Mục lục
[Việt Nam] Truyện ngắn Phạm Thái Quỳnh
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Năm Nguyên Phong thứ 7, Ðinh Tỵ, tháng Chạp, Hoàng đế Thái Tông tuần du xứ Ðông. Người về tới hoàng cung, cánh dơi đã chấp chới.

Tẩy trần xong, vua nghỉ ngơi một lúc rồi mới dùng ngự thiện. Nhưng khi Người vừa nâng bát cơm thì có tin cấp cáo: Ngột Lương Hợp Thai, từ Vân Nam, Trung Nguyên dẫn một cánh quân lớn đã vượt qua biên cương Ðại Việt, băng tới Thăng Long. Nhà vua buông đũa chau chau vầng trán: Mông Kha rắp tâm thôn tính triều Trần, dùng đất Ðại Việt làm bàn đạp từ phía nam đánh sang triều đình Tống Cao Tông, tạo điều kiện cho đại quân của y từ phía bắc đánh xuống Nam Tống. Triều Trần chặn được người Mông chẳng những sơn xuyên nước Nam nguyên vẹn mà còn giúp người Tống có thể đứng vững trước họa Hung Nô. Nhưng thế giặc như cuồng phong. Ngày 12 cùng tháng, Ngột Lương Hợp Thai đã tới Bình Lệ Nguyên. Quân Trần núng thế phải lui về sông Thiên Mạc lập trận chặn giặc. Nghe được tin ấy, Chiêu Thánh lo thót lòng. Dù không còn là Hoàng hậu của Thái Tông nữa nhưng có bao giờ Chiêu Thánh không để tâm đến Trần Cảnh đâu.

Sáng ngày 24, hay tin vua cùng Thái tử xuất binh đánh giặc, Chiêu Thánh bồn chồn, hy vọng. Phúc lớn cho nước Nam, trận Ðông Bộ Ðầu ấy, quân Trần đã đuổi được Ngột Lương Hợp Thai về Bắc. Ngày Hoàng tộc trở lại kinh thành, vua và Thái tử mừng khôn xiết. Chiêu Thánh đăm đăm nhìn người đã từng là chồng bà... Nhìn Thái tử Trần Hoảng tuấn tú, hiên ngang, Chiêu Thánh càng cảm nỗi tủi hờn... Nếu như khi bà đang là Hoàng hậu đầu tiên của triều Trần mà trời ban cho một hoàng nam thì ngôi vị Thái tử ấy hẳn phải thuộc về con bà... Tuy vậy, Thái tử lại là giọt máu của chị gái nên bà cũng mừng. Trớ trêu, éo le, tủi hờn, đau đớn ngày ngày âm thầm gặm nhấm lòng bà.

Xuân đến! Ðó là xuân Mậu Ngọ 1258. Nắng khải hoàn tràn ngập kinh thành làm cho xuân ấy sáng hơn, ấm hơn. Bỗng như sét nổ bên tai, Hoàng đế Thái Tông ban Công chúa Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần. Cựu hoàng hậu bàng hoàng. Trần Cảnh gả chồng cho vợ ư? Thế gian này có ai như mình không? Hoàng đế cuối cùng nhà Lý, Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần, Công chúa đầu tiên của vương triều thù nghịch bị chồng giáng ngôi nay được tái giá. Người đàn ông đầu tiên ở nước Nam là Trần Cảnh gả chồng cho vợ. Không biết đời còn xô đẩy bà tới đâu?

Chiêu Thánh đóng cửa cài then nằm vật xuống phụng sàng ôm gối khóc.

Thiên Cực Công chúa Trần Thị Dung bàng hoàng không kém. Ngày Thuận Thiên bỗng nhiên trở thành Hoàng hậu, bà đăm đăm suy tư. Chợt nhớ lại trước ngày Phật Kim bị giáng rồi trở thành Công chúa Chiêu Thánh, Trần Thủ Ðộ nói bâng quơ:

- Thật thương cho hai ái nữ của bà, cứ tưởng chỉ Phật Kim muộn mằn...

Trần Thị Dung cười:

- Thống quốc Thái sư sắp được làm ông rồi.

Trần Thủ Ðộ sửng sốt:

- Phu nhân vừa nói gì?

Trần Thị Dung hồ hởi:

- Nói gì à? Thuận Thiên có tin vui ba tháng nay rồi...

Ánh mắt của con người quyền nghiêng sông núi ấy sáng lên rồi khẽ cười:

- Mỗ chúc mừng phu nhân.

Nhớ lại câu nói bâng quơ và ánh mắt chồng khi biết Thuận Thiên có mang, bà đã vỡ lẽ. Thuận Thiên trở thành Hoàng hậu là vì cái thai. Nếu Thuận Thiên không có con trai với Trần Cảnh thì hiển nhiên Quốc Khang sẽ là "giọt máu chính thức" của đương kim Hoàng đế với Hoàng hậu Thuận Thiên. Ngôi Thái tử sẽ thuộc về Quốc Khang. Nhưng khả năng sinh nở của Thuận Thiên rất dồi dào. Cuộc tình ép buộc giữa em chồng và chị dâu đã khai hoa - Trần Hoảng ra đời. Thiên Cực mừng rỡ vì Ðông cung có chính chủ. Nhưng cũng rất lo. Liệu lớn lên, Trần Hoảng có để cho Quốc Khang sống không? Thật là phúc lớn, Trần Hoảng nhân từ không đụng đến giọt máu của Trần Liễu, dù chỉ là sợi tóc. Bà tin rằng từ ngày con gái lớn có con với Thái Tông, Chiêu Thánh được yên phận trong hẩm hiu, lạnh lẽo cho đến lúc rời trần. Nào ngờ, Thái Tông lại ban chỉ...

Hoàng hôn đã nhuốm kinh thành mà Trần Thủ Ðộ vẫn chưa về. Thiên Cực Công chúa cồn cào ruột gan. Rồi bóng kiệu cũng hiện lên ở cổng dinh, phu nhân Thái sư cố kìm nén... Ðợi cho chồng cơm nước xong, bà mới lên tiếng:

- Thiếp muốn hỏi tướng công một việc nhưng lại sợ.

Trần Thủ Ðộ cười:

- Chuyện của Chiêu Thánh chứ gì? Ngày trước, ta lo không có người nối ngôi nên mới làm cái việc chẳng đừng. Khối kẻ chửi ta khuynh loát thiên hạ. Ta không nói gì mà chỉ cười. Nếu ta khuynh loát, Trần Cảnh có còn ngồi ở ngôi cao không? Chẳng qua ta muốn triều đình vững chãi, bốn phương thái bình nên mới mắc lỗi với các con, các cháu. Còn chuyện vua ban chỉ, phu nhân cất lời là ta hiểu ý của phu nhân rồi. Năm nay Trần Cảnh đã ngoài bốn mươi. Ðộ này không phải nghĩ hộ, lo hộ vua như ngày trước nữa.

Trần Thị Dung cảm thấy như có cục bông chặn lấy cổ họng. Tuy vậy, bà vẫn cất lời:

- Sao Trần Cảnh không để cho Phật Kim được yên phận? Còn tướng công, nếu thương nó, tướng công nói một lời chắc nhà vua không ban đạo chỉ ấy.

Trần Thủ Ðộ lại cười:

- Phu nhân nghĩ cạn quá. Vua gả chồng cho vợ là việc của vua. Ta ngăn là mắc tội, mà việc gì phải ngăn. Chiêu Thánh mới ngần ấy tuổi, tái giá là phúc. Ai ngăn là thất đức.

Trần Thị Dung nhìn chồng và nghĩ: Con người sắt đá này đã nói như vậy thì việc của Chiêu Thánh đã an bài rồi. Bà suy nghĩ một lúc rồi lên kiệu tới dinh Chiêu Thánh.

Trần Thị Dung đã nói với Thái sư: - Nếu thương nó, tướng công nói với nhà vua một lời thì chắc sẽ không có đạo chỉ ấy. Nghĩa là bà không muốn Chiêu Thánh tái giá để cái danh Nữ vương nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần của con gái vẫn nguyên vẹn trong lòng bách tính. Vậy mà khi gặp con, bà không biết nên nói như thế nào. Lúc Thái sư phu nhân tới chỗ con gái, Chiêu Thánh không sùi sụt nữa, nhưng đôi mắt đầy mầu mưa đông. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, bà mới ướm lời:

- Con thấy việc vua ban chỉ cho con tái giá là phúc hay là họa?

Chiêu Thánh buồn rầu:

- Thưa mẹ, con chỉ muốn được yên phận. Vậy thì mẹ biết, việc vua ban cho con tái giá là lành hay là dữ?

Thái sư phu nhân nhìn con ái ngại:

- Mẹ biết, dù chuyện ấy đã qua hơn hai chục năm nhưng con vẫn nặng lòng với nhà vua. Tuy vậy, việc đã rồi mà con cứ vương vấn thì chỉ thêm khổ. Lúc mới nghe được tin này, mẹ nghĩ con cứ sống như vậy là hơn. Nhưng ai cũng phải già. Con cũng không còn trẻ nữa. Nếu có một nơi để chia buồn sẻ vui cũng là điều đáng mừng.

Nhìn vào cõi vô định giây lát, Chiêu Thánh cất giọng trĩu buồn:

- Giá mẹ ở vào phận con. Ðế tụt xuống Hậu, Hậu giáng xuống Công chúa. Nay con lại được vua "ban" cho một người, vậy con là cái gì?

Thiên Cực Công chúa an ủi:

- Dẫu là lá ngọc cành vàng nhưng đã là đàn bà thì thua thiệt đủ điều. Phận hoa chốn cung đình vẫn chỉ là chiếc lá... Thôi cũng đành trông cả vào giời.

- Thưa mẹ, con sẽ làm theo ý con...

Trần Thị Dung giật mình:

- Con dám kháng chỉ? Chẳng lẽ con không biết kháng chỉ là tội gì?

Với ánh mắt bất chấp hết thảy, Chiêu Thánh đáp:

- Mẹ ạ, hơn hai mươi năm qua con sống trong bẽ bàng, tủi hờn, cô quạnh. Vậy có điều gì phải sợ nữa?

Một nỗi lo dâng lên trong lòng Thái sư phu nhân. Bà đã bước sang tuổi sáu nhăm. Bao độ dông bão bà đã vượt qua. Nếu Chiêu Thánh kháng chỉ hoặc làm điều gì dại dột thì những năm tháng cuối đời của bà chỉ là nỗi ưu phiền, thê thảm. Biết Chiêu Thánh rất hiếu thảo, Trần Thị Dung bèn nhằm vào chỗ đó:

- Con ạ, mẹ không biết nói gì với con nữa. Mẹ chỉ ước ao trước khi tắt bóng không phải thở vắn than dài. Nếu con làm theo ý con, tai họa sẽ giáng xuống. Vậy thì mẹ sống làm sao được?

Những giọt nước mắt già nua, lo âu ứa ra khiến Chiêu Thánh xiết bao cảm kích. Trần Thị Dung buồn rầu, tiếp:

- Trước khi mẹ sang đây, Hoàng hậu đã đến chỗ mẹ. Thuận Thiên khóc lóc nói: - Kể từ ngày con phải ngồi vào ngôi Hoàng hậu, mỗi lần phải gặp Chiêu Thánh là con sợ. Muốn nói với Công chúa điều gì, con cũng phải đắn trước đo sau. Thực lòng, con rất thương em. Tuy vậy, việc vua ban Công chúa được tái giá, con không thể sang chỗ em được. Con mà sang chỉ càng làm cho Chiêu Thánh tủi phận. Mẹ liệu mà nói giùm con...

Lời chưa dứt, Trần Thị Dung đã giọt dài giọt ngắn. Chiêu Thánh không cầm lòng, bèn ôm lấy mẹ. Hai hàng lệ ngọc tuôn rơi.

Sau một đêm thao thức, Chiêu Thánh xin được yết bái Thái Tông. Nhà vua biết, Chiêu Thánh tới vì chuyện gì rồi. Chiêu Thánh sụp trước bệ rồng, chúc thọ vua. Thái Tông rời ngai rồng đỡ Chiêu Thánh đứng dậy:

- Trẫm ban chỉ để Lê Tần cùng Công chúa dạo cung cầm sắt. Công chúa nghĩ thế nào?

Chiêu Thánh cung kính:

- Tâu đức vua, gả chồng cho vợ, Người vui hay buồn?

Thái Tông nhói lòng:

- Công chúa nghĩ thế nào cũng được. Còn việc ta lo cho nàng, Công chúa tính sao?

- Thưa đấng chí tôn, nếu kẻ bạc phận này làm theo ý của mình thì Người phải xử theo phép nước chứ?

Ðiều này Thái Tông đã lường tính. Vậy mà khi nó diễn ra, Người không khỏi bất ngờ. Những ngày xưa êm ấm và bão dông chập chờn trong con người một thời cùng Chiêu Thánh đạo phu thê. Nhưng chỉ vì Chiêu Thánh chưa sinh hạ lần nào nên duyên trăm năm đành chia lìa hai ngả. Dù lòng quặn đau nhưng nhà vua vẫn tìm những lời chân tình an ủi:

- Chẳng lẽ Công chúa không hiểu tình ta? Vì thương nàng nên ta không thể không ban chỉ. Mỗi chữ trong đạo chỉ ấy đều thấm nước mắt ta. Chỉ khi nào cung cầm sắt của hai người dạo khúc ấm êm, lúc ấy ta mới có thể chuộc được lỗi với Công chúa. Khi Công chúa còn phải sống trong cô quạnh, ta vui sao được!

Chiêu Thánh đăm đắm nhìn nhà vua một lúc lâu rồi mới đáp:

- Giá trước khi ban chỉ, Người hỏi hạ thần một lời thì chắc chắn Người không phải khó xử và hạ thần cũng không rầu lòng.

Vầng trán nhà vua lúc co lúc giãn thể hiện bao điều đang thức dậy trong đầu. Người hỏi:

- Lê Tần không xứng chăng? Dẫu Công chúa có thể đã hiểu Lê tướng quân, ta vẫn phải nói để tỏ tường thêm: Ðêm trước ngày xuất binh đuổi giặc ở Bình Lệ Nguyên, ta gặp giấc mơ lạ. Người trong mơ bảng lảng gió mây nói với ta: "Nhà Lý giao sông núi cho ngươi, ngươi phải giữ nguyên vẹn. Một tấc đất của cha ông cũng không cho phép giặc xâm lấn, chiếm đoạt... Ngày mai, ngươi xông pha tên đạn, nguy khốn khôn xiết, nhưng sẽ có thiên tướng phò ngươi". Ta không tin vào mộng mị. Nhưng khi ta bị hãm giữa trùng trùng giặc dữ, mạng sống như trứng để đầu gậy, bất thình lình có một tướng như từ trời xuống. Tướng đó đơn thương độc mã, tả xung hữu đột, uy dũng sấm sét khiến giặc hoảng sợ dạt ra. Nhờ tướng đó, ta mới thoát chết, để rồi mươi ngày sau có được Ðông Bộ Ðầu... Công cứu giá ấy nước Nam có một, người đó quả là đệ nhất anh hùng đuổi giặc nước. Hỏi ra ta mới biết, người đó là thuộc tướng của Tả vệ tướng quân. Tính danh là Lê Tần - hậu duệ Ðại Hành Hoàng đế. Vì công cứu giá vô song ấy, ta đã ban cho Lê tướng quân vinh danh là Lê Phụ Trần. Có lẽ nào con người như thế lại không xứng với Công chúa? Nếu Công chúa kháng chỉ, thực thi quốc pháp ta sẽ trở thành kẻ bất nghĩa. Nếu ta làm ngơ, phép nước không nghiêm. Công chúa sẽ vui khi ta bất nghĩa hoặc nhu nhược chăng? Trước đây vì ván cờ lớn giang sơn, ta phải nghe theo Thống quốc Thái sư nên trở thành kẻ lỗi đạo. Nay ta ban chỉ để đáp đền sắt cầm - hồng nhan tri kỷ. Nào ngờ, ta lại trở thành kẻ bất nghĩa. Ta như thế, Công chúa mới vui chăng? Vậy mà, mọi người trong hoàng tộc đều đinh ninh, trước sau Chiêu Thánh vẫn vì Trần Cảnh, thương Trần Cảnh. Thì ra, họ đã nhầm.

Chiêu Thánh sững sờ trước những lời gan ruột của Thái Tông. Ðứng chết lặng một lúc, giai nhân đệ nhất lưỡng triều mới cất được lời.

- Phận hoa như chiếc lá thôi mà. Gió giông bốn phía, chiếc lá bay tới đâu, rơi xuống chỗ nào cũng đành cam vậy...

Thương Trần Cảnh khôn cùng, Chiêu Thánh đành nhắm mắt đưa chân. Hơn một năm kể từ ngày trở thành phu nhân Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh con trai là Lê Tông. Thái Tông bần thần ngơ ngẩn nói thầm: Giá trời thương Chiêu Thánh sớm hơn...

Hay tin Chiêu Thánh sinh con trai, Thống quốc Thái sư hỏi Thiên Cực Công chúa:

- Giờ thì phu nhân vui mừng rồi chứ? Kiệu đâu, mau đưa ta cùng phu nhân sang mừng Chiêu Thánh.

Trần Thị Dung nhất nhất nghe theo Trần Thủ Ðộ. Tới dinh Lê Phụ Trần, hai người vừa an toạ, Chiêu Thánh đã mỉa mai:

- Quan nhất triều cũng quá bộ tới thăm kẻ phận bạc này ư?

Trần Thủ Ðộ cười:

- Dù thế nào đi nữa, lão cũng phải đến mừng phu nhân chứ.

Chiêu Thánh ráo hoảnh nói:

- Ngài đã làm cho mẹ tôi và chị em tôi dở cười dở khóc, bại hoại nhân luân, bia miệng tiếng đời. Vậy mà ngài vẫn thản nhiên được chăng?

Trần Thủ Ðộ bình thản đáp:

- Ta biết nhiều kẻ dè bỉu, chửi bới ta lộng hành, khuynh loát triều chính. Nhưng ta đâu bận tâm đến tiếng bấc tiếng chì ấy. Những kẻ nào mượn tiếng vì vua mà lại đục khoét quốc khố, bòn rút của dân mong vinh thân phì gia thì những kẻ ấy mới sợ người đời đàm tiếu, chửi bới; còn những ai trước sau vì giang sơn bền vững, dân nước yên vui, không vì mình mà vì trăm họ thì có phải sợ điều gì. Riêng với phu nhân, ta có lỗi lớn. Nhưng nếu không có Ðộ, thì phu nhân đâu có trở thành Hoàng đế. Sau này, thuận theo lẽ trời phu nhân đã nhường ngôi. Việc làm ấy khiến phu nhân mãi mãi là nữ vương trong lòng dân Nam. Vì triều đình này mà Ðộ phải nhọc sức cả đời. Nặng lòng với Hoàng hậu triều trước nên Ðộ phải chăm lo cho hai Công chúa. Việc đưa người này lên, người kia xuống đâu phải theo ý thích của Ðộ. Mà có phải người dưng đâu, em xuống thì chị lên. Ngôi Hoàng hậu vẫn thuộc về họ Lý. Thiên hạ có tranh cũng không được. Bởi thế mới có chuyện "nhất gia tam hậu". Một nhà mà ba người đều là mẫu nghi thiên hạ cổ kim đã có chưa? Việc này Ðộ bày đặt, có thể coi là tội lớn. Nếu phải xử, tội này không thể bỏ qua. Trên đời, ai không phải lo thì đâu biết vui, ai chưa đắng cay biết gì bùi ngọt. Phu nhân đã tới lúc khổ tận cam lai mà vẫn trách Ðộ thì lão già này đành cam chịu vậy.

Trần Thị Dung chăm chắm nhìn con gái. Thấy ánh mắt Chiêu Thánh đã lộ ra chút ít ân hận, bà bèn nói khéo:

- Con đưa cháu cho ông ngoại bế đi.

Rồi bà quay hỏi Thái sư:

- Ông ơi, thằng bé này mai sau có khá không ông?

Trần Thủ Ðộ nói lớn:

- Hổ phụ tất sinh hổ tử. Thằng bé này rồi cũng sẽ làm cho giặc Bắc bạt vía đấy...

Hình như trên môi Chiêu Thánh thoáng một nét cười hy vọng...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK