• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khi Catherine chết, Paul Đệ Nhất lên ngôi vua, mà nếu Alexandre, con trai ông, nghe theo chủ định người ta đã dành cho mình, thì ông đã bị đi đày vĩnh viễn. Bị triều đình bắt đi đày, luôn phải sống cách biệt với các con, chúng đã được bà nội là Catherine nuôi dạy. Hoàng đế mới giải quyết những công việc đã từ lâu được thiên tài của Catherine và sự tận tuỵ của Potemkine chi phối, với một tính tình đa nghi, dữ tợn và lạnh lùng. Chỉ trong một thời gian ngắn trị vì, ông đã tạo nên một cảnh tượng gần như không hiểu nổi đối với dân chúng, các nước láng giềng và các vua anh em.

Tiếng kêu thê thảm của Catherine II sau ba mươi bảy giờ hấp hối đã tuyên bố trong hoàng cung Paul Đệ nhất là nhà vua nước Nga. Nghe tiếng kêu ấy, hoàng hậu Marie và các con quỳ xuống trước chồng và bà là người đầu tiên hoan nghênh Nga hoàng. Paul nâng vợ con dậy, trấn an họ với lòng tốt của vua tôi và cha con.

Ngay lúc đó, triều đình, các chỉ huy quân đội, những đại lãnh chúa và triều thần, lần lượt đến trước mặt ông, quỳ gối theo thứ tự. Mỗi người theo hàng ngũ và thâm niên, phía sau họ là một phân đội được đưa về lâu đài bảo vệ và đưa đến gần Gattchina, chỗ ở cũ của Paul. Họ đã thề trung thành với Nhà vua mặc dù hôm trước họ còn canh giữ ông như là người tù hơn là người được thừa kế. Ngay lúc ấy những tiếng hô hiệu lệnh, tiếng binh khí, tiếng sột soạt của ủng, gươm vang lên khắp ngôi nhà khi nữ hoàng Catherine vừa đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Paul Đệ nhất được tôn vinh Hoàng đế và con trai ông, Alexandre, là thái tử, được chỉ định là người thừa kế ngôi vua.

Paul lên ngôi sau ba mươi lăm năm bị tước bỏ, trục xuất, khinh bỉ, và ở vào tuổi bốn mươi ba, ông là chủ một vương quốc mà trước đó ông chỉ là một tù nhân. Trong ba mươi lăm năm ấy ông đã đau khổ nhiều do đó cũng học hỏi được nhiều. Vì vậy ông xuất hiện trên ngôi vua trong túi đầy những luật lệ được thảo ra trong cảnh tù đày, những luật lệ ông hối hả thực hiện liên tiếp nhau và đôi khi tất cả cùng một lúc.

Trước hết ông hành động trái ngược hẳn với Catherine, với nỗi căm hờn cay đắng, biến thành hận thù xuyên sâu vào mỗi hành động. Ông bao bọc những đứa con trong một gia đình đẹp đẽ và giàu có nhất trong những gia đình nhà vua trên thế giới và tạo dựng cho Đại quận công Alexandre thống lĩnh quân sự ở Saint-Peterbourg. Về Hoàng hậu Marie cho đến nay rất đáng thương hại vì phải xa chồng, bà rất ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy ông trở về và vẫn tốt và mến thương bà. Những lợi lộc bà có được gấp đôi nhưng bà vẫn nghi ngờ rồi thái độ âu yếm kèm theo ân huệ làm bà tin tưởng vì bà có một tâm hồn thánh thiện của một bà mẹ, và tấm lòng cao thượng của đàn bà.

Với cách đối nghịch quen thuộc và thể hiện lúc bất ngờ nhất, sắc lệnh đầu tiên của Paul là ngừng tuyển lính mới theo lệnh của Catherine, bớt đi trong vương quốc một trăm nông nô. Biện pháp này vượt quá lòng nhân đạo, là vấn đề chính trị vì đưa lại cho nhà vua mới lòng biết ơn của giới quý tộc vì đã giúp họ bớt đi khoản thuế quân sự và đỡ phải cung cấp người.

Zoubov, người thân cận cuối cùng của Catherine, tưởng đã mất hết khi mất bà hoàng và sợ hãi không chỉ vì sự tự do mà còn về mạng sống. Paul Đệ nhất gọi ông đến, xác nhận nhiệm vụ của ông, trao cho ông gậy chỉ huy của người phụ trách cận vệ mà ông vừa đuổi đi và nói "Ông tiếp tục làm nhiệm vụ trong đoàn cận vệ của mẹ tôi; hy vọng ông phục ta cũng trung thành như khi phục vụ bà vậy"

Kosciuszko bị cầm tù, cấm cố trong nhà cố Bá tước Anhalt được giao cho một thiếu tá canh giữ, người này không bao giờ rời ông và ăn cùng với ông. Paul đích thân đi giải thoát ông, tuyên bố cho ông được tự do. Trong buổi đầu rất bàng hoàng và ngạc nhiên, viên tướng Ba Lan để Hoàng đế ra về không tỏ lời cám ơn, sau đó ông đã tự đến hoàng cung, đầu còn băng bó vì còn yếu và đau đớn vì những vết thương. Được đưa vào gặp Hoàng đế và Hoàng hậu. Paul tặng ông một vùng đất và nông dân trong vương quốc mình. Kosciuszko từ chối, đổi lại chỉ xin một số tiền để sinh sống và chết ở nơi mình muốn. Paul đã cho ông một trăm ngàn rúp và Kosciuszko ra đi, sau này ông chết ở Thuỵ sĩ.

Giữa những mệnh lệnh, quyết định ấy, đánh lừa nỗi sợ hãi của mọi người, báo trước một triều đại cao cả, đến lúc tổ chức tang lễ trọng thể cho nữ hoàng Catherine, Paul quyết định thực hiện một nghĩa vụ kép với bố mẹ. Đã ba mươi lăm năm tên của Pierre III chỉ được nhắc nhỏ giọng ở Saint-Peterbourg. Paul Đệ Nhất đến tu viện Saint Alexandre Nevski, nơi chôn cất vị Hoàng đế khốn khổ, bảo một viên tu sĩ già chỉ cho ông ngôi mộ không biết đến của bố, cho mở quan tài, quỳ gối trước di hài của nhà vua trong đó, rút chiếc găng tay của bộ xương và hôn nhiều lần. Sau khi cầu nguyện rất lâu và thành kính, ông cho đưa quan tài lên giữa nhà thờ và ra lệnh làm lễ đối với di hài của Pierre cũng như đối với thân thể của Catherine đặt nằm trên chiếc giường được trang hoàng lộng lẫy của bà, trong một gian phòng ở cung điện. Cuối cùng phát hiện ra Hầu tước Ungern Henrberg, người phục vụ cũ của bố mình sống thất sủng đã được một phần ba thế kỷ, Paul cho gọi ông vào căn phòng có treo chân dung Pierre III và bảo "Ta cho gọi ông để tuy không có phụ hoàng, bức chân dung này chứng kiến lòng biết ơn của ta đối với những người bạn trung thành của Người". Và dẫn ông đến trước bức ảnh như thể đôi mắt trong bức ảnh có thể thấy việc đã xảy ra: Paul ôm hôn người cựu chiến binh, phong cho làm tướng tổng tư lệnh, quàng huân chương Saint Alexandre Nevski vào cổ ông và giao trách nhiệm phục vụ bên người bố với bộ quân phục đã mặc như lúc làm sĩ quan tuỳ tùng của Pierre IỊI

Ngày lễ tang đến, Pierre III chưa bao giờ được phong tước hiệu, với lý do ấy ông được chôn cất như một lãnh chúa Nga bình thường trong nhà thờ Saint Alexandre Nevski. Paul Đệ nhất tôn vinh quan tài ông, cho đưa vào cung điện và để bên cạnh thi hài của Catherine. Từ đây hai di hài được đưa ra kinh thành đặt trên cùng một bệ, và trong tám ngày, triều thần vì hèn hạ, và dân chúng vì lòng thương, đến hôn bàn tay trắng bệch của Nữ hoàng và quan tài của Hoàng đế.

Dưới chân chiếc mộ đôi ông đến cũng như những người khác, lúc này Paul Đệ Nhất có vẻ đã quên lòng hiếu thảo và sự khôn ngoan. Lẻ loi trong lâu đài Gatchina của mình với một hai đội bảo vệ, ông trở lại những thói quen chi tiết về quân sự, đôi khi để nhiều giờ liền chải những chiếc khuy quân phục, cũng cẩn thận, chuyên cần như Potemkine lau những vết rạn trên kim cương của mình.

Vì thế ngay từ buổi sáng đăng quang tất cả mọi thứ trong cung điện thể hiện một bộ mặt mới, nhà vua mới trước khi lo việc quốc gia, cho thực hiện tất cả những thay đổi nhỏ mà ông dự đính đưa vào trong diễn tập cũng như cách ăn mặc của quân lính. Đến ba giờ chiều ngày hôm ấy, ông ra sân cho diễu binh theo cách của mình, chỉ cách diễn tập theo ý thích. Việc duyệt quân ấy ngày nào cũng được làm và trở thành không chỉ một thể chế quan trọng nhất của chính phủ mà còn là điểm trung tâm của mọi việc quản lý vương quốc. Chính trong cuộc thao diễn quân sự này, ông nghe các báo cảo, ra chỉ thị, ký sắc lệnh, và để các sĩ quan đứng nghiêm chào. Chính tại đây, giữa hai Đại quận công Alexandre và Constantin, hàng ngày trong ba tiếng đồng hồ, dù lạnh như thế nào, không khăn mũ lông, đầu trần và hói, mũi phơi ra gió, một tay để sau lưng, tay kia giơ lên giơ xuống chiếc can và hô "Một, hai! Một hai!" Người ta trông thấy ông dẫm chân cho nóng người, đưa tính tự ái ra chống chọi với rét lạnh dưới hai mươi độ.

Chẳng bao lâu những chi tiết quân sự trở thành công việc của nhà nước, trước hết ông thay đổi màu phù hiệu cờ quốc gia Nga, màu trắng thay thế bằng màu đen viền vàng. Điều này tốt vì như Hoàng đế nói, màu này có thể nhìn thấy rõ từ xa, sẽ trở thành trung tâm điểm nhắm bắn, còn màu đen lẫn vào màu mũ, cùng đồng màu nên quân địch khó ngắm. Nhưng việc cải cách không chỉ dừng lại ở đấy mà còn tiến lên màu chùm lông cài mũ, chiều cao đôi ủng và những chiếc khuy của đôi ghệt. Đến mức những bằng chứng về sự sẵn sàng thay đổi được những điều ông đưa ra hôm trước thể hiện bằng sự diễu hành hôm sau thì mọi người sẽ được thưởng huy chương và thăng cấp bậc.

Dù ưa chuộng quân lính mà Paul Đệ Nhất thay đổi quần áo của họ không ngừng như một đứa trẻ làm đối với búp bê, thỉnh thoảng việc cải cách của ông cũng lây lan đến tầng lớp tư sản. Cách mạng Pháp đưa đến những chiếc mũ tròn làm thành mốt làm ông ghê tởm loại mũ này. Một buổi sáng có chỉ thị cấm đội mũ tròn đi ra trên đường phố Saint-Peterbourg. Hoặc vì không biết hoặc do chống đối, luật lệ này không được áp dụng nhanh như Hoàng đế mong muốn. Ông bèn cho bố trí ở mỗi góc phố lính cô dắc và cảnh sát, họ được lệnh lấy bỏ mũ của những kẻ ngoan cố, bản thân ông đi xe trượt khắp đường phố đê xem lệnh thay đổi được thực hiện ra sao. Ông sắp trở về hoàng cung sau một đợt kiểm tra khá thoả mãn thì nhận thấy một người Anh vốn thấy sắc lệnh về những chiếc mũ là một vi phạm tự do cá nhân nên vẫn đội chiếc mũ tròn. Hoàng đê' dừng lại ngay, ra lệnh cho một sĩ quan đến lột mũ con người ngoan cố dám tới thách thức ông ngay tại quảng trường Amirauté. Kỵ sĩ phóng ngựa nhanh đến chỗ người phạm tội, thấy ông này nghiêm chỉnh đội chiếc mũ ba cạnh, liền thất vọng quay về báo cáo. Hoàng đế tưởng mắt mình nhìn lầm, rút ống dòm chĩa về phía người Anh đang nghiêm trang tiếp tục đi. Ngài nhận định viên sĩ quan đã nhầm: người Anh đội mũ tròn! Viên sĩ quan bị bắt giữ và một viên tuỳ tùng được cử đi thay thế, thúc ngựa phi bụng sát đất theo người Anh nọ. Hoàng đế nhầm rồi, ông này đội mũ ba cạnh. Viên tuỳ tùng ngơ ngác, quay trở về báo cáo như viên sĩ quan. Hoàng đế lại đưa ống dòm lên nhìn và viên tuỳ tùng lại bị bắt giữ: người Anh vẫn đội chiếc mũ tròn. Một viên tướng bèn xin đi làm nhiệm vụ, phóng ngựa đến chỗ người Anh, không lúc nào rời mắt khỏi ông ta. Ông thấy ông đến càng gần, chiếc mũ thay hình đổi dạng, chuyển từ tròn sang ba cạnh. Sợ bị bắt lỗi như hai người trước, ông đưa người Anh đến trước mặt Hoàng đế và tất cả được giải thích rõ. Con người để lòng tự hào quốc gia điều hoà với tính khí thất thường của nhà vua, đã làm cho một chiếc mũ, nhờ chiếc lò xo nhỏ giấu bên trong nó, chuyển ngay từ hình dạng bị cấm sang hình dạng hợp pháp. Hoàng đế thấy ý tưởng hay, tha cho viên tuỳ tùng và sĩ quan, cho phép người Anh từ nay muốn đội mũ gì thì tuỳ ý.

Chỉ thị về xe cộ tiếp theo chỉ thị về mũ. Một buổi sáng ở Saint-Peterbourg có thông cáo cấm buộc ngựa theo kiểu Nga, nghĩa là người đánh xe lên ngựa từ bên phải và nắm dây cương bên trái. Cho phép mười lăm ngày để chủ các loại xe tạo ra những bộ cương theo kiểu Đức, sau đó đến cơ quan cảnh sát cắt bỏ những phần có thể làm ngược lại. Việc cải cách không chỉ ở xe cộ mà cả ở người đánh xe, họ được lệnh mặc quần áo theo lối Đức, họ rất thất vọng phải cắt bỏ bộ râu dài, may vào cổ ao một dải đuôi luôn ở tại chỗ khi đầu ngoảnh sang phải hoặc trái. Một sĩ quan chưa có thì giờ nghiên cứu chỉ dụ mới đành đi bộ đến cuộc diễu hành làm Hoàng đế nổi giận còn hơn đi xe một chiếc xe bị cấm. Bọc người với một chiếc áo lông dài, anh đưa thanh kiếm cho một người lính cầm, Paul bắt gặp việc vi phạm kỷ luật, viên sĩ quan bị giáng xuống làm lính và người lính được thăng lên làm sĩ quan.

Trong tất cả những luật lệ ấy, tước vị không bị bỏ quên. Theo một điều luật cũ, khi đi đường gặp Hoàng đế, Hoàng hậu hoặc Hoàng tử, người ta phải dừng xe ngựa lại, xuống quỳ bên đất bụi, bùn hay tuyết. Việc tôn vinh ấy khó thực hiện trong một thủ đô mà trên mỗi đường phố, trong mỗi giờ có nhiều xe cộ nên đã bị bãi bỏ dưới triều đại Catherine. Vừa lên ngôi, Paul khôi phục lại điều luật ấy và còn phát huy hết mức. Một sĩ quan cấp tướng mà người ta không nhận ra trong đội quân của Hoàng đế, bị tước vũ khí và bắt giữ, hình phạt kết thúc người ta muốn trả lại thanh kiếm, nhưng ông không nhận và nói đấy là thanh kiếm danh dự do Catherine trao tặng, được đặc ân không bị tước đi. Paul quan sát thanh kiếm thấy nó làm bằng vàng và được trang trí nhiều kim cương, liền cho gọi viên tướng đến trao lại tận tay vừa nói không có một giận hờn gì đôi với ông này, nhưng ra lệnh bổ sung ông vào quân đội ngay trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Không may sự việc không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Một hôm, một trong những Lữ đoàn trưởng dũng cảm nhất của Hoàng đế, ông De Likarov bị bệnh ở nông thôn, bà vợ chỉ tin vào mình trong một việc quan trọng như thế, đến Saint-Peterbourg để tìm một thầy thuốc. Tai hoạ làm bà gặp phải chiếc xe của Hoàng đế. Do bà và người trong nhà vắng mặt ở thủ đô đã ba tháng nay, không ai biết chỉ dụ mới nên chiếc xe của bà đi qua không dừng lại trước Paul đang đi ngựa dạo chơi quanh đấy. một vi phạm như vậy làm tổn thương Hoàng đế, ông sai tuỳ tùng đến ngay chỗ đoàn người chống đối, bắt ngay bốn người đầy tớ vào lính và đưa bà chủ vào tù. Mệnh lệnh được thực thi, người đàn bà hoá điên và ông chồng bị chết.

Việc tôn trọng tước vị trong lâu đài nghiêm khắc không kém ngoài đường phố, mọi triều thần được hôn tay phải thành tiếng ở miệng và quỳ gối trên sàn nhà. Hoàng thân Georges Galitzine bị bắt giữ vì không nghiêng mình đủ thấp và hôn tay hời hợt.

Những hành vi quá thể ấy chúng tôi tình cờ biết được trong cuộc đời của Paul Đệ nhất. Bốn năm trị vì là một thời gian dài như không thể dài hơn, vì càng ngày lý trí ít ỏi còn lại của Hoàng đế biến dần, nhường chỗ cho sự điên rồ mới, và những điên rồ của một ông vua đầy quyền lực, thì chỉ một dấu hiệu nhỏ cũng trở thành một mệnh lệnh phải thi hành ngay. Đây là điều thực sự nguy hiểm. Vì vậy Paul bản năng luôn cảm thấy một nguy cơ không biết rõ, nhưng có thực bao phủ quanh mình và những lo sợ ấy còn tạo cho ông những hoạt động thất thường, hầu như ông hoàn toàn ẩn náu trong lâu đài Saint Michel được xây dựng trên vị trí cũ của lâu đài Mùa Hè. Lâu đài ấy được sơn màu đỏ để làm hài lòng sở thích một trong những tình nhâng của ông do một hôm đi vào triều với đôi găng màu ấy, là một công trình đồ sộ, kiến trúc khá xấu, lởm chởm những pháo đài, chỉ trong đó Hoàng đế mới nghĩ mình được an toàn.

Giữa những hành quyết, tù đày, thất sủng, có hai người thân cận như bám rễ vào vị trí của họ. Một là Koutouzov, nô lệ người Thổ cũ, ở vào hàng những người ở lâu đời bên Paul, không hề xứng đáng được ân hưởng, đột ngột trở thành một trong những nhân vật chính của vương quốc. Người kia là Bá tước Pahlen, nhà quý tộc, thiếu tướng dưới thời Catherine II và nhờ tình bạn của Zoubov, người thân cận cuối cùng của Nữ hoàng, được đưa lên vị trí Thủ hiến dân sự ở Riga. Có lần Hoàng đế Paul, ít lâu trước khi lên ngôi, đi qua thành phố này. Đây là thời kỳ hầu như ông bị phát vãng và triều thần không dám nói chuyện với ông.Pahlen tiếp đón ông với vai trò của Thái tử. Paul không quen một sự đối xử như thế, ghi nhớ trong lòng, và khi lên ngôi vua, nhớ đến sự đón tiếp của Pahlen, liền gọi ông này về Saint-Peterbourg và tặng huân chương hạng nhất, bổ nhiệm ông này làm chỉ huy trưởng đội cận vệ, và thị trưởng thành phố, thay thế Đại Quận công Alexandre, con trai ông, người mà lòng tôn kính và tình yêu thương không thể xoá nổi sự nghi ngờ.

Pahlen, nhờ vị trí cao hơn bên cạnh Paul, và chỉ trong bốn năm đã hơn ai hết nhận ra sự không ổn định của vận mệnh con người. Ông đã thấy biết bao nhiêu người lên, xuống, biết bao nhiêu người mất mạng, nên cũng không hiểu vì sao mình chưa bị sụp đổ, và dự đoán số phận mình sẽ gắn liền với sự sụp đổ của Hoàng đế. Zoubov, người bảo trợ cũ của ông, người lúc đầu được Hoàng đế cử làm trưởng đoàn tuỳ tùng hoàng cung và uỷ nhiệm bảo vệ thi hài của bà mẹ, người bảo trợ cũ của Pahlen, đột nhiên bị thất sủng. Một buổi sáng ông thấy dấu niêm phong tư dinh của mình, hai thư ký chính Altesti và Gribovski bị đuổi đi, tất cả sĩ quan tham mưu và tuỳ tùng của ông buộc phải trở về ngay đơn vị hoặc bị bắt từ chức. Đổi lại những việc ấy, Hoàng đế tặng ông một lâu đài, nhưng sự thất sủng cũng không kém phần rõ ràng vì ngày hôm sau mọi quyền chỉ huy của ông bị rút bỏ, ngày hôm sau nữa người ta bảo ông phải từ bỏ hai mươi hoặc ba mươi chức vụ ông đang phụ trách. Chưa hết một tuần lễ ông được phép, đúng hơn là nhận được lệnh phải rời khỏi nước Nga, Zoubov rút lui sang Đức. Ở đây với sự giàu có, trẻ đẹp, đầy huân chương và trí tuệ, ông tôn vinh cho sở thích của Catherine, chứng minh bà là lớn lao ngay cả trong những điểm yếu kém.

Chính ở đây một ý kiến của Pahlen đã gợi ý cho ông. Chắc Zoubov đã phàn nàn với người bảo trợ của mình trước đây về việc trục xuất, tuy đã được giải thích không kém phần khó hiểu và Pahlen trả lời thư của ông. Bức thư có khuyên ông giả vờ có ý định cưới con gái của cận thần của Paul, Koutouzov , chắc chắn Hoàng đế sẽ cho phép kẻ bị trục xuất được trở về Saint-Peterbourg, sau khi về đây rồi sẽ liệu.

Kế hoạch nêu ra được làm theo. Một buổi sáng Koutouzov nhận được một bức thư cầu hôn của Zoubov. Con người gặp vận, đầy tự hào, chạy đến lâu đài Saint Michel, quỳ xuống chân Hoàng đế, tay cầm thư của Zoubov, khẩn cầu nhà vua gia ân cho ông và con gái bằng cách tán thành đámcưới này và cho phép kể bị trục xuất được trở về. Paul xem qua lá thư Koutouzov đưa lên rồi trả lại "Đây là ý nghĩ hợp lý đầu tiên trong đầu kẻ điên này, để cho anh ta trở về". Mười lăm ngày sau Zoubov có mặt ở Saint-Peterbourg và với sự đồng ý của Paul, bắt đầu ve vãn con gái của người cận thần.

Che giấu dưới tấm màn ấy, vụ âm mưu được hình thành và lớn dần, mỗi ngày lại kết nạp thêm những người bất bình mới. Lúc đầu những kẻ mưu phản chỉ nói về một sự thoái vị đơn giản, một sự thay thế người, thế thôi. Paul sẽ được đưa đi, canh phòng cẩn thận ở một tỉnh nào đó xa trong vương quốc, và Đại quận công Alexandre, người ta sắp đặt mà không có sự thoả thuận của ông, sẽ lên ngôi. Một số người chỉ biết rút dao ra và cho vào vỏ khi đã đẫm máu. Những người ấy biết rõ Alexandre sẽ không chấp nhận sự nhiếp chính nên quyết định bắt ông phải nối nghiệp.

Thế nhưng Pahlen, tuy lúc ấy là trưởng cuộc âm mưu, nhất thiết phải tránh không có một chứng cứ nào về mình nên tuỳ theo vào tình hình ông có thể phụ theo các bạn hay cứu Paul. Tính chất dự phòng ấy của ông đưa lại sự lạnh nhạt một phần trong các cuộc bàn luận và công việc có thể kéo dài thêm một năm nữa nếu ông không thúc đẩy bằng một kế sách lạ lùng nhưng biết tính tình của Paul, ông nghĩ phải thành công. Ông viết cho Hoàng đế một bức thư nặc danh báo tin về nguy cơ đang bị đe doạ. Kèm theo thư là danh sách của những người mưu phản.

Phản ứng đầu tiên của Paul sau khi nhận được bức thư là cho tăng đôi các trạm gác lâu đài Saint Michel và gọi Pahlen tới.

Pahlen đang chờ triệu tập liền đến ngay. Ông gặp Paul Đệ Nhất trong phòng ngủ ở tầng hai. Đấy là một gian phòng lớn hình vuông, cửa ra vào đối diện với lò sưởi, hai cửa sổ nhìn ra sân, một chiếc giường trước hai cửa sổ và dưới chân giường có một cánh cửa bí mật đi sang phòng Hoàng hậu. Ngoài ra còn có một chiếc bẫy sập chỉ có một mình Hoàng đế biết, nằm trên sàn nhà. Muốn mở bẫy sập ấy chỉ cần dận gót giày, người sẽ rơi xuống theo một cầu thang, từ cầu thang ra hành lang và có thể trốn ra ngoài lâu đài.

Paul đang sải bước dài, có vẻ bực bội thì cửa mở, Bá tước xuất hiện. Hoàng đế quay lại, vòng tay đứng thẳng, đôi mắt nhìn chăm chú vào Pahlen.

- Bá tước – ông nói sau một lúc im lặng – Ông có biết việc gì đang xảy ra không?

- Tôi biết – Pahlen trả lời – Nhà vua tôn kính của tôi cho gọi và tôi vội đến để phục vụ theo mệnh lệnh.

- Nhưng ông có biết vì sao tôi cho gọi ông? – Paul nói lớn sau một cử chỉ nóng lòng.

- Tôi kính cẩn chờ Bệ hạ nói cho tôi biết.

- Tôi cho gọi, thưa ông, vì đang có một âm mưu chống lại tôi.

- Tôi biết việc ấy, thưa Bệ hạ.

- Thế nào? Ông biết à?

- Tất nhiên. Tôi là một trong những đồng loã.

- Thế đấy. Tôi vừa nhận được bản danh sách. Nó đây.

- Còn tôi, thưa Bệ hạ, tôi có bản sao. Nó đây.

- Đúng rồi! – Paul sợ hãi lẩm bẩm – Còn chưa biết phải tin nó như thế nào.

- Thưa Bệ hạ - Bá tước nói – Bệ hạ có thể so sánh hai bản danh sách này, nếu người tố giác đúng thì chúng sẽ giống nhau.

- Vậy ông xem đi – Paul nói.

- Vâng, chúng giống như nhau – Pahlen lạnh lùng nói – chỉ bỏ quên ba người.

- Những người nào? – Hoàng đế hỏi nhanh.

- Thưa Bệ hạ, sự khôn ngoan ngăn cản tôi nêu tên, nhưng theo chứng cứ thì tôi có những thông tin đúng, hy vọng Bệ hạ chiếu cố tin tưởng hoàn toàn vào tôi và dựa vào tôi để có thể đảm bảo an toàn cho Bệ hạ.

- Không được lạc hướng! – Paul ngắt lời một cách dữ dội – chúng là ai? Ngay bây giờ tôi muốn biết chúng là ai?

- Thưa Bệ hạ, - Pahlen cúi đầu trả lời – lòng kính trọng ngăn cản tôi nói ra những cái tên tôn nghiêm.

- Tôi hiểu – Paul lại nói nhỏ giọng và liếc nhìn cánh cửa đi sang phòng vợ ông. – Ông muốn nói là Hoàng hậu phải không? Là Hoàng tử Alexandre và Đại quận công Constantin?

- Nếu luật pháp chỉ được biết đến những người có thể trừng trị…

- Luật pháp dùng cho tất cả mọi người, thưa ông, và tội ác càng lớn lại càng phải nghiêm trị. Pahlen, ngay bây giờ ông cho bắt hai Đại Quận công, ngày mai đưa chúng đi Schlüsselbourg. Còn Hoàng hậu, để ta tự giải quyết. Những kẻ mưu phản khác là công việc của ông.

- Thưa Bệ hạ - Pahlen nói – Người cho tôi chỉ dụ viết và dù cho cái đầu có cao đến đâu, những người lớn lao đến mấy, mà người cần đánh, tôi sẽ vâng lời.

- Pahlen thật tốt! – Hoàng đế kêu lên – ông là người đầy tớ duy nhất còn trung thành với ta. Hãy bảo vệ ta, Pahlen, vì ta đã thấy rõ tất cả bọn chúng đều muốn giết ta và ta chỉ còn lại có một mình ông thôi.

Nói rồi Hoàng đế ký lệnh bắt hai Đại quận công đưa cho Pahlen.

Kẻ mưu phản ranh mãnh chỉ muốn có thế. Cầm những mệnh lệnh khác nhau ấy, Pahlen chạy đến nhà Platon Zoubov, chỗ ông biết những người âm mưu đang họp bàn.

- Tất cả bị lộ rồi – ông nói – đây là lệnh bắt các ông. Vậy không để mất thì giờ chút nào, đêm nay tôi còn là thị trưởng Saint-Peterbourg, ngày mai tôi có thể vào tù. Các ông biết phải làm gì chứ?

Không ngập ngừng gì được nữa vì sẽ là lên máy chém hoặc ít ra cũng là lưu đày Sibérie. Những người mưu phản hẹn gặp nhau ngay đêm ấy tại nhà Bá tước Talitzine, Đại tá trung đoàn Préobrajenski. Do không đông lắm, họ quyết định tăng cường bằng tất cả những người bất bình gặp trong ngày. Cũng đúng dịp vì trong buổi sáng hôm ấy, khoảng ba chục sĩ quan con cái của những gia đình khá giả ở Saint-Peterbourg bị cách chức, bị kết tội và tù đày vì những tội chỉ đáng khiển trách nhẹ. Bá tước cho hơn một chục chiếc xe chờ sẵn ở cửa các nhà tù đang giam những người muốn hợp tác, rồi thấy những người đồng loã đã quyết tâm, ông đến chỗ Hoàng thái tử Alexandre.

Ông này vừa gặp cha mình trong một hành lang của cung điện, theo thói quen đi thẳng đến phụ hoàng nhưng Paul giơ tay ra hiệu cho rút lui, ông đành trở về nhà, chờ lệnh mới. Hoàng thái tử thấy ông như thế thì đang băn khoăn không biết nguyên nhân của sự giận dữ thể hiện trong đôi mắt của Hoàng đế, vừa trông thấy Pahlen, ông hỏi ngay có phải đến để chuyển mệnh lệnh của cha mình không.

- Than ôi, thưa Điện hạ! – Pahlen trả lời – tôi được giao một mệnh lệnh ghê gớm.

- Mệnh lệnh gì vậy? – Alexandre hỏi.

- Đến an ủi Điện hạ và xin Người thanh kiếm.

- Thanh kiếm của tôi! – Alexandre kêu lên – Vì sao?

- Vì kể từ giờ phút này Điện hạ bị cầm tù!

- Tôi bị cầm tù! Thế tôi bị kết tội gì?

- Điện hạ cũng biết ở đây, đôi khi không may, người ta bị trừng phạt mà không phạm tội chống đối gì.

- Hoàng đế là người hai lần làm chủ số phận tôi – Alexandre trả lời – vì là vua và cũng là cha tôi. Ông đưa mệnh lệnh xem, dù là lệnh gì tôi cũng phục tùng.

Bá tước đưa tờ lệnh, Alexandre mở ra, hôn chữ ký của cha rồi bắt đầu đọc. Khi đến đoạn nói về Constantin, ông kêu lên "Cả em tôi nữa! Tôi đã hy vọng mệnh lệnh chỉ dành riêng cho tôi!" nhưng đến chỗ nói về Hoàng hậu "Ồ! Mẹ tôi! người mẹ đạo đức của tôi! Là vị thánh trên Trời xuống với chúng tôi! Quá lắm, này ông Pahlen, việc này quá lắm!"

Đưa hai tay lên che mặt, ông để rơi tờ lệnh. Pahlen nghĩ thời cơ thuận lợi đã đến.

- Thưa Điện hạ - ông nói và quỳ xuống chân Alexandre – Điện hạ hãy nghe lời tôi, phải thấy trước những tai hoạ lớn, phải chấm dứt những lệch lạc của người cha tôn kính của Điện hạ. Hôm nay Hoàng đế muốn giam giữ sự tự do của Điện hạ, có lẽ ngày mai Hoàng đế muốn…

- Pahlen!

- Thưa Điện hạ, xin Người hãy nhớ lại Alexis Pétrovich.

- Pahlen, ông vu khống cha tôi!

- Không, thưa Điện hạ, vì tôi không kết tội tấm lòng của ông mà là lý trí của ông ta. Biết bao mâu thuẫn lạ lùng, những mệnh lệnh không thể thực hiện được, những trừng phạt vô ích chỉ có thể giải thích bằng một chứng bệnh ghê gớm.Tất cả những người chung quanh Hoàng đế nói như thế và tất cả những người ở xa đều lập đi lập lại như thế. Thưa Điện hạ, người cha khốn khổ của Ngài bị bệnh điên.

- Lạy Chúa!

- Thế thì, thưa Điện hạ, ngài phải cứu lấy ông ấy. Không phải mình tôi đến khuyên ngài như vậy, giới quý tộc, Nghị viện, vương quốc, tất cả, tôi chỉ là người chuyển lời. Hoàng đế phải thoái vị và nhường ngôi cho ngài.

- Pahlen! – Alexandre lùi một bước và kêu lên – ông nói cái gì với tôi thế? Tôi phải kế vị cha tôi khi ông ấy vẫn còn sống ư? Tôi phải giật lấy vương miện trên đầu, quốc ấn trong tay cha tôi ư? Chính ông điên, Pahlen, không bao giờ! Không bao giờ!

- Nhưng thưa Điện hạ, ngài không thấy mệnh lệnh sao? Ngài nghĩ đó là một việc cầm tù bình thường ư? Không, hãy tin tôi, mạng sống của ngài đang bị đe doạ.

- Hãy cứu lấy em tôi! Hãy cứu lấy Hoàng hậu! Đấy là tất cả những gì tôi đề nghị với ông – Alexandre kêu lên.

- Nhưng tôi có phải là chủ đâu? – Pahlen nói – Mệnh lệnh đối với họ cũng như đối với ngài. Một khi đã bị bắt, bị cầm tù, ai dám quả quyết với ngài các triều thần không quá vội vã, nghĩ rằng cần phải tận tuỵ với Hoàng đế, không đi trước ý muốn của nhà vua? Ngài hãy nhìn nước Anh, thưa Điện hạ, cũng đã xảy ra như thế, tuy quyền lực hạn chế nên mối nguy hiểm không to lớn bằng. Hoàng tử xứ Galles sẵn sàng điều hành triều chính mặc dù nhà vua Georges là một người điên nhẹ nhàng và vô hại. Vả lại, thưa Điện hạ, nếu ngài nhận lấy việc tôi đề nghị với ngài, ngài không chỉ cứu sống Hoàng hậu, Đại quận công em ngài, mà còn đức vua, cha của ngài nữa.

- Ông có ý nói gì?

- Tôi nói việc trị vì của Paul quá nặng nề nên giới quý tộc và nghị viện quyết định cần phải chấm dứt nó đi bằng mọi cách. Ngài từ chối một sự thoái vị ư? Có lẽ ngày mai ngài buộc phải tha thứ cho một vụ ám hại.

- Pahlen! – Alexandre kêu lên – Vậy tôi có thể gặp cha tôi được không?

- Không thể, thưa Điện hạ, mọi người đã dứt khoát cấm không để Điện hạ vào gặp Hoàng đế.

- Ông bảo mạng sống của cha tôi bị đe doạ?

- Nước Nga chỉ hy vọng vào ngài, thưa Điện hạ, và chúng tôi phải chọn giữa một phán xét làm hại cho chúng tôi và một án mạng cứu sống chúng tôi. Thưa Điện hạ, chúng tôi sẽ chọn án mạng.

Pahlen chủân bị quay ra.

- Pahlen! – Alexandre kêu lên, giơ một tay ngăn lại, còn tay kia đưa lên ngực rút cây thánh giá bằng vàng đeo ở cổ ra. – Pahlen, hãy thề trước Đức Chúa mạng sống của cha tôi sẽ không gặp nguy hiểm gì và nếu cần ông phải hy sinh để bảo vệ ông ấy. Ông thề đi hoặc tôi sẽ không để cho ông ra đi.

- Thưa Điện hạ - Pahlen trả lời – tôi đã nói với ngài điều tôi cần phải nói. Ngài hãy suy nghĩ lời đề nghị của tôi, còn tôi sẽ suy nghĩ về lời thề mà ngài đòi hỏi.

Nói rồi ông nghiêng mình kính cẩn cúi chào đi ra, để quân bảo vệ ở trước cửa, rồi vào chỗ Đại quận công Constantin và Hoàng hậu, truyền chỉ dụ của Hoàng đế nhưng không cẩn trọng bằng đối với Alexandre.

Đã tám giờ tối, Pahlen chạy đến nhà ông Talitzine, thấy những người mưu phản đang vào bàn ăn, họ nêu lên cả ngàn câu hỏi khác nhau. "Tôi không có thì giờ trả lời với các ông – ông nói – công việc tiến triển tốt và trong nửa giờ nữa tôi sẽ đưa lực lượng bổ sung đến cho các ông". Bữa ăn bị gián đoạn một lúc rồi lại tiếp tục.

Pahlen đi đến nhà tù.

Là thị trưởng Saint-Peterbourg ông vào đâu cũng được. Những người thấy ông vào ngục tối có quân bảo vệ đi theo và mắt nhìn rất nghiêm khắc, nghĩ là đã đến giờ bị đi đày ở Sibérie hoặc chuyển sang một nhà tù khác khắc nghiệt hơn. Cách ông ta ra lệnh sẵn sàng lên xe càng làm cho họ tin chắc vào điều ấy. Những chàng trai khốn khổ tuân theo. Ở cửa ra vào, một đại đội lính bảo vệ đang chờ họ, những người tù bước lên xekhông chống cự, vừa lên xong thì họ cảm thấy xe phóng nước đại.

Trái với chờ đợi, chưa đầy mười phút sau xe dừng lại trong sân một ngôi nhà thật đẹp. Tù nhân vâng lời bước xuống xe, cửa đóng lại sau lưng họ, quân lính đứng bên ngoài, chỉ có Pahlen với họ.

- Đi theo tôi – Bá tước bảo và bước đi trước.

Chẳng hiểu điều gì đã xảy ra, những người tù làm những gì người ta bảo họ làm. Đi đến một gian phòng phía trước phòng những người mưu phản đang tập hợp, Pahlen bỏ chiếc áo choàng phủ trên bàn ra để lộ một bó kiếm.

- Các anh trang bị vũ khí đi – Pahlen bảo.

Những người tù kinh ngạc, tuân lệnh giắt kiếm vào mình, ở chỗ đao phủ vừa tước gươm của họ ngay sáng nay và bắt đầu ngờ sẽ có việc gì lạ lùng đối với họ. Trong lúc đó Pahlen cho mở cửa, họ thấy những người bạn mười phút trước đây tưởng phải xa cách mãi mãi đang ngồi ở bàn, tay nâng ly chào họ vừa những tiếng hô "Alexandre muôn năm!" Họ chạy ngay vào phòng tiệc. Người ta giải thích điều gì sẽ xảy ra. Họ còn đầy xấu hổ và căm giận về sự đối xử trong ngày, kêu lên vui mừng với lời đề nghị giết Hoàng đế và không một người nào từ chối vai trò người ta dành cho họ trong bi kịch ghê gớm này.

Đến mười một giờ, những kẻ mưu phản gồm gần sáu mươi người đi ra khỏi nhà Talitzine, bọc người trong áo choàng đi về phía lâu đài Saint Michel. Những nhân vật chính là Beningsen, Platon Zoubov, cận thần cũ của Catherine, Pahlen, thị trưởng Saint-Peterbourg, Depreradovitch, Đại tá trung đoàn Semenovki, Arkamanov, tuỳ tùng của Hoàng đế, Hoàng thân Tatetsvill, Thiếu tướng pháo binh, Talitzine, Đại tá trung đoàn bảo vệ Préobrajenski, Gardanov, thượng sĩ đội bảo vệ kỵ binh, Sartarinov, Hoàng thân Vareinskoï và Sériatine.

Những người mưu phản vào qua một cửa vườn của lâu đài Saint Michel, nhưng lúc đi dưới những cây to đã trụi lá, cành nhánh cong queo trong bóng tối, một đàn quạ bị tiếng động đánh thức, vừa bay lên vừa kêu những tiếng bi thảm, báo hiệu điềm xấu, làm đoàn người ngần ngại không muốn đi xa hơn nữa, Zoubov và Pahlen khuyến khích họ can đảm lên và đoàn người tiếp tục đi. Vào trong sân họ chia làm hai toán: một do Pahlen hướng dẫn, theo cánh cửa đặc biệt Bá tước thường vào gặp Hoàng đế mà không ai thấy, toán kia theo lệnh của Zoubov và Béningsen, do Arkamanov hướng dẫn, tiến lên bậc thang lớn không trở ngại gì. Pahlen đã thay thế các sĩ quan mưu phản vào các trạm lính gác của lâu đài. Chỉ một người bị quên thay thế như những người khác, kêu lên khi trông thấy họ "Ai đó? Đứng lại!" Béningsen bèn tiến lại, mở áo choàng cho thấy huân, huy chương của ông:

- Im lặng! – Ông bảo – Anh không thấy chúng tôi đi đâu à?

- Xin mời đi, đoàn tuần tra – người gác trả lời, ra hiệu tế nhị và những kẻ mưu sát đi qua. Tới hành lang phía trước tiền sảnh, họ thấy một sĩ quan hóa trang lính gác.

- Thế nào? Hoàng đế đâu? – Platon Zoubov hỏi.

- Đã về một tiếng rưỡi đồng hồ rồi – viên sĩ quan trả lời – Chắc bây giờ đã đi nằm.

- Tốt – Zoubov nói và đoàn mưu sát tiếp tục đi.

Thực thế, Paul có thói quen sang với bà hoàng Gagarine. Thấy ông vào, trông xanh xao và u tối hơn bình thường, bà chạy tới, khẩn khoản hỏi xem có việc gì.

- Việc gì ư? – Hoàng đế trả lời – đây là lúc ta đánh một đòn mạnh và ít ngày nữa sẽ thấy đầu những người rất thân yêu của ta rơi xuống!

Sợ hãi vì lời đe doạ ấy, bà hoàng Gagarine vốn biết lòng nghi ngờ của Paul đôi với gia đình, tìm cớ ra khỏi phòng khách viết vài dòng cho Đại quận công Alexandre nói mạng sống của ông gặp nguy hiểm và cho đem tới lâu đài Saint Michel. Sĩ quan bảo vệ được lệnh không để Hoàng thái tử ra ngoài nên đã để cho người mang thư đi vào. Alexandre nhận được mảnh giấy, biết bà hoàng Gagarine nắm được mọi bí mật của Hoàng đế nên càng lo lắng bội phần.

Đến khoảng mười một giờ như người gác đã nói, Hoàng đế trở về lâu đài, vào trong phòng riêng, đi ngủ, vì ông đặt lòng tin vào Pahlen.

Trong lúc đó những người mưu phản đến cửa tiền sảnh trước phòng ông và Arkamanov gõ cửa.

- Ai đấy? – người hầu phòng hỏi.

- Tôi, Arkamanov, tuỳ tùng của Hoàng đế.

- Ông muốn gì?

- Tôi đến để báo cáo.

- Ngài nói đùa, đã gần nửa đêm rồi.

- Nào, chính ông nhầm, sáu giờ sáng. Mở cửa mau, sợ Hoàng đế nổi nóng với tôi đấy.

- Tôi không biết có phải…

- Tôi đang làm nhiệm vụ và ra lệnh cho ông.

Người hầu phòng tuân lệnh. Những người mưu phản, kiếm cầm tay ùa vào tiền sảnh. Người hầu phòng sợ hãi trốn vào một góc, nhưng một người lính kỵ binh người Ba lan đang canh gác nhảy vào trước cửa phòng Hoàng Đế, đoán được ý đồ của những người khách đã ra lệnh cho họ đi ra. Zoubov muốn lấy tay đẩy anh ta ra. Một phát súng lục nổ nhưng ngay lúc ấy người bảo vệ duy nhất của kẻ một giờ trước đây chỉ huy năm mươi ba triệu người, bị tước khí giới.

Nghe tiếng súng, Paul giật mình tỉnh giấc, nhảy xuống giường, chạy lại phía cửa bí mật thông sang phòng Hoàng hậu, cố mở, nhưng ba ngày trước, trong một lúc nghi ngờ, ông đã cho chèn chặt cửa nên không thể mở ra được. Ông nghĩ đến chiếc bẫy sập, liền chạy nhanh lại đó nhưng chân trần nhấn lò xo không bật, bẩy cũng không mở được. Ngay lúc ấy cửa tiền sảnh đổ vào trong và Hoàng đế chỉ kịp lao về phía sau lò sưởi.

Béningsen và Zoubov nhảy vào. Zoubov bước thẳng tới giường nhưng không trông thấy ai.

- Hỏng rồi! – ông kêu lên – Ông ta trốn thoát rồi!

- Không – Béningsen nói – ông ta ở kia.

- Pahlen! – Hoàng đế thấy bị lộ kêu lên – Cứu ta, Pahlen!

- Thưa Bệ hạ, - Béningsen tiến tới giơ kiếm lên chào Paul – Người gọi vô ích. Pahlen là người của chúng tôi. Vả lại ngài không có nguy hiểm gì về tính mạng, chỉ là tù nhân của nhân danh Hoàng đế Alexandre.

- Các ông là ai? – Hoàng đế bối rối không nhận ra những người đang nói với mình dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn đêm.

- Chúng tôi là ai? – Zoubov trả lời và đưa ra chiếu thoái vị - chúng tôi là những người được Nghị viện cử đến. Ông hãy đọc tờ giấy này, đọc và tự công bố về số phận của ông.

Zoubov một tay đưa tờ giấy, tay kia chuyển chiếc đèn bàn đến góc lò sưởi để Hoàng đế đọc. Paul cầm tờ chiếu, đọc được một phần ba thì ngừng lại ngẩng đầu nhìn những người mưu phản:

- Nhưng tôi đã làm gì các ông? Lạy Chúa! Để các ông đối xử với tôi như thế này?

- Đã bốn năm nay ông đã bạo ngược đôi với chúng tôi – một giọng nói vang lên.

Và Hoàng đế tiếp tục đọc.

Nhưng càng đọc, những lời than phiền càng chồng chất, những câu nói xúc phạm càng làm ông bị tổn thương, sự giận dữ đã thay thế tư cách. Ông quên mình đang đơn độc, trần trụi không vũ khí, chung quanh là những người đội mũ, cầm kiếm, ông vò mạnh tờ chiếu thoái vị vứt xuống chân:

- Không bao giờ! – ông nói – Ta thà chết!

Nói rồi ông bước lại để nắm thanh kiếm của ông để trên chiếc ghế cách đấy mấy bước.

Trong lúc đó toán thứ hai tiến vào, phần lớn là quý tộc trẻ bị giáng cấp hoặc thải hồi, một trong những người chủ chốt là Hoàng thân Tatetsvill, đã thề trả thù về việc ông bị thóa mạ. Vì vậy, vừa bước vào, ông lao đến ôm ngang người Hoàng đế vật lộn, cùng ngã xuống kéo theo chiếc đèn và tấm chăn. Hoàng đế thét lên một tiếng vì lúc ngã ông đụng đầu vào góc lò sưởi và bị thương. Sợ tiếng kêu có người nghe được, Sartarinov, Hoàng thân Vereinskoï và Sériatine lao vào người ông, Paul đứng dậy một lát rồi lại ngã ngay xuống. Những việc ấy xảy ra trong đêm tối giữa những tiếng kêu rên lúc to lúc nhỏ. Cuối cùng Hoàng đế gỡ bàn tay bịt miệng mình, kêu lên bằng tiếng Pháp "Các ông, các ông tha cho, hãy để tôi có thì giờ cầu Chúa…" Tiếng nói cuối cùng bị bóp nghẹt, một người cởi khăn quàng của mình thắt vào sườn nạn nhân, không dám thắt vào cổ vì sợ để lại dấu vết cái chết phải được xem là một cái chết tự nhiên. Tiếng rên rỉ biến thành tiếng khò khè rồi tắt hẳn, khi Béningsen vào với ngọn đèn sáng hơn thì Hoàng đế đã chết. Không ai nghi ngờ vì trông Hoàng đế bị xuất huyết não bất ngờ do khi ngã xuống đụng phải một vật cứng và bị thương.

Trong im lặng, người ta nhìn thi thể bất động dưới ánh đèn, có tiếng động ở cánh cửa thông phòng, Hoàng hậu đã nghe tiếng ú ớ, những giọng nói thì thầm và đe doạ bèn chạy tới. Lúc đầu những kẻ mưu phản sợ hãi nhưng khi nghe giọng nói của bà thì bình tâm lại, vả lại cửa bị chèn kín, họ tiếp tục thi hành công việc đang làm.

Beningsen nâng đầu Hoàng đế lên thấy bất động, cho mang ông lên giường. Lúc đó Pahlen tay cầm kiếm bước vào, vì trung thành với vai trò hai mặt của mình, ông đợi công việc xong xuôi mới đứng về phía những người mưu phản. Thấy nhà vua được Beningsen che một tấm khăn trải giường lên mặt, ông dừng lại trước cửa, tái mặt dựa vào tường, thanh kiếm thõng xuống bên mình.

- Nào các ông, đã đến lúc chúng ta đi tôn vinh Hoàng đế mới – Beningsen, một trong những người cuối cùng bị lôi kéo vào âm mưu và là người duy nhất trong buổi tối bi đát này giữ được can đảm, lên tiếng hô hào.

- Đúng, đúng – những giọng nói lộn xộn của tất cả những người ấy vang lên, họ đã ùa vào phòng bây giờ lại vội vàng bỏ đi – Đúng, đúng, chúng ta đi tôn vinh Hoàng đế Alexandre muôn năm!

Trong lúc đó Hoàng Hậu Marie thấy không vào được bằng cửa thông và vẫn nghe tiếng ồn ào phía trong, đi vòng quanh căn nhà nhưng trong một phòng khách trung gian, bà gặp Pettaroskoï, trung úy bảo vệ, cùng ba mươi người lính dưới lệnh. Chấp hành theo chỉ thị, ông ngăn Hoàng hậu lại.

- Xin lỗi, thưa bà – ông nghiêng mình nói – bà không thể đi xa hơn nữa.

- Ông không nhận ra ta ư? – Hoàng hậu hỏi.

- Không phải thế, thưa bà, tôi biết mình đang được vinh dự nói với Hoàng hậu, nhưng nhất là Hoàng hậu thì lại càng không thể đi qua được.

- Ai cho ông chỉ thị ấy?

- Đại tá của tôi.

- Chà – Hoàng hậu nói – ông dám thực hiện như thế à?

Và bà tiến về phía trước nhưng quân lính giơ kiếm giao chéo nhau chận đường.

Cùng lúc, những người mưu phản ồn ào ra khỏi phòng Paul và hô "Alexandre muôn năm!", Béningsen đi đầu. Hoàng hậu nhận ra ông, bèn gọi tên, khẩn khoản xin để cho bà đi.

- Thưa bà – ông nói – mọi việc bây giờ xong rồi. Bà làm hỏng cuộc sống của bà một cách vô ích, Paul đã chết rồi.

Nghe thấy thế Hoàng hậu thét lên một tiếng, để rơi mình xuống một chiếc ghế.Hai nữ Đại quận công Marie và Christine nghe tiếng kêu tỉnh dậy, chạy tới mỗi người quỳ một bên bà. Cảm thấy khó thở, Hoàng hậu xin nước uống. Một người lính mang ly tới, nữ Đại quận công ngần ngại không dám đưa cho mẹ uống vì sợ bị đầu độc. Người lính đóan thế, uống một nửa ly, đưa phần còn lại cho bà Đại quận công.

- Cô thấy đấy – anh nói – Hoàng hậu có thể uống mà chẳng sợ gì.

Béningsen để Hoàng hậu cho các nữ Đại quận công chăm sóc, đi tới chỗ Hoàng thái tử. Căn phòng ông này ở dưới phòng của Paul. Ông đã nghe thấy hết. Tiếng súng, những tiếng kêu, ngã xuống, rên rỉ và khò khè, muốn lên cứu cha nhưng người gác Pahlen bố trí ở cửa đẩy ông vào phòng, người ta đã phòng bị cẩn thận, ông bị giam giữ và không cách gì ngăn cản được.

Béningsen đi vào, những người mưu phản đi theo sau. Những tiếng hô "Hoàng đế Alenxandre muôn năm!" cho ông biết mọi việc đã xong. Chuyện ông lên ngôi không còn là một việc nghi ngờ gì đôi với ông nữa. thấy Pahlen vào sau cùng, ông kêu lên:

- A, Pahlen, câu chuyện của tôi bắt đầu như thế nào đây?

- Thưa Bệ hạ - Pahlen trả lời – mọi việc sẽ ổn thoả cả thôi.

- Nhưng – Alexandre nói lớn – ông không hiểu người ta sẽ cho tôi là người mưu sát cha tôi hay sao?

- Thưa Bệ hạ, trong lúc này ngài chỉ nghĩ đến một điều: vào giờ này…

- Ông muốn tôi nghĩ gì? Lạy Chúa! Ngoài việc nghĩ đến cha tôi?

- Nghĩ đến việc làm cho quân đội chấp nhận Ngài.

- Còn mẹ tôi, Hoàng hậu? Bà thế nào rồi?

- Hoàng hậu an toàn, thưa Bệ hạ. Nhưng nhân danh Chúa, chúgn ta đừng để mất giây phút nào.

- Tôi phải làm gì? – Alexandre cảm thấy bất lực, không quyết định gì được.

- Thưa Bệ hạ, Ngài phải đi theo tôi ngay vì để chậm một chút có thể đưa tới những tai hoạ lớn.

- Được rồi, ông muốn làm gì thì tôi sẽ làm.

Pahlen kéo Hoàng đế để ra xe mà người ta đưa lại để đem Paul ra pháo đài. Hoàng đế vừa lên xe vừa khóc, cửa đóng lại. Pahlen và Zoubov lên phía sau, chỗ những người hầu và chiếc xe mang những vận mệnh mới của nước Nga, phóng nhanh về cung điện Mùa Đông, hai tiểu đoàn bảo vệ đi hộ tống. Béningsen ở lại bên Hoàng hậu vì một trong những dặn dò cuối cùng của Alexandre là về bà mẹ.

Trên quảng trường Amirauté, Alexandre thấy những trung đoàn bảo vệ chủ yếu. "Hoàng đế! Hoàng đế! " Pahlen và Zoubov hét lên, chỉ vào Alexandre. "Hoàng đế! Hoàng đế!" hai tiểu đoàn hộ tống cũng hét lên. Tất cả trung đoàn trả lời cùng một giọng "Hoàng đế muôn năm!"

Người ta ùa đến cửa xe. Alexandre tái mặt và xộc xệch vì đi đường, người ta lôi, nâng ông lên thề trung thành với nhiệt tình sôi nổi, chứng tỏ cho ông thấy những người mưu phản phạm tội ác chỉ là hoàn thành nguyện vọng của quần chúng. Dù muốn trả thù cha đến mấy ông cũng phải từ bỏ ý định trừng phạt những kẻ giết người.

Những người này rút về nhà riêng, không biết Hoàng đế sẽ giải quyết như thế nào đôi với họ.

Ngày hôm sau đến lượt Hoàng hậu thề trugn thành với con trai mình, theo hiến pháp của Vương quốc, chính bà phải kế vị chồng nhưng thấy tình hình cấp bách, bà là người đầu tiên từ bỏ quyền lợi của bà.

Nhà phẫu thuật Vette và bác sĩ Stoffi chịu trách nhiệm mổ thi thể, tuyên bố

Hoàng đế Paul chết vì xuất huyết não đột ngột, vết thương ở bên má do bị ngã khi gặp nạn.

Thi thể được ướp và trưng bày mười lăm ngày trên một chiếc giường được trang trí, Alexandre đến tưởng niệm nhiều lần nhưng không một lần thấy Người đổi sắc mặt hoặc rơi nước mắt. Dần dần những người mưu phản được đưa ra khỏi triều đình, những người này đi nhận nhiệm vụ, những người khác sung vào biên chế các trung đoàn đóng ở Sibérie. Chỉ còn lại Pahlen vẫn giữ chức chỉ huy quân sự ở Saint-Peterbourg và việc gặp nhau trở thành một nỗi ân hận cho nhà vua mới, vì vậy Người tranh thủ cơ hội để đẩy ông đi xa. Việc ấy xảy đến như sau.

Mấy ngày sau cái chết của Paul, một linh mục treo một bức ảnh thánh nói rằng được một thánh thần mang tới, phía dưới viết hàng chữ "Chúa Trời sẽ trừng phạt tất cả những kẻ đã giết Paul Đệ nhất". Được tin, dân chúng kéo đến rất đông ở nhà nguyện có treo bức ảnh thánh trên và cho rằng như thế có thể có ảnh hưởng không tốt đến tâm trí Hoàng đế, Pahlen xin phép cho chấm dứt mưu mô của vị linh mục và được Alexandre chấp nhận. Linh mục bị đánh đòn và giữa lúc bị hành hạ, ông tuyên bố đã làm theo lệnh của Hoàng hậu, đưa ra bằng chứng rằng trong nhà nguyện của bà cũng có một bức ảnh giống như thế. Pahlen cho mở cửa nhà nguyện của Hoàng hậu, thấy có bức ảnh bèn lấy đem đi. Hoàng hậu có lý do cho việc ấy là một sự thoá mạ bà, liền kêu đến con trai. Alexandre chỉ tìm một cái cớ để đẩy Pahlen đi xa, không để lỡ dịp này. Ngay lúc ấy ông De Beckleckov được giao chuỷên cho Bá tước Pahlen, nhân danh Hoàng đế, lênh phải lui về vườn.

- Tôi đã chờ đợi điều này – Pahlen mỉm cười nói – hành lý của tôi đã được chuẩn bị trước rồi.

Một giờ sau Bá tước Pahlen gửi đơn lên Hoàng đế xin từ bỏ mọi chức vụ và ngay chiều hôm ấy ông lên đường đi Riga.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK