• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thấy Thái Công mười phần nguy kịch, bọn gia nhân vội vàng đỡ dậy khiêng vào thư phòng, giây lâu Thái Công mới tỉnh dậy, gượng nói:

- Các ngươi hãy gọi con ta vào đây, mau lên!

Nguyên Mạnh Thái Công vợ mất sớm được một người con trai tên Mạnh Bang Kiệt, lúc còn nhỏ có mời thầy đến học văn được ít năm, nhưng thấy Mạnh Bang Kiệt có khiếu về võ, nên Thái Công mời thầy đến dạy đủ mười tám môn võ nghệ. Chàng thường dùng cặp búa, sức mạnh vô song.

Hôm ấy Mạnh Bang Kiệt đang luyện võ phía sau vườn, bỗng thấy gia đinh hớt hải ra báo:

- Không xong rồi tiểu chủ ơi! Thái Công tranh cãi với con trai của Lỗ Vương bị hắn giục ngựa xông tới đánh khiến người bị ngã ngửa bể đầu, nguy cấp.

Mạnh Bang Kiệt nghe báo thất kinh, vội quăng búa chạy thẳng vào thư phòng, thấy cha nằm bất tỉnh vội hỏi gia đình mới rõ đầu đuôi câu chuyện. Hồi lâu Thái Công thở phào một cái, hé mắt kêu con nói trong hơi thở:

- Lưu Nghê là kẻ bạo ngược, cha chết rồi con nhớ phải báo mối thù ấy cho cha!...

Chỉ nói được đến đây, Thái Công sặc một cái, máu tuôn dầm dề rồi trút hơi thở cuối cùng.

Mạnh Bang Kiệt thương cha nằm lăn ra khóc rất thảm thiết.

Bỗng nghe gia đinh chạy vào phi báo:

- Bẩm tiểu chủ, Lưu Nghê đang đứng ngoài cửa chửi mắng om sòm, hắn còn bảo nếu không bồi thường con chim ưng cho hắn, hắn sẽ vào phá nhà lập tức.

Mạnh Bang Kiệt nghe báo lửa giận phừng phừng, chàng nghiến răng bảo tên gia đinh:

- Ngươi ra cho nó hay rằng Thái Công đang đếm bạc để bồi thường chim ưng , hãy đứng đó chờ một chút.

Gia đinh vâng lệnh vừa chạy ra thì thấy Lưu Nghê đang mắng:

- Lão già khốn kiếp ấy nấp trong nhà làm gì lâu thế không chịu ra bồi thường chim ưng cho ta? Ta sẽ phá tan nhà cửa cho mà xem.

Rồi truyền tùy tướng áp vào phá nhà. Bọn gia đinh thấy vậy vội bước ra bẩm:

- Chủ tôi đang đếm bạc để bồi thường chim ưng cho công tử, xin công tử chờ cho một lát.

Lưu Nghê đáp:

- Vây thì bảo nó đem ra cho nhanh lên, ta không hơi đâu chờ đợi lâu như vậy.

Mấy phút sau Mạnh Bang Kiệt xách búa xông ra mắng lớn:

- Loài súc sinh, cha con mi là kẻ bán nước cầu vinh, ỷ thế hại dân, ta muốn giết mi đã lâu song chưa gặp dịp. Nay mi lại đến giết cha ta. Mi chạy đi đâu cho khỏi.

Vừa nói vừa vung búa nhảy tới chém Lưu Nghê. Bọn gia tướng áp vào đánh, bị Bang Kiệt chém chết hơn hai mươi đứa, còn bao nhiêu bỏ chạy tán loạn. Lưu Nghê liệu thế không xong cũng quay ngựa chạy dài. Mạnh Bang Kiệt không có ngựa làm sao theo kịp, nên đành trở lại lo sắm quan quách khâm liệm chôn Thái Công nơi phía sau nhà.

An táng xong, Mạnh Bang Kiệt gọi hết gia đinh vào bảo:

- Đã đến nước này, nhất định Lưu Nghê không khi nào chịu buông tha chúng ta đâu, thế nào nó cũng đến đây báo thù. Bọn ngươi phải mau mau thu nhặt đồ đạc, dắt cả gia quyến đi trốn hết kẻo mang họa đấy.

Ai nấy nghe nói hoảng kinh vội trốn đi hết, riêng Mạnh Bang Kiệt cũng góp nhặt tiền bạc cột vào lưng, xách búa ra đi. Chàng toan dắt ngựa ra đã nghe phía trước có tiếng ngựa hí, tiếng quân reo vang dậy, Bang Kiệt biết ngay Lưu Nghê đã đem binh đến báo thù, bèn bỏ ngựa chạy ra phía sau nhảy qua tường tìm đường lẩn trốn.

Nhắc lại việc Lưu Nghê bị Mạnh Bang Kiệt giết chết mấy mươi gia nhân, thất kinh chạy về phủ, vừa thấy cha mình đang đứng trên thành hóng mát, liền chạy lên lầu vừa khóc vừa nói:

- Gia gia ơi, hãy cứu con với.

Lưu Dự trông thấy thần sắc con biến đổi, thất kinh hỏi:

- Vì sao con ra nông nỗi này?

Lưu Nghê đem hết các việc thuật lại, và tô điểm thêm để buộc tội cha con Mạnh Thái Công. Lưu Dự nghe xong nổi giận lôi đình, nghiến răng hằn học:

- Toàn dân trong Vương phủ này, dầu con chó của ta cũng phải kính nể huống hồ con ta, sao nó lại dám cả gan giết gia nhân của ta, còn muốn giết con ta nữa. Vậy thì bây giờ con phải lập tức dẫn năm trăm tinh binh đến vây chặt Mạnh gia trang bắt hết cả nhà bất kỳ già trẻ, giết cho tận tuyệt rồi về đây báo lại cho cha biết.

Lưu Nghê chưa kịp bước ra thì có người con trai lớn của Lưu Dự là đại công tử Lưu Lân bước ra nói:

- Không nên làm như vậy gia gia ạ, chỉ vì cái thế thúc ép nên gia gia phải đầu Kim bang đã mang tiếng với thiên hạ lắm rồi, người ta sẽ nguyền rủa cha con mình là phường bán nước cầu vinh. Huống chi nay Nhạc Phi binh hùng tướng mạnh, nếu như người diệt được quân Kim rồi thì cha con mình làm thế nào mà bảo toàn tính mạng? Nếu bây giờ ta còn gây thêm tội ác, ắt trời đất chẳng dung, xin gia gia nghĩ lại.

Lưu Dự nổi giận mắng:

- Loài nghịch tử, sao mi dám mắng khéo ta là gian tặc?

Lưu Lân chắp tay thưa:

- Con đâu dám mắng cha, chỉ vì con muốn nói lên cái lẽ phải trái mà thôi. Nay con đây làm tôi không biết trung vì chúa, làm con không trọn thảo với cha, thì còn sống trên đời này làm gì nữa? Chi bằng chết trước để khỏi phải nghe tiếng người đời nguyền rủa.

Nói vừa dứt lời, Lưu Lân tung mình nhảy xuống phía dưới thành nát thây chết không kịp ngáp.

Lưu Dự thấy con mình chết, nhưng không chút thương tâm, lại còn truyền quân ném xác cho diều quạ ăn, không cho một ai được chôn cất.

Trong thành cũng có nhiều người tâm phúc với Lưu Lân cảm thương con người nghĩa khí, nên lén nhặt xác đem chôn giấu một nơi kín đáo rồi về báo lại:

- Bẩm lão gia, chúng con đã kéo xác Lưu Lân đem ném ra ngoài đồng nội cho diều quạ ăn hết rồi.

Lưu Dự cười ha hả:

- Hay lắm, thế mới đáng kiếp cho phường nghịch tử.

Đêm hôm ấy Mạnh Bang Kiệt chạy miết cho đến sáng, vừa trông thấy cái miếu bên đường, liền ghé vào nghỉ chân. Chàng muốn sang Ngẫu Đường quan để đầu Nhạc Nguyên soái, song chưa biết từ đây đến đó bao xa, phần thì không có ngựa đỡ chân, còn là một nỗi lo cha con Lưu Dự có thể đem binh mã theo bắt, một mình khó thể chống cự binh hùng tướng mạnh của chúng!

Mạnh Bang Kiệt suy nghĩ như vậy quả không sai. Khi Lưu Nghê kéo quân đến Mạnh gia trang đột nhập vào không thấy ai liền nổi lửa đốt cháy rụi không còn một ngọn cỏ, rồi truyền quân phi ngựa đi tìm kiếm Mạnh Bang Kiệt.

Mạnh Bang Kiệt đang ngồi trong miếu lo lắng, bỗng nghe phía sau miếu có tiếng ngựa hí, chàng bước ra xem thì thấy có con ngựa ai cột ở đó. Chàng nhìn bốn phía không thấy một bóng người.

Chàng nghĩ thầm:

"Con ngựa này tốt lắm, song không biết của ai. Trong hoàn cảnh cấp bách này không thể giữ thái độ quân tử như lúc thường được. Thôi để ta mượn đỡ con ngựa này dùng làm phương tiện thoát thân mới được".

Nghĩ rồi bước ra mở dây cương, nhảy lên ngựa ra roi phi nước đại.

Con ngựa này chính là ngựa của một vị đại vương, đầu đảng của một bọn lâu la ở tại núi Ngọa Ngưu tên là Nhạc Chân, hôm ấy nhân đến am Nghĩa Tĩnh đánh cờ chơi với một vị hòa thượng có hai tên lâu la theo hầu, nhưng chúng cột ngựa ở đó rủ nhau đi chơi. Đến giờ ngọ, Nhạc Chân ra về xem lại không thấy ngựa mình đâu cả, lão hòa thượng thất kinh quỳ tâu:

- Đây là việc rủi cho tôi, nhưng ở đây chùa chiền biết lấy chi bồi thường cho đủ?

Vị Đại vương Nhạc Chân nói:

- ấy chỉ vì bọn lâu la nó vô ý chứ có can chi đến sư phụ đâu?

Hòa thượng tạ ơn rồi đứng dậy đưa Đại vương ra khỏi cửa am. Nhạc Chân cực chẳng đã phải đi bộ về sơn trại.

Còn Mạnh Bang Kiệt được ngựa, chạy như bay, ngựa chạy càng nhanh, chàng càng thúc giục. Đến một khu rừng kia, đột nhiên Mạnh Bang Kiệt gò cương lại lẩm bẩm:

- Ôi chao, ai mà độc ác như vậy? Đào hang, đào hố giữa đường, may mà ta lanh mắt, nếu không nguy tai rồi.

Chàng vừa nói vừa đưa mắt ngó quanh tim đường đi tránh. Bỗng một tiếng pháo nổ vang rừng, rồi không biết từ đâu ló ra mười mấy cái móc câu giật Bang Kiệt ngã ngựa không kịp xoay trở. Mấy mươi lâu la từ trong núi ùa ra trói Bang Kiệt lại, dẫn về sơn trại.

Chúng dắt con ngựa của Bang Kiệt theo rồi nhìn con ngựa cười nói:

- Thế là hôm nay chúng mình bắt được một người anh em đồng đạo rồi! Con ngựa này chính là con ngựa của Tiền Sơn Đại vương mà cột đâu sơ hở để cho tên này trộm đi như thế này?

Một tên cãi lai:

- Tại sao mi lại bảo hắn là người anh em đồng đạo? Hắn chỉ là tên ăn trộm còn chúng mình có Đại vương, có lâu la khác xa kia mà?

Một đứa lại lên tiếng:

- Xét kỹ cũng không khác mấy, dù trộm hay cướp cũng là một phường đạo tặc thôi.

Tên cao lớn trong bọn nói:

- Thôi các chú đừng nói nhiều chuyện lôi thôi, hãy giải nó nhanh về trại cho rồi kẻo tên này ta xem tướng mạo nó cũng không vừa đâu, rủi nó chạy mất, mang tội cả lũ đấy.

Sau đó chúng đem Bang Kiệt để lên lưng ngựa trói dính vào yên, chở về trại. Tên đầu mục chạy vào báo rồi chạy ra nói:

- Có lệnh Đại vương hãy đem hắn làm thang giã rượu.

Bọn lâu la cười lên thích thú. Một tên nhìn Mạnh Bang Kiệt từ đầu đến chân và nói:

- Thằng này trông mập mạp, làm thang giã rượu ngon tuyệt.

Rồi bọn lâu la đem Mạnh Bang Kiệt trói trên một cây cột phía trên có một cái vòng, lâu la rẽ tóc chàng ra buộc vào cái vòng ấy; đoạn có một đứa xách đến một thùng nước, một đứa xách chậu, đứa lại cầm đao.

Tên đầu mục bưng một chén nước chi không biết đặt vào miệng Mạnh Bang Kiệt nói:

- Ông bạn hãy uống đi.

Mạnh Bang Kiệt nói:

- Nước gì đen mò mà mi bảo ta uống?

Bọn lâu la đáp :

- Dầu vừng đấy, ngươi uống đi. Uống xong ta sẽ lấy nước xối trên đầu ngươi kỳ cọ cho sạch sẽ rồi ta mới lấy dao mổ bụng ngươi lấy cho trọn bộ lòng bỏ vào cái chậu này đem dâng cho Đại vương làm thang giã rượu.

Bang Kiệt nghe nói mồ hôi toát ra ướt mình, liền cắn răng chặt cứng không chịu uống.

Lâu la nói:

- Thế thì thằng nay nó đòi ăn đòn rồi.

Vừa nói vừa xách chiếc roi mây to bằng nắm tay lại toan đánh, Mạnh Bang Kiệt la to:

- Ôi chao, nay Mạnh Bang Kiệt này chết tại đây có ai biết cho.

May đâu lúc đó có Tiền Sơn Đại vương vừa đi tới nghe la ba tiếng Mạnh Bang Kiệt liền bảo lâu la dừng tay, chạy đến gần xem kỹ thì quả là anh em bèn hối hả sai tả hữu cởi trói, lại sai lấy y phục mặc vào.

Bọn lâu la thấy vậy vội chạy đi báo cho mấy vị Đại vương hay.

Hồi lâu Mạnh Bang Kiệt mới hoàn hồn, nói:

- Nêu không có đại huynh đến đây thì chắc đệ đã lìa bỏ cõi trần rồi.

Lúc ấy mấy vị Đại vương kia cũng vừa đến đông đủ nhìn Tiền Sơn Đại vương nói:

- Đại ca, tên này là tên ăn trộm ngựa, sao đại ca lại quen biết hắn?

Tiền Sơn Đại vương thong thả đáp:

- Hãy về trại rồi ta sẽ nói rõ cho các chư đệ biết.

Rồi mấy Đại vương cùng Mạnh Bang Kiệt dắt nhau về trại làm lễ ra mắt nhau mới ngồi lại nói chuyện. Nguyên người cứu Mạnh Bang Kiệt này chính là Bẩm Bảo tướng quân Nhạc Chân ở nơi Tiền Sơn. Còn ở chốn Hậu Sơn có bốn vị đại vương là Hồ Thiên Bảo, Hồ Thiên Khánh, Dư Khánh và người chuyên môn ăn bộ lòng người ấy là Kim Bưu.

Nhạc Chân nói với Mạnh Bang Kiệt:

- Đã bao phen ta cho người đến mời đệ lên núi để tụ nghĩa với nhau nhưng lần nào đệ cũng trả lời là lệnh tôn tại đường nên không đi được, nay đệ đi đâu bị lâu la nó bắt như vậy? Thế còn lúc nó bắt được đệ sao đệ không nói tên họ ra để chi cho chúng hành hình như vậy? Nếu ta không kịp thời đến thì tính mạng hiền đệ nguy rồi.

Mạnh Bang Kiệt nói:

- Chẳng phải đệ không tưởng nhớ đến đại ca, song vì gặp phải hoàn cảnh quá khổ, thành thử đệ quên mất?

Nhạc Chân hỏi:

- Hoàn cảnh đau khổ như thế nào đệ có thể nói rõ cho ta biết được không?

Mạnh Bang Kiệt liền đem việc Lưu Nghê đi săn giết chết cha minh đầu đuôi thuật lại một hồi và nói:

- Nay tiểu đệ muốn đi tìm Nhạc Nguyên soái đầu phục, xin quân về báo thù cho cha mẹ.

Hồ Thiên Bảo xen vào nói:

- Ồ, tưởng gì chứ việc ấy có khó chi. Nay Mạnh huynh muốn báo thù thì anh em ta hợp quân lại. Tổng cộng hai cái trại này ít nhất cũng mấy ngàn lâu la, đủ sức báo thù cho Mạnh huynh rồi, hà tất phải đi đâu cho xa?

Mạnh Bang Kiệt nói:

- Đệ nghe Nhạc Nguyên soái là người trung hiếu vẹn toàn, nghĩa khí ít ai bì, nếu anh em mình đầu người ắt công tư lưỡng tiện, chẳng hay hơn sao?

Mấy vị Đại vương gật đầu khen phải, Mạnh Bang Kiệt lại nói:

- Đệ xét thấy chúng mình ở chốn núi non làm nghề này rốt cuộc cũng chẳng ra gì, chi bằng nhóm hết bọn lâu la ở hai núi xuống đầu Nhạc Nguyên soái, nếu quả người là đấng trung quân thì chúng mình tòng phục, lập công lao cho diệu tổ vinh tông, bằng xét kỹ người ấy cũng chỉ là phường giá áo túi cơm thì anh em chúng mình kéo binh tướng trở về núi lại như cũ chớ có sao đâu?

Nhạc Chân nói:

- Chính anh cũng có ý định đó từ lâu, vậy bây giờ chúng ta hãy đi ngay rồi đến đó sẽ tùy cơ liệu định.

Nói rồi truyền lệnh cho lâu la thu hết lương thảo bạc tiền bày tiệc ăn uống say vùi rồi mới dẫn hơn một ngàn lâu la nhắm Ngẫu Đường quan thẳng tiến.

Bây giờ nhắc đến Nhạc Nguyên soái ở tại Ngẫu Đường quan, hôm nay đã đến rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân. Chư tướng đều theo thường lệ sắm sửa lễ vật cúng tế tổ tiên, duy có Ngưu Cao kề vai nói nhỏ với Kiết Thanh:

- Đệ tế tại đây, còn đại ca hãy đem đến trước kia tế cho cách ra, lúc nào tế xong sẽ sai gia tướng nó đem lại ăn uống chung với nhau.

Kiết Thanh khen phải rồi mỗi người bầy bàn cúng tế mỗi nơi.

Ngưu Cao vái lạy rồi nhớ đến mẹ già, khóc rống lên.

Kiết Thanh nghe Ngưu Cao khóc lóc thảm thiết cũng động lòng khóc theo. Tế xong cả hai đều đốt giấy tiền rất nhiều, rồi sai gia tướng bưng hai mâm để chung lại một chỗ cùng nhau ăn uống.

Rượu vừa rót ra, Ngưu Cao bưng lên nói:

- Rượu này là rượu buồn nuốt sao cho trôi? Muốn uống được xin Kiết đại ca hãy ra cái lệnh chi cho vui, họa may khuây khỏa nỗi buồn mới mong uống được.

Kiết Thanh suy nghĩ mãi không tìm ra sáng kiến gì liền nói:

- Thôi Ngưu đệ hãy ra lệnh lấy.

Ngưu Cao nói:

- Nếu muốn đệ ra lệnh thì Kiết huynh phải tuân theo.

- ấy là lẽ tất nhiên, hà tất phải nói.

Ngưu Cao trầm giọng cho ra vẻ nghiêm trọng và bắt đầu nói:

- Đêm nay trăng tỏ, vậy chúng ta lấy trăng làm đề, mỗi người vịnh một bài thơ chơi, nếu vịnh được thì thôi bằng không được phải phạt mười chén lớn.

Kiết Thanh nói:

- Được tất lắm.

Rồi rót một chung rượu đầy vừa uống vừa ngâm:

Vành vạnh như mặt nguyệt

Khi tròn, khi lại khuyết

Ngắm đi rồi ngắm lại,

Tựa hồ con Bạch biếc.

Ngưu Cao vỗ tay cười hềnh hệch nói:

- Sai bét, mặt trăng đâu có giống Bạch biếc. Phải phạt mới được.

Kiết Thanh nói:

- Được rồi, ta chịu phạt nhưng chỉ năm chén thôi nhé.

Ngưu Cao lắc đầu:

- Không thể được, phải uống cạn đủ mười chén, đệ mới chịu.

Kiết Thanh nói:

Được rồi, mười chén thì mười chén, ta sẽ uống nốt, nhưng bây giờ phải đến lượt đệ chứ?

- Phải rồi, đại ca hãy nghe đệ ngâm đây này.

Vừa nói vừa rót một chén cầm trên tay, rồi hắng giọng ngâm:

Rượu rót đầy chung ánh trăng soi

Vui vầy tiệc rượu chốn trần ai

Ngâm thơ cảm thấy lòng khao khát

Trăng, rượu, và chung nuốt hết thôi.

Dứt tiếng ngâm, Kiết Thanh cười ngặt nghẽo và nói:

- Hiền đệ đã ngâm như vậy nhất định đệ phải làm theo, nghĩa là mặt trăng ở trên cao chẳng nói làm gì, riêng cái chung rượu kia phải nuốt luôn ta mới chịu.

Ngưu Cao mỉm cười đáp:

- Chung rượu này còn to hơn cuống họng mà huynh bảo đệ nuốt sao vào?

- Tại vì hiền đệ ngâm "nguyệt, rượu và chung uống hết thôi'' hễ ngâm được thì làm được chứ, bằng không thì phải phạt mười chén vậy.

Ngưu Cao cười xòa:

- Thôi được, phạt thì em chịu phạt chứ cái chén em nuốt không được đâu.

Nói rồi rót rượu uống một hơi sáu bảy chén, vụt đứng dậy chạy. Kiết Thanh ngạc nhiên hỏi:

- Uống chưa đủ số mà em chạy đi đâu?

Ngưu Cao quay lại nói với:

- Xin lỗi đại ca, em đi "giải tỏa" rồi vào ngay đấy.

Nói rồi chạy thẳng qua bên kia bờ núi, đái vọt vào trong đám cỏ rậm. Ngờ đâu trong đám cỏ có một người đang nấp trong đó bị Ngưu Cao đái xối lên đầu, người ấy phải né tránh bị Ngưu Cao trông thấy nắm cổ kéo về khoe với Kiết Thanh:

- Kiết ca ơi, đệ vừa bắt được một thằng gian tế đây này.

Kiết Thanh cười nói nửa đùa, nửa thật:

- Thật là thời vận đệ tốt quá, thậm chí đi tiểu cũng lập được công lao.

Rồi gọi gia tướng thu góp đố tế lễ, đồng thời trói tên gian tế ấy dẫn về đại dinh hầu lệnh.

Ngưu Cao vào thưa:

- Đệ lên thổ sơn bắt được một tên gian tế dẫn về đây xin Nguyên soái liệu định.

Nhạc Phi truyền dẫn vào. Gia tướng vâng lệnh dẫn tên ấy vào quỳ trước trướng. Nhạc Nguyên soái nhìn qua sắc phục biết ngay hắn là gian tế của Kim Phiên, liền giả vờ say quá chén xiên qua xẹo lại nói giọng lè nhè bảo:

- Tại sao lại trói hắn? Hãy mở trói cho hắn mau lên. Nhạc Phi khà khà mấy tiếng lúc lắc chiếc đầu nói tiếp:

- Trương Bảo ơi! Tại sao ta sai ngươi qua Sơn Đông mà ngươi. lại không đi lại nấp đâu đó làm gì cho Ngưu Cao nó bắt được? Còn phong thư ngươi để đâu?

Người ấy làm thinh không dám nói nửa lời. Nhạc Nguyên soái lại nói:

- Trương Bảo, chắc là mi bỏ mất phong thư nên không lấy gì mang đi, mà về cũng không dám về mới trốn tránh như vậy phải không?

Người ấy thấy vậy cười thầm và nói:

- Dạ tội tôi đáng chết.

Nhạc Nguyên soái gật đầu:

- Đúng đấy, tội ấy khó dung, nhưng ta nghĩ dù sao ngươi cũng là đứa tâm phúc của ta, rủi lỡ một lần ta tha, để ta viết một phong thư khác, nhưng ta sợ ngươi lại làm mất nữa hỏng cả việc cơ mật của ta. Ta sẽ không giao thư cho ngươi bằng cách ấy nữa.

Nói rồi lấy bút thảo một bức thư, lấy giấy dầu gói kỹ còn bao sáp ra ngoài rồi sai quân mổ bắp đùi người ấy ra bỏ viên sáp ấy vào khâu lại và dặn:

- Trương Bảo, ngươi phải mang đi cho mau và phải cho cẩn thận nếu còn để thất lạc, ta chém đầu.

Người ấy dạ dạ rồi lạy ta lui ra lập tức. Lúc ấy Ngưu Cao trông thấy Trương Bảo đứng sờ sờ sau lưng Nguyên soái nên lấy làm lạ nghĩ thầm:

- "Lạ thật, dẫu Nguyên soái có say đi nữa cũng không thể nhìn lầm như thế được mà".

Khi người ấy đi rồi, Ngưu Cao lại tức tối hơn nữa, liền bước tới hỏi Nhạc Phi:

- Tại sao Nguyên soái lại gọi tên gian tế ấy là Trương Bảo?

Nhạc Phi cười đáp:

- Đệ hiểu sao được, phàm dụng binh thì phải xảo trá, nay ta chém đứa tiểu tốt ấy có ích gì? Ta có ý định đem binh đi lấy Sơn Đông đã lâu, nhưng quân Kim đến đánh Ngẫu Đường quan thành thử không đi được. Sẵn dịp này ta dụng kế lấy nó làm gian tế cho ta, xem thử tình hình ở đó ra thế nào cho biết.

Bấy giờ chư tướng mới hiểu, ai nấy đều buột miệng khen:

- Nguyên soái mưu cao đệ nhất, nếu không nói ra thì ai hiểu nổi.

Sau đó Nhạc Nguyên soái cắt người qua Sơn Đông dò nghe tin tức Lưu Dự.

Tên gian tế ấy không phải ai mà chính là tên tướng của Ngột Truật tên Hốt Nhĩ Mê. Ngột Truật sai hắn đến Ngẫu Đường quan để thám thính tin tức Nhạc Phi, ngờ đâu bị Ngưu Cao bắt được đem đến ra mắt Nhạc Nguyên soái, hắn bị rạch bắp đùi bỏ phong thư vào rất đau đớn, song trong lòng lại cười thầm, vội chạy thẳng về Hà Giang phủ vào ra mắt Ngột Truật.

Ngột Truật trông thấy Hốt Nhĩ Mê mặt mày vàng mét nghĩ thầm:

"Chắc thằng này đi dọc đường đau ốm chi đây nên mới về trễ kỳ hạn như vậy ".

Ngột Truật chưa kịp hỏi, Hốt Nhĩ Mê đã bẩm:

- Tôi vâng lệnh chúa công tới Ngẫu Đường quan thám thính, khi nấp trong đám cỏ bị Ngưu Cao bắt được đem về nạp cho Nhạc Phi. May thay lúc ấy Nhạc Phi đang say mèm không còn biết ai là ai cả. Gã nhìn lầm tôi là Trương Bảo nên giao cho tôi một phong thư bảo đem qua Sơn Đông giao cho Lưu Dự.

Ngột Truật mừng rỡ hỏi ngay:

- Thư ấy đâu? Đưa đây ta xem thử nào.

Hốt Nhĩ Mê nói:

- Thư trong bắp đùi tôi đây này.

Ngột Truật lấy làm lạ hỏi:

- Thư sao lại ở trong bắp đùi?

Hốt Nhĩ Mê đáp:

- Chỉ vì Nhạc Phi sợ Trương Bảo làm mất nên mới xẻ bắp đùi bỏ vào đó rồi khâu lại; đau đớn khi đi lắm, nên tôi mới về trễ.

Ngột Truật bẻ sáp lấy thư ra xem, thì ra Lưu Dự ước hẹn với Nhạc Phi làm nội công ngoại kích để lấy Sơn Đông. Bức thư này là thư của Nhạc Phi trả lời.

Ngột Truật cả giận mắng:

- Lưu Dự là loài chó săn, ta đãi nó như vậy mà nó còn phản phúc, thật quả là một đứa gian thần còn để nó làm gì nữa.

Mắng rồi, lập tức sai Nguyên soái là Kim Nhãn Đạo tự Ma Lý Chi đem ba nghìn quân thắng qua Sơn Đông bắt hết toàn gia Lưu Dự .chém đầu.

Quân sư Hấp Mê Xi bước ra tâu:

- Xin chúa công chớ vội tin, vì phong thư ấy chưa biết rõ thật giả, chi bằng sai người qua Sơn Đông thám thính hư thật rồi sẽ thi hành nếu không suy xét, chém chết Lưu Dự có phải trúng độc kế của Nhạc Phi không?

Ngột Truật nói:

- Mặc kệ, những đứa gian thần để làm gì? Hãy bắt toàn gia nó giết hết cho ta.

Kim Nhãn Nguyên soái dẫn quân đi liền.

Tại Ngẫu Đường quan, Nhạc Nguyên soái đang ngồi trong trướng bỗng có quân thám tử vào báo:

- Phía ngoài ải gần đại lộ có một đạo binh mã đang đóng dinh trại tại đó.

Nhạc Nguyên soái vội hỏi:

- Có phải quân Phiên không?

Thám tử đáp:

- Chẳng phải quân Phiên, thấy giống hệt quân ăn cướp.

Nhạc Nguyên soái bèn gợi Thang Hoài và Thi Toàn vào dặn:

- Chư đệ hãy ra do thám xem sao. Nếu chúng nó đến đầu thì phải dắt chúng nó về đây.

Hai người vâng lệnh lên ngựa đi ước chừng được mười dặm quả thấy có một đạo binh mã đóng dinh trại tại đó Thang Hoài giục ngựa lướt tới nạt lớn:

- Binh mã ở đâu, đến đây làm gì?

Lâu la chạy vào phi báo, sáu viên tướng ở sơn trại lập tức chạy ra nói với Thang Hoài:

- Chúng tôi là những tướng cướp chiếm cứ núi Ngọa Ngưu, nghe đồn Nhạc Nguyên soái kính sĩ, chuộng hiền nên đến đây quy thuận chẳng hay nhị vị tướng quân tên họ là chi?

Thang Hoài và Thi Toàn nghe nói vội vã xuống ngựa nói:

- Hai anh em tôi là Thang Hoài và Thi Toàn vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đến đây kiểm chứng, nếu liệt vi tướng quân có ý muốn đầu hàng thì xin theo tôi về ra mắt Nguyên soái, xem người định đoạt thế nào.

Sáu tướng đồng thanh nói:

- Chúng tôi cảm phiền nhị vị tướng quân dẫn kiến.

Rồi tám người đều lên ngựa đi thẳng vào thành, khi đến trước dinh, Thang Hoài quay lại nói với sáu tướng:

- Để tôi vào bẩm cho Nguyên soái hay trước rồi sẽ ra mời lục vị vào ra mắt.

Sáu người ấy gật đầu, Thang Hoài và Thi Toàn vào trong ra mắt Nguyên soái bẩm:

- Đạo binh ấy do sáu người cầm đầu. Bọn này là hảo hán ở tại Ngọa Ngưu sơn, nay tình nguyện đến đây quy thuận, hiện còn đứng ngoài dinh hầu lệnh.

Nhạc Nguyên soái mừng rỡ liền cho mời vào. Sáu tướng vào quỳ trước trướng tự xưng:

- Chúng tôi gồm có: Mạnh Bang Kiệt, Nhạc Chân, Hồ Thiên Bảo, Hồ Thiên Khánh, Dư Khánh và Kim Bưu đều ở tại Ngọa Ngưu sơn, vì thấy Lưu Dự bất nhân nên mới đến đây đầu thuận Nguyên soái.

Mạnh Bang Kiệt lại nói tiếp:

- Tôi vốn là con nhà lương dân, cả nhà tôi đều bị Lưu Nghê giết sạch, chỉ có một mình tôi thoát khỏi, may gặp mấy vị hảo hán này thương tình muốn đi báo thù cho tôi, nên tôi khuyên hết mấy người cải tà quy chính đến đây đầu Nguyên soái, vậy xin Nguyên soái phát binh qua Sơn Đông bắt hết cha con Lưu Dự diệt kẻ bán nước cầu vinh và trả thù cho những lương dân chết oan về tay chúng.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Cha con Lưu Dự đầu hàng Kim Phiên, chính Ngột Truật cũng không ưa chúng đâu. Bổn soái đã có cách làm cho chúng nó hại nhau. Để chờ quân thám thính về đây sẽ xem kết quả thế nào. Nếu kế ấy không thành thì bổn soái đích thân đem quân đi báo thù cho tướng quân.

Mạnh Bang Kiệt tạ ơn lui ra. Nhạc Nguyên soái kiểm điểm binh tướng mới hàng, tổ chức thành đội ngũ, y giáp và cờ hiệu đều đổi theo quân Tống. Nhạc Nguyên soái lại làm lễ kết nghĩa anh em với sáu vị hảo hán và bày yến tiệc thết đãi.

Sau đó mấy hôm, Nhạc Nguyên soái đang ở trong dinh bàn luận việc binh pháp với chư tướng bỗng nghe quân báo:

- Thám tử đã về.

Nhạc Nguyên soái vội cho vào hỏi, thám tử bẩm:

- Đứa con lớn của Lưu Dự là Lưu Lân thấy cha và em đem binh đi tàn sát gia đinh Mạnh Thái Công, y đứng ra can gián chẳng được đã nhảy xuống thành tự vẫn. Sau đó Ngột Truật lại sai một vị Nguyên soái là Kim Nhãn Đạo tự Ma Lý Chi dẫn ba ngàn quân đến bắt hết cả nhà Lưu Dự giết sạch, duy có một đứa con thứ Lưu Nghê mắc đi săn bắn, nghe được tin ấy vội vã trốn mất nên mới thoát, song chẳng biết đi đâu.

Nhạc Nguyên soái khen và thưởng cho tên thám tử một tấm ngân bài rồi bảo y tiếp tục đi do thám nữa.

Thám tử tạ ơn lui ra.

Nhạc Nguyên soái lại nói với Mạnh Bang Kiệt:

- Lưu Dự đã chết rồi chắc hiền đệ đã mát ruột phần nào, duy còn Lưu Nghê đợi khi nào bắt được nó sẽ cho mổ lấy gan tế lệnh tôn.

Mạnh Bang Kiệt cũng như chư tướng đều bái tạ lui ra, ai về dinh nấy.

Nhắc qua Kim Nhãn Đạo Ma Lý Chi giết chết Lưu Dự xong còn tịch thu hết gia sản đem về Hà Giang phủ phục lệnh. Ngột Truật bèn lấy của ấy đem phân phát cho tướng sĩ rồi truyền lệnh:

- Nay Nhạc Phi ở tại Ngẫu Đường quan ngăn trở binh ta chẳng hay có ai dám đi cướp ải ấy chăng?

Vừa dứt lời, bỗng có Thái tử Hồ Hãn bước ra xin đi.

Ngột Truật nói:

Vương huynh hãy đem mười vạn binh mã đến đó, song phải hết lòng đánh phá mới được.

Hồ Hãn lĩnh mệnh kiểm điểm binh mã, lại có một bọn Nguyên soái và bình chương theo yểm trợ. Hồ Hãn rời khỏi Hà Giang phủ rầm rộ kéo đi, nhắm Ngẫu Đương quan thẳng tiến. Quân thám tử của Nhạc Nguyên soái trông thấy vội chạy về phi báo:

- Nay có Thái tử Kim quốc là Hồ Hãn đem mười vạn quân đến quyết lấy Ngẫu Đường quan của ta, hiện chúng còn cách đây không xa.

Nhạc Nguyên soái sai quan Chánh Ty điểm quân làm bốn đội mỗi đội gồm năm ngàn. Châu Thanh lãnh một đội qua phía chính Nam đóng dinh ngăn giặc. Triệu Vân lãnh một đội đóng về phía Tây, Lương Hương lãnh một đội đóng về phía Đông, còn Kiết Thanh lãnh một đội đóng về phía chính Bắc để tiếp ứng.

Bốn tướng theo lệnh kéo quân phân tán lập tức. Nhạc Nguyên soái hiệp với chư tướng đóng tại trung dinh để phòng quân Phiên cướp ải.

Khi Hồ Hãn kéo binh đến còn cách ải chừng mười dặm, truyền lệnh:

- Bây giờ trời đã tối rồi, ta hãy đóng quân nghỉ ngơi, đợi sáng mai sẽ xuất quân phá ải.

Ba quân được lệnh lập tức an dinh hạ trại. Hồ Hãn bèn lập đại dinh nhắm ngay ải Ngẫu Đường quan, nhưng lại nghĩ:

- "Lúc trước tại núi Thanh Long, binh mã ta hơn mười vạn cũng bởi ta không đề phòng, cho nên Nhạc Nam man một người một ngựa xông vào phá dinh, giết quân ta thây nằm chật đất, máu chảy tựa sông, nếu hôm nay lại bị như vậy nữa thì còn mặt mũi nào nhìn thấy phụ vương và em trai ta".

Nghĩ rồi mật truyền cho quân sĩ đào hầm trước trướng và hai bên lại mai phục móc câu sẵn sàng đề phòng quân tướng Nhạc Phi ăn quen mò đến là sập bẫy ngay.

Quân sĩ răm rắp vâng lệnh, chỉ trong chốc lát cạm bẫy đã được bố trí đâu đó xong xuôi. Một người diện mạo giống như Hồ Hán, mặc y phục, nguyên soái ngồi tại trước trướng, hai bên đốt hai cây nến sáng trưng, còn Hồ Hãn thì yên trí lui vào dinh sau ngủ chờ tin thắng trận!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK