* * *
Bên bờ hồ cẩm lý thuộc khuôn viên Huy Văn Tự (*)
Thu Đào nhìn vào mắt Lê Hạo hỏi:
- Chàng có vì ta mà đi cầu xin Hoàng Thượng rút lại thánh ý không?
Lê Hạo sớm đã biết tin tức, chàng cũng đã định đi gặp Hoàng Thượng nói rõ tình cảm của mình và nhị tiểu thư Thu Đào, mong Nhân Tông sẽ vì tình huynh đệ mà thay đổi ý định. Nhưng lúc vừa định ra khỏi cửa đã bị mẹ là Ngô Tiệp Dư (*) của Lê Thái Tông ngăn cản. Vì nếu dám tranh chấp nữ nhi với Nhân Tông, hai mẹ con bà sẽ nảy sinh mâu thuẫn với triều đình, mối họa bị ám sát để tranh đoạt ngôi vị vẫn còn treo trên đầu, đâu thể vì chuyện này lại thêm một bước dấn thân vào nguy hiểm. Bà lấy mạng sống ra uy hiếp con trai, buộc chàng phải đoạn tuyệt tình cảm với Thu Đào. Lê Hạo phần vì chữ hiếu, phần vì lòng mang chí lớn nên sau khi nghe mẹ can gián, chàng cảm thấy thật sự không thể vì nữ nhi thường tình mà hỏng đại sự, đành chấp nhận hi sinh tình yêu của mình.
Nghe xong câu hỏi của Thu Đào, Lê Hạo quay mặt đi để tránh bị ánh mắt của nàng nhìn thẳng, chàng đáp:. truyện kiếm hiệp hay
- Hoàng Thượng là bậc minh quân hiếm có, nàng sẽ được bình an hạnh phúc cả đời! Nếu có kiếp sau..
Nghe đến đây Thu Đào gào lên:
- Ta không biết việc của kiếp sau, nhưng kiếp này thà chết cũng không muốn gả cho người mình không yêu!
Lê Hạo nhắm chặt đôi mắt, giọt lệ nam nhi rơi xuống. Chàng hạ quyết tâm:
- Là ta có lỗi với nàng! Lệnh vua khó cải, mong nàng hiểu cho ta!
Thu Đào tức giận rút chiếc trâm bạc trên tóc xuống đưa lên mặt nói:
- Chẳng qua Hoàng Thượng yêu thích gương mặt này thôi, nếu ta huỷ đi nó, người chắc chắn chê bai không cần ta nữa. Vậy còn chàng, dù ta có xấu xí chàng vẫn không thay lòng chứ!
Thấy Thu Đào sắp làm điều dại dột, Lê Hạo chạy đến muốn giằng lấy chiếc trâm và nói:
- Nàng thôi trẻ con đi! Đây là việc lớn ảnh hưởng đến tiền đồ của Nguyễn Đại Nhân, đến an nguy của ta và mẫu thân..
- Ta không cần biết!
Thu Đào gào lên và toang dùng trâm bạc rạch mặt.
Lê Hạo hoảng hốt cố chụp lấy tay nàng, nhưng do Thu Đào có võ công nên chàng rất vất vả vẫn chưa đoạt được chiếc trâm nhọn. Một người cố tự làm hại bản thân, một người cố ngăn cản, hai bên giằng co gần mươi hiệp chưa phân thắng bại. Cuối cùng trong lúc bất cẩn Lê Hạo trót ra đòn hiểm, Thu Đào vì né tránh mà sảy chân rơi xuống hồ cẩm lý. Chàng vừa gọi tên vừa đưa tay ra muốn kéo nàng lại nhưng không kịp nữa!
- Thu Đào! Cẩn thận!
* * *
Hà Nội, một ngày hè tháng tám năm 2022.
Triển lãm cổ vật lần này Trà My tham dự được tổ chức tại chùa Thánh Chúa, nằm trong khuôn viên trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội.
Đây là ngôi chùa có lịch sử gần sáu trăm năm, gắn liền với giai thoại về hai vị vua Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông (*). Vốn yêu thích văn hóa lịch sử, Trà My không khỏi hiếu kỳ mà đi thăm thú khắp nơi trong chùa. Từ cổng chính và cổng phụ phía mặt đường Xuân Thủy (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), đi qua các giảng đường của trường chừng hơn một trăm mét là bắt gặp không gian thiền môn, phía trước là tấm biển lớn bằng đá hoa cương đặt ngoài cổng chùa: Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng. Từ bên ngoài nhìn vào chùa nổi bật với thiết kế cổng tam quan (*), giữa sân là hai cây Muỗm hơn 500 tuổi cành lá sum suê, làm tăng thêm nét trầm mặc cổ kính cho ngôi chùa. Trà My vô cùng thích thú ngắm những bức hoành phi trạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng, nhiều tượng Phật uy nghi mang phong cách văn hóa thế kỷ 17, 18.
Vào đến nơi thờ Phật ở thượng điện sâu năm gian, nhìn thẳng vào chính điện, làn khói hương nghi ngút mang mùi trầm thoang thoảng, Trà My bất giác thấy quen thuộc vô cùng, bồi hồi nôn nao khó tả. Tiến vào gần hơn, sau làn khói hương, cô thấy một giá nến hình hoa đào bằng đồng, trông khá lâu đời nhưng được lau chùi sạch sẽ. Bỗng dưng không kiềm nổi hiếu kỳ nên nhìn quanh dò xét, nhân lúc không ai chú ý cô cầm lên xem. Có lẽ do là cổ vật vài trăm năm nên màu đồng không còn sáng nữa, nhưng họa tiết trên đóa hoa vẫn còn rõ nét. Trà My xem mặt dưới của giá nến có khắc chữ Hán "桃" (Đào).
Một vệt nắng chiều chiếu thẳng vào đóa hoa bằng đồng, tia sáng bị giá nến phản chiếu lại hắt vào mắt bất ngờ khiến Trà My bị chói nên xoay mặt tránh đi. Trong phút chốc cô thấy đầu óc quay cuồng như sắp ngất, thầm nghĩ có lẽ do tối qua thiếu ngủ. Lúc mở mắt cô hốt hoảng thấy một vị mặc áo mão màu vàng đứng ngay trước mắt, nhưng lạ lùng thay chỉ là một cái bóng nhạt nhòa xuyên thấu. Cô chết lặng đứng quan sát, bóng dáng ấy sao quá đỗi thân thuộc, đang chấp hai tay khấn nguyện trước bàn thờ Phật, và có vẻ như vị ấy không nhận thức được ánh nhìn của Trà My cũng như sự tồn tại của cô.
Khoảng một phút trôi qua, đủ lâu để Trà My xác định rằng mình không phải đang mơ như bao lần cô tỉnh dậy sau ác mộng. Sau khi thắp hương xong vị ấy xoay người đi ra phía cây Muỗm giữa sân chùa. Trà My lập tức nối gót theo sau, kỳ lạ thay! Cô đang nhìn thấy một chiếc bóng tuy nhạt nhòa nhưng rất chân thực, và xem biểu hiện của những người xung quanh thì chắc chắn chỉ có cô đang nhìn thấy điều thần diệu này. Trà My đuổi theo vị ấy ra đến tận cây Muỗm, quên mất vẫn còn cầm chiếc giá nến hoa đào trong tay. Ngài dừng lại dưới gốc cây, rồi bỗng nhiên giá nến sáng lên một cách kỳ dị dù không bị ánh nắng nào chiếu vào, trong khoảnh khắc Trà My thấy vị ấy quay lại nhìn cô như thể bị theo dõi từ nãy đến giờ nhưng chỉ vừa mới phát hiện ra. Một tiếng sấm vang trời giữa trưa hè nắng gắt. Trà My ngã xuống ngất lịm dưới gốc cây Muỗm.
Không biết đã trãi qua bao nhiêu thời gian..
Mùi của những nén hương lúc sáng vẫn thoang thoảng trong không khí.
Trà My từ từ mở mắt, trời đã tối, xung quanh chỉ có ánh nến lập loè không đủ thắp sáng bất cứ vật gì.
Sau vài phút nằm yên để suy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra, và mình đang ở đâu. Trà My biết mình đã bị ngất lúc sáng khi chưa kịp tham gia buỗi triển lãm. Cô bần thần tự hỏi:
- Đây là đâu? Hôm nay bị mất điện à?
Khi mắt đã quen dần với bóng tối, Trà My nhìn xung quanh một lượt, cô vừa ngạc nhiên vừa có chút sợ hãi. Vật dụng trong phòng đa số bằng một loại gỗ màu đen, trạm trổ cầu kỳ, rèm treo bằng một loại vải mềm có lẽ là màu xám và rất thủ công, chỉ bằng dây vải, chẳng hề thấy móc treo kim loại như ở khách sạn. Màn chắn muỗi cô đang nằm cũng là loại vải mỏng mà cô chưa từng thấy qua, khác hẳn lại vải lưới hay voan vẫn thường dùng ở quê.
Trà My mở to mắt, thử cử động tay chân thì thấy toàn thân ê ẩm, cố hết sức mới nâng được cánh tay lên. Chưa kịp nghĩ tiếp theo sẽ làm gì, thì từ cửa phòng một cô gái hai tay bưng chậu gì đấy bước vào, nhìn thấy Trà My đang cử động, cô gái lao đến phía Trà My và nói to:
- A! Đại tiểu thư tỉnh rồi! Lão gia, phu nhân ơi tiểu thư tỉnh rồi!
Cô đặt cái chậu màu vàng xuống chân giường rồi nắm lấy tay Trà My hỏi:
- Tiểu thư đã tỉnh, cô thấy trong người thế nào?
Trà My nhìn kiểu dáng cái chậu mà không khỏi hoang mang, trông nó giống hệt những cái chậu đồng mà cô từng thấy qua tại các bảo tàng cổ vật thời phong kiến, chỉ là cái này thì mới tinh, sáng bóng, khác hẳn những cổ vật bị rỉ, xỉn màu. Mãi quan sát và suy nghĩ Trà My đã không trả lời cô tì nữ.
Lúc đó, có hai người một nam một nữ trung niên, ăn mặc rườm rà áo mũ như người bước ra từ phim cổ trang nhưng hoàn toàn khác với các bộ phim cô vẫn xem. Người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi nét mặt phương phi, mặc loại áo vạt dài quá gối, có thắt lưng ngang hông, quần ống rộng dài tóc búi gọn trên đỉnh đầu. Người phụ nữ cũng khoảng tứ tuần, vẫn còn nét tươi tắn, chưa nhiều nếp nhăn và gương mặt tròn phúc hậu. Bà mặc loại áo vải lụa mềm màu trắng đục, cũng dài quá mông, quần rộng màu trắng, tóc vấn vội thành bím dài kéo sang một bên, có vẻ bà đang ngủ và vội vàng chạy đến theo tiếng gọi của cô gái.
Phút chốc cả ba người đều đã đến bên cạnh Trà My, người đàn ông đặt tay lên trán cô và hỏi:
- Con thấy sao rồi?
Người phụ nữ cũng ngồi xuống bên cạnh nắm lấy tay cô rơi nước mắt:
- Tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho con khoẻ lại!
Quá hốt hoảng với những gì đang xảy ra, Trà My cố gượng dậy, cô tựa lưng lên gối với sự giúp sức của cô hầu gái, muốn hỏi thật to nhưng sức lực như biến đi đâu hết cả, chỉ có thể thều thào:
- Đây là đâu? Hai người là cha mẹ tôi?
Người phụ nữ nhìn sắc mặt và ánh mắt của Trà My, bà tỏ vẻ hoảng hốt và nắm chặt tay cô khóc nấc:
- Con làm sao vậy, đừng dọa mẹ con ơi!
Cô gái và người đàn ông cũng tròn mắt nhìn Trà My ngạc nhiên tột cùng.
Người đàn ông tiến ngay đến gần và hỏi giọng đầy hoang mang:
- Con làm sao vậy, đến cha mẹ cũng không nhận ra?
Trà My lúc này bối rối tột cùng, đầu óc cứ mơ hồ không phân biệt thực hay mộng, cô ngơ ngác nhìn quanh, chớp mắt nhiều lần, thở sâu, tự nói với bản thân rằng "Hãy tỉnh lại, tỉnh lại", cô đang cố đánh thức bản thân thoát khỏi giấc mộng kỳ quái như bao lần trước.
Trà My một lần nữa thều thào:
- Đây là đâu? Ông bà là ai? Tôi đã bị làm sao? Sao tôi lại ở đây?
Người đàn ông ra lệnh cho cô tì nữ:
- Con mau mời thầy lang sang đây ngay cho ta, nói là tiểu thư đã tỉnh, nhờ thầy sang thăm giúp!
Cô gái chạy đi ngay sau tiếng "Dạ", người phụ nữ ôm chầm lấy Trà My nức nở:
- Con sao vậy con ơi?
* * *
- Boong.. Boong.. Boong! - Ba tiếng chuông chùa vang lên báo đã đúng ngọ.
Lê Hạo ngồi cạnh cửa sổ, chàng mặc áo nâu giản dị, dáng vóc cao lớn, dung mạo uy nghiêm đỉnh đạc. Đặt quyển sách xuống bàn, gác bút lên nghiên mực rồi rót một tách trà, đôi mắt đăm chiêu nhìn vào vô định.
Ngô phu nhân vào phòng sách, bà cũng như Lê Hạo, tuy ăn mặc đơn giản nhưng khó lòng che giấu khí chất sang trọng cao quý của hoàng tộc. Phu nhân nhìn chàng rồi lắc đầu ra chiều tiếc rẻ:
- Mẹ biết con đã rất khó khăn khi lựa chọn rời bỏ Thu Đào! Cũng may ông trời còn thương xót hồng nhan!
Chàng cúi mặt không nói gì, nhưng chỉ một lúc sau không kiềm lòng được lại hỏi:
- Nàng thế nào rồi mẹ?
Ngô phu nhân ngồi xuống nâng tách trà lên uống, chậm rãi đáp:
- Sau khi tỉnh lại nàng ta mất hết trí nhớ, chẳng còn nhận ra ai. Đến bản thân mình là ai cũng không biết!
Chàng lộ vẻ ngạc nhiên:
- Là sao hả mẹ?
Ngô phu nhân lắc đầu thở dài..
* * *
Ở phủ đệ đương kim Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (*).
Trà My ngồi trên giường tựa lưng vào gối, tay cầm miếng bánh đậu xanh, trên mặt bánh có in chữ Hán phồn thể nhưng do vốn phồn thể cũng "khiêm tốn" nên cô chẳng biết là chữ gì. Chỉ ngắm cho vui thôi chứ hiện tại cô chẳng còn lòng dạ gì mà ăn với uống.
Qua lời thuật của cô tì nữ Xuân Mai đã chăm sóc cho Trà My từ đêm qua đến giờ, hiện tại Trà My có tên là Thu Đào, con gái lớn của một vị Điện Tiền Chỉ Huy Sứ trong triều đình, còn có một người em gái song sinh là Thu Hằng. Nghe đến hai chữ "triều đình", Trà My liền ngờ vực hỏi Xuân Mai:
- Hiện giờ nước ta đang là triều của vua nào?
Xuân Mai biết rõ tình trạng như "vừa mới sinh ra hôm qua" của Trà My nên kiên nhẫn giảng giải:
- Đại Việt ta đang là năm Diên Đinh (*) thứ tư, đương kiêm thánh thượng là đời thứ ba của triều ta.
Tuy Trà My là nhân viên quản lý một thư viện lớn của trường đại học, cũng gọi là có một chút kiến thức lịch sử, nhưng mà chỉ bằng niên hiệu thì khó mà nhớ nổi là vị vua triều nào, bèn đánh bạo hỏi thêm:
- Vua Triều ta họ gì?
- Đang là thiên hạ của họ Lê đấy thư tiểu thư! – Xuân Mai vừa rót tách trà cho Trà My vừa trả lời.
Đời thứ ba, triều Lê.. Nghĩ đến đây Trà My bất giác buông ra ba chữ:
- Lê Bang Cơ?
Nghe xong câu nói của Trà My, Xuân Mai mặt xanh như tàu lá hốt hoảng nhào tới đưa tay bịt miệng vị tiểu thư to gan rồi nói khẽ:
- Trời ơi sao cô lại dám gọi tên huý của bệ hạ, nếu ai nghe thấy là mắc phải đại tội đấy!
Trà My gật gật đầu ra vẻ hiểu chuyện, rồi gỡ tay Xuân Mai ra hỏi tiếp:
- Vậy cha ta tên là gì thì có nói ra được không?
- Là Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung đại nhân, thưa đại tiểu thư của tôi! – Câu trả lời phát ra từ cửa phòng.
Một người con gái dáng vẻ mảnh mai bước vào, nàng có dung mạo đoan trang sáng sủa, lại ăn mặc trên người lụa là gấm vóc, thoạt nhìn Trà My đoán đó chính là nhị tiểu thư Thu Hằng mà Xuân Mai đã nhắc đến. Nàng bước đến ngồi xuống bên cạnh Trà My, đưa tay lên trán cô sờ thử rồi than thở:
- Đại tiểu thư của ta, đang yên đang lành sao lại ra nông nỗi này!
Trà My nhìn nàng một lúc rồi quay sang Xuân Mai hỏi:
- Nếu ta đoán không lầm thì đây là muội muội song sinh Thu Hằng có đúng không?
Xuân Mai gật đầu xác nhận.
Thu Hằng nhìn Trà My với ánh mắt ngờ vực, như không tin rằng một người đang bình thường sao có thể mất đi hết ký ức được. Nàng bèn hỏi một câu để thử chị gái:
- Là chàng đã cứu tỷ đưa về đây, khi khoẻ lại chúng ta sẽ cùng đến đa tạ chàng!
Trà My ngơ ngác:
- Chàng nào?
Thu Hằng hết sức bất ngờ trước câu trả lời của chị. Một ý nghĩ thoáng qua rằng, nàng thầm mong cho Thu Đào đúng thật là đã vì bạo bệnh mà mất đi ký ức, mãi mãi cũng đừng nhớ lại chuyện cũ. Thu Hằng tự nhủ:
- Quên đi chàng đối với tỷ tỷ và ta đều tốt cả!
Đoạn, nàng nói cho qua chuyện:
- À, chúng ta có một người bằng hữu cùng nhau lớn lên, chàng và tỷ muội ta học cùng một thầy, có lẽ vài hôm nữa tỷ sẽ có dịp gặp chàng!
Trà My gật đầu thay lời đáp, nhưng trong lòng lúc này đang nghĩ về đại thần Nguyễn Đức Trung. Phút chốc Trà My nhận ra mình đang có cơ duyên kỳ ngộ, bằng một cách thần kỳ nào đó lại đường đường là vị tiểu thư con của một đại thần nổi tiếng trong lịch sử. Nếu tiếp cận được đại thần Nguyễn Đức Trung, cô sẽ có cơ hội tìm hiểu lễ nghi cung đình và vô số điều hay ho khác của thời phong kiến, thậm chí sẽ tìm ra đáp án cho những bí ẩn lịch sử mà đến sáu trăm năm sau - thời đại của Trà My- các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa tìm ra đáp án. Trà My phấn khởi nghĩ thầm:
- Phải nhanh chóng lên kế hoạch tiếp cận "cha" nhanh thôi, chỉ cần xin được chữ do chính tay ông viết thì ở năm 2022 nó sẽ là cổ vật vô giá, không khéo mình sẽ giàu to!
Còn về Thu Hằng, nàng nhìn một Thu Đào mới mẻ đang ngồi trước mắt mà không khỏi ngờ vực:
- Tỷ đã thật sự quên chàng sao? Phải chăng đây là cơ hội để ta tranh thủ chiếm lại tình cảm của chàng?
* * * Hết chương 2----
Chú thích:
(*) Chùa Thánh Chúa là nơi vua Lý Thánh Tông cầu tự sinh được Lý Nhân Tông. Vào triều hậu Lê thì vua Lê Thánh Tông ở để tu hành và lánh nạn trong cuộc chiến tranh đoạt ngôi vua.
(*) Huy Văn Tự: Tên của Chùa Thánh Chúa dưới thời Lê
(*) Ngô Tiệp Dư: Bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao của Lê Thái Tông, từng được Nguyễn Trãi giúp đỡ thoát khỏi mưu hại của bà Thần Phi Nguyễn Thị Anh (Tức Tuyên Từ Thái Hậu), sau được sắp xếp sống tại chùa Huy Văn để lánh nạn và hạ sinh hoàng tử Lê Tư Thành (Tức Lê Thánh Tông sau này) tại đây.
(*) Cổng tam quan: Kiểu thiết kế cổng có ba cửa, cửa lớn nhất ở giữa, hai cổng phụ nhỏ ở hai bên.
(*) Điện Tiền Chỉ Huy Sứ: Chức tổng chỉ huy quân vệ binh của nhà vua. Lúc bấy giờ do đại thần Nguyễn Đức Trung đảm nhiệm.