Địa điểm di dời mộ tổ đến cũng là vấn đề cả gia tộc quan tâm, nhưng vấn đề này cũng nảy sinh không ít rắc rối.
Phía bên này, Mẫn Dật Phàm kín đáo nhìn về hướng Đường Thiên Tứ và Đường Sinh cười khổ, ý là việc nhà cũng lắm rắc rối, thật thất lễ khi bàn bạc việc này trước mặt hai người, nhưng có người không thể nhịn nổi, cũng chẳng biết làm thế nào, mong hai người thông cảm.
Đường Thiên Tứ và Đường Sinh đều mỉm cười đáp lại, ý là không có gì. Nhờ đó Mẫn Dật Phàm cũng yên tâm hơn, ông biết mấy năm vừa rồi nắm quyền lực của tập đoàn Ngọc Kinh trong tay đã kéo theo không ít sự bất mãn của anh em trong nhà. Theo gia quy thì gia nghiệp phải do con trưởng nắm giữ.
Nhưng bây giờ bởi Mẫn Dật Phàm có quan hệ sâu sắc với người của Đường gia nên ông cụ Mẫn mới để cho ông ta nắm giữ quyền điều hành gia nghiệp. Ông anh cả không hài lòng nhất, ông anh thứ hai cũng đang tranh giành quyền lực, ông em thứ tư cũng rất thèm thuồng. Cổ nhân nói gia đình hoà hợp vạn sự thịnh vượng, nhưng gia đình này lại không hoà hợp.
Mà ý của ông cụ là một năm sau khi dời mộ tổ thì xem tình hình gia đình thế nào rồi tính tiếp, nếu không được thì đành phải chia gia nghiệp. Ông cụ cho rằng tình hình gia đình như vậy là do ý trời, rất có khả năng là mộ tổ có vấn đề, mấy vị đại sư mà ông hỏi cũng đều nói như vậy, bởi khi xem xét mộ tổ thì phát hiện ra mạch ngầm đã chảy đi (1), tức là tài khí tiêu tán, nơi này đã không còn tài khí nữa, không dời đi thì nguy to.
Sự thay đổi của địa lý địa thế thì con người cũng không thể làm gì nổi, núi núi sông sông anh không thể di dời thay đổi gì, nên đành tìm một nơi đất lành khác đặt mộ tổ vậy.
Giống như tai nạn trong thiên nhiên, động đất, sóng thần, lũ lụt, lốc xoáy, sức lực của con người sao có thể chống lại được. Chỉ có thể dự đoán và phòng tránh, để đến khi tai nạn đến thì có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Tình trạng hiện tại của Mẫn gia dường như là chịu ảnh hưởng của những sự biến hoá kỳ ảo đó, nhưng ai cũng không biết là có liên quan tới mộ tổ hay không. Hỏi các vị đại sư kia thì ai cũng nói là có liên quan.
Nhưng ông anh cả nhà họ Mẫn lại không nghĩ như vậy, luận điệu của ông ta là ông cụ không biết quản lý gia đình, không tôn trọng quy tắc kế thừa gia nghiệp của tổ tiên, đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến gia đình không hoà thuận. Còn về việc mộ tổ đang tản mát tài khí thì ông ta cho rằng là do con cháu đời sau đã có những hành vi không đoan chính, mà “con cháu đời sau” như ông ta nói chính là ông cụ, cũng chính là bố ông ta.
Ông ta cũng ngấm ngầm mời một vài vị đại sư, các vị này cũng đã tán đồng với quan điểm của ông ta, do vậy ông ta càng có lý do để quyết tâm phân chia gia nghiệp của Mẫn gia. Tôi là con trưởng, nếu đã không thể làm chủ thì tốt nhất là sớm phân chia, tôi nhất định sẽ không để chú ba sai bảo.
Vấn đề là mộ tổ của Mẫn gia phải được dời đến đâu? Vấn đề này vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới tất cả con cháu của Mẫn gia, nên cũng là lôi thôi rắc rối nhất. Ông cụ Mẫn đã lên tiếng thì ông con cả cũng lập tức bày tỏ thái độ, ông ta cho rằng dời đến Tây Sơn là nơi tài khí vượng nhất.
Người con thứ hai Mẫn Dật Xuyên cũng lên tiếng theo:
- Bố, con thấy anh cả nói rất đúng, muốn dời thì phải dời đến nơi khí vượng nhất chính là Tây Sơn.
Vấn đề này cũng có rất nhiều tranh luận, các thầy phong thuỷ cũng đã nói rồi, Tây Sơn là nơi khí vượng nhất, nhưng bình thường thì không thể thuần phục nổi.
Tại sao? Giống như anh chỉ là một tên dân đen, anh không thể thuần phục nổi long khí. Không những không có phúc mà còn bị long khí làm tổn thương, số mệnh đã sắp đặt cho anh thì anh sẽ được hưởng, số mệnh đã không cho anh thì muốn cầu cũng không được, nghịch ý trời ắt gặp quả báo.
Nhưng bởi vì mọi người không hoàn toàn tin vào những điều này nên trong lòng họ đều muốn dời đến nơi khí vượng nhất.
Nhưng ông cụ lại không cho như vậy, dù sao ông cụ cũng đã trải nghiệm hơn nhiều bọn trẻ, càng mê tín thuyết phong thuỷ này.
Người con thứ tư Mẫn Dật Hiền cũng nói:
- Con cũng đồng ý với ý kiến của anh cả anh hai, nếu các thầy phong thuỷ đều cho rằng Tây Sơn khí vượng nhất thì chúng ta không có lý do gì không chọn nơi này, huống hồ Mẫn gia hiện tại cũng không phải gia đình bình thường nữa. Con thấy có khi là do Mẫn gia hiện tại đã cường thịnh, nơi mộ tổ hiện tại không còn dung nạp nổi nên mới có tình trạng như hiện tại. Đó cũng là lời nhắc nhở với chúng ta, bảo chúng ta phải nhanh chóng chuyển đi.
Nghe thấy những lời này, Đường Sinh thiếu chút nữa không kìm được tiếng cười, hắn cố gắng chịu đựng, cúi xuống nhìn khuôn mặt xinh đẹp của Ninh Hân, vẻ mặt vô cùng khổ sở. Ninh Hân lén lút sờ đùi hắn, nhìn bộ dạng của hắn là biết hắn đang muốn bật cười.
Có những người thực sự chẳng hiểu tí gì về cái này, nhưng vẫn giả bộ hiểu biết, nói năng rất hùng hồn, Ninh Hân cũng chỉ biết cười trừ với những người này.
Đường Thiên Tứ cũng không có hứng thú nghe bọn họ nói những việc này, vừa ăn vừa nói nhỏ với vợ cái gì đó. Những người phụ nữ bên bàn ăn cũng chỉ lặng lẽ ngồi ăn hoặc thỉnh thoảng mới nói nhỏ một câu, những việc lớn trong gia tộc bọn họ căn bản không thể bàn tán vào.
- Dật Phàm, ý anh thế nào?
Ông cụ Mẫn nhìn người con thứ ba, Mẫn Dật Phàm thấy thế liền nói:
- Việc này con nghe theo ý bố.
Anh có việc gì mà không nghe lời bố? Bố anh đối xử tốt với anh, vợ anh lại biết nịnh nọt bố anh. Ông con cả và ông con thứ ba liếc mắt nhìn Dật Phàm, vợ họ cũng ánh mắt đầy thù địch nhìn sang Hồng Triệu Liên, vợ của Mẫn Dật Phàm.
Đường Sinh nhìn thấy hết mọi biểu hiện của mọi người trong Mẫn gia, xem ra những mối bất hoà của Mẫn gia cũng không ít. Một lời của ông cụ Mẫn đã nói lên hết tình cảnh hiện tại, ngoài có hoạ chính là tình hình làm ăn thua lỗ của tập đoàn Ngọc Kinh trong những năm gần đây, trong có loạn chính là mối bất hoà giữa anh em trong nhà.
Ông cụ là người trọng người tài người hiền, chỉ cần có thể đưa hoạt động của tập đoàn Ngọc Kinh phát triển lên, bất kể là anh cả hay anh hai, chỉ cần có tài là được, nhưng đám con cháu lại không nghĩ như vậy, cho rằng ông cụ đã lẩn thẩn rồi, bị Mẫn Dật Phàm nịnh đến mụ cả người rồi.
Kỳ thực ông cụ trong lòng hiểu rất rõ, nếu mấy năm gần đây mà Dật Phàm không dựa vào quan hệ với Đường gia thì tập đoàn Ngọc Kinh đâu có thể phát triển nhanh đến như vậy. Nhưng mấy ông anh em kia mà phá đám thì anh cũng chẳng thể làm gì được.
Ông bác, ông chú già ngồi im không nói gì. Bọn họ cũng có cổ phần trong tập đoàn Ngọc Kinh, nhưng hiển nhiên là rất nhỏ, hôm nay đến chẳng qua cũng chỉ là đóng vai một ông cụ đức cao vọng trọng, về vấn đề phát triển của tập đoàn Ngọc Kinh bọn họ chẳng có quyền phát biểu gì, nhưng về vấn đề dời mộ thì lời phát biểu của bọn họ lại rất có trọng lượng, bởi ông cha bọn họ cũng chôn trong mộ tổ, nhất định phải dời.
Ý kiến của đám con cháu không thay đổi được đại cục, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về ông cụ Mẫn, chỉ có điều trừ Mẫn Dật Phàm ra thì ba người con khác đều muốn thuyết phục ông cụ dời mộ về Tây Sơn. Nơi khí vượng tất được hưởng lộc mà. Dời đến nơi khác thì lại không đành, ông cụ già rồi, chỉ còn mấy năm nữa là hết, nhưng mình thì vẫn còn trẻ.
- Bố, nếu không…chuyển mộ tổ về Nam Kinh vậy? Công ty con của chúng ta ở đó cũng phát triển rất tốt, 60% sản nghiệp của Ngọc Kinh hiện nay đều ở Giang Nam, sau này cũng tập trung phát triển ở Giang Nam, sau này chúng ta rất có khả năng sẽ định cư ở Nam Kinh. Bố thấy đấy, con là con trưởng trong gia đình, phải suy nghĩ về sau, mấy đời con cháu sau này chắc cũng sẽ định cư ở Giang Nam, lẽ nào sau này còn dời mộ tổ một lần nữa sao? Nếu bố không đồng ý dời về Tây Sơn thì dời về Nam Kinh vậy, đó cũng là cố đô của sáu triều đại.
Đây là đòn đánh vào tình cảm, đó cũng chính là mục đích của Mẫn Dật Sơn. Nghe ông ta nói vậy, ngay cả Mẫn Dật Phàm cũng không khỏi nhíu mày.
- Anh cả nói không sai, ở thủ đô là chọn Tây Sơn là tốt nhất, nếu không được thì xuống Nam Trường Giang, xuống vùng đất lành Nam Kinh cũng tốt.
Ông cụ họ thứ ba cũng không kìm được lên tiếng:
- Gốc của Mẫn gia ở thủ đô, tôi cho rằng gốc không thể dời, thủ đô dù sao cũng là nơi long khí vượng nhất, Nam Kinh tuy là kinh đô của sáu triều đại, nhưng vẫn còn kém thủ đô một chút.
- Bác họ ạ, nước mình rộng lớn như vậy, chỗ nào mà Mẫn gia không cắm gốc được chứ. Tập đoàn Ngọc Kinh hiện tại phát triển sản nghiệp ở Giang Nam mạnh hơn nhiều ở phía Bắc, chẳng phải là đã chỉ rõ phương hướng cho chúng ta rồi sao, sao lại không dời cơ chứ.
Mẫn Dật Xuyên phản đối.
Người con thứ tư Dật Hiền cũng nói:
- Tôi luôn đồng ý với quan điểm của anh cả, ở thủ đô thì chọn Tây Sơn, nếu không thì đi Nam Kinh, bởi vì long khí của Nam Kinh không thịnh bằng thủ đô, nhưng lại thích hợp với gia đình làm kinh doanh như Mẫn gia của chúng ta, cũng không đến nỗi long khí mạnh quá không chịu nổi.
Ông cụ trong lòng buồn bực, ông biết rằng bây giờ mà vỗ bàn quyết định cũng chẳng có tác dụng gì, nếu không thuyết phục được bọn chúng, đợi đến khi mình chết đi rồi thì chúng nó vẫn dời, đến lúc đấy làm linh tinh lại hỏng hết cả đức hạnh tổ tiên. Thế nên bây giờ phải thuyết phục được bọn chúng, nhưng ba thằng con trai của ông lại như kết thành một khối, quyết không nghe lời ông. Làm cách nào để thuyết phục được chứ?
Đúng lúc này Đường Thiên Tứ liền lên tiếng, nhưng đối tượng ông nói đến lại là Đường Sinh:
- Đường Sinh, nếu là cháu thì cháu chọn chỗ nào?
Lời nói của Đường Thiên Tứ vô cùng đột ngột, ông ta và Đường Sinh đại diện cho Đường gia, lời nói của ông như là vô tâm, nhưng kỳ thực lại khiến người khác phải vô cùng coi trọng.
Thấy chú muốn mình lên tiếng, Đường Sinh cười nói:
- Thủ đô hiện tại đã xây dựng hơn ba ngàn năm, là kinh đô cũng đã hơn 800 năm, trong 9 triệu 600 nghìn km2 của nước ta thì nơi này vẫn là vùng đất lành nhất. Nam Kinh tuy từng là kinh đô của sáu triều đại, nhưng vị trí địa lý vẫn còn thua xa Bắc Kinh, Tử Kim Sơn ở Nam Kinh cũng là một con rồng ở Hoa Hạ, nhưng gặp bao biến đổi đã không còn có thể ngăn chặn được tà khí xâm nhập, nếu không thì đã không có vụ thảm sát Nam Kinh hồi kháng Nhật rồi. Mọi người đều biết trong thảm sát Nam Kinh đã có không ít người bị chết, cho tới bây giờ thì ba trăm nghìn oan hồn tụ tập lại vẫn là một nguồn oan khí không nhỏ. Thủ đô hiện tại tuy trải qua vài lần phong ba nhưng vẫn nguyên vẹn, liên quân tám nước chỉ đốt Viên Minh Viên, sự kiện tại Lư Cầu Kiều (2) cũng chỉ bắn mấy viên pháo, đó chẳng phải do ý trời sao. Thủ đô có thế núi trùng điệp, lại có nước bao quanh, mang đầy khí thế mạnh mẽ của núi Côn Luân, tận cùng ở Tây Sơn, long khí vượng nhất. Đứng về khía cạnh phong thuỷ địa lý mà nói Nam Kinh tuy cũng là đất của long khí nhưng không thể sánh được với thủ đô, thủ đô hiện tại ba phía được núi bao bọc tạo thành một bức tường tự nhiên rộng lớn, một mặt nhìn về đồng bằng bao la, địa thế đó đã khiến thủ đô trở thành đất tụ long khí tốt nhất trong trời đất.
Những lời nói này đầu tiên đã đánh tan ảo tưởng dời mộ tổ về phía Nam của ba anh em Mẫn gia. Đường Sinh lại nói:
- Theo phong thuỷ thì đất Hoa Hạ có ba con rồng chia thành Bắc, Trung, Nam, trong đó rồng phía bắc tụ nhiều vương khí nhất, dãy núi Tần Lĩnh là xương sống của rồng khiến rồng có thế hướng về núi, đó là một điềm lành. Đông Nhạc Thái Sơn ở phía trái là tả long của thủ đô, Tây Nhạc Hoa Sơn ở phía phải là hữu hổ, phía trước có sông Hoàng Hà uốn lượn mang hình cánh của chu tước, sau có Nội Mông Âm Sơn, Đại Mã Quần Sơn, Yến Sơn hình thành bức tường che chắn, dãy Tháí Hành sơn, núi Đại Hưng An, Trường Bạch sơn đều theo hướng đông bắc – tây nam, linh khí đều dồn về thủ đô; núi non trùng điệp tạo nên một khí thế uy nghi, mạnh mẽ, càng làm nổi bật hình tượng rồng cuộn của thủ đô, hai con sông lớn làm thành hai thủy khẩu trên mặt nước, sông Áp Lục ở đầu, sông Hoàng hà ở đuôi, là nơi tụ hội của vạn núi nghìn sông, một vùng đất lành tốt nhất trong thiên hạ, tại sao còn phải dời đi chứ?
Những lời này của Đường Sinh khiến ông cụ Mẫn và Đường Thiên Tứ đều kinh hãi, bố cục lớn như vậy mà cậu cũng có thể nói ra được, rốt cuộc là cậu đã học lớp mấy rồi?
(1) Theo thuật phong thủy, thì một trong những điều kiện của một huyệt mộ tốt (nằm trong long mạch) là nước phải bao quanh mộ và không được chảy ồ ạt.
(2) Sự kiện Lư Cầu Kiều: Lư Cầu Kiều tức Cầu Lư Câu, là một cây cầu được xây bằng đá granite vào cuối thế kỷ 12, bắc qua sông Vĩnh Định, thuộc địa phận quận Phong Đài), thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Đầu phía Đông của cầu Lư Câu là tòa thành Uyển Bình cổ xây hồi thế kỷ 17.
Cầu Lư Câu được thế giới biết đến rộng rãi qua ghi chép của Marco Polo hồi thế kỷ 13 và qua sự kiện cầu Lư Câu xảy ra vào ngày mùng 7 tháng 7 năm 1937, mở đầu cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Vì sự kiện này xảy ra ngày 7 tháng 7 nên người Trung Quốc gọi là “Thất thất sự biến (七七事变).