Lối năm giờ chiều, gió thổi hiu hiu, hai hàng dương trồng hai bên đường từ Mỹ Lợi vô Gò Công nhánh oặt òa, oặt oại dường như ngoắt khách qua đường tỏ niềm tâm sự, hay là hỏi người lạ mặt coi bươn bả đi đâu. Ai hữu tình háo cảnh đến lúc ấy mà đi qua khúc đường đó thì cũng đều cám cánh mà hớn hở trong lòng. Thằng Bĩ tuy là đứa ngọng liu lờ khờ mà nó đi đến đó cũng vui thầm nên miệng ngậm một lá cây mà thổi tò te, tay ôm cây đờn kìm cũng khảy tồn tên, còn hai chơn cũng nhảy lăn ba làm cho con heo thằng Ðược dắt đi trước giựt mình nên chạy lom xom không dám in dục dặc.
Thằng Ðược hồi qua tới Mỹ Lợi nó hỏi thăm thì họ nói tía nó đã bỏ vợ mà đi mất mấy năm nay, nên trong lòng nó mừng thầm, lật đật đi riết về Xóm Tre đặng mẫu tử đoàn viên mà kể hết những lúc gian truân, những hồi thương nhớ. Nó lầm lũi mà đi trong bụng tính thầm coi phải liệu thế nào mà dắt con heo vô nhà má nó đừng ngó thấy rồi thình lình con heo kêu ột ột cho má nó giựt mình chơi. Nó đương suy tới nghĩ lui rồi lại chăm mắt mà ngó vào Xóm Tre coi nhà má nó ở chỗ nảo, bỗng nghe thằng Bĩ đi sau thổi kèn khảy đờn nó day lại bắc tức cười rồi kêu mà chỉ rằng: "Bĩ cái nhà ở đầu xóm phía ngoài ló nóc mình ngó thấy đó đa". Hai đứa cúi xuống khỏi nhánh dương mà dòm rồi cười với nhau cấm cắc như đứa điên với đưa khùng trửng giỡn.
Ði tới đầu bờ nhỏ vô xóm, thằng Ðược khấp khởi trong lòng đi không vững bước, mà lại hai con mắt cứ chăm chỉ ngó chừng nhà hoài không coi dưới chơn, nên láng cháng vấp lỗ chơn trâu té lăn cù, văng nón dưới ruộng, mà may cây đờn cò khỏi gãy. Vô gần tới sân nó mới nắm con heo mà ngồi núp dưới bụi cây trâm bầu, rồi biểu thằng Bĩ đi thẳng vô nhà nói với má nó rằng: "Có một người giàu lớn nghe thím nghèo nên đem bạc tiền đến cho thím, vậy thím phải đi ra mà rước".
Thằng Bĩ nghe lời đi thẳng vô nhà kêu om sòm mà không nghe tiếng trả lời. Nó đi tuốt vô buồng thấy vắng hoe, đi thẳng xuống bếp rồi bước ra cửa sau cũng không thấy ai hết. Nó lật dật chạy ra sân mà kêu: "Ðược ơi! Ðược! Không có ai ở nhà hết mầy à!". Thằng Ðược dắt con heo đi vô trong bụng lấy làm kỳ, không hiểu má nó bỏ nhà mà đi đâu. Nó ngó quanh quất thì thấy cái chuồng vịt cũng còn đó trong chuồng lại nghe tiếng vịt kêu lạp cạp như năm trước, hồi nó còn nhà. Vô nhà nó coi đồ đạc cũng như cũ, duy có thêm một cái cối giã gạo với một cái võng mà thôi. Nó ra sau bếp thì thấy có nồi cơm còn ở trên đầu ba ông táo, lửa đã tắt mà than còn ngủn nóng hổi.
Nó trở ra thấy thằng Bĩ nằm tòn ten trên võng mà gãi con heo nó mới nói rằng: "Chắc là má tao đi chơi đâu lối xóm đây. Nồi cơm nấu mới vừa chín, chắc là một lát về ăn cơm chớ không lâu đâu. Mầy nằm đó nghe hôn. Ðể tao trốn, như má tao về có hỏi thì mầy giả đò ngủ, đừng thèm nói gì hết". Thằng Ðược dắt con heo vô buộc dưới giường rồi trở ra thấy dạng má nó đã vô gần với sân. Nó lính quýnh không biết đâu mà trốn cho kịp, bèn núp dựa cửa chờ. Ba Thời vừa bước vô nó nhảy ra hà một tiếng lớn. Ba Thời giựt mình la bài hãi. Thằng Ðược ôm Ba Thời chặt cứng mà nó rằng: "Con về đây nè, má vui hôn? Mừng hôn hử?". Rồi nó lại vỗ túi mà nói: "Bây giờ con không thiếu gì bạc, má không nghèo cực nữa đâu, đựng lo".
Ba Thời ôm con vừa khóc đưa nói:
- Con đi năm sáu năm nay má nhớ con hết sức mà má cũng lo sợ không biết con mạnh giỏi thế nào. Sao con không mượn người ta viết thơ rồi gởi thăm má vậy con?
Thằng Dược nắm tay Ba Thời mà đáp rằng:
- Con biết chữ giỏi lắm má à. Có nhiều khi con muốn viết thơ mà ngặt không biết làng mình đây là làng gì nên không gởi thơ được.
- Làng Bình Thạnh Ðông chớ làng gì.
- Trời ôi! Con có biết đâu. Má nói làng nầy là làng Bình Thạnh Ðông phải hôn má?
- Ừ.
Hai mẹ con lăn líu với nhau một hồi, rồi Ba Thời day lại thấy thằng Bĩ nằm trên võng không biết nó là ai mới hỏi:
- Thằng em đây ở đâu...?
- Anh em bạn của con đó má à. Nó đi theo con về thăm má cho biết.
- Mấy năm nay con đi đâu, má hỏi thăm thì bên Cần Ðước họ nói họ không biết. Còn con ở đâu mà về đây. Ủa! Mà bộ con đói bụng, thôi để má nấu thêm cơm đặng con ăn chớ.
Ba Thời vừa xây lưng đi vô bếp thì thằng Ðược kêu mà nói rằng:
- Má, má, ai ở trong buồng đó vậy má?
- Ai đâu?
Ba Thời dòm vô buồng không thấy ai hết, mà lại nghe tiếng heo kêu ột ột dưới giường thì lấy làm lạ mới bước vô. Con heo vùng đứng dậy. Ba Thời giựt mình la lớn rằng: "Húy! Con heo của ai đó vậy?". Thằng Ðược đứng ngoài vỗ tay cười ngất và nói rằng: "Hồi trước tía bán con heo quắn của má, con kiếm mấy năm nay mới được nên dắt về cho má đó đa. Má coi có phải hay không?".
Lúc ấy trời chạng vạng tối nên trong buồng thấy mờ mờ không rõ, Ba Thời mới đốt đèn rọi coi con heo thì lấy làm mừng rỡ vùng nói lớn rằng: "Phải rồi, heo con mua ở đâu vậy con?".
Thằng Ðược lấy làm toại chí đứng chống nạnh vinh mặt mà đáp rằng: "Con mua bên chợ Trạm đem về cho má đó đa". Ba Thời để đèn dưới đất ôm con mà hun trơ hun trất, rồi nói rằng: "Con tôi thiệt đáng quá!"
Ba Thời lấy cám sú cho heo ăn rồi đi vo gạo nấu cơm. Thằng Ðược với thằng Bĩ chạy ví bắt một con gà giò đặng làm thịt. Thằng Ðược biểu thằng Bĩ phụ nấu cơm với Ba Thời, còn nó chạy vô thăm cậu Hai mợ Hai nó. Quá nửa canh một, cơm nước xong rồi, thằng Bĩ leo lên võng nằm ngủ ngáy pho pho.
Thằng Ðược lấy khăn mua trên Cần Giuộc mà cho Ba Thời rồi mẹ con nằm tại bộ ván giữa mà kể hết những hồi hoạn nạn, những lúc nhớ thương trong mấy năm ly biệt. Ba Thời nghe thằng Ðược thuật đến lúc thảm thiết nhất là lúc thầy Ðàng bị bắt giam tại Trà Vinh, lúc nằm nhà thương Chợ Rẫy và lúc linh đinh ở Sài Gòn thì động lòng thương nên nước mắt dầm dề. Tháng Ðược thuật hết chuyện của nó rồi nó mới hỏi tới chuyện của má nó ở nhà giàu nghèo ấm lạnh thế nào, rồi lại hỏi thăm luôn tới chuyện tía nó nữa. Ba Thời nằm to nhỏ mà kể hết chuyện nhà cho con nghe, nói rằng từ khi con ra đi rồi thì chị ta ở nhà buồn rầu không xiết kể, ngày như đêm cứ nằm gác tay qua trán mà thở ra hoài. Chồng xài hết mấy chục đồng bạc bán heo, rồi hai chục đồng bạc của thầy Ðàng cũng làm tiêu luôn nữa. Chị ta lớp thì nhớ con, lớp thì túng tiền nên theo phàn nàn với chồng hoài, biểu chồng phải lo làm ăn, mà chồng lửng đửng lờ đờ như kẻ ở một nơi mà lo một nơi, ở được vài tháng rồi vác dù mà đi nữa. Mấy năm nay chồng không về thăm lần nào. Chị ta ở nhà một mình lo củi đục làm ăn, bởi vậy cho nên tuy trong nhà không dư dả song cũng không thốn thiếu. Năm ngoái chị ta nghe họ nói có gặp chồng ở làm ruộng dưới Cần Thơ. Hôm tháng trước chị ta có tiếp được một bức thơ của chồng gởi về, chị ta có mượn thầy giáo coi giùm thì thầy giáo nói rằng chồng bây giờ ở dưới kinh Xà No biểu chị ta như có nghèo thì bán nhà đi xuống dưới mà ở. Ba Thời nói tới đó thì ngồi dậy thò tay vào túi móc bức thơ ra dưa cho thằng Ðược coi. Thằng Ðược thấy bức thơ có mấy hàng chữ mà thôi nên đưa gần đèn mà đọc:
Xà No, le 15 Décembre 19...
Tao gởi lời về thăm mầy được mạnh giỏi. Tao ở dưới nầy bình an như thường. Năm nay tao làm ăn cũng khá khá. Như mầy có nghèo lắm thì bán cái nhà lấy bạc đi qua Mỹ Tho rồi ngồi tàu mà xuống đây.
Mà nếu mầy đã có nơi nào khác rồi thì phải gởi thơ cho tao biết. Nói giùm tao gởi lời thăm anh Hai chị Hai và bà con lối xóm hết thảy.
Hữu ký.
Thằng Ðược đọc thơ rồi bèn ngó Ba Thời vừa cười vừa nói rằng:
- Sao? Má tính đi xuống dưới hay không?
- Ði làm chi.
- Má không đi đây chắc tía nghi má có chồng khác đa.
- Ối! Nghi thì nghi chớ hại gì,
Thằng Ðược ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Ừ mà thôi, đừng có đi má. Má cứ ở nhà đây, con làm con nuôi má. Con đờn ca giỏi lắm, con kiếm tiền dễ như chơi.
- Nầy con, từ hồi chiều đến bây giờ má quên nói chuyện cho con nghe.
- Chuyện gì?
- Con đi mấy năm nay vậy mà có ai nhìn con không?
- Không.
- Nầy, lóng trước có một chuyện nầy má lấy làm kỳ lắm con.
- Chuyện gì vậy?
- Hôm trước ông Hương Sư đi bán lúa trên Bình Ðông, rồi ổng ra Sài Gòn mua đồ. Tối lại ổng đi xem hát gặp một thầy thông, hai người làm quen với nhau rồi thầy thông hỏi ổng đi đâu. Ổng nói ở làng Bình Thạnh Ðông thuộc tỉnh Gò Công. Thầy thông mới hỏi ổng vậy chớ bình Thạnh Ðông mà có biết người đàn bà nào tên là Ba Thời hay không. Ổng nói biết rồi hỏi thầy thông vậy chớ hỏi thăm Ba Thời làm chi vậy, Thầy thông mới nói rằng có một người giàu có lớn hồi trước lạc mất hết một đứa con trai đến cậy thầy tìm giùm. Thầy hỏi thăm thì nghe họ nói Ba Thời ở Bình Thạnh Ðông có xí được đứa nhỏ ấy. Thầy muốn tìm đến nhà mà chuộc lại, song không biết có quả như vậy hay không nên thầy chưa dám đi. Ông Hương Sư mới nói với thầy rằng ổng có nghe nói Ba Thời hồi trước có nuôi một đứa con nuôi tên là thằng Ðược mà vì nhà nghèo nuôi không được nữa nên đã bán cho người khác, họ dắt đi mất đã bốn năm nay rồi. Bữa hôn ông Hương Sư về có nói chuyện lại cho má nghe, song má không biết con đi đâu nên má không để ý đến cho lắm.
- Vậy mà ông Hương Sư có nói thầy thông đó tên gì nhà ở đâu hay không?
- Có, ổng nói thầy thông đó tên Lợi, nhà ở đường Cầu Quan.
- Nếu vậy để con lên Sài Gòn con kiếm thầy.
Thằng Ðược tính ở chơi vài bữa rồi trở lên Sài Gòn. Ba Thời không cho, nói rằng đã cận Tết rồi, nếu có muốn đi thì để ăn Tết rồi sẽ đi. Thằng được nghe lời nên không đòi đi gấp nữa.
Ðêm ấy thằng Ðược nằm thao thức hoài ngủ không được. Từ ngày nó biết Ba Thời không phải là mẹ ruột nó rồi, hễ ai hỏi đến cha mẹ nó thì trong lòng nó lấy làm bứt rứt xốn xang, thầm tủi thân không mẹ không cha, cứ hỏi riêng trong bụng hoài vậy chớ mẹ mình có chửa hoang mà đẻ mình rồi sợ tiếng xấu hay sao nên bồng mà bỏ đi, hay là cha mẹ mình nghèo lắm không thể nuôi được nên mới bỏ mình như vậy. Nó suy đi nghĩ lại, bàn tới tính lui hoài mà cũng không hiểu tại sao mà thân phận nó lao đao như thế. Có khi nó nằm đêm buồn bực ước thầm trong bụng nó rằng, nếu có ai nhìn nó làm con dầu người ấy tàn tật nghèo hèn nó cũng hết lòng mà kính thờ yêu mến. Nay thình lình nó nghe nói có cha mẹ kiếm nó, mà cha mẹ nó là người giàu có lớn nữa thì tự nhiên trong bụng nó khấp khởi vui mừng. Nó nằm tính thầm lăng xăng, tính hễ tìm được cha mẹ rồi thì rước mẹ nuôi về ở chung một nhà cho hết cực khổ, bắt thằng Bĩ phải ở với mình đặng đờn ca chơi cho vui, lại đi xuống Cần Thơ kiếm cho được con Liên đem về ở chung một nhà nữa. Nó lại tính cũng đi Trà Vinh mà đền ơn cô bán thơm cho mình ở đậu máy ngày, rồi về chợ Gạo thăm thầy xếp ga và mua cho thầy một đôi giày vàng với một cái nón nỉ thiệt tốt.
Qua ngày hai mươi tám thằng Ðược đưa cho má nó năm đồng bạc biểu đi chợ mua đồ về ăn Tết. Ba Thời không chịu lấy, nó theo nài nỉ hoài, nói rằng rồi đây cha mẹ nó có nhìn, nó có thiếu gì bạc tiền, nên cực chẳng đã phải lấy hết hai đồng bạc. Ba Thời đi chợ Gò Công mua dưa, cải, cam, hồng; còn thằng Ðược với thằng Bĩ dắt nhau đi chợ Mỹ Lợi, thằng Ðược muốn mua vài đồng bạc pháo về đốt chơi, thằng Bĩ cứ cản trở hoài nói rằng tiền làm ra không phải là dễ mà đem đi mua những đồ vô ích như vậy. Thằng Ðược nói: "Tết rồi đây tao lên Sài Gòn kiếm tía tao, tao thiếu gì tiền mà lo mậy". Thằng Bĩ cười gằn mà nói rằng: "Mầy mới gần giàu mà mầy đã quên lúc nghèo rồi há". Thằng Ðược nghe nói mấy lời thì hổ thầm nên buồn hiu, rồi hai đứa dắt nhau đi về không mua một vật chi hết.
Từ bữa thằng Ðược nghe nói cha mẹ ruột nó kiếm, thì trong lòng nó mừng đến đỗi lộ ra ngoài mặt, tối ngày nó giỡn trững nhảy nhót hoài, chớ không phải tề chỉnh như hồi trước. Thằng Bĩ nghe nói rằng tía thằng Ðược giàu có, ăn Tết rồi sẽ nhìn nó, nghe thì nghe thấp thố thấp thưởi mà thôi, không rõ người ở đâu nhưng mà nghe như vậy rồi nó lại buồn nên có đêm thằng Ðược muốn hòa đờn chơi, nói hết sức mà nó cũng không chịu đờn.
Tối mùng ba Tết thằng Ðược biểu thằng Bĩ gói quần áo với hai cây đờn cho sẵn rồi khuya thức dậy mà đi cho sóm. Ba Thời mới lấy ra một gói đồ đưa cho nó mà nói rằng: "Ðồ nầy là đồ của con mặc hồi má xí được con đó, con nghĩ có nên đem theo cho họ nhìn cho dễ hay không". Thằng Ðược ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi biểu má nó cất, bởi vì nó đi lưu linh sợ đem đồ ấy theo rủi mất thì khó lắm, chi bằng để ở nhà như nó gặp cha mẹ rồi, mà cha mẹ nó còn nghi thì nó sẽ dắt xuống mà lấy.
Khuya Ba Thời dọn cơm cho hai đứa nó ăn rồi, thằng Ðược muốn để lại ít đồng bạc, Ba Thời không chịu lấy, biểu đem theo mà làm lộ phí, bởi vì lên Sài Gòn không biết có tìm được liền hay không. Hai đứa nó ra đi thì trong mình còn được hơn sáu đồng bạc. Hai đứa ra chợ đón xe hơi mà đi, Thằng Bĩ không biểu đi bộ nữa, song nó buồn lắm, ngồi tại đầu cầu Nổi mà chờ xe không nói chuyện chi hết. Thằng Ðược thấy vậy mới kiếm thế mà ghẹo cho vui nên hỏi rằng:
- Sao mầy buồn dữ vậy mậy?
- Vui sao được mà mầy biểu vui.
- Sao vậy?
- Tao làm anh em với mầy, tao tưởng mầy mồ côi và nghèo hèn như tao, có dè ngày nay mầy được giàu có ở đâu.
- Thằng khéo nói kỳ hôn! Nếu tao được giàu thì mầy cũng sung sướng với tao, chớ phải tao giàu rồi bỏ mầy hay sao mà mầy buồn.
- Tao sợ miệng mầy nói như vậy mà bụng mầy không được như vậy chớ.
- Tại sao mầy sợ?
- Tao thấy một chút nầy thì tao biết bụng mầy rồi. Mấy tháng nay mầy với tao lưu linh đi kiếm ăn, mầy thường nhắc nhở con Liên hoài, mầy nói thương nó như em ruột mầy vậy, mầy tính hễ về thăm má mầy rồi thì đi kiếm cho được nó. Hổm nay mầy nghe nói cha mẹ mầy là người giàu có lớn đương tìm kiếm mầy thì mầy mừng, mầy quên con Liên, không nghe mầy tính đi thăm nó nữa. Rất đỗi con Liên mầy thương nó lắm mà chưa giàu mầy đã quên nó rồi, huống chi là tao mà mầy kể gì.
- Mấy nói tức quá! Tao có quên con Liên bao giờ? Ðể tao đi tìm được cha mẹ tao rồi tao sẽ đi kiếm mà rước nó về tao nuôi nó chớ. Tao có quên anh em thì trời đừng để mạng tao.
- Hai đứa vừa nói chuyện tới đó thì xe hơi đã ra tới, nên lật đật xách đồ xuống đò đặng ngồi xe lên Chợ Lớn.
Xe hơi lên tới kinh Xóm Củi hai đứa nó mới xách đồ đi qua Chợ Lớn đặng ngồi xe lửa mà ra Sài Gòn. Qua tới nhà giấy xe lửa nhỏ hai đứa ngồi chờ xe thấy có một ông thầy tướng đương ngồi coi tay cho họ. Thằng Ðược đứng coi một hồi móc ra hai cắc bạc đưa cho thầy tướng mà coi giùm cho nó thử xem mạng vận nó ngày sau thể nào. Thầy coi hết hai tay rồi mới nói nó là con nhà giàu, tuy từ hồi nhỏ đến bây giờ lận đận lao đao, không được ở chung với cha mẹ, song năm nay thời vận đã banh thông rồi chẳng bao lâu nữa thì mẫu tử tương phùng, anh em sum hiệp. Thằng Ðược nghe thầy tướng đoán như vậy thì mừng không biết chừng nào, cứ theo khen hay hoài và tốn hai cắc bạc thiệt đáng lắm. Nó biểu thằng Bĩ coi thì thằng Bĩ lắc đầu mà nói rằng: "Coi làm gì mậy. Tao không ham giàu mà cũng không buồn. Tao có cần gì mà phải coi tướng mạng".
Hai đứa ra Sài Gòn tìm đường Cầu Quan mà hỏi thăm nhà thầy thông Lệ. Nhờ có một bà già chỉ giùm nên hai đứa nó mới tìm được. Bước vô nhà thì thấy nhà dọn hực hỡ, trong có treo kiếng lớn, giữa có để bàn mặt đá, có ghế xích đu, hai bên có tủ áo, tủ rượu đủ hết. Trên cửa buồng lại thấy có treo một tấm hình bán ảnh của một người đàn ông độ chừng bốn mươi lăm tuổi, mặc áo dài bịt khăn đen, hai hàm râu thưa thớt mà lại vắn. Có một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi ở phía sau, thấy hai đứa nó xớ rớ trước cửa thì bước ra hỏi chúng đi đâu. Thằng Ðược thưa rằng nó đi kiếm nhà thầy thông Lợi, họ chỉ lại đây mà không biết có phải hay không. Người ấy nói phải rồi hỏi nó vậy chớ có việc chi hay sao mà kiếm. Nó nói có việc cần. Người đàn bà ấy mới biểu hai đứa ngồi trước cửa mà chơi, đợi chút nữa thầy sẽ về.
Thằng Ðược với thằng Bĩ ngồi chờ tới mười một giờ rưỡi thì thấy có người ngồi xe kéo mà về, người ấy độ chừng bốn mươi tới bốn mươi hai tuổi, mặc đồ tây, đi giày vàng, đội nón xám. Người ấy bước vô thấy hai đứa liền hỏi chúng nó đi đâu. Thằng Ðược khoanh tay thưa rằng:
- Bẩm thầy, tôi tên Ðược, con nuôi của Ba Thời ở làng Bình Thạnh Ðông, thuộc hạt Gò Công. Mấy năm nay tôi mắc đi theo thầy tôi, hôm Tết nầy tôi về thăm má tôi thì má tôi có nói rằng lúc trong năm có ông hương Sư ở trong làng đi Sài Gòn ổng gặp thầy và thầy có nói với ổng rằng tôi là con nhà giàu, song tôi lạc cha mẹ từ hồi nhỏ tới bây giờ nay cha mẹ ruột tôi đòi kiếm mà nhìn tôi. Vậy tôi đến đây lạy thầy xin thầy làm ơn chỉ giùm cha mẹ tôi nhìn cho dễ.
- Té ra mầy tên Ðược hay sao?
- Daï.
- Böôùc voâ ñaây.
Thầy Lợi vô nhà và hai đứa nó cũng vô theo. Hai đứa nó đứng xứ rớ dựa cánh cửa, thầy Lợi móc nón trên đầu nai rồi ngó thằng Ðược và ngó tấm hình trên cửa buồng, dường như nhìn coi nó có giống người trong tấm hình ấy hay không. Thầy ấy ngồi vấn thuốc hút và suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: "Bây giờ tao không rảnh, mà chiều nay tao còn đi làm việc. Vậy thôi mầy đi chơi đi, để chiều chừng năm sáu giờ mầy lại đây rồi tao sẽ dắt giùm mầy đến nhà cha mẹ mầy".
Thằng Ðược với thằng Bĩ xá thầy Lợi rồi bước ra. Thằng Ðược hân hoan đắc ý.
Ðúng năm giờ chiều hai đứa nó trở lại đứng chực trước nhà. Cách nửa giờ thầy Lợi đi làm việc về chỉ thằng Bĩ mà hỏi thằng Ðược rằng:
- Mầy tên Ðược còn thằng nầy tên gì, nó đi theo mấy chi vậy?
Thằng Ðược thưa rằng:
- Bẩm thầy, thằng nầy tên Bĩ, nó là anh em bạn của tôi, mấy tháng nay hễ tôi đi đâu thì nó theo đó, chẳng hề rời nhau.
Thầy Lợi nghe nói châu mày rồi gật đầu nói ràng:
- Ừ, nó muốn theo mấy cũng được. Mà bây ăn cơm rồi chưa?
- Thưa ăn rồi.
- Ờ, thôi bây vô đây ngồi chơi, chờ tao một chút rồi sẽ đi.
Thầy Lơi ăn cơm rồi mới biểu đứa ở trong nhà chạy đi kêu một xe kiếng[1]. Thầy mở cửa xe lên ngồi phía sau, rồi biểu hai đứa nó lên ngồi phía trước. Xe chạy một hồi rồi qua một cái cầu dốc cao lắm, thằng Ðược day qua hỏi thằng bĩ rằng: "Cầu nầy tên cầu gì mậy?". Thằng Bĩ nói: "Cầu Khánh Hội". Xe chạy qua khỏi cầu xuống hết dốc quẹo qua phía tay trái, chạy một chút nữa rồi lại quanh qua phía tay mặt. Thằng Ðược ngồi ngó hai bên đường hễ thấy cái nhà nào tốt thì trong bụng nó tưởng thầm là nhà của cha mẹ nó. Khỏi mấy cái nhà tốt rồi lần lần còn thay nhà lá nhỏ nhỏ mà thôi. Xe chạy tới mé kinh, thầy thông Lợi biểu người đánh xe ngừng lại rồi mở cửa bước xuống. Hai đứa nó cũng xuống theo; thầy Lợi mới dắt chúng nó đi vô một cái đường nhỏ, cỏ rác dơ dáy, mà lại trời tối đen nên khó đi lắm.
Ði qua khỏi hai cái nhà lá nhỏ rồi tới một miếng đất trống, thấy có một chiếc ghe hư đẩy lên để đó mà sửa lại. Trước mũi ghe có một cái ụ ở ngoài mé kinh chạy vô tới đó thì cùng. Cách cái ụ ghe chừng vài chục thước thì có một cái nhà lá nhỏ trong nhà đèn đốt leo lét, có trẻ nhỏ hai ba đứa chạy ra chạy vô lăng xăng. Thằng Ðược đi tới chỗ chiếc ghe đó, nó dòm tứ phía không thấy có cái nhà nào tử tế thì trong bụng nó nghĩ thầm chắc là thầy nầy đi mướn ghe mà đưa mình về nhà cha mẹ, chớ không lẽ cha mẹ mình ở chỗ dơ dáy nghèo hèn như vậy. Bởi nó nghĩ như vậy nên khi đi tới cái nhà lá nhỏ có đốt đèn leo lét đó, thầy Lợi bước vô nhà thì nó đứng ngoài sân với thằng Bĩ chớ không chịu vô.
Thầy Lợi nói nhỏ nhỏ ít tiếng với mấy người trong nhà, hai đứa nó đứng ngoài nghe không được, rồi thầy bước ra ngoắt thằng Ðược mà biểu rằng: "Vô đây cháu". Thằng Ðược xâm xâm đi vô, thằng Bĩ cũng xách hai cây đờn với gói áo quần cũng men đi theo sau. Bước vô nhà thấy có một người đàn ông, tuổi chừng bốn mươi, bộ vạm vỡ, không có râu, mà tóc lại hớt cụt, mặc quần lãnh đen lưng xanh buộc một sợi dây nịt da ngang qua bụng, choàng một cái áo bà ba vải trắng, cái ngực với bắp tay mặt lòi ra thì thấy có xâm hình xâm chữ rậm ri. Trên cái võng giăng dựa vách thì có một người đàn bà cũng chừng bốn mươi tuổi mặc quần vải đen và áo túi trắng mà cũ, đương ngồi dở vú cho con nhỏ bú. Dựa cái võng ấy lại có bốn đứa nhỏ, đứa lớn hơn hết chừng năm tuổi, đứa trần, đứa ở truồng, đương đứng mà dòm khách lạ. Trong nhà chẳng có đồ đạc chi hết, chỉ thấy có một cái bàn cũ để đèn để tô, để khay trầu với một bộ ván dầu mà thôi.
Thằng Ðược đứng bợ ngợ, ngó người nầy rồi ngó người kia, không nói chi hết. Thầy Lợi nắm tay kéo nó bước tới một bước, rồi nói với chủ nhà rằng: "Hai ông bà mất con mười mấy năm nay cậy tôi kiếm giùm, nay tôi kiếm được rồi đó, vậy nhìn coi có phải hay không". Người ấy ngó thằng Ðược rồi nói: "Phải, nó giống mấy đứa nhỏ của tôi quá. Thầy có lòng kiếm giùm, vậy xin để bữa nào rảnh tôi sẽ qua nhà mà đề ơn thầy".
Thầy Lợi cười rồi nói với thằng Ðược rằng: "Ðó cha mẹ cháu đó đa, còn mấy đứa nhỏ nầy là em của cháu. Thôi tìm được rồi, vậy tôi giao cho hai ông bà tôi về kẻo khuya. Tôi kiếu nhé, Cháu ở đó nghe hôn".
Thầy Lợi lấy nón ra về, chủ nhà không đưa ra cửa. Thằng Ðược bấy lâu nay tưởng cha mẹ nó là người giàu có ruộng nhiều, nhà tốt, chẳng hề khi nào mà trong trí nó có tưởng tượng cha mẹ nó là người lam lụ đến thế bao giờ, nay nó thấy nhà xịch xạc, người nghèo hèn song nó cũng chẳng có chút nào buồn trong lòng. Tuy vậy mà chẳng hiểu vì cớ nào bấy lâu nay nó thường ao ước gặp cha mẹ đặng có thổ lộ những hồi cực khổ những lúc buồn rầu cho cha mẹ nghe mà nay giáp mặt rồi sao nó lại ngại ngùng trong lòng, không nói chi được hết. Nó đứng bợ ngợ, tía nó ngồi trên ván vấn thuốc hút rồi hỏi rằng:
- Còn thằng đi theo với mầy đây là con ai?
- Nó là anh em bạn của con. Mấy tháng nay con kết làm anh em với nó đặng dắt nhau đi đờn cho họ nghe mà kiếm cơm ăn.
Má nó nghe nói vậy mới hỏi:
- Chà! Bây biết đờn hay sao?
- Dạ thưa biết.
- Bây giờ mầy về ở đây nó cũng theo mà ở với mầy nữa sao?
- Dạ.
Tía nó hút thuốc phà khói ra nghi ngút rồi nói rằng: "Nhà chật quá, bây giờ có chỗ đâu cho hai đứa nó ngủ". Má nó đáp rằng: "Không hại gì đâu. Hai đứa nó lấy manh chiếu đem trải trên chiếc ghe chun vô đó mà ngủ cũng được mà". Chong đèn thủng thẳng lu mờ lần lần. Tía thằng Ðược nắm lắc rồi nói rằng: "Hồi chiều sao không biểu bầy trẻ mua dầu thêm, hết dầu rồi còn gì". Má nó nói: "Tôi quên lửng mà khuya rồi, thôi sửa soạn mà ngủ đốt đèn chi nữa. Nầy con, con lại lấy manh chiếu rồi đem trải ngoài chiếc ghe đẩy lên bờ đó mà ngủ đỡ, ít bữa nữa mua thêm ván rồi sẽ ngủ trong nhà".
Má nó vừa nói vừa chỉ chiếc chiếu để trên ván. Thằng Ðược bước lại ôm chiếc chiếu bước ra ngoài sân, thằng Bĩ cũng xách đồ đi theo. Hai đứa nó leo lên ghe trải chiếu vừa xong, ngó ngoái vô nhà thì đèn đã tắt rỗi. Thằng Ðược nằm nghiêng day mặt vô be ghe, thằng Bĩ để hai cây đờn với gói áo phía trên đầu rồi cũng nằm một bên đó.
Hai đứa nằm nín khe mà cũng không cục cựa, mỗi đứa đều suy nghĩ riêng. Trời khuya lần lần, gió thổi lao rao, tứ bề im lìm, một lát nghe xa xa có tiếng chó sủa, hoặc nghe dưới kinh có tiếng ghe chèo sạt sạt, hoặc nghe trong nhà có tiếng con nít khóc. Gần nửa đêm thằng Ðược nằm nghiêng một bên mỏi vai, nên trở mình đụng nhằm thằng Bĩ. Thằng Bĩ cười nhỏ rồi lấy tay rờ mặt thằng Ðược mà hỏi rằng:
- Mầy không ngủ sao không nói chuyện chơi mây?
Thằng Ðược ngó vô nhà rồi hỏi nhỏ rằng:
- Mầy cũng còn thức hay sao?
- Tao nghĩ tao tức cười quá nên ngủ không được
- Cười giống gì?
- Tao tức cười là vì mầy mơ ước gặp được tía má mầy. Nay gặp rồi, tao thấy vậy tao tức cười quá.
- Mầy nói đó là nói bậy đa. Thiệt thuở nay tao tưởng tía má tao giàu bởi vì nếu nghèo mà sao hồi má nuôi tao xí được, tao bận đồ tốt dữ vậy mà lại có đeo dây chuyền vàng tây nữa. Hôm trước về dưới Mỹ Lợi má nuôi tao thuật lại chuyện tía má tao đương tìm tao, thì cũng còn nói tía má tao giàu lớn nữa. Tao nghe như vậy tao mừng, mà tao mừng không phải là tao trông giàu đặng có của sẵn cho tao xài phá, tao mừng là vì nếu tía má tao giàu tao mới có thể đền ơn má nuôi tao, mới có thể mà nuôi mầy với con Liên đặng cho mấy người thương tao bấy lâu nay hết cực khổ nữa chớ. Nay gặp tía má tao rồi, tuy tía má tao nghèo phải vì đó mà tao hết vùi đâu. Tao càng mừng nhiều lắm chớ, Trong ý mầy tưởng cha mẹ giàu có mới nên nhìn, còn cha mẹ nghèo khổ thì bỏ hay sao?
- Không, tao có nói như vậy đâu.
- Chớ mầy tức cười giống gì?
- Ðể tao nói thiệt cho mầy nghe. Thiệt hổm nay tao cũng tưởng tía má mầy giàu lắm nên tao tính hễ mầy gặp tía má mầy rồi thì tao đi, chớ không thèm theo mầy nữa, bởi vì phận tao côi cút nghèo nàn chừng mầy giàu tao theo mầy nữa thì nhọc lòng mầy chớ không ích gì. Nay tao thấy tía má mầy nghèo, tao nhớ lại thì sự mầy tưởng đã bậy mà tao tính cũng bậy nên tao tức cười chớ phải tao ngạo mầy hay sao. Nè, Ðược, mà tao nghi hai người đó không phải là tía má mầy đâu.
- Ê! Ðừng có nói bậy, mấy thấy tía má tao nghèo mầy muốn xúi tao phụ tía má tao hay sao?
- Không phải, để tao nói cho mầy nghe. Tao nghi là vì tao coi mầy không giống hai người đó chút nào hết, mà mấy đứa nhỏ cũng không giống mầy nữa.
- Mầy nói bậy. Sao mầy biết không giống? Mình giống cha giống mẹ, giống anh giống em là giống máu thịt, giống gân cốt, giống tướng đi, tướng đứng chớ phải là giống nội cái mặt đó mà đủ hay sao. Mà mầy mới thấy một lần làm sao mầy biết tao không giống được.
- Hồi hôm tao đứng trong nhà đó tao cố ý coi kỹ lắm. Thiệt mầy không giống chút nào hết, mà tao coi mầy lại giống người trong khuôn hình treo nhà thầy Lợi đó lắm.
- Hình nào đâu?
- Hình treo trên cửa buồng của thầy đó.
- Hình người bịt khăn đen đó phải hôn?
- Ờ.
- Mầy nói bậy..
- Mầy cứ nói tao bậy hoài; tao chắc rằng hai người ở trong nhà đây không phải là cha mẹ mầy, nếu mầy không tin tao thì để thủng thẳng rồi mầy coi.
- Sao mầy dám nói như vậy?
- Mầy nói má nuôi mầy xí được mầy hồi mới năm sáu tháng. Hồi đó mầy mặc áo tốt mà lại có đeo dây chuyền đó nữa, thì chắc mầy là con nhà giàu. Người nầy nghèo quá đâu có áo tốt mà cho mầy bận.
- Không biết chừng hồi trước tía má tao giàu rồi sau mới nghèo.
- Tao cũng cho mầy cãi sướt cái đó đi. Tía má mầy mất mầy đã mười bốn, mười lăm năm nay, sao thuở nay không đi kiếm để đến bây giờ mới kiếm mà nhìn. Mà chớ chi tía má mầy giàu có hoặc không có con, thì kiếm mầy cũng cho là phải, chớ ngưòi đó bộ nghèo quá mà con tới năm đứa, trai gái có đủ, không có áo quần cho nó bận còn đi kiếm thêm mầy đem về nữa mà làm gì.
- Mấy nói nghe kỳ quá! Ai có con lại không thương, nói như mầy vậy hễ có con nhiều thì nó còn hay mất cũng không cần gì hay sao?
- À, mầy nói tại má mầy thương tiếc mầy nên mới tìm mầy phải hôn?
- Chớ sao.
- Ai cũng vậy, mất con đã mười bốn mười lăm năm nay, thương nhớ nó lắm nên tìm nó mà nhìn. Nếu gặp mặt con thì tự nhiên mừng rỡ, nhứt là bà mẹ ôm con mà khóc, chớ sao hồi hôm mầy bước vô nhà, tía má mầy bảng lảng bơ lơ, không mừng rỡ chút nào, không rờ tới mình mầy, mà cũng không hỏi thăm coi nhỏ lớn ai nuôi mầy, mầy ở chỗ nào, có cực khổ đau ốm gì hay không?
- Tại hồi hôm má tao mắc dỗ em ngủ, còn tía tao tánh lạt lẽo nên không mừng rỡ cho lắm chớ.
- Mầy còn cãi nữa chớ. Tức quá! Dẫu thế nào đi nữa cũng phải tỏ dấu mừng một chút chớ. Nè, mà thình lình thầy Lợi dắt mầy tới, thầy nói mầy là con, nếu tía má mầy không mừng thì phải nghi rồi hỏi mầy coi hồi người ta xí được mầy đó mầy bận áo gì, chớ sao không mừng mà cũng không nghi chút nào hết vậy. Tao sợ họ lập mưu kế hại mầy, chớ không phải là cha mẹ đâu. Mầy không tin tao để rồi mầy coi. Hai người đó coi bộ kỳ quá mà!
- Ðừng có nghi bậy không nên.
Thằng Ðược tuy ngoài miệng cãi với thằng Bĩ, song nó xét lời của thằng Bĩ có nhiều chỗ hữu lý nên trong lòng cũng nghi nghi chút đỉnh. Nó nằm suy nghĩ hoài ngủ không được, một lát nó chắc là phải tía má nó, bởi vì, nếu không phải thì nhìn nó làm gì, rồi một lát nó lại nghi, bởi vì, nếu phải tía má nó thì có đâu mà lơ lảng quá vậy.
__
Chú thích:
1. Loại xe kéo do một hoặc hai con ngựa kéo. Thùng xe thường có bốn chỗ ngồi đối diện nhau. Bên hông xe có gắn kiếng kín để che mưa gió, vì vậy gọi là xe kiếng.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK