cứ ngày một sâu hơn trên khóe mắt chàng:

- Rajiva, chàng nên học theo Phật tổ. Ngài có xuất thân tương tự chàng, cũng là một thành viên trong hoàng thất của một tiểu quốc. Ngài đã ra sức truyền bá đạo Phật ở Thiên Trúc, nơi mà toàn dân đều đã tin theo đạo Bà La Môn. So với nhiệm vụ truyền bá đạo Phật ở vùng đất Trung Nguyên này của chàng, công việc của Phật tổ gian nan hơn rất nhiều. Dù sao chàng cũng có hai mươi tư đệ tử trợ giúp chàng truyền đạo, Phật tổ khi ấy mới chỉ có năm đệ tử. Để hoàn thành sứ mệnh, Ngài đã phải khổ công nhường nào!

Tôi ngừng lại một lát, xâu chuỗi những tư liệu đã đọc được:

- Đối với tầng lớp quý tộc, Ngài kết giao với Vua chúa. Con trai vua Bình Sa (Bimbisara) là thế tử A Xà Thế (Ajatasatru) giết hại vua cha để cướp ngôi, sau đó tìm đến Phật Thích Ca xưng tội, Đức Phật đã rộng lòng an ủi A Xà Thế. Đối với tầng lớp trung lưu, ngài đã liên lạc với các nhà buôn, thuyết phục những cười giàu có làm cư sĩ (đệ tử tu tại gia), tiếp nhận món quà là khu vườn tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika). Đối với dân thường, Ngài kết giao với cả kỹ nữ, ví như việc Ngài nhận lời mời dùng bữa với nàng kỹ nữ Ambapali và còn vui vẻ nhận vườn hoa mà cô kỹ nữ này có nhã ý tặng Phật. Em tin rằng chàng làu thuộc những điển tích này hơn em.



Tôi lồng tay vào tay chàng, mỉm cười:

- Phật tổ đắc đạo năm ba mươi lăm tuổi, cuộc đời truyền pháp của Ngài kéo dài bốn, năm mươi năm, Ngài viên tịch năm tám mươi tuổi, tính đến khi ấy Ngài cũng mới chỉ có khoảng năm trăm đệ tử. Nhưng chàng xem, ngay tại thời điểm này, số lượng nhà sư ở Trung Nguyên chắc chắn không chỉ năm trăm người. Mười sáu năm sau, tại Trường An, chàng đã thu nhận ba nghìn đệ tử. Năm mươi năm sau, Bắc Ngụy tiêu diệt nhà Bắc Lương của Mông Tốn, đã đưa hơn ba nghìn tăng sĩ đến kinh đô của Bắc Ngụy. Như vậy có thể thấy, chỉ trong vòng năm mươi năm, Phật giáo đã phát triển rộng rãi đến nhường nào trên mảnh đất Trung Nguyên này… Bởi vậy, chàng không phải chú chim nhỏ cô độc, chàng còn có em, còn có các đệ tử một lòng đi theo chàng, còn có cả một vùng đất khổ nạn đang thiếu thốn trầm trọng những nâng đỡ về tư tưởng và tinh thần. Không đến Trung Nguyên, chàng sẽ chỉ là một cao tăng được người ta kính trọng ở một tiểu quốc trên một ốc đảo xa xôi, theo đà quay không ngừng nghỉ của bánh xe thời gian, chàng sẽ chỉ là một hạt cát nhỏ bé vô danh lẫn giữa dòng sông lịch sử bao la. Mảnh đất Trung Nguyên, nơi mà Phật pháp còn đang trong giai đoạn phát triển yếu ớt này chính là miền đất hứa để chàng phát huy tài năng, trí tuệ và hoàn thành sứ mệnh. Nơi này cần có chàng, chỉ cần chàng có đủ lòng kiên nhẫn để bắt đầu lại từ đầu.

- Ngải Tình…

Chàng thở dài, nỗi cô đơn trong mắt trôi xa, ánh mắt chàng ấm lại, chàng kéo tôi vào lòng, giọng nói đã hết bi lụy:

- Nàng luôn biết cách kéo ta ra khỏi nỗi u mê. Bắt đầu lại từ đầu ư, ta đồng ý, ta sẽ gắng sức, ta sẽ không than thở, oán trách nữa, sẽ không tự cao tự đại nữa.

Nụ cười tỏa rạng trên gương mặt xanh xao của chàng:

- Cưới được một người vợ như nàng, đó là ơn huệ mà Phật tổ ban tặng cho ta. Chàng ghé sát vào tai tôi, thì thầm:

- Cảm ơn nàng, vợ yêu…

Hơi nóng từ hơi thở của chàng phả vào tai tôi, khiến hai má tôi nóng bừng, tôi gắng trấn tĩnh lại, suy nghĩ một lát, nhắc nhở chàng:

- Nhưng cha con họ Lữ đã nhiều lần xung đột với chàng, bọn họ cũng không phải là thế lực chàng có thể nhờ cậy. Những ghi chép về chàng trong suốt mười bảy năm ở Lương Châu này rất ít ỏi, điều đó chứng tỏ chàng và họ Lữ kia không thể hòa hợp.

Chàng ngẩng đầu, vòng tay qua eo tôi, cánh tay truyền đến sức mạnh của sự kiên định:

- Vậy thì ta sẽ chờ, chờ cho đến khi một vị minh quân xuất hiện, sẵn lòng lắng nghe lời khuyên của ta, chăm lo cho muôn dân và có thể trợ giúp ta hoàn thành sứ mệnh truyền bá Phật pháp.

- Nhưng phải mất mười sáu năm nữa Diêu Hưng mới phong chàng làm quốc sư.

Nụ cười bi lụy ban nãy đã chuyển thành nụ cười tươi tắn của lòng tin và của sự kiên tâm bền bỉ thường thấy ở chàng. Chàng tựa cằm lên đỉnh đầu tôi, giọng chàng trầm ấm truyền đến tai tôi:

- Mười sáu năm có là bao. Chờ đợi không phải việc gì khó đối với ta. Ta sẽ gắng sống đời ẩn dật, chờ đến ngày ấy.

Cảm động không nói nên lời, tôi chỉ biết vòng tay ôm chặt lấy chàng và ước mong sao hai chúng tôi sẽ có thể hợp nhất.

- Em sẽ ở bên chàng, chúng ta cùng đợi…

- Ừ…

Chàng dịu dàng vuốt tóc tôi, khẽ đặt một nụ hôn lên trán tôi:

- Ngải Tình, trong thành Guzang này không có ngôi chùa nào khang trang cả, từ lâu ta đã có ý định kêu gọi quyên góp, cúng dường để xây chùa. Hôm nay, khi đứng trên ngọn núi phía Nam, nơi tập trung dân chúng vùng thiên tai ấy, ta chợt nảy ra ý tưởng này.

Chàng suy nghĩ một lát, lại tiếp tục:

- Ta muốn xây chùa hang đá trên ngọn núi ấy, để siêu độ cho những chúng sinh thiếu may mắn thoát khỏi bể khổ, sớm được đầu thai ở kiếp khác.

- Vâng.

Tôi ngước nhìn chàng, vui mừng, phấn chấn. Vậy là chàng đã có một mục tiêu, chàng có thể từng bước thực hiện mục tiêu này để vượt qua mười sáu năm trời đằng đẵng.

- Chi bằng, ngày mai chúng ta hãy đến gặp Lý Cảo. Nếu ông ta có thể học theo trưởng giả Cấp Cô Độc, quyên tặng vườn hoa, lại dùng vô số tiền vàng trải khắp vườn hoa ấy, thì còn gì bằng, ha ha. Buồn cười vì những suy nghĩ hài hước của mình, tôi bật cười ha hả.

Chàng cốc nhẹ vào đầu tôi, cũng bật cười theo:

- Không thể đâu! Ông ấy chịu quyên góp đã quý lắm rồi.

Tôi hớn hở, lúc lắc tay chàng, hào hứng tưởng tượng:

-Chúng ta còn có thể đến gặp Đỗ Tấn và Đoàn Nghiệp, thuyết phục họ quyên góp.

Tôi vô cùng hoan hỉ khi thấy chàng đã lấy lại được sự tự tin. Hôm nay, lúc ở trên núi, tôi tin rằng việc tôi chảy máu cam không phải là dấu hiệu hay nguy cơ gì cả, mà chỉ vì tôi quá ư mệt mỏi và sợ hãi mà thôi…

Chúng tôi được tiếp đón rất chu đáo ở dinh cơ của Lý Cảo. Ông ta tỏ ra cung kính và tôi có thể nhận thấy trên gương mặt Lý Cảo sự áy náy về chuyện cứu trợ lúc trước. Sau khi Rajiva trình bày lý do của cuộc gặp gỡ, ông ta đã lập tức tán đồng:

- Suy nghĩ của pháp sư là hoàn toàn đúng đắn, ngọn núi Bậc Thang ấy…

Tôi “A” lên một tiếng, ngắt lời Lý Cảo:

- Lý công tử vừa nói ngọn núi đó tên là gì?

Lý Cảo ngạc nhiên đáp:

- Núi Bậc Thang. - Không phải tên là núi Màn Thầu sao?

- Đó là tên gọi thông tục, tên chính xác của ngọn núi ấy là Bậc Thang, tên gọi này do vua Trương Quỹ nhà Tiền Lương đặt. Nhưng bà con quen gọi là núi Màn Thầu, không ai chịu đổi cách gọi.

Rồi ông ta nhìn tôi ngạc nhiên:

- Vì sao phu nhân lại tỏ ra hào hứng với tên gọi của ngọn núi đó vậy?



- À… không có gì, chỉ vì tôi hơi tò mò thôi.

Tôi cười gượng gạo, nhấp một ngụm trà, im lặng, để Rajiva tiếp tục bàn bạc chi tiết với Lý Cảo.

Bây giờ tôi mới biết, núi Màn Thầu mà người dân Guzang thường gọi chính là núi Bậc Thang được ghi chép trong sách sử. Do chiến tranh xảy ra liên miên, lại trải qua nhiều trận động đất, nên những bức bích họa trong chùa hang đá trên núi Bậc Thang ở Vũ Uy không còn giữ được nguyên vẹn, vào thời hiện đại, chùa không mấy nổi tiếng. Nhưng đó là ngôi chùa hang đá đầu tiên ở Trung Nguyên, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sau khi tiêu diệt Bắc Lương, vua Bắc Ngụy đã đưa hàng loạt nhà sư đến kinh đô Bình Thành (nay là Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc), bên cạnh đó là hàng loạt các nhà điêu khắc, thợ thủ công lành nghề, họa sĩ, những người chuyên khai mở động đá và sáng tạo nên những bức bích họa. Họ đã trở thành lực lượng nghệ nhân hùng hậu, là những người xây dựng nên thạch động Vân Cương vĩ đại ở Đại Đồng. Sau đó, Vua Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy dời đô đến Lạc Dương, tiếp tục xây dựng thạch động Long Môn, thạch động này đã thừa kế mô hình thạch động ở Lương Châu ngày trước…

Phần lớn các nhà sư ở Lương Châu đều được đưa đến Bình Thành, nhưng vẫn có một số ít di chuyển tới Đôn Hoàng ở phía Tây. Kiến trúc của thạch động Mạc Cao ở Đôn Hoàng cũng chịu ảnh hưởng từ thạch động trên núi Bậc Thang. Bởi vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thạch động trên núi Bậc Thang chính là nơi khởi thủy của nghệ thuật xây dựng thạch động ở Trung Nguyên. Nhưng một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Tôi nhớ là thạch động Bậc Thang được xây dựng vào năm 412 kia mà, và chính Mông Tốn, sau khi dời đô từ Trương Dịch đến Guzang đã hạ lệnh xây dựng thạch động này. Chuyện kể rằng, mẹ Mông Tốn lâm bệnh nặng, Mông Tốn đã cho điêu khắc trong thạch động một bức tượng cao năm mét, hình những giọt nước mắt, để cầu phúc cho mẹ mình, cũng là để biểu thị lòng ăn năn, sám hối.

Rất nhiều ghi chép cho thấy, Rajiva đã không thành công trong việc thực hiện kế hoạch xây chùa, mà chính Mông Tốn đã hoàn thành tâm nguyện này của chàng. Rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra? Vì sao suốt mười sáu năm Rajiva không thể xây được chùa ở Guzang? Không có trong tay tư liệu lịch sử để có thể suy đoán, nên tôi cũng chỉ đành chống mắt chờ xem việc gì sẽ diễn ra. Nhìn chàng đang hào hứng mô tả cấu trúc của ngôi chùa hang đá cho Lý Cảo nghe, tôi suy nghĩ một lát và quyết định không nói với chàng chuyện kia. Khó khăn lắm chàng mới tìm được cho mình một mục tiêu, tôi không nỡ phá hỏng niềm vui của chàng. Nhớ đến Mông Tốn, bất giác thở phào. Ngay ngày Lữ Quang trở về Guzang, Đỗ Tấn và Đoàn Nghiệp đã mang đến cho chúng tôi lương thực và vật dụng sinh hoạt cần thiết. Bởi vậy tôi không cần đến nhà Mông Tốn giảng bài nữa. Tôi đến đó chỉ để đổi lấy lương thực, nay lương thực đã có đủ, tôi không muốn phải ngày ngày đối diện với con người xảo quyệt, gian hùng ấy trong nỗi thấp thỏm lo âu nữa. Nhưng tôi biết chắc chắn anh ta sẽ không dễ dàng từ bỏ như vậy. Có thể, chỉ vài ngày nữa, tôi sẽ chạm mặt anh ta cũng nên!

Chúng tôi rời khỏi nhà Lý Cảo, đi qua lầu trống vẫn thấy hàng dài những người dân vùng thiên tai, mặt mày ủ rũ đứng xếp hàng nhận hạt giống. Hôm nay là hạn đăng ký cuối cùng, không có các cậu ấm nhà họ Lữ, chỉ thấy con trai thứ của Lữ Bảo (em trai Lữ Quang) là Lữ Siêu đang giám sát việc đăng ký. Lữ Siêu mới hai mươi tuổi, nhưng tâm địa nham hiểm hơn mấy người anh em họ của hắn rất nhiều. Lữ Soạn soán ngôi chưa đầy ba năm, đã bị Lữ Siêu giết chết, sau đó hắn đưa người anh ruột Lữ Long của mình lên ngôi vua. Nhớ đến những ghi chép về việc Rajiva dự báo Lữ Siêu sẽ giết Lữ Soạn trong sách “Tấn thư” mà tôi không nhịn nổi cười.

Rajiva cúi đầu hỏi:

- Cười gì vậy?

Tôi ghé sát vào tai chàng, thì thầm:

- Sử sách viết rằng, chàng chơi cờ với Lữ Soạn. Hắn ăn một quân của chàng và bảo rằng: “Lấy đầu Hồ nô”[1]. Chàng đáp lại: “Hồ nô lấy đầu ngài thì có”.

[1] Hồ nô: Nghĩa là tên nô lệ người Hồ, vốn là cách gọi miệt thị của người Hán đối với dân tộc thiểu số, du mục ở phía Bắc và phía Tây Trung Quốc, trong trường hợp này, cụm từ “lấy đầu Hồ nô” biểu thị tính hiếu chiến, ác bá của Lữ Siêu.

Tôi đưa mắt về phía Lữ Siêu đang đứng giữa đám đông, chu mỏ lém lĩnh:

- Tên chữ của Lữ Siêu là Hồ Nô, nên đoạn sử này là căn cứ để chứng minh cho tài năng tiên đoán của chàng.

Rajiva hết ngơ ngác nhìn Lữ Siêu, lại ngạc nhiên quay sang nhìn tôi, sau đó thì lắc đầu cười trừ.

Tôi nhận ra Hô Diên Bình giữa đám đông. Mấy ngày trước, tôi đều bế Cẩu Nhi đứng chờ ở điểm đăng ký, nhưng không có kết quả. Hôm nay phải đến gặp Lý Cảo, nên tôi nhờ Hô Diên Bình thay tôi đến đây chờ. Nhìn thấy chúng tôi, anh ta vội bước lại.

- Pháp sư, phu nhân!

Anh ta cúi chào chúng tôi với vẻ buồn bã.

- Phu nhân, tôi vừa gặp một đồng hương của Tần Tố Nga, tôi đã có thông tin về mẹ Cẩu Nhi…

- Tình hình thế nào? Tôi sốt ruột. Gương mặt đôn hậu ấy nhuốm vẻ buồn bã, giọng nói đầy bi lụy: - Cô ấy… đã… chết…

Tôi nhắm mắt lại, quay đầu đi, vẫn là kết cục đó, mới hai tuổi, Cẩu Nhi đã trở thành trẻ mồ côi.

Rajiva nắm lấy tay tôi, an ủi:

- Ngải Tình, chúng ta hãy nhận nuôi Cẩu Nhi, đó cũng là di nguyện của mẹ chú bé.

Tôi gật đầu. Cẩu Nhi là nạn dân nhỏ tuổi nhất trong số các nạn dân được chúng tôi cưu mang. Hơn một tháng qua, tôi đã dành rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc cho đứa bé tội nghiệp này. Tôi dạy em nói, dạy em đi, em ngày càng quấn tôi. Nếu tôi không thể mang thai, vậy hãy để Cẩu Nhi làm con cái của chúng tôi.

Hô Diên Bình đón lấy tải gạo mà Lý Cảo tặng cho chúng tôi từ tay Rajiva, đặt lên vai. Đang định ra về, Hô Diên Bình bỗng ấp a ấp úng:

- Pháp sư, phu nhân, cả nhà Nghiêm Bình…

Anh ta ngừng lại, vẻ mặt áy náy.

- Anh không cần phải lo lắng chuyện đó, gia đình anh không cần phải đi đâu cả.

Rajiva thấu hiểu tâm tư của anh ta, nên đã lựa lời nói trước.

Tôi cười, bổ sung:

- Anh đừng lo vấn đề hộ tịch, tôi sẽ nhờ ngài Đoàn Nghiệp thu xếp việc đó.

Hô Diên Bình như mở cờ trong bụng, vẻ mặt đầy xúc động và cảm kích:

- Công ơn to lớn của hai vị, Nghiêm Bình không biết lấy gì báo đáp. Hai vị có bất cứ việc gì cần đến Nghiêm Bình, dù phải chết cũng không từ nan. Tôi sẽ gắng sức tìm chỗ ở mới để không làm phiền hai vị thêm nữa.

Rajiva hiền hòa đáp:

- Anh đừng khách khí, vợ chồng ta đã coi gia đình anh như người trong nhà, anh đừng nghĩ ngợi nhiều. Gia đình anh đã phiêu bạt nhiều năm, cũng cần có chỗ để dừng chân nghỉ ngơi chứ.

Vừa đi, Hô Diên Bình vừa không thôi nói lời cảm ơn, cho đến khi có ai đó đột nhiên hét lên từ phía sau chúng tôi:


- Hô Diên Bình!


Chúng tôi giật mình quay đầu lại, nhìn thấy trong đám đông nạn dân một người đang chỉ tay về phía Hô Diên Bình, lớn tiếng:


- Ngươi chính là Hô Diên Bình! Thì ra ngươi vẫn còn sống!


Mặt mày Hô Diên Bình đột nhiên trắng bệch…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK