Chợ Xuân ở huyện Gia Phúc là xứ đô hội của đất Hải Dương, bọn thương nhân thường đậu ở đó, có hai dãy điếm cho khách ngủ trọ. ở thôn gần đây, có thằng trộm, biệt hiệu là “Khóa mèo” có lắm ngón quỉ quyệt gian trọ. ở mỗi điếm trọ, (người ta đều làm chiếc quầy lớn, khách tới trọ) đều phải bỏ hành lý vào quầy rồi khóa lại.
Năm Cảnh Hưng, Quý Mùi, có một khách thuê trọ, hành lý rất nặng. Lúc sắp ngủ, nhà trọ dặn là quan khách mang theo hành lý, hoặc tiền bạc thì gửi cho nhà hàng, ở đây trộm cắp rất thủ đoạn, không thể xem thường. Khách cười, nói “Tôi có vàng mà không giữ được hay sao. Việc gì phải phiền đến nhà trọ nhắc nhở”. Nói rồi, mở túi ra, dưới ánh đèn, bạc trắng sáng tỏa, bày ra khắp chiếu, ước tới bốn năm trăm lạng, rồi lại thu hết cho vào hành lý, đặt ở đầu giường mà ngủ.
Trộm ta đã nhòm qua khe cửa từ trước, đến khi mọi người yên giấc, mới khoét tường vào nhà nằm phục dưới gầm giường làm trò mèo bắt chuột. Lúc lâu sau, lại ở bên chân khách, bắt chước tiếng mèo cắn chuột, thỉnh thoảng lại lấy gai đâm vào chân khách, khách nổi giận, co chân đạp. Thằng trộm bắt chước kiểu chuột bỏ chạy, đợi khách khẽ ngủ lại làm như trước.
Khách nổi giận ngồi phắt dậy, thằng trộm nghe tiếng động trên giường, biết khách đã dậy liền vớ ngay túi bạc trên đầu giường chạy ra. Khách đợi mèo không tới nằm xuống sờ gối thì gói bạc đã mất rồi, liền gọi nhà trọ đốt đèn lên, và nói “Bạc của tôi bị kẻ trộm lấy rồi”. Chủ trọ trách khách không giữ cẩn thận. Khách nhìn lên mái nhà thấy có một cái nơm rất to, liền nói: “Ông chủ không lo. Đây là trộm gần. Tôi xin cái nơm này. Ông cứ đốt đèn chờ tôi một lúc, tôi sẽ đem bạc về, không liên can đến ông đâu chỉ khổ cho tôi là đêm nay không được ngủ ngon”.
Nói rồi, đem nơm ra cửa, trèo lên cây nhìn ra xa, nghe thấy thôn bên có tiếng chó sủa, liền đi về phía đó thấy trong rặng tre, có một ngôi nhà đèn còn đương sáng. Khách lẻn qua rặng tre, mở toang cổng ngoài, đi tới ngôi nhà dòm vào thì thấy tên trộm đang đếm bạc với vợ dưới án đèn, tên trộm cười nói vui vẻ, tự khoe là cao thủ. Khách gõ cửa bật lên tiếng cười. Tên trộm kinh ngạc hỏi ai đó. Khách trả lời: “Em, trộm đây, nghe nói anh được món hời lớn, đến xin anh chia cho”. Tên trộm nổi giận, nói: “Thằng chết tiệt ở đâu, dám đòi chia thịt trước miệng hổ”.
Nói rồi, tìm gậy đi ra, quay lại bảo vợ: “Hãy giữ tiền cho tao, tao đi giết thằng đó”. Khách giả vờ bỏ chạy, nhưng lại phục ở đó, tên trộm thấy cổng mở toang, liền chạy đi đuổi. Khách lẻn vào, lấy nơm úp lên đầu vợ tên trộm, phá hòm lấy bạc đem về. Lúc ấy ở nhà trọ, đèn vẫn còn sáng. Tên trộm chạy đuổi trên đường cái không thấy gì, quay trở lại, thì vợ đang mang nơm nằm đó, hòm bị phá, bạc đã mất, hỏi biết mọi việc, mới cả kinh, thán phục.
Sáng sớm hôm sau, khách đang rửa mặt, chải đầu, có người tới vái trước mặt mà nói “Tôi là tên ăn trộm, làm nghề này đã mấy chục năm, tự cho là không còn có sai sót gì. Nào ngờ, ngoài núi lại còn có núi khác cao hơn, xin cho theo học ngài”. Khách nói: "Nghề ông đang làm hồi nhỏ tôi cũng làm. Nhưng nghĩ lại, lấy của người khác để nuôi béo mình thì đâu phải là lẽ chính? Ông nghĩ coi, việc được mất đêm qua, có nghĩa lý gì. Tôi thề không làm nghề ấy đã năm năm rồi. Vì ông, nên tôi mới chơi lại trò cũ chút thôi. Ông việc gì phải học. Nay bốn phía đều là chiến lũy, kẻ nam nhi nên gắng sức cho triều đình, tôi đã trở thành người của phủ Đô đốc, nếu ông theo, tôi sẽ xin cất nhắc cho." Tên trộm nói “Xin lĩnh giáo”. Nói rồi từ biệt vợ con mà đi.
Sau vài năm, có một toán quan quân đến nghỉ ở quán ông chủ trọ, nhìn kỹ là tên trộm trước đây. Hỏi chuyện y trả lời là đã theo phủ Đô đốc, vì có công được bổ làm suất đội còn người khách năm xưa thì đã làm tham tướng Sơn Tây.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK