• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thủ lĩnh Ban Sơn Gà Gô cảnh báo lão Trần, anh ta từng thấy trong núi sâu có khí mây không lành, tuy nói mộ cổ nếu chứa bảo vật châu báu quý hiếm thường có mây lành vấn vít nhưng cũng không loại trừ khả năng chốn núi sâu rừng thẳm có ẩn nấp yêu ma. Nói đoạn anh ta chỉ vào hai cái xác báo, ý bảo bằng chừng đấy, rồi dặn dò lão Trần dẫn quân thám thính nhất định không được lơ là cảnh giác, muốn quật mộ cổ Bình Sơn phải dùng kỳ thuật mới xong, đợi mấy hôm nữa hai bên hội ngộ bàn bạc kỹ lưỡng cũng chưa muộn.
Lão Trần không phản đối cũng chẳng đồng ý, chỉ gật gật đầu, lão muốn khi về vênh vang với đám đàn em, bèn hỏi xin Gà Gô xác con báo già.
Gà Gô ngậm ngùi đồng ý: “Thịt báo tuy chua nhưng xương báo trăm tuổi đem nghiền vụn có thể làm thuốc chữa bệnh thần kinh, là loại dược liệu vô cùng quý hiếm. Con báo xám đốm tráng này đạo hạnh uyên thâm, nhưng chậm chạp hom hem chắc chưa tu thành kim đơn. Thịt nó già nhách không thể ăn nổi nhưng xương cốt vẫn có thể lấy làm thuốc, hoặc chế hương mê.”
Lão Trần nói tiếng cảm ơn, rồi nhận lấy xác con báo già. Lão biết thuật Viên quang của Trung Quốc cổ đại chia làm hai phái thật giả, người biết thuật Viên quang thật trong quá trình “viên quang” thực sự có khả năng nhìn thấy một số thứ, có thể phân biệt được những đồ vật con người từng gặp qua, có điều phải mời thần tiễn thần, bùa chú cũng lên đến trăm loại vô cùng ảo diệu rườm rà; còn thuật Viên quang giả là thủ đoạn lừa đảo của đám thuật sĩ giang hồ, đầu tiên lấy nước kiềm vẽ hình người lên giấy, sau phun nước là có thể hiện hình.
Con báo này làm ổ ở trong mộ hoang, bao năm nay vung vãi nước đái lên cây cỏ xung quanh, không màu không mùi ai bước chân vào địa bàn này sẽ bị nó mê hoặc tâm trí, trừ phi có ngoại lực tác động, người trúng thuật mới có thể tỉnh táo lại, nếu không chỉ còn cách mặc nó xâu xé, đây giống như thuật Viên quang thực sự. Con báo già cũng phải tập trung toàn bộ tinh lực để thi thuật, khiến người ta đầu óc mụ mị nhìn ra những cảnh tượng cổ quái. Nhưng hễ người bị hại tỉnh lại, kể thi thuật sẽ phải gánh hậu quả, con báo già lõi đời xảo quyệt còn có thể bỏ chạy, chứ như con báo nhỏ không chịu nổi, liền nôn thốc mật mà chết.
Có xương cốt con Hoàng yêu này nghiền thành bột, uống vào có thể hóa giải mọi loại ma thuật. Lão Trần lấy xác con báo, từ biệt ba vị Ban Sơn đạo nhân, tìm đường quay về nghĩa trang trên núi, lúc này trời cũng đã tảng sáng.
Suốt cả đêm, bọn La Lão Oai đứng ngồi không yên, nghĩ Trần thủ lĩnh gặp bất trắc trong núi, chia nhau đi tìm mấy lượt mà không thấy bóng dáng lão đâu. Đang định điều binh lên tìm kiếm thì thấy lão Trần lững thững từ dưới chân núi đi lên, vừa đi vừa cao giọng ngâm nga: “Trời đất có chính khí, tỏa ra cho muôn loài, là sông núi dưới đất, là trăng sao trên trời…”, cử chỉ nhàn nhã ung dung, thần thái phi phàm thoát tục, cà bọn vô cùng bái phục, thầm ngưỡng mộ Trần lão đại quả nhiên xuất khẩu thành thơ, vội vàng chạy ra đón rước.
Lão Trần rất biết dát vàng lên mặt, thêm mắm giặm muối kể lại đầu đuôi sự tình, nào là lão đuổi theo con mèo què ra sao, lạc vào rừng mộ cổ thế nào, rồi trong tấm bia cổ có con báo già dùng yêu thuật hại người, lão liền tiện tay trừ khử, lúc quay về lại gặp một đám Ban Sơn đạo nhân, bọn họ cứ khẩn khoản níu giữ nên lão đành ở lại cùng bàn tính kế hoạch đào mộ đến tận lúc trăng lặn đằng Tây, thành ra mới dây dưa mất mấy canh giờ. Nói xong lão quẳng xác con báo già cùng cái tai người chết xuống đất cho bọn La Lão Oai ngắm nghía thỏa thích.
Bọn La Lão Oai và Hoa Ma Linh cứ trầm trồ mãi, tán dương lão Trần thân thủ cao cường, con báo thành tinh này gian xảo là vậy mà trúng phải một cước của đầu đảng Xả Lĩnh liền tan tành xương cốt. Lão Trần trong lòng đắc ý, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ thờ ơ lãnh đạm, bảo gã câm Côn Luân Ma Lặc mang cái xác báo đi lột da róc xương, còn Hoa Ma Linh thì mang tai của Hao Tử Nhị Cô dán vào chỗ cũ để bà ta được toàn thây trạm cương, sau sẽ bọc liệm nhập quan.
Sáng hôm ấy cả bọn ăn vội vàng mấy chiếc bánh bao nhân thịt, rồi vào bản kiếm một dộng dân làm người dẫn đường. Người Miêu ở Tương Tây chia làm “Miêu lạ” và “Miêu quen”, “Miêu quen” là ngưỡng người thân Hán, biết nói tiếng Hán thậm chí còn thông gia với người Hán; ngược lại người “Miêu lạ” thường ẩn cư nơi rừng sâu, ít qua lại với người ngoài.
Người lão Trần kiếm đương nhiên là một người Miêu quen nhất trong số những người “Miêu quen”. Người này là dân Miêu gốc, nhưng thường đi theo thương nhân Tát gia tới đây buôn bán, nên rất thông thuộc tiếng Hán cũng như phong tục người Hán, lại biết truyền thuyết vùng Mãnh Động, là một lựa chọn vô cùng thích hợp. Lão Trần nói dối người dẫn đường rằng đám bọn họ nghe nói Bình Sơn núi cao sừng sững, là nơi cảnh đẹp hiếm có trong dân gian, chuyến này đánh hàng qua Lão Hùng Lĩnh, tiện đường muốn tới đó du ngoạn, người Miêu kia tham khoản thù lao được hứa trả, nhận lời ngay. Khi ấy đang mùa mưa, trong núi dầm dề cả ngày đoàn người chân đi giày cỏ đầu đội nón tơi, tiến thẳng vào Bình Sơn thăm dò vị trí mộ cổ.
Lão Hùng Lĩnh nằm trong nội địa Tương Tây, rừng sâu vực thẳm, cách biệt với thế giới bên ngoài, nhìn xa giống như một con gấu khổng lồ đang nằm ngủ. Bình Sơn được sơn dân địa phương tin là hóa thân của hổ, là một nhánh của Lão Hùng Lĩnh, lại càng hẻo lánh hoang sơ, không dấu chân người. Bọn lão Trần dưới sự dẫn dắt của người Miêu, xuyên qua rừng rậm, chui vào khe động, lội suối vượt đèo, những gian nan dọc đường không nói cũng biết.
Xuất phát từ lúc bình minh đến tận giữa trưa, mặt trời lên tới ngọn cây, đoàn người cuối cũng cũng đặt được chân lên dốc núi hiểm trở sau Lão Hùng Lĩnh. Đỉnh núi bên này cỏ hoang cổ thụ um tùm, nhìn từ trên cao có thể trông thấy địa mạch Bình Sơn bên dưới. Phóng tầm mắt nhìn xuống, chỉ thấy toàn vách đá cheo leo như những chiếc dùi dựng đứng, đỉnh núi san sát nối dài về phía xa, như ngàn ngọn măng nhú khỏi mặt đất, vạn thẻ ngọc chĩa thẳng lên trời, núi tựa núi, đỉnh sát đỉnh, lấp đầy khoảng cách giữa đất và trời, miên man vô tận.
Người Miêu dẫn đường trỏ một ngọn núi bên dưới vách đá đang đứng, nói: “Nói để các vị hay, đằng kia là núi Bình Sơn đấy!” Cả bọn nhìn theo tay anh chàng người Miêu, thấy núi thần kỳ được tạo hóa ưu đãi, địa hình hiểm trở nhìn đâu cũng thấy vách đá cheo leo không có đường đi. Tuy địa thế nguy hiểm nhưng Bình Sơn lại được bao quanh bỏi núi non trập trung, bốn bề san sát núi rừng xanh ngắt, khói mây bảng lảng như trong một bức tranh. Nhìn sâu vào lòng núi, quả nhiên thấy vài nơi có sương trắng bay lên, ánh cầu vồng thấp thoáng giữa màn sương mù.
La Lão Oai thấy thế mừng rỡ hỏi: “Trần thủ lĩnh, cái mộ cổ đó chắc bị sụp rồi, Bình Sơn này được quây trong núi, khí thủy ngân trong mộ không bay đi được, liền ngưng tụ thành sương thủy ngân, còn cái cầu vồng kia chác là bảo khí xung thiên trong mộ cổ có phải không? Con bà nó trắng trắng, đỏ đỏ, coi chả sướng mắt bỏ mẹ ra…”
Lão Trần đáp: “Chưa biết được, có điều hình như dáng ngọn núi này quả thật đặc biệt: thế núi thu lại, màu đất rắn chắc, mạch đất bắt từ trên cao, nước dễ dàng chảy ra tứ phía. Long thần trên núi không xuống nước, long thần dưới nước không lên núi, nhìn kỹ sơn và thủy nơi này, thấy chân long khí át vạn tượng, chác chắn là đất quý không sao tả xiết. Đứng ở đây không thể nhìn được lối vào mộ cổ, chúng ta phả vào gần hơn nữa xem sao.” Lão Trần vốn giỏi các phương kỹ kỳ môn độn giáp, chiêm bốc ttinh tường, lại thông hiểu phong thủy hình thể tông Giang Tây, nhưng không biết gì về thuật phong thủy đào mộ Phân kim định huyệt của Mô Kim hiệu úy, nên nhìn từ trên cao không thấy được vị trí mộ cổ.
Lão liền nhờ người Miêu nọ dẫn đường, nào ngờ nói mãi anh ta không chịu: “Nói để các vị khách quan hay, chớ thấy Lão Hùng Lĩnh đã là hoang vu biệt lập, Bình Sơn chúng tôi đây tuy cảnh sắc kỳ diệu, quả là thiên hạ độc nhất vô nhị, nhưng đứng đây xem thì được chứ nào ai dám tới đó. Trên núi ấy nhiều linh chi và cửu long bàn nên mãng xà cũng nhiều lắm, những người đó hái thuốc đều một đi không trở về. Trong lòng núi còn có một ngôi mộ cổ, cách đây một trăm năm có một trận động đất lớn, làm mộ cổ nứt ra mấy kẽ, bảo khí bên trong toát ra bức người, bao nhiêu đám trộm mộ rồi thổ phỉ kéo nhau tới kiếm cơ hội đổi đời đều không ai sống sót trở về, vào bao nhiêu bỏ mạng bấy nhiêu. Nghe nói trong núi có táng Thi Vương, các vị đều là thương nhân an phận thủ thường, đang yên đang lành hà cớ gì đi vào nơi ác hiểm đó. Hãy nghe lời tôi, dừng lại ở đây, đặng sớm lên đường về quê..."
La Lão Oai nghe nóng đầu, liền đánh anh người Miêu ngã lăn ra đất, đoạn móc khẩu súng lục gí vào đầu anh ta: "Con bà mày, mở to mắt ra mà nhìn, ai an phận thường? Man di sống trong rừng rú chưa nghe nói đến uy danh Diêm vương La Lão Oai ta hở? Bảo mày dẫn đường thì dẫn đường, con mẹ mày còn nói thêm nửa câu tao bắn nát sọ, lúc về còn giết cả nhà mày luôn!"
La Lão Oai là tư lệnh một nhóm phiến quân lớn ở Tương Âm, trước đây giết người như ngoé, trẻ con nghe danh còn không dám khóc đêm, có điều ở vùng Lão Hùng Lĩnh Tương Tây hoang vu này, động dân nào biết đến hắn là tư lệnh La.
Trăm nghe không bằng một thấy, bị khẩu súng lục lạnh băng kề vào đầu, anh chàng động dân nọ sợ són cả ra quần, lúc ấy mới biết đám thương nhân này đều là cướp, thấy ai chướng mắt liền trừng mắt giết ngay, anh ta nào dám trái lời, vội vàng lập cập nói: "Nói... Nói để các vị hảo hán hay, muốn lên núi phải mang theo mấy cây gậy đuổi rắn..."
Không đợi anh ta nói hết, La Lão Oai liền đá thêm phát nữa: “Mày còn lải nhải cái gì, cái thây mày chính là gậy đuổi rắn đấy, mày đi trước rẽ cỏ cho ông, đi mau!”
Lão Trần xưa nay luôn tâm niệm thay trời hành đạo, tuy hành vi bạo ngược của La Lão Oai khiên lã xốn mắt, nhưng giữa họ có quan hệ lợi dụng qua lại, không ai thiêu ai được, nên lão chỉ đành mắt nhắm mắt mở, mặc cho La Lão Oai áp giải người Miêu nọ lên núi Bình Sơn tìm khe nứt của ngôi mộ cổ.
Cả bọn đi xuống, vòng qua sườn núi tới trước sơn khẩu ngọn Bình Sơn, ở đây có một cánh cổng đá tự nhiên được hình thành từ vòm hang trên khồn, thổ dân bản địa quen gọi là “địa môn”, đối xứng với “thiên môn” trên núi, đi qua đó coi như đã vào trong núi. Bình Sơn được bao quanh bởi núi rừng rậm rạp, tuy bé hơn nhiều so với những ngọn núi sừng sững xung quanh, nhưng ít nhất cũng cao vài trăm trượng.
Lại gần mới biết, toàn bộ ngọn núi là một khối đá lớn màu xanh sẫm, loại đá này có thuộc tính âm hành, chạm phải sẽ thấy rất lạnh, địa mạo địa chất đều khác xa xung quanh. Tạo hóa kỳ diệu đã đẽo gọt khối đá xanh khổng lồ nằm ở đây từ thuở khai thiện lập địa thành hình dạng một chiếc bình cổ, đáy bình chìm sâu vào lòng đất, thân bình nghiêng về hướng Bắc nhue muốn đổ, vách núi phía sau cứ chênh vênh giữa không trung như thể suốt mấy nghìn năm, ngàn lần nguy hiểm nhưng cũng vạn phần ly kỳ, tạo nên một cảnh sắc vô cùng hiếm có.
Do ngọn núi quá nghiêng, sức nặng đá núi dồn xuống, trải qua vài trận động đất, bên sườn Nam đã xuất hiện vô số vết nứt nhỏ được gió núi táp bùn đất lấp đầy, mọc lên từng dải thực vật chen chúc, những chỗ chưa bị nứt vẫn còn nguyên chất đá màu xanh sẫm. Cỏ cây xanh ngắt điểm xuyết bên trên trông như nét hoa văn trang trí trên chiếc bình cổ chỗ đậm chỗ nhạt, chằng chịt san sát.
Có chừng hơn mười khe nứt lớn rải rác trên thân núi, chưa được bùn đất lấp đầy trông như bị dao chém rùi bổ hoác ra, trong khe núi mây mù che kín, sâu không thấy đáy, hai bên vách đá lỉa chỉa kỳ tùng, nguy hiểm khôn lường.
Về địa mạo hình thế của ngọn Bình Sơn, bọn lão Trần, La Lão Oai đã quan sát ngay từ lúc đứng trên vách núi Lão Hùng Lĩnh, giữa mỗi khe nứt lớn đều được dựng cầu đá nối liền từ thời xưa. Đám người men theo đường núi leo lên, trông bé nhỏ tựa một bầy kiến bò trên chiếc bình sứ khổng lồ. Từ sơn khẩu có một con đường đá xanh rộng rãi, bám theo sườn núi mà lượn tít lên trên, xuyên qua lớp lớp vách đá và cây cối, ngoằn ngoèo uốn khúc chín mươi chín vòng liên miên trùng điệp, như một con rồng xanh uốn mình phi lên trời cao.
Lúc cả bọn bắt đầu lên núi, trời đã hơi âm u, tới được lưng chừng thì chẳng còn thấy cầu vồng vắt ngang sườn núi đâu nữa, thay vào đó là sương mây mù mịt, mưa bay lất phất. Con đường đá xanh bị hơi nước che phủ trở nên trơn tuột, mưa mù giăng khắp núi rừng cây cối, mông lung mơ hồ.
Cả bọn bị mắc mưa, trong lòng rối bời, sợ đường núi trơn trượt nguy hiểm, định tìm nơi trú tạm. Nào ngờ đúng lúc đó, mặt trời đột nhiên ló ra khỏi đụn mây, muôn ánh hào quang chiếu xuống núi rừng. Toàn bộ đá núi suối rừng tận trong những nơi thâm u chợt hiện ra trước mắt họ như có phép thần kỳ, rõ ràng đến từng lá cây ngọn cỏ. Nhưng chỉ trong giây lát, còn chưa kịp nhìn kỹ, sương mù dày đặc từ khe núi đã lại bay lên, phủ kín góc rừng vắng lặng.
Bọn lão Trần đứng ở lưng trừng núi chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ tuyệt ấy, chỉ thấy mây mưa giăng kín gần trong gang tấc, khe rãnh suối rừng hiện ra trong tích tắc, thảy đều trầm trồ ca ngợi Bình Sơn quả là nơi động phủ thần tiên ẩn sau màn khói mây biển ảo, trước kia ai mà ngờ được trong lão Hùng Lĩnh hoang vu tiêu điều lại có một nơi cảnh sắc tuyện vời đến vậy.
Trên ngọn Bình Sơn siêu nghiêng có hai đĩnh núi, một nằm ngay nơi cổ bình bằng phẳng, bề mặt có một khe nứt rất rộng; đỉnh còn lại cao hơn một chút, nằm ngay miệng bình, bên trên mọc nhiều cây cỏ lạ lung và lởm chởm đủ loại đá, vách dựng đứng, kỳ vĩ mà hiểm trở. Bọn lão Trần đứng trên cổ bình, quan sát hồi lâu mà chẳng thấy con mãng xà nào. Anh chàng người Miêu dẫn đường cả đời cũng chưa bước chân lên núi này, mấy chuyện trên Bình Sơn chỉ là nghe người ta nói lại, nên không thể biết vết nứt của mộ cổ ở đâu. Lão La thấy vậy nổi giận đùng đùng, định cho anh ta một phát đạn, may có lão Trần ngăn lại.
Lão Trần nhìn thấy trên Bình Sơn, nơi nào có đất thì cây cối um tùm, nơi nào không có đất thì lộ ra lớp đá xanh sẫm, nếu dung thuật nhìn vết bùn phân sắc cỏ của quyết “vọng” e khó mà tìm ra được địa cung và vị trí mộ cổ, vả lại Bình Sơn đất đá kiên tầng này đến tầng khác để tìm địa cung mộ đạo thì dù có huy động ngàn vạn quân cũng khó làm được.
Giờ đành phải lôi quyết “văn” ra thử xem sao. Lão Trần dẫn cả bọn tới một khe sâu trên đỉnh núi, chỉ thấy bên dưới sương trắng mù mịt, nhìn không thấy đáy. Lão bèn bảo La Lão Oai bắn mấy phát sung xuống khe núi, còn mình áp tai lên vách đá, thực hiện thủ pháp thăm dò vị trí ngôi mộ cổ trong núi.
La Lão Oai chĩa sung xuống vực, lên nòng nổ ngay một viên đạn, tiếng sung nổ vang vọng trong sơn cốc. Nhân cơ hội này, lão trần liền thi triển thuật “văn sơn biện long” nghe gió nghe sấm trong quyết “văn”. Lão sinh ra đã có năm giác quan bén nhạy hơn người, độc nhất vô nhị trong thiên hạ, lúc ấy áp tai vào vách đá, nghe tiếng súng nổ vọng lại từ đáy vực rỗng, thấy không gian bên dưới ước chừng rộng ngang một tòa thành.
Sauk hi La Lão Oai nổ liền sáu phát đạn xuống
vực sâu, lão trần đã nghe ra khái quát vài con đường dẫn vào huyệt mộ và ba tòa địa cung, đây rất có khả năng là khu đạo quán cung điện trong núi được người Nguyên chiếm làm huyệt mộ, trong đó, khu địa cung lớn nhất nằm ngay phía dưới vực sâu này.
La Lõa Oai thấy núi Bình Sơn quả nhiên có cổ mộ lớn, địa cung “rộng ngang một tòa thành” , lối vào lại nằm ngay bên dưới vách đá này, vậy thì mệ kiếp, phải có bao nhiêu là vàng bạc châu báu! Tiền tài khiến người ta lóa mắt, La Lão Oai lúc này đã có phần sốt ruột, thấy Lão Trần và mấy người còn lại đều đang dán mắt xuống vực, sẵn trong cái sọt của Côn Luân Ma Lặc vứt dưới đất có lương khô, bình nước và một cuộn dây thừng, hắn bèn nhặt lấy cuộn thừng ném xuống trước mặt anh chàng người Miêu, ép anh ta dung dây thừng tụt xuống thám thính địa cung. Hắn nói lạnh tanh: “Nói để La soái nhà mày hay coi, tại sao mộ cổ có đi mà chẳng có về, đồ man di nhà mày còn hé răng nửa chữ không thì đùng trách La soái ta chỉ biết giết mà không biết chon. “Nói xong, hắn lôi xềnh xệch anh chàng người Miêu tới bênh miệng vực, ra sức đẩy anh ta xuống dưới. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK