• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ngày tháng cứ thế trôi qua, chớp mắt đã sang xuân. Tuy người Khâu Từ không ăn Tết Nguyên Đán như người Hán, nhưng vào ngày đầu tiên của năm mới, tôi vẫn tặng quà cho hai anh em Rajiva, của Rajiva là một chuỗi tràng hạt làm bằng gỗ đàn hương, của Pusyseda là một bức tranh Doraemon do chính tay tôi vẽ. Tôi nói với họ, thế là tôi đã thêm một tuổi, năm nay tôi hai mươi tư. Tôi chẳng muốn phải thừa nhận rằng mình đã già thêm một tuổi gì cả. Sinh nhật của tôi rất dễ nhớ, đó là ngày mùng mười tháng Giêng âm lịch, vì vậy tôi thường tổ chức sinh nhật theo lịch âm. Nhưng sau tuổi hai mươi thì tôi không còn hứng thú với ngày tết nữa, mỗi dịp tết đến lại nhắc tôi nhớ rằng, mình đã già, đã già rồi…

Ở thời cổ đại chỉ có hai anh em họ vui sinh nhật với tôi. Tôi dạy họ nói: chúc mừng sinh nhật và hát bài “Chúc mừng sinh nhật”, rồi đề nghị họ hát cùng tôi. Giọng hát trẻ con bập bẹ của Pusyseda rất buồn cười, rất đáng yêu. Rajiva lắc đầu kiên quyết không chịu hát. Nhưng khi tôi bảo, vào ngày sinh nhật người Hán sẽ nói “chúc mừng sinh nhật” rồi hát bài hát này, sau đó sẽ ăn một loại bánh ngọt vừa thơm vừa ngậy và còn được tặng quà nữa. Rajiva nghe xong, vẫn còn lần chần, mãi sau mới chịu cất giọng. Giọng hát của cậu ấy cũng trầm ấm, truyền cảm như giọng nói, tuy vẫn còn có nhiều âm khàn đục, do đang trong thời kỳ vỡ tiếng, nhưng lại tạo cho bài hát một âm điệu rất đặc biệt. Bài chúc mừng sinh nhật mà cậu ấy đang khe khẽ hát cho tôi nghe là bài hát hay nhất mà tôi từng được nghe vào dịp này. Có điều, gương mặt của cậu ấy, như tôi đã biết từ trước, đỏ như gấc chín, át cả nước da bánh mật vốn rất nổi bật.

Buổi tối ngày tiếp theo, sau khi kết thúc giờ học, Rajiva không đến thư phòng đọc sách như mọi khi, cậu ta dùng dằng ngập ngừng mãi mới lôi từ trong áo ra một chiếc khăn lụa thêu hình thoi khổ dài với các màu sắc đỏ, vàng, xanh da trời đan xen.

- Tặng cô.

Cậu ta lại đỏ mặt.

- Cô bảo sinh nhật muốn được tặng quà…

Tôi không có thời gian để bận tâm về sự chu đáo này, tôi còn mãi ngẩn ngơ ngắm nhìn món quà của mình. Đây là chiếc khăn lụa Atala, Atala có nghĩa là loại tơ lụa được làm ra bằng kỹ thuật xoắn sợi tơ dọc và nhuộm đồng thời, đây cũng là loại vải dùng để may quần áo phổ biến nhất của phụ nữ Tân Cương ngày nay. Tơ lụa Khotan là thương hiệu nổi tiếng nhất. Lụa, ngọc và thảm được mệnh danh là ba “quốc bảo” của Khotan. Đến tận thế kỷ XXI, người Khotan vẫn sử dụng những phường nhuộm nguyên thủy với chiếc máy dệt cồng kềnh, cao hơn năm mét, được xây đắp bằng đất và gỗ.


- Rajiva, cậu có biết ngôi chùa Masa ở Khotan không? Những hạt giống của cây dâu mà cô công chúa người Hán mang đến Tây vực đã được gieo trồng ở chùa này đó.

Trong “Đại Đường Tây vực ký”, Huyền Trang đã ghi lại quá trình tơ lụa được truyền đến Khotan như thế nào.

- Tôi biết. Người Tây vực vốn không biết trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ, khi đức vua Khotan đến đất Hán cầu thân, ngài đã nói riêng với công chúa Hán triều rằng Khotan không có tơ lụa, nên công chúa sẽ không thể ăn mặc đẹp được. Công chúa bèn giấu hạt dâu và tằm giống vào trong túi mang theo. Sự giàu có của Khotan chính là nhờ vào tơ lụa.

Tơ lụa vốn là sản phẩm độc quyền của người Hán ở Trung Nguyên, kỹ thuật sản xuất được xem là bí mật vô cùng quan trọng, không được phép tiết lộ ra bên ngoài. Nhưng nhờ có cô công chúa kia, kỹ thuật này đã được truyền đến Tây vực, từ Tây vực lại truyền sang Tây Á và châu Âu, từ đó, quyền lũng đoạn thị trường tơ lụa của Trung Quốc đã tan thành mây khói. Sản phẩm tơ tằm của Khotan từ thế kỷ IV đã nổi tiếng khắp nơi, thời cổ đại, nơi đây từng được mệnh danh là “kinh đô của lụa”. Hôm nay, chiếc khăn lụa quý giá của thế kỷ thứ tư ấy đang bày trước mắt tôi, điều này đã chứng minh tính xác thực của câu chuyện kể về sự xuất hiện của kỹ thuật sản xuất tơ lụa trên con đường tơ lụa huyền thoại.

- Sao cô chỉ hỏi về câu chuyện đó, hay cô không thích món quà này?

Rajiva nhìn tôi lo lắng, tay cầm chiếc khăn quý mà lúng túng không biết nên đặt ở đâu.

- Lụa Khotan, tất nhiên không thể sánh bằng lụa Trung Nguyên, nếu cô không thích, tôi sẽ…

- Làm gì có chuyện đó!



Tôi gào lên, bật dậy, ôm chầm lấy cậu ta, rồi giật lấy chiếc khăn áp chặt vào lòng.

- Cậu đừng hòng mang nó đi!

Rajiva thở phào, gương mặt đỏ như gấc của cậu ta tôi đã nhìn quen rồi nên không thấy ngạc nhiên nữa. Cậu ta nhìn tôi cười rạng rỡ như vừa được tặng một món quà chứ không phải vừa tặng cho người khác một món quà.

- Nhưng mà…

Rajiva nhìn tôi băn khoăn:

- Ngải Tình, vì sao cô biết ở Khotan có chùa Masa?

Lại nữa rồi! Tôi chẳng bao giờ kiểm soát được cái miệng tai bay vạ gió của mình!

Tôi trợn tròn hai mắt, rồi vò đầu bứt tai, tư duy logic của cậu ta ở trình độ cao như thế, dù tôi có bịa ra chuyện gì thì cũng sẽ lộ tẩy mà thôi. Tốt hơn hết là đừng nghĩ cách gạt cậu ta làm gì cho mệt.

- Cậu đừng hỏi nữa, tóm lại là tôi biết, thế thôi!

Rajiva không hỏi thêm, chỉ cười, đến lúc ra về vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò khó hiểu, khiến tôi cảm thấy không yên tâm.

Không bao lâu nữa là đến ngày lập xuân. Sang xuân đồng nghĩa với việc con đường tơ lụa được khai thông, tôi có thể chuẩn bị khởi hành đi Trường An được rồi. Kumarayana đã giúp tôi liên hệ với một đội thương nhân rất đáng tin cậy, ông còn tặng tôi rất nhiều đồ đạc. Tôi rất biết ơn ông. Nhưng tôi không vui chút nào khi phải đối diện với hai anh em Rajiva. Vẻ mặt lạnh lùng, an nhiên thường thấy của Rajiva khiến tôi đỡ buồn phần nào. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc tôi cảm thấy ánh mắt cậu ta nhìn tôi có điều gì rất lạ, nhất là vào hôm tôi quàng chiếc khăn lụa Atala lên vai. Ánh mắt ấy khiến tôi hồi hộp, nhưng tôi vờ như không thấy, giả bộ ngốc nghếch là sở trường của tôi mà! Ai bảo cậu ta là Kumarajiva kia chứ! Tôi làm sao mà dám động vào một vĩ nhân như thế. Thôi, hãy cứ ngoan ngoãn mà ra đi! Nhưng với chú nhóc Pusyseda thì tôi chẳng thể ứng phó nổi. Hơi một tí là nước mắt giàn giụa, giọng nói trẻ thơ, nấc lên những tiếng thổn thức xin tôi ở lại. Cậu bé khiến tôi mủi lòng và có cảm giác sự ra đi lần này chẳng khác nào sinh ly tử biệt, nên tôi phải an ủi Pusyseda bằng cách lặp đi nhiều lần lời hứa rằng tôi nhất định sẽ quay lại.

Còn khoảng sáu, bảy ngày nữa là phải lên đường, tôi muốn tắm rửa sạch sẽ. Đi tắm thì có gì mà phải kể? Đúng là chẳng có gì để nói, nhưng vì lần này đã xảy ra chuyện lớn. Bạn đừng hiểu nhầm, không như trong các tiểu thuyết mà bạn thường đọc, hay có cảnh: nhân vật nữ đang tắm thì nhân vật nam xuất hiện đâu! Chuyện “hay ho” ấy chẳng bao giờ đến với tôi cả! Sự thực là, khi tôi vừa tắm xong và trở về phòng thì xảy ra chuyện lớn.

Lúc tôi vừa đưa tay lên vặn đám tóc ướt vừa bước vào phòng thì thấy Pusyseda đang ngồi nghịch chiếc đồng hồ vượt thời gian mà trước khi đi tắm tôi đã tháo ra và đặt tạm trên bàn. Thấy tôi, chú nhóc hớn hở lắc lắc chiếc đồng hồ:

- Ngải Tình, đồ chơi này hay quá, nó biết nhảy và kêu tích tắc tích tắc nhé, chị cho em được không?

Tôi run bắn. Khi ấy trời đang nắng to, ánh sáng tràn ngập căn phòng. Tôi chạy bổ đến bắt lấy chiếc đồng hồ, nó hoạt động trở lại rồi! Đèn tín hiệu mà lúc trước tôi ra sức bật lên nhưng không ăn thua giờ đây đang tích tắc đếm ngược. Trời đất ơi, không biết Pusyseda đã chạm vào chỗ nào mà khởi động được cái đồng hồ chết tiệt này? Thời gian đếm ngược là ba phút, giờ chỉ còn hai phút rưỡi. Tôi cố sức nhấn nút dừng hoạt động, nhưng thứ quái gở này, lúc cần chạy thì nó không chạy, lúc cần dừng thì nó nhất định không chịu dừng. Đầu óc rối bời, tôi không biết phải làm sao nữa! Chuyện này xảy ra quá đột ngột, chỉ tắm một cái mà lúc quay về đã gặp phải biến cố lớn thế này. Tôi nên đi hay ở?

- Ngải Tình, chị làm sao vậy?



Tôi giật mình ngẩng lên, đôi mắt tròn xoe, ngây thơ đang nhìn tôi chớp chớp. Một lát nữa chiếc đồng hồ sẽ phát ra tia phóng xạ, tôi không thể để cậu nhóc nhiễm phải. Tôi vội vàng túm lấy Pusyseda, dùng hết sức đẩy cậu bé ra ngoài. Cậu bé bị tôi túm chặt quá, mặt mũi tái đi vì sợ. Vừa đẩy cậu nhóc ra đến cửa đã nghe thấy tiếng gào khóc ầm ĩ. Tôi cài then chốt cửa lại với tốc độ của vận động viên điền kinh, tôi lao đến cạnh tủ tìm chiếc ba lô Northface, lôi ra chiếc áo chống tia phóng xạ, động tác nhanh và dứt khoát, tôi cởi bỏ quần áo trên người và không quên quay đầu ra phía cửa hét to:

- Pusyseda, cậu nghe đây. Tôi là tiên nữ, bây giờ tôi phải quay về trời. Lát nữa sẽ có một tia sáng xuất hiện, cậu phải nhắm mắt lại, không được nhìn tia sáng đó, nếu không cậu sẽ bị mù đấy! Nhớ chưa?

Thực ra không nghiêm trọng đến vậy, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu cậu bé nhìn thẳng vào tia phóng xạ.

Cậu bé sợ hãi, càng khóc to hơn.

- Đừng sợ, tôi không biến mất, tôi chỉ quay về với thế giới của mình thôi. Ở trên trời, tôi sẽ dõi theo cậu.

Tôi không muốn lưu lại những ký ức đáng sợ trong tâm hồn cậu bé.

Mặc vội chiếc áo chống tia phóng xạ lên người, tôi cảm thấy lạnh buốt, toàn thân nổi da gà. Mặc kệ, thời gian sắp hết rồi. Tôi cuống cuồng kéo các loại khóa, bỗng nghe tiếng Pusyseda bên ngoài nức nở:

- Chị đừng đi! Pusyseda hứa sẽ không nghịch ngợm nữa, em sẽ nghe lời chị, chịu khó học bài, chị đừng đi có được không?

Tôi thở dài. Chiếc đồng hồ này chỉ sử dụng được một lần duy nhất, nếu không đi, tôi sẽ phải ở lại nơi này mãi mãi. Tôi không giống những tình nguyện viên nữ khác, vượt thời gian trở về thời cổ đại chỉ để vui thú yêu đương. Mục đích của tôi rất rõ ràng, tôi đến đây để làm việc, nếu không quay về, giá trị của tôi sẽ không được công nhận.

- Hãy nói với Rajiva, cậu ấy sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại, nhắc cậu ấy đừng quên nhiệm vụ đến Trung Nguyên truyền bá đạo Phật!

- Chị có quay lại nữa không?


Tôi không biết, thực sự là không biết. Có lẽ duyên phận giữa chúng tôi chỉ đến đây thôi. Tôi không biết sau khi quay về có tiếp tục công việc này hay không. Nếu có, tôi không biết, lần vượt thời gian tới tôi có thể trở lại Khâu Từ hay không. Đến được Khâu Từ, tôi cũng không biết khi ấy họ còn sống ở thời đại đó không…


Tôi đội mũ bảo vệ, đeo đồng hồ vào tay, chỉ còn ba giây. Tôi hít một hơi thật sâu, chỉ kịp gào to:


- Nếu cậu chăm chỉ học hành, đọc thuộc “Kinh thi”, tôi sẽ trở lại…


Những tia sáng chói mắt phát ra, tôi cảm nhận được cảm giác bay bổng, cưỡi mây lướt gió quen thuộc, gan ruột tôi quay đảo tưởng như sắp vỡ tung. Một giây trước khi mất đi ý thức, tôi chợt nhớ ra rằng tập giấy nháp với không biết bao nhiêu bức vẽ kỳ công, cuốn sổ tay ghi chép toàn bộ tài liệu khảo sát dài mấy mươi vạn chữ, những tập sách quý hiếm bằng tiếng Tochari tôi sưu tầm được, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày tôi mua ở chợ về và giấu dưới gầm giường, những quà tặng của Jiva, Kumarayana và nhiều người khác và còn nữa, chiếc khăn lụa Atala của tôi, tất cả, tất cả, tôi đều quên mang theo. Trời ơi, chuyến này tôi lỗ nặng rồi!!!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK