Phùng lão chịu tang của sư đệ đúng một trăm ngày. Ngày tiếp theo ông khởi hành, theo tâm nguyện của Trần Thì Kiến, Phùng lão tới Hóa Châu tìm hai cha con Đặng Tất.
Ngày nọ, ông dừng chân ở một quán ăn bên đường. Quán khá đông khách, trong lúc xoay đầu nhìn quanh để tìm bàn trống, ánh mắt ông chợt dừng lại ở một góc quán, nơi đó có một người đàn ông có dáng vẻ khá quen mắt. Ông quan sát bộ quần áo y mặc trên người thì đoán ra đây là một tướng quân, nhìn kỹ hơn thì giật mình nhận ra y chính là Từ Phong. Mới chỉ ba tháng ngắn ngủi, thật không ngờ Từ Phong lại thay đổi nhiều đến vậy, suýt nữa ông đã không nhận ra rồi. Bộ giáp trên người y bị nứt gãy vài chỗ, áo vải cũng rách rưới, thê thảm hết chỗ nói. Làn da vốn khá trắng trẻo thì nay lại đen sạm đi, có lẽ là do y “tắm nắng” ở Đại Việt lâu quá. Ông cảm thấy kỳ quái, nhủ thầm: "Đám lính đi theo y đâu rồi, sao y chỉ có một mình? Y đã tìm thấy giáp thần và kiếm thần hay chưa?" Vô số nghi vấn hiện lên làm ông rất tò mò. Suy nghĩ một chút, ông quyết định đi sang bàn của y lân la dò hỏi:
- Xin chào thiếu hiệp, lão có thể ngồi ở đây được không?
Từ Phong không tiện từ chối nên gật đầu:
- Được, mời ngồi.
- Cảm ơn thiếu hiệp.
Phùng Sĩ Chu ngồi xuống ghế, chăm chăm nhìn Từ Phong một hồi, ông đưa tay lên vuốt cằm, làm điệu bộ đang suy nghĩ gì đấy, bất chợt hô:
- Lão thấy thiếu hiệp rất quen, hình như đã gặp ở đâu thì phải?
Từ Phong đáp mà không ngẩng đầu lên:
- Ta chưa gặp qua ông bao giờ.
Phùng lão giả bộ lắc đầu:
- Không phải đâu, lão thấy quen lắm... ừm... A! Lão nhớ ra rồi, thiếu hiệp là Từ Phong!
Nghe ông nhắc tới tên mình, Từ Phong ngước mắt chối:
- Ông nhận nhầm người rồi, tôi không phải là Từ Phong.
Ông lão tiếp tục khẳng định:
- Không thể nhầm được! Cậu là Từ Phong, đệ tử của Địch Cối.
Y tức tối, bỏ đủa xuống, nhấc mặt ngoan cố cãi lại:
- Tôi đã nói là ông nhầm người, sao ông lỳ lợm vậy hả? Ông đừng khiến tôi phải đuổi ông già ông đi đấy!
Không hiểu vì cớ gì mà hắn không chịu nhận bản thân là Từ Phong. Phùng lão vẫn giữ nụ cười, chỉ tay vào thanh đao đặt trên bàn và nói:
- Lão tuy già nhưng chưa lẫn, tuyệt đối chẳng thể nhầm được. Thanh đao này này, lão biết cậu có được nó từ đâu. Nó thuộc về một trong thập cường võ giả Hoành Phi Kinh, hắn ta đã truyền cho cậu đao pháp và tặng luôn thanh đao này.
Y nghe mà giật mình, y không tự chủ được bật ra:
- Sao ông...
Biết mình vừa lỡ lời, y ngậm miệng lại ngay, sau đó trầm giọng xuống hỏi:
- Ông là ai?
Thấy đối phương bắt đầu sập bẫy của mình, ông cười cười đáp:
- Ta là Ất Giáp, một người bạn của sư phụ cậu, ta biết cậu là đệ tử đời thứ ba của ông bạn ta.
- Sao ông biết được lai lịch của thanh đao này?
Y nói như vậy tức là gián tiếp thừa nhận mình là Từ Phong. Chuyện Hoành Phi Kinh nhận y làm đệ tử cũng như hắn ta truyền cho y thanh đao hiếm có ai hay, chỉ có những người thân cận với y mới biết. Y đâu biết Phùng lão nhiều lần đi sứ sang nhà Minh đã thường xuyên hỏi thăm đủ thứ chuyện nên biết rất nhiều. Phùng lão trả lời:
- Sư phụ thiếu hiệp nói cho ta. Ông ta nói năm hai mươi tuổi thì Hoành Phi Kinh đã gặp cậu và giao đao lại cho cậu.
Suy nghĩ Từ Phong bắt đầu bị lung lạc, y thầm nghĩ rằng ông biết rõ cả năm nào thì có lẽ sư phụ đã nói cho ông thật, y bán tín bán nghi hỏi:
- Ta không tin, bạn bè sư phụ ta rất nhiều nhưng ta chưa thấy ông lần nào.
Phùng lão nhún nhún vai:
- Đấy, như cậu đã nói đấy, bạn bè của sư phụ cậu nhiều như vậy, không nhớ được lão là bình thường thôi. Hay thế này đi...
Rồi ông ghé đầu sát vào, nhỏ giọng thì thầm mấy câu gì đấy khiến cho sắc mặt của hắn ta biến đổi hẳn, không rõ ông đã nói gì nhưng chỉ thấy hắn ta chắp hai tay cung kính nói:
- Tiền bối đúng là bằng hữu của sư phụ vãn bối thật rồi, vừa nãy vãn bối quá đa nghi khiến cho tiền bối phải tức giận, vãn bối xin được tạ lỗi.
Phùng lão xua xua tay đáp:
- Không sao, không sao, lão biết thiếu hiệp đang thừa mệnh đi tìm hai…
- Ấy!
Mấy lời đơn giản của ông lão như sét dội vào tai hắn ta, không ngờ nhiệm vụ này ông lão cũng biết rõ, hắn vội vàng ngăn không cho Phùng lão nói thêm nữa:
- Tiền bối, nơi này tai vách mạch rừng, xin tiền bối giữ bí mật cho ạ.
Phùng lão giật mình gật gù liên hồi:
- A phải phải, lão quên mất, xin lỗi thiếu hiệp. À, nhắc tới mới nhớ, theo như lão nhớ thì có rất nhiều quân lính đi theo thiếu hiệp cơ mà, sao lão không thấy họ đâu nữa cả?
Từ Phong thở dài:
- Họ chết hết cả rồi!
Ông kinh ngạc khi nghe y trả lời:
- A! Làm sao mà chết?
Y lại thấy ông nói tiếng Trung rất lưu loát thì lại càng tin tưởng ông là người nước y và bạn của sư phụ. Y đâu biết trong triều đình nhà Trần trước đây, ngoài “thiên tài học ngoại ngữ” Trần Nhật Duật thì ông là người thứ hai tinh thông ngôn ngữ và văn hóa người Hán. Y giờ đã bị ông thuyết phục hoàn toàn, nên y cứ trả lời đúng sự thật:
- Không dám giấu tiền bối, trên đường tìm hai món thần khí, toàn quân đã bị diệt, chỉ còn mình vãn bối sống sót.
Phùng lão càng khiếp hãi, là ai gây ra việc này, cho dù có căm hận Minh triều đến mấy thì cũng không thể giết sứ giả, chiến tranh sắp nổi lên rồi. Ông nhất định phải làm cho rõ:
- Chuyện là như thế nào?
Từ Phong nhấp một ngụm rượu rồi kể lại cuộc hành trình, Phùng lão nghe qua cũng hiểu được đại khái nó như thế này.
Trong một tháng đầu tiên, Từ Phong cùng thuộc hạ xuôi về phương nam, khổ công tìm kiếm khắp nơi mà không có chút thu hoạch nào, phải xuyên qua rừng núi nhiều lần, chịu vắt hút máu, côn trùng chui vào người cắn đến mức ngứa ngáy khắp mình mẩy. Đặc biệt có thằng lính chơi ngu nghịch dại, thèm mật ong, ong gì không phá phá đúng tổ vò vẽ, cả đàn ùa ra khiến cả đám hoảng sợ phóng ngựa chạy như bị ma đuổi. Chưa hết, muỗi rừng còn thay nhau đốt làm hơn một nửa trong bọn chúng trúng sốt rét, cả Từ Phong cũng bị, thế là đám lính phải tìm cách chữa trị cho y. Cả đám chống chọi vật vã suốt hai mươi ngày trời mới thuyên giảm, nghỉ thêm hai ngày nữa y lại lên đường.
Hành trình gian khổ vẫn chưa hết, ba ngày trôi qua, chúng tới một khoảng rừng khá trống trải, sau khi trải qua đợt bạo bệnh, lại không có lương thực, đám lính đều đã mệt rã rời, ai cũng muốn xin nghỉ chân tại đây nhưng thấy tướng quân có vẻ vẫn chưa muốn dừng nên chẳng tên nào dám mở miệng. Bản thân Từ Phong cũng đâu hơn gì, chẳng qua cố gắng che dấu điều đó vì không muốn mất thể diện, đang lúc cả bọn đang cố sức đi tiếp thì một tiếng quát vang động cả núi rừng vang đến:
- Đứng lại!
Tiếng quát lớn làm bầy ngựa của lính Ngô hoảng sợ, chúng bắt đầu hí lên rồi di chuyển hỗn loạn. Ban đầu Từ Phong cho rằng đó là tiếng của một gã thuộc hạ láo toét nào đó, y quay lại định xử lý tên vô lễ kia thì chợt khựng lại. Phía trước bỗng nhiên xuất hiện một toán khoảng chừng mười lăm mười sáu người mặt mũi dữ dằn, tay cầm đao kiếm sáng choang, chúng tỏa ra chắn đường đi rất nhanh.
“Sơn tặc!” Vốn có sự tự tin vào võ công của bản thân và đám lính, Từ Phong không hề tỏ ra sợ hãi một chút nào, y liếc qua đám sơn tặc và nói với vẻ khinh thường:
- Các ngươi khôn hồn thì chạy đi, đừng để ta phải ra tay!
Một tên mặc quần áo thô sơ nghe giọng điệu tự tin khiếp người kia thì hơi hoảng sợ, vội chạy tới cạnh gã cầm đầu, nói nhỏ vào tai gã:
- Đại ca, có vẻ lần này chúng ta mai phục nhầm người rồi. Bọn chúng hình như là quân lính của triều đình. Võ công chắc không tầm thường, nghe giọng tên dẫn đầu nói thì biết. Chúng ta nên chạy thôi.
Trại vương trừng mặt quát:
- Quân triều đình thì sao? Mày đã quên là kẻ nào đã đẩy chúng ta vào bước đường này rồi hả?
- Em nhớ...
- Mày nhớ gia đình mày bị hủy hoại như thế nào không?
- Nhớ!
- Thế thì có gì phải sợ hãi? Đây chính là cơ hội để trả thù bọn quan sai chó má này.
Tên đó nghe gã chủ trại nhắc lại những ký ức đau khổ đã trải qua, hai mắt đỏ ngầu, ánh nhìn lộ ra sự phẫn nộ, hận thù, như muốn xẻ đối phương ra làm trăm mảnh, gã rít qua kẽ răng:
- Đúng, phải giết hết tất cả bọn chún, tuyệt đối không tha cho tên nào cả,
Mấy kẻ xung quanh đều bị sát khí của gã đó kích động, vung đao kiếm hò hét vang động một góc rừng. Bầy ngựa thêm một phen hoảng hốt, thanh thế của sơn tặc khiến đám lính mặt mày biến sắc, Từ Phòng hít sâu một hơi vào Đan Điền rồi hét:
- Im lặng cho ta!
Tiếng hét át hết âm thanh la ó, tru tréo. Y tiếp tục:
- Các ngươi biết ta là ai không? Ta là người của Thiên triều, dám động tới ta lá các ngươi muốn chết rồi.
- Chúng mày vốn đã giết chết bọn ông từ lâu rồi. Thiên triều chó má gì chứ.
Gã bên sơn tặc không hiểu hàm ý trong hai từ "Thiên triều" của Từ Phong, gã chỉ biết triều đình gây cho y cuộc sống khốn khổ, không kiềm chế nổi tâm trạng nên chửi đổng một câu rồi lao tới vung đao chém ngang ra, xem thân thủ, tư thế ra đòn của gã, có vẻ cũng biết chút võ vẽ. Tên chủ trại định ngăn cản nhưng đã muộn.
"Dùng đao đánh ta có khác gì múa rìu trước cửa Lỗ Ban." Từ Phong cười khẩy thầm khinh bỉ, y ngả ngửa người trên lưng ngựa tránh đi, đáng tiếc con ngựa của y đã mệt mỏi, né không kịp, bị hớt đứt đầu, gục xuống. Y thuận thế lộn ngược ra, gã kia lại lao tới, bổ đao từ trên cao. Từ Phong không thèm rút vỏ, đưa nhanh tay phải gạt đao của đối phương, kế tiếp phóng tay trái chưởng trúng vách bụng đối thủ. Gã kia hự một tiếng, lật đật lùi lại năm sáu bước, miệng hộc ngụm máu lớn. Từ Phong mau chóng áp sát, tay phải đánh thêm một chưởng đập lên giữa ngực gã kia, có tiếng răng rắc khẽ vang lên. Gã kia la thảm, thân hình bay nửa trượng, khi rớt xuống, chỉ thấy máu tràn ra từ miệng, mũi, tai. Từ Phong nói với giọng lạnh lùng:
- Hừ, chưởng đầu tiên trừng trị ngươi vì tội phỉ báng Thiên triều, còn thứ hai là vì dám chém chết con ngựa ta cưỡi.
Người kia chỉ còn một chút hơi tàn, y không đôi co với gã, y gượng sức chống tay, ngẩng đầu nhìn tên chủ trại lần cuối, thều thào:
- Đại ca xin anh báo thù cho em.
Y dứt lời thì nghẹo đầu sang bên tắt thở. Y xuất thân từ nông dân, do hoàn cảnh bức bách mà phải đi lên núi gia nhập vào đám sơn tặc. Tuy rằng được học vài chiêu thức, thực ra vẫn là người bình thường, sao có thể chịu nổi hai chưởng của Từ Phong chứ. Tên chủ trại hiểu rõ gia cảnh của y, nên cơn giận bốc lên dữ dội, hắn ta quát:
- Quan quân các ngươi hại gia đình người ta tan cửa nát nhà chưa đủ hay sao mà giờ giết chết luôn anh ta, đám Thiên Triều đúng là không bằng loài thú vật.
Gã Từ Phong gọi là Thiên Triều thì họ cũng chả thèm quan tâm, Thiên Triều hay cái gì triều thì cũng mặc xác nó, họ chỉ nghĩ làm sao để có cơm ăn, có áo mặc mà thôi nên trong mắt họ “Thiên Triều” là súc sinh. Sơn tặc ai cũng vì cuộc sống quá nghèo khổ mà tụ tập với nhau làm trộm cướp, ấy thế mà tình cảm tình nghĩa sâu đậm, chẳng khác gì anh em ruột thịt trong nhà, nay họ chứng kiến Từ Phong đánh chết một người của mình, ai cũng phẫn nộ, la ó muốn chém muốn giết.