Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, cùng gửi cho ông bạn già là Lê Hy Vĩnh
(Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín, kiêm trí Lê Hy Vĩnh lão khế)
Cố nhân chia tay trên đường Hà thành
Nghìn dặm lên xe, mắt trông như vũ
Tôi đang ốm không có rượu tiễn bạn lên đường
Trông nơi giang đình xa tít sắc cây sẫm tối
Kể từ lúc bạn cởi áo vải theo việc văn thư
Trước làm ở huyện Thạch An, sau huyện Phù Cừ
Thạch An rặt núi thì vui với núi
Phù Cừ rặt sông thì ở với sông
Ai cũng muốn yên, đó là bản tính của mọi người
Ta không nhiễu dân là mọi việc xong xuôi cả
Hai huyện công việc khác nhau, nhưng chính sự như một
Chỉ nằm mà cai trị vẫn đâu ra đấy
Ngày nay phụng mệnh đến đất này
Là "giản" hay "yếu" bạn đã biết rõ
Trước người ta cho đây là nơi vãn vật có tiếng
Nhưng nay chủ trương về thuế khóa thì lại có khác
Sông ngòi và đồng ruộng giáp liền ba tỉnh
Thợ thuyền trăm nghề ở lẫn với lính, với dân
Những nhà khoa hoạn, một nửa là dòng dõi thanh bạch
Những kẻ hào trưởng trong làng xóm, phần nhiều là người làm việc cũ
Trong thì lo bọn sai dịch mọt già, ngoài thì lo đám quan tham lại nhũng
Trên thì sợ phép lệnh nhà vua, dưới thì sợ điều tiếng
Bọn chúng ta có bác Phan làm tri huyện đã có tiếng tốt để lại
Việc ở Ứng Hòa ngày trước cũng chưa xa gì
Bạn là người thành thạo sáng suốt không phải nói nữa
Ba điều châm qui của quan trường đã được dán lên chỗ ngồi.
"Bồi đắp" hay là "bòn rút", bạn đã thấu suốt đằng nào phải
Làm "chim diều chim cắt" hay làm "chim loan chim phượng" bạn đã nắm chắc đàng nào khó hơn
Tôi nay viết bài tặng bạn, để đưa bạn lên đườn
Nhân tiện tôi muốn nói thêm điều này
Phủ đó, xưa đã có tiếng nhiều danh nhân
Tiều Ẩn và Ức Trai là hai nhân vật tuyệt vời
Tài trai sống ở đời đã không làm được việc phơi gan bẻ gãy chân song, giữ vững cương thường
Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương
Cũng không kham nổi việc mài mực ở mũi lá mộc, truyền hịch định bốn phương
Cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách
Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết
Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng có gặp hai cụ
Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi mà thôi
Ngồi nghĩ đến chuyện ấy mà dạ những bùi ngùi
Than ôi! Tôi già rồi, còn trông mong gì nữa
Bạn về đấy, xin đến thăm làng Nhị Khê và làng Cung Hoàng
Bước lên nhà thờ của hai cụ
Vì tôi mà lạy xuống hai lạy, dâng lên chén rượu.
Và cũng báo cho bạn cũ tôi là Lê Hy Vĩnh biết.
Rằng tôi còn khỏe, không chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi.
- Nguyễn Quý Liêm (dịch nghĩa) -
* * *
Mọi người phải thay vai cõng Cõi ra thuyền. Về đến Bỏi, lại lên bờ. Buông xuống, Cõi ngã bật ngửa rũ ra như con mèo ốm.
Bác Cả nói :
- Thằng này chưa lại người. Liệu cơm cháo cho nó.
Cõi nằm trong con đò giữa bụi lau. Suốt ngày, trông lên nhọn vút những ngọn lau gió lung lay, từng đàn chuồn chuồn ớt đỏ hắt, tưởng như ăn được thì cay xé miệng, cứ con đậu con bay rập rờn như những chiếc thuyền, chiếc nan quăng chài, chăng lưới trên sông ngoài kia mà ở trong bụi nhìn ra như trông qua khe vách. Thoạt mặt nước mênh mang quạnh quẽ, thế mà chẳng mấy lúc ngớt thuyền đò, bè mảng xuôi ngược. Có hôm cả lũ thuyền như chuồn chuồn cắn đuôi nhau ghé vào - dường như đều là tôi tớ, con cháu, người nhà bác Cả.
Mỗi hôm, sớm sổm, bác Cả lại đâm nan vào ghé lên mạn lau hỏi han Cõi.
- Thế nào, đã đỡ chưa?
- Đỡ rồi ạ.
- Khỏe nhanh vào. Khỏe để còn tính việc, có sức mới tính ra việc được.
Nghĩ đến hôm suất đội đem lính về làng, Cõi hỏi :
- Ở đây không sợ quân quan dưới Kẻ Chợ về bắt ạ?
Bác Cả cười ha hả :
- Ở sông nước thì đã có ông Hà Bá giữ cửa, không ai vào được. Mà đừng lo, cụ tổ chúng nó sống lại mà bảo cũng không đứa nào dám đụng đến kẻ cướp bến Bỏi.
Mỗi hôm, có người đưa cơm đến. Tối rồi, những chiếc nan len lách vào, trò chuyện, ngủ đỗ; tinh mơ lại mải miết chèo ra. Nan nhỏ, náu trong bụi lau, tránh được sóng thình lình, ngủ đẫy giấc.
Mươi ngày, Cõi đã cảm thấy chân tay bình thường nhưng trong đầu thì còn u ám như chiều phù sa mờ sương. Cái nỗi chỉ trong một lúc mà quay chong chóng, tối tăm mặt mũi. Muốn quên không thể quên, thật khủng khiếp, thật cay đắng, cái con tuyệt tự kia, Cõi vẫn không thể ngỡ ra cái mà nó lủi đi ton hót giết tươi người ta như thế. Đành rằng chẳng qua cũng tình nghĩa giời ơi, đò nát đụng nhau, nhưng sao có thể nên thù oán đến vậy. Cả cái hầu bao mấy chục quan tiền bán trâu của Trắt, nó nằng nặc đòi cầm, đã đưa cả cho. Còn thế nào nữa, nó còn hám tiền của đến đâu nữa mà đành lòng đem bán anh em tôi vào chỗ chết. Biết sâu nông thế nào được nỗi đời. Bây giờ thì con cá đã rỉa xác nó từ hôm nảo hôm nao, ấy nhưng Cõi vẫn thảng thốt. Không vì sợ, không vì thù, mà vì vẫn không thể ngờ được, nguôi được. Còn như thằng Trắt mà chẳng may sa cơ cũng vì chúng ta không tính ra cạn nhẽ. Chỉ nghĩ giận mình, chứ nó, chứ ta đã ngậm lời thề như hòn máu, có vì thầy mà phải thế nào đi chăng nữa, cũng không còn bận tâm. Nhớ hôm đồng môn đèn hương cúng vọng thầy, tự dưng chân nắm hương đen cháy bốc trong bát ra, thì bao nhiêu môn sinh hôm ấy không người nào cầm được nước mắt. Thầy đã về chứng giám cho lòng thành chúng con. Mà chúng con chưa báo đền được nghĩa thầy. Trưởng tràng đâu, những anh trưởng tràng các nơi, cầm đi mỗi người một nắm chân hương cháy dở, búng tay lên miệng: Ô hô! Ô hô! Lạy thầy, thế là thầy đã về, thầy đã về với chúng con, chúng con để tang thầy ba năm như con cái trong nhà, chúng con để tang cho đến ngày nào xóa được mối thù cho thầy, năm năm, đồng môn về giỗ thầy chúng con xem ai còn ai mất, ai đã báo đáp được ơn nghĩa thầy.
Không biết các nơi thầy đã ngồi bảo học trong vùng, ở phủ Quốc, bên Kẻ Chợ hay trên Kệ, anh em ấy thế nào. Nhưng ở đây chỉ còn một Cõi. Nghĩ thế Cõi lại tưởng như vẫn trông thấy Trắt, Cõi đứng lên. Hai đứa lại tính việc - như bác cả đã bảo, phải có sức mới ra việc được.
Hôm sau, Cõi theo mọi người đi làm. Nghề sông nước, cái thuyền là cái nhà, mỗi nhà kiếm miếng mỗi nơi, đến những ngày giỗ chạp, tết nhất, có công chuyện thì cả vạn lại thành một xóm, một làng trên mặt sóng. Đứa trẻ mới sinh khóc oe oe, người già sắp vế cõi, cả đời ở dưới thuyền. Nước cả hay mùa cạn, mỗi thuyền rải rác, nhưng vẫn như một bè. Những cái nan len lỏi như những con kiến gặp nhau thì chụm đầu hỏi han, tin tức nan nọ sang nan kia, nhắn nhe công việc cũng ngày ngày theo đấy. Bởi thế, kiếm ăn xa mấy, thuyền với người một bến vẫn như quây quần. Cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, hội hè các vạn dưới nước chẳng khác mọi phường xóm hai bên bờ. Chỉ khác làng dưới nước không có hương lý - chẳng hương lý nào đuổi theo được người tản mác trên nước, có việc quan nha thì lại biện chè lá lên nhờ các nhà chức việc làng ven sông. Dưới nước chỉ có người đầu đàn, những bác Cả, chẳng ai phong chức tước mà tự dưng thành. Như bác cả Bỏi một đời vùng vẫy, chưa bao giờ biết đến cửa quan.
Chỉ ít lâu, Cõi đã thạo việc, cả nan câu, cả thuyền lưới... Những gà gáy thả nan đi gõ mạn dồn cá rồi quăng chài. Khi trở trời, cá chắm ăn nổi thì ngồi thúng đi thả lưới lửng. Hai bên bờ những chợ mai, chợ hôm ở bến ở bãi, các làng ra mua bán, đổi chác. Con chó ngồi đầu thuyền sủa ông ổng khi qua bến chợ đông người. Và lúc tan canh, những con gà trống đứng trong bu buộc bên mạn dưới khoang lái eo óc gáy báo giờ giấc nửa đêm rồi chẳng mấy lâu đã rạng sáng. Mỗi cái thuyền, cứ biết lệ mà lên lửa, le lói thổi cơm.
Nhưng việc nhà chài của vạn bác cả làm ăn sinh sống không phải chỉ có thế. Cõi đã giỏi đường nước, Cõi lại biết nghề lên bờ đi ăn cướp. Chẳng biết vạn đi ăn cướp như thế từ đời nào, mà cả trong Kẻ Chợ cũng nức tiếng kẻ cướp bến Bỏi. Chỉ nghe mà khiếp, mà lạ, những đồn thổi. Bởi vì vạn chài bến Bỏi mỗi khi kéo quân đi, không phải vì thiếu đói như cướp trộm thường xảy ra tựa cơm bữa mọi nơi.
Đằng này khác. Chẳng mấy hôm mà không có người ra tìm thuyền bác cả Bỏi - có người đường xa hàng ngày. Người khốn khổ đến để kể nỗi oan khuất, cái nhục của kẻ lép vế, tội ác của kẻ cửa quyền. Người ta trông cậy bác Cả hỏi han, trò chuyện, bảo ban. Thông thường, tưởng như đây là những đứa dắt đất, nhưng kẻ cướp bến Bỏi không đi ăn cướp. Khách về rồi, bác cho người theo chân xem thực hư thế nào rồi mới liệu xử sự. Không phải quan nha to bé mà thực chốn công môn giữa dân gian được các nơi trông đợi đến thế.
Những đêm cánh bác cả Bỏi kéo đi cướp, Cõi đã được theo. Các tay chèo thoắt nhảy lên bờ, mặt trát nhọ nồi, xách câu liêm, quắm, dao bảy, thùng lùng, thiết lĩnh, một giỏ đựng râu cọ trộn sơn, lại cả thừng chão.
Đêm tối trời, ngước mắt ra dòng sông lóng lánh như khuya mùa hạ, vòm sao in xuống nước khống biết trời đâu đất đâu. Nhưng đêm ấy tối trời, đêm tối trời mới là đêm của những tay anh chị đã được tên là người đi ăn sương. Thế mà lại một dải hiện ra dòng sông sao sa nhìn kỹ, không phải sao trời, mà là trên mặt nước đương lấp lánh như rắc sao. Ấy là những đàn đom đóm nhấp nháy suốt hai bên bãi sông, cả vạn triệu những đốm lập lòe sáng xuống nước, ánh lên trên cánh đồng như trăng suông. Gió thổi ánh sáng đom đóm dạt đi dạt lại những vạt sáng tận dưới đồng sâu vào đến chân tre. Có khi cánh bác cả thâu đêm thung dung đi trong sáng đom đóm suốt các cánh đồng, như có đuốc soi.
Nhưng dẫu có tối như bịt mắt thì chân bước trong đêm đã quen. Cũng có khi bật hồng đỏ rực đánh tiếng ngay ngoài lũy tre rồi leo tường, cắt trổ vào tận sân nhà có của, những nhà có của và sừng sỏ thường ở giữa làng. Những con chó dữ đến mấy cũng bị ống thòng lọng siết cổ. Tuần tráng khiếp vía lẩn đi, răng đánh cầm cập như chân chạy. Có điếm canh mới nổi một hồi ngũ liên báo cướp, đến khi nghe loa gọi: "Cướp bến Bỏi, cướp bến Bỏi đây" thì ông khán thủ cũng quăng dùi trống lủi thoát thân. Có xóm nổi lên tiếng reo hò đón tướng cướp bến Bỏi. Trong khi ấy, những kẻ cướp đã lệnh đi các xóm: "Bớ bàn dân thiên hạ! Bớ bàn dân thiên hạ! Đêm nay đốt nhà chánh Ất. Các quan không đụng đến nhà ai, ở đâu ở yên đấy. Đốt nhà chánh Ất. Đốt nhà chánh Ất!" Một đêm khác, ở làng khác "Bớ bàn dân thiên hạ! Vào nhà tổng Giáp! Cho vào nhà phó Đinh, nhà hương Tý mà hôi của! Hôi của, làng nước ơi!".
Những người trong nhà lý Ất, chánh Đinh, trùm Lý được dắt ra ngồi quán giữa đồng, cứ đứng ngồi đấy trơ mắt ếch ra mà đợi sáng. Trong ánh lửa đốt nhà cháy rực, người các xóm kéo đến xúc thóc, khuân hòm xiểng vần cả cái cối đá đập lúa trong sân. Quá nửa đêm cánh cướp kéo đi, như lúc lẳng lặng đến. Mỗi người ngồi ngoài quán, bị trói tay, miệng trám một miếng sơn then. Ai cũng biết đấy là dấu hiệu cướp bến Bỏi. Biết cướp bến Bỏi, không nhà nào dám đi trình báo, mà có đi thì quan cửa nào cũng làm ngơ.
Sáng hôm sau, những thuyền gõ cá, những nan thả lưới lại tấp nập ra sông như chẳng dính đến những chuyện đêm qua ở tận làng xa nào. Chẳng một động tĩnh cái tiếng và những chuyện thần tình về kẻ cướp bến Bỏi càng âm ỉ bay xa.
Cả những chuyện cướp của cứu người ấy nữa, Cõi đã thạo. Đánh võ, vượt tường, lát phên qua chông chà, khóa trái tay, trám miệng cho câm họng... Một hôm, bác Cả gọi Cõi đến thuyền. Bấy giờ buổi trưa, không phải chiều thường ngày, các thuyền ríu lại vào đậu bụi lau cơm nước rồi qua đêm ở đấy hay vào men bãi cát, dưới hõm bờ sông lở. Có việc trọng hay giỗ chạp thì đã biết từ hôm trước, các thuyền gỗ dưới mũi tặc hai con mắt thô lố uy nghi bơi về chơi đấu quyền, đấu võ, nếu không đi đánh dẹp đâu làm cứu tinh cho thiên hạ thì các thuyền vẫn hay chè chén, chơi nhởi thế. Cõi ở vạn cũng đã lâu, như mọi người, cơ hồ bác Cả cũng nhãng đi rồi, chẳng thấy trò chuyện với - dường như bác Cả chỉ ngồi xếp bằng suốt ngày. Thế mà không ai có thể qua mắt, việc nào cũng đến tay. Bây giờ, nửa buổi, bác Cả bảo đến. Cõi phân vân, lo. Trước mặt bác Cả, Cõi phủ phục xuống.
- Ơn bác cứu sống con... Từ khi về đây, hôm nay con mới được lạy bác.
- Mày ở đây thì mày tường rồi, cái vạn bến Bỏi này mang tiếng kẻ cướp nhưng chỉ đi làm phúc cho người ta, cả cho mày, mày biết đấy. Ngồi dậy, vào uống vài chén rồi ra đi vài đường quyền chơi. Nghe nói dưới làng mày cũng có lò võ được tiếng lắm, phải không? Rồi tao mới hỏi, có chuyện bảo mày.
Cõi ngồi vào chiếu, hầu rượu bác cả, mãi đến chiều, đến tận tối. Những thuyền về luyện võ, tấp nập hò reo rộn một quãng sông. Nửa đêm, bác Cả nói câu chuyện đã rao lúc trưa. Không phải chợt nhớ lại, mà bác ấy đã nghĩ, đã định.
- Dạo này thế nào?
- Nhiều lần con đã toan thưa.
- Ở đây, theo vạn rồi lấy vợ đất Bỏi.
- Lạy bác, không phải vậy.
- Hà hà, lại còn giỏi đào tường khoét ngạch. Thế thì hôm nào cho mày xuống Kẻ Chợ, vào chơi nhà lãnh Quang một cái. Bây giờ thì mày như con thằn lằn, bò vào nhà nó lúc nào chả được.
- Bác cho con đi. Con chưa dám nghĩ đến đường vợ con nữa.
- Ừ đi thì đi. Hôm nào mát trời đã. Tao bảo mày thành người bến Bỏi, nhưng mày còn hãi cái đứa phản phúc thì thôi, bao giờ hết sợ hãy hay.
- Con biết bác có lòng thương. Nhưng anh em đồng môn chúng con đã thề trước vong linh thầy. Thằng đội Quang được sống trên cõi đời này, chúng con không thể...
Rồi Cõi giơ tay gạt nước mắt.
- Được, cứ khóc đi cho hả cơn đau, rồi ta lại chuyện.
- Ơn bác, ơn anh em, con đã khỏe mạnh như mọi khi rồi.
Bác Cả cười mỉm, vuốt râu :
- Từ nãy tao nói mọi sự để muốn nghe mày đấy thôi. Tao quý người, nhưng tao quý nhất cái người biết lo, mày biết lo. Được rồi. Tao không cản cái chí con người biết lo nghĩ. Con muốn thì con ở lại đây, rồi lấy vợ, sinh con như mọi đứa chúng nó. Tao tác thành cho. Nhưng con còn gánh nặng việc thầy con, thì con cứ đi. Hôm nào đi cũng được, ừ, để hôm nào mát trời. Có việc gì thì nhớ về bảo.
Một ngày kia, Cõi lại khăn gói vào Kẻ Chợ. Vẫn một dạ, một chí ấy. Chỉ ở nơi thanh vắng không bao lâu mà thấy quang cảnh nơi đô hội có dập dìu, có tấp nập hơn xưa. Kẻ Chợ khác trước thật. Nhìn người qua lại, không phải chỉ vì nông nhàn rỗi rãi, hay ngày ba tháng tám kém đói, người ta như con chim kiếm mồi phải tìm nơi cầu thực. Không biết từ đời nào, đất Kẻ Chợ chẳng khi nào được yên hàn. Lâu lâu lại nghe tin có giặc, chẳng biết giặc giã đâu, thế là trộm cướp nổi như ong. Người ta kéo bầu đoàn thê tử quáng quàng chạy loạn sang Bắc, xuống Đông, nương náu nhờ vả chán rồi nghe ngóng, lại mon men gồng gánh về. Mãi rồi tai lành tai điếc thế nào, lại nghe giặc đã vào đến đầu ô, nhưng cũng chẳng nhúc nhích, vì nháo nhác rạc cả người rồi. Sau, chỉ còn nhà có máu mặt mới sốt ruột của nả, lo thân. Chẳng mấy nhà chạy nữa, chợ búa lại có người rồi đông dần, trông cái chợ thì biết yên hay loạn.
Bây giờ ai cũng bảo: các vùng kẻ quê phải lo sốt vó đủ thứ, chứ ở Kẻ Chợ lại đâm ra đỡ rối ruột. Trong làng trộm cướp, người như con ngóe, lúc nào cũng bóp cổ nhau được. Thế là lại dồn ra, Kẻ Chợ càng đông hơn. Có nhiều người thì thêm công chuyện, ngành nghề, tiện kẻ mua người bán. Trước kia, ở các vùng đồi trên ngược có nghề ghép thùng, sơn thùng - cây sơn, cây cọ, tre vầu, song mây ngay quanh nhà, các thức đấy làm đấy rồi mỗi chuyến cả chục thuyền, xuôi về bán cất cho các phường. Bây giờ, một dãy bên kia hồ đã hóa ra phố Hàng Sơn, phố Hàng Thùng. Có những cô lo sơn ăn mặt, phải đi tránh không dám qua các nhà bán sơn, bán thùng ghép. Rồi lại cái bàn cuốc cái lưỡi cày, cái cuốc bướm, cái đinh bừa, thuở thường trong Bùng, trong Canh, Diễn quảy ra bán cho người xáo vườn, làm bãi. Giờ ngoài cửa Đông mới dựng san sát lều quán lò rèn, người đến chọn, đến thửa dao phay, dao bầu, đinh đỉa, đặt tên là phố Hàng sắt, phố Hàng Bừa đều như nhau. Lại còn phố Hàng Mụn, mụn vá cũng thành phố, giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ thật. Không phải phố Hàng Mụn chỉ bán mẩu vải màu làm bùa túi trẻ đeo tết giết sâu bọ tháng năm, mảnh vải vá, miếng chồi sẩn dệt đuối tay, mà cả tấm vải nâu non, cái thắt lưng hầu bao hoa cau. Các cô mua vì thay miếng vải nâu non mới cho cái áo đổi vai, trông vẫn tươm, vẫn đỏm chán. Phố xá càng bộn người lên đông vui như thế.
Cõi lại vác cái rìu, tay xách chão buộc mấy đồ nghề thợ mộc. Người làm mộc đi lẻ thế này không phải các hiệp thợ cất đình cất chùa, mà là người trong làng đi dong. Cõi đã cẩn thận ngay từ lúc ở Bỏi lên không để lộ người phường chài. Cõi vào chặp tối đến đình Hàng Hòm. Thời buổi nhiễu nhương. Người ra đốc canh, cổng phường đã buông, sắp cài chốt.
Quả là đương khi ruộng đồng cạn việc, chỗ chứa trọ, người ngồi đầy mái hiên, sang cả dưới hiên, ngoài hàng nước. Đủ thứ, có bọn chân ướt chân ráo tới, nhiều người đã có việc chủ nuôi cơm, tối ra trọ đêm. Bọn thợ ván in ngủ khuất gian trong, nằm gối trên đống gỗ ván thòng mực mua thửa tận cửa rừng, đứa cáo già nào muốn rút trộm mấy miếng làm củi đun cũng chịu. Rồi thì đám đóng cối vào đình cổ Lương không chỗ len chân, lại mò xuống đây. Người nhỡ độ đường, chẳng biết người ngủ nhờ thật hay là chú chích, hay lũ dắt cướp vờ vịt nghe ngóng, đợi cánh, có khi nửa đêm gà gáy thoắt một cái như ma biến.
Nhưng quả là chen vai thích cánh, không ai biết ai, nồng nặc hơi người hơi rượu. Ngoài hàng phố im ỉm. Chốc chốc, điếm canh bên cổng phường nổi hồi tù và làm nhịp, bốn phường bên rúc ốc, điểm trống đáp, tiếng trống, tiếng ốc đối đáp xa dần rồi tại phẳng lặng như tờ. Nhưng trong cái đình thờ vọng ở phố Hàng Hòm vẫn huyên náo như chợ vỡ.
Cõi ngồi bó gối, ru rú một xó, chẳng bắt chuyện với ông mãnh nào đương ngả ngốn, la liệt quanh đấy. Từ lúc vào cái đình này, Cõi động lòng chỉ buồn, chỉ thương. Hai mắt nhòe nước mắt, nhưng không ai trông thấy. Mới như hôm nào ra đây còn Trắt. Mà nay tan tác cả. Cõi tựa lưng vào tường, mua xỉ từng chén một, nhấp suông. Đến lúc tà tà nằm nghỉ ghếch đầu lên cái chuôi rìu. Không biết khuya sớm thế nào, ngước ra thấy ông lão hàng nước đã úp cả mấy loạt bát đàn. Ông lão ngả lưng vào cái thúng rơm quấn nồi nước. Không biết ông lão ngồi ngủ hay con rượu ngủ.
Những quán nước trên đầu chợ, ở ngã năm ngã ba ngoài đường, các đình đền thờ ở các phường thấp, ẩm ướt chỉ bằng cái am trong làng. Nhớ ngôi hàng hơn nhớ người, bởi vì chỉ là nơi ghé chân bên đường, cho nên cái câu rằng khách nhớ nhà hàng ví với các tay bán quán đủ loại ở Kẻ Chợ thì không phải. Lão ấy là ông từ, ông từ vừa quán nước vừa nhà đền lo sớm tối đèn nhang ngày sóc ngày vọng. Có khi lão là người thiên hạ - cả đất Kẻ Chợ này ai chẳng là người thiên hạ dạt đến rồi thành quê, người cưỡi cổ làm quan người ngồi dưới đất, ai đâu biết ai. Ở cổng các đình đều có người đến kê cái mâm chõng, đặt chồng bát bên cái thúng quấn rơm ủ nồi nước chè tươi. Bán nước chè tươi hay đặt thùng nước vối làm phúc cho người qua lại uống cũng là việc phúc đức. Có khi thấy nơi quang thì dọn hàng, cũng hỏi qua người trương tuần thổ công thần đất ở đấy, thì người ta cũng ừ. Bởi đêm hôm mà ra đầu phường được bát nước chè đậm cũng giải nhiệt, cũng ấm bụng. Ngày nắng chang chang, khát rã họng thế mà uống hết bát nước chè tươi nóng xanh đặc, cơn khát vã mồ hôi, tan hẳn.
Khối người nghiện chè tươi, nhưng đun nấu, vò rửa lỉnh kỉnh, người ta ngày đôi ba bữa ra quán. Đến khi Kẻ Chợ chen chân thêm nhiều ngành nghề thì các đình chùa am miếu có quán nước chè lại là nơi chứa trọ trợ thời đêm hôm. Thợ đấu, thợ ngõa, thợ sơn, cả những người lang thang vô công rồi nghề không biết tông tích thế nào. Các quán nước tiện dụng cho những người này.
Lão hàng nước người thế nào, không hơi đâu tò mò. Những ông bán quán lem nhem nhưng có điều hầu như ai cũng nghi ngờ thế nào. Cái lão mặt mũi sừng sẹo ngồi cúm rúm như con sâu đo, tay cầm gáo múc nước, mắt nhìn trộm. Lão đấy, người ra người vào, từ câu chuyện dúm rau dúm bếp, đến dáng vẻ con người, khác mắt lão thế nào được. Trông cái lão quán nước đình Hàng Hòm không thể đoán được tuổi, có lẽ vì thiên lôi đánh không chết, chẳng bao giờ lão chết nữa nên cái gì cũng biết như người trên thiên tào. Nhất định rồi, không thế này cũng thế khác, một chuyến mối lái, một câu mách nước, thì bằng công cả tháng ngồi còm cọm múc nước ấy mà. Lại còn, biết đâu, những việc quốc sự tày trời. Các quan ngồi trong thành tường cao hào sâu, có tay chân, tai mắt các cõi, thế mà đêm ngày còn lo xanh mắt. Làm sao mà quân nghĩa ở đâu cũng phao tiếng sắp kéo về lấy Kẻ Chợ. Những quán nước ông lão giả vờ khù khờ kia là trạm tin, chỗ hẹn, chỗ chắp chân, chỗ tụ quân. Nào ai dò được tổ con chuồn chuồn, những nghe ý tứ ở những quán nước lập lờ, không đầu trộm đuôi cướp thì cũng những tay trọng nghĩa khinh tài. Lão hàng nước nào cũng được lão quán nước đình Hàng Hòm, ai cũng kín bưng như cái hũ rượu nút lá chuối khô.
Sáng hôm sau, Cõi bảo lão hàng :
- Ông cho tôi mượn đôi thùng kiếm bữa. May ra có người thuê quảy nước sông, chứ vác cái rìu Thạch Sanh này thì xem ra trắng bữa mất. Ông cho tôi mượn thùng rồi tôi xuống quảy nước giếng đền bà Ngô đỡ ông.
Ông lão nhìn Cõi, nói :
- Bác có nhỡ thì tôi đỡ, cứ đem thùng đi. Nước giếng đền bà Ngô thì chỉ có tôi thuộc giờ linh gánh mới được nước ngon lộc thánh cho.
Cái rìu, bó đồ mộc Cõi gửi lại. Ông lão hàng nước nhìn Cõi, nói :
- Bác này thật vô duyên với cái tràng cái đục. Lần trước ra cũng ế sưng lên rồi.
Cõi chắp hai tay vái ông lão. Cõi cũng quên cả cái lần đầu đi với Trắt, không biết ngủ đình cổ Lương hay Hàng Hòm. Đích rằng ông lão là người của bác Cả. Nhưng Cõi không dám hỏi. Ông lão quán nước lại cử rử nói :
- Đi buôn may bán đắt nhé.
- Lạy cụ, con lạy cụ.
Rồi Cõi tong tả trên vai đôi thùng tre ghép. Nhưng Cõi không ra bến Đá như bọn quảy mướn nước sông - người các phường mua nước sông Cái về đánh phèn cho lắng cát rồi trữ vào chum vại lấy nước ăn hàng ngày. Cõi nhẩn nha đi về đằng dinh lãnh Quang.
Hàng bờ rào cây găng, cây ô rô phía ngoài cái lũy đất vẫn xanh om. Thấp thoáng, qua quãng tường lở, thấy bóng mặt hào nước. Cõi đã rợn. Mới hôm nào suýt bỏ đời trong kia. Bây giờ lại lù lù đến. Nhưng ở phía trong những khoanh tre pheo phờ phạc, như bị chặt, bị đốt từng búi. Đến lúc qua giữa lối vào, chẳng thấy cổng giả đâu. Chỉ như là lối sau làng đi ra đồng, gồ ghề lốt chân trâu xéo nát những đám cỏ giữa đường. Ở cái hào ngay trong chỗ thằng lãnh Quang núp giả người kéo vó, một đàn trâu ngâm mình dưới nước đương lốp cốp, ồn ã đánh sừng, quẫy đuôi. Trông xa, không thấy tòa ngang dãy dọc nhà ngói bát vần mọi khi. Cỏ lau mọc lô xô như bãi tha ma.
Nhà lãnh Quang đi đâu? Sao thế này? Cõi nhận ra ở đầu hào chỗ trâu đầm cạnh cổng có một túp lều con, giống như Trắt đã kể dạo trước cái nhà cô Tư chết oan đã ở chỗ ấy. Cái lều vẫn tại chỗ ấy... Nhưng Cõi đoán không phải lều hoang.
Một người đàn bà trong nhà bước ra sắp đi đâu, lúi húi chống cánh cửa liếp. Cõi nhận ra cái váy lĩnh, cái áo chồi dáng hao hao bọn vợ lãnh Quang mà Cõi nằm trong rọ bị khiêng qua sân thoáng thấy chúng nó ngấp nghé sau tường nhìn vào. Chỉ khác vẻ sao xốc xếch, tiều tụy. Chiếc váy chồi đụp bạc xơ xác xắn ngang gối, như mụ vợ thằng đò ngang ngồi bán thúng ốc, thúng hến ngoài chợ.
Người đàn bà trông thấy Cõi.
- Bác hàng dầu đấy phải không?
Cõi đặt đôi thùng không xuống. Người đàn bà lại hỏi:
- Bán dầu phỏng?
- Tôi đi gánh nước mướn thôi.
Người đàn bà chăm chú nhìn Cõi :
- Này hỏi khi không phải, bác là cái nhà hàng dầu dạo trước đã vào đây bán?
Cõi choáng người. Nhưng Cõi cũng thấy ngay người này lẫn lộn không nhận ra Cõi là thằng bị đóng gông đi sau cái cũi rồi phải nhốt rọ. Ả nhầm với Trắt đã vào bán dầu. Hay đây là cái người đã vì giúp Trắt mà chết, đây là cô Tư. Nhưng cô Tư đã trôi mất tích đêm ấy, Trắt đã mò cả quãng sông không thấy. Người hay ma? Mà Trắt lần ấy cũng đã về được, biết đâu cái cô Tư cũng về được, là người này.
Nhưng thế nào đi nữa, vừa chợt tới, đã gặp những bất ngờ có lẽ rủi ro. Cõi thấy hoảng. Vì, vào đây cứ trần trần thế này, đến nỗi người ta nhận ra như một bọn, dại quá. Nhò đầu đã chui tròng lọng. Tiền đầu bất lợi rồi.
Cõi nhớn nhác, dé chân, toan chạy.
- Hãy hượm, vào đây tôi bảo.
Xung quanh, dưới đầm, chỉ ồn ào trâu đầm, phất đuôi, đánh sừng, rõ đồng không mông quạnh ở nơi dinh cơ không còn. Mà mặt người đàn bà nhăn nhó, khẩn khoản một vẻ không hiểm ác, mưu mô thế nào. Cõi quảy thùng bước tới.
- Lại đi bán dầu há?
- Đã bảo mà, cái thùng rỗng đấy. Tôi ra bến quảy nước mướn.
- Bến nào, bến nào mà mò vào trong này?
Cõi lại hớ.
- Không, không...
Cõi còn lúng túng, người đàn bà đã cười cười :
- Lại đi giết lãnh Quang há? Khám đằng lưng thế nào cũng có con dao bầu, đích rồi.
Không thể tưởng câu nói ghê gớm đến vậy, nhưng ả vừa nói vừa kéo gấu váy xuống, lại cười. Cõi lấm lét nhìn vào xó nhà, cửa sau.
- Sợ hả?
Rồi ả lại hỏi như thật mà lại như đùa. Mỗi câu, Cõi cứ giật nảy người.
- Này, chúng nó đã đem trôi sông, đã đem chôn đăng ấy mấy lần rồi, thế mà vẫn sống nhăn răng ra thế này, người hay ma đấy?
- Không, không...
- Không với có gì! Chỉ một điều...
Thật ả nọ đã nhớ, đã nhớ nhầm mà lại đinh ninh đúng. Chẳng lẽ Cõi lại cãi. Cõi đâm lo lo. Nhưng dường như ả có vẻ mau miệng, Cõi toan hỏi, mà chưa lựa được lời. Người đàn bà này cũng không như người ta, con mắt quắc như điên điên... Cõi vẫn ngồi, tay mân mê cái đòn gánh. Ả vắt vẻo ở bậu cửa rồi hỏi: "Định đánh người ta đấy à? Đợi đấy. Cho một đòn sặc gạch bây giờ!" Mặt ả, màu ăn trầu đỏ dần lên. Ả đưa ngón tay cái chùi hai mép quết trầu, rồi nói :
- Lãnh Quang hãi chết lại cút về Sơn Tây ngay dạo ấy. Chưa biết à?
Không giữ được bình tĩnh, Cõi hỏi :
- Vậy a?
- Cái hôm nó suýt chết toi ấy. Phúc nhà nó còn bằng cái đình. Nó xin đổi về Sơn Tây. Lại lên Sơn rồi, không biết a?
Giọng nói, vẻ chuyện đã khiến Cõi được tự nhiên :
- Nhà chị được ở lại trông nom trang trại? Tôi hỏi hơi tò mò, chị bỏ lỗi cho.
- Trông nom cái con tườu. Nhưng mà anh có phải cái người bán dầu dạo trước?
- Chị là cô Tư á?
- Tôi không phải chị Tư, là em Tư, là nhà nó ơi, nhà anh ạ. Tôi là bà Mười. Lãnh Quang đương ngủ với tôi, em Tư dẫn anh vào chọc tiết nó. Nó bảo vì nằm với tôi mà tý nữa nó ra con ma không đầu. Vận tôi là vận ăn mày, ông thầy số bảo thế. Nó đuổi tôi đi.
Rồi ả cười khanh khách, nói một thôi, như lên cơn dại :
- Tôi không phải cô Tư, tôi là bà Mười. Đúng anh là con ma thằng bán dầu về báo oán. ừ, ma, tôi ở với ma cũng được. Anh ma cứ ở đây với tôi rồi hôm nào tôi đưa anh lên Sơn, ân oán phải rõ ràng chứ nhỉ. Cất cái thùng, cái đòn gánh đi. Hà hà! Anh ma bán dầu, anh ở đây với em. Thích quá.
Cõi hãi ả sắp phát rồ. Cõi nhẹ nhàng :
- Nói khẽ chứ!
Nhưng ả quát tướng lên :
- Ở đây chỉ có con trâu nghe thôi, nói với con trâu thì phải nói to.
- Thế thì tôi về đây.
- Ấy, đừng, đừng. Em nói nhỏ vậy.
Im lặng một lát. Hình như mọi hoảng loạn ở hai người cùng dịu đi. Cõi hỏi :
- Chị trông nom vườn trại à?
- Cái anh này rõ ngu. Ngu thế mà ở với tôi thì phải ăn chửi, ăn đòn đánh suốt ngày thôi. Trông cái chỗ trâu đầm, chó ỉa này mà bảo là trang trại. Bầu đoàn nhà lãnh Quang vừa cuốn gói buổi sáng thì một lúc sau, người các nơi xông vào phá, khuân đi tiệt, con chó đá canh cửa người ta cũng đào mất, không còn cái giống gì. Chẳng qua cái số tôi, giời đày chẳng đứa nào khiêng, nhưng mà, bây giờ gặp anh...
- Nó đuổi nhà chị sao?
- Nó chê cái mả mẹ nó ọp ẹp, hãm tài, nó vứt đi.
- Như cô Tư ngày trước?
- Con Tư, con Năm, con Bảy, con... ối không đếm được. Ngày ây, con Tư ghen tức thèm giết tôi, bây giờ tôi là cái kiếp con Tư đây. Tôi đã toan ra sông Cái trầm mình, nhưng tôi phải bóp chết con dê già ấy tôi mới nhắm mắt được.
- Chị một mình ở đây?
- Lại còn mấy mình nữa. À thêm đằng ấy, thế là hai mình.
Rồi ả nói :
- Chưa dám vào nhà à? Còn sợ cơn chết hụt thì ngồi xuống bậu cửa này - Ả nhích người sang một bên - Em kể cho mà nghe. Em bây giờ cũng như các ông anh, bao giờ em cắt được cái sỏ thằng giời tru đất diệt ấy thì em mới khỏi bệnh dở người.
Ả hỏi Cõi :
- Thế nhà bác bao giờ lên Sơn?
- Lên Sơn Tây quảy nước a?
- Ô hay! Đi cứa cổ cái thằng cướp ngày ấy, không phải đi quảy nước, đi chơi. Chơi thì ở đây mà chơi chứ đi đâu. Nhưng trông hai con mắt ông anh thế kia thì vẫn vậy đấy.
Cõi rùng mình. Câu nói không điên dại chút nào.
Ả lại trêu :
- Mắt em na ná mắt anh, không soi gương em cũng biết. Phải đến khi đòi nợ xong mới dịu đi được, phải không? Ở đây vài hôm, ta bàn cái đã, rồi cùng lên Sơn.
Cõi chột dạ, nói bực :
- Rồi chị đi báo cho nó, để nó bắt tôi bỏ rọ à?
- Cái nhà anh này ăn nói bất nhân! Tôi đi theo nhà anh lên Sơn thì có. Cái Tư đã dắt anh vào nhà này thì ở trên Sơn, dinh cơ nhà nó, tôi đã thuộc như cháo, tôi dẫn anh vào. Nhưng tối nay ngủ đây đã, đi đâu mà vội.
Cõi không muốn nói với người sảng, Cõi lảng :
- Tôi chỉ đi quảy nước kiếm ăn qua ngày, chẳng biết chuyện vua quan ở đâu.
Ả bấm ngón tay, tính toán :
- Anh đứng ngoài, để em vào trước. Thằng ấy có bùa, nó nhiều mặt lắm, em mới nhớ được, chứ anh chẳng biết hết mặt nó đâu.
- Tôi chỉ đói thôi.
- Nhà còn cơm nguội kia.
- Tôi đói việc, phải đi làm.
- Anh còn nhớ đã có người cứu anh rồi chết vì anh đấy thôi. Em cũng muốn được thế, quân bạc như vôi Quên rồi sao?
Nghe những chuyện đau đớn, Cõi bối rối không yên.
Cái người mê cơn mê trận này cử nói xưng xưng như thật chẳng ra thảng thốt. Ôi chao, mớ bòng bong.
Cõi đứng dậy.
- Tôi phải ra bến Đá cho khỏi nhỡ buổi.
Rồi Cõi quăng quả đi. Người đàn bà níu một dẻ quang, Cõi giựt ra được. Nhưng Cõi cũng nói lấy lòng: "Rồi tôi lại về, chốc nữa tôi về". Người đàn bà nhoẻn cười, không giằng quang nữa. - "Chiều về đây nhé!". Cõi lùi lũi đi. Ả đứng trông cho đến lúc Cõi ra khuất sau bụi tre ngoài đường. Ả lại sập cánh liếp cửa xuống. A nghĩ người này chẳng phải bọn gánh nước, bán dầu. Nhưng mà chưa dám tin ta. Lại một người đi tìm giết lãnh Quang. Lắm người thù nó thế. Anh ấy đã hẹn trở lại, chốc nữa trở lại. Ả vào cái giường chõng, nằm vật xuống, rên rỉ rồi khóc rưng rức.
Cõi quảy đôi thùng không về trả ông quán nước đình Hàng Hòm.
- Đi muộn, chẳng ma nào hỏi!
Ông lão gật gù, nói đưa chuyện.
- Ở đất này bây giờ cũng người khôn của khó.
Ông lão sờ thấy mặt thùng ráo khô, không dính giọt nước nào thật, ông lão bảo :
- Uống bát nước đã.
Nhưng Cõi chào ông lão rồi vác cái rìu đi. Trên sông Cái, cát bay mù mịt đỏ xạm, không thấy rõ, lẫn lộn dòng nước, bãi ngô, bãi dâu. Ngang trời vẫn vần vụ màu phù sa. Cả ngày âm u không thật là còn trưa nay đã sắp tối. Người bước co ro trong gió ào ào.
Cõi trở về bên kia sông. Lãnh Quang lại lên Sơn, dinh cơ hoang phế, người đàn bà bị ném ra đường hóa dại, ngổn ngang trăm nỗi. Thì bước chân về quê, may ra. Nhưng về cái xó đầu đồng ấy chẳng còn ai, lại thêm nghĩ. Đứng trên đê đã trông thấy làng thầy, thầy ta kia rồi. Lạ thay, mà vẫn hiển hiện như xưa, mặc dù quân quan đã tàn phá, bây giờ không ai đến đất ấy, cũng không dám gọi tên làng nữa. Nhưng trong tưởng tượng Cõi vẫn thấp thoáng thấy mình đầu trọc để hoa roi kín gáy đi trên đường cái vào làng rồi tạt về phía chợ, cây gạo cổ thụ trước điếm canh, là đình, là xóm nhà mái nhấp nhô bát úp. Nhưng nhìn kỹ lại, một gốc tre cũng chẳng còn. Cỏ lau lên ngút ngàn, mặt đầm nước xanh rợn những cây rút dại. Đương tàn mùa hoa lau, màu bàng bạc hoa lau trắng đục suốt chân trời. Người đi rảo bước vội vội. Sợ cướp đường cũng có, nhưng hãi nhất bao năm nay cả vùng đã là tha ma không có nấm, dưới đất ngổn ngang, người chết cháy, người chết chém ở trong làng, ở giữa chợ, xó xỉnh nào cũng còn nghe tiếng văng vẳng kêu khóc. Cõi ngồi trên đường cái nhìn xuống. Đến lúc tàn nén hương Cõi đứng lên vái xuống những bụi lau xác xơ: "Lạy thầy, thầy phù hộ cho con...".
Rồi Cõi lại ra bến xuống đò trở sang Kẻ Chợ. Nhưng Cõi không đến đình Hàng Hòm tối hôm ấy, cũng không qua dinh cơ nhà lãnh Quang. Cõi đương tính xem nên thế nào.
Đường ra Cửa Nam về Giám trước kia cứ chạng vạng tối, chỉ nghe chẫu chàng uôm oạp khắp các đồng hoang, bây giờ đèn đuốc rải rác, chỗ là nhà, chỗ người đi, chẳng khác chợ cá nửa đêm ven sông. Mà chợ đêm thật. Các phường trên Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Điếu, cả đến trong ngõ Hà Trung, các nhà, các cửa hàng thì tối tối, chẳng khác cái hũ nút, tuần tráng đóng cổng phường đốc canh, nhà nhà lên cửa kín bưng rải ra bó chông chà từng chiếc như cái đinh đặt ngược lại còn lẫn lộn mảnh Chĩnh, mảnh chai sắc như lưởi dao, bỏ khắp từ đỉnh mái xuống chân tường. Ngoài đường thi thoảng mới có bóng người lui hui. Tuần tráng nhìn vào tận mặt hay chỉ nghe đối đáp thoáng qua, đã biết ai, đêm hôm đi đâu.
- Người nhà cụ Ất, cụ Ất đình Ngang ấy mà.
- Đi mua thuốc đau bụng bà lang Bính chứ gì!
- Vâng ạ, đau bụng máu lên cơn lại hết thuốc.
- Không nhớ đi đêm phải mang đuốc à?
- Vội quá. Bác cầm mấy đồng uống nước cho tôi đi.
- Đứa nào kia? Đứng lại.
- Tôi đi gọi bà mụ, nàng dâu nhà ông hương Đinh vỡ ối, đẻ đến nơi rồi.
- Được.
- Thằng này sao đi lỉnh kỉnh thế. Tên gì?
- Mỗ Ất, mỗ Giáp, mỗ con chó. Hỏi lắm thế.
- Tiên sư mày, đi đâu?
- Ông đi tìm rượu.
- Đi đêm phải có đèn đóm!
- Đéo có.
- Nhớ kiếm vài xó đem về điếm.
- Đéo đem!
- Ông gông cổ mày!
- Hà... hà...!
Chẳng ra phép tắc, chẳng ra ỡm ờ. Lơ mơ thế mà vẫn có người yếu bóng vía bị đóng gông ngồi điếm đến sáng vì tội đi đêm không có đuốc. Người nhà phải đem mấy tiền ra chuộc không thì cứ ngồi đấy. Thế mà lúc nào cũng có người vào ra. Ấy là chẳng kể những kẻ không ai biết tông tích, chui chỗ nào cũng lọt, như con chuột rũi. Nhưng không phải ai cũng mưu mẹo được thế. Phố xá đêm ngày cứ nghìn nghịt, trong làng kéo đến Kẻ Chợ mỗi vụ càng nhiều hơn chỉ vì đói, vì rỗi việc, vì có nghề thì đổ ra nơi đô hội kiếm miếng. Lâu nay, Cõi đã thế, đi bán dầu, đi thợ ngõa, thợ mộc, Cõi biết! Cái ngày còn chưa thạo, đêm hôm bị tuần trong phường bắt nạt, phải dạt ra đầu ô, như Cõi vừa thấy lắm đóm đuốc trước mặt. Ở những nơi nửa phường xóm, nửa đồng không mông quạnh này, đến cả trăm kẻ cướp tụ tập cũng chẳng ai biết đâu, huống chi những cái đuốc lập lòe ma trơi hay người đi lủi thủi. Bởi thế, ở các cổng tỉnh còn bộn bề hơn trong phường. Bất giác, Cõi thở dài. Những năm gần đây càng lắm người ra tỉnh. Mất mùa, vỡ đê liên miên, người ta đi tha phương.
Cõi về đến chùa Xiển thì đã tối mịt. Vừa thấp thoáng lũy tre, ao bèo, con trâu nghênh sừng lẳng lặng qua, rồi đuốc đóm chấp chới, bây giờ thanh vắng, cứ ang áng nhớ đường mà đi. Tiếng mõ thỉnh kinh, niệm Phật đều đều như nước giọt gianh. Mùa hoa mộc rưng rưng ngan ngát, thơm thanh khiết. Hai cái cột xoan cổng tán đã xiêu, chỉ một trận mưa rào mùa hạ tới thì đổ cả. Cái liếp cành rong đã hạ xuống, nhưng cũng tuông một mảnh, cả người lọt vào được. Nhưng mà chặp tối không ngửi mùi khói bếp, không tiếng gọi lợn, không tiếng cãi nhau chửi rủa léo xéo. Con người đã vào cõi khác, u tịch trầm ngâm không như cái nhộn nhạo thường ngày ngoài trần gian.
Gian giữa chùa, trong ánh đèn dầu trám lung lay đỏ bẻm, chú tiểu đương tụng kinh. Mỗi lần thỉnh cái chuông nhỏ trước mặt bằng bàn tay úp, cái đầu trọc tròn xoe cúi rạp, đến khi ngửng lên, tay mõ lại đều đều, tiếng niệm Phật rì rầm thăm thẳm. Cõi đã nhận ra chú tiểu là thằng bé trong Sủi chạy ra năm ấy. Bây giờ nó đã lớn. Có còn nhớ làng bị đốt, cha mẹ chết cháy hay chết chém, mày còn nhớ không? Cõi cứ đứng yên ngó khe cửa, không bước vào, không muốn động đến giờ giấc của nhà chùa. Và Cõi cũng đương chìm đắm trong cái thư thái này. Nhưng lòng Cõi thì không yên. Cõi cứ nhớ hôm nao thằng bé trần trụi như cục bùn lăn trong đống lửa ra.
Một lúc, một hồi chuông lanh lảnh ngân nga rồi vắng lặng, chú tiểu đứng dậy. Trong tĩnh mịch như thế, hồ như cảm có hơi hướng gì lạ. Chú tiểu quay ra, mở then cửa, giơ bát nến khói đen cuộn lên. Chú tiểu đã nhìn thấy người ngồi ghé bậu cửa đứng dậy.
Cõi nói khẽ :
- Nhà chùa có còn nhớ tôi không?
- A bác, lạy bác, con... Con quên làm sao...
Hai người vào nhà hậu. Sư tổ chùa Xiển đã về nước Phật lâu rồi. Mấy năm nay, sư ông Thiện Tâm lại hay ốm đau, mọi việc chùa, cơm nước, kinh kệ, khách thập phương lễ bái rồi vào hạ đi khuyên giáo, cả việc đồng bãi lấy ngọc thực nuôi thân nhất nhất đều một tay tiểu Từ Tâm gánh vác lần hồi.
Nhà chùa chỉ có sào ruộng hậu vừa cày cấy vừa vườn tược, thầy trò quanh năm quần nâu áo vá. Ấy vậy nhưng sư ông Thiện Tâm vẫn thường nói: thầy ngẫm ra phúc đức cửa từ bi không bao giờ thiếu, thầy đã theo hầu sư tổ được hơn sáu mươi năm đến khi sư tổ khuất núi, bây giờ Phật phù hộ độ trì, có con về...
Bên giường sư Thiện Tâm, chú tiểu Từ Tâm quỳ xuống trước mặt Cõi :
- Lạy bác, bác cho con gọi bác là bố, là mẹ, bác là bố mẹ con, bác nhận cho con.
Cõi mủi lòng, nâng tiểu Từ Tâm đứng dậy. Lại nghĩ đến cái làng Sủi đương cháy.
Tối hôm ấy, sư ông Thiện Tâm hỏi Cõi :
- Những lo toan của bác được đến thế nào rồi?
Cõi chắp hai tay vái sư ông.
- Sư ông có lòng thương hỏi đến. Gian truân lắm, nhà chùa ạ.
Sư ông Thiện Tâm không hỏi thêm, mà nói sang chuyện lúc nãy :
- Bấy lâu nhờ cơ duyên mà bác cho tiểu Từ Tâm về chùa tôi, cái may thật không kể xiết. Thế mới biết đất Phật ở đâu thì có hương khói đấy, không bao giờ suy vi được.
- Công đức thầy dựng nên, đời này mới có đời kia, đời đời thế vậy.
Đêm ấy, ở gian nhà hậu trông ra vườn sau, Cõi kể cho tiểu Từ Tâm nghe lúc ban ngày vừa về qua làng, thắp nén hương cúng thầy với oan hồn cả làng. Tiểu Từ Tâm nói :
- Ở chùa năm nào vào hè ra hè, sư ông cũng dạy con cúng cháo giải oan cho chúng sinh, con lại khấn về làng, con vảy cháo về phía bờ sông.
Trận mưa đầu mùa rào rào trong đêm, như cả nghìn vạn người ai oán khóc. Nhưng Cõi không nói một lời về cái đau đớn khủng khiếp những ngày qua. Cõi nghĩ dầu sao nó cũng còn là đứa trẻ, lại đã lênh đênh mồ côi thế này, chẳng nên cho nó khổ ải thêm nữa.
Tiểu Từ Tâm hỏi bác Cõi :
- Bao giờ bố lại đi?
- Mai.
- Hay là bố ở đây. Thầy con dạo này yếu lắm không biết thế nào. Mai bố lại đi đâu?
Cõi ngồi lên, như lắng tai đợi dứt mưa. Rồi nói :
- Đi việc ấy. Bao giờ xong thì mới yên được.
Từ Tâm lặng im. Đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, nhưng những khốn đốn đã trải thì óc đã cả nghĩ chẳng khác người có tuổi. Dẫu chẳng rõ việc gì nhưng Từ Tâm hiểu câu nói ngắn ngủi mà buồn, mà quả quyết ấy có ý nghĩa đến như thế nào.
Hôm sau, Cõi đi sớm. Sư ông Thiện Tâm chống gậy ra tận cổng ngoài.
- Biết khi trở lại có còn gặp nhau không?
Cõi chắp tay vái nhà sư.
- Nhà chùa cho lộc cứu vớt tiểu Từ Tâm, không bao giờ con quên được, thì dẫu rồi đây thế nào cũng là như ta còn gặp nhau, sư ông ạ.
Sư ông Thiện Tâm không nén được nước mắt lã chã trên khuôn mặt úa võ vàng.
Chỉ mới mấy ngày ở Kẻ Chợ mà dường như đằng đẵng. Căn do chỉ vì thằng lãnh Quang đã chạy chết về Sơn Tây rồi. Mọi việc phải tính lại cả. Chi bằng hãy lên Bỏi cái đã.
Buổi trưa, Cõi sang đến bến. Cõi đã thuộc nơi vạn trú những giờ giấc các nan thuyền qua lại. Bến Bỏi đã là làng nhà, khác nào nơi chôn rau cắt rốn. Mà Cõi còn trông vào đây, trong khi phương nào cũng bơ vơ rồi.
Bác cả Bỏi với một lũ tay lưới cởi trần phơi cá trong những cái nia đại đặt trên mái khoang. Nghề này học được dưới đường bể, tháng sau đã sẵn cá ướp bán cho phường buôn các chợ ven sông để các nhà khó mua về trữ, phải khi mưa dầm gió bấc, ăn cá sông muối khô còn nạc hơn cá mắm bể, mà khéo tay còn làm nước mắm ăn Tết, chẳng kém mắm cáy. Bác Cả rõ ra một nhà chài lão luyện nghề, cả đời đứng chèo chống, hai vai nở lực lưỡng hơn vế chân. Chẳng một vẻ nào là tướng cướp. Cũng hay ở đời, biết bao kẻ như hầm hố cắm chông, nhưng lại có người như bác Cả mà lắm người sợ, người phục. Bọn quan nha các huyện và ở Kẻ Chợ tảng lờ làm như không biết kẻ cướp bến Bỏi, tướng cướp bến Bỏi, nhưng trong dân gian thì lũ lượt tìm đến vái lạy, kêu cầu như trước bàn thờ Đức Ông và những ông hộ pháp thiện ác giữ cửa chùa.
Bác Cả trông lên bờ, thấy Cõi :
- Đã về đấy a? Công cốc chứ gì!
- Chẳng được một hạt việc. Chán quá.
- Việc gì mà chán! Phải nghĩ nó lại cút ngay về Sơn Tây, thế là nó khiếp chúng mày, khiếp cái gan chúng mày. Về đây nghỉ đã, rồi lại tính, ngày rộng tháng dài mà.
Cái bến đò ngang sang Bỏi những buổi chợ vẫn tấp nập.
Vào mùa cạn, các bè luồng, bè gỗ, bè vỏ dó, bè củ nâu, gỗ, bè sơn thùng gỗ mò trên ngược về đậu dài dằng dặc đến tận bến Bà Móc, chợ ống Nước dưới Kẻ Chợ trên bến dưới thuyền vui như hội.
Đến bữa chặp tối, Cõi mới biết chuyện vừa rối Cõi đi, ai nấy đều sốt ruột. Bác Cả đã nhắn xuống dưới Kẻ Chợ. Trong đám nhốn nháo đêm hôm ở đình Hàng Hòm vẫn có người bến Bỏi, cả lão quán nước cứ giả bộ ngơ ngơ ăn nói lửng lơ thế, đã đủ biết, mà không ai thấy Cõi đâu.
Cõi vái bác Cả :
- Bác cũng là người đẻ ra con, bác thương con.
Bác Cả quát :
- Ô hay, làm thằng đàn ông không được lúc nào cũng vái lạy, lúc nào cũng vãi nước mắt ra. Bây giờ mày muốn sao?
- Con phải lên Sơn.
- Được rồi. Hôm nào ngược, tao sắm cho cái nan tre đực. Nhưng mấy bữa rày được nắng, hãy ở nhà phơi cho xong vụ cá này.
- Dạ.
Việc nhà chài, có vụ có mùa vất vả chẳng khác những nặng nhọc cổ cày vai bừa đồng ruộng.
Suốt ngày dãi nắng, đến tối sáng trăng, thuyền dỡ mái khoang, mâm cơm dọn ra như ở giữa sân gạch thoáng mát hây hẩy gió. Đương vui chuyện, bác Cả hỏi Cõi :
- Mày tằng tịu với con vợ thải của thằng lãnh Quang?
- Không, oan cho con.
Bác Cả cười :
- Tao hỏi cợt thế thôi. Chứ thằng người đã có phen những con nặc nô ấn vào cửa Âm Phủ rồi thì phải biết kệch quân chó má chứ.
Cõi chỉ biết cúi mặt, ực một ngụm vào họng như tiếng trả lời câu nói điếng người. Cái gì bác cũng biết, như từ trong bụng người ta đi ra, bác thánh quá.
Hôm sau, Cõi lại ra anh thuyền chài. Lúc thì ve vé chiếc nan đi dăng lưới, trưa nắng, cởi trần, truyền mái khoang bưng nong nia phơi cá. Chẳng khác mọi người xung quanh, mọi công việc ngày ngày. Không gì sốt ruột hơn chờ đợi, vừa nấn ná lại vừa nhấp nhỏm. Mà không dám hỏi. Tính bác Cả thế, chỉ nói như ra lệnh. Chuyện rắc rối, khó khăn đến thế nào cũng hỏi một câu, nói một câu. Rồi lại như dạo nào, Cõi dông dài đi bỏ lưới, đi cắm câu, lại có đêm vác thang theo anh em đi ăn cướp. Lắm lúc, cáu bực vu vơ, nằm khàn trong bụi lau, trông lên bờ, thấy xa xa những cây xoan cuối mùa, cành trụi đen, đàn cò trắng bay qua, không biết về tận đâu, như trêu ngươi thằng nằm xó. Nghe sóng óc ách rồi ngủ quên lúc nào.
Bác Cả lay Cõi.
- Tao đã chọn được cái nan tre cật nhẹ lắm. Sắm lưỡi câu, lưới lửng, lưới chũm đủ phòng khi. Cả đồ nghề thợ mộc. Ở dưới nước thì sống nhờ con tôm con cá, lên bờ có cái tràng, cái đục, cái thùng dầu. Thế nào thì cũng không chỉ ở Sơn một ngày. Đi đâu cũng phải cẩn thận cắm cái nan một chỗ. Nan là cái nhà, cái cần câu cơm, chỗ nào cũng kiếm được, cá ăn cá bán, thế là mọi thứ xong. Bây giờ mày đi hôm nào cũng được.
Bác Cả chu đáo, trước sau, định hỏi thì thấy đã đủ, lại không hỏi. Trong bụng mừng khấp khởi, hôm sau, Cõi lên lò rèn trên bến làm cái lưỡi cuốc, đánh hai con dao - bấy giờ chưa bận rộn thời vụ gặt hái, bố con nhà phó lò chỉ phòm phọp kéo bễ, động búa nửa buổi đã xong tất. Cõi xách con dao mới ra rệ sông, thẳng cánh phạt một lúc, đã ngả quang mấy bụi chuối dại Được rồi, những con dao đem lên Sơn làm cỏ cả nhà chúng nó được, phen này thì mày chạy đằng trời.
Tinh mơ, sương đọng ngọn lau lộp độp rơi xuống nan như mưa nặng hạt. Những cái thuyền đi cá sớm đã vun vút ra, mặt sông vẫn mịt mù hơi nước và những con gà ngỡ chưa sáng còn gáy ran quanh mạn lái.
Đêm qua, Cõi đã đến chào bác Cả. Bác cả Bỏi nhìn Cõi giây lâu rồi "ừ" một tiếng, nét mặt tươi dịu, bộ râu rung rung. Tiếng "ừ" bằng lòng như bảo: được rồi, mày cố làm nên việc.
Mọi thứ lỉnh kỉnh đã xếp cả lên nan, mà nửa đêm qua Cõi vẩn vơ không chợp mắt. Nhớ cái hôm bỗng dưng bác Cả hỏi có giăng gió cái con vợ thải nhà lãnh Quang không. Rồi biết bác Cả nói chơi, thế mà khiến bây giờ Cõi áy náy. Nhà chị Tư đáng thương kia bị nó ghét bỏ thì Cõi chỉ nghe Trắt kể, nhưng cái ả đương dở dại dở điên đây, có thể nó dám cầm dao chém con dê già lắm. Giọng cay đắng, tròng mắt đỏ đọc, có thể. Thêm một tay hạ thủ được con chó. Hay là cho ả đi theo, biết đâu mà nên việc. Huống chi, ả lại thông thuộc đường đất cái dinh cơ nhà nó trên Sơn.
Nhưng ý nghĩ về người đàn bà ấy cũng chỉ loáng thoáng chập chờn từng lúc. Cái đau giết người mà con mụ đồng chiêm gây ra khiến Cõi không thể nào để tâm hơn về cái hạng đàn bà bây giờ. Dẫu cho là chưa tình nghĩa một đời, thì đã ngần ấy năm trời ăn nằm với nhau, mà nỡ nào nó lật mặt không biết gớm tay, nó cầm con dao đâm chết tươi cái đứa mới đêm trước ngủ với nó, mà tội nợ, mà oán thù truyền kiếp nào cho cam.
Nghĩ thế, Cõi bàng hoàng, Cõi không còn tơ tưởng đến chuyện có thể đem cái người đàn bà tội nợ kia lên Sơn. Thế mà băn khoăn, mà bồn chồn, không dứt nghĩ được, chốc lại ngồi, cái nõ điếu lại kêu giòn tanh tách. Đến lúc nghe những con vạc đi ăn đêm về lác đác qua kêu trong sương ngang đầu, biết đã tang tảng sáng. Cõi vớ cái điếu cày vẽ một điếu hút cho tỉnh hẳn ngủ.
Chiếc nan của Cõi đã ra ngoài bụi lau, nhấp nhô giữa dòng nước cuồn cuộn đỏ. Hai tay hai mảnh ván, cái bàn vả chém nước như con cá bơi. Từ đây lên Sơn Tây, đồng đất chỉ quá nửa buổi. Nhưng chẳng biết đường sông mà lại ngược nước thì mấy ngày. Gặp nước tĩnh thì cho nan vào men bờ, thả vài quãng lưới, nhấc lên con măng, con chép có khi gặp con chắm đói, lôi băng cả nan đi một quãng. Hôm trở trời, đêm câu cắm trong bờ chỉ được con rắn mòng. Sáng sớm chợ mai, chiểu đến chợ hôm, chỗ nào thấy người lố nhố ra bãi thì biết gặp bến, gặp làng, đấy có chợ. Nhưng chợ ven sông bao giờ cũng có thoảng có thì chốc lát. Cõi đẩy nan vội vào bán cá, đổi cá lấy gói muối, đong đấu gạo rồi bẻ củi, đẵn ống nứa, xuống nan đun nấu, làm cơm. Tối tối, vào trú bụi sậy, núp chỗ bờ hoắm bớt sóng, hôm sau lại đi. Ngồi mũi, hai tay như vây con cá, cái nan chổng đuôi mải miết ngược nước.
Cũng một dòng sông Cái, nhưng càng lên, mỗi lúc một khác dưới kia, làng mạc và bãi ngô, bãi dâu đôi khi nhô ra mép cát, mùa nước cả, các nhà phải khuân dọn chạy lụt vào trong đồng cao. Trên này, suốt ngày trông không thấy một mái nhà, hai bên sông bát ngát lau sậy, hoa lau trắng mờ, lúc nào cũng như sương chiều. Hôm qua, thấy một bến cát đỏ, ghé vào hóa ra có tảng đá ong trỗi lên. Rồi đến quãng lác đác bờ tre, tường đá ong xếp, không phải vách đất. Những cây cải dại như dóng ngô, không ai hái, đã xù xì như gốc chuối cụt. Thế mà những đàn bướm vàng, bướm trắng vỡ tổ ở đâu ra. Mùa rồi, dưới bến Bỏi, bướm ra nhiều Nhưng bây giờ đã tàn các loài hoa, bướm đã vãn rồi vắng hẳn. Trong khi bướm ở trên này vẫn ra nhiều như hoa cải vàng nở trôi trên dòng sông. Đàn bướm rống cánh như nhung như gấm giỡn theo bè nứa vào bến, như những cái bè chở đàn bướm từ trên ngược xuôi về làm đẹp tận Kẻ Chợ. Đàn bướm vàng phấp phới mặt nước bỗng bay cất cao lên bờ lác đác mái nhà, lá cọ, tường đá tổ ong đỏ hắt. Chắc gần tới thành Sơn. Nhẩm tính, không nhớ được nan ngược đã mấy ngày, sắp đến Sơn Tây, đàn bướm rực rỡ như đón rước, chắc là điềm lành. Lúc chia tay với sư Thiện Tâm lại nhớ lời dặn của bác Cả, đến đây thì được những đàn bươm bướm vàng nô nức múa chào. Tự dưng, Cõi thấy vững tâm. Trông ra sông, bướm tới tấp bay, như đàn bướm vàng đã theo nan từ Kẻ Chợ lên.
Chẳng mấy lâu, Cõi ghé hỏi thăm biết đã đến Phù Sa, trông lên thấy bờ cỏ cao như con đê vào đường cái quan. Bến tỉnh có khác, đò ngang sang Phú Nhi trở người về chợ Nghệ ngày nào cũng có chợ. Gồng gánh qua lại tíu tít, mép nước đậu san sát những bè gỗ, bè nứa lá đợi xuôi Kẻ Chợ. Trên đường, ngựa quan hay ngựa lính hỏa bài phi rầm rập, bụi đỏ lầm.
Đã xế chiều, nan của Cõi ghé vào giữa đám bè cây luồng, lá cọ đậu cao lừng lững như những tòa nhà dập dềnh mặt sóng. Những người kiếm ăn sống nước, nay đây mai đó, ai cũng như đã sẵn quen biết. Cõi sang bè được kéo vào ngồi ăn uống rồi ngả xuống chiếu xóc đĩa. Toàn những người nghề chở bè, kéo bè - các chủ bè thì từ chặp tối đã rủ nhau vào tỉnh chè chén, đú đởn hàng thịt chó, thịt trâu thui trong phường Đông Tác đầu chốt Nghệ, nghe nói ở những nơi ăn chơi ấy có hát phường chèo, hát nhà trò. Những người chở bè thuê chưa bao giờ lên đấy mà cũng chẳng để ý. Các mụ bán quán, gái hàng cơm với chè rượu, bài bạc cả đêm trên bè thế này cũng đã đủ mê tơi. Chẳng biết Cõi là thằng nào, ở bè hay ở thuyền, nhưng thấy có giỏ cá, có ống rượu, lại có gạo góp thổi cơm, thế là chụm đầu một mâm ngay được. Trong câu chuyện Cõi dò hỏi bọn khố rách chở các bè này, dẫu đã thuộc nhẵn bến Phù Sa, lại thường có khi xuống các bến dưới kia, nhưng vẫn không hề bước chân lên phường phố đất Sơn Tây, đất Kẻ Chợ, nên cũng không biết gì. Chẳng qua cầm cái cày hay độn vai đẩy cái sào ngược nước cũng thế, người lên khỏi cánh ruộng xuống con nước cũng là moi móc đi kiếm cái ăn cho vợ con ở nhà mà thôi.
Chẳng mấy lâu, Cõi đã thuộc bến, lại có hôm lên chợ Nghệ ngồi quán như một chủ bè qua lại Sơn Tây, đã lẫn với tay chơi sõi.
Cõi cắm nan trong bụi lau, buộc chắc cho sóng to cũng không tuột được. Rồi lên chợ Nghệ, - chợ quê, chợ núi mà người đi chợ đỏng như kiến cỏ. Chỉ la cà một thôi trong chợ đã biết mọi sự về dinh cơ lãnh Quang. Ông lãnh không ở chỗ cũ. Ông đã lên quan chánh lãnh binh, ông sai lính và đốc thợ trong làng ra làm dinh cơ mới, còn bề thế hơn tòa nhà dưới Kẻ Chợ - ấy người nọ nghe người kia, chưa chắc ai đã nhìn thấy cái nhà ông ở dưới Kẻ Chợ. Bây giờ dinh cơ mới ở đường vào cửa Hậu, mỗi chòi canh cổng một bọn lính gác, cha chả là oai, nhà ông đội thăng lên ông lãnh oai nghiêm khác nào dinh quan tổng đốc dưới Kẻ Chợ, trên Lâm Thao. Mà sẵn lính tráng trong tay, các ông quan võ hét ra lửa, quyền sinh quyền sát gấp mấy ông quan văn ngồi trên cao.
Đi với những gồng gánh các nơi đổ về chợ, Cõi đã ra cửa Hậu, qua cổng nhà lãnh Quang. Cũng hệt cái nhà dưới Kẻ Chợ. Thế thì càng dễ, nhưng bây giờ thì sao, hãy cốt lọt được vào đã. Đồ nghề mộc xem ra dễ kiếm việc nhưng khó xử. Nghễu nghện vác chiếc rìu đi hỏi việc, ai biết được nó là thợ mộc hay là kẻ trộm, kẻ cướp. Cái đinh, cái búa thật lộ liễu, dễ bị nghi. Mà cái nghề làm mộc thì trên này vứt đi. Không thấy ở đâu bóng dáng chiếc hòm thợ mộc. Đất đư
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK