Sáng hôm sau, Bạch Vân ngủ tới hơn ba cây sào mới dậy. Nhưng cả người mệt mỏi, uể oải vô cùng. Tối qua gã mơ tưởng về Minh Nguyệt nên bị mộng tinh mất rồi… Gã rửa mặt rồi đi tới nhà bếp lục cơm nguội ăn. Trên đường, gã thấy mọi người trong thôn xôn xao bàn tán liền thầm nghĩ: “sao không khí khẩn trương thế nhỉ, tới ngày lên trấn rồi chăng?”. Nghĩ đến đây, người gã rạo rực lên hẳn. Hắn chạy lấy vài miếng cơm nguội cầm theo, rồi liền đến chỗ A Tủn đang làm việc. Gã ngồi lên một gốc cây được chặt sẵn, chân gác chéo, tay đưa miếng cơm nguội lên miệng vừa nhai chóp chép vừa vội vàng hỏi:
“Thôn mình có chuyện gì thế?”
A Tủn nhìn trừng trừng Bạch Vân, hắn nghiến răng thầm nghĩ: “cái tên này dạy mình bấy lâu mà chẳng thấy tiến bộ gì cả, hắn còn giấu diếm tuyệt chiêu thì phải?”. A Tủn tuy ngờ nghệch nhưng cũng biết họ Bạch kia không thật tâm dạy hết tất cả cho mình. Vì khi thấy họ Bạch đỗ xúc xắc, mình kêu bao nhiêu điểm là hắn đỗ bao nhiêu điểm. A Tủn hờ hững nói:
“Bên thôn Ninh Lâm có người bị mất tích, Từ trưởng lão sáng sớm đã qua thôn mình hỏi thăm.”
Bạch Vân thấy A Tủn lạnh nhạt với mình thì ngạc nhiên. Nhưng khi nghe lời mà A Tủn nói thì cái ngạc nhiên đó bay đi đâu mất. Gã vội hỏi:
“Bị mất tích sao? Là ai thế? Ngươi có biết không?”
A Tủn hờ hững:
“Nghe đâu là con gái, xinh đẹp lắm thì phải.”
Bạch Vân lại hỏi:
“Hả? Thế tìm được chưa? Bao lâu rồi?”
A Tủn quát lên:
“Tìm được rồi thì qua thôn mình hỏi làm gì? Hâm à, nghe đâu từ hôm qua tới nay chưa thấy về, Từ trưởng lão cùng mọi người thôn Ninh Lâm đi tìm cả buổi tối mới về.”
A Tủn quát xong thì cười to, hắn thầm nghĩ: “họ Bạch này sao mà ngu ngốc hơn cả mình. Nhưng lạ là cứ nghe nhắc đến gái đẹp là mắt hắn sáng lên thế kia?”
Lắc lắc đầu, A Tủn nhăn mặt, ghé tai Bạch Vân nói nhỏ:
“Bạch tiểu ca, ngươi dạy ta nhanh nhanh lên nào, năm hôm nữa là lên trấn rồi đó”.
Cứ mỗi ba tháng thì người trong thôn sẽ lên trấn trao đổi một lần, trên trấn cái gì cũng có, hàng đổi hàng, tiền đổi hàng, thuận mua vừa bán mà thôi. A Tủn rất vạm vỡ to lớn, sức mạnh lại hơn người nên hắn là người bảo vệ trật tự trong thôn, cũng như an toàn của mọi người trên đường lên trấn đi trao đổi hàng hóa. Bạch Vân mong chờ cái ngày lên trấn, ở cái tuổi như gã, những nơi an nhàn, yên ắng thế này làm gã bứt rứt không chịu được, nếu có thể nổi tiếng ở trấn thì thật là không gì sánh bằng. Bạch Vân cười mỉm nói:
“Ngươi thích lên trấn, ta thì lại không, ta thích ở đây hơn… e hèm, ngươi yên tâm từ đây tới đó bảo đảm sẽ được, sẽ được mà.”
Bạch Vân đang nói mấy câu trêu chọc, thấy A Tủn có dấu hiệu nổi giận, liền cam đoan. Thật ra gã còn muốn lên trấn hơn cả A Tủn chỉ là muốn trêu chọc A Tủn mà thôi. Gã biết A Tủn có học cả năm cũng chẳng tiến bộ được. Vì A tủn rất chậm tiêu, người ta nói một hiểu mười, tên A Tủn này nói một thì chưa hiểu được phân nửa, tay chân lại thô kệch nữa, làm sao mà lắc xúc xắc cho được?
…
Tối về phòng Bạch Vân lại chỉ A Tủn đỗ xúc xắc, gã dạy A Tủn phải lắc cổ tay như thế nào, dùng lực ra sao, khi buông xúc xắc xuống phải thế nào, cả người phải thả lỏng không nên gò bó... thế rồi gã hỏi chi tiết về việc lên trấn. A Tủn nói cho gã biết là: ba tháng đi một lần, mỗi lần đi cử mười người theo A Tủn. Người đi sẽ luân phiên nhau. Lần người này đi, lần sau tới phiên người khác, số người có thể tăng thêm nếu số lượng cây, rau quả thu hoạch nhiều hơn, sẽ trao đổi những gì cần thiết mà trưởng thôn đã nêu ra. Hàng hóa, tiền bạc sẽ mang về cho trưởng thôn phân phát. Từ đây lên trấn mất hai ngày đường, dọc đường sẽ làm trại nghỉ chân, lên trấn chỉ được phân phát một số tiền nhỏ để chi tiêu, không quy định thời gian về, khi trao đổi hết hàng hóa thì về. Mọi người thường chỉ ở lại hai ngày, vì hàng hóa không được giá sẽ giảm giá để mau về thôn, những người trong thôn không thích vẻ náo nhiệt, ồn ào của trấn, chỉ thích mau về với nhân thân.
Nghe vậy, Bạch Vân chợt hỏi:
“Thế tiền đâu mà ngươi đánh bạc?”
A Tủn cười ranh mãnh:
“Ta mang thêm mấy thân cây nữa đổi tiền với người ta.”
Bạch Vân không hiểu hỏi lại:
“Sao ngươi không đổi rượu luôn cho rồi, đánh bạc làm gì?”
A Tủn nói vẻ sành sỏi:
“Một thân cây tốt đổi được một cân bạc (1), mà một bình rượu thì chỉ có một lượng bạc thôi, nếu đổi thì ta sẽ lỗ đó.”
Bạch Vân cười nói:
“Thì lấy mười bình rượu.”
A Tủn lắc đầu:
“Người ta không đổi đâu.”
A Tủn lắc đầu nguầy nguậy, hắn cũng không biết tại sao không đổi được. Bạch Vân thở dài, một bình rượu mà một lượng bạc? Thôn này sao lại cho tên khờ khạo này dẫn cả đoàn đi chứ.
...
Thời gian cứ thế trôi qua, hôm nay là ngày những người tới phiên mình lên trấn. Mọi người cùng tụ tập ra đầu thôn, chuẩn bị cùng nhau lên trấn. Tất cả người trong thôn Bình Công đều ra đưa tiễn, dặn dò bình an, về sớm...
Hơn mười giỏ lúa, trăm giỏ rau, hai mươi giỏ chè và hơn trăm thân cây được buộc ở ba chiếc xe phía trước từ tối hôm qua. Bạch Vân thấy khuôn mặt hớn hở của A Tủn thì cũng tươi cười. Đúng vậy gã cũng chờ ngày này lâu lắm rồi, chờ đợi đúng là một cực hình.
Trên đường đi, trò chuyện với mọi người giết thời gian. Bạch Vân lại hiểu nhiều hơn về Bình Công thôn. Nếu đi bằng ngựa thì sẽ tiết kiệm thời gian không ít, đằng này lại chỉ có hai con lừa để kéo xe chở cây, các xe còn lại đều dùng sức người cả. Tại sao không nuôi ngựa? Thứ nhất ngựa rất đắt, thứ hai không bán cho thôn. Tại sao không chăn nuôi gia súc... đem lên trấn trao đổi chẳng phải sẽ được hàng hóa nhiều hơn sao? Trong thôn Bình Công cũng có nuôi gia súc, nhưng chỉ để dùng trong thôn thôi, vì rất đông người, lại trao đổi qua lại với thôn Ninh Lâm, hai thôn như tay với chân vậy, nhưng chỉ vừa đủ ăn mà thôi, lấy gì mà mang lên trấn chứ. Điều kiện tự nhiên vùng này rất tốt, nhưng do thiếu phương pháp nên vùng này không chăn nuôi nhiều loại gia súc được. Nếu có người học cao hiểu rộng đến thôn chỉ dẫn thì nếu có đầy đủ nguyên vật liệu, thôn chẳng cần phải lên trấn trao đổi hàng hóa làm gì. Mà vấn đề quan trọng là người học cao hiểu rộng thì sao lại đến thôn chứ?
Chiều hôm đó trời mưa nhẹ, Bạch Vân lại thấy ngạc nhiên khi mọi người vẫn tiếp tục lên đường mà không có hạ trại trú mưa. Đoàn người đi ngang qua khu rừng, đến chập tối mới hạ trại. A Tủn phân phó mọi người làm việc rồi cười nói với Bạch Vân:
“Ngày mai ra khỏi khu rừng này là đến trấn rồi đó.”
Bạch Vân gật đầu. Hắn vẫn chưa nghĩ ra tại sao mọi người lại nghe lời tên ngờ nghệch này đến thế. Lát sau, mọi người đốt lửa cùng nhau dùng bữa tối. Sau đó Bạch vân bị A Tủn kéo vào trong lều chỉ dạy đỗ xúc xắc lần cuối. Vì ngày mai đã đến trấn rồi. Đối với việc này Bạch Vân cũng hiểu, cái sự nôn nóng, thấp thỏm này ai cũng trải qua cả, khi sự mong mỏi của mình sắp tới gần. Hai người loay hoay đỗ xúc xắc một hồi thì A Tủn ngó ngang ngó dọc cảnh giác. Sau đó móc trong áo ra một bình rượu nhỏ, hớp một hơi rồi đưa cho Bạch Vân. Bình rượu này có được trong lần đi lên trấn lần trước của hắn, do trong thôn không cho uống rượu nên hắn chỉ giấu trong người của mình. Bạch Vân cũng uống, rồi ân cần dặn dò A Tủn:
“Nếu muốn tới đỗ phường thì phải kêu ta theo, đừng đi đến đó một mình.”
A Tủn cười rồi gật đầu. Hắn lại uống, vẻ mặt hắn mới hạnh phúc làm sao. Ngồi tán gẫu một hồi, Bạch Vân thấy buồn tiểu liền chạy ra ngoài.
Bên ngoài trời tối đen, gã mò mẫm một hồi mới đi tiểu tiện xong.
“Thật là thoải mái.”
Gã rùng mình xong, hít vài hơi không khí trong lành ở nơi đây thì thấy vô cùng sảng khoái, vô cùng thanh khiết.
“Ui da.”
Trong đầu cũng hơi chếch choáng. Khi bước về phía lều trại, chân gã vướng phải vật gì đó làm gã vấp, nhảy cà thọt mấy bước mới đứng vững lại. Bạch Vân tò mò, quay lại chỗ khi nãy, khom xuống tìm kiếm. Trong rừng ngoài ánh lửa trại bập bùng thì chẳng còn ánh sáng nào nữa, gã mò mẫm mãi mà vẫn chưa thấy cái gì có thể làm gã vấp cả. Bực bội trong người nhưng bỏ dỡ giữa chừng không phải phong cách của gã. Hồi lâu cuối cùng cũng tìm được, gã cầm vào thì thấy to nhưng cán cây dao khoai vậy. Gã cố gắng dùng sức, kéo mạnh lên nhưng chỉ thấy lúc lắc một ít. Bạch Vân hít một hơi thật sâu rồi dùng tất cả sức lực kéo mạnh lên.
“Bịch.”
Phản lực khi kéo mạnh làm hắn bị bật ra sau, té ngồi xuống đất. Trong tay gã bây giờ là thanh kiếm gãy. Nếu đứng từ phía lều trại nhìn tới hướng của Bạch Vân thì có thể thấy một đoạn sáng. Theo gã đoán thì thanh kiếm này bị chấn gãy làm ba đoạn, trên tay gã cầm là chuôi kiếm và một ít của lưỡi kiếm, trên lưỡi kiếm có ba chữ: Trình Văn Bảo. Chuôi kiếm được làm rất gọn, cầm rất chắc tay, chữ được khắc cũng rất tinh xảo, rõ ràng là bảo kiếm. Sau khi xem xét, Bạch Vân thấy chuôi kiếm kia chẳng có lợi gì cho mình, gã quăng đi rồi quay về lều trại đánh một giấc.
Nếu có cặp mắt phía sau, gã chắc sẽ giật mình kinh ngạc. Chuôi kiếm xoay theo lực ném của Bạch Vân rồi rơi xéo xuống (không phải thẳng đứng mà hơi nghiêng), mấy cọng cỏ cao khi bị nó rớt ngang thì cũng nhẹ nhàng bị cắt đứt, góc nhọn ngay chỗ bị gãy của chuôi kiếm khi chạm đất thì cắm xuống mười phân. Đất rõ ràng rất cứng, không xốp bằng chỗ khác, tuy chuôi kiếm sắc bén nhưng không có đầu nhọn, muốn chuôi kiếm cắm sâu tận chuôi như lúc Bạch Vân phát hiện thì cho dù là hai người như A Tủn dùng hết sức cũng không làm được. Rõ ràng người chấn gãy thanh kiếm này và phóng nó cắm xuống đất hiển nhiên là một vị võ lâm cao thủ.
Chú thích:
(1) 1 cân = 10 lượng