Thời buổi chinh chiến này mà tướng quân có thì giờ rỗi rãi về thăm nhà đấy ư?
Vừa thấy bóng lang tướng Nguyễn Căn bước qua ngưỡng cửa, quan Thái Bảo Nguyễn Châu đã đánh tiếng hỏi con, giọng đùa nhưng có pha chút nghi ngại.
- Dạ, Thái Úy phái con về kinh sư có việc ạ!
- Việc gì thế?
Nhớ lại những lời ân cần dặn dò của Thái Úy, Nguyễn Căn ngập ngừng nhìn bố: - Dạ một việc quân cơ mật.
Một thoáng vui lướt qua như gợn sóng trên khuôn mặt quắt queo của Thái Bảo. Ông mừng vì mặc dầu mối giao hảo giữa ông và Thái Úy không lấy gì làm đẹp lắm, con trai ông vẫn được Thái Úy giao phó những việc tin cẩn. Nhưng ông vẫn ỡm ờ hỏi: - Cơ mật gì? Lại chẳng đi mộ sương binh ở lộ Quốc Oai đấy chứ?
- Dạ, không mộ quân mà mộ con hát - Nguyễn Căn buột miệng đáp.
- Hả! - Thái Bảo bật lên một tiếng sửng sốt, ông tưởng đâu mình nặng tai nghe nhầm - Con nói gì thế?
- Con đi tuyển mộ bọn con hát trong các vương phủ và các trà điểm ở kinh thành.
- Mộ con hát để làm gì? Để chuốc rượu ba mươi vạn quân Tống sắp kéo sang chăng? Hay Thái Úy nhà ngươi đã dở hơi rồi đấy? Hay vì việc cơ mật con nói dối bố chăng?
Những câu hỏi dồn dập của bố chứa chất một sự ngờ vực đáng sợ, tới tấp bay xuống đầu khiến người con bối rối, lúng túng đáp: - Mộ bọn con hát để làm gì ư? Quả tình con cũng không biết.
- Đi mộ con hát mà cũng là việc quân cơ mật!
- Điều này con chỉ nói riêng một mình bố biết. Xin bố giữ kín cho.
- Không giữ kín để nói ra cho thiên hạ cười thối đầu thối óc ư? Thế trong quân hết người hay sao mà phải bắt một vị lang tướng đi làm việc ấy?
- Dạ, Thái Úy bảo: - Chỉ có mình con là làm nổi việc này. Biết được bọn con hát, chọn người tốt giọng, hơi trầm mà vang xa.
Thái Bảo chợt nhớ đến quãng đời ăn chơi phóng đãng của con mình trước đây, quãng đời lấy rượu làm cơm bữa, lấy gái làm áo đêm, chả lấy gì làm "tiếng thơm" cho lắm. Bất giác, ông hiểu ra ngay tại sao Thái Úy chọn con mình.
- Thế mà anh vội hứng ngay cái việc ty tiện này ư? - Ông giận dữ gằn giọng xuống.
- Thưa bố - mặt Nguyễn Căn cứ nhơn nhơn - Con nghĩ rằng trong việc này, con vẫn là người sành điệu nhất.
- Đấy! Đấy! - Ông xỉa tay vào mặt chàng - Đấy mới là nỗi ô nhục cho gia phong nhà ta đấy con ạ!
Cơn giận sùi bọt mép khiến nét mặt khô quắt của ông nhăn nhúm lại như quả sấu sắp rụng. Không hiểu ông tức giận vì sự khờ khạo ngu ngốc của con mình hay vì sự Thái Úy cố tình nhiều lần hạ nhục bố con ông.
Ngỡ bố giận vì tính dễ bảo của mình, Nguyễn Căn cố biện bạch.
- Thưa bố, Thái Úy đã ban lệnh, làm sao con dám cưỡng lại ý Người.
Chừng như cơn giận đã nguôi ngoai, ông nhìn con ái ngại dịu giọng: - Con khờ lắm! Con làm tả lang tướng mà họ sai con đi bắt con hát. Con không lấy thế làm xấu hổ ư? Xưa nay có ai dùng con hát để đánh giặc đâu? Đó là chỗ thâm ý của họ muốn bêu xấu ta đấy. Nhưng thôi việc ấy ta hãy gác sang bên. Nay thân con làm tướng, ta thử hỏi con có biết tình thế nước ta hiện đang dầu sôi lửa bỏng đến mức nào không?
- Dạ con nghe quân Tống sắp phạm vào bờ cõi.
- Sắp gì nữa. Họ đang ngồi chễm chệ trước cửa ngõ ta rồi. Ngạn ngữ có câu: - "Muốn béo ghẹo ong". Ở đời có trêu chọc tổ ong mới bị ong đốt. Có vô cớ phạm vào oai trời mới khiến Thiên triều nổi trận lôi đình đem quân sang hỏi tội. Ta không làm gì cũng mang phải vạ lây. Điều đó chắc con đã rõ. Duy lần nam thảo này, họ chọn quân nào tướng nào thì chắc con chưa biết.
- Dạ, quả thật con chưa biết.
- Toàn các bậc danh tướng của Trung Nguyên? - Thái Bảo ngừng giây lâu như để nhớ lại đầy đủ chi tiết mà Đỗ đại nhân cung cấp cho ông trong cuộc gặp gỡ gần đây - Đại nguyên soái Quách Quì là một vị tướng nòi, từng khét tiếng cả một phương Tây Bắc, quân Hạ nghe đến tên ông đã bạt vía kinh hồn. Phó nguyên nhung Triệu Tiết là vị trí tướng lừng danh về tài dùng kỵ binh khắp vùng sơn ngoại. Còn oai danh của Yên Đạt, vị lão tướng bạc đầu trong trận mạc thì đến vua Tống Thần Tông cũng phái kính vì. Dưới trướng họ còn có hàng trăm tướng trí dũng có thừa, mưu lược như Khúc Chẩn, Đào Bật, uy mãnh như Tu Kỷ, Miêu Lý. Tướng đã thế mà quân cũng không kém phần kiêu dũng. Ngoài quân thiện chiến ở các lộ Kinh, Hồ, Lưỡng Quảng, nhà Tống còn điều thêm hàng vạn quân kỵ tinh nhuệ ở các biên thùy Liêu, Hạ xuống Nam. Vó ngựa họ đi rung đất, thế quân họ tiến át sao Đầu mờ sao Ngưu.
- Con nghe quân phương Bắc của họ không chịu nổi lam chướng độc địa ở đất nước ta - Nguyễn Căn rụt rè góp lời.
- Con tưởng họ không biết rõ điều đó hay sao? Thái y viện của họ thiếu gì thầy giỏi thuốc hay. Hàn lâm y viện của họ đã chọn 57 bài thuốc trị lam chướng, sai sở hạp dược chế thành tễ cho quân họ mang theo. Con khỏi phải lo điều đó.
Nghe bố nói thế quân mạnh của nhà Tống, Nguyễn Căn đã thấy ớn lạnh cả người, nhưng chàng vẫn cố hỏi gặng: - Thế liệu họ có vượt qua nổi thành lũy Như Nguyệt không? À mà bố chưa thấy thành Như Nguyệt lúc mới làm xong. Con tưởng kiến bò cũng khó lọt qua bố ạ!
- Ta còn lạ gì cái đê ấy! Nhưng một khúc đê con làm sao ngăn được sóng lũ. Chín đạo quân của nguyên soái Quách Quì như chín cái đầu rồng phun nước. Không sạt chỗ này cũng vỡ chỗ nọ.
Có lẽ Đỗ đại nhân không hiểu gì về nội tình của họ, hay vì Nguyễn Châu cố ý thuyết phục con mình mà ông toàn phô trương tấm da vằn vện lòe loẹt bên ngoài của quân nhà Tống. Thực ra bên trong còn lắm chuyện lủng củng. Nuôi một đạo binh lớn như vậy ròng rã gần năm trời, lương cho người, cỏ cho lừa ngựa, trâu dê lợn rượu khao quân, hàng vài chục vạn dân phu đi theo phục dịch, công đài tải xa hàng vạn dặm. Lại còn phải sữa chữa thành quách, xây đắp cầu cống, mua chuộc dân khê động dọn đường trước cho cuộc chinh thảo xa xôi. Vua Tống đã phải bấm bụng mở công khố chi ra hàng triệu lạng vàng, chiếu cho tam ti coi việc tài chính lấy hàng chục vạn quan tiền trao cho lái buôn mua lương thực, đình việc đào sông Câu hà, vét thêm phu ném vào cuộc nam chinh.
Tuy có dự bị sẵn thuốc men mà móng vuốt của bệnh thời khí cũng đã quắp mất trên sáu nghìn người khi đại quân vừa xuống Quế Châu. Viên tri lễ nhà Tống được lệnh cấp tốc đi Hành Dương cúng thần Nam Nhạc, lập đàn cầu phúc cho quân nhà.
Nhưng lỗ mối rò nguy hiểm nhất trong quân nhà Tống có lẽ là mối bất hòa giữa hai tướng soái. Trước đấy Triệu Tiết được cử làm chánh soái nhưng đã đánh rơi chức ấy vào tay Quách Quì. Vương An Thạch che chở Triệu Tiết còn Ngô Sung bênh vực Quách Quì. Hai đại thần cãi nhau mỗi người mỗi ý. Cuối cùng cái thế đã bắt đầu suy của họ Vương không cứu vãn nỗi chức cũ cho Triệu Tiết. Sự lục đục từ trên dội xuống dưới. Hai tướng không thèm ngó mặt nhau. Lời của Triệu Tiết, Quách Quì bỏ ngoài tai. Mọi việc quân chỉ bàn riêng với Yên Đạt. Triệu Tiết đành nuốt giận vào lòng.
Những lời giáo đầu của Nguyễn Châu ở trên với con cốt dẫn đến những câu cuối cùng sau đây mà ông nói với một giọng trầm hạ thấp: - Nước ta đã lỡ ở thế cưỡi lưng cọp rồi. Sức ta chống họ như trứng chọi đá, châu chấu đá xe, sự mất còn chỉ trong sớm tối. Ta phải biết lo liệu thân ta trước. Chim khôn chưa động cành đã chớp cánh. Người khôn... Ông lại hạ thấp giọng xuống một cung bậc nữa khiến con ông suýt phì cười vì chàng đang nghĩ đến việc chọn giọng trầm các con hát: - Bố có quen một viên quan nhà Tống tên Thành Trạc trước làm chức giám ấp trại Hoành Sơn. Ông ta lại là chỗ quen lớn của nguyên soái Quách Quì. Sợ bố con ta rồi đây phải chịu cảnh ngọc nát vàng tan, ông ta có gửi cho bố mấy lá bùa hộ mệnh. Ông moi hồi lâu trong người ra một tấm thẻ bài dấu son đỏ chói trao cho Nguyễn Căn - Nếu rủi ro con có bị họ bắt thì cứ chìa tấm thẻ này ra, lập tức họ sẽ dẫn con đến gặp nguyên soái Quách Quì. Con hãy giữ kỷ vật này để phòng thân.
Lang tướng Nguyễn Căn cất tấm thẻ vào bọc rồi từ biệt bố đi lo công việc. Tuyển đủ số con hát, chàng lên Thiên Đức nộp cho Thái Úy rồi về thẳng Vạn Xuân. Trong chuyến đi này, chàng đã đánh rơi mất niềm tin trong cuộc chiến nhưng lại được tấm thẻ hộ thân giấu kín ở trong người.
Lý Ngân được lệnh nhận các con hát, phiên ra thành từng nhóm bốn người rồi lên gặp Thái Úy. Chính chàng cũng ngỡ ngàng không hiểu Thái Úy định dùng con hát ấy vào việc gì.
Thái Úy rút tờ hoa tiên gấp trong cuốn sách ra, mỉm cười hỏi:
- Lý Ngân! Cháu còn nhớ vật gì đây không?
Mắt vừa chạm vào những dòng chữ trên giấy, chàng đã hồi hộp như chạm phải vật thiêng. Chính chàng là người duy nhất chứng kiến được, trong một trường hợp rất đỗi lạ lùng, sự ra đời của những dòng chữ ấy, những câu thơ thần viết trên yên ngựa. Chàng tưởng chừng như nghĩa lớn sinh tồn của cả một dân tộc đợi đến phút thiêng liêng ấy mới đúc kết thành lời. Mai đây dù năm tháng có phôi pha, chàng vẫn tin chắc rằng những điều chàng thấy vĩnh viễn còn sáng đậm trong ký ức chàng như màu mực mới.
Chàng nhớ rõ hôm ấy đại quân qua sông Đào Hoa. Gió bấc đã lặng từ hôm trước. Vệt ráng đỏ trong nắng quái chiều đông hừng lên ở phía trời Tây gợi người ta cái cảm giác ngày đang vào hạ. Dường như ánh trời vẫn cố giữ lượt phấn màu hoa đào thường vốn có trên gương mặt dòng sông. Ngồi im hàng giờ trên mình ngựa, Thái Úy đăm đăm nhìn vào làn nước lặng lờ. Cảm thấy như có điều gì lạ xảy ra, Lý Ngân, bước đến gần, tò mò nhìn theo hướng mắt của Thái Úy. Chàng kinh ngạc suýt kêu thành tiếng. Trên gương nước mênh mông, mở ra một trang sách trời lồ lộ. Những dải mây tê tê kết lớp giăng hàng phản chiếu trên dòng sông giống hệt những dòng chữ thẳng băng viết bằng một thứ mực son rực lửa trên nền giấy thiên thanh. Chàng thầm nghĩ phải chăng Thái Úy đang để hết tâm tưởng cố tìm đọc cho ra ý nghĩa huyền bí trên cuốn sách trời.
Qua sông, Thái Úy đảo mắt nhìn một lần nữa sắc đỏ ráng chiều, quay đầu mỉm cười với hàng thông mật đứng trên đồi cao, uy nghi chỉnh tề như đoàn quân sắp xung trận. Thái Úy thẫn thờ buông cương, cặp mắt mông lung khép lại lim dim, gật gà, thiu thỉu. Lý Ngân lo âu nhìn thân hình Thái Úy buông thả lắc lư theo nhịp ngựa đi mà hồn như để tận đâu đâu. Chàng mường tượng thấy Thái Úy như đang cố thoát ra khỏi cái vỏ thịt da bọc ngoài, vươn vào cõi vô cùng. Thời khắc cứ lặng lẽ trôi bao lâu không biết. Cái im ả hiu hiu của trời chiều quyện theo vó ngựa nhịp nhàng đi nước kiệu. Chợt đến một khúc đường quanh, vó ngựa lồng lên, Thái Úy mở choàng mắt ra như người vừa tỉnh giấc.
- Lý Ngân! Ta vừa chợp mắt...
- Trời ơi! Thái Úy ngủ trên yên sao?
- Suốt đời ta trên ngựa, có chợp mắt một lúc trên yên cũng là chuyện thường thôi. Có điều ta vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Lý Ngân như muốn kêu lên: - Trời! Thái Úy đã ngủ trên ngựa mà còn nằm mơ nữa ư? Nhưng chàng đã phải để tai nghe Thái Úy kể tiếp giấc mơ trên yên ngựa.
- Ta thiếp đi và thấy một mình đứng trên đỉnh đèo chấm mây. Chung quanh ta như có nghìn chim vỗ cánh xào xạc. Rồi giữa thinh không bỗng một rừng cây mở lá. Quả mật hương thơm chĩu chịt trên cành. Tầng tầng mây xanh thì thào tiếng nói của thần linh, tiếng của thần hay tiếng của nghìn xưa đồng vọng? Ta ngồi trên yên, ngửa mặt nghiêng tai, trong ráng đỏ chiều pha bừng bừng hào khí, lắng nghe tiếng nói của nước non vạn thuở... Lý Ngân! Con hãy bảo đem nghiên bút cho ta ghi lại.
Và cứ thế, ngồi nguyên trên mình ngựa, Thái Úy viết liền một mạch. Nhìn theo những nét chữ hiện dần trên trang giấy, Lý Ngân xúc động lẩm nhẩm:
"Nam quốc sơn hà nam đế cư,
"Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
"Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Cõi bờ phân định tự sách trời
Cớ chi lũ giặc sang xâm lấn?
Thất bại hay xem sẽ đến nơi)
Và lần này cũng vậy, câu thơ đốt lửa lòng chàng. Những câu thơ không hề xuống ngựa phi vào ngày mai trong ráng đỏ sắc chiều hôm. Một cảm giác mơ hồ từ nơi sâu thẳm của tiềm thức như báo cho chàng biết rằng vệt ráng đỏ hừng lên trên gương mặt chàng hôm ấy mai đây sẽ trở thành đặc điểm nhân dạng của người dân Việt, mỗi khi có giặc ngoài xâm lấn cõi bờ...
- Cháu hãy đem bài thơ này cho con hát tập ngâm. Vì đây là những lời thần nên họ phải đóng vai thần, cải trang giống thần, tập ăn nói đi đứng như thần. Cháu đừng lo, con hát họ sẽ biết cách đấy.
Thái Úy nhìn sâu vào mắt chàng
- Lần này, ta mời thần linh cùng ta ra trận, cháu chớ xem thường. Nếu bọn con hát làm đúng được ý ta, ta sẽ cho lũ giặc một phen hồn vía lên mây trước oai linh của núi sông Nam Việt, bỏ chạy không kịp ngoái đầu nhìn lại, hàng muôn đời sau chưa dám thò chân qua đất nước này...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK