Ánh chiều tà đang dần khuất phía trời Tây nhuốm đỏ cả những rặng mây đang giăng giăng khắp nền trời, đâu đó tiếng chim thảng thốt gọi nhau về tổ. Sương chiều buông phủ kín một dải núi non trùng điệp. Dưới thung lũng, cảnh vật càng trở nên tối tăm, cô tịch.
Nơi đỉnh một ngọn núi, khói bếp lượn lờ, theo gió tản ra. Dưới ánh hoàng hôn, trong sân xuất hiện một bóng người nhỏ bé.
'Sư phụ... Đến giờ cơm rồi..'
Thiếu niên chừng hơn mười tuổi, tung tăng chạy ngang qua sân, trên người y khoác đạo bào màu tro rộng quá khổ, hai tay áo xắn cao đang bưng một âu cơm trắng.
Bước qua ngưỡng cửa cao chừng hơn thước, thiếu niên đang ở trong một căn phòng lớn đã vài phần hoang tàn. Phía trên cánh cửa còn thấy được lờ mờ mấy chữ lớn cổ xưa đã loang lổ sắc màu: Huyền Nguyên Quan.
Từ căn phòng phía trong, một đạo sĩ già bước ra, khuôn mặt gầy gò, mái tóc xám trắng búi cao, dưới cằm để râu ba chỏm.
'Sư phụ! Thử tài nấu cơm của con đi, rất hấp dẫn đấy ạ!' - Thiếu niên mặt mũi kháu khỉnh, trong thần sắc lộ vẻ tinh nghịch.
Mi dài khẽ động, trong ánh mắt hiền hòa lộ ra niềm vui, lão đạo sĩ cười haha, nói: 'Dù là sơn hào hải vị hay cơm trắng muối tiêu với sư phụ có hay không đều không quan trọng. Chỉ có cơm trắng Tiểu Nhất nấu mỗi ngày, với sư phụ chính là cao lương mỹ vị không thể thiếu!'
'Tiểu Nhất' không ai khác chính là thiếu niên kia, nghe nói vậy, mặt mày tươi cười. Hắn lấy từ trong ngực ra hai cái bát bằng sứ, đơm đầy cơm xong, lại từ thắt lưng rút ra hai đôi đũa Trúc. Thầy trò hai người ngồi trên chiếu, tự nhiên ăn uống, mùi thơm cơm trắng chầm chậm tỏa ra.
Nhìn Tiểu Nhất ngấu nghiến ăn, sư phụ buông bát đũa xuống, mỉm cười, nói: 'Người thường, vốn dùng ngũ cốc làm thức ăn. Người tu đạo chúng ta, lúc không dùng ngũ cốc, cũng có thể ăn gió uống sương. Phải biết rằng ngũ cốc sinh ra lắm thói hư! Tiểu Nhất, tại sao không từ từ mà ăn, đi đâu mà vội thế chứ? Cẩn thận nghẹn đấy!'
Sư phụ ăn rất ít, nói là ăn cơm cùng sư phụ, thực ra là cùng người trò chuyện một lúc mà thôi. Điều ấy tiểu Nhất sớm đã quen, hắn cười hì hì một tiếng, liếm hạt cơm còn vương ở dưới môi, đưa vào miệng. Và thêm cơm vào miệng, Tiểu Nhất đầu lệch về một bên, ánh mắt gian xảo, cười nói: 'Sư phụ! Cổ nhân nói: Người ăn thịt thì tính tình gan dạ dũng cảm, người ăn cơm thì trí tuệ sáng suốt, khéo léo. Đệ tử vì vậy cố gắng ăn nhiều thêm cơm hơn cũng là tốt mà!'
Lão đạo sĩ nghe xong, 'à' một tiếng, tay vuốt râu dài, thoáng nghĩ ngợi, chợt bừng tỉnh, mắng: 'Tên tiểu tử thối nhà ngươi, biết hai mà không biết một, cố tình bóp méo ý tứ.' - liền sau đó sắc mặt nghiêm khắc, giọng nói say mê, cảm khái nói: 'Cổ nhân cũng nói: Tiên nhân nhờ hít khí trời mà sống lâu. Người ta nếu không phụ thuộc ăn uống, đại đạo có lẽ dễ thành tựu hơn!'
'Sư phụ, xem ra đệ tử nên ăn thêm thịt nữa, một người có sức vóc, cũng dễ dàng hành hiệp hơn.' - Tiểu Nhất cười hì hì một hồi, đem chủ đề câu chuyện lái đi.
Tâm tư vô tình bị khuấy động, lão đạo sĩ không để ý lời Lâm Nhất nói, khẽ phân phó: 'Tiểu Nhất, mang hồ lô của ta lại đây, cả.. Đậu Tương rang muối hôm trước lão Lô mang tới nữa.'
'Vâng.. con đi lấy' - Tiểu Nhất 'vâng' một tiếng, buông bát đũa xuống, chạy ra ngoài. Chốc lát sau, hắn nhanh chóng quay lại, trên tay cầm một hồ lô xinh xắn cùng một cái hũ nhỏ bằng sành.
'Tốt! Tốt lắm! Đưa hồ lô cho ta, để Đậu Tương xuống chiếu.'
Lão đạo sĩ tiếp lấy hồ lô rượu, ngửa đầu tu một ngụm, khẽ 'khà' một tiếng thưởng thức mùi vị, dùng đũa Trúc đưa vào miệng bình sành, gắp đậu tương đưa lên miệng, chầm chậm cảm nhận. Bộ râu dưới cằm cũng theo động tác rung rung.
Tiểu Nhất ngồi cạnh bên ăn cơm cũng cười 'hì hì' thành tiếng. Lão đạo sĩ dường như không biết, lại tu thêm một ngụm rượu. Tiểu Nhất ngồi đó đem Đậu Tương ăn với cơm trắng, lúc sau, cơm trắng đã gần hết. Hắn đơm thêm một chén, nhìn sư phụ vẫn như đang say sưa nhắm rượu với Đậu Tương. Hắn nói: 'Sư phụ à, người uống ít đi một chút, kẻo chút nữa lại say!'
'Hả.. Không đến nỗi thế đâu! Sư phụ biết rồi'
Lão đạo sĩ miệng đáp lời nhưng không dừng lại, hớp thêm một ngụm nhỏ. Trong lúc ngà ngà say, nhãn thần ông trở lên mông lung..
Tiểu Nhất đang và từng miếng cơm, thuận miệng hỏi: 'Sư phụ, lão nhân gia thường nói đại đạo thênh thang, rốt cuộc truy tầm điều gì?'
'Ha Ha..'
Lão đạo sĩ ư vị thâm trọng cười lớn. Không biết có do men rượu, hay do khoái cái hương vị đậu Tương kia. Tay vuốt chòm râu, giọng xa xăm, ông nói: 'Đạo trời chẳng phải là đồ vật!Đạo trời cũng lại không phải là một thứ gì! Không phải.. khụ khụ!'
Có lẽ do bị sặc bởi rượu, hay là bởi tâm trạng có phần mê loạn. Lão đạo sĩ ho nhẹ, lắc lắc đầu, ánh mắt xa xôi nhìn ra phía ngoài cửa.. Trong đôi mắt mịt mờ ấy, nào thấy đâu ánh hoàng hôn xa xa đang phủ mờ hình ảnh trùng điệp núi non.. Hay chăng tuổi già nhiều âu lo, cảm xúc cũng vì thế nhiều hơn. Than dài một tiếng, lão đạo sĩ cười khổ, nói: 'Đạo trời đến tột cùng là gì, vi sư khổ sở một đời truy tìm cũng đã bảy mươi ba năm rồi! Trước sau chưa hề có duyên chạm tới. Bôn ba lận đận khắp thế gian cho đến giờ, cuối cùng không một chút thành quả.. Ôi.. '
Tiểu Nhất thu lại bát đũa, trong lúc làm nét mặt hắn tươi cười, con ngươi trong mắt xoay vòng, cẩn trọng nói: 'Sư phụ, lão nhân gia uống nhiều rồi.'
Nhìn đệ tử nhỏ gầy, dáng vẻ khả ái của mình, lão đạo sĩ trong lòng thanh thản. Nghe vậy, ông ngẩn ra, cười mắng: 'Tiểu tử thối nhà ngươi, vi sư đâu có uống nhiều, đây là rượu không làm say người, mà là người tự say đấy thôi!'
Tiểu Nhất thấy sư phụ tâm tình tốt hơn, thừa cơ trêu đùa lão đạo: 'Sư phụ, lão nhân gia người bản lĩnh quá lợi hại, sau này Tiểu Nhất cũng sẽ uy phong giống sư phụ, cả sư tổ nữa.. Khiến tổ sư gia không có gì phải oán trách hết.' - vừa nói, hắn lén nhìn sư phụ.
Lòng dạ đệ tử làm sao giấu được sư phụ. Lão đạo sĩ không để ý, cười nói: 'Tiểu tử thối nhà ngươi mồm miệng xem ra cũng lém lỉnh lắm' - vừa nói, ông vừa ngửa cổ hớp một ngụm rượu.
'Thiên Thu Phức vi sư uống đã hơn mười năm, vị ngọt tinh khiết, sâu đậm mà lại êm, trong đó còn pha thêm chút lạnh lẽo nữa. Ài! Rượu vẫn hương cũ, chỉ có vi sư ngày một già đi.. '
Lão đạo sĩ giọng nói thay đổi, bên trong lời nói có chút thanh thản: 'Nhưng quan trọng hơn đó là Tiểu Nhất lại mỗi ngày mỗi trưởng thành, ha ha!'
...
Trong ánh hoàng hôn, gió xẹt qua đỉnh núi, lọt vào gian chính điện Huyền Nguyên Quan tiêu điều.
Trong gian chính điện, khuôn mặt nghiêm trang của pho tượng đồ sộ không biết đứng đó đã bao lâu cũng trở nên mơ hồ. Màn trướng hai bên đã bị hủy hoại, theo gió từng hồi phiêu động.
Tiền điện, lão đạo sĩ nằm trên đệm cói, chầm chậm từng tiếng gáy thư sướng vang xa.
Một thân ảnh nhỏ bé bận rộn giữa cảnh hoàng hôn ấy.
Đắp cho sư phụ cái áo mỏng, dọn dẹp chén bát sau bữa cơm giản dị, Tiểu Nhất chầm chậm rời khỏi gian chính điện Huyền Nguyên quan. Ngang qua sân giữa, hắn ra khỏi tường viện đã đổ nát.
Khối đá bằng phẳng, là một trong những nơi Tiểu Nhất thích đến nhất mỗi ngày. Vén đạo bào, Tiểu Nhất bò lên mặt phiến đá, nằm xuống.
Gối đầu lên tay, vắt chân chống ngũ, Tiểu Nhất lẳng lặng nằm đó.
Lúc này là tháng năm. Cái nóng trời chiều chưa tan, gió núi phần phật thổi, lướt qua người, táp vào mặt, thật thoải mái.
Một vầng trăng sáng trên cao, ánh trăng bàng bạc hướng mặt đất tỏa sáng một vùng nói non. Dưới mênh mông ánh trăng, Huyền Nguyên quan đứng lặng lẽ nghiêm trang. Phía xa xa núi non chập trùng, mờ ảo.. Huyền Nguyên quan tọa lạc nơi này, chính là giữa ngàn dặm núi non của dãy Thái Bình sơn.
Tiểu Nhất an nhàn nằm trên phản đá. Nhìn bầu trời vô tận, lắng nghe trong không gian phảng phất có tiếng thú gào rú vọng lại. Mỗi lần đến đây, trong đôi mắt hắn đều lộ vẻ say sưa, thoát tục, khuôn mặt nhỏ nhắn biểu lộ sắc thái an bình, đạm nhiên.. Những nét mà chắc không thể thấy ở những đứa trẻ cùng niên lứa.
Từ lúc hiểu chuyện, Tiểu Nhất đã sống cùng sư phụ rồi. Sư phụ ngoài đạo hiệu của người là Thanh Vân, tên tục gia không thấy người nhắc tới. Sư phụ bảo tên của người đến chính bản thân người cũng không còn nhớ nổi.
Chỉ e là sư phụ không muốn nói thôi!
Nghe sư phụ kể, Huyền Nguyên Quan do Huyền Nguyên chân nhân kiến lập, đến nay cũng đã hơn một ngàn nắm. Huyền Nguyên chân nhân cả đời tu đạo. Nghe đâu, chân nhân có thể lên trời, chui xuống dưới đất, hô phong hoán vũ, là tiên nhân khiến người người ngưỡng mộ. Huyền Nguyên Quan lúc hưng thịnh, môn hạ đệ tử đông đúc, là nơi hành hương của người dân khắp nơi.
Lúc hai trăm tuổi, Huyền Nguyên chân nhân phi thăng thành tiên. Đương thời cũng là câu chuyện trước nay chưa từng có, chấn động muôn người. Các thế hệ sau Huyền Nguyên chân nhân kế thừa đạo quán, phụng thờ hương lửa, duy trì đạo thống.
Không hiểu nguyên nhân vì sao, từ khi Huyền Nguyên chân nhân phi thăng thành tiên, Huyền Nguyên Quan không có thêm người nào đắc đạo. Phụng thờ nhang khói cũng vì thế phai lạt dần, môn đồ buộc lòng phân tán khắp nơi tìm kế sinh nhai. Huyền Nguyên Quan một thời náo nhiệt, giờ hoang vắng, thê lương. Câu chuyện đắc đạo thành tiên cũng trở nên xa xôi, chỉ còn xem như những câu chuyện truyền thuyết.
Thanh Vân đạo trưởng là quan chủ đời hai mươi. Tiểu Nhất vì thế trở thành đại đệ tử duy nhất đời thứ hai mươi mốt của Huyền Nguyên Quan. Thanh Vân đạo trưởng từng nói, Tiểu Nhất là đồ đệ của chưởng môn nhân, cũng chính là người được chọn để thừa vị quan chủ đời tiếp. Bởi thế, vô hình trọng trách khôi phục vinh hiển Huyền Nguyên Quan năm xưa cũng phải đặt trên vai một Tiểu Nhất hơn mươi ba tuổi đầu.
Nghĩ đến đây, Tiểu Nhất không nhịn được, khóe miệng nhếch lên. Hắn nào quan tâm mình là chưởng môn gì đâu! Nói gì đến đắc đạo thành tiên. Hắn cũng chỉ là người bình thường, hiểu biết về tu hành đắc đạo cũng chỉ qua những câu chuyện nơi hàng bánh, quán trà mà thôi.
Giả sử, trên trời có thần tiên thật đi, nhưng trong lòng cũng rõ ràng, hắn chưa thấy thần tiên, vậy nên cũng sẽ không hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện kia. Sư phụ thôi tu hành mười năm nay, ngoài võ công thế tục và một chút pháp thuật khiến Tiểu Nhất thán phục, hắn cũng không cho rằng sư phụ đã đắc đạo.
Mỗi ngày bầu bạn với sư phụ, có cơm no để ăn, lại có thể học được bản lĩnh của sư phụ, như thế chẳng tốt sao? Tiểu Nhất mỗi ngày đều thoải mái vui cười.
Nghe sư phụ kể, Tiểu Nhất được sư phụ thu nhận trong một chuyến ra ngoài.
Năm đó lúc Thanh Vân đạo trưởng còn tráng niên, ông du hành khắp nơi, hy vọng có duyên ngộ ra đại đạo. Hy vọng tắt, trên con đường trở về núi, ông gặp cảnh sơn thôn bị bọn cướp hoành hành. Một đôi vợ chồng nơi sơn thôn trong lúc hấp hối, giao phó Tiểu Nhất lúc ấy vừa tròn một tuổi cho vị đạo trưởng nhân từ.
Thanh Vân đạo trưởng một phần cũng vì nghĩ đến Huyền Nguyên Quan không người kế nghiệp, liền thu nhận hài tử đáng thương kia.
Hơn mười năm trời, chịu bao khổ cực, cuối cùng lão đạo sĩ cũng được nhìn thấy đứa trẻ mồ côi ấy lớn lên. Có thể nói, ơn tái tạo của Thanh Vân đạo trưởng với Tiểu Nhất cũng chẳng khác gì công lao cha mẹ sinh thành!
Khi Tiểu Nhất khoảng năm, sáu tuổi, Thanh Vân đạo trưởng đem những đạo pháp bí truyền của Huyền Nguyên Quan hết lòng truyền thụ cho hắn.
Tiếc là sức lực ở độ tuổi đã xế chiều, dù Thanh Vân đạo trưởng tu luyện cả đời, thân thể cũng không còn được như thời tráng niên, nói gì đến phát tài, ngay cả cuộc sống thường ngày của hai thầy trò cũng trở nên quẫn bách. Rơi vào đường cùng, lão đạo sĩ cũng chỉ còn biết mỗi ngày đem Tiểu Nhất xuống núi, loanh quanh hương huyện làm chút pháp thuật trừ tà cho người, hòng thu được chút ít tiền cung phụng. Thêm vào đó còn nhận chẩn trị, bốc thuốc cho người bị bệnh nơi sơn thôn lân cận, như thế cũng thu được thêm vài phần sản vật miền rừng núi. Ngày tháng tuy kham khổ, bần hàn, nhưng với Tiểu Nhất còn bé mà nói cũng là nhàn hạ, tiêu dao. Cuộc sống đạm nhạt nơi Huyền Nguyên Quan ngàn năm cổ kính, như dòng nước lững lờ trôi đi..
Huyền Nguyên Quan nằm trên một đỉnh núi cao hơn trăm trượng trong dãy Thái Bình, vẫn gọi là Tiên Nhân đỉnh.
Tiên Nhân đỉnh phía đông, tây, bắc, ba mặt đều là cheo leo vách núi. Phía nam có một con đường men theo bờ đá tạc thành bậc. Mỗi bậc thang rộng chừng ba thước, chẳng khác gì một con rắn dài uốn lượn từ đỉnh xuống.
Tại nơi cao nhất, trong phương viên rộng ước chừng hai mươi trượng, Huyền Nguyên Quan chính điện được dựng lên chốn này. Hơn mười gian nhà kề bên, qua nhiều năm không được tu sửa, đến hôm nay đã hư hỏng nặng. Che được mưa nắng, ngoài chính điện chỉ còn lại hai, ba gian nhà khác. Cũng là nơi thầy trò hai người dùng làm bếp và nơi nghỉ ngơi.
Chân núi có một miếu thờ dựng bằng đá, nơi đây trước kia vốn được coi là nơi dừng chân trước khi lên núi. Xung quanh miếu thờ, cảnh vật đã hoang tàn, chỉ còn duy nhất ngôi miếu nhỏ này vẫn sừng sững đứng đó, chưa cam lòng sau khi chứng kiến mọi thứ đã đi xa..