• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Theo kế sách Lê Hạo nghĩ ra lúc nghe được câu "đích thân chịu trách nhiệm" của Thu Đào, Nhân Tông đã hạ chỉ cho Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân làm chỉ huy đạo quân ngự tiền bảo vệ Hoàng Đế trong lúc thân chinh đánh giặc, vạn nhất vua có xảy ra mệnh hệ gì thì Nghi Dân phải đích thân chịu trách nhiệm, nhẹ thì tước bỏ chức vị giáng làm thứ dân, nặng thì lấy đầu đền tội. Như thế thì dù có ý đồ hành thích vua đi nữa Nghi Dân cũng không dám ra tay, trái lại còn phải dốc sức bảo vệ để mong giữ lại cái mạng.

Nghi Dân một mình trong thư phòng, tay run run cầm thánh chỉ mà đọc. Xong hắn tức giận vò nát chiếu chỉ rồi ném xuống đất đánh "phịch" một tiếng, nghiến răng ken két:

- Mẹ con ả độc phụ đúng là mưu mô quỷ quyệt! Nhất định có một ngày các ngươi phải quỳ dưới chân ta xin tha mạng!

Âm mưu đoạt mạng vua của Nghi Dân lần này kể như đã thất bại hoàn toàn, hắn tự biết bản thân căn cơ chưa đủ sâu dày, binh quyền trong tay chưa mạnh, nhất thời không thể thâu tóm hết lực lượng các đạo quân của triều đình, muốn quân lính nghe lệnh thật là khó hơn lên trời. Vì thế Lê Nghi Dân quyết định chuyển hướng lập mưu thao túng bằng được đội Cấm Vệ Quân (*) ở kinh đô, đặc biệt là Điện Tiền Vệ dưới tay Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung.

Lê Nghi Dân đang vò đầu bứt tai nghĩ hết mưu này kế kia, hòng đạt được dã tâm, thì tiếng đẩy cửa phòng ken két làm hắn phải quay mặt ra nhìn:

- Bọ ngựa bắt ve, chẳng ngờ sau lưng mình có con chim sẻ, con đừng nên chỉ lo tính mưu tấn công mà quên mất đề phòng.

Bà Dương Thị Bí – mẫu thân của Lê Nghi Dân bước vào lớn giọng nhắc nhở. Bà nhìn con trai một lúc rồi nói tiếp:

- Đường đường là Lệ Phi đắt sủng nhất hậu cung và đương kiêm Thái Tử mà ả cũng có thể dùng quỷ kế hãm hãi, khiến mẹ con ta ra nông nỗi như hôm nay, con nhất định không bao giờ được quên sau lưng Hoàng Thượng còn có ả ta! Con muốn tiên hạ thủ vi cường, chắc chắn ả ta đoán biết được rồi!

Nghi Dân nghe lời mẹ nói có lý, hai mắt đảo qua đảo lại suy nghĩ. Đoạn nắm chặt nấm đấm mà nện xuống bàn, nghiến răng:

- Thù này không trả, ta sẽ không mang họ Lê!

Dương Thị chầm chậm ngồi xuống bàn, rót một tách trà uống, đoạn cười nham hiểm nhìn Nghi Dân:

- Lần này con phải bảo về Hoàng Thượng thật tốt, nếu được càng phải hi sinh bản thân để chứng minh trung nghĩa, lấy được lòng dân và chúng quầng thần..

Bà bỏ lửng câu nói, mắt nheo nheo nhìn ra cửa sổ, rồi bất chợt giằng mạnh tách trà xuống bàn đánh "bốp", giọng uất hận nhấn nhá từng chữ một:

- Ta không tin giọt máu đào của Thái Tông (*) lại không thắng được tên nghiệt chủng của ả! Dám làm loạn huyết thống hoàng thất, tội đáng xử lăng trì (*)!

* * *

Lê Tuấn trầm mặc đứng trước bộ áo giáp mình sẽ mặc ra chiến trường một lúc lâu, rồi quay sang Đào Biểu dặn dò:

- Trong lúc Trẫm không ở đây, ngươi phải chăm sóc mẫu hậu thật tốt. Còn nữa..

Chưa đợi chàng kịp nói thêm, Đào Biểu đã nhanh nhảu thưa:



- Hoàng Thượng xin hãy an lòng, thần sẽ ngày ngày cho người đến phủ Điện Tiền thăm hỏi và theo dõi vết thương của Nguyễn Mỹ Nhân!

Lê Tuấn cảm động gật đầu, xong nhẹ nhàng đặt tay lên vai Đào Biểu cảm kích nói:

- Đào Công Công, từ nhỏ đến giờ chỉ có ngươi là hiểu lòng Trẫm nhất, luôn luôn bên cạnh lúc Trẫm cô đơn nhất! Ông cũng phải giữ gìn sức khoẻ, đợi Trẫm trở về!

- Xin Hoàng Thượng bảo trọng long thể! – Đào Biểu ôm lấy cánh tay Lê Tuấn phủ phục xuống đất nức nở.

Lê Tuấn vỗ vỗ nhẹ vai ông ta an ủi:

- Đừng như vậy mà! Trẫm đâu phải là một đi không trở lại, có mấy vạn người xung quanh bảo vệ cho Trẫm, ông lo cái gì chứ?

Tuyên Từ Thái Hậu từ ngoài cửa đột ngột xuất hiện giống như bao lần bà vẫn như thế:

- Đào Biểu lo lắng là đúng, bởi vì người lãnh binh bảo vệ cho con lần này là kẻ luôn muốn dồn con vào chỗ chết!

Đào Biểu cũng như bao lần, đứng dậy vái chào Thái Hậu rồi lui ra.

Lê Tuấn hành lễ chào mẫu thân, rồi chàng dùng ánh mắt nghiêm nghị nhìn thẳng vào Thái Hậu chất vấn:

- Nhi thần dám hỏi Thái Hậu, việc Lạng Sơn Vương gặp đạo tặc có phải là do người sắp đặt?

Thái Hậu cười lớn rồi đanh mặt trả lời:

- Lần này đạo tặc không làm hại được hắn, chắc chắn lần sau người bị vây hãm là con đó!

Lê Tuấn thở dài, hết lời thuyết phục mẫu thân:

- Mẫu hậu! Nhi thần đã nói tự sẽ có cách rồi mà! Người thấy không, lần này đại ca làm sao dám đem mạng của cả nhà ra đùa, chắc chắn huynh ấy sẽ dốc sức bảo vệ nhi thần! Mong mẫu hậu đừng tự ý làm càn, dù sao cũng là huynh đệ cùng chung huyết thống, hà tất phải tuyệt tình như thế!

Tuyên Từ Thái hậu nghe xong thì im lặng hồi lâu, bà biết chắc chắn đây không phải kế sách do tự mình Lê Tuấn nghĩ ra, hẳn phải là do một người đa mưu túc trí, luôn có lòng phòng vệ kẻ khác như Lê Hạo nhắc nhở. Bà suy nghĩ thế nào cũng không thể yên tâm về vị vua quá nhân từ, lòng dạ đơn thuần như Nhân Tông được. Mặc cho bà năm lần bảy lượt khuyên giải, đứa con này vẫn nhất quyết không có lòng đề phòng bất cứ người nào, bà chỉ còn cách vì con mà mang tiếng tàn nhẫn. Tuyên Từ Thái Hậu quay mặt lại nhìn Lê Tuấn nói:

- Người nghĩ ra kế sách tương trợ cho con chắc chắn là kẻ thông minh hơn người, ở cạnh một người như thế con không sợ bị bán đứng thì mẹ đây cũng hết cách. Rồi sẽ có ngày con hiểu được điều mẹ lo lắng là đúng! Nghi Dân là mối họa trước mắt, còn hậu họa.. chính là kẻ con xem là huynh đệ một nhà đấy!

Xong bà phất mạnh tay áo, một mạch hướng ra cửa bỏ đi.

Lê Tuấn trông theo mẹ mà đau lòng vô cùng, chàng biết người lúc nào cũng lo lắng gìn giữ ngôi vị cho mình, nhưng điều đó không có nghĩa là nên tàn hại huynh đệ thủ túc. Bao năm nay mặc cho chàng khuyên giải và nhiều lần chứng minh Lê Hạo cùng Nghi Dân thực sự đối đãi tốt với mình, Thái Hậu vẫn khăng khăng đòi triệt hạ hai người anh của chàng. Nhất là Lê Hạo, tuy được phong Bình Nguyên Vương, phong đất cai quản nhưng vẫn không màn danh lợi mà đồng ý cùng Ngô Tiệp Dư ẩn thân nơi cửa Phật, chỉ ngày ngày bên cạnh vua âm thầm hiến kế chống lại kẻ gian, ổn định giang sơn, dù trời có sập xuống thì Lê Tuấn vẫn một lòng tin tưởng Lê Hạo.

- Mẫu hậu! Tại sao người cứ nhất định ôm lấy nghi ngờ thù địch vậy? – Chàng lắc đầu ngao ngán than.

Thái hậu bỏ đi được một lúc thì Đào Biểu khẽ khàng bước vào, hai tay dâng lên tách trà sâm cho vua giải tỏa mệt nhọc. Đào Biểu theo hầu Nhân Tông từ tấm bé, thái độ ông ta lúc nào cũng ân cần chu đáo hầu hạ, trước giờ luôn rất hiểu thánh ý, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn, quả thật xứng với hai chữ "tâm phúc" của vị hoàng đế trẻ.

Lê Tuấn đến bàn phê duyệt tấu chương, ngồi chống cằm nhìn một lúc lâu lên bức tranh chàng tự vẽ chân dung Thu Đào đang dang dở, đoạn chàng mỉm cười cầm bút lên rồi tiến đến bên bức tranh mà vẽ tiếp.

Đầu bút múa lượn trên nền vải trắng tinh, nét thanh nét đậm kết hợp khéo léo, dần dần ánh mắt, đôi môi, mái tóc của Thu Đào được phát thảo gần như hoàn chỉnh. Bức tranh Lê Tuấn vẽ nàng trong dáng điệu đang đá quả cầu lông chim, thần thái tươi tắn, nét mặt tinh nghịch đáng yêu, khác hẳn với vẻ đoan trang hiền thục trong bức tranh chân dung mà Nguyễn Đức Trung dâng lên.

- Đây mới chính là nàng! – Lê Tuấn hài lòng nhìn ngắm bức tranh và tự nhủ thầm.

Xong chàng nhìn sang Đào Biểu căn dặn:

- Mùa thu sắp đến, ngươi hãy thay Trẫm chuẩn bị phòng tân hôn, căn dặn Ngự Thiết Phòng (*) chế tác những vẫn dụng trang trí đều phải có hình hoa đào cho Trẫm!



* * *

Sáng hôm sau là đến ngày hành quân đến Bồn Man để dẹp dư đảng Bí Cai, Nguyễn Đức Trung lại đưa vợ và hai con gái đến Huy Văn Tự thắp nhang cầu bình an. Khác hẳn với Thu Hằng luôn tỏ ra hiếu thảo hiểu chuyện, lúc nào cũng bên cạnh cha mẹ và Ngô phu nhân rót nước hầu trà, sau khi lạy Phật Thu Đào lại lấy cớ muốn đi dạo chơi mà tiếp tục thăm dò các ngóc ngách trong chùa hòng tìm thấy giá nến hình hoa đào. Nàng lại ra trước cổng mà nhìn vào toàn cảnh ngôi chùa, cố tưởng tưởng ra vị trí của căn phòng thờ nhỏ đó.

- Ba cây muỗm ở đây.. Chính điện ở đây.. đi qua dãy phòng ở tay phải.. - Thu Đào nhắm mắt lẩm bẩm.

Lúc mở mắt ra nhìn về hướng đã nghĩ ra trong đầu thì vẫn chỉ thấy có mỗi dãy phòng của Lê Hạo mà thôi! Nàng thất vọng thở dài:

- Có lẽ ở thời điểm này căn phòng đó chưa được xây lên chăng? Giá nến hình hoa đào ơi, tao biết đi đâu tìm cho ra mày đây? Có đúng là ánh sáng của mày đã mở cổng thời gian đưa tao đến nơi này không? Làm sao có thể trở về được đây?

Suy nghĩ nát óc vẫn không biết nên làm thế nào, Thu Đào đành thất thểu theo cha mẹ hồi phủ, suốt dọc đường lòng nàng không thôi nghĩ về dãy nhà nơi có thư phòng của Lê Hạo và căn phòng thờ Phật có chiếc giá nến ở chùa Thánh Chúa. Xét về vị trí thì đúng là nơi ấy, còn xét về kiến trúc phòng ốc thì gần như là không liên quan gì nhau cả.

Thu Hằng ngồi chung với chị trên cổ xe ngựa, từ nãy đến giờ vẫn chú ý đến nét suy tư trên gương mặt Thu Đào, bèn hỏi:

- Mỗi lần đến Huy Văn Tự đều thấy tỷ nghĩ ngợi không vui, có phải là vì chàng không?

Thu Đào nghe xong liền thật thà giải thích:

- Không phải đâu, chỉ là..

Nói đoạn nàng phân vân không biết phải kể như thế nào với em gái, chỉ đành hỏi một cách không đầu đuôi:

- Thu Hằng à, ta có một việc muốn hỏi..

Thu Hằng liền gật đầu đồng ý. Đoạn Thu Đào nói tiếp:

- Từ bé đến giờ muội thường xuyên lui tới Huy Văn Tự, muội có từng nhìn thấy chiếc giá nến nào có hình hoa đào không? Nó là một chiếc giá nến có ba chân đỡ lấy một đóa hoa đào bằng đồng ấy!

Thu Hằng rất đổi ngạc nhiên không hiểu vì sao tỷ tỷ lại muốn tìm cái vật ấy, rồi cho rằng Thu Đào lại đang muốn bày tỏ nghịch ngợm gì chăng? Hết lồng đèn ông sao lại đến giá nến hoa đào! Tuy thế nàng ta vẫn đáp rằng:

- Muội chưa nhìn thấy chiếc giá nến nào như vậy cả, ở chùa chủ yếu là những loại giá nến đơn giản thôi, hiếm khi có hoa văn gì đặc biệt!

Thêm một lần nữa thất vọng, Thu Đào chỉ "ờ!" một tiếng hững hờ, rồi lại tiếp tục theo đuổi ý nghĩ của riêng mình.

Buổi tối hôm ấy, phu nhân của Nguyễn Đức Trung đoán biết trên đường hành quân chắc chắn gian khổ thiếu thốn, nên bà đã lệnh cho gia nhân chuẩn bị bàn tiệc đầy đủ rượu thịt các món để cả nhà cùng ăn một bữa cơm ngon trước khi ông ra trận. Lần đầu tiên Thu Đào được biết cảm giác trong gia đình có người sắp sửa phải ra đầu sóng ngọn gió, có nguy cơ hi sinh cả tính mạng, không khí trầm lắng nặng nề. Trên bàn đầy ắp những món ngon nhưng không ai buồn động đũa, chốc chốc chỉ nói dăm ba lời căn dặn, vài lời chúc bình an. Đến cả Thu Đào cũng cảm thấy xót xa khi nhìn Nguyễn Đức Trung – Người cha hiện tại của mình mặt mũi cứ đâm chiêu, ánh mắt nhìn xa xăm, thỉnh thoảng lại thở dài ngao ngán. Thu Đào lấy làm lạ bèn đánh bạo hỏi cha:

- Trận đánh này có lớn không cha, quân ta có phần thắng nhiều không?

Nguyễn Đức Trung nhìn con gái, hiền lành đáp:

- Con còn nhỏ chưa hiểu đại sự. Trận đánh này tuy nhỏ, quân ta mười phần chắc thắng cả mười. Nhưng điều cha lo lắng không phải là dẹp giặc, mà là bảo vệ Hoàng Thượng..

Ông bỏ dở câu nói vì không biết giải thích thế nào về quốc gia đại sự, làm sao để nói cho rõ những đấu tranh ngấm ngầm chốn thâm cung cho đứa con gái chỉ mới mười lăm tuổi hiểu được. Bèn nâng ly uống một ngụm rượu, rồi bảo vợ con cứ yên tâm dùng bữa, vì ông nhất định sẽ bình an trở về. Thu Đào vốn tính hiếu kỳ, bèn cố gặng hỏi thêm:

- Bồn Man hiện giờ có phải là vừa mới sát nhập với Đại Việt ta, và do dòng họ Lư Cầm làm thủ lĩnh đúng không cha.

Nguyễn Đức Trung giật thót vì kiến thức của con gái, ông tròn mắt gật đầu:

- Phải! Con cũng hiểu biết lắm đấy!



Thu Đào đắc ý khoanh tay trước ngực nói tiếp:

- Thưa cha, con có cách khiến quân ta không tốn một binh một tốt vẫn có thể bắt được dư đảng Bí Cai, làm cho dòng họ Lư Cầm một lòng quy hàng Đại Việt!

Nguyễn Đức Trung và cả gia đình trố mắt nhìn Thu Đào vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc. Rồi cũng hiểu việc đại sự không thể nói tuỳ tiện, sau bữa cơm, Thu Đào mời riêng cha về thư phòng để trình bày sách lược. Dựa vào những kiến thức lịch sử từng đọc được trong lúc làm nhân viên quản lý thư viện, cộng thêm việc hay xem chương trình bình luận về các vấn đề chính trị của các sử gia khi nghiên cứu về văn hóa nước ta, từng câu từng chữ Thu Đào nói ra đều mượn lời bình của những bậc sử gia lừng danh như Trần Trọng Kim, Phan Huy Chú vv.. khiến Nguyễn Đức Trung nghe đến đâu liền gật gù đến đấy vì quá hợp lý. Ông tự nhủ sẽ bẩm tấu với Nhân Tông ngay ngày mai lúc trên đường hành quân. Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi như mong đợi, chẳng những thủ lĩnh Bồn Man là Lư Cầm sẽ tự nguyện quy hàng, tránh được một trận can qua, mà vì thế vua cũng sẽ sớm ngày hồi cung mà tránh được nguy hiểm rình rập bên mình nơi chiến trường.

* * *

Mặt trời chưa ló dạng nhưng ánh sáng buổi bình minh đã soi tỏ tường năm cánh cổng Nam Môn.

Sau khi nghe kế sách của Nguyễn Đức Trung, Nhân Tông cũng nhận được cái gật đầu của Lê Hạo, bèn lập tức viết thánh chỉ chiêu hàng, dùng tuấn mã thần tốc mang đến Bồn Man trước, đoàn quân do vua làm chủ soái sẽ tiếp bước theo sau. Nhược bằng chiêu hàng thất bại, thì từng ấy quân lính cũng đủ để san bằng cả Bồn Man và tàn dư của nghịch tặc Bí Cai.

Một vạn quân tiền vệ phất ngọn cờ chữ "黎(Lê)" kiêu dũng đi đầu, tiếp theo là hai vạn quân xếp hàng ngay ngắn, bước chân đều đặn giẫm xuống làm rung chuyển cả mặt đất. Xa giá của Nhân Tông đi tiếp theo sau, vua ngồi trên tuấn mã Truy Phong - Cái tên do Lê Tuấn đích thân đặt cho nó, chàng mặc áo giáp oai phong, bên trái là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, bên phải là Bình Nguyên Vương Lê Hạo cùng Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung. Đoàn quân sĩ khí ngút trời, nhằm Bồn Man thẳng tiến.

Bí Cai vốn là vua Chiêm Thành từng quấy nhiễu bờ cõi Đại Việt vào năm 1446, lúc đó Nhân Tông còn nhỏ tuổi, Tuyên Từ Thái Hậu buông rèm nhiếp chính đã ra lệnh chinh phạt Chiêm Thành, dẹp yên bờ cõi. Bí Cai bại trận trước quân ta và bị bắt sống, Nhân Tông nhân từ đã hạ lệnh thả tù binh về cố quốc, Bí Cai chẳng những không biết ơn tha mạng lại còn lẻn đến Bồn Man vốn đã xin hàng Đại Vệt để sách động dòng họ Lư Cầm tạo phản. Lúc ấy, triều đình Đại Việt hạ chiếu chiêu hàng, hứa rằng nếu thủ lĩnh Bồn Man giao nộp nghịch tặc Bí Cai sẽ được phong hầu phong tước, dòng họ Lư Cầm đời đời được làm thủ lĩnh Bồn Man dưới sự bảo hộ của Đại Việt. Nếu nghịch ý vua Lê thì một ngọn cỏ cũng sẽ bị vó ngựa Đại Việt nghiền nát.

* * *

Thu Đào là một người đến từ tương lai nên đã sớm đã biết kết cục của trận đánh, chỉ có điều tại thời khắc này đây, nếu xét về logic thì chính nàng là người đã có công lớn trong việc dẹp trừ loạn đảng! Thật là oai phong làm sao! Thời khắc huy hoàng lúc thủ lĩnh Lư Cầm giơ tay đầu hàng sao nàng có thể dễ dàng bỏ qua được? Bằng mọi giá nhất định phải được chứng kiến mới thõa lòng! Nghĩ là làm, từ đêm qua Thu Đào đã chú ý đến đoàn nữ tuỳ tùng hơn hai mươi người nhận nhiệm vụ phải theo hầu cho cha trong lần ra trận này, lợi dụng lúc họ tất bật chuẩn bị đồ đạc, Thu Đào cố tình đội mũ to lùm xùm không cho ai nhìn rõ mặt, khéo léo trà trộn vào, trót lọt theo đoàn người ra khỏi phủ Điện Tiền.

Hành quân gian khổ, các tướng lĩnh có chức vị thường mang theo người hầu, các nữ quân nhân để lo việc cơm nước hầu hạ cũng là điều dễ hiểu.


Người đông hỗn tạp, chẳng ai để ý đến trong đoàn người hậu phương có đại tiểu thư Thu Đào cải trang thành nữ tì của phủ Điện Tiền đang ngoan ngoãn xếp hàng ngay ngắn, một bước rồi một bước nối gót theo sau đoàn quân.


* * * Hết chương 15 ----


Chú thích:


1. (*) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Đại Việt Thông Sử: Cấm Vệ Quân ở kinh đô thời Lê Sơ bao gồm Kim Ngô Vệ, Cẩm Y Vệ, Hiệu Lực Vệ, Thần Vũ Vệ, Điện Tiền Vệ, Thuần Tượng Vệ, Mã Bế Vệ.


2. Thái Tông (*): Chỉ vua Lê Thái Tông.


3. (*) Lăng trì: Hay còn gọi là"tùng xẻo', thứ hình phạt tàn khốc thời phong kiến, giết phạm nhân bằng cách cắt chân tay, xẻo từng miếng thịt cho chết dần.


4. (*) Ngự Thiết Phòng: Bộ phận chuyên làm nhiệm vụ trang hoàng cung điện cho vua. Đây là thuật ngữ riêng của tác giả dựa trên việc tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, không phải là thông tin chính thức được ghi trong các tài liệu sử học.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK