Hồ Gươm, bờ Hàng Trống, phía gần quận Công an. Quá trưa một ngày cuối tháng 12- 1946. Trời u ám như một buổi chiều sắp có cơn giông. Gió thổi giá buốt. Lá vàng phủ dày thảm cỏ và lối đi, lả tả bay trên mặt nước hồ chau lại. Thân một cây cổ thụ dán một tờ giấy trắng, có một hàng chữ viết tay: "Thanh niên thề sống chết với Thủ đô". Lá rụng rào rào. Người thưa thớt, phần lớn là đàn ông. Thấp thoáng dưới rặng cây, còn sót lại mấy tà áo màu phụ nữ. Người nào cũng có vẻ lo âu. Họ nhìn trước nhìn sau. Tụm lại thì thầm rồi lại tản nhanh, xem đồng hồ. Dáng đi vội vã như tìm một nơi ẩn náu. Một ông già Tàu bán phá-xang, không khách, lủi thủi đi, đầu cúi, tay vòng trước ngực. Một chú bé bán báo nhảy nhót, tiếng rao lanh lảnh:
-Báo Cứu quốc ơ! Báo Sự thật ơ!
-Quân Pháp hạ tối hậu thư, tám giờ tối nay đòi giải tán tự vệ, đòi giữ quyền trị an ơ!
-Thanh niên Hà Nội sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ ơ! Đi bên cạnh chú bé bán báo là một chú bé đánh giày. Cứ mỗi lần chú bé bán báo rao xong một câu, chú bé đánh giày lại đệm:
-Híp híp hơ! Thua Đức hàng Nhật ơ! Híp híp ơ! Chú bé đánh giày người loắt choắt, mắt nhanh và láu lỉnh. Nó mặc quần đùi, áo sơ-mi người lớn, có lẽ của một anh bộ đội nào cho. Đầu nó đội mũ dạ tàng. Một tay xách hòm xi, một tay cầm súng cao su. Nó nhìn về phía nhà Ta-véc Roay-an. Cái áp phích lớn hình nước Việt Nam với hàng chữ: "The Vietnam for the Vietnamese" vẫn dựng sừng sững ở đầu phố Tràng Tiền. Trong nhà Ta-vec Roay-an, bọn sĩ quan Pháp đang ồn ào ăn uống. ở Hàng Khay, chỗ hiệu bán thuốc, một toán lính mũ đỏ đang mắc dây điện thoại dã chiến. Đứa giơ súng lục, đứa dao găm, ra hiệu cắt cổ mấy người Việt Nam đang đi bên này. Chú bé đánh giầy đang ngắm lá cờ bay trên Tháp Rùa. Trông thấy bọn mũ đỏ hăm dọa người mình, chú quắc mắt, giương súng cao su, lấy thế như bắn vào bọn Pháp ở Hàng Khay. Tiếng rao của chú bé bán báo:
-Báo Cứu quốc ơ! Chú bé đánh giầy đệm:
-Híp híp ơ! Thua Đức hàng Nhật rồi lạy Việt Nam ơ! Từ Tràng Thi, Dân đi xuống Bờ Hồ. Anh trạc ngoài hai mươi, người nở nang như một lực sĩ, mặt trái xoan, lưỡng quyền cao. Anh mặc áo lu dông tím, quần xanh nhà máy, đầu đội cát két. Đường vắng tanh, các nhà đều đóng kín cửa. Lá bàng và các lá khô khác như đầy hè và đường. Vẻ mặt anh thản nhiên, miệng chúm chúm lại như thổi sáo, nhưng mắt chăm chú nhìn từng gốc cây. Anh nhận ra một cái lỗ đục để cắm mìn ở một thân cây. Anh nhìn sang cây khác. Thấy một cây không có lỗ đục, anh đưa mắt quan sát như để nhớ vị trí của cái cây. Trong trí anh, hiện lên cái hình ảnh mà anh mong ước. Tất cả những quả mìn gôm gài vào thân cây đều nổ một loạt, tất cả những cây đều đổ gục xuống đường trong đêm tối, làm tê liệt các xe tăng và thiết giáp, và các chiến sĩ xông ra đốt cháy phừng phừng. . . Anh đã gần tới Bờ Hồ. Bọn mũ đỏ ở Hàng Khay xô sang Tràng Tiền. ở đấy có tiếng súng nổ. Gặp một số người Việt Nam hốt hoảng chạy lại. Một thằng thộp ngực một người, dúi ngã xuống. Tiếng người kêu:
-Nó phá nhà Thông tin rồi. Nó bắt một cán bộ! Xe đạp, xích lô, người đi bộ chạy tán loạn. Hai cái xe díp chồm chồm ở Tràng Tiền ra, lao vào mọi người. Xe trước chở mấy cái loa phát thanh, một lá cờ đỏ sao vàng bị xé rách, và nhiều báo chí, tranh ảnh, giấy tờ. Xe sau, hai thằng mũ đỏ giữ riệt một cán bộ thông tin. Tay anh bị trói quặt sang sau lưng, mặt đầm đìa máu. Một thằng mũ đỏ chĩa súng vào mấy người chạy bên Bờ Hồ. Tiếng thét như tiếng dưới mồ:
-Việt minh, ver. . . mi. . . ne! Hai cái xe phóng qua quận Công an Hàng Trống. Trên gác sau một lá cờ có mấy người giữ lấy một thanh niên, tức không chịu được, anh ta định xông ra cửa ném lựu đạn xuống. Một băng đạn bắn lên. Khói bốc um. Hai cái xe vút đi. Tiếng cười ngạo nghễ của bọn mũ đỏ. Một đoàn xe cam nhông chở đầy lính mũ đỏ từ trên Tràng Thi lao tới, trọng liên chĩa đằng trước. Đi đầu là một xe díp cũng mang liên thanh, băng đạn dài oằn oài như con rắn. Động cơ ầm ầm. Bụi bốc mù. Dân nép vào một cái nhà xây thụt vào trong. Mắt anh lóe sáng một cách giận dữ. Cái xe díp đuổi một cái xe đạp đang cố sức Việt Minh, đồ giòi bọ. Đạp nhanh. Cái xe đạp rụt vào bờ hè. Lá bay loạn làm rối mắt người phụ nữ ngồi trên xe. Chị lảo đảo. Xe díp đuổi tới, sắp đè lên xe đạp. Dân nhảy ra, thét:
-Nhảy lên hè! Người con gái quăng xe nhảy lên hè loông choông sắp ngã chúi. Dân chìa tay kéo nhanh người con gái vào sau một gốc cây. Anh quay lưng ra đường như để che chở. Anh kêu:
-Chết chửa! Cô Nhân! Đoàn xe vút xuống Hàng Khay. Nhân cũng kêu:
-Úi giời! Anh Dân! Nhân trạc 18, 19. Khuôn mặt trái xoan bầu bĩnh. Chị chít khăn vuông, mặc theo lối các cô gái hàng hoa ngoại thành. Tóc Nhân bơ phờ. Mặt tái không còn hột máu. Chị vừa thở, vừa gỡ tay ra khỏi bàn tay Dân, thẹn thò như sợ có ai nhìn thấy. Dân đem cái xe đạp đến đầu đường Bà Triệu, nắn lại cái bánh trước bị quặt, dáng của một người thạo máy móc. Nhân đứng nhìn anh. Nhân nói:
-Lúc nãy em vào qua chỗ anh. Anh vừa đi khỏi. Các anh ấy nói chỉ chờ đánh. ở ô Chợ Dừa, anh em tự vệ đã bàn là lần này nó đến phá ụ là đánh. Tức lắm rồi!
-Nó muốn hạ tối hậu thư thì cho nó về nước một thể. Bây giờ cô đi đâu?
-Em vội ra ngoài ấy sắp xếp lại đường dây liên lạc tiếp tế cho nội thành. Dân ngửng đầu sửng sốt:
-Ra ngoài à?
-Không. Khi đi khi về. Dân trao xe cho Nhân. Gió lạnh thổi mạnh như cơn lốc. Lá bay chung quanh hai người. Phía trên Tràng Thi lại một đoàn xe đang ầm ầm tới, làm mờ cả những hàng cây hai bên đường. Nhân dắt xe xuống đường Bà Triệu, chị lại nói với Dân:
-Áo binh sĩ mùa đông thế là chúng em lại không may kịp cho các anh. Dân nhìn Nhân phóng xe trên con đường Bà Triệu vắng ngắt chỉ có lá vàng bay. Đoàn xe Pháp hùng hổ tiến qua quận Công an, chở đầy lính Pháp đội mũ sắt, sát khí đằng đằng. Chờ cho đoàn xe đi hết, Dân biến mình trong bụi vượt sang đường. Trước cửa quận Công an, một người, vừa đi ra, tay dắt xe đạp. Anh ta đã ra từ lúc Dân trao xe cho Nhân. Anh nhận ngay ra hai người. Một nụ cười thoáng trên đôi môi vẫn mím. Mắt chớp chớp nhanh như nhớ lại một chuyện gì. Anh nép vào sau cánh cửa, chờ cho đoàn xe đi rồi bước ra. Họ gặp nhau trước cửa. Anh nắm lấy tay Dân. Bờ Hồ càng vắng. Gió vẫn thổi. Lá vẫn bay. Mặt nước hồ mờ mờ. Hai người đi nhanh về phía Quốc hội cũ. Bên bờ, những quán giải khát bỏ không, xếp chồng chất các bàn ghế, buồn vắng như chợ chiều. Họ đang dở câu chuyện. Dân có vẻ bực tức. Cái mũ cát-két nằm lọt thỏm trong bàn tay khỏe mạnh. Bàn tay bóp nghiến cái mũ. Dân nói:
-Nhưng nó đánh mình đến nơi rồi. Ba giờ chiều rồi. Năm tiếng nữa là hết hạn tối hậu thư. Cứ chịu mãi thế này à anh Kiên. Nhục lắm. Nhục lắm rồi! Cổ Dân nghẹn ngào. Kiên nói:
-Chưa có lệnh thì cứ phải cắn răng mà chịu thôi. Lúc này, chúng ta chỉ có một thái độ: sẵn sàng đợi lệnh Hồ Chủ tịch. Chúng ta là đảng viên càng phải có thái độ đúng. Không thể manh động được. Cái đó là dứt khoát. Kiên đã đứng tuổi. Người to ngang, thấp hơn Dân một đầu. Mặt chữ điền. Anh là bộ đội, nhưng anh không mặc quân phục, mà chỉ vận một bộ quần áo cũ hồi còn làm thợ sắp chữ ở một nhà in tư, mũ nồi, áo va-rơi màu nâu đã cũ, sờn vai. Chỉ có cái quần ka-ki vàng chứng tỏ anh là bộ đội. Khẩu súng lục giấu cộm bên hông. Có tiếng động cơ máy bay. Tiếng kêu, tiếng trẻ con khóc trên những chiếc xe xích lô nhớn nhác, cái ngược cái xuôi trên các ngả đường Hàng Trống, Vua Lê. Trên xe, người tản cư ngồi lút trong những bọc gói, hòm xiểng, va li, thúng mủng. Một cái xe bò chở tủ bàn, giường phản, chum vại cao ngất ngưởng. Bên một khung tranh Phúc lộc thọ treo một lồng chim bạch yến. Một nhạc sĩ khom người cõng một cái contre basạe, đi thui thủi. Người gồng gánh, người ôm con, người dắt trẻ. Một người con gái gầy guộc đỡ một bà cụ đi không được. Một cái xe ba gác đổ lăn kềnh giữa đường, đổ vỡ loảng xoảng, gạo bắn ra tung tóe. Một ông già thở không ra hơi, dáng đi xiêu vẹo, cõng một đứa cháu đội khăn tang. Đầu gối run run, ông già ngồi xệp xuống hè. Gắng mãi, gắng mãi cũng không đứng dậy được. Dân nghiến răng lại, nước mắt ứa ra. Tiếng máy bay réo ầm ầm. Hai anh em chạy đến một gốc cây. Máy bay tới. Nó bay thấp, là là ngọn cây. Lá trút xuống như mưa. Tiếng kêu khóc ở đám tản cư vang lên, thê thảm. Máy bay đã bay qua. Hai người đứng dậy đi nhanh. Kiên nói:
-Vấn đề bây giờ là đối với đại bác, xe tăng, máy bay của chúng nó, chúng ta làm thế nào mà giữ được Hà Nội.
-Không giữ được thì ở lại làm gì?
-Thế thì từ đây đến hết hạn tối hậu thư, cố làm hai việc trước mắt: Một là đồng bào nào chưa tản cư thì vận động cho ra hết trước bảy giờ tối. (Kiên nhìn đồng hồ). Hai là phân phát thêm lựu đạn cho thanh niên tự vệ tiếp tục đục tường, dự trữ thêm nước và lương thực, nhất là nước. Tình hình khác hôm Yên Ninh nhiều lắm rồi. Trong khi Kiên nói, trong trí Dân hiện lên hình ảnh mờ mờ của phố Yên Ninh. Quân Pháp cho xe đến nhổ những súc gỗ lớn chôn sâu xuống đất làm chướng ngại. Chúng xông vào một nhà, bắt một anh tự vệ, đè xuống đường. Một thằng lấy dao găm chọc tiết người thanh niên. Một thằng lấy chậu hứng máu, bắt một ông già uống. . . Mặt Dân sắt lại. Anh nhìn Kiên trừng trừng. Chú bé đánh giầy cời mấy tờ truyền đơn trên mặt hồ, quay lại nhét vào cái hòm xi đã đầy một tập truyền đơn. Súng cao su gài vào cái tay xách. Nhìn sang bên kia bờ hồ quãng tháp Bảo Thiên, chú thấy thằng bạn bán báo cũng đang lúi húi nhặt truyền đơn. Chú ngẩng đầu lên, thấy một người ăn mặc lịch sự, mũ phớt, ba-đờ-xuy thành phố, găng da. Cái cằm bạnh vênh vênh. Nước da tái mét. Người ấy cúi xuống xem một tờ truyền đơn cạnh hòm xi. Anh ta đọc: "Chính phủ này bất lực, phải rút lui đi để nhường chỗ cho một chính phủ khác." Chú bé vội nhặt tờ giấy nhét vào hòm. Chú đứng dậy quắc mắt nhìn người kia. Thắng nói:
-Ông này lạ quá !
-Truyền đơn gì thế?
-Ông đọc thế mà còn hỏi truyền đơn gì!
-Thế giữ làm gì? Công an người ta bắt.
-Tôi đem trình công an chứ.
-Ăn mặc rách rưới thế kia, người ta nghi đấy. Có rét không? Về nhà, tôi cho một cái áo ấm.
-Tôi không biết, nghi thế nào được tôi. Thắng nhìn anh ta, vẻ khó chịu và nghi ngờ. Chú bé xách hòm chạy. Chú quay lại, thấy người ấy đi sang phía bên kia bờ hồ. Chú định chạy theo. Chú vấp phải một chiếc giầy. Một thằng sĩ quan Pháp đập cái roi da vào giầy bảo chú đánh. Chú xua tay. Nó ngáng chú bé lại, đập đập cái roi da lên cái mũ dạ tàng. Thắng đành cúi xuống đánh giầy. Kiên và Dân vẫn đang nói chuyện. Kiên nói:
-Lúc nãy là cô Nhân có phải không?
-Anh trông thấy à, anh Kiên?
-Trông thấy quá đi chứ? Đơn vị cậu có hoa luôn luôn phải không?
-Đâu cũng thế cả thôi.
-Tốt lắm. Kiên mỉm cười nhìn bạn. Thấy Dân có vẻ ngượng, Kiên vỗ mạnh vào vai Dân:
-Chào: giữ Thủ đô đến cùng. Sẵn sàng tác chiến. Họ bắt tay nhau. Kiên xuống đường, nhảy lên xe đạp. Dân ngoảnh lại. Anh cau trán. Chú bé đánh giầy đang xoa bóng chiếc giầy da của tên sĩ quan đang đứng ưỡn ngực. Đánh bóng xong, chú đứng dậy, ngửa tay đòi tiền. Cái roi cặp nách, nó không nói, đi thẳng. Chú xách hòm đuổi theo. Nó quát:
-Fiche moi le camp, et mau lên! Mắt chú bé sáng rực:
-Nhưng ông phải giả tiền tôi! Cái roi da vụt vào cái mũ dạ tàng. Cái mũ văng xuống đất. Chiếc giầy bóng đạp vào bụng chú bé. Chú ôm bụng nhăn mặt. Thuận chân nó đá cái hòm. Bàn chải, hộp xi, giẻ, cái súng cao su bắn tung ra. Đường Hàng Khay, bọn mũ đỏ cười ầm ầm. Chú bé vừa ôm bụng vừa nói:
-Ông trả tiền tôi đây. ông không bắt nạt được tôi như ngày trước. . . Thằng sĩ quan làu bàu chửi. Nó sừng sộ tiến lại, định đá chú bé nữa. Chú ngửng đầu, như định đối phó lại. Dân chạy tới, vỗ mạnh vào hông như cách rút súng lục. Trông thấy Dân khỏe mạnh, lại có mấy người khác cũng ùa đến, tên sĩ quan cắp roi đi thẳng, giầy đinh rít trên đường sỏi. Chú bé tức giận, quăng cái hòm xi xuống hồ, nhìn thằng sĩ quan, mắt dữ dội:
-Ông thề không làm cái nghề này nữa! Chú định quăng luôn cái súng cao su đi. Dân giữ lại:
-Sao vất cả thế em?
-Em không muốn bắn chim nữa. Em muốn bắn chúng nó cơ. Em thề phải giết được thằng kia. Dân nhặt cái mũ dạ, đội lên đầu em:
-Súng cao su cũng giết được chúng nó chứ? Thằng sĩ quan đã nhập vào bọn mũ đỏ ở Hàng Khay. Chúng vẫn đang mắc dây điện thoại dã chiến. Trên đường, xe Pháp chạy lồng lộn, ngược xuôi, những băng đạn oằn oài như những con rắn lớn. Chú bé nhìn cái hòm lềnh bềnh trên mặt nước. Gió thổi trút lá xuống chung quanh người chú. Chú đang bực tức, mặt bỗng tươi lên. Tay chú chỉ lá cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh Tháp Rùa. Nó nói với Dân:
-Cờ mình vẫn còn.
-Chứ sao.
-Em tên là gì? Sao không tản cư?
-Em là Thắng đen. Em đã tản cư vào Hà Đông rồi. Nhưng em nhớ Hà Nội quá, em lại ra. Cút ngay, và mau lên.
Nó lại nhảy nhót bên Dân:
-Híp híp hơ! Thua Đức hàng Nhật ơ! Híp híp hơ! Cho thằng Tây đi Tây hơ! Đầu phố Hàng Đào. Gió thổi bụi mù, xoáy tít trên cái bãi rộng. Trời xám ngoét. Một cái xe điện ngoằn ngoèo trong hiu quạnh. Rặng liễu bên hồ ủ rũ. Một tiếng rao: "Phở!" ngắn cũn, càng làm cho cảnh tượng buồn tênh. Dãy quán sách đầu phố, lối ra Cầu Gỗ, bỏ trống. Dân đang đi vội, nhưng cũng dừng lại, cảm động vì cái khẩu hiệu lớn sừng sững, chạy khắp mặt tường dài của dãy quán sách: "Cảm tử", dưới là hàng chữ nhỏ hơn: "Thà chết không hàng giặc". Chữ đỏ ròng ròng như máu. Đằng sau, những mái nhà gác ép vào nhau như đứng thế thủ. Phía Cầu Đất, những nồi đen úp trên tường như đầu lâu, những bao cát dựng trước các nhà đóng kín cửa. Tất cả im lìm. Một tòa nhà đang dựng, bỏ đấy, đà dáo tua tủa. Cảm giác lạnh và rợn. Nổi lên cái khẩu hiệu dữ dội. Dân đọc cái khẩu hiệu cho Thắng đen. Anh không phải là người đọc nhanh. Chú vỗ tay, nhảy lên reo:
-Đánh nhau đi. Em chỉ thích đánh nhau. Họ đi về phía Cầu Gỗ. Dân thì vội, nhưng chú bé cứ níu lấy nói chuyện:
-Anh còn có nhà ngoài bãi, chứ em toàn ngủ đầu hè. Nhớn lên em chỉ mong được làm thợ như anh thôi.
-Đánh xong thằng Pháp, tha hồ có nhà máy cho em làm.
-Anh cho em vào tự vệ nhé!
-Thắng còn bé.
-Em nhớn rồi cơ, đây này. Chú bé ưỡn ngực, kiễng chân cho cao lên, nghênh nghênh cái đầu đội mũ dạ tàng. Dân ghì sát Thắng vào người anh như để che chở và cũng để cho nó khỏi rét. Lối vào Gia Ngư. Đầu phố, một gánh phở, lèo tèo vài người khách. Cánh cửa hé. Một cái đầu ló ra:
-Có gì không? Anh hàng phở, đầu đội mũ tàu bay nói:
-Có, nó cũng chẳng dám đánh đêm. Cứ việc đục tường đi ông ạ. Anh hàng phở lại thái bánh. Cái đầu thụt vào. Nổi lên tiếng đục tường. Dân sắp vào một cái ngõ ngổn ngang những súc gỗ. Một cái xe đạp từ Hàng Gai phóng tới. Nhân ngồi trên xe. Trông thấy Dân, Nhân kêu:
-Anh Dân đấy à? Dân không trấn tĩnh được nỗi vui sướng:
-Úi. Sao còn ở đây? Nhân đạp chậm lại. Dân hỏi:
-Đi đâu thế?
-Có công văn hỏa tốc sang các anh ấy ở bên Gia Lâm. Trong trí Dân hiện lên cảnh đầu cầu. Bộ đội và lính Pháp gác chung. Bỗng vô cớ một thằng lính Pháp chĩa súng bắn vào ngực một anh bộ đội cùng đứng gác. Dân lặng đi vì uất giận. Thấy Nhân đã đạp xe đi, anh nói:
-Cẩn thận nhé. Đi nhanh lên cho kịp về.
-Em biết rồi. Em về ngay thôi. Nhân phóng xe, quay lại nhìn Dân. Anh cũng trông theo. Thắng hỏi:
-Có phải cô ấy vẫn bán hoa không?
-Đúng đấy!
-Anh quen à?
-À, cùng công tác. Họ rẽ vào một ngõ tối. Anh cười với Thắng. Thoáng trong trí Dân hình ảnh Nhân cùng chị em gánh gạo đến cho đơn vị anh. Những gánh gạo trắng tinh. Những bó hoa lay-ơn. Nhân tươi thắm hơn các chị em. . . Nhân đạp xe qua trạm gác đầu cầu Long Biên có một Vệ quốc quân đứng. Cách mấy bước là một tên lính Pháp, đội mũ sắt có thập tự Lorraine. Nó hút thuốc lá, trang bị từ đầu đến chân. Nhân phóng xe. Một đoàn xe cam nhông Pháp đuổi theo sau. Nhân lao vào chỗ tránh. Một lũ lính mũ đỏ ngồi trên xe, lưỡi lê tuốt trần. Chúng vẫy tay gọi Nhân, cười nói thô tục. Nhân bĩu môi, không thèm nhìn chúng nó. Gió thổi lộng. Quần áo Nhân bay phần phật, cái múi khăn vuông vẹo đi. Mớ tóc cũng bay. Nhân nhìn con sông đục ngầu vắng lạnh, nhìn các bãi rau, bãi ngô ven sông chạy tít tắp lên phía Yên Phụ, nhìn lối đi dưới cầu, mập mờ qua bãi giữa. Mắt Nhân quan sát nhanh. Nhưng đôi mắt to đen đượm một chút buồn rầu lưu luyến, như khi ta đứng trước một cái gì sắp không còn nữa. Xa xa còn rõ hình núi Tam Đảo. Dưới nước một cánh buồm trong mù sương. Nhân lên xe. Cầu vắng tanh, giợn giợn. Chị cảm thấy rét. Hình ảnh Dân đầu phố Hàng Đào. Dân dặn: "Cẩn thận nhé. . ." Trong một gian phòng khá rộng. Chủ đã tản cư. Còn lại rác rưởi, giẻ rách, các hòn gạch, các mẩu gỗ để kê giường. Trên tường các đinh để mắc màn, treo tranh ảnh, v. v. . . Lỗ đục tường thỉnh thoảng có người chui ra chui vào. Trên cửa sổ còn treo một cây phong lan. Một con mèo con, chủ bỏ quên nằm bên cạnh một cái đàn xếp, kêu ngao ngao buồn rứt. Bên ngoài tiếng gió thổi ào ào. Ngọn đèn điện giữa trần nhà bật sáng. Nhưng người ta vẫn cảm thấy cái phòng lù mù. Đủ các thứ người. Người quần áo nâu như phu phen, hàng rong, người quần áo xanh như thợ thuyền, người là học sinh. Người là công chức, quần áo Tây, quần áo ta. Người thuộc các loại thợ cạo, thợ giặt, thợ may, người vào hông bồi bếp, người dáng lưu manh, quần áo đen, bàn tay thích chàm. Ta thấy cả anh hàng phở đội mũ tàu bay ở đầu phố Cầu Gỗ lúc nãy. Tay anh lăm lăm cầm con dao thái phở. Anh ta hỏi ông khách phá- xang ta đã trông thấy ở Bờ Hồ:
-Cũng vào tự vệ à?
-Không bán hàng được. Ghét cái thằng Tây lắm lớ. Loáng thoáng có cả phụ nữ. Một số thanh niên khu phố mặc quần áo tự vệ: toàn ka ki, sơ mi có cầu vai, mũ ca lô, sao vuông. Một anh dáng chỉ huy, quần áo tự vệ toàn bằng phờ-la-nen mới là. Lựu đạn, dao găm, máy ảnh, kiếm Nhật, súng lục trễ bên hông. Mặt béo ị, để ria theo lối Nhật. Đấy là Tiến, đại đội trưởng tự vệ. Trông thì oai phong, nhưng lúc này anh có vẻ lo lắng, líu lưỡi không nói được. Không khí căng thẳng. Thỉnh thoảng Tiến nhìn đồng hồ đeo tay, đồng hồ đã chỉ sáu giờ. Nhiều người cũng xem đồng hồ luôn. Tai dỏng nghe. Có người sốt ruột vì tiếng kêu thê thảm của con mèo. Người ta hồi hộp chờ đợi. Tiến cố trấn tĩnh mới nói được một câu:
-Chúng ta sẽ có bộ đội sang giúp. . . sẽ có thêm võ khí. Anh hàng phở hỏi:
-Thưa ông, có nhiều súng không? Nhưng Tiến không nói được nữa. Trong một xó trước một cái lò sưởi lớn, một học sinh ngồi trên một cái ghế dài với một nữ sinh. Anh mặc quần áo tự vệ, người dong dỏng cao, trạc 18, 19 tuổi. Thắt lưng giắt hai quả lựu đạn. Cô nữ sinh vào 17, 18. Người cô mũ mĩm, nước da ngăm ngăm đen. Cô mặc măng-tô, đầu mang khăn quàng màu, tóc thề bồng bồng sau lưng. Cô nữ sinh thì thào:
-Thôi, thế là chả được học nữa, Loan nhỉ? Người học sinh, đang mím môi mím lợi kéo cái nòng khẩu súng lục:
-Sắp đánh nhau rồi. Cũng may mà sáng ngày còn tạt qua trường một lần cuối cùng Quyên nhỉ? Trong trí hai người, hiện lên cảnh một lớp học vắng tanh. Bàn ghế ngổn ngang, đầy bụi. Quyên và Loan đứng trước một tờ báo tường rách, gió đánh phần phật. Chữ mờ. Nhưng còn rõ tên tờ báo: "Tiếng trường". Họ đứng trước cửa sổ nhìn ra sân, ký tên vào cuốn sổ của nhau, trong khi một trận gió lạnh trút lá bàng xuống. Một đàn chim sẻ bay òa lên các mái nhà quanh sân trường. Trở lại cảnh hai người ngồi trên cái ghế dài. Loan cầm súng lục. Anh có vẻ tay thạo, nhưng cái chính là anh muốn khoe tài với người bạn gái. Anh đứng dậy, đến nấp bên lò sưởi, nhấp nhổm, thập thò:
-Ví dụ nó vào đến trước cửa nhà, mình sẽ nấp như thế này mà bắn. Quyên gật gù. Trông thấy Tiến thảm hại quá, Quyên nói:
-Anh Tiến ngày thường thì rõ ra là ông Đại đội trưởng tự vệ, sao lúc này cứ như người mất hồn ấy nhỉ? Loan nói:
-Bớt diện đi thì còn đỡ buồn cười. Một cái đầu ở ngoài cửa sổ bên lò sưởi ló vào, hất hàm hỏi Loan:
-Đã có gì chưa, cậu Loan?
-Chưa. Cứ tập đi, Thu Phong ạ. Bàn tay đeo nhẫn vịn lên cái đàn xếp:
-Hay là không có gì? Thằng Pháp chúa thần là dễ co vòi. Họ nhà Tác-ta-ranh cả. Anh ta trắng trẻo. Trạc 23, 24 tuổi. Cái mũ ca-lô sao vuông làm cho anh có vẻ Tây lai hơn là tự vệ. Ngồi ở trong đám đông, bên cạnh anh hàng phở, Thắng trừng trừng nhìn Thu Phong, vẻ nghi ngờ. Thu Phong mặc quần áo Tây màu xám, gi-lê trắng, lưng giắt hai quả lựu đạn. Thu Phong nhún vai, quay ra sân, giằng lấy khẩu súng trường trong tay một người đang ngắm. Anh ta hỏi:
-Ngắm thế nào?
-Cứ ngắm từ cái khe ngắm đến cái đầu ruồi thành một đường thẳng là được. Thu Phong đưa súng lên vai, nheo mắt ngắm. Ngắm được, anh ta cười sung sướng:
-Đánh nhau được rồi. à, lúc bắn có phải nhắm mắt không?
-Nên nhắm mắt. Quyên có vẻ là người mới đến. Cái gì cũng làm cho chị bỡ ngỡ. Chị hỏi Loan:
-Có phải Thu Phong nhạc sĩ không? Cũng ở lại à?
-Mới vào tự vệ. Tưởng là tay giang hồ thế mà hăng ra dáng, võ khí là sắm lấy hết. Quyên bĩu môi, vẻ khinh khỉnh. Loan hỏi:
-Sao lại bĩu môi, Quyên? Ngoài cái đám Loan, Quyên và Thu Phong ra còn cả phòng không ai nói chuyện. Con mèo chạy đi chạy lại tìm chỗ ấm và tìm ăn. Nó kêu não nề. Người ta chờ Tiến nói một câu gì, nhưng Tiến đã mất tinh thần, mặt thộn ra, cổ tắc lại. Thắng vẫn hau háu theo dõi. Thu Phong tập ngoài sân. Chốc chốc lại có người ra ngoài, có lẽ vì mót đái. Chốc chốc người ta lại xem đồng hồ. Anh hàng phở ngáp dài. Anh bỗng nói:
-Có gì thì gì đi. Sốt cả ruột. Mọi người giật mình. Một cái hình sao Vệ quốc quân nơi lỗ đục tường. Đôi mắt láu lỉnh của Thắng lóe sáng. Chú trông thấy Dân. Anh vẫn mặc bộ quần áo như lúc nãy, chỉ khác là đội mũ ca-lô bộ đội, và đeo một khẩu súng lục. Anh bước vào, theo sau là một anh Vệ quốc quân khác bê một thúng lựu đạn. Người ta có cảm giác là tình hình nghiêm trọng lắm rồi. Nhưng người ta cũng yên trí vì sự có mặt của bộ đội. Miệng mọi người há hốc, Thu Phong ở ngoài sân trèo lên cửa sổ. Con mèo liếm bàn tay Quyên, chị kêu thét lên, giẫy nẩy người như bị kiến đốt. Loan vứt con mèo ra ngoài sân, qua đầu Thu Phong. Giọng Tiến ú ớ:
-Có gì lạ không anh? Dân nói:
-Hồ Chủ tịch đã bác cái tối hậu thư láo xược của chúng nó đi rồi. Chúng ta chuẩn bị tác chiến. Người đứng phắt dậy như bật lò xo. Người ngồi như bị dán xuống đất. Những tiếng hỏi lao xao:
-Thế nào anh?
-Thế có đánh nhau không? Những bàn tay run rẩy. Anh hàng phở ngồi im như pho tượng nhìn Dân. Những cái cổ nghẹn ngào. Loan gật gù vẻ hăng hái. Loan hỏi Dân:
-Anh đến với chúng tôi phải không? Dân nói:
-Chúng tôi được lệnh đến đây giúp các đồng chí.
-Hay lắm. Đánh đi. Vỡ tung cái nhọt bọc ra! Một nụ cười nở trên miệng rộng của Dân, anh nói:
-Nếu chiến tranh xảy ra thì chúng ta có sợ không?
-Không sợ. Đánh đi. Uất lên đến cổ rồi. Tiếng đá p lộn xộn.
Tiến thì run bắn lên. Đầu gối rung như cây bị bão, tay quờ quông như say thuốc lào. Quyên lườm Tiến, bĩu môi. Thu Phong làm ra bộ phớt tỉnh, ôm cái đàn xếp trước ngực. Thắng chạy đến với Dân, nhưng mắt vẫn không rời Thu Phong. Mọi người trừng trừng nhìn cái thúng lựu đạn. Thắng cũng nhìn, vẻ say sưa. Thấy không ai chú ý đến mình, Tiến lẻn đi. Những bàn tay run run giơ lên xin nhận lựu đạn. Những bàn tay gân guốc, những bàn tay đầy chai, những bàn tay thư sinh, những bàn tay thích chàm, những bàn tay búp măng óng chuốt. Lẫn trong những bàn tay lớn, ta thấy bàn tay nhỏ của Thắng, cố nhoi lên cho cao bằng tay người lớn. Đôi mắt nhanh như cắt của Thắng long lanh và Quyết liệt nhìn thúng lựu đạn không chớp. Chú ngước lên nhìn Dân. Gian phòng im lặng. Có một số người ngồi im không giơ tay, mặt ngơ ngác, sợ sệt. Một phụ nữ nhắm mắt lại, rùng mình. Người ta vội vã chia lựu đạn, mỗi người hai quả. Có người đã lĩnh về. Một người run run nhận, cẩn thận bọc mỗi quả vào một cái mùi-soa, bước đi rón rén. Trong một xó nhà, một người tay run lẩy bẩy trói cái mỏ vịt bằng dây gai, một người khác buộc bằng dây thép. Buộc xong, gượng nhẹ đút vào túi. Bị một người bên cạnh chạm vào, người ấy giật mình tưởng như một tai nạn lớn sắp xảy ra. Loan ngắm nhìn những viên đạn súng lục của anh trên bàn tay, lẫn lộn viên cũ viên mới. Mỗi tay một quả lựu đạn, Thắng sung sướng như bắt được của. Chú ngắm nghía những võ khí mới của chú. Tiếng gió ào ào. Văng vẳng tiếng dương cầm. Rồi lại tiếng mèo kêu thảm. Bỗng nổi lên tiếng rao buồn buồn:
-Tầm. . . qu. . . u. . . ất
-Tầm. . . qu. . . u. . . ất. . . Bên ngoài, một người tầm quất khua gậy sắt lọc cọc đi trên hè vắng. Trong phòng, Dân nói:
-Mời anh chị em trở về vị trí của mình. Giặc đến là đánh. Loan nhảy lên sung sướng:
-Về đi, Thu Phong. Có những tiếng nhao nhao hỏi:
-Ông Tiến đâu rồi? ông Tiến ơi! Trên gác cao, lố nhố những tự vệ nhìn xuống đường vắng tanh, vẻ mặt cương Quyết. Một vài nòng súng chúc xuống. Dân và Thắng đứng ở tầng dưới một nhà ở đầu phố Lê Thái Tổ, trông ra ngã tư Bờ Hồ. Tay Dân nắm cái cán của một quả bom ba càng. Dân đăm đăm nhìn ra đường. Đầu Hàng Đào. Dưới ánh sáng đèn điện, bốc khói sương sừng sững trên tường dài cái khẩu hiệu "Cảm tử
-Thà chết không hàng giặc". Lác đác những người tản cư. Người đi bộ, người đi xích lô. Vài cái xe ba gác. Tiếng giầy dép khua vang. Một người áo màu gạch kiểu thể thao, quần màu xanh chai, vai đeo hai ống ảnh nhìn trước nhìn sau, rảo cẳng chạy. Trông thấy cái khẩu hiệu, anh ta sợ quá, ngã chúi, hai tay vẫn giữ chặt lấy hai máy ảnh. Một đôi tình nhân về phố. Họ ngả vào nhau đi như tránh bão.
Thoáng trong trí Dân hình ảnh Nhân hồi chiều, cũng ở đây. Nhân phóng xe từ Gia Lâm về. Nhân vừa qua khỏi đầu cầu Gia Lâm, thì một cái xe tăng rú kinh khủng kéo lên bịt lối. Cầu không có một bóng người. Nhìn về phía Hà Nội, vẫn thấy đèn điện chạy dài bên bờ sông, lấp lánh như kim cương, ánh xuống mặt nước. Đầu cầu Hà Nội, xe thiết giáp của Pháp nhộn nhịp khác thường. Anh Vệ quốc quân đứng gác chung với tên lính Pháp đi đi lại lại. Bên này, Nhân đạp như gió. Chốc chốc lại nhìn về đằng sau. Gió thổi ào ào. Quần áo Nhân phần phật bay về phía trước. Hình như Nhân không cảm thấy gió rét. Chị thấy lo nhiều hơn. Đạp qua quãng tối thấy rờn rợn. Tới chỗ có đèn sáng lại thấy mình quá lộ. Nhân đã tới gần đầu cầu Hà Nội. Chị nhìn nhanh xuống bãi dưới cầu. Chị thở dài khe khẽ, yên trí hơn lúc nãy, vì thấy anh Vệ quốc quân còn đứng đấy, nét mặt nghiêm nghị. Anh đưa mắt ra hiệu bảo chị đi nhanh. Thằng lính Pháp sừng sộ định cản Nhân lại. Anh Vệ quốc quân bảo chị cứ đi. Thiết giáp Pháp ùn ùn dưới chân Cầu. Một cái xe tăng đỗ sẵn ở đấy, quay nòng súng vào Nhân. Nhân dắt xe, vội vã đi xuống. Trên đê vắng, một con chó lạc sủa. Thắng hỏi Dân:
-Cái này phá được xe tăng ư, hả anh Dân? Anh cho em một cái. Dân nói:
-Cái này thì em chưa dùng được. Em còn bé. Dân đứng cái thế sắp xông vào xe tăng lao bom ba càng. Anh như nhìn thấy một cái xe đi lại. Anh định xông ra, mắt sáng rực. Bỗng một tiếng nổ như long trời lở đất. Phố xá tối um. Một đoàn xe điện lao nhanh đỗ lại, những toa rập vào nhau rầm rầm trong đêm tối. Lóe lên ánh chớp đại bác, làn sáng xanh lè mặt Dân. Lóng lánh ngôi sao trên mũ ca lô. sáng xanh lè ba cái càng của quả bom. Mắt Thắng đen hau háu nhìn Dân. Tiếng súng nổ đùng đùng. Đạn đỏ vun vút trên trời. Thắng nhảy lên reo:
-Đánh nhau rồi. Đi giết chúng nó đi. Chớp nhoáng. Một xác người đầu tiên ngã xuống, xe tăng trườn tới, xích đè lên. Tiếng Thắng đen kêu to như thi với tiếng gầm của đại bác. Trong đêm tối, ta thấy Dân chạy vun vút. Một cái xe tăng gầm rú đi tới, đèn pha sáng rực. Thấp thoáng bóng Dân lom khom. Cái cán bom như thanh côn vờn cái đầu sư tử. Súng trên xe bắn phùn phụt lửa. Ba cái càng của quả bom lao vào thành xe chớp lóe. Tiếng nổ dữ dội. Những thân cây rung ầm ầm. Chỉ nghe tiếng rít của các luồng đạn, trong bóng đen dày đặc, chớp chớp ánh sáng.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK