Gửi bức thư cho Đích rồi, Thứ thường hay có những lúc nghĩ vẩn vơ. Những ý nghĩ của y luôn luôn trái ngược nhau. Lúc thì y tự bảo rằng:
- Đích nhận được thư của mình chắc hẳn phải thấy tươi đẹp hẳn lên. Anh chàng chắc mẩm đã lợi dụng được một thằng ngờ nghệch là mình. Có biết đâu chính anh mới thật là ngờ nghệch!
Nhưng cái ý nghĩ ấy cũng chẳng khiến y sung sướng chút nào. Trái lại, y buồn, bởi vì y chua chát nghĩ theo ngay rằng: muốn biết chắc chắn một người đàn bà có chung tình với mình không, thật là khó lắm. Hỏi chính người đàn bà thì cố nhiên là họ bảo chung tình với mình rồi. Còn hỏi người khác thì phần nhiều người ta không nỡ nói thật cho mình biết, nếu sự thật có thể khiến mình khổ sở. Tại sao anh em San lại có thể đem việc vợ San có ngoại tình nói với San? Riêng về phần y, y tin chắc rằng trong lúc y đi vắng dù cả nhà y có bắt được quả tang Liên có ngoại tình, việc ấy cũng không thể nào đến tai y được. Cả nhà sẽ về hùa với nhau mà giấu giếm. Như vậy đó!... Tim y nhói lên một cái, như đột nhiên bị một mũi dao thích mạnh. Người y cồn cào...
Nhưng có thật y đã nói dối Đích không? Bức thư của y mặc dầu có một cái dụng ý ranh mãnh ở trong vẫn đúng sự thật như thường. Sự thật là chính mắt y cũng chưa hề thấy Cảnh đến với Oanh một lần nào, từ độ Đích đi. Nghĩ thế thì y lại cho sự ghen bóng, ghen gió của Đích là một sự lố lăng. Và y lại thấy nóng tai, bởi vì cái tính hay ghen bóng ghen gió thì có lẽ y còn hơn cả Đích, nghĩa là chắc đã nhiều phen y làm những người khác phải cười thầm, mà chính y không biết...
Từ đấy, Thứ hình như có ý dò Oanh. Cố nhiên là không phải dò cho Đích, nhưng dò để xét đàn bà. Y không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ rằng Oanh có thể có một người tình nào khác nữa, ngoài người phải đi xa. Nhưng một hôm, đến trường vào một lúc bất ngờ gặp Mô đang loay hoay cắt cho Oanh mấy cái móng tay. Tay Mô nắm lấy những ngón tay Oanh. Cũng may đó lại là bàn tay phải: Oanh không thuận cầm kéo tay trái, tất phải nhờ Mô cắt. Chẳng có gì đáng quan tâm. Nhưng một hôm khác, nhân buổi có trăng, Thứ ra đường dạo chơi rồi tiện chân tạt vào đường, mới đến cầu thang, y đã nghe tiếng Mô hát bài "Cờ người"...
"Oanh hẳn đã về nhà riêng...". Y nghĩ vậy. Nhưng liền sau đấy, y nghe thấy tiếng Oanh cười. Y cố ý nện giầy thật mạnh lên những bậc thang. Tiếng hát ngừng. Cả tiếng cười. Mô đang nằm ngoài hiên gác vội vàng nhỏm dậy. Oanh nửa nằm, nửa ngồi trên đi văng ngoái cổ nhìn về phía thang lên và nhận ra y...
- Chú!... Chú lên đây mà nghe hát. Tôi phải thuê thằng Mô năm xu để nó hát cho tôi nghe đấy!
Thứ cười gượng, không nói gì. Đêm hôm ấy, y thao thức rất khuya. Y cứ luẩn quẩn nghĩ đến thằng ở chăn trâu nhà Liên ngày xưa, giọng tốt hát rất hay. Chính Liên cũng đã phải khen rằng nó hát hay mà lại bảo rằng chỉ vì mê giọng hát của nó, mà một người làng đã gả không con gái cho nó. Tự nhiên, Thứ nao nức muốn có phép gì có thể về được nhà quê ngay lúc ấy, để day dứt, đay nghiến, mai mỉa Liên cho hả. Y toan viết một lá thư về. Nhưng sợ cái cử chỉ ấy có thể khiến cho người khác hoặc chính Liên phải buồn cười, y lại cho rằng sự im lặng là hơn. Y sẽ để thật lâu không viết một bức thư. Y sẽ làm như quên hẳn Liên rồi, hay chưa bao giờ cần Liên cả. Cho Liên khổ...
Một việc nữa khiến y càng băn khoăn nghĩ đến Liên: việc vợ chồng anh xe. Một buổi sáng Chủ Nhật, bà Hà đi chợ vừa về đến cổng, sắp bước vào thì bỗng có tiếng người gọi. Bà quay lại. Một anh con trai mặc quần áo cánh trắng hồ lơ, đội khăn xếp hẳn hoi, lại có một cái áo the khoác cánh tay, hắn chạy vội lên mấy bước nữa, chào rồi hỏi:
- Thưa cụ, thế này không phải... cháu hỏi thăm cụ cô Mơ có ở trong này không ạ?
- Bác hỏi cô Mơ nhà tôi hay cô Mơ có chồng làm xe?
- Thưa cụ, cháu hỏi cô Mơ chồng làm xe ấy ạ!
- Thế thì để tôi còn phải vào xem đã.
Năm phút trước đây, vợ anh xe đã như một con mẹ hàng quà trốn thuế, lụt cụt chạy về chui tọt vào nhà. Bây giờ thì đang thập thò ở bên cạnh cửa, nhìn ra. Nghe tiếng bà Hà vừa đi vào vừa gọi, chị lại thụt cái đầu vào đằng sau bức vách. Bà Hà thò đầu vào cửa nhìn vào...
- Ngồi đấy mà...
Bà nói được ba tiếng rồi ngừng lại, rồi bà quay ra, bảo anh kia:
- Cô ấy không có nhà.
Nhưng ông Học vừa ở trong nhà trong ra, đã hỏi:
- Ai?
- Vợ cái nhà anh xe thuê cái nhà lá ấy mà.
- Chị ta vừa về đấy thôi
- Về nhưng đi đâu rồi, ai biết được?
Bà chực nháy mắt cho ông Học biết. Nhưng ông Học không để ý. Ông toang toang cãi.
- Không! Chửa đi đâu đâu, rõ ràng tôi vừa trông thấy ở trong nhà lá.
Bà Hà bật cười. Anh chàng kia hiểu ý, van lạy bà cụ Hà:
- Con lạy cụ! Cụ làm ơn bảo cô ấy ra cho con hỏi một tí, con cũng vừa trông thấy cô ấy đi vào lối ngõ này, con mới vào.
- Hỏi gì thì vào nhà hỏi.
- Con sợ vào chó cắn. Cụ giúp con làm phúc.
- Tôi không giúp được! Cô ấy bảo cô ấy còn bận, không ra được.
Bà quay vào bếp, mặc kệ anh ta đứng đấy. Anh ta đành gọi lấy. Nhưng chị nọ không thưa, cũng không ra. Ông Học như đoán thấy có chuyện gì rắc rối, ra ngõ, hỏi:
- Anh muốn hỏi gì chị ta?
- Thưa cụ, con muốn hỏi cô ta một chuyện riêng.
- Chuyện gì, anh cứ bảo ngay tôi này, rồi tôi nói hộ cho hay là cứ hỏi to lên, tất cô ta phải nghe thấy, tội gì mà cứ lè nhè mãi!...
Thấy anh đỏ mặt lên, ấp úng không chịu nói, ông làm như mắng:
- Anh gàn bỏ mẹ! Thế thì về quách đi, đứng đấy làm gì? Này nhé: chị ấy nhất định không chịu ra, còn anh thì lại sợ không vào... Với lại không sợ thì tôi cũng chẳng để anh vào. Người ta thuê nhà của tôi, chồng người ta đi vắng, chỉ có vợ ở nhà, vợ người ta không muốn tiếp anh, tôi tự tiện để anh vào, nhỡ nhà người ta mất cái gì, người ta trách được tôi. Tôi biết anh là anh đếch nào?
- Bởi thế con có dám vào đâu. Con đứng mãi bên ngoài cổng.
- Anh đứng mãi bên ngoài cổng thì được, mặc anh! Nhưng anh đứng xa hơn một tí nữa... Thế! Được rồi!... Anh muốn đứng đến bao giờ thì đứng!
Ông quay vào xay bột. Anh kia, có lẽ vì thấy ai cũng như có ác cảm với mình, ngượng và cực quá, không gọi nữa, anh đứng tần ngần một lúc rồi đi. Nhưng mới đi độ một chục bước, chẳng biết nghĩ thế nào, anh lại quay trở lại. Anh lẳng lặng đứng ở bên ngoài cổng, nhìn vào. Thấy thế, ông Học chẳng biết vì tò mò hay thương hại, lại ra cổng hỏi:
- Tôi hỏi thật anh, anh đối với chị ta thế nào, có họ hàng gì không. Cứ nói thật thà với tôi rồi tôi liệu.
- Bẩm cụ, con là chồng cũ.
Anh đáp lại, sau một giây im lặng. Và anh kể lể:
- Bẩm cụ, chẳng giấu gì cụ, cô ta đã nhận lời lấy con rồi, vợ chồng đã thuê nhà ở với nhau, cô ấy lại đã nhận của con ba chục bạc để may vá nọ kia. Thế mà con mất việc, phải về nhà quê có hơn nửa tháng, đến nay ra đã nghe tiếng cô ấy đi lấy chồng thằng xe, thằng bếp, mà lại phải lấy làm hai. Lấy con làm một thì cô ấy không thèm lấy!...
Ông Học ngắt lời anh:
- Không lấy thì thôi, thiếu gì con gái mà anh còn phải tiếc. Tôi ấy à? Nói khí vô phép chứ vợ tôi mà thế thì mấy tôi cũng không lấy nữa. Làm tài trai, thiếu gì!
- Vâng, thì con cũng có thiết đâu? Con chỉ có ý đến hỏi cô ta xem có thật cô ta đã lấy chồng khác rồi không. Bởi vì con chỉ mới nghe tiếng thế thôi, chứ đã giáp mặt cô ta đâu. Mà nếu quả thật cô ta đã lấy chồng khác rồi thì cô ta nghĩ cho con thế nào cái chỗ ba mươi đồng bạc.
Cô ả giờ mới xộc ra. Nhưng cô chỉ ra đến đầu hè:
- Anh còn trách gì tôi? Tôi cũng chẳng chê anh. Nhưng anh đưa tôi về nhà anh, người nhà anh chẳng ai buồn nói động đến tôi. Tôi chào người nào, người ấy ngoảnh mặt đi. Tôi ngồi đâu, mặc! Đứng đâu, mặc! Như thế thì tôi ở làm sao được.
- Thì chỉ một mình cô với tôi là đủ chứ còn cần gì ai nữa? Bố mẹ tôi không bằng lòng rồi tôi nói mãi cũng phải nghe. Chẳng qua là cô cũng có ý lường tôi, không thật lòng thật dạ với tôi. Cô không có bụng giở giáo thì hà cớ làm sao tôi mới về nhà chưa đầy một tháng cô đã phải lấy ngay người khác? Bây giờ cô đã trót lấy người khác rồi, tôi cũng chẳng dám nói gì, nhưng chỉ xin cô nghĩ cho cái số tiền cô nhận của tôi.
Cô ả chưa biết trả lời sao thì ông Học đã toang toang.
- Còn nghĩ ngợi gì? Tiền giai đưa gái có đòi được cái đếch người ta. Với lại anh đưa cho chị ta cũng chẳng có tờ, chữ gì. Có hiểu không? Thà rằng anh chịu mất cho xong có hiểu không. Nhưng mà người đàn bà thế thì cũng bạc. Đã lấy tiền của người ta, đã ngủ với người ta, như thế là vợ chồng rồi. Người ta chết cũng phải đợi đúng ba năm, huống chi người ta mới về nhà quê mười mấy ngày giờ. Thế mà đã mặt mũi nào mà đi lấy chồng khác được!
Chị kia toan cãi. Nhưng ông nói lấp đi:
- Ấy là tôi cũng lấy lẽ phải trái nói vậy thôi. Còn mặc kệ đôi bên, chứ tôi được quái gì, mất quái gì, có hiểu không. Có điều câu chuyện đã rắc rối thế này, thì anh muốn nói gì, nói hết đi. Tôi cho anh năm phút nữa thôi, có hiểu không? Anh còn lảng vảng mãi ở đây, nhỡ người chồng mới người ta về, đôi bên lại lôi thôi. Lôi thôi thì tôi cũng chẳng cần gì. Tôi chỉ đá cho mỗi anh một cái, bắn ra đường, rồi mặc kệ các anh! Nhưng nó sinh lắm chuyện ra! Vả lại người ta thuê nhà của tôi, người ta có thể trách tôi sao để cho anh vào mà ghẹo vợ người ta. Vậy anh nói gì thì nói rồi đi! Muốn đánh nhau, chém nhau, cứ đợi bao giờ gặp nhau ở ngoài đường tha hồ đánh, tha hồ chém! Gây sự với nhau ở cổng nhà tôi là không xong! Hiểu không?
Anh kia không cần đến năm phút của ông. Anh chẳng còn gì mà nói. Vả lại nói mà cứ bị ông chẹn họng hay bàn tán lôi thôi thì còn nói năng gì! Anh chào ông Học rồi chuồn. Ông Học vẫn chưa thôi bình phẩm người vợ bạc tình của anh ta.
- Đời bây giờ, người ta cứ văng tê! Thử ngày xưa xem! Cứ gọi là voi giày, ngựa xé...
Ông nói nhiều và tệ lắm. Chị vợ anh xe chỉ ngồi cúi gằm mặt xuống. Mặt chị đỏ như gấc chín, rồi chị lủi thủi vào nhà. Một lúc lâu sau, nhân một lúc ông Học mải làm gì ở đằng chuồng lợn, chị vội vàng len lén chạy qua sân ra cổng. Nách chị cặp một bọc quần áo, bọc trong cái khăn vuông. Chẳng bao giờ, chị còn về đây nữa...
Mấy hôm sau, anh chồng đến, vào một buổi trưa. Anh nói chuyện rằng anh đã bỏ chị kia rồi...
- Con không biết nó đã có chồng. Nó bảo con rằng chưa lấy ai. Nếu con biết như thế này thì chẳng đời nào con lấy nó. Thưa cụ, một cái đất Hà Nội này thiếu gì con gái mà còn phải cướp vợ người ta.
Dần dần, anh mới ngỏ mục đích của mình ra.
- Thưa cụ, con thuê cái nhà, đưa cụ cả tháng rồi mà mới ở được mấy ngày, với đôi chiếu...
Ông Học không đợi cho nói hết. Ông đổi ngay nét mặt:
- Tôi nói cho anh biết: nhà anh thuê tháng chứ không phải thuê ngày, ở một ngày cũng mất tiền. Vả lại, như vậy cũng rẻ chán rồi! Anh thuê xăm một đêm cũng mất dăm bảy hào đồng bạc...
- Vâng, về cái nhà thì chẳng cho lại con đồng nào, con cũng không dám nói gì. Nhưng còn đôi chiếu, cụ để lại cho con năm hào bây giờ con không dùng đến nữa...
- Anh không dùng đến nữa thì đem mà đốt đi! Mặc kệ nhà anh! Anh nói dở vừa vừa chứ! Nhất ngay cho là vợ chồng nhà anh mới có nằm một đêm, anh có cho không tôi, tôi cũng chả thèm. Anh không đem đi, tôi cũng sai đem quẳng nó ra ngoài sông kia! Anh đừng vòi!...
Ông dức thật to. Mặt ông phình ra, đỏ tím lên. Tay ông như chực ném vào mặt anh kia, ông làm như bị anh kia sỉ nhục đến ông bà, tổ tiên. Anh kia đành chịu lép:
- Ấy là con cũng đến chơi nói chuyện qua với cụ, cụ nghĩ cho được thế nào thì nghĩ chứ có dám đòi cụ đâu!
- Anh đòi thế nào được tôi! Anh đòi thì tôi đập vào mặt anh ấy chứ!... Anh đừng rắc rối!
- Ô hay!... Thì tôi rắc rối gì?
- Anh thuê nhà, thuê cửa như thế à? Anh đem đĩ đến anh làm uế tạp nhà tôi ra!...
Ông đập bàn đập ghế ầm ầm. Anh kia nó té tát vài câu rồi vội tháo lui. Đôi chiếu của anh ta, anh ta cũng không kịp lấy đi. Anh đi khỏi một lúc, ông Học còn bô bô chửi...
Sáng hôm sau, lên trường, Thứ khoe với thằng Mô
- Thằng xe chuồn rồi, mày ạ!
- Vâng, thưa cậu. Nó chuồn ba bốn hôm rồi.
- Trưa hôm qua, nó lại vừa đến đây xong.
Mô nhìn Thứ bằng đôi mắt mở to:
- Thưa cậu thật đấy kia?
- Thật.
- Hoài thế mà con không biết!
- Nó còn nợ tiền mày à?
- Không. Nhưng cánh thằng chồng cũ con kia đang định đón đường để đánh cho nó một trận thật nhừ tử.
Thứ chợt nhớ đến bữa rượu hôm nào.
- Thế mày có bênh nó không?
- Thưa cậu, đánh bỏ mẹ nó đi chứ bênh gì! Cho nó chừa cái thói chim vợ người ta! Chúng con đón nó mấy hôm nay rồi, nhưng nó biết, không dám bén mảng đến cái vùng này nữa. Cũng là phúc nhà nó còn to đấy. Giá trưa hôm qua mà có thằng nào trông thấy thì đã được uống nước của hôm nay rồi!
- Thế còn con kia?
- Không hiểu nó đi đâu. Ý nó xem chừng cũng muốn giở về với thằng chồng cũ, mà cái thằng chồng cũ thì ra sự cũng còn muốn lấy nó. Thằng ấy hiền lắm ạ! Nhưng chúng con không cho lấy. Thưa cậu, cái giống nó đã đĩ như thế thì còn lấy nó làm gì? Nó rồi thì cũng chỉ đến cái cầu nay thằng này, mai thằng khác, rồi đến khi chẳng chó nào nó lấy nữa thì nhà thổ! Rồi thì là tim la!...
Mô cười sòng sọc, nẩy cả một cục đờm ra. Nó vội chạy ra ngoài để nhổ. Oanh nhìn Thứ, nheo mắt cười. Thứ bảo Oanh:
- Cô là đàn bà, cô hiểu cái tâm lý đàn bà hơn đàn ông chúng tôi. Tôi hỏi cô điều này: theo ý cô thì sự trinh bạch hoàn toàn có thể có không? Trinh bạch hoàn toàn nghĩa là trinh bạch cả về hai phương diện: xác thịt, tâm hồn, nhất là tâm hồn. Trinh bạch cả đến trong ý nghĩ... Có người đàn bà nào, suốt một đời chỉ nghĩ đến một người đàn ông?
Oanh chế nhạo và hơi có vẻ bất bình:
- Các ông tham quá! Các ông lấy hai vợ, ba vợ, có khi cả chục, lại còn cô đầu, con hát, gái kiếm tiền... đủ thứ vẫn chẳng sao. Thế mà các ông lại muốn bắt vợ các ông phải trinh tiết với các ông đến cả trong ý nghĩ!
- Tôi có bắt thế đâu? Vợ tôi vẫn tự do, vẫn đủ quyền... Nhưng tôi hỏi thế thôi.
- Các ông hãy nói ngay chính các ông! Các ông có thể trung thành với vợ ngay cả trong ý nghĩ hay không?
Thứ hơi ngượng nghịu. Y vẫn ngẫm nghĩ rồi y cười và bảo, như bảo với chính mình:
- Ờ, nghĩ thì cũng lạ! Ai cũng biết rồi, sao mà ai cũng băn khoăn, đau khổ vì cái sự khổ không thể có ấy? Tại sao người ta lại đến mất ăn, mất ngủ khi biết rằng vợ mình đã có lần yêu một người đàn ông khác, hay là hiện thời cũng có những lúc ngẫm nghĩ đến người đàn ông này hay người đàn ông nọ? Trong khi ấy, nếu trông thấy một cô nào thích mắt, mình vẫn nhìn, vẫn thích và cho sự ấy là thường lắm!
- Thế mới là ích kỷ!
Oanh gần như the thé. Mặt y vênh lên một chút, tự đắc và bướng bỉnh, San, từ nãy giờ vẫn chúi mũi vào sách, bấy giờ mới ngẩng mặt lên. Y bảo:
- Ích kỷ thì cố nhiên là ích kỷ rồi. Nhưng chẳng riêng gì bọn đàn ông, đàn bà cũng thế, đàn bà cũng muốn giữ một mình một chồng lắm chứ! Giời sinh ra thế. Khoa học có thể tiến, loài người có thể văn minh, luân lý luật pháp có thể ít bó buộc hơn, nhưng về tình yêu thì đến ngàn, vạn năm sau vẫn vậy: người ta vẫn ích kỷ, vẫn ghen tuông, vẫn muốn giữ độc quyền, vẫn không chịu được một cái tình yêu chia sẻ. Con cháu chúng ta sẽ vẫn băn khoăn đau khổ vì yêu như chúng ta bây giờ và như tổ tiên ta ngày trước.
Thứ lắc đầu:
- Tôi thì tôi không tin như vậy. Tình yêu đã thay đổi nhiều lần chứ không phải từ ngày xửa ngày xưa vẫn thế này đâu. Dưới chế độ mẫu quyền, đàn bà có thể có rất nhiều chồng, mà sao những người chồng ấy không ghen, không đâm chém nhau? Ngày xưa người ta còn có lối lấy nhau rất buồn cười: tất cả anh em một nhà lấy chung tất cả chị em một nhà kia, chẳng cần gán riêng chị nào vào anh nào cả. Như vậy mà người ta vẫn ăn ở với nhau yên ổn được. Có lẽ ngày nay về bất cứ cái gì, người ta cũng thích co quắp lấy làm của riêng mình mãi rồi, đã quen đi, nên về tình yêu, người ta cũng muốn có quyền sở hữu như về mọi cái. Chế độ tạo ra lòng người.
San vẫn hoài nghi.
- Anh thích một vật gì, anh có muốn giữ vật ấy làm của riêng không? Đã yêu, tất muốn có quyền sở hữu.
Thứ mỉm cười, chỉ tay ra ngoài cửa sổ.
- Tôi rất thích trời xanh dịu thế kia. Tôi rất thích ánh nắng ban mai... Tôi rất thích mặt trăng. Nhưng anh cứ việc ngắm trời xanh dịu, nhìn ánh nắng ban mai, ngồi suốt đêm đối diện với mặt trăng, tôi chẳng giữ một mình đâu!
- Nhưng thử có một thằng nào ngắm vợ anh xem... Anh lại không đánh vỡ mặt nó ấy à?
Mọi người cười. Thứ cũng cười. Y hơi đỏ mặt. Y tin vào những lý lẽ của y lắm, nhưng y vẫn ghen, vẫn thắc mắc như thường. Tại sao vậy? Y suy nghĩ một cách buồn rầu, rồi bảo:
- Đó là tại thói quen. Không phải có thói quen của riêng mình, nhưng là thói quen lưu truyền đã mấy đời, đến nỗi nó đã nhập vào máu chúng ta. Tư tưởng, tính tình, cảm giác, hành động của chúng ta đều khuôn theo những thói tục. Những lề lối sẵn trong thời đại của chúng ta. Thời thế đổi, lòng người đổi. Thế kỷ sau sẽ lọc cho máu chúng ta trong trẻo lại
Y thở dài nghĩ bụng: "Nhưng tại sao ta lại không nghĩ đến chuyện lọc máu ngay từ giờ?"...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK