Trong Thái Cực điện chứa đầy vàng ngọc, rường cột trạm trổ. Chính giữa đài cao thì treo tầng tầng lớp lớp gấm vóc buông rủ, cùng với những vòng trang sức lộng lẫy. Tư Mã Trung đang ngồi trên ngai vàng rực rỡ, mỗi bên trái phải có đặt một vài cái ghế nhỏ, ngồi bên trái là Dương Hiến Dung, còn bên phải là Tư Mã Luân. Phía dưới có rất nhiều người, đều là dòng họ Tư Mã đến triều để chúc mừng.
Đúng như dự đoán của A Diệu, đêm tân hôn đầu tiên của Hiến Dung cũng không quá khó khăn. Ngốc cũng có chỗ tốt của ngốc, Hiến Dung chỉ cần dỗ Tư Mã Trung uống mấy ly rượu, cả thiên hạ liền có thể thanh tịnh lại. Nàng là người học y, biết rõ trên giường trải tấm lụa màu trắng là có tác dụng gì, vì vậy chỉ cần cắt ngón tay liền có thể đánh lừa được.
Một đám người trong cung điện bắt đầu tiến lên yết kiến hoàng hậu theo cấp bậc chính thức của họ. Kê Thiệu đứng ở phía sau hoàng đế, hắn biết tân hoàng hậu đối với một số hoàng thân quốc thích không quen thuộc, hắn liền thấp giọng giới thiệu cho nàng. Đầu tiên là huynh đệ thân cận của hoàng đế, được sắp xếp theo tuổi tác, mặc dù mười sáu người đều sống đến tuổi trưởng thành, nhưng đến khi bọn họ trưởng thành lại chết nhiều hơn, hiện tại chỉ còn lại năm người đứng ở đây.
Tư Mã Trung là lão nhị, lão đại cùng mẫu thân của ông ấy đã chết sớm, nếu không ngôi vị hoàng đế cũng không đến phiên Tư Mã Trung. Lão tam là Tư Mã Giản đã chết vì mắc bệnh dịch ở tuổi ba mươi. Tư Mã Giản và Tư Mã Trung đều là do hoàng hậu sinh ra. Lão tứ thì chết yểu. Lão ngũ chính là Sở Vương Tư Mã Vĩ, bị Giả Nam Phong giết mười năm trước. Và lão lục là Trường Sa Vương Tư Mã Nghệ, là một người to béo, dáng người gần giống với lão nhị ngớ ngẩn Tư Mã Trung. Kế đến là lão thất Hoài Nam Vương Tư Mã Doãn, là người hiền lành trung thực, biết sống an phận thủ thường. Lão bát là Ngô Vương Tư Mã Yến, có bệnh về mắt và không thể nhìn rõ đồ vật. Lão cửu Thanh Hà Vương Tư Mã Hà vừa qua đời vì bệnh vào năm ngoái, từ đó đứa con trai nhỏ của ông là Tư Mã Đàm kế vị làm Thanh Hà Vương. Tiếp theo là Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh, sau hắn là Dự Chương Vương Tư Mã Xí nhỏ tuổi nhất. Tư Mã Xí chỉ mới mười sáu tuổi, nhỏ hơn Hiến Dung một tuổi, vóc người hơi nhỏ bé, mặt mũi trông khá kính cẩn ngoan ngoãn.
Trong số năm thân vương, những người còn lại đều tầm thường và không có đặc điểm gì đặc sắc, riêng chỉ có Tư Mã Dĩnh là người được chú ý nhiều nhất. Cho dù triều phục mà Vương Công Tư Mã Dĩnh mặc giống với những người khác y như đúc, thì hắn cũng phải bỏ công sức để chăm chút về phần cổ áo, tay áo và phụ kiện để thể hiện sự khác biệt của mình với những người khác. Vào ngày hôm qua, hắn đã cố tình quấy rối Hiến Dung trước buổi lễ phong hậu, và bây giờ trông hắn vẫn phong lưu phóng khoáng khi đứng trong triều đình, ngay tại thời khắc này hắn vẫn đang nhìn chằm chằm Hiến Dung không chút do dự. Lúc hắn cúi lạy thì càng làm cho có lệ, dăm ba câu chúc tụng cũng là tùy ý, như nghĩ một đằng nói một nẻo vậy.
Tư Mã Dĩnh này quá càn rỡ, hoàng đế thì chỉ biết cười ngây ngô. Có một quả bom ở bên mình sẽ nổ lúc nào không biết như thế, Hiến Dung thật sự không thể có bất kỳ ảo tưởng nào về cuộc sống sau này của nàng trong chốn hậu cung.
Kế đến là họ hàng dòng bên, người đầu tiên có huyết thống gần nhất là Tề Vương Tư Mã Quýnh. Những người con trai duy nhất của Tư Mã Chiêu còn sống đến tuổi trưởng thành, chính là người con cả Tư Mã Viêm và người con thứ Tư Mã Du. Cha của Tư Mã Quýnh là Tư Mã Du, Tư Mã Du được Tư Mã Sư nhận nuôi vì ông không có con, vì vậy Tư Mã Quýnh được xem là một nhánh của Tư Mã Sư. Tư Mã Quýnh còn là đường đệ của hoàng đế Tư Mã Trung hiện giờ.
Tề Vương Tư Mã Quýnh vẫn là kiểu người mây nhạt gió nhẹ như vậy, ít khi giao thiệp với người khác, dường như hắn không đặt mình vào trong vòng xoáy ngầm đang cuồn cuộn sóng lớn của triều đình, mà như đang đứng ở nơi núi non trùng điệp vạn trượng. Tất cả các nghi thức đều được y thực hiện tốt, không chê vào đâu được, chỉ có lúc quỳ lạy, y giương mắt nhìn Hiến Dung một chút, khiến Hiến Dung thoáng thấy trong mắt y lộ ra tia sáng sắc bén như lưỡi dao, song ngay lập tức liền biến mất.
Trong số các hoàng tộc dòng bên còn sót lại, có hai vị vương từng qua lại với nàng, đó là: Đông Hải Vương Tư Mã Việt và Lang Nha Vương Tư Mã Duệ. Tư Mã Việt đã từng có ý định kết thân với nàng, nhưng khi ấy, nàng bị A Diệu và A Lạc uy hiếp trên đường đến gặp hắn và kể từ đó cuộc đời nàng đã có bước ngoặt lớn. Bản thân Hiến Dung đối với Tư Mã Việt không có chút hứng thú, nhưng khi nghĩ đến đoạn chuyện xưa cũ vừa qua, nàng lại không khỏi thở dài nhìn Tư Mã Việt đang quỳ gối kính cẩn chúc mừng.
Ngày hôm nay, tu đạo vương cũng đã khoác lên mình triều phục mà không phải là áo đạo sĩ mỗi ngày không rời thân, khóe miệng hắn vẫn mang theo một tia cười khiêm tốn. Vẻ mặt hắn rõ ràng không tệ lắm, nhưng nàng không hề có chút nhớ nhung gì, nếu như ném hắn vào trong đám người sẽ khiến người ta quên mất sự tồn tại của hắn.
Rồi khi nàng nhìn thấy Tư Mã Duệ với bộ dạng tiều tụy phờ phạc, trái tim nàng không khỏi thắt lại.
Tư Mã Việt và Tư Mã Dĩnh, thậm chí hơn mười năm trước còn có Tư Mã Quýnh, mặc dù những người này đã từng cùng Dương gia nghị hôn, nhưng đó đều là hôn nhân chính trị. Chỉ có Tư Mã Duệ là người theo đuổi nàng kiên định nhất, là người thực sự thích nàng. Nhưng hôm nay hai người gặp nhau, dường như đã trải qua mấy đời. Trông thấy dáng vẻ thất thần, hồn bay phách lạc của Tư Mã Duệ lúc quỳ xuống, mũi của Hiến Dung lập tức chua xót khi nghe hắn nói lời chúc mừng, những lời ấy như tan thành từng mảnh. Nếu năm đó nàng không cãi lời cha, thuận lợi gả cho Tư Mã Duệ, sao có thể bị người khác lợi dụng, sa vào vũng bùn này?
Nếu thời gian có thể quay ngược trở lại, nàng sẽ không còn tự cao tự đại nữa, mà làm theo ý cha mẹ mình và bình yên sống đến hết quãng đời còn lại.
*****
Các tông vương yết kiến suốt hai canh giờ, Hiến Dung phải ngồi thẳng người, nên cảm thấy đau ở mông, cổ thì cứng đờ và khó chịu khắp cả người. Nàng đã đếm đại khái, có đủ các vị vương, cũng như con trai và cháu của họ, tổng cộng có tới một trăm người.
Việc thích phong đất phong hầu cho các vị vương cùng họ của Tây Tấn quả thực là đứng đầu các triều đại. Những vị vương cùng họ này không phải là tước hiệu giả, mà là có phong ban thực sự. Ở trong thái ấp của họ không chỉ có triều đình nhỏ cho riêng họ, mà họ còn có thể tự thu thuế và thậm chí có quân đội của riêng mình. Người sáng lập ra triều đại Tây Tấn là Tư Mã Viêm, ông không phải là một kẻ ngốc, tại sao ông ta lại thích phong đất phong hầu cho các vị vương cùng họ như vậy?
Chuyện này phải nói từ thủ đoạn nhà Tư Mã cướp lấy ngôi vị hoàng đế.
Ba đời tổ tiên của Tư Mã Ý đã dựa vào việc ngấm ngầm chịu đựng, dựa vào sự tàn nhẫn cay độc để thâu tóm chính quyền Tào Ngụy và lên thay thế. Thêm nữa, muốn thu phục các thế gia hùng mạnh để ổn định vương vị thì đương nhiên phải làm lợi cho những người ủng hộ. Việc ban ra Cửu phẩm trung chính chế là con đường để đảm bảo rằng những môn phiệt sẽ được hưởng vinh hoa phú quý từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nhưng Tư Mã Viêm cũng biết, tuyệt đối không được nuôi quá béo những đại gia tộc này, lại càng không được cấp binh quyền cho họ. Thế là Tư Mã Viêm chơi trò "nhường ngôi", vạn nhất quyền thần nào cũng chơi chiêu này thì sao? Tào Ngụy không có kiểu đề cao gia tộc, vì thế nhà họ Tào đã để họ Tư Mã vây quanh chơi đùa mà không có một hoàng tộc họ Tào nào nổi dậy làm phản. Vì vậy, Tư Mã Viêm đã rút ra được bài học, đồng thời ban hành Cửu phẩm trung chính chế cho các môn phiệt, cắt giảm bớt binh mã và các châu quận, phong tước cho các vương cùng họ ở các nơi, bổ nhiệm các thân vương thân cận giám sát việc quân sự của các quận. Những tính toán của ông bắt đầu vang lên leng keng, ông dùng những vị vương cùng họ để kiềm hãm những công thần và phía họ hàng hoàng thái hậu, hoàng hậu hoặc thái phi. Ông muốn đảm bảo chắc chắn rằng giang sơn to lớn này sẽ chỉ luân chuyển trong gia tộc Tư Mã từ đời này sang đời khác.
Đáng tiếc nó chỉ truyền lại cho con trai ông ta và trò chơi phong đất phong hầu trong dòng tộc không thể chơi được nữa. Tư Mã Viêm ngàn tính vạn tính lại bỏ sót chỗ đáng sợ của việc phong vương cùng họ chính là: Cái giá quá thấp cho việc cướp ngôi. Những vị tông vương này đều có binh lính và thuộc hạ riêng, và họ không cần phải thay đổi triều đại nếu họ chiếm đoạt ngai vàng. Đã là chuyện nhà của hoàng đế, quần chúng hóng chuyện đương nhiên sẽ không ngẩng đầu lên phản đối. Còn những công thần có ngã theo chiều nào đi chăng nữa thì họ Tư Mã vẫn thống trị thiên hạ như thường. Đặc biệt là khi một kẻ ngốc ngồi trên ngai vàng thì đúng thật là một cái nôi để nuôi dưỡng những kẻ dã tâm.
Dương Hiến Dung nhìn quanh bốn phía, thấy phía dưới vô số ánh mắt đang nhìn chằm chằm vào chiếc ghế dưới thân hoàng đế. Trong tất cả những ánh nhìn, đáng sợ nhất là ánh nhìn của người đứng ở phía sau rất xa. Người này khoảng bốn mươi tuổi, vóc người trung bình, có khuôn mặt vuông, mắt thì to như mắt bò, trông giống kiểu người đa nghi mang lòng dạ xấu xa. Lúc này ông ta đang nhìn chằm chằm nơi giữa đài cao, trên khuôn mặt gian xảo của ông ta thỉnh thoảng hiện lên vẻ thèm thuồng nhỏ dãi. Hiến Dung liều mạng tìm kiếm trong đầu, suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng nàng cũng nhớ ra tên của người này, chính là Hà Gian Vương Tư Mã Ngung. Nội tổ phụ của ông ta là Tư Mã Phu - người này là người đệ thứ ba của Tư Mã Ý, thế nên Tư Mã Ngung là thúc phụ của hoàng đế hiện giờ.
Nàng dường như có thể nghe thấy âm thanh nuốt nước bọt khắp bốn phía, khiến người khác không khỏi rùng mình. Trong tiếng chúc mừng của cả sảnh đường, Hiến Dung không kiềm chế được thân thể khẽ run rẩy. Trong nháy mắt nàng đã hiểu ra một đạo lý. Quả bom bất cứ lúc nào cũng có thể nổ tung bên cạnh nàng không phải là con khổng tước cao ngạo đứng phía dưới kia, mà chính là Tư Mã Trung - vị trượng phu thật thà với chỉ số thông minh thấp đang ngồi bên cạnh nàng đây.
*****
Gặp những người trong dòng tộc ở điện Thái Cực xong, Hiến Dung quay trở về tẩm điện Hiển Dương của nàng để tiếp kiến các phi tần trong cung. Cung điện nơi Giả Nam Phong sống trước đây là Thê Phụng cung, là cung điện xa hoa nhất trong toàn bộ cung điện. Hiến Dung không muốn sống ở đó, chưa kể nàng không quen với nếp sống vàng son lộng lẫy như thế, chỉ nghĩ đến việc Giả Nam Phong từng tác oai tác quái ở đó bao nhiêu năm đã khiến nàng hoảng sợ. Vì vậy, Hiến Dung đã chọn một cung điện khác ít phô trương hơn, cách điện Sùng Quang của hoàng đế hơi xa, cũng là để tâm lý của nàng dễ chịu hơn một chút.
Trở lại Hiển Dương điện, ngoài dự liệu của Hiến Dung chính là, nàng vốn tưởng rằng sẽ nhìn thấy một đám oanh oanh yến yến nhưng không ngờ tới chỉ có bốn cung nữ hướng nàng dập đầu hành lễ.
Khi chuẩn bị xuất giá ở Triệu Vương phủ, Hiến Dung đã bị các ma ma trong cung dạy dỗ và huấn luyện rất dứt khoát. Phi tần trong hậu cung được chia làm mười hai đẳng. Nhất đẳng là Quý tần, nhị đẳng là Phu nhân, tam đẳng là Thục phi, tứ đẳng là Thục Viện, tiếp dưới nữa là Chiêu Nghi, Chiêu Hoa, Tu Dung, Tu Nghi, Tiệp dư, Dung Hoa, mỹ nhân, lương nhân. Hậu cung lúc trước của Tư Mã Trung có người nữ đanh đá kia giữ cửa, nên không có lấy một người nữ nào ở ba đẳng trước. Ngay cả Tạ Cửu hầu hạ Tư Mã Trung lâu nhất, còn hạ sinh Thái tử Tư Mã Thông, song cũng chỉ nằm ở mức tứ đẳng là Thục Viện. Nhưng cuối cùng Giả Nam Phong cũng đã bày mưu vu cáo Thái tử mưu phản, để đem Tạ Cửu mà ả ta căm hận từ lâu bắt nhốt vào thành Kim Dung và bức giết luôn Tạ Cửu. Hiện giờ trong hậu cung của Tư Mã Trung, đẳng cấp cao nhất cũng chỉ là một Chiêu Nghi - Vương Lương Mỹ thuộc hàng ngũ đẳng, nàng là thứ nữ của Vương gia Thái Nguyên không được sủng ái, cũng là người có lai lịch nhất trong hậu cung của Tư Mã Trung rồi. Lúc Giả Nam Phong còn ở đây, thế gia đại tộc nào dám đưa nữ nhi của họ vào hậu cung chứ? Giả Nam Phong cũng tuyệt đối không cho phép các đại gia tộc dùng thủ đoạn nhét nữ nhi nhà mình vào để can thiệp việc triều chính.
Sau khi Giả Nam Phong chết, hậu cung tạm thời do Vương Lương Mỹ quản. Cũng chỉ có ngần này người thì có bao nhiêu việc đâu chứ. Tỷ ấy đã ba mươi tám tuổi, không con cái, dáng vẻ khô héo tiều tụy, trông như đang chờ chết. Nhìn thấy Vương Lương Mỹ, Hiến Dung sợ xanh mặt. Tỷ ấy đã làm góa phụ trong hậu cung ăn thịt người này hơn hai mươi năm, thật không dễ dàng gì để chịu đựng và sống sót cho đến khi Giả Nam Phong chết, và chính tỷ ấy cũng sắp trở thành ngọn nến tàn trong gió rồi.
Tiếp theo là hai vị mỹ nhân Phượng Hỉ và Thụy Tú, đều xuất thân thứ tộc, vốn là cung nữ hầu hạ bên người Tư Mã Trung. Mặc dù Tư Mã Trung bị Giả Nam Phong áp chế gắt gao, song hắn vẫn có thể tìm cơ hội để trộm thịt sống, cung nữ bên người chính là cách tốt nhất. Những người có ngoại hình nổi bật, hoặc những người quá chu đáo đã bị tẩy sạch từ lâu và chỉ những người có ngoại hình bình thường và thái độ bảo sao nghe vậy mới có thể tồn tại. Hai người bọn họ sau khi được sủng ái, cũng đã tự giác uống xong món canh tuyệt tử, không bao giờ dám xuất hiện trước mặt hoàng đế và sống nơm nớp lo sợ cho đến ngày hôm nay.
Người cuối cùng tên là Nhụy Nhi, là người trẻ tuổi nhất, trạc tuổi với Hiến Dung, vừa được phong làm lương nhân. Người này xuất thân từ một gia đình thấp kém, là con gái của một người bán thịt, và vốn là thị nữ của Triệu Vương phủ. Sau khi Giả Nam Phong chết, Tư Mã Luân sợ hoàng đế để đó quá lâu nên tùy tiện tìm một nữ tỳ nhét vào, trái lại được Tư Mã Trung khá thích.
Sau khi nhìn thấy bốn người này, ma ma lại dắt vào một đứa trẻ khác. Đứa trẻ này ước chừng khoảng bốn tuổi, mi thanh mục tú, trong mắt thỉnh thoảng thoáng qua tia hoảng sợ, cậu nắm chặt góc áo của ma ma, như thể sợ hãi mọi thứ. Dưới sự chỉ bảo của ma ma, đứa trẻ quỳ xuống dập đầu, rụt rè gọi: "Hoàng tổ mẫu."
Tiếng kêu này suýt nữa khiến Hiến Dung trượt khỏi ghế. Nàng mới mười bảy tuổi, lại bị một đứa trẻ bốn tuổi gọi là Hoàng tổ mẫu, trong lòng Hiến Dung không khỏi ai thán, đây là cái thể loại gì vậy chứ!
Đứa trẻ này là Tư Mã Tang, là con của thái tử bị phế Tư Mã Duật. Tư Mã Duật có ba người con trai, Giả Nam Phong đã nhốt cả nhà Tư Mã Duật vào thành Kim Dung, không lâu sau thì ả ta đầu độc chết Tư Mã Duật, hai người con trai của y cũng gặp tai ương. Chỉ có Tư Mã Tang còn quá nhỏ, may mắn được sống sót.
*****