Lang tướng Nguyễn Căn dừng cương trước cổng nhà. Chàng đang vâng lệnh tướng quân chiêu thảo sứ Lý Kế Nguyên đi thị sát các chiến thuyền trên sông Bạch Đằng thì bỗng được tin cha gọi về khẩn cấp. Chàng không biết có chuyện gì. Tuy nóng lòng gặp mặt cha, chàng không thể dừng lại đứng ngắm tòa dinh cơ uy nghiêm bề thế, bốn bề cổng kín tường cao của dòng họ chàng. Chàng bồi hồi nhớ lại những buổi chơi đêm về khuya đợi cổng đến hàng giờ. Thời ấy chàng còn là một trang thiếu niên công tử hào hoa, phong nhã vào bậc nhất ở kinh thành. Và suýt chàng đã trở thành phò mã...
Chàng bước đến, trở đầu roi ngựa nện chan chát vào hai cánh cổng lim đóng im ỉm. Hồi lâu mới có tiếng bước chân rón rén ở bên trong, rồi một con mắt dò xét nhòm qua khe hở tiếp theo một tiếng kêu mừng rỡ của người gia nhân già: - Công tử về rồi! cổng vừa mở, chàng đã hỏi nhanh: Cha ta có nhà không?
- Dạ, cụ ông có ở nhà ạ.
Chàng trao cương cho lão gia nhân dắt ngựa vào tàu rồi đưa mắt nhìn quanh. Mái ngói lợp vẩy cá võng xuống cong lên chót vót làm ngôi nhà chính thêm phần cao lớn uy nghi. Hàng rào lưỡi long nằm phục dài theo dãy tường ngoài thè ra những lưỡi gai tua tủa. Tất cả đều ổn đinh, bình an, thân thuộc. Bước về nhà, chàng cảm thấy mọi lo âu phiền toái ở ngoài đời như đều trút lại đằng sau lưng.
Lòng thư thái, chàng thả bước trên con đường lát sỏi rợp bóng cây lần theo dãy hành lang mé đông phòng rồi đi thẳng vào hậu dinh.
Quan Thái Bảo Nguyễn Châu đang ngồi trầm ngâm trước chén trà đã nguội. Tuy đang mùa oi bức, các rèm cửa nặng nề chung quanh vẫn không được cuốn lên, bên trong còn buông thêm một lần sa mỏng. Những hơi nồng lửa hạ vì thế mà bị chặn đứng bên ngoài. Khí lạnh ẩm ướt lâu năm từ lòng đất sâu tỏa ra mát lạnh. Bốn cụm đèn lồng phất lụa kín đáo đặt ở các góc nhà xua tan bóng tối lờ mờ và hơi ấm la đà quyện trên mặt sàn gỗ. Nơi đây là căn phòng mật của quan Thái Bảo. Không một ai dám bén mảng đến kể cả thê thiếp trong nhà.
Quan Thái Bảo ngồi như thế đã lâu, chốc chốc lại lơ đãng đưa tay di chén nước sang một bên như đẩy một quân cờ. Cho đến lúc Nguyễn Căn đánh tiếng ở bên ngoài ông mới chợt ngẩng mặt lên vội vã đi ra kéo tay con vào ngồi trên sập.
Từ lúc Nguyễn Căn rời nhà đi Vạn Xuân lần này chàng mới vào lại gian phòng kín của bố. Tất cả vẫn nguyên như trước. Vẫn cái án thư đồ sộ sơn son thiếp vàng với thỏi mực xạ hương to tướng nằm trên chiếc nghiên sọ ngựa. Vẫn những ngọn đèn lồng trong suốt bốn bề. Nếu đưa tay kéo bức tường gấm dày ở đằng cuối gian, sẽ thấy cái giường chân quì với bức màn the diềm kim tuyến. Có điều là trên cái kỷ dài bây giờ kê sâu vào góc tường ngoài các tứ sâm nhung quế phụ thông thường có để thêm hàng chục lọ sứ men ngọc xanh đựng các vị thuốc quí. Chàng cảm thấy như tuổi bố scangf cao thì đội ngũ các lọ thuốc bổ này ngày càng đông đảo thêm lên. Chàng biết các vị thuốc ấy được đưa từ nước ngoài theo lối cổng sau vào nhà bố. Nhưng có điều chàng không biết hoặc không dám biết là lọ thuốc càng tăng thì số hầu non của bố cũng vào lối cổng sau tăng theo, dãy tây phòng cứ dài ra mãi.
Thấy Nguyễn Căn chăm chú nhìn vào các lọ thuốc, Thái Bảo đứng dậy dẹp khay trà, cầm nậm ngọc đi lại bên chiếc kỷ. Ông nhấc một lọ lên ngắm nghía rồi tặc lưỡi để xuống. Con trai ông đang độ thanh xuân cường tráng chưa phải tuổi dùng loại rượu này. Ông chọn một lọ khác nhấc lên. Nguyễn Căn liếc xéo mắt thấy trên tờ hồng đơn dán ở ngang bụng lọ ba chữ: "Bách hoa tửu". Chiết rượu xong ông nghiêng nậm ngọc rót dần vào cốc. Vừa nhấp vào mồm, Nguyễn Căn đã cảm thấy hơi men nóng sực chạy lồng trong bảy khiếu, cánh mũi chàng phập phồng ngào ngạt hương thơm.
Xong tuần rượu, Thái Bảo nhìn con chậm rãi hỏi:
- Con đã gặp hai thái tử Hoàng Chân và Chiêu Văn chưa?
- Dạ, con đã gặp rồi ạ!
- Đã nói được chuyện gì chưa hả?
Nguyễn Căn đỏ mặt vì rượu hay vì ngượng, cúi đầu nói khẽ:
- Con chưa dám thổ lộ gì cả.
- Nước đã đến chân mà con cứ chần chừ. Phải lựa lời mà nói cho hai thái tử hiểu rõ hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu dòng họ Lý.
- Dạ, con mấy lần chực mở miệng sao cứ ấp a ấp úng. Con tiếc là con chưa theo được cái tài của bố.
- Tài giỏi gì. Chẳng qua là cậu chưa biết nhục!
- Dạ, thưa bố, nhục gì ạ!
- Đến bây giờ mà cậu còn mở miệng hỏi bố à? Trời ơi! Họ đã bày mưu chia uyên rẽ thúy phá đám một cuộc nhân duyên tốt lành nhất của dòng họ ta. Trơ trẽn đến thế mà con không biết nhục ư?
À ra bố chàng nhắc lại chức phò mã hụt của chàng. Chuyện ấy chàng đã quên khuấy từ lâu mà mối tình chàng đối với công chúa Thiên Thành cũng đã phai nhạt ngay từ dạo nọ. Không phải chàng không muốn trả đũa, nhưng mỗi khi chợt nghĩ đến cái thần thái uy nghi của Thái Úy, ý định kia lại tiêu tan.
- Thưa bố, mối nhục kia con đâu dám quên - chàng đành lựa lời nói cho vừa lòng bố - Nhưng thế lực của họ mạnh lắm.
- Ai không biết họ đang nắm cả ba quân trong tay nhưng thời thế đã xoay đổi rồi. Dây cương chính sự đã lọt vào tay Thái Hậu và quan Tể Chấp - Biết rõ tính con mình hay nhu nhược, chìm nổi theo đời, không có quyết đoán, ông nói tiếp gằn giọng từng tiếng một "- Hay nếu cậu nhát gan ngoảnh mặt làm lơ mối nhục này thì hãy để bố cậu nhận thay mà rửa nhục hộ cho cậu".
Thử tưởng tượng giá Thái Úy Lý Thường Kiệt có mặt ở đây mà nghe được câu này thì ông sẽ kinh ngạc sững sờ đến đâu. Bởi lẽ ngày đó Thái Bảo đã rót vào tai Thái Úy với thái độ vô cùng hòa nhã: - Thôi Thái Úy ạ, ý muốn của Thánh Thượng là ý trời, xin Thái Úy đừng lấy làm điều. Thằng con của lão phu ăn chơi phóng đãng không cân đôi xứng lứa với công chúa đâu. Và Thái Úy đã tin lời nói ấy. Mà Thái Úy tin là có sở cứ. Quan Thái Bảo vốn được tiếng là người biết điều, tính tình điềm đạm không hay mua thù chuốc oán cùng ai. Hơn nữa mỗi khi giữa các vị đại thần có xảy ra điều bất hòa thì y như ông đứng ra làm người trung gian hòa giải. Ông bỏ công đi lại nhỏ to dàn xếp và chẳng ai hiểu vì sao kết quả dẫn đến mối hiềm thù giữa họ càng sâu sắc thêm lên. Song có điều đáng ngạc nhiên là không ai có chút mảy may nghi ngờ đức độ của ông và cả hai bên đều hài lòng về ông vì họ cảm thấy như ông đứng về phía họ. Thuật đối nhân xử thế thần tình của ông quả đã đạt đến mức khôn khéo tinh vi huyền ảo. Có lẽ ngoài quỷ thần không một ai thấy nổi ngón trò xui nguyên giục bị, ném đá giấu tay cực kỳ kín nhẹm của ông. Bởi vậy, khi ông nói sẽ ra tay rửa nhục cho con, chính ông tự thấy đó là điều không thực. Với tài kín đáo mượn tay kẻ khác, ông đâu cần phải nhấc tay. Không hiểu rõ điều ấy, lang tướng Nguyễn Căn chắp tay ngập ngừng lo lắng hỏi bố:
- Thế bố bảo con phải làm thế nào?
- Con chỉ có mỗi việc ngồi trên thuyền cầm tín bài đưa người ta ra khỏi cửa sông Bạch Đằng.
Ôi! Công việc dễ dàng quá, có gì nguy hiểm đâu. Nguyễn Căn thấy nhẹ cả người.
- Bố bảo thế nào con xin làm đúng thế. Nhưng người ấy là ai vậy bố?
- Người ấy con chưa cần biết. Chỉ biết ông khách cùng ngồi thuyền với con cũng chẳng lạ lẫm gì. Ông ta hiện đang có mặt ở đây.
Nói xong, Thái Bảo đứng lên dắt tay con ra phía nhà ngoài.
Ngôi dinh thự của quan Thái Bảo chia ra thành hai phần riêng biệt dường như có hai bộ mặt khác nhau. Phía trong thì cực kỳ kiêu sa hoa lệ. Trái lại, ở sảnh ngoài vẫn giữ nguyên vẻ thanh bạch nho nhã tự ngày nào.
Khách đang đứng dưới bức nghi môn vóc đỏ. Vừa trông thấy bóng dáng đồ sộ của khách, Nguyễn Căn đã chạy ù lại, reo lên: - Ối trời ơi! Tưởng ai lạ, hòa ra Đỗ đại nhân.
Ông khách cũng niềm nở đáp lại, vẻ mặt hân hoan không kém: - Ồ! Công tử lâu ngày cách mặt, tiểu huynh nhớ công tử quá.
Không cần nói cũng biết đấy là đôi bạn chí thân. Cách cư xử có phần suồng sã của họ tỏ ra họ đã cùng nhau trải qua nhiều trận vui bù khú.
Câu chuyện gặp gỡ của vị khách này với cha con Thái Bảo kể ra cũng khá dài dòng. Năm ấy, năm Chương Thánh thứ hai đời vua Lý Thánh Tông, trời làm bão lụt, mùa màng mất trắng. Dân ở hai bên triền sông lớn bỏ quê đi làm ăn thất tán nơi xa, quên mất cả đường về. Vua xuống chỉ sai Nguyễn Châu lúc này còn ở chức quan khu mật đi chiêu hồi quân tha phương trở về quê quán cũ làm ăn. Công việc thật vô vàn khó khăn phức tạp. Nguyễn Châu phải để nhiều tâm trí mới nghĩ ra cách cắm thẻ chỉ đường. Nhưng giữa thời buổi đói kém, hạt gạo to hơn hạt châu, biết đào đâu ra số người cần thiết đi làm việc ấy. Nguyễn Châu vò đầu nặn óc, râu tóc mọc dài ra mà thời hạn trên giao càng ngắn cụt dần. Cuối cùng ông đành bó gối khoanh tay cúi đầu thở dài sườn sượt. Vị quí nhân phù trợ nằm trong lá số tử vi của ông đã bỏ ông đi chơi xa rồi. Nhưng có một đêm, vị công tử chơi bời phóng đãng của ông bỗng dắt về nhà một người khách lạ. Người con trai thì thầm vào tai bố: - Bạn tâm phúc của con đấy. Có thể giúp bố con mình được nhiều việc!
Theo lời của Nguyễn Căn, ông được biết người này là một khách thương lớn họ Đỗ, người đất Hải Đông hiện ở cửa khẩu Vân Đồn. Ông thường đi lại buôn bán ở các chợ quốc tế nằm dọc trên đường biên giới giữa hai nước Tống - Việt mà người thời bấy giờ gọi dưới cái tên Bạc dịch trường. Còn ở trong nước, ông ta có thương điếm đặt rải rác khắp các lộ. Vị khách thương này giàu nứt đố đổ vách nhưng lại có tấm lòng hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài. Ngay từ phút đầu Nguyễn Châu đã tự nhủ rằng đây là vị quý nhân mà số phận đã đưa đến để độ mình qua bước đường vận nạn. Con người giàu có mà hơn người ấy sẽ sẵn lòng bỏ tiền ra chiêu mộ đám người giang hồ lưu lãng đầu trộm đuôi cướp mà ông đã từng thuê mướn để hộ tống hàng hóa trong các chuyến buôn xa. Ông ta cả quyết rằng chỉ trong vòng dăm ba hôm là ông có đủ số nhân công cần thiết cho việc quan. Quan khu mật Nguyễn Châu như uống từng lời của vị cứu tinh quí hóa ấy, nghe đến đâu mắt sáng đến đó, ruột gan nở ra từng khúc. Và thế là đoàn người lưu lãng do vị khách thương họ Đỗ tập hợp được, quan khu mật phân đi về các địa phương đắp ụ dựng thẻ gỗ có đề tên đất lên trên để làm mốc nhận đường cho kẻ tha phương lưu lạc. Công việc trôi chảy, kết quả mỹ mãn. Ngày vào sân rồng phúc chỉ, ông được thánh thượng ban khen.
Từ ngày ấy cuốn lịch đời ông phất qua một trang mới. Ba tiếng "Đỗ đại nhân" khai sinh từ cửa mồm ông được gia nhân nhắc đến một cách kính cẩn. Qua tài xoay xở của Đỗ đại nhân, của cải từ đâu kín đảo chảy vào cổng sau nhà ông như nước chảy vào chỗ trũng. Nhà cửa lầu gác được xây cất thêm. Những đồ vật gia dụng cũ kỹ ra đi để nhường chỗ cho những thứ cầu kỳ hơn, sang trọng hơn thay thế. Qua Đỗ đại nhân, viên quan Thành Trạc giám ấp trại Hoành Sơn của Tống cũng gởi lễ vật sang ra mắt để làm quen với ông. Đền đáp lại, ông dẫn Đỗ đại nhân vào cung bái yết Hoàng Hậu Thượng Dương, nhận việc cung đốn các thứ đồ ngự dụng cho Người. Hàng hóa của Đỗ đại nhân mua mười bán một. Vì vậy Hoàng Hậu rất hài lòng. Chẳng bao lâu Đỗ đại nhân đã được coi như kẻ tâm phúc của bà.
Mối giao dịch phức tạp và khó hiểu này mặc dầu đã diễn ra trên mười năm nay nhưng nhờ vào tính thâm trầm cẩn mật của Thái Bảo mà mọi việc đều nằm trót lọt trong vòng bóng tối kín như bưng, đến quỉ thần cũng không hay biết.
Sau lúc ba người bàn bạc xong xuôi, quan Thái Bảo vỗ vai con: "- Con đi đường mệt nhọc hãy vào phòng riêng nghỉ ngơi, còn giờ đi, nơi gặp, bố sẽ cho con biết sau". Lang tướng Nguyễn Căn vái chào rồi lui vào nhà trong.
Bây giờ còn lại hai người đối diện với nhau trong nhà sảnh rộng mông mênh như sân cung đình. Vậy mà giọng quan Thái Bảo còn hạ thấp như ngọn đèn hạ thấp bấc. Ông đưa những ngón tay xương xẩu lên hết sờ vào cái mũi nhọn khoằm lại vuốt chòm râu ngắn thưa. Còn Đỗ đại nhân luôn miệng cười tủm tỉm, bàn tay múp míp xoa xoa trên gò má đỏ au. Đặc điểm nhân dạng giữa họ đặt cạnh nhau tạo nên những nét tương phản đến ngộ nghĩnh. Một đằng thì gầy guộc cao nhỏng, mọi thứ lộ ra đều nhọn hoắt từ lưỡng quyền, tai mũi, chưa kể chòm râu che bớt chiếc cằm nhọn và cái cổ lộ hầu. Một đằng thì béo đẫy đà phúng phính, mọi thứ đều tròn lẳn như quả cây mọng nước.
- Dạ, thưa Thái Bảo, mọi thứ cung phụng cho Thái Hậu, tiểu đệ đã hoàn tất. ngoài các vật dụng để thiết yến, còn trên dăm chục đoạn tơ Hàng Châu cùng gấm Tứ Xuyên để Thái Hậu ban quà riêng cho các quan cận thần thân thiết. Duy có mấy chiếc áo lông phỉ thúy là còn phải đợi dăm hôm nữa.
- Lão phu biết vì lão phu mà Đại nhân phải vất vả tốn kém nhiều. Lòng lão phu thật áy náy.
- Ôi! Của ấy đáng là bao. Chỉ mong sao Thái Hậu cùng Thái Bảo giữ yên được mối rường cho họ Lý - Đỗ đại nhân lại đưa tay xoa xoa gò má.
- Thái Hậu có truyền gì thêm không?
- Dạ có.
Đỗ đại nhân lấy ra một ống nhỏ có gắn sáp, một loại lạp thư thời đó hay dùng, moi ra hai tờ thư đặc chữ trao cho Thái Bảo: - Tiểu đệ đã tìm ra được một tên thư lại có hoa tay bắt chước y hệt mọi thứ chữ của người khác. Thái Hậu nhờ Thái Bảo thị sát lại xem đã được chưa.
- Ồ! - Giọng Thái Bảo hơi sửng sốt - quả là một người có tài xảo thuật. Đến lão phu là người sành sỏi mà cũng khó phân biệt được chân giả trong lúc nhất thời vậy đại nhân nên trình ngay lên Thái Hậu cho người yên tâm. Thái Hậu có được vui không?
- Người rất đẹp lòng vì mọi việc. Người còn tỏ ý hài lòng về chuyện con chiến mã của lão Thái Úy bị sát hại.
- Trời, giết con ngựa của họ ư? - Thái Bảo giãy nẩy lên như bị bỏng - Ai bảo giết?
Đỗ đại nhân mỉm một nụ cười khó hiểu: - Hình như Thái Hậu có ý truyền.
- Nhưng giết con ngựa chiến để làm gì chứ.
- Có lẽ Thái Hậu muốn nhổ bớt một cái vuốt nhọn của thú dữ.
- Làm như thế có khác gì đánh động họ hay trước mà phòng bị. Thất sách! Thật thất sách!
- Dạ Thái Hậu nói rằng lão ta mất ngựa càng dễ cho việc Thái Hậu phái kiệu son triệu lão hồi triều.
- Ôi! Dại dột! Quả là thứ mưu đàn bà.
Thái Bảo kịp dừng lại. Có lẽ vì giận lắm nên Thái Bảo đã buột mồm nói vậy. Thật ra trong vụ này ông đã bỏ ra nhiều tâm huyết mới xoay chuyển được ý đồ của Thái Hậu. Ban đầu Thái Hậu khăng khăng đòi triệt hạ ngay Thái Phi Ỷ Lan. Năm phen bảy thứ, ngọt nhạt rỉ rả, phân tỏ thiệt hơn, ông mới khai tâm được cho Thái Hậu thấy rằng Lý Thái Úy chính là kẻ kình địch nguy hiểm nhất. Ông chỉ cần nhấc tay là triều chính nghiêng ngả. Và một khi Thái Úy đã đổ xuống thì Ỷ Lan kia như giống dây leo mất chỗ dựa sẽ đổ theo. Lúc ấy "Ngọc Lan" sẽ biến thành "Ngọa Lan" tha hồ khoe bùn khoe đất. Câu ví von đó đã làm Thái Hậu cười thành tiếng. Thế mà bây giờ biết đâu chỉ vì một chút sơ suất cỏn con này lại chẳng đi đến xôi hỏng bỏng không. Ôi! "Thà làm tớ cho người khôn còn hơn làm thầy cho kẻ dại" là thế.
- Xin Thái Bảo hãy yên lòng. Tiểu đệ biết rằng Thái Hậu cũng không đến nỗi sơ ý để lão ta nhận được có bàn tay kẻ khác ngầm giết con ngựa của lão. Mà cho dù lão có ý nghi ngờ thì con vật kia chết ở Lạng Giang, nghi ngờ cũng sẽ đổ về phía người Tống.
Tuy cơn giận đã dịu xuống, Thái Bảo vẫn nhích khuỷu tay lại gần Đỗ đại nhân nghiêng đầu dặn dò một thôi một hồi. Chốc chốc Đỗ đại nhân lại gật gù thán phục. Đại để Thái Bảo nói rằng Thái Hậu sắp làm một việc kinh thiên động địa, mất đầu như bỡn dù là đầu rồng. Thế mà bà ta không chịu suy xét nông sâu, việc làm khinh suất. Dù sao đàn bà vẫn là đàn bà. Ông nhắc khéo Đỗ đại nhân luôn luôn phải ý tứ giữ mình. Ngay với con trai, có nhiều điều ông không tiết lộ. Ông bảo con ruồi bay qua cũng còn để lại dấu vết huống hồ con người. Mọi việc làm phải thật kín nhẹm. Ông nhấn đi nhấn lại chữ "kín nhẹm". Đỗ đại nhân xúc động đứng lên cung kính xá một xá: - Chí lý! Thật chí lý! Tiểu đệ xin khắc sâu vào lòng những lời nhắc nhở thân tình của Thái Bảo.
Chưa biết việc làm của Thái Hậu sẽ kinh trời động đất như thế nào nhưng ngay từ bây giờ quan Thái Bảo Nguyễn Châu đã sớm lo liệu rút cầu trước khi có chiến trận.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK