Đến tháng thứ sáu, khi không còn làm thế nào giấu được chuyện mình có mang, Acxinhia mới thú nhận với Grigori. Trước đó nàng vẫn cố giấu vì sợ Grigori không tin rằng đứa con mà nàng đang mang nặng trong lòng là giọt máu của chàng. Sắp đến kỳ sinh nở, nàng vừa buồn vừa lo, mặt vàng ệch và cứ như luôn luôn chờ đợi điều gì. Ngay từ mấy tháng đầu, nàng nhìn thấy những món thịt đã buồn nôn, nhưng Grigori chẳng nhận thấy gì, mà dù có nhận thấy, thì có lẽ chàng cũng không coi đó là một điều đặc biệt quan trọng, vì không đoán được nguyên nhân.
Hai người nói chuyện với nhau vào một buổi chiều. Acxinhia rất cảm động, nàng vừa nói vừa nhìn chằm chằm xem nét mặt Grigori có gì biến đổi không nhưng Grigori cứ quay ra cửa sổ, húng hắng ho một cách bực bội.
- Sao trước đây em chẳng nói gì cả?
- Em sợ, anh Griska ạ… em chỉ lo anh bỏ em.
Grigori gõ gõ ngón tay lên thành giường, hỏi:
- Sắp chưa?
- Em nghĩ có lẽ đến ngày Chúa cứu thế…
- Của Stepan à?
- Của anh.
- Thật thế ư?
- Anh cứ tự tính mà xem… Từ ngày đốn củi ấy mà.
- Đừng nói bậy, Acxiutka! Dù là của Stepan thì bây giờ đem giấu đâu được nào? Anh hỏi thật như thế đấy.
Acxinhia ức quá, nước mắt chảy ròng ròng. Nàng ngồi xuống chiếc ghế dài, nghẹn ngào nói thầm thì nhưng sôi nổi:
- Em đã ăn ở với hắn bao nhiêu năm trời nhưng có gì đâu! Anh cứ ngẫm mà xem! Mà em có phải là một con đàn bà mang bệnh tật gì cho cam… Không con anh thì con ai, thế mà anh…
Grigori không nói thêm về chuyện ấy nữa. Trong thái độ của chàng đối với Acxinhia, từ đó lại có thêm một cái gì mới mới: chàng cứ xa xa lánh lánh như có điều phải đề phòng, và hơi có vẻ thương hại, giễu cợt. Acxinhia thì sống thu mình lại, không đòi hỏi âu yếm vuốt ve nữa. Chỉ qua một mùa hè mà nom nàng tiều tụy hẳn đi.
Nhưng cái thân hình cân đối của nàng hầu như không vì có mang mà bị ảnh hưởng: toàn thân nàng đầy đặn nên vẫn giấu được cái bụng to tròn. Hai con mắt đẹp ra với một ánh ấm áp khác thường làm cho khuôn mặt võ vàng thêm ưa nhìn. Nàng dễ dàng làm xong các công việc phụ bếp nước. Năm ấy thuê ít người làm, vì thế công việc nhà bếp cũng đỡ nặng.
Cụ Xaska quấn quít với Acxinhia với một niềm yêu thương trái chứng của người già. Có lẽ cũng vì nàng chăm nom cho cụ như một người con gái. Nàng giặt quần áo lót, vá quần áo cho cụ, và lúc ngồi ở bàn ăn, dành cho cụ những miếng mềm nhất, ngon nhất. Còn cụ Xaska thì chăm nom ngựa xong lại xách nước vào bếp, sát khoai tây luộc cho lợn, giúp nàng làm mọi việc đâu đó rồi dang hai tay, nhảy cỡn, nhe cặp lợi chẳng còn chiếc răng nào:
- Cô có lòng thương tôi thì tôi không quên ơn đâu! Cô Acxiutka ạ tôi có thể dứt ruột đem biếu cô một chai vodka cũng được. Vì không có bàn tay người đàn bà trông nom, tôi cũng đến đi đời nhà ma. Cô thật có lòng tốt? Hễ cần gì, cô cứ ới lão Xaska nầy một cái là được.
Nhờ có cậu chủ Evgeni Nicolaevich xin xỏ hộ, Grigori được miễn không phải đến trại binh dịch. Công việc của chàng là cắt cỏ, thỉnh thoảng đánh xe đưa lão địa chủ lên trấn, còn thừa thì giờ thì hầu hắn đi săn le hoặc cười ngựa đuổi vịt trời. Cuộc sống dễ dàng, no đủ đã làm chàng hỏng người. Chàng đâm ra lười nhác, béo đẫy ra, nom già trước tuổi. Chỉ có một điều canh cánh bên lòng là sắp phải đi lính đến nơi rồi. Ngựa chẳng có, trang bị thì không, mong chờ cha giúp đỡ thì không chắc chắn. Vì thế tiền công của mình và của Acxinhia, Grigori chắt bóp tằn tiện, cả đến thuốc lá cũng nhịn.
Chàng mong dành đủ tiền sắm được con ngựa mà không phải vác mặt về xin bố. Lão địa chủ cũng có hứa giúp. Grigori đoán trước bố sẽ không cho mình gì cả, điều đó chẳng bao lâu đã được chứng thực.
Cuối tháng sáu, Petro đến thăm em. Trong khi nói chuyện, Petro cho biết rằng bố vẫn còn giận Grigori như xưa và đã nói dứt khoát sẽ không sắm cho chàng con ngựa chiến. Ông lão bảo cứ mặc cho Grigori làm lính địa phương cũng được.
- Không sao cả, ông cụ chớ vội mừng. Em sẽ đi lính với con ngựa của em - Grigori nói dằn hai tiếng "của em".
- Mày định kiếm đâu ra ngựa? Đi nhảy kiếm ra tiền à?
Petro nhai nhai một món ria, mỉm cười hỏi.
- Chẳng cần phải nhảy, không xin được thì ăn cắp.
- Anh hùng nhỉ?
- Em sẽ mua bằng tiền công, - Grigori bắt đầu nói giọng không đùa nữa.
Petro ngồi một lát trên cái thềm nhỏ, thăm hỏi về công việc, tình hình ăn uống, công xá. Nghe nói gì anh chàng cũng gật đầu, một món ria đã nát nhừ luôn luôn nhai trong miệng. Đến lúc chia tay Petro mới bảo Grigori:
- Mày về nhà mà ở thì hơn, vẫy đuôi theo người ta làm gì? Mày hám công xá cao hay sao?
- Đâu phải là đuổi theo đồng tiền.
- Mày có định ở với vợ mày hay không?
- Vợ nào cơ chứ!
- Con hiện nay ấy.
- Vẫn còn định thế, nhưng sao cơ chứ?
- Chẳng sao cả, tao chỉ muốn hỏi cho biết thôi.
Grigori tiễn anh ra về. Cuối cùng chàng mới hỏi:
- Tình hình ở nhà như thế nào hả anh?
Petro tháo con ngựa buộc ở lan can thềm nhà, cười mát:
- Con thỏ có bao nhiêu hang thì mày có bấy nhiêu nhà. Ở nhà chẳng có chuyện gì cả, cuộc sống vẫn như thường thôi. Mẹ buồn nhớ mày lắm đấy. Cỏ khô thì hôm nay đánh đống xong rồi, được ba đống.
Petro hồi hộp nhìn kỹ con ngựa cái già cụt tai mà Petro cưỡi đến.
- Nó chưa đẻ à?
- Không em ạ, chẳng đẻ đái gì cả. Nhưng con ngựa cái màu hạt dẻ lấy giống với con của Khristonhia lại vừa có con.
- Con nó ra sao?
Là một con ngựa con chứ còn sao, cái thằng nầy! Con ngựa ấy thật là vô giá! Chân cao, vó ngay ngắn, ức cũng rất đẹp. Lớn lên sẽ là một con ngựa rất tốt.
Grigori thở dài.
- Em nhớ thôn nhà quá, anh Petro ạ. Em nhớ sông Đông, ở đây thì đến nước chảy cũng chẳng nhìn thấy. Thật là một vùng tởm lợm?
- Cố về thăm nhà nhé, - Petro è è trong họng, tì bụng lên cái lưng có đường sống nhọn của con ngựa và đưa chân phải sang bên kia.
- Có dịp em sẽ về.
- Thôi, anh về nhé!
- Anh đi đường cho khỏe!
Petro đã cưỡi con ngựa ra khỏi sân, nhưng anh chàng chợt nhớ ra, bèn nói to với Grigori đang đứng trên thềm.
- Natalia nó… Anh quên khuấy đi mất… thật tai hại…
Một cơn lốc xoáy tròn trên sân như con diều hâu, làm cho mấy lời cuối câu không đưa được đến tai Grigori. Bụi bị thốc lên như một làn lụa trùm kín cả Petro lẫn con ngựa. Grigori không nghe rõ, chàng xua tay, bước vào tàu ngựa.
° ° °
Mùa hè năm ấy bị hạn. Mưa rất ít, lúa chín sớm. Vừa thu xếp xong xuôi với lúa mạch đen thì đã đến lượt lúa đại mạch vàng hoe như những bãi cỏ trong rừng, với những bông lúa nặng như những bờm tóc Cô- dắc. Bốn người thợ gặt thuê ngày từ nơi khác đến cùng đi gặt với Grigori.
Acxinhia làm công việc bếp nước xong rất sớm cũng xin Grigori cho đi theo.
- Em cứ ngồi ở nhà có hơn không, việc gì phải lẵng nhẵng đi theo như thế? - Grigori cố khuyên nhưng Acxinhia vẫn khăng khăng.
Nàng vội vã chít cái khăn lên đầu, chạy ra khỏi cửa, đuổi theo chiếc xe tải chở mấy người thợ gặt.
Điều Acxinhia sốt ruột mong đợi với cả một nỗi lòng vừa lo lắng vừa sung sướng, cũng là điều mà Grigori băn khoăn lo ngại, điều đó đã xảy đến trong khi gặt lúa. Acxinhia đang cào thì cảm thấy có dấu hiệu, bèn ném cái cào đấy, đến nằm bên một đống lúa. Chẳng mấy chốc nàng bắt đầu thấy đau, cái đau lúc trở dạ. Acxinhia nằm sóng sượt hai hàm răng cắn cái lưỡi đen lại. Mấy người thợ gặt ngồi trên máy gặt quát ngựa cho đi vòng lại, ngay bên cạnh nàng. Một gã còn trẻ, có cái mũi nhòm mồm và những vết nhăn chi chít trên khuôn mặt vàng như gỗ bào, vừa đi qua vừa cho Acxinhia một câu:
- Nầy chị chàng, khéo có cái ấy lại bị nắng thui cháy mất! Đứng dậy đi, kẻo tan ra nước bây giờ!
Grigori bảo người khác coi máy gặt thay mình rồi bước tới bên Acxinhia:
- Em làm sao thế?
Acxinhia nói khàn khàn, môi nàng méo xệch và không theo ý nàng nữa:
- Đau đẻ rồi.
- Đã bảo đừng đi rồi mà, đồ quỷ cái chết tiệt! Nào, bây giờ thì làm thế nào?
- Thôi đừng chửi nữa, anh Griska… Chao ôi? Chao ôi… Anh Griska, thắng ngựa đi! Nếu mà về nhà được… Chao ôi, ở đây em biết làm thế nào bây giờ. Toàn là Cô- dắc 1 cả… - Acxinhia rên rỉ, bụng đau như đánh đai sắt.
Grigori chạy đến chỗ con ngựa đang ăn trên bãi cỏ. Trong khi chàng thắng ngựa và đánh xe tới, Acxinhia lổm ngổm bò sang bên cạnh rúc đầu vào đống lúa đại mạch lầm bụi, hai chân hai tay vẫn chống xuống đất. Nàng đau quá, nhai cả những bông lúa đầy lông rồi lại nhổ ra. Bằng hai con mắt lồi lên, nom lạ hẳn đi, nàng ngơ ngác nhìn Grigori đang chạy tới như không hiểu gì cả, rồi lại rên rỉ cắn chặt cái tạp dề vo tròn, cố không để mấy người thợ gặt nghe thấy những tiếng kêu thất thanh của mình, những tiếng kêu gớm guốc như của thú vật.
Grigori đặt Acxinhia lên xe rồi đánh ngựa trở về trang trại.
- Chao ôi, đừng chạy nữa? Ối trời ơi, chết mất? Lắc ghê gớm thế- nầy! - Acxinhia gào lên, giọng khàn đi, cái đầu rũ rượi lăn lộn trong thùng xe.
Grigori chẳng nói chẳng rằng, chỉ ra roi đánh ngựa. Chàng quay dây cương vù vù trên đầu, những tiếng gào rú phía sau liên tiếp bật ra từng đợt, chàng cũng không quay đầu lại.
Acxinhia đưa hai tay lên ôm chặt lấy má, cặp mắt như hoá rồ, mở thao láo đưa đi đưa lại nom rất man rợ. Con đường còn chưa có nhiều xe chạy cho đỡ mấp mô, nên chiếc xe hết lắc bên nọ lại lắc bên kia, và người Acxinhia cứ nảy bần bật trong xe. Con ngựa phi như bay, cái ách vòng cung trên cổ con ngựa lên lên xuống xuống đều đặn trước mắt Grigori, một đầu cái ách che khuất đám mây trắng loá lơ lửng trên trời nom như một miếng pha lê mài nhiều cạnh. Bỗng Acxinhia ngừng bặt một phút, rồi lại tiếp đó kêu liên tục, có lúc biến thành tiếng rít. Bánh xe quay long xòng xọc, Acxinhia không giữ được đầu của nàng nữa, cứ để nó đập bình bịch vào thành xe. Grigori không nhận thấy ngay sự yên tĩnh đột ngột đó, nhưng rồi chàng cũng cảm thấy thế, bèn quay lại nhìn. Acxinhia nằm với bộ mặt méo xệch, không còn ra hình thù gì nữa, một bên má áp sát vào ván thành xe, miệng ngáp ngáp như con cá bị ném lên bờ, mồ hôi trên trán chảy như suối xuống hai hố con mắt sâu hoắm. Grigori nâng đầu nàng lên, đệm cái mũ nhàu nát của mình xuống bên dưới.
Acxinhia liếc nhìn chàng, nói như tin chắc:
- Anh Griska ơi, em chết mất. Thôi… thế là hết!
Grigori run bắn lên, một cơn lạnh bất thần truyền lan đến tận mười đầu ngón chân đẫm mồ hôi của chàng. Bị xúc động quá mạnh, chàng cố nói một lời khuyên nhủ, một lời âu yếm, mà không biết nói thế nào. Môi chàng cứng lại như bị chuột rút chỉ lắp bắp được mấy lời:
- Chỉ nói lung tung, sao ngu xuẩn thế? Chàng lắc đầu rồi cúi gập xuống, nắn bên chân Acxinhia bị vẹo - Acxinhia, con chim cúc cu của anh!
Cơn đau vừa buông tha Acxinhia được một phút đã quay trở lại ngay, nhưng lần nầy còn hung dữ gấp mười. Nàng cảm thấy bụng mình sụt xuống và trong đó có cái gì sắp bật ra, bèn cong người như một cây cung. Một tiếng kêu mỗi lúc một to, khủng khiếp không sao tả được xuyên vào tai Grigori. Gần như mất trí, Grigori lại đánh ngựa.
Qua tiếng bánh xe quay ầm ầm, chàng chỉ thoáng nghe thấy một tiếng kêu the thé kéo dài:
- Gri- i- ska!
Chàng kéo dây cương, quay đầu lại: Acxinhia đang nằm trong vũng máu, hai tay dang rộng, dưới váy cô một vật gì sống oe oe, ngọ nguậy… Grigori mụ người ra, nhảy luôn xuống đất, bước tới đằng sau xe, nhưng hại chân cứ vướng như bị trói. Chàng nhìn vào miệng Acxinhia. Hơi nàng thở ra nóng hổi. Grigori đoán ra hơn là nghe thấy rõ.
- Anh cắn cuống rau… xé sợi chỉ áo… ra buộc…
Bằng những ngón tay run bần bật. Grigori rứt một nắm sợi ở tay chiếc áo sơ- mi vải thô của chàng rồi nhắm chặt hai con mắt đến đau cả mi, cắn đứt cuống rau, sau đó lấy sợi chỉ buộc thật chặt mẩu thịt máu me đầm đìa.
--------------------------------
1Người Cô- dắc nói chung, trai gái lớn bé tất cả các tầng lớp đểu tự xưng là Cô- dắc để tự phân biệt với những người Nga và người Ukraina ngụ cư. Nhưng đàn bà Cô- dắc lại gọi đàn ông là Cô- dắc, tựa như mình thì không phải. Bọn sĩ quan và ataman các cấp cũng gọi binh sĩ và dân thường là Cô- dắc tựa như mình không phải là Cô- dắc. Đẻ con ra thì con trai gọi là Cô- dắc, còn con gái thì không (ND).