Nghe tiếng người thị nữ khẽ đằng hắng ngoài rèm gấm, Ỷ Lan gượng trở dậy cuốn vội mái tóc dài chấm gót, bước ra ngoài.
Người thị nữ nét mặt ủ rũ quỳ xuống.
- Tâu hoàng phi! Ngọc thể hoàng phi hôm nay có khá hơn không?
Ỷ Lan nhẹ nhàng đỡ người thị nữ đứng dậy rồi âu yếm:
- Lộc vẫn chưa về sao? Ta đã nói hết lời rồi, ta không thể cứ giữ ngươi mãi được. Ngươi ở lại kèm cặp Chinh như vậy cũng đủ. Sắp đến ngày cưới rồi. Phải về mà sửa soạn mới kịp. Ta sẽ chẳng bao giờ quên ơn ngươi. Rồi ra cùng ở kinh đô với nhau, có xa xôi gì mà bịn rịn?
- Tâu Hoàng phi! Thân thiếp thì kể gì. Thiếp đi ai đỡ đần Hoàng phi coi việc trong cung. Chị Chinh thì lười biếng đểnh đoảng. Đã vậy, mấy đêm nay chị ấy đi đâu về muộn lắm. Hành tung thật đáng ngờ.
- Người nói sao? - Ỷ Lan vội hỏi lại, – Nó hay đi về muộn à?
- Thiếp thấy nó đi về phía cung hoàng hậu.
- Cảm ơn ngươi. Ta sẽ hết sức lưu tâm.
- Hoàng phi thì cận ngày sinh. Chị Chinh lại đáng ngờ, thiếp xa Hoàng phi sao đành.
Ỷ Lan cố kìm nỗi xúc động:
- Thôi, ngươi về sửa soạn cho ngày vui, có gì ta sẽ triệu sau. Còn việc trong cung, trong giới hoàng tộc thì lúc nào chẳng đáng bận tâm. Ngươi cứ vui vẻ mà về.
- Tâu Hoàng phi! Xin Hoàng phi hãy cẩn thận giữ mình. Thiếp nghe nói Hoàng hậu với quan thái sư ăn ý với nhau lắm. Con người thâm nho như quan Thái sư chẳng nên coi thường. Tiền sử, đã có hai người Quý phi bị hại, chẳng lẽ Hoàng phi không biết sao?
Ỷ Lan cắn môi vẻ đăm chiêu:
- Ta biết nhưng ta không tin quan Thái sư lại mù quáng như thế. Vả chăng, ta chỉ sợ lẽ phải. Một khi lòng ta ngay, không làm gì ác, ngẩng mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không hổ với đất, thì can chi phải lo lắng. Ngươi cứ yên tâm.
Vừa lúc ấy, Chinh vội vã từ ngoài bước vào báo có quan phụ quốc thái phó Lý Thường Kiệt xin vào ra mắt. Người vợ yêu của vua Lý Thánh Tông không giấu được niềm vui, vội bước ra hiên lầu đón đợi. Quả là với Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan vốn dành những tình cảm quý mến đặc biệt. Sinh ra ở phường Thái Hòa, Thăng Long, ngay từ nhỏ Lý Thường Kiệt sớm tỏ ra là người có tài kinh bang tế thế, và có biệt tài về quân sự. Chính vì muốn được phụng sự cho triều Lý, muốn được thi thố tài năng, hiến thân cho dân nước, năm hai mươi ba tuổi Lý Thường Kiệt đã tự nguyện bỏ một cuộc sống hạnh phúc, sung sướng với người vợ trẻ đẹp, vốn là con gái một đại thần để chấp nhận một điều kiện khắc nghiệt là tự hoạn38 để được tiến triều, đảm đương những trọng trách lớn, đúng với tài năng và chí hướng của mình. Từ bấy đến nay, dưới triều Lý Thái Tông cũng như triều Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt đã lập được nhiều công lớn, tỏ rõ là một thiên tài quân sự. Nhưng Lý Thường Kiệt không phải chỉ là một tướng giỏi, có những võ công oanh liệt, mà còn là một người trí tuệ kiệt xuất. Nổi bật dưới triều Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt được xem là một người có chí lớn, kiên nghị, có kiến thức uyên bác và đặc biệt vô cùng táo bạo. Vừa mấy tháng trước, khi được vua Lý Thánh Tông sai cầm quân đi đánh chúa đạo Ma Sa là Đinh Bặc, đang tụ họp phe đảng nổi lên chống lại triều đình, Lý Thường Kiệt đã tỏ rõ là một vị tướng dũng cảm, táo bạo bậc nhất. Hay tin Lý Thường Kiệt xuấtquân, chúa đạo Ma Sa họp đám đầu mục bàn kế cự chiến. Đinh Bặc định ám hại viên danh tướng triều Lý nên sai người đưa thư dụ Lý Thường Kiệt: “Đinh Bặc không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Đinh Bặc xin ra hàng ngay”. Thượng sách vẫn là thu phục lòng người, dẹp mối bất hòa trong nước, Lý Thường Kiệt nghĩ vậy. Cho nên, mặc các tướng can ngăn, Lý Thường Kiệt vẫn một mình một ngựa đến trại Đinh Bặc, chỉ đem theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị, có ý phô trương dọa nạt, Lý Thường Kiệt nói với chúa đạo bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân Ma Sa: “Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái vào đến đây thì nóng tai phải”. Từ Đinh Bặc đến các đầu mục sững sờ kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và phong tục của Lý Thường Kiệt. Rồi mâm rượu được bưng lên. Chúa đạo Ma Sa nghiêng đầu thách thức, đưa tay mời. Chỉ có một quả bầu cắt đôi, sóng sánh rượu và một đĩa thịt nai muối. Lý Thường Kiệt không chút ngần ngại cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo39. Đinh Bặc kinh ngạc thốt lên: “Quan thiếu bảo là anh em với ta”. Lý Thường Kiệt từ tốn: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”. Rồi ngay sau đấy, theo lệnh Lý Thường Kiệt, tiểu đồng mở tráp lấy ra những chiếc vòng bạc sáng trao cho từng đầu mục Ma Sa. Những người cầm đầu Ma Sa chỉ còn biết hoan hỉ đón lấy tặng phẩm kết nghĩa đúng phong tục của họ, từ tay danh tướng triều đình mà họ vừa nhận là anh em. Không phải nói nhiều chúa đạo Ma Sa đã quy thuận. Sức mạnh của dân nước như được nhân lên. Cũng bởi Lý Thường Kiệt là người thông minh, biết nhìn xa thấy rộng nên ngay từ năm đầu Ỷ Lan mới vào cung, nhất là sau một loạt đề xuất cải cách nội, ngoại triều của Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt đã tìm đến ra mắt, khích lệ, bày tỏ sự đồng tình của mình. Giữa triều đình không ít người cầu cạnh Ỷ Lan, nhưng Ỷ Lan đã tìm thấy ở Lý Thường Kiệt người duy nhất có chính kiến cao cả rất hợp với mình. Đã thành lệ, sự xuất hiện của Lý Thường Kiệt ở cung Ỷ Lan, bao giờ cũng là những cuộc hội kiến. Vừa xuống xe ngựa, Lý Thường Kiệt trong bộ võ phục, vẻ mặt đăm chiêu, sải những bước dài, chắc nịch đi vào cung điện. Nhìn thấy Ỷ Lan đang đứng đợi trên thềm lầu, Lý Thường Kiệt dừng lại ngay bên cây mẫu đơn bạch, sát hiên lầu, vòng tay thi lễ:
[38]Thời Lý, làm quan to trong triều phải là hoạn quan.
[39].Đây là tục ty ẩm: Đổ rượu vào mũi trong khi vẫn ăn bình thường. Ở nhiều dân tộc ít người hiện nay vẫn giữ tục này.
- Xin kính chúc hoàng phi vạn sự như ý.
Ỷ Lan ngước cặp mắt đen long lanh trong suốt:
- Sao quan thái phó hôm nay lại khách khí làm vậy. Mấy tuần qua quan thái phó đi đâu mà ta không giáp mặt? Ta đọc một cuốn sách khó hiểu vẫn định bụng nhờ quan thái phó giải nghĩa giùm.
Lý Thường Kiệt bước theo Ỷ Lan vào cung điện:
- Hoàng phi quá nhún mình. Nhưng hãy khoan nói đến nghĩa sách. Tình thế thật chẳng lành, tin tức từ biên ải cấp báo về. Chế Củ40 sau lúc mua được ngựa và binh khí của vua Tống, lại được vua Tống hứa giúp nếu Chiêm Thành đánh Đại Việt, đã đem quân quấy nhiễu biên giới. Tôi phụng mệnh hoàng đế vừa đi đốc thúc việc canh phòng, xem xét tình hình. Việc lớn phải trù liệu từ bây giờ. Tôi vừa làm lễ triều kiến tâu hoàng đế rõ rồi tới thăm Hoàng phi.
[40]Tên vua Chiêm Thành lúc ấy.
- Quan Thái phó hãy ngồi xuống. - Ỷ Lan chỉ vào chiếc đôn đặt sát kỷ, nói – Ta không giỏi việc quanquân. Nhưng theo ý ta thì mưu thâm cần đối phó lại chính là từ bên Tống.
- Tôi đã suy nghĩ nát óc về chuyện đó. Nghe phái tân tiến Vương An Thạch đang khuynh loát triều chính và tỏ ra thức thời lắm. Nhưng Hoàng Phi nói mưu thâm lại từ bên Tống nghĩa là sao?
Ỷ Lan phác một cử chỉ khẳng định:
- Theo ý ta, dẫu Chiêm Thành có khởi binh đánh Đại Việt cũng là dựa vào Tống, do Tống xúi bậy. Vì vậy, mối lo đáng bàn vẫn là từ phía Tống. Chi bằng lúc này vẫn lo chuyện binh lương, cố kết các tù trưởng phòng những chuyện xa hơn. Dẫu phải đánh Chế Củ một khi tên vua ngu ngốc ấy xâm lấn bờ cõi ta, thì chẳng qua cũng chỉ là một việc bất đắc dĩ phải làm mà thôi.
Lý Thường Kiệt sửng sốt trước những ý kiến mạch lạc, tỏ rõ tầm hiểu biết của Ỷ Lan. Viên dũng tướng mưu lược, tài đức vẹn toàn, chỗ dựa của triều Thánh Tông không ngờ cả về mặt võ bị, người vợ của vua cũng lý giải sắc sảo, hơn thế có phương lược hành động hệt với hoạch định của mình. Vì vậy, sau mấy giây suy nghĩ, Lý Thường Kiệt không giấu được sự thán phục:
- Tôi thật không ngờ hoàng phi lại sáng ý đến nhường ấy.
- Quan thái phó chớ quá khen ta – Đôi mắt Ỷ Lan mở to linh động – Nhưng mối bận tâm lâu dài của ta vẫn là nơi ở của dân chúng. Theo ta, dân là gốc của nước. Gặp lúc quốc gia hữu sự như bây giờ từ quan đến dân, mỗi người đều phải gắn mình với vận mệnh đất nước.
- Hoàng phi yên lòng. Hoàng đế đã nhìn thấu lễ ấy, như phận làm tướng, trí địch muôn người mà không dùng được muôn người thì cũng như người ngư vậy. Hoặc giả dũng nhất ba quân mà không dùng được ba quân thì cũng như người nhát vậy.
Cặp mắt Ỷ Lan long lanh:
- Vậy dám hỏi quan thái phó, các thuộc hạ của quan thái phó tài đức thế nào?
- Tâu hoàng phi! Hoàng đế thường răn dạy: Người làm tướng phải thanh liêm về của cải, tiết kiệm về tiêu dùng, lơ là về rượu, giữ mình theo lễ, thờ bề trên lấy trung, vui lo cùng quân lính, dũng mà không lấn nhân, nhân mà không bỏ phép, giấu tội nhỏ, răn tội lớn, phạm lệnh không kể là thân, thưởng công không nghĩ đến thù, có kiện thì xử đoán, có lạm thì xét rõ, có giặc thì đánh dẹp, gần người mưu trí, xa người dèm pha. Các tướng soái Đại Việt đều làm như thế. Đó là gốc của tài năng. Ai vi phạm những lời răn đó, tôi phụng mệnh hoàng đế nghiêm trị.
- Việc quân phải tuyệt nghiêm mệnh lệnh. Xưa nay, pháp lệnh mà không thi hành được là do người trên sai phạm. Quan sát thái phó rèn được kỷ cương ấy trong quân đội, thật phúc lớn cho nước Đại Việt.
- Tâu hoàng phi! Hoàng đế cho hay hoàng phi có ý định mở trường cho con em hoàng tộc học. Ý ấy thật là hay. Nhưng nghe đâu quan thái sư được trao việc ấy chưa quyết.
Nhắc đến quan thái sư Lý Đạo Thành, Ỷ Lan chợt nhớ đến câu chuyện người thị nữ vừa kề, nét mặt không vui. Tinh ý, Lý Thường Kiệt nhận sự thay đổi bất thường ấy nên vội hỏi tiếp:
- Tâu hoàng phi! Những ngày tôi đi vắng trong triều có chuyện gì đáng lưu tâm không?
Một ý nghĩ rất nhanh đến với Ỷ Lan: Không nên vì mình mà làm phiền lòng người bạn tâm đầu ý hợp mà từ lâu Ỷ Lan vẫn có bụng kính trọng, huống chi câu chuyện ấy có thể gâynên những phiền phức bất lợi cho triều đình vào lúc triều đình cần sự nhất trí. Vì vậy, Ỷ Lan lắc đầu và im lặng.
Lý Thường Kiệt sau đấy cáo lui. Ỷ Lan đứng trên thềm điện bần thần nhìn theo dáng đi hối hả của viên quan thân tín, thức thời rồi bước xuống đi dạo trong vườn. theo bước chân người thôn nữ tài sắc năm xưa, hoa và người càng như thêm rực rỡ trong nắng sớm kinh thành.
Hoàng hậu Thượng Dương đi đi lại lại trong gian điện lớn. từ khi nhận được tin Thị Chinh đã chôn bùa ếm và chính Chinhđã đi vào cho quan thái sư hay. Hoàng hậu Thượng Dương vừa mừng lại vừa lo. Mừng là vì độc kế trị Ỷ Lan sắp đặt từ lâu đã được thực hiện. Ỷ Lan không bị tống giam cũng bị phế bỏ. Lo là vì quan thái sư không chịu giúp và nếu Thị Chinh phản phúc thì dẫu hoàng hậu có khéo léo mấy cũng bị vạ lây. Hoàng hậu Thượng Dương bồn chồn lo âu, đứng ngồi không yên. Chợt, thị nữ vào báo người lái buôn Tống xin vào ra mắt, trình việc lớn. Được lệnh vào người lái buôn Tống vòng tay thi lễ, cười nhăn nhở:
- Thần xin có lời chúc mừng hoàng hậu đã làm nên công việc thông đồng bén giọt.
Thấy lời chúc bao hàm nhiều ẩn ý, hoàng hậu Thượng Dương thoáng cau mặt:
- Ngươi ăn nói gì lạ vậy? Ta làm nên công việc gì mà ngươi chúc mừng?
- Tâu hoàng hậu. – Người lái buôn ngồi xuống chiếc đòn nhỏ, - Thiếp biết đứa thị nữ thân tín của nguyên phi Ỷ Lan đã hoàn tất công việc và vụ án cũng đã được khởi tố. Thiếp xin ra mắt hoàng hậu để lĩnh mệnh.
- Ta xem ra nhà ngươi là người vui mừng nhất. Còn người lo lắng nhất lại là ta.
- Tâu hoàng hậu, thiếp sợ nhận xét đó không công bằng. Người vui nhất trong việc này phải là hoàng hậu. Bùa ếm đã chôn. Việc trình báo quan thái sư cũng đã hoàn tất như lúc bàn soạn. Ỷ Lan tất bị hạ gục. Ngay sau lúc Ỷ Lan bị hạ gục, chỉ một mẹo nhỏ hoàng hậu cũng khiến cho tội thần phải chết và vu cho tội nhân tự tử. Bây giờ Ỷ Lan chưa bị phát giác nhưng số phận của Ỷ Lan, cái chết thê thảm đã được định đoạt.
Hoàng hậu Thượng Dương hỏi dồn:
- Vậy nếu Thị Chinh phản phúc?
Người lái buôn cười thành tiếng:
- Việc khử cái con bé dại dột, tham lam ấy là phận sự của thiếp. Nếu hoàng hậu có ý sai bảo, thiếp sẽ kín đáo thủ tiêu ngay sau khi bùa ếm đã được phát giác.
Hoàng hậu loạng choạng đứng dậy ôm lấy mặt:
- Trời đất ơi! Nhà người là ai mà độc ác vậy. Ngươi là đàn bà mà nói chuyện giết người như nói chuyện vui vậy? Ta khiếp sợ quá! Thực tâm ta không định giết ai cả.
Người lái buôn đứng dậy đỡ hoàng hậu:
- Tâu hoàng hậu! Thần không hiểu vì cớ gì hoàng hậu lại bỗng run tay vào lúc vụ án đã bước vào màn đầu. Hoàng hậu hãy tĩnh tâm lại. Hoàng hậu đã ở thế cưỡi lưng hổ. Chẳng nên vì bụi cây mà không thấy khu rừng. Chẳng nên vì tấm lòng nhân đạo viển vông mà tự đưa đầu vào thòng lọng, làm hỏng việc lớn. Hoàng hậu có nghe thấy chăng, hoàng hậu phải đẩy nhanh cái đang kết thúc theo ý mình.
Hoàng hậu Thượng Dương như muốn gục xuống:
- Thôi, nhà ngươi muốn ta trả ơn như thế nào ta cũng bằng lòng rồi nhà ngươi hãy đi khỏi nơi này để mọi việc mặc ta lo liệu. Nhà ngươi muốn gì?
Người lái buôn đỡ cho hàng hậu khỏi ngã. Rồi nhân lúc hoàng hậu như kiệt sức lả đi, hắn đưa tay ve vuốt khắp người hoàng hậu. Một lúc sau hắn đảo mắt nhìn quanh gian điện. Khi biết rõ, theo lệnh hoàng hậu gian điện không còn ai, hắn đột nhiên ôm xốc lấy hoàng hậu, nói trong hơi thở gấp gáp:
- Tâu hoàng hậu! Xin hoàng hậu thứ tội, thần không phải là đàn bà. Thần là đàn ông, thần không phải là hạng đại thượng hợm của. Thần là sứ giả của thiên triều sang Đại Việt cốt vì mối bang giao lâu dài. Thần rất yêu hoàng hậu. Khi biết vua mê đắm nguyên phi Ỷ Lan mà nhạt tình với hoàng hậu, thần vui mừng khôn xiết. Vì yêu say đắm hoàng hậu, thần nguyện xả thân giúp hoàng hậu diệt trừ Ỷ Lan. Thần không cần vàng bạc châu báu. Thần chỉ xin hoàng hậu ban cho tình yêu.
Một nỗi kinh hoàng vụt đến với hoàng hậu. Hoàng hậu biết rõ bàn tay ve vuốt của tên lái buôn sẽ đưa hoàng hậu đến đâu nếu chỉ một giây yếu lòng. Bị xúc phạm đến phẩm giá khiến hoàng hậu như có sức mạnh cố vùng ra khỏi vòng tay ôm chặt của tên lái buôn, hoàng hậu nói nhỏ mà nghiêm:
- Ta chỉ cần kêu lên một tiếng nhà ngươi sẽ bị tống giam. Ngươi không được phạm thượng.
Tên lái buôn thở hổn hển, cặp mắt dại đi. Hắn đã được chiêm ngưỡng thân hình đẹp tuyệt vời của hoàng hậu. Hắn nuốt nước bọt lao vào ôm lấy chân hoàng hậu, giọng van nài cầu khẩn:
- Xin hoàng hậu hãy ban cho thần một lần được yêu, chỉ một lần thôi. Thần nguyện sẽ làm con cừu non đề hoàng hậu đánh đập, sai bảo và mãi mãi tôn thờ hoàng hậu.
Hoàng hậu Thượng Dương đạp vào mặt tên lái buôn:
- Nhà ngươi tự nhận“sứ thần thiên quốc” hẳn phải biết giữ lấy quốc thể chứ?
Tên lái buôn nghe vậy lóp ngóp đứng dậy:
- Hãy ngồi xuống ta hỏi chuyện – Hoàng hậu ra lệnh.
Tên lái buôn Tống lấp liếm:
- Tâu hoàng hậu. Lòng kiên trinh của hoàng hậu thế gian này chỉ có một. Những tưởng vua bị Ỷ Lan đêm ngày giữ lấy hoàng hậu sẽ dễ dãi. Vậy mà để nhận biết chân giá trị của hoàng hậu, thần đã phải thử làm điều bất chính, xin bái phục, xin bái phục.
Hoàng hậu nghiêm nghị:
- Ta chưa xét đến hành động phạm thượng của ngươi. Cũng chẳng phải lấp liếm như thế là xong. Việc ấy sẽ xét sau. Ta muốn biết ngươi là ai, từ đâu đến và muốn gì ở ta. Ta rất quý trọng những người trung thực.
Thấy tên lái buôn còn do dự, hoàng hậu cười rất tươi, lựa lời:
- Cốt nhà ngươi nói thật. Rồi ra việc nào lợi cho ta sẽ giúp nhà ngươi như nhà ngươi đã giúp ta.
Sau một thoáng đắn đo, tên lái buôn phác một cử chỉ quả quyết rồi đáp:
- Tâu hoàng hậu – Thần là một bộ hạ đắc lực của tân tể tướng Vương An Thạch, bằng hữu của Quảng Tây kinh lược sứ Tiêu Chú. Nhưng năm năm trước khi đoàn sứ Đại Việt Mai Cảnh Tiêu, Lý Kế Nguyên từ Tống triều trở về thần đã theo chân họ sang đáp lễ rồi được lệnh ở lại sống với đám dân Tống thiên di sang trước. Việc của thần là phải kết thân bằng được với giới hàng tộc Lý triều để lấy chỗ đi lại giao hảo về sau.
- Kết thân bằng cách nào? Hoàng hậu cắt ngang giọng mỉa mai.
- Tâu hoàng hậu, bằng quà cáp hoặc bằng sự giúp đỡ chân tình có đi có lại.
Hoàng hậu mỉm cười:
- Hệt như đối với ta. Cách ấy thật hiệu nghiệm cho những ai tham lam dại dột. Ở trong triều, ngoài ta ra ngươi đã kết giao những ai?
- Tâu hoàng hậu! Chọn được cơ hội ra mắt hoàng hậu thần phải đợi năm năm. Thần biết được uẩn khúc của hoàng hậu, lại biết cả sở thích của hoàng hậu nên mới được hoàng hậu thu nạp.
- Như thế ta sẽ phải chịu ơn ngươi và phải làm vừa lòng những điều ngươi muốn. Chẳng hay những điều ngươi muốn là gì?
- Tâu hoàng hậu! Thần chưa có chủ định.
Hoàng hậu gắt:
- Ngươi nói dối. Chủ định của ngươi là làm cho triều đình ta rối ren bằng cách kích động người này chống người khác, đại thần này chống đại thần khác. Thâm ý đó của ngươi ta không lạ. Vì sao lúc nãy ngươi tự nhận là sứ thần của Tống triều trong lúc ngươi ở Đại Việt liền trong năm năm?
- Tâu hoàng hậu! Khi nào có đoàn sứ thiên quốc sang, thần chỉ cần thay hình đổi dạng là được. Thần am hiểu nội tình Đại Việt sẽ rất có lợi cho việc đàm đạo đôi bên.
- Nhà ngươi có thường về thăm kinh lược sứ Tiêu Chú không? Ta nghe nói Tiêu Chú luyện tập binh mã gấp gáp lắm, để làm gì thế?
Người lái buôn Tống bỗng lúng túng trước câu hỏi hóc hiểm của hoàng hậu. Hắn ấp úng:
- Theo thần được biết Tiêu Chú chống lệnh động binh nên đã bị cách chức.
Quan sát kỹ sự lúng túng của tên lái buôn, hoàng hậu Thượng Dương chợt nhớ ra điều gì hệ trọng. Ba năm trước triều đìnhđã bắt được một tên do thám người Tống tên là Tô Giám, đóng giả là nhà sư đi vẽ bản đồ Đại Việt. Chưa kịp xét xử, tên gian đã bẻ gông, giết lính canh trốn thoát. Tên gian Tô Giám cũng có bộ mặt dài ngoằng, đôi mắt trắng dã hệt như tên này. Đích thị là hắn rồi. Bộ mặt hắn không thể trộn lẫn với ai được. Khi biết tên lái buôn chính là Tô Giám cải dạng, hoàng hậu càng thêm ân hận xót xa. Phải, vì ghen tuông hoàng hậu đã xem thù thành bạn, hơn thế, coi nó như một ân nhân. Hoàng hậu Thượng Dương thong thả đứng dậy, gọi thị nữ nói nhỏ điều gì rồi làm vẻ không quan tâm đến tên lái buôn:
- Ta nghe nói tể tướng Vương An Thạch của các ngươi chủ trương đánh nước yếu để dọa nước mạnh, ví như đánh Đại Việt ở phương nam để dọa Liêu, Hạ ở phương Bắc. Muốn thực hiện kế sách ấy, nhà ngươi được giao việc gì?
- Tâu hoàng hậu! Hoàng hậu hãy tĩnh tâm suy xét lại. Hành động của thần đã làm cho hoàng hậu quá giận.
Hoàng hậu đi đi lại lại rồi đứng trước mặt tên lái buôn:
- Chưa lúc nào ta tĩnh tâm như lúc này. Ta thà chịu tiếng vì ghen tuông đã đồng lõa chôn bùa ếm để hại Ỷ Lan chứ ta không nối giáo cho giặc bán rẻ giang sơn gấm vóc này. Chính hành động đốn mạt của nhà ngươi đã giúp ta nhận ra nhân cách của ngươi. Ta nhớ ra rồi, nhà ngươi là tên do thám đã từng trốn thoát ba năm trước. Ngươi chính là Tô Giám.
Tên lái buôn bỗng giật thót người như giẫm phải bỏng:
- Vâng, chính tên thần là Tô Giám. Ba năm trước thần đã vẽ trộm bản đồ dâng về thiên quốc, toan dựng cương thường cho nước láng giềng. Nhưng Tô Giám đã bị bắt. Tội Tô Giám càng nặng hơn vì trước khi trốn thoát khỏi nhà tù Đại Việt đã hạ sát cả chục tên quân canh. Bây giờ việc vỡ lở Tô Giám tội chết chưa đáng. Nhưng hoàng hậu đâu phải là người vô tội? Hoàng hậu đã cùng Tô Giám bàn soạn nhiều việc hệ trọng trong triều. Bùa ếm chôn trong cung Ỷ Lan do đích thân Tô Giám làm, hoàng hậu đồng mưu đâu phải chỉ để hại Ỷ Lan mà còn ngầm hại cả vua Lý. Hoàng hậu và Tô Giám đâu phải chỉ chống Ỷ Lan, chống Ỷ Lan là chống cả Lý Thường Kiệt, làm náo loạn triều đình; rũ rối triều chính. Một triều đính rối loạn, năm bè bảy cánh sát phạt nhau sẽ là miếng mồi ngon cho thiên quốc. Những đạo quân thiên quốc được thao luyện ở phía Nam biên thùy sẽ theo chân Tô Giám đi đến từng ngõ ngách thành Thăng Long này để bắt sống từng viên đại thần. Tiếc rằng Tô Giám chưa làm trọn việc để vua Tống Thần Tông và tể tướng An Vương Thạch ghi công phong tước. Tâu hoàng hậu, tội hoàng hậu đâu đã hết? Hoàng hậu không cùng Tô Giám ái ân vụng trộm nhưng hoàng hậu đã dành cho đặc ân tự do ra vào cung cấm. Xem thế, nếu hoàng hậu tố giác Tô Giám thì Tô Giám không phải là người cụt mất lưỡi. Cả hai cùng chết, thật là ngu đần. Chi bằng hoàng hậu nới tay cho Tô Giám được cáo lui. Tô Giám đi không ai hay biết lai lịch tung tích thì mọi việc sẽ được giữ kín. Xin đợi lệnh hoàng hậu.
Hoàng hậu Thượng Dương sửng sốt nhưng vẫn ngọt nhạt:
- Khá khen cho nhà ngươi đã nói thật những điều mà người khác sẽ không nói. Vì ghen tuông ta đã không biết giữ mình để ngươi lợi dụng, đẩy ta vào vòng phạm tội rồi ép buộc ta làm theo ý ngươi. Nhưng toan tính của ngươi là toan tính của kẻ cướp, cậy thế nước lớn nạt nộ nước nhỏ. Ta báo cho nhà ngươi biết, một hoàng hậu Đại Việt không bao giờ đặt quyền lợi của dòng họ lên trên lợi nước. Ta có thể cam chịu thất bại ê chề trước con hát Ỷ Lan nhưng ta không chịu để các ngươi sai khiến. Ta có thể không giỏi việc nước, nhưng ta hằng suy ngẫm đến vận mệnh đất nước. Ta đã nhận ra tâm địa lọc lừa tráo trở của ngươi cũng như đã nhận ra tham vọng vô hạn của vua tôi nước ngươi. Đừng dọa nạt ta vô ích.
- Xin hoàng hậu hãy nhớ kỹ điều này: nước này sớm muộn cũng sẽ bị thiên triều thôn tính. Nếu còn Tô Giám, được Tô Giám ân sủng, hẳn hoàng hậu cũng được nhờ.
- Ta thà làm tôi nước này còn hơn làm hoàng hậu nước ngươi.
Biết không thể làm chuyển được lòng hoàng hậu Thượng Dương và đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tên Tống gian, hắn bỗng quỳ xuống:
- Thần xin bái phục khí phách của hoàng hậu. Thần xin cắn cỏ mong hoàng hậu hãy rủ lòng thương mà tha cho thần, ơn ấy thần không bao giờ quên.
Hoàng hậu bật cười:
- Giọng lưỡi nhà ngươi đã hoàn toàn thay đổi, không còn khoác lác như trước. Ta báo cho ngươi biết, số phận của ngươi đã được chính ta định đoạt.
Tên Tô Giam vụt đứng dậy, gờm gờm nhìn hoàng hậu:
- Hoàng hậu nên nhớ Tô Giám đã hạ sát cả chục tên quân canh Đại Việt. Đằng nào Tô Giám cũng thoát khỏi nơi này để về thiên quốc. Để Tô Giám đi thì hơn.
Dứt lời, tên gian lao nhanh ra khung cửa. Nhưng ở đó theo mật lệnh của hoàng hậu, các vệ sĩ của hoàng hậu đã đợi sẵn. Tô Giám chưa kịp giở võ thuật đã bị bắt.