Nói về ở phủ Hoài vương Liễu bấy giờ có hai người quản gia nòng cốt là Lữ Ngân và Đinh Lang. Cả hai đều được Hoài vương và Thuận Thiên công chúa tín nhiệm giao cho cùng điều hành mọi công việc trong phủ. Đinh Lang tuổi đã lớn, tánh tình ưa đãi bôi, bợ đỡ, lại hay tham lam tư túi. Đinh Lang đã tận dụng cái lưỡi của mình để giữ vững địa vị trong vương phủ này. Lữ Ngân thì ngược lại, còn khá trẻ, ngay thẳng, tháo vát, làm việc gì cũng hết lòng. Vì thế, cùng chung lo một việc nhưng hai người lại chẳng ưa nhau. Biến cố xảy ra bất ngờ đã làm cho mọi người trong vương phủ đều nhốn nháo. Người thì hậm hực, kẻ thì than dài thở vắn, bầu không khí trong phủ vừa căng thẳng, vừa buồn thảm. Lữ Ngân vì quá thương xót cho chủ nên lộ vẻ phẫn nộ ra mặt. Đinh Lang thì khôn ngoan thâm trầm, muốn lợi dụng dịp này để loại đi một kẻ mà hắn không ưa. Đoán biết thế nào cũng xảy ra chuyện lớn, Đinh Lang gọi Lữ Ngân lại thầm thì:
- Chủ ta bị áp bức như thế thật là quá đáng. Tức muốn chết đi được! Thế mà tôi còn nghe phong phanh Thái sư sẽ diệt trừ chủ ta để ngừa hậu hoạn. Chúng ta có nhiệm vụ phải tìm cách ra ngoài báo cho vương gia biết tình trạng này để người tính liệu sao chứ! Người cũng có vây có cánh chứ đến nỗi gì! Anh khỏe mạnh lanh lẹ có thể gánh vác việc đó không? Công việc ở nhà để tôi lo cho! Hay là. . .
Lữ Ngân đang nóng lòng vì chủ, nghe vậy lại càng hoảng hốt. Thấy Đinh Lang gợi ý hợp lý, cho là lời thành thật, Lữ Ngân liền sốt sắng nói:
- Ý kiến anh rất hay! Anh gắng chu tất mọi công việc trong phủ nhé. Để tôi đi tìm vương gia cho. Nếu chậm trễ e người mắc họa mất! Mình trả ơn chủ chính ở giờ phút này đây. Ngay trong đêm nay tôi phải lên đường!
Đinh Lang nói như khích lệ thêm:
- Phải như thế chứ! Hai ta phải có một người làm được việc đó chứ! Chúa nhục thì tôi phải chết là thường! Tôi nay đã già nua vô dụng, anh phải giúp vương gia cố sức mà rửa mối nhục này!
Lữ Ngân nặng lòng vì nghĩa, thấy chuyện bất bình xảy ra cho chủ mình, lại bị Đinh Lang khích động nên nói với giọng cương quyết:
- Phải! Tôi nhất định giúp chủ rửa nhục!
Đinh Lang ân cần vỗ vai nói với Lữ Ngân:
- Hai ta lâu nay tuy ở chẳng hợp tính nhau nhưng bây giờ chủ gặp nạn lớn, thôi thì mình bỏ qua hết mọi chuyện cũ mà lo cho chủ mới là người phải. Tôi sẽ lo việc nhà chu đáo. Còn anh. . . , chúc anh lên đường may mắn!
Ngay đêm đó, Lữ Ngân một mình một ngựa rong ruổi trong đêm tối trước sự vui mừng của Đinh Lang.
Lữ Ngân đã đi một cách dễ dàng không bị ai cản trở. Thái sư Trần Thủ Độ không phải bất ngờ về sự việc này mà thật ra ông không thèm đề phòng. Ông đã đánh giá rất thấp về con người Hoài vương Trần Liễu. Ông cho rằng Trần Liễu sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì.
Trước khi ra đi, Lữ Ngân đã biết được lộ trình trở về kinh thành do Hoài vương báo trước cho gia đình. Lữ Ngân gặp được Hoài vương trong một công quán ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Lúc đó vương đang ngồi nói chuyện với hai gia khách là Phạm Vinh và Trần Quang Thiệu. Lữ Ngân không ngần ngại đem mọi chuyện xảy ra ở phủ kể cho vương nghe. Nghe chưa hết chuyện, Hoài vương hét lên một tiếng, bọt mép sùi ra, người lảo đảo muốn ngã. Lữ Ngân hoảng hốt:
- Vương gia tha tội! Vương gia tha tội!
Phạm Vinh, một người thân tín vẫn được coi như cái túi khôn của vương, vội đến đỡ vương ngồi lại và vuốt ngực cho vương:
- Vương gia bình tĩnh lại! Nóng giận chỉ làm hư việc!
Nước mắt vương trào ra, giọng uất nghẹn hỏi Lữ Ngân:
- Ngươi thấy công chúa vật thân vật mình dữ lắm hả! Người công chúa trông có tiều tụy lắm không?
Lữ Ngân chưa kịp trả lời thì vương gập bụng xuống mấy lần, nhăn mặt lắc đầu:
- Trời ơi trời có thấu cho không! Người thương quí nhất của ta bây giờ lại để cho người khác ôm ấp! Hận thù này làm sao nguôi được trời ơi! Ta đâu ngờ chén rượu tiễn hành lại thành chén rượu vĩnh biệt!
Lữ Ngân thấy chủ quá đau đớn chịu không nổi, uất hận nói:
- Vương gia! Chúa nhục thì tôi phải chết! Để rửa hận cho vương gia, tôi xin sẵn sàng liều mình làm bất cứ việc gì vương gia sai khiến!
Hoài vương rên rỉ:
- Ta bây giờ bối rối tối tăm lắm rồi, các ngươi có ý gì hay nói thử giúp ta đi!
Phạm Vinh cũng uất hận nói:
- Xin vương gia tha tội, vương gia đã muốn sống như ẩn sĩ rồi mà vẫn không yên thân được, thật là quá lắm! Bây giờ có trở về sống ở triều cũng chẳng vui sướng gì nữa. Tôi xin đề nghị hai con đường vương gia có thể làm. Một là thầy trò mình lên núi tu hành cho xong! Hai là làm đại sự, ăn được cả, ngã phơi thây! Xin vương gia xét lại!
Hoài vương rầu rỉ nói:
- Vậy thì ta nên lên núi. Còn đại sự, ta như con cá nằm trên thớt, cô thế mức này còn mong làm được cái gì!
Phạm Vinh lại thưa:
- Bẩm vương gia, tôi nghe trước kia tướng Nguyễn Nộn khởi binh đã làm cho triều đình run sợ, phải cắt đất cầu hòa. Không may Nguyễn Nộn bị bạo bệnh mà chết thình lình nên triều đình mới được yên. Tuy nhiên, những người theo Nguyễn Nộn đâu có chịu phục tùng triều đình thật tình! Họ chịu yên chẳng qua chỉ vì thiếu người lãnh đạo. Nay ta hãy lấy cớ đi tuần du, lên Bắc Giang, Hồng Châu lấy danh nghĩa phục hồi nhà Lý ngầm chiêu dụ họ. Mặt khác, Lữ Ngân cấp tốc trở về ngầm chuẩn bị tổ chức gia đinh trong phủ làm nội ứng khi cần. Lòng người đang bàng hoàng hoảng sợ trước những đổi thay không thuận lòng người của Thái sư, ta nhân cơ hội đó khởi hấn, biết đâu đại sự lại không thành?
Hoài vương Liễu đưa mắt nhìn Trần Quang Thiệu, một môn khách từng theo vương đã nhiều năm nay. Ông này vẫn theo vương như hình với bóng. Nãy giờ ông ta chỉ ngồi lắng nghe mọi người nói, thấy Hoài vương nhìn mình như muốn hỏi ý, ông thủng thẳng lên tiếng:
- Vương gia, không được đâu! Tôi nghĩ chuyện này đã nằm trong sự sắp xếp của Trần Thái sư rồi. Chắc chắn Thái sư đã tính toán trước những sự thay đổi trong cung đình cho nên mới cử vương gia đi tuần thú cho rảnh tay. Thế nào Thái sư cũng đề phòng sự phẫn uất của vương gia có thể gây ra những hậu quả bất ngờ. Dĩ nhiên Thái sư đã cho người bám sát chúng ta từ bước đầu rồi. Chúng ta không dễ gì hành động được đâu! Hơn nữa, vương gia nên lo kỹ cho hai vị vương tử ở nhà. Nếu chúng ta rục rịch, hai vị vương tử có thể sẽ thành kẻ bị hi sinh trước tiên! Vậy, xin vương gia hãy cẩn thận mới được!
Hoài vương trầm ngâm suy nghĩ rồi quay lại hỏi Lữ Ngân:
- Khi ngươi đến đây ở kinh thành có ai biết không?
- Bẩm vương gia, tôi khởi hành lúc nửa đêm, chỉ có Đinh Lang biết. Chính Đinh Lang cũng thúc đẩy tôi đi tìm vương gia.
Hoài vương có vẻ yên lòng:
- Vậy thì tốt. Đinh Lang là người thân tín của ta chắc không đến nỗi tiết lộ cho ai chuyện này. Vậy ngươi cứ về trước kẻo lại sinh chuyện nghi ngờ phiền phức. Ta sẽ suy nghĩ xem phải nên hành động như thế nào rồi sẽ tìm cách cho ngươi biết! Ngươi đi đường gấp quá chắc cũng mệt lắm rồi. Hãy ăn uống nghỉ ngơi rồi thức dậy lúc nào trở về lúc ấy chẳng cần chào ta làm gì, nhớ nhé!
Lữ Ngân vâng dạ. Vương lại quay sang Phạm Vinh và Quang Thiệu:
- Hai ông bảo tiểu nhị lấy thêm cho ta một bình rượu lớn rồi hãy đi nghỉ đi!
- Vương gia không để chúng tôi cùng hầu rượu cho đỡ buồn à?
- Khỏi cần! Các ông hãy đi nghỉ! Ta muốn được yên tĩnh một lúc!
Mọi người lần lượt đi nghỉ. Hoài vương ngồi lại bàn một mình uống hết chén này đến chén khác. . . Vương vốn ít uống rượu, thường chỉ uống ba chén trở lại. Hôm nay gặp chuyện buồn quá lớn nên vương mới phá lệ. Trần Quang Thiệu vốn biết như thế, khi thấy vương gọi thêm cả bình rượu lớn thì không yên lòng. Tuy phải nghe lời vương mà đi nghỉ nhưng Quang Thiệu không ngủ được. Chốc chốc Quang Thiệu lại trở dậy bước ra xem chừng. Khi chỉ còn một mình, Hoài vương vừa sụt sùi vừa uống. Sau cùng vương say quá gục mặt xuống bàn. Thấy vậy, Quang Thiệu định ra đỡ vương vào giường. Nhưng chợt nhìn qua cửa sổ, Quang Thiệu thấy từ phía xa đèn đuốc lập lòe cả một vùng: chắc là quan binh đi đâu đây! Chuyện gì xảy ra vậy? Vốn tính cẩn thận, Quang Thiệu đứng quan sát hướng đi của đám người kia. Rõ ràng là họ đang tiến về phía công quán. Quang Thiệu lập tức trở vào đánh thức Phạm Vinh dậy, dặn Vinh ra trông chừng đám người kia. Mặt khác, Quang Thiệu gọi tiểu nhị hỏi thăm lối thoát phía sau công quán nếu cần.
Không mấy chốc đám người cầm đèn đuốc trên đã đến trước cửa công quán. Phạm Vinh và mấy người lính của Hoài vương chận hỏi:
- Chẳng hay quan quân đến đây có chuyện gì?
Viên tướng cầm đầu là Hoàng Phụ, một tay thân cận của Trần Thái sư hô lớn:
- Các ngươi hãy vào mời Hoài vương ra đây cho ta nói chuyện!
Nghe giọng nói thiếu lễ độ của viên võ quan triều đình đối với một vị hoàng thân, Phạm Vinh đã hiểu ngay là có chuyện không lành. Phạm Vinh nói:
- Ngài đang nghỉ. Có chuyện gì sáng mai hãy hay!
Hoàng Phụ hách dịch nói:
- Lệnh của Thái sư không được chậm trễ! Thái sư phái ta đến đây để bắt giặc Liễu! Những ai kháng lệnh đều phải tru lục! Quân bây! Thi hành nhiệm vụ!
Phạm Vinh rút gươm hét lớn:
- Vương gia đang có thánh chỉ trong người. Chúng quân không được hỗn láo!
Khi đó Lữ Ngân cũng vừa thức giấc. Thấy có biến động, Lữ Ngân cũng bàng hoàng tuốt kiếm nhảy ra. Hoàng Phụ chỉ mặt Lữ Ngân hét:
- Giặc Liễu tuy có thánh chỉ trong người nhưng bây giờ y đã là kẻ làm phản. Nếu không cố tình làm phản tại sao tên quản gia Lữ Ngân này có mặt ở đây? Đinh Lang đã tố cáo với Thái sư tất cả mọi chuyện rồi! Chúng bây hãy bó tay chịu tội may ra triều đình còn khoan thứ phần nào! Quân bây! Bắt chúng nó!
Thấy có giải thích với bọn này cũng vô ích, nếu để Hoài vương lọt vào tay Thái sư thì coi như tánh mạng người khó toàn, Phạm Vinh và Lữ Ngân chỉ huy đám thuộc hạ liều mình tử chiến. Quan quân dù đông đảo cũng phải vất vả lắm mới tiêu diệt được bọn Phạm Vinh. Nhưng khi họ lọt vào phòng Hoài vương thì vương và Trần Quang Thiệu biến mất cả rồi.
Hoàng Phụ chia quân lùng tìm ráo riết quanh vùng suốt mấy ngày vẫn không có tông tích Hoài vương, đành phải trở về triều phục mạng.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK