• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Bận về nhờ gió bấc thổi lao rao, nên tàu chạy mau hơn bận đi. Tàu ở Hướng Cỏn kéo neo mà chạy, tính chẵn mười một ngày thì ngó thấy hòn Côn Nôn. Đà công kêu Trần Mừng rồi mượn thưa với Chúa tàu coi Chúa tàu muốn về Lục Tỉnh mà tính vô cửa nào. Chúa tàu nghe hỏi bèn bước ra đứng ngó mông một hồi rồi biểu chạy vô cửa Rạch Giá. Lúc ấy trời đã nửa chiều, biển êm gió lặng, mà tàu chạy lại sát bên hòn Côn Nôn. Chúa tàu muốn ngắm xem phong cảnh chơi, nên biểu bạn tàu nhắc một cái ghế dài để chính giữa tàu mà nằm. Trần Mừng cũng nhắc một cái ghế đẩu ngồi một bên trò chuyện. Chúa tàu và nói chuyện và ngó vô hòn, ngó một hồi vùng ngồi dậy chỉ ngay đầu cồn và biểu Trần Mừng coi có cái chi phất phơ trong cồn đó vậy. Trần Mừng đứng dậy dòm coi kỹ lưỡng rồi nói với Chúa tàu rằng có lẽ ai đi thuyền bi xiêu lạc đến hòn này, nên cột áo trên cây cho tàu đi ngang ngó thấy ghé mà cứu chăng. Chúa tàu nghe nói liền biểu đà công xả buồm neo tàu, rồi sai bạn tàu bơi tam bản vô hòn kiếm thử coi có ai hay không.

Tuy nói tàu chạy sát một bên hòn, song từ chỗ tàu đậu vô cho tới hòn, tam bản đi cũng là lâu lắc. Khi tam bản vô tới trong hòn thì mặt trời lặn rồi, bởi vậy cho nên ở dưới tàu ngó vô thấy dạng mờ mờ chớ không thấy rõ. Trần Mừng hối bạn đốt đèn lồng mà rút lên trên cột buồm đặng cho chiếc tam bản biết chỗ mà bơi ra. Trời đã tối mò, chiếc tam bản mới về tới. Khi tam bản vừa cặp lại thì hai tên bạn dưới tam bản kêu lên mà nói rằng: “Có vớt được một người con gái song bị đau và đói quá nên nằm ngay đơ chớ không nói ra tiếng”. Chúa tàu hối bỏ đỏi tam bản lên thì thấy thiệt quả có một người con gái má phấn môi son, choàng một cái yếm vải đen ngang qua ngực chớ áo không có, còn quần thì tả tơi rách nát. Người con gái ấy nói không ra tiếng, mà đứng dậy cũng không nổi, bạn đỡ ngồi trong tam bản thì cứ lấy tay chỉ vô miệng và rờ dưới bụng có ý muốn tỏ dấu rằng mình đói cơm khát nước lắm.

Chúa tàu thấy vậy bèn hối Trần Mừng ẵm vô trong phòng lấy quần áo cho bận đỡ rồi day lại biểu đà công kéo neo chạy. Tàu chạy rồi, Chúa tàu vô phòng thấy Trần Mừng đã lấy một cái quần và một cái áo của anh ta mà cho mặc đỡ, lại thấy đương rót nước trà mà cho uống. Chúa tàu rờ trên trán người con gái ấy thì thấy ấm ấm mà thôi chớ không nóng cho lắm, định chắc là đói khát chớ không phải đau bịnh chi, nên biểu Trần Mừng kêu tổng khậu mà dạy nấu một nồi cháo cho lỏng rồi cho ăn cầm chừng, một lát cho húp chừng ba bốn muỗng mà thôi.

Đêm ấy Trần Mừng với Chúa tàu thay phiên thức mà cho cô nọ ăn uống, đến sáng bữa sau thì cô tỉnh táo, ngồi dậy được song nói cũng còn khao khao nghe không rõ. Ngày ấy thì cho ăn cháo đặc với cá mặn, lần lần hai ngày đêm rồi mới dám cho ăn cơm.

Chừng tàu tới Rạch Giá thì cô nọ đã nói ra tiếng và khi tàu vô cửa hết lắc lư nữa thì cô nọ đã vịn đi được. Chúa tàu thấy cô mạnh rồi, bèn hỏi coi cô con cái của ai, nhà cửa ở đâu, vì cớ nào mà ở một mình trong hòn Côn Nôn. Cô nọ nghe hỏi thì thút thít thưa rằng: “Thưa với Chúa tàu, thân em hoạn nạn không biết sao mà kể cho xiết; từ hồi hôm đến bây giờ em muốn lạy Chúa tàu mà thưa hết cho Chúa tàu nghe, song em thấy Chúa tàu không hỏi đến nên em chưa dám nói. Em vốn là người ở Bình Định, con của Huỳnh Văn Trang. Em tên là Huỳnh Thu Thủy, năm nay được mười chín tuổi. Cha em làm nghề nuôi tằm dệt lụa, nhờ ông bà phò hộ nên trong nhà đủ ăn, hôm nọ, em không nhớ chắc là ngày nào, có một chiếc tàu Hải Nam ghé vô cửa Bình Định. Thuở nay tàu của khách cũng thường ghé mà mua heo bò, bởi vậy cho nên trong xóm thấy chiếc tàu nầy ghé mua đồ, cũng không ai nghi ngại chi hết. Chẳng dè tối lại bạn tàu gần hai mươi, ngồi tam bản mà bơi vô bờ, rồi người cầm búa, kẻ cầm cây, áp vô xóm mà cướp giựt; đồ đạc thì chúng nó dọn hết, đàn ông ai chống cự thì chúng nó đánh, còn đàn bà con gái thì chúng nó bắt hết mà đem xuống tàu. Chúng nó giựt hết không chừa một nhà nào, nhà em ở gần đầu xóm, bởi vậy cho nên khi chúng vừa áp vô nhà, ông thân em không hiểu chúng nó làm sự gì, mới chạy ra mà cản cửa. Chúng nó áp lại, kẻ thì đập, người thì chém, ông thân em té nhào tại cửa cái mà chết. Em với mẹ em kinh hãi lật đật chạy ra la làng. Có hai đứa rất dữ tợn, cầm búa chạy theo nắm đầu em và mẹ em kéo lại rồi lấy dây trói để nằm ngoài sân đặng cho chúng nó dọn đồ cho yên. Chúng nó cướp giựt hết cả xóm rồi mới khiêng đồ và dắt mẹ em với em cùng năm sáu người đàn bà con gái nữa mà đem xuống tàu. Em với mẹ kinh hãi không biết chi hết, chúng nó biểu ngồi đâu cứ ngồi đó không dám thốt một lời nào.

Huỳnh Thu Thủy nói tới đây trong lòng cảm động nên ngồi khóc thút thít. Chúa tàu với Trần Mừng thấy vậy cũng động lòng. Chúa tàu thì đứng dậy rót nước trà mà uống, còn Trần Mừng thì nhét thuốc vào bình điếu mà hút, có ý để cho Thu Thủy khóc một hồi đặng giải cái lòng buồn thảm nó ấm ức đã mấy ngày rồi.

Chừng Chúa tàu uống nước xong rồi, ngồi lại mà hút thuốc, Thu Thủy mới lấy vạt áo lau nước mắt rồi nói tiếp rằng: “Tàu ăn cướp chạy được bốn ngày, chẳng biết là tới đâu, thình lình bị giông lớn sóng to, chiếc tàu nhồi lên hụp xuống chẳng khác nào một cái trứng vịt trôi ngoài biển cả, làm như vậy trót nửa ngày, buồm đứt cột gãy, bạn tàu lao nhao lố nhố. Lúc ấy mẹ em cùng mấy người đàn bà con gái bị bắt không ai sợ chi hết mà lại vái cho tàu chìm đặng chết phứt cho rồi, nghĩ vì sống mà xa cửa lìa nhà, mà rồi đây còn sợ ô danh thất tiết nữa, sống dường ấy thì thà chết còn có ý nghĩa hơn. Hai mẹ con em đương ngồi to nhỏ than phiền với nhau như vậy, thình lình nghe một tiếng đụng vang tai, chiếc tàu rung rinh rồi lần lần nghiêng triềng muốn úp. Mẹ con em không hiểu có việc chi, liền đứng dậy thì thấy quả chiếc tàu đã chìm, nước đã tràn vô ào ào. Những người dưới tàu la khóc vang vầy, kẻ chạy tới, người chạy lui, coi ai cũng đều sợ hãi. Mẹ con em nắm tay nhau đứng trân trân, dường như không sợ chết, mà em nghĩ dầu lúc ấy em có chạy rộn như họ vậy đi nữa, lại khỏi chết được hay sao. Cách chẳng bao lâu nước biển tràn vô tàu đã ngập tới lưng quần; em ngó lại thì thấy Chúa tàu, bạn tàu và mấy người bị bắt thảy đều nhảy mà lội ngoài biển lểnh nghểnh, sóng dồi gió dập, trồi lên hụp xuống xem lấy làm thương hại vô cùng. Em nghĩ người đã kiếm kế mà thoát, không lẽ mình đeo chiếc tàu mà chịu chết, nên em thấy có một tấm ván đương trôi một bên em, em liền níu lại rồi em biểu mẹ em đeo tấm ván ấy với em đặng thả trôi đến đâu hay đến đó. Mẹ con em đeo tấm ván, vừa mới ra khỏi chiếc tàu, em ngó lại coi còn ai dưới tàu hay không thì chiếc tàu đã chìm mất. Mẹ con em nổi trôi trên mặt biển cho đến tối gió mới lặng, sóng mới êm. Em sợ mẹ em già yếu đeo lâu mỏi tay nên em biểu trườn lên tấm ván mà nằm, rủi thay tấm ván nhỏ mà lại nặng, không có sức nổi bao nhiêu, nên mẹ em nằm nghỉ không đặng phải đeo một đầu, còn em đeo một đầu mà chịu.

Mẹ em đeo trọn một đêm đó, đến sáng đã mỏi đuối hai cánh tay, mà lại đói bụng khát nước, nhắm thế chịu không nổi nên mới trối với em rằng: “Trời đã khiến mạng số đến chừng ấy mà thôi, vậy thôi để mẹ buông tay đặng hụp xuống đáy bể cho rồi, dầu con có thương mẹ con cũng chẳng nên cứu làm chi bởi vì nếu con cứu mẹ thì con phải chết theo mẹ, chớ không thế nào mà cứu được. Mẹ nói, con phải nhớ lời, đừng có cãi mẹ. Mẹ em trối có mấy lời rồi thì buông tay hụp mất.

Thu Thủy nói tới đây lại ngừng lại mà khóc một hồi nữa rồi mới tiếp rằng: “Mấy lời mẹ em nói đó, em còn nhớ luôn luôn mà bây giờ em thuật lại đây trong trí em cũng còn nghe văng vẳng lời của mẹ em nói bên tai, em cũng còn thấy rõ ràng cách mẹ em buông tay mà chìm xuống biển. Khi ấy em thò tay mà níu mẹ em, té ra níu không kịp, cùng thế em đeo tấm ván lấy chơn mà dò coi may ra có đụng hay chăng, chẳng dè mẹ em đã chìm mất không thế nào cứu được. Em than trời trách đất, khóc lóc nghêu ngao, cha đã bị người ta giết chết trước mắt mình mà không biết làm sao giải cứu, còn có một mẹ mà mẹ cũng chết một cách rất thảm trước mắt mình nữa mà mình cũng không cứu được, dường ấy thì sự sống của mình nghĩ còn có ích gì. Em than như vậy rồi em định buông tấm ván mà chết theo mẹ em cho rồi; song em vừa muốn buông ra thì em nghe bên tai dường như có tiếng mẹ em biểu: “Đừng, đừng có cãi mẹ, con phải sống chớ” làm cho em nhớ mấy lời của mẹ em trối khi nãy, nên em không nỡ tự vận, ráng đeo tấm ván mà thả trôi. Em đeo cho đến tối không biết trôi đến đâu, chơn em lạnh như đồng, tay em đã bủn rủn, em đương nghĩ thầm nếu không ai vớt thì một đêm nữa chắc là phải chết, thình lình dưới chơn em đụng đất, em mới dò coi thì quả nước cạn. Em đạp đất mà đứng thì nước tới lưng quần mà thôi, em liệu chắc là em đã xiêu vào một cái hòn nào đây rồi, trong bụng mừng thầm, tay cũng còn níu tấm ván chớ chưa dám buông, chơn thì bước riết vô mé, đi chừng nào nước cạn chừng nấy, đi một đỗi rất xa mới lên khỏi nước. Đêm khuya trời tối, em không biết đi đâu, nên kéo riết tấm ván lên cho xa mé nước rồi nằm mà nghỉ, trong bụng tính đợi sáng ngày sẽ đi kiếm xin cơm mà ăn. Em đeo tấm ván gần trót một ngày hai đêm, tuy mệt mỏi mà lại đói cơm khát nước, song em nằm nhớ đến cha mẹ thì đau đớn trong lòng không xiết kể; bởi vậy cho nên em nằm là nằm nghỉ cho khỏe đó mà thôi, chớ chẳng hề nhắm mắt mà ngủ được. Rạng ngày em đứng dậy tính đi kiếm nhà xin ăn, chẳng dè trên mé biển đứng ngó vô thì rừng cao cây lớn, núi non chập chồng, chẳng thấy đâu là đường đi, mà chẳng biết chỗ nào có nhà cửa. Em nghi cái hòn ấy không có người ta ở, mà em thấy non cao rừng rậm em lại sợ, nên không dám bước tới; em mới tính cổi áo leo lên buộc trên nhánh cây hoặc may có thuyền ai chạy ngang họ ghé mà vớt. Em buộc áo xong rồi bèn nằm dưới gốc cây mà chờ, trong bụng thầm nghĩ nếu mình khỏi chết chìm mà rồi bị chết đói như vầy, thế thì trời xui khiến đẩy đưa mình vào bờ có ích chi đâu. Đến trưa em muốn đi vòng theo bãi biển coi hoặc may có thuyền chài lưới chi hay không, chẳng dè đói bụng quá em đứng dậy không nổi, nên phải nằm đó mà chờ chết. Đến chiều tối em cựa quậy đã hết được nữa, may có Chúa tàu thấy nên cho bạn bơi tam bản vào cứu em, chớ không thì đêm đó em chắc phải chết”.

Thu Thủy thuật hết đầu đuôi tự sự rồi liền ngồi bẹp xuống lạy Chúa tàu mà nói rằng: “Em mà còn sống đây là nhờ có Chúa tàu cứu vớt. Ơn của Chúa tàu rất trọng khác nào như cha mẹ đẻ em một lần nữa. Phận em xiêu lạc chẳng biết lấy chi mà đền ơn, vậy em kính lạy Chúa tàu gọi là đáp nghĩa”.

Chúa tàu thấy Thu Thủy lạy thì lật đật đứng dậy mà nói rằng: “Con người ở đời hễ thấy ai bị nạn thì phải cứu, vớt. Cô em nói rằng gốc Bình Định, vậy thôi ở đỡ dưới tàu tôi đây ít ngày rồi tôi kiếm coi có thuyền nào đi Bình định tôi sẽ gởi cô em theo mà về xứ sở”.

Thu Thủy nghe nói tới sự về xứ sở, thì nhớ chuyện cha bị ăn cướp giết, liền khóc rống lên nghe rất thảm thiết, rồi thưa rằng: “Phận em cha mẹ đã chết hết, mà bà con anh em cũng không có ai. Bây giờ em về Bình Định cũng không biết đâu mà nương dựa. Vậy em xin Chúa tàu thương giùm thân em cho em ở dưới tàu nấu cơm nấu nước, giặt áo, giặt quần cho Chúa tàu, trước là nhờ hột cơm manh áo đặng no bụng ấm thân, sau nữa em trả nghĩa đền ơn hườn sanh cứu tử.”

Chúa tàu nghe Thu Thủy nói mấy lời liền day mặt chỗ khác, ngồi lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Cô em muốn ở đây với tôi cũng được”. Nói có mấy lời rồi dứng dậy bước ra ngoài. Trần Mừng cũng đứng dậy đi theo. Lúc ấy tàu vô cửa Rạch Giá đã bỏ neo buộc đỏi xong rồi hết, Chúa tàu đứng ngó lên bờ bộ không được vui. Trần Mừng muốn hỏi coi Chúa tàu buồn việc chi song dợm hoài mà không dám hỏi. Chúa tàu ngó một hồi rồi day lại biểu Trần Mừng lên chợ kiếm mua quần áo đem xuống cho Thu Thủy mặc. Trần Mừng đi một hồi trở xuống nói rằng tiệm có bán đồ xẩm chớ không có đồ An Nam may sẵn, Chúa tàu nghe nói ngồi suy nghĩ rồi day lại hỏi thử Thu Thủy coi có chịu mặc đồ xẩm hay không. Thu Thủy thưa rằng đồ nào mặc cũng được, không dám đèo bồng kén chọn chi hết. Trần Mừng vừa đứng dậy đi mua thì Chúa tàu dặn phải mua đồ cho tốt và phải mua ba bốn cái áo với ba bốn cái quần mới đủ cho Thu Thủy thay đổi.

Thu Thủy tắm gội sạch sẽ vừa rồi thì kế Trần Mừng đem đồ xuống. Thu Thủy vào phòng trong thay áo đổi quần, chải gỡ xong xuôi rồi bước ra, tuy là ăn mặc theo người Tàu, nhưng mà da trắng môi son, má bầu mày liễu, coi thiệt là đẹp đẽ. Chúa tàu ngồi ngắm Thu Thủy rồi biểu Trần Mừng mở mấy gói hàng mua bên Hướng Cỏn ra mà lựa hai vóc hàng thiệt tốt đưa cho Thu Thủy biểu cắt may theo áo An Nam mà mặc. Qua ngày sau, Chúa tàu lên chợ chơi, thấy tiệm có bán đồ nữ trang, bèn lại mua một cây kiềng đồng thòa với một đôi vòng đồng thòa đem xuống mà cho Thu Thủy.

Chúa tàu biểu Trần Mừng chia cái phòng ở ngoài ra làm hai đặng Trần Mừng nằm một bên, còn một bên chừa cho Thu Thủy.

Ăn cơm thì Thu Thủy ăn chung với Chúa tàu và Trần Mừng, ăn rồi thì lo may vá chớ Chúa tàu không cho làm việc chi khác. Từ Trần Mừng cho đến mười mấy tên bạn dưới tàu ai thấy Chúa tàu trọng đãi Thu Thủy như vậy thì trong bụng cũng đều tưởng chắc rằng Chúa tàu sẽ cưới làm thê thiếp chi đây, song tưởng thì tưởng vậy, chớ thấy Chúa tàu nghiêm trang nên không ai dám nói chi hết.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK