Mục lục
Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lê Lợi lại hỏi han, Trần Nguyên Hãn ở trận Sái Già mém giết cả Trương Phụ lẫn Mộc Thạnh, võ khí chiến giáp lại đặc biệt như thế, liệu có bị kẻ có tâm nhìn thấu thân phận hay chăng. Thì y nói:



“ Tôi đương nhiên đâu dại gì mang phiền phức về cho ngài? Có câu chó khôn mang cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà. Lúc gặp mặt bọn quan lại, tôi giả làm thư sinh. ”



Té ra Trần Nguyên Hãn từ hồi nói chuyện đã nể bà Thương, có ý theo rồi, nhưng còn phải đợi Lê Lợi về để xem vị chúa công trẻ tuổi này tài ba thế nào rồi mới quyết được. Bà lại chỉ cho cậu ta một cách để vừa tăng thanh thế cho sơn trại, lại vừa dò la được thái độ của đám quan lại mới về. Trần Nguyên Hãn một mực giả làm thư sinh trói gà không chặt, còn một kị binh dưới trướng thì giả làm chiến tướng lực sĩ.



Nếu bọn cường đạo chung quanh nào mà hai người nghi ngờ là tai mắt của Trương Phụ, thì kéo nhau đến diệt đi, là tăng được thanh thế mà không sợ bại lộ chân tướng. Quân kị của Trần Nguyên Hãn vốn đã tinh nhuệ, lại dẫn thêm mấy chục quân nữa giả làm hương binh, bản thân y lại đứng sau lược trận, có thể nói là tuyệt không thể có sơ hở gì, cường bạo bình thường chỉ có nước chịu chết. Thế là chỉ trong hai ngày đã dẹp được tám trại lớn nhỏ, thanh thế thực là kinh hồn bạt vía.



Bấy giờ y mới lân la gặp đám quan lại, dò hỏi chuyện đánh sơn trại lớn nhất Lam Sơn chính là nơi Vũ Uy đóng lại. Đến lúc này Trần Nguyên Hãn lại muốn tự mình lên khiêu chiến, xem xem dưới trướng Lê Lợi rốt cuộc có bao nhiêu hãn tướng, thành thử mới có chuyện đấu nhau với Lê Sát.



Xong xuôi chỉ cần cho quân kị dưới trướng giả bại, thế là một công đôi việc.



Trần Nguyên Hãn giải thích được đầu đuôi mọi chuyện, nay thấy sắc trời đã ngả về chiều, bèn đứng dậy từ tạ. Nói đoạn lại lấy một phong thư, bảo là của Nguyễn Trãi gửi cho Lê Lợi, dặn ngày mai lúc nghị sự với chư tướng thì hẵng mở ra xem.



Lê Lợi tiễn y ra đến cửa, rồi quay trở vào, bấy giờ mới phát hiện Ngọc Lữ đã bày biện cơm nước sẵn cho từ lúc nào. Ngặt một nỗi, bấy giờ nàng ăn mặc như bậc nam nhi, đầu đội khăn chít, tóc búi củ hành, lại gắn ở mép hai hàng ria con kiến.



Chàng nhìn vợ, biết bấy lâu nay chàng ra trận, nàng ở nhà hẳn là ăn vận làm thế thân của chàng để che mắt thiên hạ, mà nay Ngọc Lữ ăn mặc như thế này ra gặp chàng hẳn cũng là ý của bà Thương, để Lê Lợi biết chàng ra trận có cực khổ bao nhiêu thì người ở nhà cũng không ngồi yên một chỗ.



Lê Lợi kéo vợ ngồi xuống cạnh mình, lúc này chuyện công đã giải quyết xong, mới có chút thời gian nói chuyện nhà. Chàng vắng nhà mấy năm, mà hương tóc nàng vẫn như xưa, dung mạo vẫn thùy mị nết na như hồi mới cưới, chỉ có sâu trong đôi mắt là vẻ mệt mỏi.



Lúc này Lê Lợi mới nói:



“ Cực khổ cho mình, ba năm nay phải sống bằng hai người thường. ”



Một câu này chàng nói tuy là nhẹ nhàng, nhưng ý vị chất chứa e chỉ người từng trải mới hiểu nổi. Một năm liền, giữ hai bộ mặt, hai thân phận, hai tính cách, mệt mỏi biết bao?



Ngọc Lữ tựa vào ngực chồng, nói nhỏ:



“ Thực ra cũng không vất vả lắm. Việc nữ công gia chánh ở nhà đã có kẻ hầu người hạ lo, bình thường thiếp cứ giả làm chàng dạo làng một chuyến, tối vào buồng chong đèn đọc sách là chẳng ai ngờ được. ”



Đến đây thì nàng lại nhắc:



“ Duy có chuyện này là hơi ấm ức. ”



Thì ra năm đó Lê Lợi vội vã xuất quân cứu viện cho vua Trùng Quang ở Ngọc Ma, nàng ở nhà vẫn chưa bầu bí gì. Nhưng nếu Ngọc Lữ cả năm trời không ra khỏi cửa ắt khiến người ta nghi ngờ. Thế là bà Thương cho nàng giả có thai, ở nhà tịnh dưỡng. Mỗi khi xuất hiện cũng phải nhồi lá vào bụng như có chửa, mà cũng chỉ nói chuyện linh tinh trước cửa với mấy bà làm đồng một chốc rồi phải lấy cớ chóng mặt váng đầu vào ngay.



Cứ thế cũng giấu được một năm…



Qua năm tiếp theo, thì bà Thương lại để nàng giả bị hỏng thai, ốm dầm dề trốn riệt ở trong phòng, thực chất là giả làm Lê Lợi đi thị sát chuyện ruộng nương đê điều, vậy là lại giấu được sự vắng mặt của nàng thêm một năm nữa.



Sau đó bí kế, đành nói với chòm xóm là Ngọc Lữ xấu hổ, sợ chòm xóm bàn tán là không biết đẻ, nên cứ trốn riệt ở trong nhà.



Lê Lợi trộm nghĩ, lại cười:



“ Ngày trước ta xin chiếu thư về cưới mình, đúng là lấy cớ để nối dõi tông đường, mà vội vã hành quân chưa có được đứa nào. Nay bị mang tiếng thế này, xem ra là quả báo đấy. ”



Ngọc Lữ bèn nói:



“ Tiếng xấu này thì chỉ là quả báo phần thiếp, còn mình thì mai mới phải chịu quả. ”



Cơm nước xong xuôi, Lê Lợi còn chong đèn đọc sổ sách tới khuya mới vào buồng ngủ.



Tuy là vợ chồng trẻ lâu ngày mới gặp, nhưng chàng biết bấy giờ đại nghiệp mới đến bước đầu, phía trước sẽ còn nhiều chông gai thử thách, nên không thể để bản thân quá buông lỏng.



Song… dù sao cũng là vợ chồng son, hương lửa mặn nồng cũng là chuyện thường tình.



Đến sáng thì Lê Lợi lại cho gọi các tướng đến gặp mặt.



Vũ Uy, Lê Lễ, Nguyễn Xí không tiện đến, tránh tai vách mạch rừng, nên thường thường trong buổi nghị sự, có những chuyện gì quan trọng thì khắc vào thẻ tre, đóng thành bó, sau đó thả qua đường nước ngầm đến cái giếng, sẽ có người mò.



Lần này xuất hiện, có mấy người là Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú, Đinh Lễ. Còn nhóm Lê Sát, Lê Văn An đều đã theo đường ngầm đến phủ từ sáng. Lại có thêm mấy người mới là Lê Thạch, Lê Khôi, Đỗ Bí, Lí Triện, Doãn Nỗ, Bùi Quốc Hưng…v.v… là mấy người mới. Thạch và Khôi còn là con của Lê Học, Lê Trừ, gọi Lê Lợi là chú.



Trong buổi nghị sự, mọi người đề nghị Lê Lợi sớm chọn ngày xưng vương, dấy binh khởi nghĩa. Chàng bèn nói:



“ Ta trước làm chức Kim Ngô tướng quân triều Trần, tuy công tích không cao, nhưng cũng là ăn lộc vua làm việc nước, nghĩa vua tôi chẳng cạn, ơn quân thần còn đó. Nay vua Trùng Quang còn chưa rõ sống chết thế nào, mà ta đã tự xưng vương một cõi, thế thì có khác gì bọn loạn thần tặc tử, bất trung bất nghĩa mà người đời vẫn thường phỉ nhổ? Lam Sơn ta nếu không có nhân nghĩa, sau này sao mà đứng giữa trời đất? Chuyện này chờ khi có tin tức của vua Trùng Quang rồi tính, mọi người đừng khuyên can nữa. ”



Bấy giờ lại có Bùi Quốc Hưng lên tiếng tâu trình. Người này có tuổi nhất, đến nay đã ngoài ngũ tuần, còn già hơn cả Vũ Uy, nên uy vọng cũng không nhỏ:



“ Bẩm chủ công, ở phía Vạn Lộc có Nguyễn Chích chung chí chống giặc, dựa vào một nhúm quân ô hợp mà đụng trận với giặc mấy lần không bại, nếu như ta chiêu hàng được y thì hay lắm. ”



Lê Lợi bèn nói:



“ Người này đương nhiên phải mời, nhưng e là giặc cũng muốn lung lạc y. Tài của y ta đã thấy, nhưng cái đức còn phải xem, tránh để phải chuyện nuôi ong tay áo. Chuyện ấy chẳng một sớm một chiều mà xong được, nhưng có một việc ta phải làm ngay. ”



Đoạn bảo các tướng từng đánh Minh dưới cờ Hậu Trần lấy túi gấm mà Đặng Dung đã đưa ra. Cả Lê Sát cũng đem túi gấm của mình đặt lên bàn.



Mọi người rút giải dây mở túi, thì té ra là một đống giấy, mỗi dải dài cỡ hai ngón tay. Lưu Nhân Chú lướt mắt một cái, biết ngay mỗi mảnh giấy là một phần của bức mật thư, phải ghép lại chỉnh tề mới đọc được.



“ Sao lần này quan Bình Chương lại cứ chơi trò thần thần bí bí thế này nhỉ? Bình thường đâu có như vậy? ”



Lê Sát lên tiếng.



Mọi người ghép chữ lại với nhau, thì được một bài thơ, thơ rằng:



Lam Sơn tự tích ngoạ thần long

Thế sự huyền tri tại chưởng trung

Ðại nhiệm hữu quy thiên khải thánh

Xương kỳ nhất ngộ hổ sinh phong

Quốc thù tẩy tận thiên niên sỉ

Kim quỹ chung tàng vạn thế công

Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu

Thế gian na cánh sổ anh hùng.



( Dịch nghĩa:



Từ xưa khi rồng thiêng còn nằm ở Lam Sơn

Mà việc đời huyền nhiệm đã biết rõ ở trong lòng bàn tay

Khi gánh nặng trao về một người thì trời báo cho thánh nhân biết

Khi đời thịnh được gặp thì hổ sinh ra gió

Đã rửa sạch nỗi nhục ngàn năm của thù nước

Cuối cùng đã cất giữ cái công muôn thuở trong rương vàng

Từ nay việc chỉnh đốn đất trời đã xong

Trên đời rút cuộc có được mấy người anh hùng như thế ?



Dịch thơ – bản dịch Đào Duy Anh:



Lam Sơn từ thuở rồng chưa bay,

Từng liệu việc đời nắm giữa tay.

Trao gánh non sông trời báo triệu,

Gặp thì mây gió cọp sinh vây.

Nước hờn rửa nhục nghìn năm sạch,

Hòm quý vùi công vạn thuở này.

Chỉnh đốn càn khôn thôi tự đó,

Anh hùng, thiên hạ kể chi đây. )



Điểm kì lạ, lạc khoản ở đây chẳng đề tên Đặng Dung, mà đề hai chữ Hộ Long.



Mọi người nhìn nhau, chẳng hiểu tại sao y lại xé nhỏ bài thơ này, giấu trong túi gầm để mọi người ghép lại. Lại nói, tại sao lạc khoản lại đề là Hộ Long? Tại sao bài thơ lại tỏ tường cái ý xưng vương của mọi người, thậm chí tiên đoán cả việc đại công cáo thành?



Bấy giờ, lại có Lí Triện kêu to:



“ Trong túi cũng có chữ! ”



Lại mở búi chỉ thêu, thì phát hiện bên trong túi gấm có đính một mảnh lụa trắng, trên đề mấy chữ đỏ. Ghép cả túi gấm của Lê Lợi, Lê Văn An, Lưu Nhân Chú, Lê Sát lại thì được mười bốn chữ rằng:



“ Linh Sơn chi thực tận kiêm tuần,

Khôi Huyện chi chúng vô nhất lữ. ”



Mọi người lại càng chẳng hiểu chuyện gì, nhất thời như gà mất đầu.



[ Lẽ nào Đặng Dung có tài thần quỷ, biết chúng ta muốn tự lập một cõi, nên giở trò hí lộng một phen? ]



Chư tướng nhìn nhau, ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK