Một người đã say ngủ hàng vạn năm, nay tỉnh giấc giữa chốn thị thành nơi hồng trần lục dục.
Thứ y phải đối mặt, đâu chỉ có yêu ma, mà còn cả nữ nhân - những nữ nhân tựa thiêu thân, trong bóng đêm cứ lao đầu vào hỏa lộ...
Bất luận là lịch kiếp luân hồi hay huyễn sinh huyễn diệt, thảy đều:
Niệm niệm tựa pháp,
thần ý hóa Côn Luân.
Diệu diệu đạo cung,
dưới Thông Thiên giới,
bạch cốt tích tụ.
Hồng trần lịch kiếp trải hai mươi năm,
rốt cuộc lại quay về…
***
Nối tiếp dòng thời gian của “Nhân đạo kỷ nguyên” và “Hoàng Đình”, “Bạch cốt đạo cung” cũng mang đậm dấu ấn đặc trưng của tác giả Thân Vẫn Chỉ Tiêm: cốt truyện nhiều nút thắt, biến hóa khôn lường; lời văn bay bổng, đã đạt đến cảnh giới tự nhiên như nước chảy mây trôi, như “mây tại trời xanh, nước tại bình”; ý cảnh xuất trần, lại ẩn tàng triết lý, phảng phất màu sắc huyền hoặc…
Cũng với phong cách không trùng lặp ấy, tác giả Thân Vẫn Chỉ Tiêm đã từng viết nên nhiều bộ truyện xứng đáng là tuyệt phẩm của dòng truyện tiên hiệp - một dòng truyện mới nổi và được rào đón tại Trung Quốc trong những năm gần đây, như: “Nhân đạo kỷ nguyên”, “Hoàng Đình”, “Chúng diệu chi môn” v.v.
“Bạch cốt đạo cung”, cũng như những tác phẩm “đàn anh” của mình, được nhiều độc giả đánh giá là một trong những đứa con tinh thần xuất sắc nhất của Thân Vẫn Chỉ Tiêm. Tác phẩm cũng nói về những con người nhỏ bé, lọt thỏm giữa khoảng không mông mênh của vũ trụ, mong manh lại yếu ớt tựa “sô cẩu” (tức “chó rơm”, theo “Đạo Đức Kinh”), tựa hồ điệp trong giấc mộng của cổ nhân, tựa bụi đất, cỏ dại ven đường khi so sánh với cái Đạo bao la, khôn cùng khôn tận, vô thủy vô chung. Song, những con người ấy - những sinh linh nhỏ nhoi, lập lòe ấy - lại luôn ôm ấp khát khao vượt thoát ai trần, để một ngày cưỡi hạc, hóa bướm, trở về với cõi Đạo nguyên sơ. Cũng khai thác chủ đề đó, nhưng “Bạch cốt đạo cung” vẫn có nét độc đáo khi so sánh với những “anh em ruột thịt” của mình nói riêng và cả những tiểu thuyết tiên hiệp - huyền huyễn khác nói chung. Thân Vẫn Chỉ Tiêm là thế, không bao giờ đi theo lối mòn, kể cả của bản thân lẫn của người khác!
Bộ truyện, như bình bàn của một số độc giả, vẫn còn tồn đọng một số điểm trừ tai hại. Tuy nhiên, theo thiển ý của Thất Đồng, chính chỗ có khuyết điểm ấy, chính sự không toàn hảo ấy, đã khiến tác phẩm trở nên có tính “người” hơn, nhân văn và hấp dẫn hơn.
Để biết tác phẩm có những ưu và nhược điểm thế nào, mời quý độc giả cùng theo chân tiên nhân của chúng ta - Thanh Dương Tử - dấn bước trên con đường vân du, cầu tiên học Đạo…
“Hai mươi năm hồng trần tu bản ngã, sớm mai đắc pháp luyện thiên ma.”
- Thân Vẫn Chỉ Tiêm