• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Phải nói là năm thị nữ theo hầu Chiêu Thánh công chúa lúc nào cũng tỏ ra hết lòng với chủ. Trong lúc công chúa quá bức chí, cả năm không có một nụ cười, không thốt nên được một lời, họ vẫn sốt sắng tự động chia nhau săn sóc hầu hạ nàng và lo mọi việc rất trôi tròn.

Một hôm thấy thị nữ Tuyết Hoa đang ngồi đan một cái mũ len, công chúa nói:

- Tuyết Hoa, em dạy ta đan len với được không?

Thị nữ Tuyết Hoa mừng rỡ vì từ ngày đến nơi này, đây là lần đầu tiên công chúa để tâm tới một công việc. Tuyết Hoa hớn hở nói:

- Bẩm công chúa, nếu công chúa thích, con sẽ hết lòng hướng dẫn cho công chúa cách đan len và thêu thùa. Công việc này có thể làm công chúa khuây khoa bớt nỗi phiền muộn!

Nét mặt Chiêu Thánh trở nên sinh động hơn một chút, nàng nói:

- Ừ, ta sẽ học ở các em, chỉ có việc này mới mong cho thời gian qua mau được!

Các nữ tì đều vui mừng khi thấy công chúa đã biểu hiện được chút biến chuyển. Họ hết lòng khuyến khích, chỉ vẽ, khiến nàng thật sự có phần khuây khỏa tâm trí nhờ công việc. Công chúa vừa có năng khiếu vừa chuyên tâm nên chẳng bao lâu nàng đã trở thành một người thêu đan khá rành nghề.

Thế nhưng về đêm, những cơn ác mộng vẫn tiếp tục hành hạ nàng. Người nàng vẫn ngày càng gầy rạc, xanh xao. . .

Hằng ngày, đội lính an ninh biệt thự cũng phụ trách luôn việc cung cấp thực phẩm cho những người sống trong biệt thự. Năm ba tháng công chúa Chiêu Thánh mới được phép cử một hai thị nữ ra chợ Thăng Long để mua những thứ cần thiết một lần dưới sự hướng dẫn của viên chỉ huy toán lính bảo vệ. Hai thị nữ Tuyết Hoa và Lệ Quyên là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nên thường được công chúa sai đi chợ nhất. Những thứ cần thiết mà các thị nữ phải mua phần lớn chỉ là những thức dụng riêng của phụ nữ. Tuy thế, viên chỉ huy toán lính bảo vệ vẫn không quên để mắt theo dõi từng ly từng tí.

Ngày kia, không hiểu suy nghĩ thế nào, thị nữ Tuyết Hoa mua về một gánh nồi đất nung loại nhỏ. Những nồi đất nung này được chất trong hai cái giỏ tre đan bằng những sợi tre chẻ mỏng như lạt lợp nhà. Giữa những chiếc nồi lại độn rơm để chúng khỏi va chạm vào nhau. Gánh nồi gồm hai chục cái, trông có vẻ bề thế nhưng thật sự không nặng lắm. Viên chỉ huy toán bảo vệ thấy vậy liền hỏi thị nữ Tuyết Hoa:

- Cô mua những nồi này làm gì?

- Thưa, công chúa không ăn uống gì được, tôi muốn mua loại nồi này về để thổi cơm cho công chúa thử xem công chúa ăn được không.

- Cô nói gì tôi thật không hiểu! Nồi nào chẳng nấu ra cơm, tại sao cô nghĩ dùng loại nồi này nấu cơm thì công chúa có thể ăn được?

- Thưa, loại nồi này khi nấu cơm chín xong, vần già than một tí sẽ cho một lớp cháy vàng dòn rất thơm ngon. Nấu xong, cứ đập bể nồi mà lấy lớp cháy vàng dòn ấy ra để dâng công chúa. Tôi hi vọng công chúa sẽ thích mà ăn thêm được chút nào chăng. Nếu không, cứ theo đà này công chúa sẽ không còn phương cứu vãn!

- Làm sao cô biết cách nấu cơm này?

- Thưa, tôi có người cô từng làm đầu bếp cho vua Huệ Tôn trước kia. Cô tôi nói ngày xưa công chúa rất mê ăn thứ cơm này. Cô tôi cũng có nấu thử cho gia đình chúng tôi ăn một lần nên tôi biết.

- Thế là mỗi bữa ăn lại đập bể một cái nồi?

- Vâng, thứ nồi đất nung này rẻ lắm, có tốn kém bao nhiêu đâu!

Có lẽ sợ trách nhiệm, viên chỉ huy đội bảo vệ đem chuyện đó báo lại với Trần Thái sư. Không hiểu suy nghĩ sao đó, Thái sư bèn cùng vợ là Linh Từ quốc mẫu lên kiệu đến thăm Chiêu Thánh. Chiêu Thánh ra tận cửa để nghênh đón hai vị.

Khi tận mắt thấy hình hài tiều tụy gầy rạc của công chúa, Linh Từ quốc mẫu xúc động ôm nàng mà khóc sướt mướt. Công chúa cũng ôm chặt lấy mẹ, nước mắt tuôn như mưa. Bà đưa tay sờ tóc, sờ vai, sờ má. . . sờ hết chỗ này đến chỗ nọ trên tấm thân héo hắt của cô con gái như cố tìm những cảm giác thân yêu. Trông thấy cảnh tượng ấy không ai khỏi bùi ngùi. Thái sư Trần Thủ Độ làm như không để ý, lặng lẽ dạo vườn một mình để hai mẹ con mặc tình tâm sự với nhau. Khi ông trở lại, Linh Từ quốc mẫu buồn bã nói:

- Thấy tình cảnh của con gái thiếp thế này thiếp đau đến đứt ruột. Phu quân nói phu quân yêu thương thiếp, quí trọng thiếp mà phu quân lại gây cho thiếp cái cảnh đau lòng này ư? Một đứa con gái vô tội, cô đơn, yếu đuối có thể làm được gì mà phu quân phải hành hạ nó đến thế?

Trần Thái sư vẫn lặng lẽ không nói gì. Lát sau thì hai người ra về.

Hai hôm sau Trần Thái sư xuống lệnh hủy bỏ việc giám sát Chiêu Thánh công chúa. Toán lính bảo vệ biệt thự vẫn tiếp tục ở chỗ cũ nhưng bấy giờ chỉ còn giữ nhiệm vụ bảo vệ thuần túy.

Sau khi đi thăm Chiêu Thánh về, Linh Từ quốc mẫu nhân tiện dịp gặp Thuận Thiên hoàng hậu bèn kể lại hết. Thuận Thiên hoàng hậu lại thuật lại với vua Trần Thái Tôn. Vua Thái Tôn lộ vẻ phiền muội nói:

- Hay hoàng hậu cùng với trẫm đến thăm công chúa một lần, nên chăng?

Hoàng hậu lắc đầu:

- Không được đâu! Công chúa đang lâm tình trạng ấy, bây giờ bệ hạ và thiếp lại chường mặt sánh đôi mà đến thăm nàng thì có khác chi lấy ngọn dao sắc mà khoét vào vết thương chưa lành của công chúa? Với thiếp, dù muốn hay không thiếp cũng mang tiếng là cướp chồng của nàng, thiếp không còn mặt mũi nào để gặp mặt nàng đâu! Còn bệ hạ là đấng chủ tể muôn dân thì lại khác. Bệ hạ có thể đến thăm nàng, nhưng phải thông báo trước để tránh trường hợp lỡ nàng không chịu tiếp lại đâm ra khó xử!

- Công chúa xưa nay hiền lành thuận thảo lẽ đâu nàng lại khó chịu như thế?

- Một kẻ nhu thuận đến đâu mà những chuyện oan ức tày trời cứ dồn phủ lên người mãi như thế chẳng lẽ không có chút đổi thay? Công chúa có hiểu rằng bệ hạ cũng chỉ là nạn nhân chứ không phải là người gây ra những cảnh oan trái đó không? Ai chẳng có tự ái, ai chẳng biết căm hận! Tìm cái chết họ cũng sẵn sàng tìm nữa huống là. . . Hoặc giả công chúa hiểu lòng bệ hạ đi, nhưng khi xưa dung nhan nàng như thế nào bây giờ tiều tụy thảm hại đến thế ấy liệu nàng có muốn cho bệ hạ thấy mặt không? Đối với Chiêu Thánh lúc này bệ hạ phải nên tỏ ra hết sức tế nhị mới được!

Vua Trần Thái Tôn nghe theo lời hoàng hậu, cho một viên thị thần mang đến tặng Chiêu Thánh một trăm quan tiềno O ovới một ít lụa là. Khi thị nữ Tuyết Hoa đem quà của vua Thái Tôn vào trình, công chúa thấy có một tấm danh thiếp của vua Thái Tôn viết như sau:

"Nghe tin công chúa không được an khang trẫm rất lo buồn. Việc này trẫm thật có lỗi với công chúa. Trẫm rất muốn thân hành đến thăm công chúa nhưng ngại công chúa không vui lòng nên viết thiếp này xin công chúa cho một cái hẹn trước. Trong lúc chờ đợi, trẫm xin công chúa nhận chút quà mọn gọi là chút lòng thành của trẫm. Mong công chúa cho biết ý sớm".

Đọc xong tấm thiếp, công chúa nói với Tuyết Hoa:

- Có lẽ Hoàng thượng ngại ta không hiểu lòng ngài nên muốn gặp ta để giãi bày chứ gì! Thật sự ban đầu ta cũng có giận ngài nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ta hiểu ngài lắm chứ. Nhưng hiểu thì hiểu mà dung nhan ta giờ đây tàn tạ thế này ta làm sao dám gặp ngài? Còn quà cáp ư, ta có cần tiêu pha gì nữa đâu. Bỗng lộc triều đình lâu nay ta cũng tạm đủ dùng rồi! Nhưng thôi, ta cứ nhận quà cho ngài an tâm, phải không?

Thế rồi công chúa viết mấy hàng trả lời vua Thái Tôn:

"Thần thiếp rất đội ơn thánh thượng đã ưu ái tặng quà, thần thiếp không dám từ chối lòng tốt của thánh thượng. Về việc thánh thượng muốn gặp mặt thần thiếp, thiếp suy nghĩ việc này rất bất tiện cho cả đôi bên. Thánh thượng cứ tin là thần thiếp hiểu rõ lòng thánh thượng và xin miễn cho việc này."

Một hôm khác, Linh Từ quốc mẫu đến thăm Chiêu Thánh, bà cũng mang tặng nàng một trăm quan tiền:

- Con hãy cất lấy để có khi cần dùng đến.

Chiêu Thánh từ chối:

- Mới đây Hoàng thương cũng có tặng con một trăm quan và lụa là con vẫn còn cất đấy. Mẹ nghĩ xem, con còn biết tiêu dùng vào việc gì? Thôi, mẹ hãy đem về, con không nhận đâu!

Linh Từ quốc mẫu không nài ép. Nhìn thấy con vẫn dáng vóc khô héo tàn tạ, chẳng đổi thay được gì, bà nói:

- Hay là con xin vào chùa Chân Giáo để tu học? Con muốn thế không?

Chiêu Thánh đáp:

- Con vẫn muốn xuống tóc đầu Phật từ lâu. Núp dưới bóng từ bi của đức Phật tổ may ra những cơn ác mộng mới chịu rời xa con! Con đã từng đau khổ tột cùng vì chúng. Nhưng con ngại mình đi tu Thái sư không bằng lòng!

- Thái sư đã hủy bỏ lệnh giám sát con rồi, con khỏi lo. Mẹ sẽ hỏi ý kiến hòa thượng Pháp Chân thử xem ngài dạy thế nào nhé!

Thế rồi Linh Từ quốc mẫu dẫn Chiêu Thánh lên kiệu đi đến chùa Chân Giáo.

Bấy giờ nhằm ngày chùa Chân Giáo đang tổ chức cúng thí thực cô hồn, đồng thời đãi chay tặng quà những người nghèo đói. Người nhà chùa cho quốc mẫu và công chúa biết công đức bố thí này được thực hiện nhờ sự đóng góp của một số mạnh thường quân trong thành Thăng Long. Thiên hạ nhiều nơi nườm nượp kéo về chùa, trong ngoài khuôn viên chùa đều chật ních người ta. Đông nhất là hạng ăn mày. Linh Từ quốc mẫu cho để kiệu một bên đường rồi đi bộ vào chùa. Toán lính hầu và ban trật tự của chùa phải thu xếp một hồi mới có một lối đi cho quốc mẫu và Chiêu Thánh công chúa. Sau khi lễ Phật xong, quốc mẫu cùng công chúa ra sân chứng kiến cảnh sinh hoạt đãi chay và tặng quà.

Đây là lần đầu tiên trong đời Chiêu Thánh tận mắt thấy được những người dân nghèo đói. Họ phần nhiều đầu không nón che, áo quần rách rưới hở cả lưng cả bụng dù hôm đó trời khá lạnh. Khí hậu mùa đông làm nhiều người co ro cúm rúm trông thật thảm hại. Thực khách cứ mười người quần tụ quanh một mâm, có một người của chùa trông coi việc phân chia. Trên mỗi mâm có một nồi chè, một rá xôi, một đĩa đậu hũ kho. Chén đũa thìa thì ai tự lo nấy. Sau khi phân chia xong phần thức ăn, mỗi người được phát thêm một bịch quà gói lá chuối cột dây khá kỹ. Vì số người dự quá đông nên người của chùa phải dọn lần lượt. Dù đã có người của chùa trông coi việc phân phối thức ăn nhưng vẫn không sao tránh khỏi sự tranh cãi lộn xộn. . .

Trước đây Chiêu Thánh chưa bao giờ thấy được cảnh ăn uống của những người dân đói thiếu như thế. Hầu hết thực khách đều tận tình ngốn ngấu húp và, mắt thì liếc nhìn phần thức ăn còn lại giữa mâm. Không mấy chốc cả nồi lẫn rá chỗ nào cũng sạch không. Thế mà trông nhiều người trên nét mặt vẫn còn vẻ chưa thỏa mãn. Ăn uống xong nhiều người bèn khui gói quà ra. Người được cái áo cánh, người được cái khăn bịt đầu, người được vuông vải nâu. . . Ánh mắt người nào cũng rực lên vẻ sung sướng. Thình lình một người trung niên gầy ốm cười lớn "ha ha ha" rồi lấy trong bịch lá chuối ra một cái mũ len đội lên đầu xoay qua xoay lại thích ý lắm. Bao nhiêu người quay lại nhìn anh ta với vẻ thèm thuồng. Thấy cảnh tượng đó Chiêu Thánh hết sức cảm động. Nàng quay lại nói với quốc mẫu:

- Thưa mẹ, số tiền mẹ cho con hồi sáng con đã từ chối nhưng bây giờ con xin nhận!

Linh Từ quốc mẫu ngạc nhiên:

- Tại sao vậy?

- Thưa mẹ, con muốn cúng vào chùa để làm của bố thí cho người nghèo.

Quốc mẫu cười vui vẻ:

- Được lắm, mẹ sẽ trao cho con để tùy ý con dùng!

Chiêu Thánh công chúa cũng nở một nụ cười:

- Mẹ ạ, lâu nay con vẫn thêu đan khá nhiều, áo có mũ có nhưng cứ làm xong lại tháo ra, có khi vứt bỏ nữa. Bây giờ thì con tìm ra được chỗ dùng nó rồi!

Linh Từ quốc mẫu hiểu ý tán thưởng:

- Đó cũng là cách thực thi công đức!

Khoảng giữa giờ Mùi thì một số thực khách bắt đầu ra về.

Khi gặp được hòa thượng Pháp Chân, Linh Từ quốc mẫu bèn nói rõ ý nguyện của Chiêu Thánh. Hòa thượng Pháp Chân chăm chú quan sát Chiêu Thánh một hồi rồi nói:

- Số công chúa còn vướng nợ hồng trần, chưa thể xuất gia. Tuy thế, từ nay thời vận sẽ bắt đầu khá. Công chúa cứ chuyên tâm cầu nguyện tất chuyện tốt lành sẽ đến.

Linh Từ quốc mẫu hỏi:

- Bạch sư phụ, hiện giờ Chiêu Thánh lẻ loi không chồng không con, vì lý do gì sư phụ bảo chưa thể xuất gia?

Hòa thượng Pháp Chân nói:

- Việc đời vẫn thường biến cải, cứ đợi một thời gian sẽ thấy ứng nghiệm!

Linh Từ quốc mẫu quay lại nói với Chiêu Thánh:

- Hòa thượng đã nói tất không sai. Con cứ yên chí trở về ngày đêm gắng cầu nguyện rồi chuyện tốt lành sẽ đến!

Thế rồi hai người giã từ hòa thượng Pháp Chân ra về.

o O o

Đúng như hòa thượng Pháp Chân nói, từ khi không còn bị theo dõi phiền hà, Chiêu Thánh cảm thấy tinh thần thoải mái hơn. Lại nữa, những cái nồi đất nung cũng giúp nàng ăn được cơm thêm. Đồng thời, từ ngày thấy rõ được miếng cơm, manh áo có giá trị như thế nào đối với lớp dân cùng tại chùa Chân Giáo, Chiêu Thánh bắt đầu có nhiều thay đổi trong cuộc sống. Trước kia nàng và các tì nữ thêu đan chỉ có mục đích giải khuây qua ngày. Làm được cái gì vừa ý thì giữ lại dùng, cái gì không vừa ý thì vứt đi hoặc tháo ra làm lại. Nhưng bây giờ thì việc làm của họ lại chuyển sang mục đích nhân ái rõ rệt: sản phẩm làm ra được đem gởi nhà chùa để ban phát cho những người thiếu thốn. Thầy trò Chiêu Thánh công chúa đều trở nên hăng say làm việc với niềm vui đó. Những ánh mắt sáng rực vui vẻ của những người dân cùng khi nhận được quà thay thế dần những cơn ác mộng trong các giấc ngủ của công chúa. Chiêu Thánh dần phục hồi sức khỏe lúc nào không hay. Giờ thì công chúa rất bằng lòng với cuộc sống mới. Nàng vẫn hay nói với các nữ tì:

- Đời ta chìm nổi nhiều phen rồi, giờ cứ trông được sống bình thường như thế này đến già ta cũng vui lòng.

Chú thích:

1. Một quan tiền nặng chừng 37 phân vàng hiện nay.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang