Sau khi ăn xong, Đường Trọng Vi lại đưa họ đi chơi cả một ngày trời trước khi cô ấy mệt lả và phải về nhà.
Hoắc Khải và Cơ Hương Ngưng cũng không dây dưa thêm. Họ còn có những việc khác để làm.
Cơ Hương Ngưng phải trở lại nhà họ Cơ để xoa dịu những thành viên của hội đồng quản trị, trong khi Hoắc Khải đến gặp Miêu Nhất Khoa để giúp ông ta tổ chức lại việc ở nhà máy điện tử.
Thực tế, không có gì phải tổ chức lại ở nhà máy điện tử, chỉ cần duy trì nguyên trạng về mặt kinh doanh là đủ, quan trọng nhất là môi trường trong nhà máy và tâm thế của nhân sự.
Tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị là như vậy, vô cùng để ý đến sự thể hiện bên ngoài, bọn họ luôn cho rằng trong nơi việc mà nhân viên ngay cả tinh thần cũng không có thì chính là một nơi làm việc không đủ tiêu chuẩn.
Tất nhiên, Hoắc Khải cũng tuân theo tiêu chuẩn này. Nhân viên trong mỗi công ty chi nhánh của nhà họ Hoắc đều phải duy trì đủ năng lượng ngay cả khi họ bị bệnh tại nơi làm việc. Nếu không, tốt nhất họ nên xin nghỉ phép.
Nếu tỏ ra mệt mỏi tại nơi làm việc mà để cho thanh tra phát hiện thì sẽ bị trừ điểm, mỗi một điểm tương đương với một ngàn tệ.
Một số người có thể nghĩ rằng quy định như vậy thật không có tình người, nhưng Hoắc Khải lại cho rằng nếu như bản thân đang bị bệnh thì hoàn toàn có thể xin phép nghỉ, công ty cho phép điều đó. Còn nếu đã đi làm vì không muốn bị mất chuyên cần, thì phải chịu trách nhiệm với mức lương mà người khác đưa cho.
Mỗi một phút giây mà các người ngồi trong công ty đều được trả lương.
Vì vậy, nhân viên trong công ty của nhà họ Hoắc đều ngày ngày đi làm với tâm trạng hưng phấn như dùng chất kích thích.
Người thật sự bị bệnh không chống đỡ nổi cũng sẽ tự ý thức xin nghỉ, vì dù sao tiền thưởng chuyên cần cũng sẽ không bị trừ hết, nhưng một khi đã bị thanh tra trừ điểm thì ít nhất phải mất một ngàn tệ. Nếu lỡ như khi làm việc xảy ra sự cố do không chịu được yêu cầu công việc cường độ cao, như vậy sẽ càng phải mất mát nhiều hơn.
Hoắc Khải hoàn toàn chịu trách nhiệm tổ chức lại công việc tại nhà máy điện tử, về điểm này, tổng giám đốc Nhiếp Tân Hải đương nhiên cảm thấy rất không vui.
Chiến lược để đối phó với Hoắc Thanh Vân và Hoắc Lập Quần của Hoắc Khải lần trước đã thành công, nhưng đồng thời anh cũng đã tát vào mặt của ông ta một cái thật nặng, và bây giờ anh lại nhận trách nhiệm tổ chức lại đường lối của nhà máy điện tử. Với tư cách là tổng giám đốc của nhà máy điện tử này, thì ông ta biết giấu mặt vào đâu?
Nhưng Miêu Nhất Khoa hoàn toàn không quan tâm đến điều đó, lòng tin của ông ta đối với Hoắc Khải bây giờ đã vượt qua tất cả mọi người. Ngay cả những nhân viên kỳ cựu đã theo ông ta hơn chục năm cũng không thể hoàn toàn tin tưởng được giống như Hoắc Khải.
Điều này cũng không thể trách Miêu Nhất Khoa, ai bảo Hoắc Khải đã làm được những việc mà người khác không thể làm được chứ.
Bất kể là chuyện đối phó với anh em nhà họ Hoắc hay đàm phán hợp tác với tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị, Hoắc Khải đều có đóng góp rất lớn. Nhìn lại toàn bộ công ty, liệu ai có thể làm được chỉ một trong số những việc đó?
Nếu có người có thể làm được, thì họ cũng không cần phải đợi đến bây giờ mới đi thảo luận về việc hợp tác với Đường Thị.
Vào ngày thứ tư, Thạch Hưng Ninh, giám đốc phòng quan hệ đối ngoại của Đường Thị đã đích thân dẫn đầu một nhóm nhân viên đến kiểm tra nhà máy điện tử.
Hoắc Khải không xuất hiện, chỉ yêu cầu Miêu Nhất Khoa đi cùng với quản lý cấp cao của công ty.
Bởi vì theo ý của anh thì anh không phải là nhân viên của công ty, không thích hợp để xuất hiện vào dịp này. Bên cạnh đó, Nhiếp Tân Hải tuy có mắt nhìn không tốt, lòng dạ cũng không rộng rãi, nhưng kỹ thuật của ông ta quả thật không tồi.
Biết rằng Nhiếp Tân Hải vốn đã không vui vì bị đe dọa đến vị trí, nên Hoắc Khải đương nhiên sẽ không tiếp tục thể hiện ra mặt, nếu không lỡ đâu lại khiến cho Miêu Nhất Khoa mất đi một người có năng lực, lúc đó anh cũng không có cách nào bù đắp được.
Nhờ vào sự tổ chức lại của Hoắc Khải và ấn tượng tốt mà anh đã tạo ra trước đây nên lần kiểm tra này của Thạch Hưng Ninh diễn ra khá suôn sẻ.
Ông ta cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Miêu Nhất Khoa ngay tại chỗ theo đúng cam kết trước đó.
Theo nội dung của thỏa thuận, nhà máy điện tử sẽ cung cấp sản phẩm cho tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị với giá thấp hơn nhà họ Hoắc đến một nửa. Đổi lại, sau khi nhà họ Hoắc rút vốn thì Đường Thị phải tiếp nhận đơn đặt hàng với đúng giá của nhà họ Hoắc.
Nói cách khác, họ đang muốn dùng Đường Thị để chống đỡ phía dưới, ngăn cản nhà họ Hoắc đột ngột rời đi, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho nhà máy điện tử.
Thỏa thuận này là yêu cầu đặc biệt mà Hoắc Khải đã bàn với Miêu Nhất Khoa, nhất định phải nói thêm vào, nếu không thì chuyện đưa người của Đường Thị tới đây cũng vô nghĩa.
Nếu như thật sự muốn có đơn đặt hàng, chẳng những nhà máy điện tử không thiếu cách, mà ngược lại, vì nhà máy điện tử có quan hệ hợp tác với nhà họ Hoắc nên đơn hàng hiện tại đang đầy ắp. Nhà máy bây giờ hoạt động hết công suất 24/24 giờ vẫn không đáp ứng đủ được nhu cầu thị trường.
Thạch Hưng Ninh biết rõ vị trí của Đường Thị trong sự hợp tác này, mà ông ta cũng không từ chối, vì ở góc độ kinh doanh mà nói thì không có vấn đề gì khi đồng ý với thỏa thuận này.
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị trong lĩnh vực này mạnh hơn nhiều so với nhà họ Hoắc. Ngay cả khi họ nhận tất cả các đơn hàng từ nhà máy điện tử, họ vẫn có thể tiêu thụ hết một cách ung dung.
Nếu đã vậy thì sao còn phải lo lắng về những thứ khác làm gì.
Hơn nữa, sau khi hợp tác họ còn có thể để các phòng thí nghiệm ở nước ngoài từ bỏ nghiên cứu về lĩnh vực này, tập trung kinh phí và sức lực cho các lĩnh vực khác.
Tất nhiên, Thạch Hưng Ninh là giám đốc của Đường Thị nên phải cân nhắc đến lợi ích của công ty trước tiên.
Ông ta hy vọng sẽ bổ sung một nội dung vào thỏa thuận, đó là nhà máy điện tử có thể cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan để tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị học hỏi.
Yêu cầu như vậy có phần hơi quá đáng, nên Miêu Nhất Khoa đã không đồng ý.
Sau một số cuộc thương lượng, thỏa thuận cuối cùng đã được thay đổi, và Đường Thị có thể cử người đến hỗ trợ sản xuất, cũng có thể gọi là ủy thác đào tạo.
Nhưng những người chấp nhận đào tạo phải đã làm việc trong nhà máy điện tử trong ba năm trước khi họ có thể rời đi. Nếu không, không những phải bồi thường số tiền lớn để thanh lý thiệt hại mà bị đơn còn phải hầu tòa.
Miêu Nhất Khoa đã suy nghĩ rất kỹ, rõ ràng rằng nếu Đường Thị có được công nghệ, thì với khả năng của họ chỉ trong vòng vài tháng sẽ hoàn toàn có thể thay thế công ty của ông ta trong lĩnh vực này.
Nhưng ba năm là thời gian đủ để nhà máy điện tử được nâng cấp. Lúc đó công nghệ mới hơn đã được phát triển và nghiên cứu.
Về phương diện này, Nhiếp Tân Hải vẫn rất tự tin.
Chính vì tin tưởng vào trình độ kỹ thuật của tổng giám đốc Nhiếp mà Miêu Nhất Khoa mới đồng ý với thỏa thuận này. Chỉ là sau khi Hoắc Khải phát hiện sự việc, anh lại cho rằng điều này không thích hợp.
Trình độ kỹ thuật của Nhiếp Tân Hải đúng là rất cao, nhưng ông ta quá tự tin.
Công nghệ điện tử, một khi đã bước qua ngưỡng khó vượt qua nhất thì sẽ có thể phát triển nhanh chóng.
Đường Thị hiện tại vẫn đang bị chững lại trước ngưỡng đó mà không có cách nào bước qua được, nếu như bây giờ lại đi chỉ cho bọn họ cách bước qua, thì sau này sẽ không còn có chuyện bọn họ cần người khác nhúng tay vào nữa.
Ngay cả khi ba năm sau các người cải tiến được công nghệ, vậy sau đó thì sao? Sau ba năm nữa, không lẽ Đường Thị còn chưa đuổi kịp các người?
Nhiếp Tân Hải dù cho có tài giỏi đến đâu cũng không thể hơn được những sinh viên hàng đầu được tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị tuyển chọn từ các trường đại học lớn trên thế giới, cũng với đông đảo các giáo sư tiến sĩ trong và ngoài nước.
Vì vậy, việc ký kết thỏa thuận như thế cũng đồng nghĩa với việc nhà máy điện tử chỉ có thời gian dẫn đầu khoảng từ ba đến bốn năm, việc có hợp tác sau đó hay không còn tùy thuộc vào tâm trạng của Đường Thị.
Miêu Nhất Khoa hiểu ra đạo lý này thì rất hối hận, nhưng thỏa thuận đã được ký kết. Hối hận cũng đã muộn, ông ta chỉ có thể ngồi mắng nhiếc một hồi.
Đương nhiên Nhiếp Tân Hải là người bị mắng, vì nếu không phải vị tổng giám đốc này vỗ ngực nói có thể tiếp tục bỏ xa Đường Thị thì làm sao Miêu Nhất Khoa có thể đồng ý?
Chỉ có thể nói rằng những người không hiểu về công nghệ thì khó có thể nghĩ xa được như vậy.
Hoắc Khải cũng chỉ biết một chút về loại công nghệ điện tử này, nhưng anh vẫn có thể nghĩ xa, chính là vì tầm nhìn của anh cao hơn bọn họ.
Nhưng dù thế nào đi nữa, ngồi cùng thuyền với Đường Thị thì ít nhất trong vài năm trở lại đây, việc kinh doanh của nhà máy điện tử sẽ không có gì phải lo lắng.
Miễn là có thể tận dụng tốt những năm này và sử dụng triệt để lợi ích do Đường Thị và nhà họ Hoắc mang lại, bọn họ có thể phát triển thành một công ty lớn mạnh hạng nhất. Trong trường hợp đó, cho dù sau này Đường Thị có đuổi kịp bọn họ trong mảng công nghệ điện tử thì bọn họ cũng không chết quá thê thảm.
Hơn nữa cơ hội luôn tồn tại trong rủi ro, nếu như nhà máy điện tử không suy sụp trong vài năm nữa thì tương lai sẽ vô cùng rộng mở.
Nói một cách dễ hiểu, dù sao lợi ích cũng nhiều hơn rủi ro.
Sau khi hoàn thành công việc ở nhà máy điện tử, Hoắc Khải ngay lập tức gọi cho Cơ Hương Ngưng và gửi một email mới cho những nhà cung cấp.
Nội dung email rất đơn giản, ngày mai bọn họ sẽ có thể thấy nhà họ Cơ đã hợp tác với tập đoàn thương mại quốc tế Đường Thị thông qua quyền phân phối của nhà máy điện tử.
Hợp tác quyền phân phối lần này dựa vào nhà máy điện tử, có thể nói nhà họ Cơ là đại diện. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về rất thấp, nếu buôn may bán đắt thì một năm có khi cũng chỉ lãi vài triệu.
Nhưng thứ mà cả Hoắc Khải và Cơ Hương Ngưng coi trọng không phải là lợi nhuận, mà là bước ngoặt mà sự hợp tác này mang lại cho nhà họ Cơ!
Đúng như dự đoán, chỉ một ngày sau khi email được gửi đi, khi Đường Thị chính thức tuyên bố hợp tác với nhà máy điện tử và dựa vào chi nhánh của nhà họ Cơ để ủy thác quyền đại lý, các ông chủ của những nhà cung cấp đã ngay lập tức tìm đến cửa.