Mảnh vườn sau hè rộng như sân banh. Mương nước được bồi đắp có đến hàng chục cái, mỗi cái sâu chừng hơn nửa thước, do nhà có trẻ nhỏ nên không dám đào quá sâu. Ngoài dành ra mấy khoảnh đất trồng các loại cây ăn trái khác loại, nhà họ Trần còn chia liếp trồng các loại nông sản và chia luống trồng hoa bán dịp lễ, Tết. Trong vườn lắp những cây đèn điện có gắn tấm pin Mặt Trời nên không sợ tốn tiền điện, cứ hễ trời chập tối là chúng tự động thắp sáng.
Trần Cảnh Chiêu trỏ tay về phía căn nhà mát nằm sau luống hoa cúc vàng. Căn nhà không có vách, bốn bề gió thổi lồng lộng; hàng cột chịu lực và nâng đỡ mái nhà đổ bê-tông rất cứng chắc, mỗi cây cột đều được chạm thạch cao tinh xảo. Trong nhà có đặt một bộ bàn ghế đẽo từ cây gỗ sang quý, chỗ ngồi đủ cho mười hai người. Những chò hoa treo dọc trên mép trần trông hết sức tươi tắn và vui mắt.
Hai người đều chọn chỗ ngồi có lưng tựa để đỡ đau lưng. Chủ nhà không muốn bật đèn điện, khách cũng chẳng ý kiến ý cò, nên cả hai chấp nhận ngồi chuyện trò trong không gian tù mù, tăm tối. Mấy ngọn đèn vườn ở xa nên không đủ để chiếu sáng bên trong căn nhà mát.
- Tôi tình cờ gặp anh trong lúc lên Sài Gòn xem đám sinh viên biểu tình. Bản nhạc "Áo lụa Hà Đông" hãy vừa kết thúc.
- Vì bà ta được vua Bảo Đại sủng ái rất nhiều nên tôi thích gọi bà ta là "thứ phi không chính thức", chứ trên chính sử, bà ta chỉ là người yêu của vua mà thôi.
Không đợi Trần Cảnh Chiêu góp ý kiến, Đặng Xương Tuyết đã bồi thêm:
- Theo quan điểm nông cạn của tôi, có lẽ vì xuất thân của mình mà bà ta không được sắc phong làm thứ phi.
- Rồi, tạm gác chủ đề "Đoạn kết những chuyện tình" nha nhạc sĩ Tâm Anh?
- Rồi, muốn hỏi gì thì hỏi đi.
- Anh thấy thầy Việt sao?
- Hỏi gì mà giống ba má kén chồng, kén vợ cho con quá vậy?
- Trả lời.
- Biết sao mà trả lời hả cha? Giống như anh gặp một người thân thiện trên phố, anh có cảm tình trong phút chốc vì sự niềm nở của người ta, rồi... hết. Chứ đâu có quen biết sâu sắc đến độ hễ nhắc tới là có thể tuôn một lèo về sở thích hay tính cách của người ta được. Còn nếu họ khiến tôi bực mình, câu trả lời chắc chắn sẽ mất đi tính chất khách quan vì tôi sẽ toàn bươi móc chuyện cũ để nói xấu họ.
- Anh có từng học Luật không? Tôi đang bị anh thuyết phục để lèo lái chủ đề đấy. Và anh bắt đầu khiến tôi nghi ngờ tất cả các lời trần thuật của những nhân chứng đã làm việc trước đây.
- Tôi không thích đi cãi lộn mướn cho những kẻ bất nhân thất đức, nên tôi không muốn học Luật.
Đặng Xương Tuyết mời Trần Cảnh Chiêu một điếu thuốc, song anh chàng pháp y lắc đầu từ chối. Thấy anh ta không hút thuốc, anh cũng chẳng muốn hút. Gói thuốc lại yên vị nơi túi áo sứt chỉ.
Tưởng anh ta vì mình mà ngại không hút thuốc, nên Trần Cảnh Chiêu nói cứ tự nhiên. Đặng Xương Tuyết thấp giọng cảm ơn, rồi châm thuốc hút.
- Gió sông mát quá...
- Ra biển chơi hôn? Bạc Liêu có bãi biển đẹp dữ lắm.
- Gành Hào à? "Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang", một sáng tác của ông nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
- Vụ mất tích của thầy Việt anh thấy sao?
- Ngày nào trên Đất Nước này mà không có những vụ mất tích bí ẩn, không vì lý do bị giết, thì cũng là vì lánh nạn do dám đứng lên tố cáo bất công trong xã hội và chính quyền. Một số bị bắt bỏ tù oan, một số đi biển mãi mãi không về,...
Đặng Xương Tuyết rít một hơi thuốc lá, rồi ngoảnh mặt sang hướng khác phả khói. Đâu đó vọng lại tiếng kêu của con cú đêm lẻ bầy, lẻ bạn, âm thanh nghe buồn não hết ruột gan. Rồi bỗng cất giọng chua xót:
- Tự nhiên đi đòi công lý cho một người ở tận đẩu tận đâu, trong khi ngư dân mình bị giặc Tàu chèn ép và sát hại trên biển Đông thì cái đám người đó không dám phản ứng. Phải chi bọn họ làm hai chuyện cùng một lúc thì tôi không nói, đằng này chỉ chăm chăm lo cho người khác nước. Đặc điểm chung của những kẻ đó là chuyên môn chụp mũ những ai khen ngợi văn hóa phương Tây là "me Tây me Mỹ", nhưng lại đích thân "đi ăn cơm nhà rồi vác tù và hàng tổng", suốt ngày cứ than khóc cho người gặp bất công bên ngoại quốc, song lại câm miệng với những tệ nạn và chuyện tiêu cực ngay chính trên Quê Hương mình vì sợ bị gặp phiền phức và bỏ tù.
- Điển hình như mấy cái vụ án oan á. Ngồi đó mà lo phân tích sự sai lầm, quan liêu và tắc trách trong hệ thống lập pháp bên Nhật, bên Hàn, còn bên mình thì im phăng phắc. Ai oan kệ ai, chỉ cần đi làm kiếm tiền để mua đồ chụp ảnh đăng trên mạng xã hội và lo hôm nay ăn gì là đủ.
- Những kẻ chụp mũ "Phản động" không khác gì mấy đứa con nít hư, bởi mấy đứa con nít hư mỗi bận nghe cha mẹ nói trái ý mình thì liền chụp mũ "Cha mẹ không thương con", chứ chẳng biết tranh biện gì sất.
Trần Cảnh Chiêu cúi xuống nhặt cuộn báo mà ba mình bỏ quên lên xem, tai thì lắng nghe gã văn sĩ điên nói:
- Tôi mà thấy bình luận có những chữ như sau: "Láo", "Xàm", "Phản động",... thì tôi xin phép gọi người viết ra bình luận ấy là bị kém trí tuệ. Nói để cho tâm phục khẩu phục, tôi thường đi tới các nhà thương để viết phóng sự, và rất nhiều lần chứng kiến những bệnh nhân bị Down nặng chỉ biết kêu ú ớ những tiếng vô nghĩa mỗi khi cần nhờ giúp đỡ hay biểu đạt tâm tình. Thì cái đám chụp mũ cũng vậy thôi, ngoài suốt đời kêu ú ớ mấy tiếng tôi liệt kê ra, họ đâu có khả năng tranh biện hay đưa ra một cái lý lẽ nào đáng giá để người khác phải khen ngợi hay xứng đáng để lưu tâm. Còn nữa, nếu họ xưng "Tao" với tôi, tôi sẽ miễn tiếp, miễn trả lời; ngay từ đầu đã không tôn trọng tôi, thì cũng đừng mong tôi tôn trọng lại.
- Vậy tranh biện thế nào mới đúng cách?
- Bây giờ lấy ví dụ về việc tranh biện: Tôi nói dân Do Thái học giỏi toàn diện, bỗng dưng anh từ đâu xộc vào nói: "Nó giàu nhưng mà bất nhân lắm." Ủa? Tôi đâu có nhắc tới nhân cách hay kinh tế đâu mà anh đưa ra một câu nhận xét đâm bang vậy? Đáng lý ra, để bẻ gãy luận điểm của tôi, anh nên nói là: "Tuy biết nhiều thứ tiếng, nhưng họ phát âm ngoại ngữ chưa chuẩn xác lắm. Chính bởi vì lẽ đó mà họ không phải thuộc dạng giỏi toàn diện." Tôi nói về học vấn thì anh phải phản bác lại bằng luận điểm học vấn. Tôi nói về kinh tế thì anh phải phản bác lại bằng luận điểm kinh tế. Đó mới gọi là tranh biện đúng cách.
- Thay vì dạy "Tôn sùng", đáng lý học sinh - sinh viên Nước ta nên được dạy cách tranh biện văn minh. Có như thế thì Đất Nước mới làm đúng theo mẫu câu "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh" của cụ Phan Châu Trinh. Ý của anh là như vậy phải không?
Đặng Xương Tuyết gật đầu. Đoạn nói:
- Thêm một ví dụ nữa: Có nhiều người khen quân phục đẹp, có kẻ tự nhiên không lại đánh giá cách chiến đấu. Vốn dĩ đã ghét thì thế nào cũng phải kiếm chuyện nói cho bằng được, nó hoàn toàn khác với đánh giá một cách khách quan và trung thực. Tỷ dụ như nói về quân phục, thì anh phải nêu được lý do tại sao bộ quân phục ấy không đẹp, như hoa văn ra sao, màu sắc thế nào thì người đưa ra cảm nghĩ mới lắng nghe ý kiến của anh. Đằng này anh không kiếm được chỗ nào để chê, thế là anh "đá giò lái" sang chuyện khác để móc mỉa, chẳng khác nào anh thừa nhận mình bị đuối lý nên phải kiếm chuyện khác gỡ gạc lại. Anh xem mình có giống một đứa trẻ nói cho đã cái nư không?
- Anh mà làm luật sư, chắc bọn tôi mệt lắm đấy! - Trần Cảnh Chiêu cười méo xệch miệng, nhưng ánh mắt lại ngời vẻ trìu mến. Rồi giục Đặng Xương Tuyết theo mình ra Gành Hào ngắm biển.
Từ nhà Trần Cảnh Chiêu tới bãi biển Gành Hào mất gần một tiếng đồng hồ, do anh ta chạy xe chậm rì nên mới lâu lắc nhường thế.
- Anh định thi "xe máy chậm" hay sao mà chạy cà rề cà rà vậy? - Đặng Xương Tuyết dở khóc dở cười. Tra xong mục Bản đồ trên Google về quãng đường từ nhà viên pháp y đến đây, mặt anh nhăn còn hơn trái táo Tàu. - Bộ tính tái diễn cảnh Chí Phèo - Thị Nở gặp nhau à?
- Chừng nào tôi dẫn anh ra lò gạch thì anh mới nên sợ. - Nói đoạn, Trần Cảnh Chiêu cởi nón bảo hiểm, rồi kêu gã ký giả "di giá" xuống xe.
Trần Cảnh Chiêu dắt xe, Đặng Xương Tuyết đi kế bên cạnh. Nhớ tới việc mình chạy lòng vòng mà khiến gã trai ấy liên tưởng tới chuyện mấy tay đểu cáng chở người yêu đi kiếm khách sạn, chàng pháp y lại cười tủm tỉm.
Ông chú bảo vệ đương nghe tình khúc "Ai đưa em về" qua phần trình bày của ca sĩ Elvis Phương. Cậu nhỏ trực chung đã đi mua bánh mì cho hai người ăn lót dạ.
Bài hát "Ai đưa em về" của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dựa trên một câu chuyện đau thương có thật, kể về một nàng vũ nữ yêu một chàng sinh viên Y Khoa nghèo nàn nên đã không ngại tuổi nhục lấy thân mua vui cho người đời để nuôi chàng ăn học tới lúc tốt nghiệp. Trớ trêu thay, khi đã công thành danh toại, chàng đã tàn nhẫn bỏ rơi nàng để đến với một cô gái khác. Vốn là một nhạc công trong vũ trường nàng đương làm việc, và đồng thời là bạn của gã Sở Khanh ấy, cụ đã xúc động sáng tác ra nhạc phẩm này sau khi chứng kiến nàng lầm lũi rời khỏi vũ trường trong màn đêm thăm thẳm sương rơi, lạnh lẽo. Cụ nói thêm rằng, ngoài lý do trên, mục đích viết ra tình khúc này là nhằm thay mặt bạn mình gửi tới nàng một lời xin lỗi.
"... Đêm mai ai đưa em về?
Mình em trên hè phố vắng
Đêm mai không ai đưa về
Mắt em lệ ướt long lanh..."
Bãi giữ xe nằm dưới tầng hầm thương xá; phí gửi xe tính theo tiếng, mỗi tiếng một đồng, nếu gửi trọn ngày sẽ được bớt bốn đồng. Trần Cảnh Chiêu đăng ký gửi xe bốn tiếng; anh ta mua ở máy bán vé tự động cạnh bốt trực, rồi trình cho nhân viên bảo vệ, sau đó mới dắt xe vào bãi.
Thương xá về khuya buồn tênh như màu nắng thu. Cũng may có mấy xe bán hàng rong câu đèn sáng choang đậu trên vỉa hè trước mặt tiền thương xá làm không gian đỡ quạnh vắng một chút. Hai người ngó qua không thấy có món nào hạp miệng, nên nhìn nhau cười trừ rồi sóng bước ra ngoài bãi biển.
Đứng trước sóng nước Gành Hào, Trần Cảnh Chiêu tức cảnh cảm thán:
- Tự dưng tôi nhớ bài hát "Đêm chôn dầu vượt biển" của nhạc sĩ Châu Đình An. Facebook của ông ấy là "Chau Dinh An"... Anh thích sưu tầm Facebook của nhạc sĩ nhạc Vàng không?
- Không. Đôi khi tình cờ đọc được bài viết của họ thì vào xem chơi cho biết trang cá nhân ra sao mà thôi. Đại đa số nhạc sĩ rất hay chữ, nói năng bặt thiệp, có đầu có đuôi chứ không xấc bấc xang bang như một số ông nhạc sĩ tự phong thời nay; và đặc biệt là hiếm khi nào tôi thấy họ sử dụng những câu từ tục tĩu hay "không sạch sẽ", kể cả khi chủ đề mà họ đương nói đến là về người, về thứ và về vật mà họ ghét.
Trần Cảnh Chiêu gật đầu.
- Tôi tôn trọng quan điểm Chính Trị của mọi người, nên mỗi khi nhắc đến tên người nào, tôi thường chỉ giới thiệu về học vấn và thành tích họ đạt được trong sự nghiệp. Còn việc họ muốn theo ai thì tôi không bận tâm. Chỉ có điều, nếu sau này họ "trở cờ", kể từ giây phút đó trở đi, tôi sẽ không bao giờ đặt lòng tin ở họ quá năm mươi phần trăm; hễ thấy bên nào không trục lợi được rồi lật mặt thì thứ dòng đó không xứng đáng được tôi tin tưởng, dù rằng tôi vẫn tôn trọng và sử dụng kính ngữ đối với họ.
Trần Cảnh Chiêu ngước mắt nhìn chòm sao Bò Cạp rực sáng trên bầu trời. Anh nhường phần phát biểu lại cho người bạn mới quen.
- Anh biết không? Những kẻ hiểu biết mà cố tình định hướng dư luận để bảo vệ chế độ cầm quyền sẽ muôn đời là tội đồ dân tộc. Tôi không thể nào sống như chúng, nên tôi chọn con đường này mà đi. Tôi không thích nói huỵch toẹt, ai muốn tìm hiểu thì tự suy luận. Tôi giao cho bạn đọc tấm bản đồ ghi chú rất rõ ràng. Họ tin thì họ đi theo hướng dẫn. Họ không tin thì thôi.
Sẵn đang vui miệng, Đặng Xương Tuyết chợt kể lại chuyện bi-hài kịch trong khu xóm mà mình từng sống với em gái cho Trần Cảnh Chiêu nghe:
- Có một bà mệnh phụ phu nhân ở cùng xóm với tôi bị nói là "cắm" cho đức ông chồng mấy trăm cái sừng, nhưng tới chừng chồng con bị tai nạn chết, bà lại thủ tiết thờ chồng vọng con tới mãn kiếp, không hề thừa nước đục thả câu mà phóng túng dâm loạn như lời đồn thổi. Còn gia đình kẻ phao tin thì thật trớ trêu, hôm làm đám giỗ của hắn, quan khách thi nhau cười vào trong mặt tang gia, bởi lẽ thằng con giống hệt ông bạn thiết của hắn, còn con của ông bạn thiết lại giống hắn như lột. Ha... Trời trả báo! Vu khống, hạ nhục danh dự một liệt nữ, đến chết mới biết mình sống kiếp quạ nuôi tu hú.
- Tôi nghĩ không phải đợi đến chết mới biết đâu, mà là nhục quá nên hai thằng khốn đó mới phải ngậm tăm coi như không có chuyện gì. Đi vu khống cho vợ người ta, ai dè đâu những điều ấy vận hết vào người vợ mình. -Trần Cảnh Chiêu bật cười. Nhưng đôi mắt lại nhòa lệ. Tự dưng anh nhớ tới hai câu thơ của cụ Tản Đà: "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn. Cho nên quân nó dễ làm quan."
Mỗi đêm thanh vắng trên bãi biển đều hàm chứa không biết bao nhiêu tâm sự của người đời. Cát mịn vỗ về những gót chân lữ thứ lạc lối trên con đường đời lắm bi ai. Sóng biển vọng vào tai những lời ca xa xăm, lạ lẫm.
Vệ Minh cùng mấy đứa nhỏ, Uông Trác và Cổ Tường Quang xuống Bạc Liêu nghỉ hè. Đêm hôm lạ chỗ không ngủ được, cậu bèn tản bộ ra ngoài mé biển nghe sóng vỗ và ngắm sao rơi. Chiếc máy nghe nhạc Ipop cũ kỹ này đã theo chân cậu suốt mười năm qua. Tuy nó đã lỗi thời, song cậu vẫn yêu thích nó như xưa, bởi lẽ đó là món quà đầu tiên mà người thương mua tặng cậu.
Đi mãi cũng chùn chân, Vệ Minh ghé vào một quán nhậu gần đó gọi một chai bia Sài Gòn và một dĩa mực nướng ăn lót dạ.
Bên tai Vệ Minh vẳng đến giai điệu của bản nhạc "Sóng nước Thượng Hải" do ca sĩ Bích Hà trình bày, đây là một trong những lời Việt của nhạc phẩm "Máu nhuộm bến Thượng Hải", và rất hiếm người biết tới.
"Biển lớn chập chùng
Lòng ta như sóng mênh mang về mãi đâu
Ôi con sóng xô mãi hoài
Cuộc đời ta cũng như con thuyền không bờ..."
Con trai chủ quán dọn lên một mâm ốc mười món và một cái lẩu cá chẽm nấu kiểu Thái, kèm theo một chai bia, một cái ly cối và một cái xô nước đá, đoạn thân thiện hỏi sao quý khách ngồi đây có mình ên vậy cà. Cậu vừa cười vừa đáp rằng muốn yên tĩnh nên mới đây ra mình ên.
Đang gắp đá viên vào ly cối, chợt có bàn tay ai đó bịt mắt Vệ Minh. Cậu nhếch miệng cười, rồi hỏi:
- Về hồi nào?
- Tôi từ phi trường về không thấy "người dấu yêu ơi" nên vội hỏi người làm cưng đang ở đâu để mà tìm tới.
- Đi bằng trực thăng hay tên lửa mà tới đây lẹ vậy?
- Đi nhờ trực thăng của một ông tướng bên Không Quân. Đó! Chiếc đang tuần tra trên bầu trời gần chòm sao Đại Hùng đó...
Sống với một người không biết đùa đôi khi cũng khổ.
Một ông bác say mèm nghe chẳng rõ đầu cua tai nheo chi sất, mà vẫn lên tiếng bình phẩm với hai người:
- Ngân khố Quốc Gia đương nhiên phải dành để sắm sửa vũ khí quân sự, phát triển kinh tế Đất Nước, bồi đắp nền Khoa Giáo nước nhà và phục vụ đời sống toàn dân chớ. Chớ hổng lẽ là dùng cho việc xây tượng đài và ba cái công trình tào lao âm binh vô bổ?
Hai người nhìn ông bác đã say mèm mà cười vang. Không hẹn mà gặp, hai vợ chồng đồng thanh mời bác một dĩa mồi nhậu. Bác trai không khách sáo, bèn cười tươi đáp rằng mình muốn ăn sụn gà nướng muối ớt. Đôi vợ chồng tự nhiên cảm mến bác, nên đãi thêm một dĩa tôm nướng sa-tế nữa.
Cái năm ấy, Vệ Minh chọn bài "Ba ơi, Mẹ ơi" của Vương Dung để làm nhạc chuông. Và trước ngày tự sát, cậu đã cài bản "Similar Love - Dalm Eun Sarang" của Seo Jin Young để gửi thông điệp tới An Kỳ. Và anh đã gửi lại ca khúc "Fate - Why" của Bi Rain để tỏ rõ lòng mình. Anh không phải là người theo chủ nghĩa yêu đương sến súa phi thực tế, bởi vì cậu mà anh phải khoác lên mình chiếc áo sặc sỡ chói mắt ấy. Có lẽ, ta sẽ chấp nhận điên trong tình yêu, nếu có ai đó xứng đáng để ta điên theo và điên chung trọn kiếp.
Thấy Vệ Minh tròn hơn một chút, An Kỳ mừng đến nỗi chảy nước mắt, song anh cố giấu đều ấy bằng cách than rằng mùi sa-tế nồng quá. Không thấu được tình ý của người thương, nên cậu thở dài một tiếng, rồi rút giấy ăn và lau nước mắt cho anh.
Để lại cho cậu nhân viên vài chục đồng tiền "boa", đôi vợ chồng trẻ dắt nhau ra bãi biển Gành Hào ngắm trời trăng mây nước. Chỗ này bán ăn rất ngon mà giá lại rất "dễ chịu", tiếc là họ kinh doanh theo loại hình quán nhậu nên hai người không thể đem sắp nhỏ tới ăn.
Bản nhạc "Coco Jambo" của nhóm nhạc Disco Mr. President phát ra từ một quầy bán cháo đêm vang lên trên bãi biển đầy sao, lộng gió như thể cuốn linh hồn đôi tình nhân về cõi uyên nguyên.
Thấy chung quanh lặng ngắt như tờ, khách du lịch và cư dân ở cách họ khá xa, hai người bèn nắm lấy tay nhau, rồi dần dần nép sát vào nhau, lắng nghe nhịp đập của mình và người thương hòa lẫn vào tiếng sóng biển Đông rạt rào. Chòm sao Đại Hùng chúc đầu xuống mặt biển tối mịt. Vầng trăng nghiêng mình trên một góc trời Tây - Nam. Hàng phi lao lắc lư trong làn gió biển mặn mòi hương muối như đang khiêu vũ. Chỉ còn hơn hai tiếng nữa là rạng đông.
Tới thời của tổng thống Miêu Trác Lệ, bà đã cho quy hoạch lại nơi đây, bằng cách xây dựng khu du lịch sầm uất, trồng thêm cây xanh ngăn bão, và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân như vay vốn không tính lãi, đóng và sửa chữa tàu, thuyền miễn phí, cấp học bổng cho con cháu của họ,... Không những thế, bà còn xây dựng một trạm quan sát thiên văn, ba trung tâm nghiên cứu khoa học, hai trường thiếu sinh quân, một quân khu Hải Quân, hai khu vực Tiếp Liệu cho quân đội đang đồn trú ở đây, và nhiều công trình phục vụ lợi ích sức khỏe và tri thức nhân dân như trạm xá, nhà thương, trại tế bần, viện dưỡng lão, nhà thi đấu thể thao, thư viện cộng đồng, trường học các cấp và cao đẳng dạy nghề với mức học phí rẻ như cho. Ngoài ra, bà ra lệnh phải trùng tu rất cả các công trình tôn giáo và di tích lịch sử đã và đang xuống cấp tại Bạc Liêu.
- Ê...
- Hửm?
- Ghé vào hẻm sau của dãy nhà phố này ngắm cảnh chơi. - Vệ Minh nói đoạn, chợt ngưng lại. Cậu hướng mắt về phía mặt tiền của một nhà hàng có bảng hiệu viết bằng hai thứ tiếng: Một là chữ Quốc ngữ, hai là chữ viết ngoằn nghèo như cái rễ cây.
Nhìn người đàn ông Ấn Độ ấy một đỗi, không hiểu sao Vệ Minh lại liên tưởng tới ca khúc "Made in India" của ca sĩ Alisha Chinai, cặp mắt cực kỳ đẹp và quyến rũ. Ngoại hình anh ta khá tương đồng với luật sư Judas, chỉ có điều màu nước da tối hơn. Có lẽ anh ta theo Ấn Độ giáo nên không ăn thịt heo, do đó mà hỏi chủ quán rất cặn kẽ về nguyên liệu tẩm ướp và loại thịt. Cũng may nhân viên nói tiếng Anh lưu loát nên hai bên đỡ khổ.
Thấy có người nhìn mình hoài, người đàn ông Ấn Độ quay qua nhíu mày xem là ai. An Kỳ vội kéo Vệ Minh đi trước khi rắc rối ập đến gây mất hòa khí cho chuyến dạo chơi của hai người. Ý định thăm thú hẻm vắng của cậu đã bị đập tan.
Hai người chọn một gốc vắng vẻ rồi ngồi đợi mặt trời nhô lên từ đường chân trời xa xăm mờ ảo. Cát ở đây có một sắc màu rất ngộ, nó không vàng rực hay trắng phau như những chỗ khác, mà là một màu xam xám nom rất nền nã và lạ mắt.
Vừa uống nước dừa, hai người vừa tỉ tê cho nhau nghe những chuyện đã trải qua trong suốt mười năm qua. Ngoài tiếng sóng vỗ rì rầm, bên tai họ còn nghe thấy giai điệu của tình khúc "Bến Thượng Hải" do đôi song ca Nguyễn Hưng - Như Quỳnh trình bày. Chiếc Ipop cũ kỹ nằm gọn trong túi áo của Vệ Minh, phát ra những giai điệu hoài niệm của mười năm trường đợi chờ khối tình ấy hé lộ.
- Minh.
- Hửm?
- Cưng còn nhớ hồi đó mình đã từng song ca với nhau bài gì không?
- "Tuyết Sơn Phi Hồ", lời Việt do nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác, và do đôi song ca Tuấn Vũ - Như Mai biểu diễn.
An Kỳ trỏ tay vào túi áo Vệ Minh, rồi đề nghị cùng cậu song ca tình khúc ấy. Cậu bèn kêu hát "chay".
Hai người hòa giọng hợp ca:
"... Ta cách trở đôi nơi muôn dặm
Giữa đất trời đầy tối tăm
Vẫn nặng tình nhau
Nhẫn nhục chờ nhau
Lắng nghe chung một niềm đau..."
Cách chỗ đôi tình nhân trẻ không xa, Đặng Xương Tuyết và Trần Cảnh Chiêu đang ngồi trên ghế đá thảo luận về chuyện thầy Việt mất tích. Họ đã nói suốt hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu. Nơi hừng đông, mặt trời đương chậm chạp nhô lên từ dưới mặt biển. Đám chim biển thi nhau la chí chóe trên thinh không còn tờ mờ sương đêm.
- Tôi đói bụng rồi. - Trần Cảnh Chiêu hít hà vài lần. Mùi khói nướng thịt bay ra từ một quán cơm tấm làm bụng của anh ta đói ngấu. - Ủa mà anh không buồn ngủ sao?
- Giờ giấc của tôi rất thất thường. Hễ có cảm hứng và ý tưởng là phải ngồi vào bàn chép ngay để khỏi quên. Nên có khi một giờ trưa mới bắt đầu đi ngủ.
- Có người cho rằng người viết lách thường "bôi chữ" để được tăng tiền nhuận bút. Anh nghĩ thế nào về quan điểm trên?
- Với tác giả anh thích thì viết bao nhiêu anh cũng cho là đọc chẳng thỏa mắt, còn với người anh không ưa thì viết sao cũng tệ hại và thừa thãi hết.
- Vậy anh nhận xét giọng văn của anh ra sao?
- Văn của em tôi cụt lủn. Còn văn của tôi thì dông dài và thiên về đặc tả.
- Em anh mấy tuổi?
- Nó chết rồi.
Trần Cảnh Chiêu thôi không hỏi nữa.
- Lần nào đọc lại mấy chương đầu nó viết, tôi cũng phải uống trà hạ hỏa để làm nguôi cơn giận trong lòng mình. Riết rồi tôi chẳng thèm sửa, nó viết gì nó viết, coi như là dư âm còn sót lại nơi dương thế của nó vậy.
Trần Cảnh Chiêu không muốn đụng chạm đến nỗi đau mất người thân của tay ký giả, nên anh à ừ cho có, trong đầu thì tính xem nên kiếm chuyện gì để nói lảng đi.
Hiểu ý, Đặng Xương Tuyết im lặng hút thuốc.
Hai người trở về thương xá lấy xe. Vẫn còn dư nửa tiếng, nên bọn họ rảo bước vô cùng thong thả.
Bà Trần vừa đi lễ về, bữa nay là sáng Chúa Nhựt. Tên Thánh của bà là Grainne, có nghĩa là "Tình yêu". Ông Trần thương bà nên không bắt vợ phải cải họ theo mình, vì thế bà vẫn giữ nguyên tên họ trong khai sinh của mình. Tuy đã ngoài năm mươi, nhưng bà hãy còn đẹp người lắm, vóc dáng thon gọn, mày thanh mắt sáng và suối tóc đen huyền bóng mượt. Bà mặc một chiếc váy màu xanh da trời có kiểu dáng thật đơn giản và trang nhã, trên người khoác thêm một chiếc áo vest kaki trắng tuyết. Bà khá chưng hửng khi thấy con trai và người bạn phương xa ở Gành Hào:
- Sao mới sớm bửng mà mấy đứa ra ngoài đây chơi vậy?
- Dạ, cậu Tuyết nhờ con đưa ra ngoài đây đặng tìm tài liệu và cảm xúc để viết bài về cảnh bình minh trên Gành Hào.
- Ờ, chà, hổng có đứa nào mặc áo lạnh vậy? Ăn mặc phong phanh thế này dễ nhiễm sương trúng gió lắm nghen.
Tạm biệt bà Trần xong, hai người rủ nhau vào một quán cóc uống nước cho tỉnh ngủ, sau khi đã lấy xe ra khỏi bãi. Đặng Xương Tuyết kêu một ly bạc xỉu, còn Trần Cảnh Chiêu thì gọi mủ trôm. Trưa nay gia đình viên pháp y sẽ đãi tiệc nên anh ta dặn tay ký giả nhịn ăn sáng.
- Rồi, Boo mỡ ngoan nè, để chú Trác đi tìm ba Minh cho con.
- Dạ, ba con hổng có bị bắt cóc phải hôn chú?
- Có nước ba con bắt cóc người ta, chứ làm gì mà có ai dám bắt cóc ba con.
Hai chú cháu rầm rì nhỏ to vài câu nữa mới bước vào quán cóc nghỉ chân một lát. Sáng giờ Boo mỡ chưa có cái gì bỏ bụng hết.
- Hai cha con cưng muốn mua chi?
- Dạ, dì lấy cho đứa nhỏ này một ly sâm bổ lượng, còn con thì uống đá me.
- Ủa chú cháu hả? Cắt tóc giống nhau quá làm dì cứ tưởng cha con ruột.
Uông Trác vừa cười vừa xoa đầu bé mập.
Hai chàng lính biển mua xong một gói thuốc hút, liền lấy mỗi đứa một điếu mà đốt thuốc hút. Họ đứng ngoài quán hút thuốc độ khoảng mươi lăm phút, rồi mới vào trong quán uống cà-phê.
Có lẽ là khách quen nên hai vợ chồng chủ quán tiếp đón vô cùng niềm nở và thân tình.
- Bây nghe bài gì? - Đặt hai ly cà-phê đen đá xuống bàn, ông bác liền hỏi hai chàng lính biển.
- Bài "Lính mà em" có tới hai lời khác nhau; một của ông Y Vân và một của ông Anh Thy. - Người lính có vết sẹo nơi chân mày trái nêu ý kiến.
- Chốt lại nghe bài gì?
- Dạ, "3000 dặm" của ông Y Vân do bác Hùng Cường trình bày, cô Sơn Ca hát bè. - Chàng lính biển mặt mày nhẵn nhụi khẽ huých vai bạn mình, như ngầm kêu nó ủng hộ.
- À, bản nhạc ca ngợi đời trai hải hồ. - Rồi ông bác khe khẽ hát. - "Anh xa em ba ngàn dặm xa. Trên sóng xanh đâu là bến bờ. Ba ngàn dặm bằng muôn thương nhớ. Ôi nhớ thương thương đời hải hồ..."
Ông bác đương hát ngon trớn, chợt thấy một cậu Hải Quân đeo túi đựng guitar bên vai trái bước vào quán. Trên tay cậu ta cầm một túi nylon đựng một hộp vịt quay chặt sẵn.
- Úy trời! Con trai tôi về rồi bà ơi! Cục vàng của tôi về rồi bớ hàng xóm ơi!
- Ba... tụi nó ngồi một đống kìa... Ba...
- Ôi kệ tụi nó con ơi... Con về mạnh giỏi nhường này là ba mừng dữ thần lắm... - Ông bác vừa nói, vừa kéo vạt áo lên lau nước mắt. Nhìn ông bác mừng đến nỗi khóc mếu máo, mấy người khách cũng rưng rưng theo. - Con nghỉ phép được mấy ngày?
- Dạ được năm ngày.
- Trời, có hai ngày nữa mà cũng không cho người ta nghỉ luôn. Thôi, vô nhà tắm rửa sạch sẽ rồi lát mẹ con... Ủa con có mua vịt quay rồi hả? Chưa mua bánh mì à? Bà ơi... Bà đâu rồi. Ghé bà Sáu mua bánh mì lẹ lên bà...
- Gì mà hối như giặc vậy cha? Con... - Chưa kịp nói hết câu, dì đã òa khóc nức nở.
Cảnh tượng một nhà đoàn viên ấy dẫu người sắt đá mấy cũng phải xúc động đến rơi lệ.
- Sao, có cảm hứng viết bài chưa?
- Rồi. - Đặng Xương Tuyết vừa đáp, vừa tốc ký. Nét chữ của anh ta khoáng đạt và rất dứt khoát, tuy không đẹp song vô cùng dễ đọc.
Trần Cảnh Chiêu toan bông đùa vài câu, bỗng chuông điện thoại của anh rung lên. Đọc xong số máy hiển thị trên màn hình, anh vội vàng cáo lỗi với gã văn sĩ điên, rồi mong anh ta cảm phiền bắt xe khác về, bởi anh có công chuyện cần phải đi gấp.
Người lính biển chiêu đãi bà con lối xóm bằng bản nhạc "Nàng" do ca-nhạc sĩ Trung Chỉnh sáng tác, rất nổi tiếng qua phần song ca của Nhật Trường - Thanh Vũ. Anh ta đàn, còn phần hát thì để cho hai người huynh đệ chi binh đảm trách.
"... Nàng không yêu ai bằng yêu chiến binh
Nên xa em anh khép kín tâm tình
Hứa khi nào để về đây ông lính
Bước vu qui có em về với mình..."
Đặng Xương Tuyết trở về nhà một mình bằng đường xe buýt, anh lên xuống tới bốn chuyến xe mới đến nhà vì bị lạc đường. Trên mỗi chuyến xe buýt, bà con xầm xì thảo luận về danh tính của cái xác tìm thấy dưới gốc đại thụ mọc gần căn nhà hoang đổ nát. Anh hãy còn nhớ rất rõ, trên chuyến xe cuối cùng có một người đàn bà mặt xương má hóp khi nghe dư luận nhỏ to suy đoán về chuyện ấy thì chỉ bưng mặt khóc rấm rứt, chứ chẳng hề hé răng một lời. Ban đầu anh cũng nghĩ tại sao bên pháp y lại không dùng vân tay để truy tìm thân phận của cô ta, rốt cuộc một chốc nữa Trần Cảnh Chiêu mới tiết lộ rằng, hung thủ đã đập nát hai bàn tay của nạn nhân trước lúc sát hại, về phần mống mắt thì chẳng còn nguyên vẹn để mà thu lưu lại hình ảnh.
Gặp con của cậu Ba, anh mở bóp lì xì cho mỗi đứa hai chục đồng lấy thảo. Sắp nhỏ xưng "Em" và gọi anh bằng "Chú", dù rằng tuổi của anh chưa đáng tới chức chú của chúng lắm. Anh có mua bốn ổ bánh kem lạnh ở Baskin Robbins, tên là Sunny Day, Pink Fairy, Be Happy và Choco Party, hy vọng chúng sẽ thích. Nhà hơn mười người mà mua có một ổ bánh 15cm thì ai ăn ai nhịn? Do nghĩ thế nên anh mới quyết định mua tận bốn ổ bánh để người nào cũng được ăn theo khẩu vị của mình.
- Bây mới dìa hả? - Nội đội cái nón lá đan thiệt khéo, mặc bộ đồ bà ba sim tím, trông bà như thể bước ra từ những tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh. - Trời Phật ơi, bây mua bánh kem chi nhiều dữ vậy? Tốn kém quá đi mất... Con Bưởi đâu? Ra bưng phụ cậu Tuyết nè.
- Dạ... con nghe rồi nội ơi...
Chị dâu rất thích kiểu bánh Pink Fairy, chị cứ tấm tắc khen đẹp hoài, rồi nói "dễ cưng" vậy sao nỡ cắt ra ăn. Riêng hai đứa con của cậu Ba thì "chấm" ngay ổ bánh Choco Party vì rất khoái món chocolate; cứ chốc chốc lại mở tủ lạnh và ngắm nghía đầy thèm thuồng. Và bà nội với bà Trần thì ưng bụng với hai ổ bánh còn lại, chắc là do có thêm trái cây nên hai người mới ưa chuộng hơn.
Thấy ai cũng bày tỏ lòng yêu mến, tự dưng Đặng Xương Tuyết cảm thấy ngôi nhà này thật giống với mái ấm gia đình thứ hai của mình. Rồi mũi anh chợt thấy cay cay vì nhớ đến ngôi nhà đã tốc mái của mình...
Mãi đến một giờ trưa, Trần Cảnh Chiêu mới thất thểu về nhà. Đã quá quen với mùi nhà xác và mồ hôi của Ba Chiêu, cả nhà anh ta chẳng ai phàn nàn cả, chỉ giục anh ta mau mau đi tắm để cả nhà đãi khách dùng cơm. Đặng Xương Tuyết ngồi trên bộ ngựa viết tạp bút, ơ hờ chào anh ta một tiếng. Viên pháp y khẽ trách trưa hè sau không bật máy lạnh lên cho mát, thì gã văn sĩ điên đáp rằng muốn tiết kiệm điện. Biết rằng anh ta có ý tốt thật chứ không phải móc mỉa, song Cảnh Chiêu vẫn cảm thấy buồn lòng, bởi anh biết người này rất trọng lời ăn tiếng nói của mình nên mới làm theo câu trả lời mà mình bông đùa đêm hôm trước, chứ không chịu nghĩ rằng đó chỉ là nói giỡn chơi.
- Đói bụng chưa?
- Người viết lách làng nhàng bữa đói bữa no quen rồi.
- Sao anh không viết những thứ mà số đông muốn đọc?
- Anh có biết cụ Hồ Biểu Chánh đã gục chết trên bàn viết trong lúc đang sáng tác tiểu thuyết "Hy sinh" không? Cái tên sách đã vận vào cuộc đời cụ, cụ đã hy sinh một đời cho sự nghiệp dùng tiểu thuyết để khuyến hóa và thức tỉnh dân sinh Đại Việt.
- Anh muốn đi theo con đường hãy còn dang dở của cụ?
- Phải.
- Ra ăn cơm mấy đứa ơi...
Cậu Ba mua ở đâu được mấy con cá lóc đồng tươi rói, bèn cạo rửa sạch sẽ, rồi đem bọc trong lá sen và nướng trên lửa rơm để cuốn bánh tráng, rau sống ăn chơi. Còn mớ ếch bắt được khuya qua thì cậu chia làm ba món: Ếch kho tiêu ăn với cháo trắng lá dứa, cà-ri ếch nước cốt dừa và ếch xào lá cách, món sau cùng cậu nấu theo lời ngỏ của cháu dâu.
Cả nhà đương ăn uống hết sức vui vẻ, bỗng đâu cậu Ba quay qua thưa với má cậu:
- Con tính gửi nó vào trường thiếu sinh quân Quang Trung trên Sài Gòn. Nó học giỏi lắm. Sau này thời may được làm sĩ quan Kỹ thuật thì no thân ấm túi.
Ông Trần xen vào:
- Chú Ba nghe ai giới thiệu vậy?
- À, em nghe cậu Bình làm báo có nói em trai cẩu đương học ở trường đó.
- Hèn chi mà mấy bữa nay nó hứng chí hát bài "Thiếu sinh quân hành khúc" của ông Nguyễn Văn Đông suốt. - Ông Trần nói đoạn, bưng chén lên rồi và cơm ăn.
Vừa cuốn cá nướng, nội vừa cười nói:
- Tao ít học, bây tính sao thì tính. Có thiếu hụt gì thì cứ kêu tao, tao lo hết cho. Hổng có được giấu giếm à nghen. Miễn bây ham học là tao vui rồi.
- Dạ, con cảm ơn mẹ. - Hai vợ chồng cậu Ba mừng rỡ thưa.
Không đợi cậu Ba nhắc nhở, đứa con trai của cậu đã khoanh tay cảm ơn bà nội đã cho phép. Nhìn khuôn mặt tràn ngập hoài bão cống hiến cho Tổ quốc ấy, Đặng Xương Tuyết bỗng nhớ tới chuyện một số thằng chó cậy mình là cấp cao trong quân đội mà ăn hiếp những người tân binh mới vào, mà ruột gan sôi ùng ục vì uất hận. Tướng Luận đã tuyên bố, nếu ai dám bạo hành tân binh, ông sẽ đày kẻ đó lên rừng thiêng nước độc mà ở mười năm; chừng nào biết hành xử như con người với đồng bào mình thì mới được thả về.
- Đứa nào ham học tao cũng thương hết. - Nội bỗng nhiên khựng lại, rồi nghiêm sắc mặt nhìn thằng Ba Chiêu. - Tao nghe mấy bà xóm trên đồn thổi cái xác phát hiện hôm bữa là con Thảo, con của con Tư Rằn. Thân có cháu là pháp y, đương nhiên tao bị mấy bả quay vòng vòng, nhưng tao biết khôn mà không bị mấy lời tâng bốc ấy làm cho nói hớ.
Đang mấp cái đùi ếch cà-ri với nước cốt dừa béo ngậy, Trần Cảnh Chiêu bèn ngưng ăn và ngẩng lên hỏi:
- Thưa nội, họ hỏi chuyện chi?
- Ối dào, đồn thổi bậy bạ, phong long lắm. Bây nghe làm gì cho mệt lỗ tai.
Biết trước mặt khách khứa nội không muốn đề cập tới chuyện này, nên anh tự nhủ tối nay sẽ vào phòng nội mà hỏi cho ra lẽ.
Đặng Xương Tuyết "bị đuổi" vào phòng ngủ trưa, không người nào đồng ý cho anh ta ở lại dọn dẹp cả, nhất là bà nội và Trần Cảnh Chiêu. Cũng hệt như hôm qua, dù rất không bằng lòng, anh cũng đành phải nghe theo.
Dọn dẹp xong, Trần Cảnh Chiêu vào buồng ngủ của Đặng Xương Tuyết nói chuyện chơi.
- Có nhiều người chỉ biết mỗi tiếng Việt, nên đọc báo hay gì thì tin nấy, chứ không biết tìm cách xác thực bằng cách tra cứu thông qua những ngôn ngữ khác. Và có nhiều thằng "báo đời", "báo hại", "báo cô" Tổ quốc, thay vì dịch cho sát nghĩa bài báo gốc, thì chúng lại cắt câu bẻ chữ, sửa lại để định hướng dư luận theo mục đích được giao phó. Bây giờ, tỷ như tôi nói: "Phát hiện một xác chết ở Mỹ Tho và sự thật đó chỉ là một trò đùa lố bịch của đám sinh viên mới ra trường." Anh cắt mất vế sau, chỉ còn cái vế đầu là "Phát hiện xác chết ở Mỹ Tho". Rồi anh thấy bài báo còn chính xác nữa không?
Đó cũng là lý do mà Trần Cảnh Chiêu không thích tiếp đón đám báo chí, Đặng Xương Tuyết là dân trong nghề nên đã nói rõ tâm sự của viên pháp y trẻ tuổi.
Trần Cảnh Chiêu nghe Đặng Xương Tuyết nói tiếp:
- Cũng như nhiều người thấy biên lai viện phí bên Hoa Kỳ rất cao thì vội ỉ ôi tội nghiệp dân Mỹ, nhưng cái phần khấu trừ viện phí về không thì họ không thấy, vì thằng đăng bài đã cắt mất khúc đó, chỉ còn lại một nửa khúc trên mà thôi. Nói cho dễ hiểu, dễ kiểm chứng, anh vào siêu thị mua một tặng một, thì hóa đơn vẫn ghi rất rõ giá tiền của món được tặng, và bên dưới giá tiền của món được tặng là dòng chữ hàng tặng kèm nên không tính tiền. Bây giờ tôi chụp tờ hóa đơn, cắt mất dòng chữ đó và khúc dưới của tờ hóa đơn, rồi biên bài lên Facebook là siêu thị làm ăn tráo trở, nói tặng kèm và vẫn tính thêm tiền; ấy thế mà chắc chắn vẫn có kẻ ngu muội tin rằng tôi nói thật. Xin nói thêm, một số nơi thì không in hóa đơn như vậy, họ ghi rõ một hàng luôn, cái dòng chữ ấy có thể như sau: Sữa A + Sữa A: 2 đồng, hoặc là tùy theo siêu thị mà họ trình bày kiểu khác.
Trầm mặc một lúc lâu, Đặng Xương Tuyết mới tâm tình:
- Cho nên tôi hay nói với bạn đọc rằng, ngoài đọc sách, học thêm ngoại ngữ cũng là một cách để chống bị người ta dắt mũi. Mình không tin chắc được, thì gõ tiếng Anh mà tra cứu lại. Và cũng cần phải nhớ một điều, Chính Trị có muôn vàn lối, đọc thấy một nguồn có nội dung gần đúng với bài báo chuyển ngữ tiếng Việt thì cho rằng tin tức đó là thật thì coi chừng mắc phải sai lầm to. Tra cứu phải từ năm, sáu nguồn trở lên mới chắc ăn được, và không được thiên về bên phe nào hết, có như thế thì sự khách quan và trung thực mới cao hơn.
Trần Cảnh Chiêu không còn nghe tiếng của Đặng Xương Tuyết nữa, liền biết ngay gã trai ấy đã ngủ rồi. Anh bèn ngồi dậy, xỏ dép vào chân, rồi rón rén mở cửa phòng bước ra ngoài; trước khi đi không quên bật máy lạnh giùm người bạn mới quen.
Nội của anh đang ngồi lặt tai nấm mối trên bộ ngựa, chị dâu của anh thì đương làm dưa giá với mẹ anh trong bếp. Cả ba trò chuyện rôm rả trong tiếng nhạc du dương. Bản nhạc "Hương tóc mạ non" do nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác riêng cho vợ mà như thể khắc họa hết vẻ ngoài của người phụ nữ Nam Phần, giọng ca của cô Hương Lan ru vào hồn người nghe những cung điệu thật đẹp và ấm êm. Hoàn cảnh sáng tác bài này cũng thật dễ thương và thấm đậm khối tình vợ chồng xứ miệt vườn chân chất, mỗi bận đưa vợ về quê chơi, ông lại cùng bà chiều chiều ra đê ngắm cảnh, và mỗi lần như thế, ông lại hôn lên mái tóc vợ, cảm nhận mùi mạ non quyện với hương tóc vợ mình. Ông đã chia sẻ điều này trong chương trình Paris by Night số 83.
"... Anh thương tóc ai bay bay trong chiều chiều gợi bao nỗi nhớ
Nhớ từng nụ cười ngây thơ thắm duyên mơ
Chiều nghiêng nắng đổ
Về quê em phù sa bát ngát..."
Vì ca cải lương được nên hầu như bài nào cô Hương Lan cũng dành một phần để biểu diễn. Cô ca ngọt và mùi lắm, sống xa xứ mà nghe sao buồn thấu tận ruột gan.
Thấy ba người phụ nữ nhà mình ai cũng nói cười vui vẻ, Trần Cảnh Chiêu đành gác chuyện hỏi nội sang một bên mà trở vào buồng ngủ của mình coi lại hồ sơ vụ án và bản giám định tử thi. Xem được một lát thì em họ gõ cửa phòng, nó đưa cho anh một dĩa bánh có để muỗng sẵn và một ly nước khoáng có ga vị trái cây có bỏ đá viên. Anh cảm ơn nó, rồi đem bánh, nước để trên bàn viết, sau đó mới quay lại đóng cửa phòng.
Cô Thảo con cô Tư Rằn mất tích khi nào chẳng ai rõ, bởi mấy năm trước cô cũng từng bỏ nhà đi biệt tích rồi thình lình trở về trong một đêm giông bão, sấm chớp ì đùng như oan hồn hiện về báo oán. Ở đâu được vài tháng, lại bỏ nhà đi nữa, và lần này thì tới giờ vẫn chưa thấy về. Khổ người, khung xương khá tương đồng nhau, nhưng diện mạo một phần bị phá hủy, một phần bị "ăn" mất nên rất vất vả trong chuyện tái hiện lại khuôn mặt lúc sinh thời.
Cảm thấy trí bắt đầu quẫn, Trần Cảnh Chiêu bèn bật bản nhạc "Cuộc đời phù du" do ca sĩ Ngọc Lan trình bày để giải khuây. Ngoài cửa sổ, bụi ớt chỉ thiên cao vượt bậu cửa sổ đã chín đỏ cây, hồi nãy nội anh có hái chừng một rổ đem vô ăn cặp với đồ ăn cho đỡ ngán ngấy, ấy vậy mà vẫn không xi-nhê.
Ổ bánh Choco Party đã thuộc quyền sở hữu của vợ con cậu Ba, đứa lớn nhất không hảo ngọt nên ăn chung ổ bánh Sunny Day với cha nó, cha anh và anh. Còn ổ bánh Be Happy thì người bạn mới kết giao thưởng thức với mẹ và bà nội anh. Ổ còn lại thuộc về vợ chồng anh Hai anh, chị dâu anh chắc giờ này đã chụp hình rồi đăng lên Facebook khoe với bạn bè gần xa.
Anh vừa ăn bánh, uống nước, vừa ngẫm nghĩ đến tình nết người bạn mới quen. Anh không dễ khai thác những điều muốn biết ở anh ta, nhưng bù lại, hễ cần một lời khuyên về cuộc sống thì người này dễ dàng trao tặng ngay, không giấu giếm chi sất. Con người đó sống giữa hai Thái Cực, nửa muốn hòa nhập vào thế giới thực tại, nửa lại muốn chôn vùi cuộc đời trong xứ sở Văn Chương huyền diệu.
Lại có tiếng gõ cửa phòng, người đứng ở ngoài là bà nội anh. Anh liền vội vã đưa nội vào phòng, rồi khóa cửa lại.
- Chiều nay nhà mình nấu canh nghệ nấm mối nêm muối ớt và ếch chiên bơ cho cậu Tuyết ăn chơi. Còn bây muốn ăn món gì...
- Nội, nội nói cho con biết đi mà nội... Nội...
- Úy! Ăn nhơi nhơi vậy bánh kem chảy hết sao...
- Nội, nội nói cho con biết đi mà nội... Nội...
- Rồi, rồi, bây đừng có "nhựa" nữa...
Nội thuật từ đầu chí cuối những lời đồn đại của bà con chòm xóm, đôi lúc dừng lại mà chặc lưỡi một cái, thỉnh thoảng ngừng nói để quan sát sắc mặt cháu trai ra sao. Trần Cảnh Chiêu lặng thinh ăn bánh kem, anh không nói không rằng, chỉ gật đầu ra hiệu cho bà nội nói tiếp.
- Chuyện có như vậy thôi đó... Thôi bây ăn món gì thì nói lẹ để tao biết đường mà chuẩn bị cho kịp, chớ chợ mà nghỉ là bây hụt ăn đó đa.
- Dạ, con muốn ăn sườn chiên muối ớt. Nhiêu đó thôi nội.
- Ờ, để tao biểu con Bưởi ra chợ mua, hổng có ngon thì biểu nó vô siêu thị kiếm. - Nội vừa nói, vừa thò tay ngắt mấy trái ớt chỉ thiên chín đỏ ở ngoài cửa sổ. Rồi xuống bếp sơ chế nguyên liệu.
Nghe nội sai bảo, cô Bưởi liền lấy chiếc Attila chạy đi mua sườn heo cho em rể. Sẵn chuyến, chị sẽ ghé mua cho chồng một hộp bánh tráng trộn.
Trong lúc chị ghé mua bánh tráng trộn, chị gặp một đôi bạn thân trạc tuổi nhau dắt theo mấy đứa nhỏ hết sức khôi ngô và đáng yêu. Vì rất thích trẻ con nên chị có nán lại thêm mười phút để hỏi thăm chúng, và thật không ngờ là được cậu trai tóc màu nâu hạt dẻ nhiệt tình chia sẻ cách thức chăm sóc con cái. Dù ba má chồng không nói ra, song chị chắc mẩm ba má cũng đang nôn cháu dữ lắm, kết hôn gần năm năm rồi mà chẳng nghe "rục rịch" gì thì hỏi sao chị không buồn thân tủi phận.
- Cái chị hồi nãy nói chuyện với tôi nghe giọng có sắc phiền, chắc bị muộn đường con cái hay sao đó...
- Bởi tôi nghĩ hồi trước tôi bậy hết sức, có con mà không chịu thương chúng, để nó sống như ăn mày suốt mấy năm trời.
- Có nhớ mua gì về cho hai đứa không?
- Có. Đủ hết.
Vệ Minh mỉm cười hài lòng, rồi quay qua bẹo má con trai. Cu cậu la oai oái, vì không muốn bị nựng trong lúc đang ăn.
Trở về nhà sau chuyến đi chợ trễ hơn thường ngày nửa tiếng, nhưng bà nội và má chồng chẳng ai rầy rà cô Bưởi. Bà Trần pha cho chị một ly nước hạnh muối, rồi biểu chị uống xong thì lên nhà trên nói chuyện với bác Tâm một chút. Không biết "bác Tâm" là ai nên chị lo lung lắm.
Té ra "bác Tâm" là thầy tướng số, nhưng ăn diện chẳng có tí nào lạ đời hay trái khoáy. Bác mặc bộ đồ bà ba lụa trắng, tóc búi tó củ hành, mặt mày để nguyên sơ nên nhìn coi khá kém sắc và già nua.
Vừa nhác thấy Đặng Xương Tuyết, bác ta kêu lên:
- Ôi quý nhân!
Đặng Xương Tuyết phì cười:
- Nghèo rớt mồng tơi mà quý nhân gì thưa bác?
- Tôi nói quý nhân chứ có nói phú nhân đâu. Mắt chim loan, lại thêm tiền tỳ quặp tựa móc câu, tướng mắt của bậc quân tử hiếm thấy. Tai ép sát vào đầu. Miệng hình chữ Từ. Trán dô. Tóc đen như mực lại nhiều và nhuyễn. Tướng coi tốt quá! Chỉ hiềm một nỗi vì những nét tướng này mà cậu xuất thế vinh hoa nhưng mãi vẫn chưa giàu.
- Là do cái miệng và cái tay của cháu đấy.
- Đúng, đúng, bậc quân tử ghét xu nịnh và chạy theo thế thời nên thành thử ra lập dị trong con mắt người đời nay. Cho nên không phải có tướng tốt là sẽ giàu, mà tướng tốt chỉ thể hiện một phần phúc đức từ tiền kiếp và cái tâm người ấy trong kiếp này.
Bác Tâm ngỏ ý muốn xem lá số tử vi miễn phí cho Đặng Xương Tuyết, song anh lắc đầu từ chối.
- Sao vậy?
Đặng Xương Tuyết mở Thư viện Ảnh trong điện thoại để cho bác Tâm xem lá số của mình.
- Lá số nặng nợ nước non. Chắc cậu luận được nên không muốn nhắc lại... "Cự Tuất, Nhật Ngọ, mệnh viên diệc vi kỳ."
Vì nghĩ Đặng Xương Tuyết không ưa mấy chuyện bói toán, nên Trần Cảnh Chiêu kiếm cớ kéo anh ta ra sau hè ngồi nói chuyện phiếm với mình.
- Tôi bên pháp y, tin khoa học hơn là bói toán hay tướng số.
- Bói toán hay tướng số đều có thật đấy. Anh hãy để ý những kẻ hay nói lời cay nghiệt miệng thường nhọn hoắt và chu ra thấy rõ, còn người dùng lời êm ái thì khuôn miệng sẽ móm sọm hơn cấu trúc móm bẩm sinh rất nhiều.
- Vậy theo như quan điểm mà anh nêu trên, anh có thích diện mạo của các anh chàng trong giới giải trí hiện nay không?
- Không. Tôi thấy nhân tướng học của dàn tài tử Hồng Kông thập niên 80 - 90 tốt hơn nhiều.
- Điển hình như Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát, Cổ Thiên Lạc?
- Phải. - Đặng Xương Tuyết ngó cây ổi xá lị chưa có trái một đỗi, rồi mới chia sẻ thêm những điều mà mình đọc được trong sách. - Trong nhân tướng học tối kỵ nam giới mang nét đẹp "nữ tính hóa", trong sách sử Trung Hoa không thiếu người mang nét đẹp này mà phải chết yểu, ví dụ như Hoa Vinh, La Thành,...
- Khó tin và cũng khó hiểu quá!
- Tin hay không tin gì thì cũng đừng bao giờ mua vật phẩm phong thủy, trấn trạch cầu an. Sống bất nhân thất đức thì chẳng có vật phẩm gì cứu giải nổi đâu.
Trần Cảnh Chiêu phì cười:
- Tôi đời nào mà bỏ tiền mua ba cái đồ đó...
Nhác thấy bác Tâm, Trần Cảnh Chiêu bèn cất giọng trêu chọc:
- Bác ơi! Xem giùm tôi có mắc duyên âm không?
Bác Tâm ngó chàng pháp y một lúc thật lâu, rồi mỉm miệng cười:
- Nghề nghiệp của cậu là vì công lý nên mới gần gũi người cõi Âm, thì sao người cõi Âm ám hại hay theo phá cậu được.
- Vậy tôi không có duyên âm sao bác?
- Người có duyên âm thực sự là người đang đứng kế bên cậu đấy... Thôi tôi về nghen mợ Hai, con về nghen nội Trần, cô về nghen Bưởi!
Bữa cơm tối đó trải qua cũng đầm ấm như mấy bữa trước. Cậu Ba đặt trúm bắt được một mớ lươn rất ngon, nên sai vợ mình làm gỏi lươn và lươn nướng đãi khách. Chủ và khách ai cũng sống có tình có lý nên hai đàng đối xử với nhau thân mật như người cùng một họ hàng, chẳng còn câu nệ lễ tiết chi nữa.
Khi mảnh trăng treo trên ngọn tre sau hè, Trần Cảnh Chiêu lại rủ người bạn mới quen ra ngoài mé biển hứng gió.
- Anh có biết vụ hỏa hoạn ở dinh thự của ông thương gia họ Vệ không?
- Không rõ. Chỉ nghe sơ sơ thôi.
- Không phải như những gì mà báo chí đã viết đâu.
- Hì, có tiền mà, "xào chẻ" thế nào chẳng được. Những người làm báo có lương tâm nay còn mấy người? Tôi nhìn một đám bu vào săm soi vết sẹo của cô diễn viên A, cái nhẫn đính hôn của nghệ sĩ B mà cảm thấy nực cười. Báo chí sinh ra không phải để làm chuyện ruồi bu kiến đậu, mà là phổ cập tri thức đến toàn thể tầng lớp nhân dân, làm giàu đẹp chữ Quốc ngữ, và giúp cho đồng bào hiểu được đâu là lòng yêu Tổ quốc đúng đắn, và đâu là thói bao che mù quáng.
- Viết như vậy là chết đói rồi... Nếu đụng tới ông nào nữa còn dễ chết mất xác hơn...
- Tôi nghĩ mọi người làm báo đều phải học thuộc "Tỉnh Quốc hồn ca" do cụ Phan Châu Trinh biên soạn. Điều Một: Trong khi nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi ích dân tộc, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày. Và điều Mười: Trong khi họ làm việc quan cốt ích Nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay sở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng,...
Chợt thấy Trần Cảnh Chiêu che mặt cười rũ rượi, Đặng Xương Tuyết vui miệng hỏi nguyên do.
- Cụ mà sinh ra thời này thì chắc bị một khối kẻ ngu dốt gọi là "Phản động" đó.
Đặng Xương Tuyết bật cười thành tiếng. Nhưng nghe điệu cười của anh sao mà chua chát quá.
- Anh không thể nào bắt một con cá biết bay và một con chim biết lặn nếu như bản thân chúng không muốn. Cũng tương tự vậy, dẫu lời anh nói là hợp tình hợp lý và chân thật, nhưng nếu đụng chạm tới lợi ích của họ, họ sẽ cho rằng đó là lời trái tai và vu cho anh là "Phản động" ngay. Chẳng nên trách họ, bởi lẽ các cụ ngày xưa đã hao hơi tổn sức hết lời rồi mà có ai trong số họ chịu nghe theo để sửa mình đâu? Huống hồ chi tôi lại là bậc hậu bối, tài học chẳng bằng các cụ, phẩm hạnh lại càng không xứng đáng nhắc tới, nên tôi nói thì nói, ai hiểu thì kết thân, ai không hiểu thì xin miễn tiếp.
Bản nhạc "Tôi còn trẻ" do ca sĩ Thùy Dương trình bày như xoáy vào lòng Đặng Xương Tuyết những mũi dao nhọn. Trong quán cà-phê, mỗi người khách vẫn nói cười rôm rả, vẫn ung dung nhấp từng ngụm cà-phê đen sánh. Đặng Xương Tuyết biết mình dù ở đâu cũng lạc lõng, cũng bơ vơ một mình, cũng chìm sâu trong cõi tâm thức.
- Còn tôi ở đây, anh sẽ không phải chịu cảnh đơn độc đâu. Dẫu tụi mình chỉ là một nhóm thiểu số trong cái xã hội này, nhưng tôi tin tụi mình có thể thổi bùng ngọn lửa Nhân bản và Công minh cho Đất Nước này.
Trả tiền cà-phê xong, Trần Cảnh Chiêu chở Đặng Xương Tuyết đi vòng khắp các cung đường ven biển Gành Hào ngắm cảnh.
- Nếu viết được cốt truyện về vấn đề đồng tính hay như "Xuân quang xạ tiết" do hai vị tài tử Trương Quốc Vinh - Lương Triều Vỹ thủ diễn thì tốt biết mấy.
Trần Cảnh Chiêu chưa xem bộ phim đó bao giờ. Có lẽ anh sẽ dành ra một trưa Chủ Nhật rảnh rỗi để xem thử. Anh hy vọng bộ phim sẽ ít có cảnh "ướt át" và gợi tình do anh hãy còn chưa quen với cốt truyện như vậy.
- Anh có biết không? Trong mỗi tác phẩm của mình, Haruki Murakami đều có một người đồng tính luyến ái hay khó xác định được giới tính do khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Và đa số người đồng tính ấy đều yêu nhân vật chính của tác phẩm. Như Quế trong "Biên niên ký Chim Vặn Dây Cót", Xám trong "Tazaki Tsukuru Không Màu và những năm tháng hành hương", Oshima trong "Kafka bên bờ biển", Tamaru trong "1Q84".
- Anh cảm thấy sao?
- Tôi đã bị sốc khi đọc tới đoạn chàng Xám "BJ" cho Tazaki Không màu. Và việc Không Màu không dám kể cho bạn gái nghe về sự tồn tại của Xám trong quãng đời quá khứ càng khiến tôi nghi ngờ mối dây tình cảm giữa hai người.
- Anh có thích văn phong của ông ấy không?
- Nhiều người chê văn phong Thôn Thượng Xuân Thụ y hệt học sinh lớp Một và không đáng được tôn xưng là tác gia nổi tiếng. Nhưng khi tôi đọc những tác phẩm mà bọn họ ưa chuộng và khen ngợi, tôi lại không cảm nhận được cái nét đặc sắc của cốt truyện và chất thơ của văn phong; nhiều chỗ viết hoa mỹ thừa thãi đến nỗi tôi cảm thấy trống rỗng và "quá kịch". - Đặng Xương Tuyết rít một hơi thuốc lá, rồi quay chủ đề trở lại chính mình. - Điều mà tôi hằng mong muốn khi viết lách, đó là biến hội thoại của nhân vật trở nên sống động và gần gũi với đời thường, nên tôi rất thích sử dụng tiếng địa phương.
Đứng trước biển, dường như con người thường dễ mở lòng, có thể tại thế mà Đặng Xương Tuyết lắm lời hơn mọi khi. Mà Trần Cảnh Chiêu nói nhiều, lại trở nên trầm mặc so với hằng ngày.
- Nhóm của cậu Bình sợ rằng không thể trụ nổi với nghiệp làm báo. Vụ án khuất tất của Khán Cảnh có liên quan tới con trai của một cựu quan chức cấp cao...
Đặng Xương Tuyết nghe xong, chỉ biết lắc đầu và thở dài. Rồi chợt nói:
- Có một người đã lớn tuổi khoe ông bạn mình biết rất nhiều thứ tiếng và học lực vô cùng xuất sắc, nhưng lại không cung cấp được video chứng minh hai điều ấy. Trái ngược lại, cái người mà họ chê dốt nát và bất tài lại nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió. Tôi biết anh phá án cũng vậy, dẫu biết người đó bị oan khuất, nhưng nếu bằng chứng đã bị đem đi tiêu hủy hết thì...
- Anh biết quá nhiều...
- Điều đó thì ai mà chẳng biết?
"Bốp."
Suýt chút nữa thì trái banh đã đập vào đầu Trần Cảnh Chiêu, Đặng Xương Tuyết kịp thời giơ tay cản nên viên pháp y không bị thương.
Vừa nắn khớp tay cho Đặng Xương Tuyết, Trần Cảnh Chiêu vừa bối rối cảm ơn.
- Nghỉ viết vài bữa là sẽ lành thôi. Đã lâu không đánh bóng chuyền nên giờ cổ tay không còn linh hoạt và chịu va đập tốt nữa.
Nhóm người chơi bóng chuyền tới lấy lại trái banh, và không quên xin lỗi hai người. Nhìn cách hành xử thì thấy họ có vẻ là dân văn phòng, nhân ngày Chúa Nhật mà xuống đây tắm biển giải khuây.
Vì gặp chuyện xúi quẩy gây mất hứng, nên hai người bèn quay về nhà sớm hơn dự tính.
- Thuở còn sinh thời, cụ Hồ Biểu Chánh thường bán sách chỉ có giá vài cắc bạc. Có nhiều người hỏi cụ sao không đóng sách, vẽ bìa đẹp như Tự Lực Văn Đoàn ngoài Bắc để bán giá cao hơn, thì cụ cười biểu muốn phổ cập chữ Quốc ngữ đến mọi tầng lớp nhân dân nên không muốn bán giá quá cao. Do đó mà sách của cụ phần đông đều bị hư tổn do phẩm chất giấy in xấu và rẻ tiền.
Trần Cảnh Chiêu chợt xốn xang trong dạ. Anh nhớ tới những lần mua sách đắt xắt ra miếng mà nội dung lại tương phản với giá tiền. Cho không được mà giữ cũng chẳng xong.
- Có nhiều kẻ viết được một tác phẩm thành công thì vội vàng nâng giá, làm chảnh làm phách, không coi ai ra gì. Mấy ai được như cụ Hồ Biểu Chánh, thà là công sức của mình bị vùi dập, còn hơn là tước đi cơ hội đọc sách của những người nghèo mà ham chữ. Tiền nhuận bút của cụ còn không bằng tiền uống thuốc trợ tim của cụ, bởi trong lúc sáng tác cụ quá nhập tâm vào việc hun đúc hình tượng nhân vật mà rất nhiều lần đã lên cơn xúc động và lăn đùng ra bất tỉnh.
- Và đó chính là lý do khiến cụ bị đột tử trong lúc sáng tác quyển "Hy sinh" phải không?
- Phải.
Tiếng nói của Đặng Xương Tuyết bỗng trở nên sầu thảm khôn cùng:
- Bây giờ tôi mà đưa cho giới trẻ thời nay một cuốn sách do một trong các cụ ngày xưa thủ bút và nhận mình là người viết thay vì ghi rõ tên của tác giả thật, chắc sẽ có khối kẻ nhảy cẫng lên chửi tôi văn phong lậm Tàu hay tại sao lại đặt tên nhân vật theo kiểu Tàu. Những kẻ ấy không hề hay biết rằng các cụ ngày xưa viết văn còn hay gấp một vạn lần những tác phẩm diễm tình Trung Quốc đang nổi đình nổi đám hiện nay.
Trần Cảnh Chiêu trông thấy xe bán đồ chiên và xiên que nướng, bèn rủ gã văn sĩ điên lại ăn. Rồi anh chợt thấy một giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt phong sương của người bạn mới quen.
Nhác thấy hai người đi gần tới, thím bán đồ uống kế bên khẽ cất giọng mời chào.
Hai người cảm thấy tồi tội, nên mỗi người mua giùm thím một ly sinh tố cỡ lớn. Rồi đặt mua hai hộp đồ chiên thập cẩm và nhờ chủ quán dọn bàn để ăn xiên que nướng.
- Ơ, nay hai đứa tụi bây không đi làm hả? - Thím bán đồ uống chưng hửng thấy rõ.
Hai người trai ấy chỉ "Ừm" một tiếng cho có, rồi giục thím mau pha cà-phê cho họ.
- Cho tôi mượn cuốn sổ tay của anh.
Trần Cảnh Chiêu ngồi viết hơn nửa tiếng mà vẫn chưa chịu ngừng tay. Trong lúc chờ đợi, Đặng Xương Tuyết mở cuốn sổ tay khác chép ý tưởng; thỉnh thoảng dừng lại uống sinh tố mãng cầu. Hai người mua cà-phê đã đi khuất bóng.
Quả đúng như tích truyện: Bọ ngựa bắt Ve, Chim Sẻ đứng sau. Hai người mải lo viết, nên không hay rằng người khách ngồi sau lưng theo dõi mình. Người đó đội nón lưỡi trai kéo sụp qua mắt, dáng người cao gầy, thuận tay trái và mặc cái quần jeans rách màu đen.
oOo
Manuel Ngô đang đứng phát cơm và sữa cho người cần ở bãi trống sau lưng nhà thờ, nằm phía bên tay trái nghĩa trang. Bên kia đường, Tô Phỉ Thúy đang đứng phát tờ rơi cho một lớp dạy võ thuật; y không biết mặt cô là vì mỗi bận y đến ty Cảnh Sát làm việc thì cô đã rời đi được hai giờ đồng hồ, lần nào cũng thế, không sai lệch một li.
Manuel Ngô treo bảng hiệu: "Cơm cho người cần", chứ không phải là "Người nghèo" hay "Người khốn khó", là vì hội của anh ta không phân biệt sang - hèn hay giàu - nghèo, hễ ai cần thì tới nói một tiếng hội sẽ phát cho, vậy thôi.
- Hở? - Người mà cô đang theo dõi đương đứng trước mặt cô và đưa cho cô một phần cơm canh hãy còn nóng sốt. Mục sư Manuel Ngô tặng xong, y ân cần hỏi thăm xem đời sống sinh viên của cô có khó khăn không, nếu ngặt không đủ chi trả tiền sinh hoạt hàng tháng, y sẽ nhờ Hội tương tế tìm giúp chỗ làm bán thời gian với mức lương rất khá cho.
Tô Phỉ Thúy chuyển công tác từ đồn Cảnh Sát Diệp Trầm sang ty Cảnh Sát. Thuở trước cô cùng người chị gái song sinh Ngọc Bội làm việc ở đấy. Từ Cuộc chuyển sang Phân Chi rồi lên tới Ty, không biết chừng trong tương lai gặp thời may cô sẽ được thăng cấp sang hoạt động trong Nha, nên dù nhiệm vụ lần này rất cam go, cô vẫn không hề quản ngại chi sất. Chị gái cô đã hoài thai được sáu tháng, hiện đương dưỡng thai ở bảo sanh viện Từ Dũ, nên cơ hội này mới về tay cô.
Vẫn mặc chiếc áo dòng, Manuel Ngô chạy xe gắn máy tới vườn trẻ đón giùm con cho một nữ tín đồ trong Hội Thánh Tin Lành. Cái nón bảo hiểm in decal Đô-rê-mon ngộ nghĩnh treo ở tay cầm lắc qua lắc lại theo từng đường chuyển động của chiếc xe. Phố đã lên đèn, những ngọn hoa điện tỏa sáng thật lung linh. Dòng người ngược xuôi trông như những chấm màu sắc rực rỡ điểm tô cho khung cảnh nơi đây.
- Mục sư! Con ở đây nè, Mục sư!
Manuel Ngô nựng hai gò má phúng phính của bé con, đoạn thương yêu hỏi:
- Bi hôm nay học ngoan không?
Vừa kiễng chân lấy nón bảo hiểm, Bi mập vừa thưa:
- Dạ, ngoan.
- Thiệt hôn đó? - Manuel Ngô bông đùa.
- Dạ, thiệt mà. - Bi mập vỗ ngực, ra vẻ chứng tỏ mình nói thiệt.
Manuel Ngô chở Bi mập đi ăn ở quán Jollibee. Tuy nữ tín hữu luôn căn dặn y đừng nuông chiều con mình, song nhìn nó thấy thương quá y lại cầm lòng không đặng.
Hai chú cháu đều chọn cho mình một combo mỳ Ý, gà chiên và khoai tây chiên, đồ uống thì gọi nước ngọt có thêm kem tươi, dĩ nhiên là phải bù tiền nước.
- Độ rày ba má con còn cự cãi không?
Bi mập buồn hiu:
- Dạ còn.
Manuel Ngô xoa đầu Bi mập mà thở dài thườn thượt. Một người ham sắc, một người cầu tài, hai người đều vì vụ lợi mà tiến tới hôn nhân thì làm sao ăn đời ở kiếp với nhau được?
Để an ủi bé con, Manuel Ngô mua cho nó thêm một túi gà viên. Hai người dùng bữa tới bảy giờ rưỡi mới xong, do quán ăn đông quá nên nhân viên dọn bàn trễ.
Từ đằng xa đã thấy nữ tín hữu đứng ở sân trước ngóng con, chị không thay đồ bộ vì sợ bất nhã khi đứng trước cậu Mục sư, tuy trời đã tối xẩm nhưng vì đang độ mùa hè nên trời nóng bức kinh khủng, bộ đồ công sở dày cui càng khiến cho chị mệt mỏi tợn.
"Tin."
Manuel Ngô bóp kèn báo hiệu, rồi nhá đèn pha vài lần để nữ tín hữu ấy biết. Đợi Mục sư kêu xuống, Bi mập mới cẩn thận leo xuống; trông thấy mẹ, bé con liền khoanh tay thưa.
- Làm phiền Mục sư quá! - Nữ tín hữu cất giọng đầy bối rối, vì chị lo Mục sư sẽ bị đàm tiếu mất.
Manuel Ngô nhoẻn miệng cười thật hiền và gật nhẹ đầu, rồi chào tạm biệt hai mẹ con mà trở về nhà thờ.
Thầy Miguel đã về nhà riêng vào lúc sáu giờ tối, nên nhà thờ giờ chỉ còn có mỗi hình bóng y. Quanh năm suốt tháng làm bạn với gác chuông và cây Thánh giá, riết rồi y cứ tưởng mình là thằng gù "Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo.
Nhờ lá thơ đe dọa của kẻ "có tật giật mình" mà Manuel Ngô mới hay biết rằng cái tiểu ấy của người thanh niên tên Cảnh. Cái hôm lên viết tờ tường trình, y đã gửi luôn bức thư cho cơ quan Điều tra - Phá án. Đã mất công che đậy tội ác suốt hai mươi mốt năm qua, chắc chắn hung thủ không ngu dại gì mà để lộ sơ hở và lưu lại dấu vân tay trên trang giấy; song y vẫn nuôi nấng một tia hy vọng dù rất mỏng manh.
Trời càng về khuya, dải Ngân Hà vắt ngang vòm trời càng hiện rõ nét. Không ngủ được, Manuel Ngô đành ngồi dậy, xỏ dép vào chân, rồi đi lững thững xuống nhà nguyện. Khu nhà nguyện nằm sau lưng nhà thờ chính, khoảng sân giữa hai tòa nhà có lắp một mái vòm che bằng kính mica màu xanh da trời rất thanh nhã; để cho khung cảnh thêm tươi đẹp, y bỏ công trồng các loại hoa leo như bông giấy, bìm bìm và ti-gôn đặng cho chúng bám lên khắp các khung sườn của mái vòm.
Manuel Ngô coi lại các sách về Cơ Đốc Giáo, chừng hai tiếng sau, y bỏ lên Cung Thánh chắp tay xưng tội với Thiên Chúa.
Hôm Judas ghé chơi, Thầy Miguel toan xuống nhà nguyện, nhưng vì nhác thấy tín hữu ngồi cầu nguyện trong Cung Thánh nên thay đổi hướng đi. Không biết họ đã nói những chuyện gì với nhau nhỉ? Đang nghĩ chuyện này, bỗng chốc y nhớ lại ca khúc "How deep is your love" do ban nhạc Bee Gees phát trong quán Jollibee, lời bài hát nhắc y nhớ tới hai người đàn ông thường ngồi sóng vai nhau dưới tán cây ngân hạnh; tại sao cha mẹ bé Bi mập không thể nào yêu nhau sâu đậm như họ, trong khi hai người có đủ điều kiện và thừa khả năng để yêu nhau mà không bị kỳ thị hay đàm tiếu? Y chưa từng yêu ai nên y không tài nào thấu hiểu được điều này, và cũng chẳng dám dạy khôn ai, y chỉ cảm thấy số phận thật trớ trêu khi sắp đặt cho những người yêu nhau thật lòng phải chia lìa lứa đôi vì trăm vạn lý do, đúng đắn có, sai trái có, mà không thể quy về tốt hay xấu cũng có.
Ước khoảng một giờ sáng, Manuel Ngô buồn tình tản bộ trong khuôn viên nghĩa trang lạnh lẽo. Rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào, y lần bước theo tiếng gõ "Cách... Cách..." của một xe hủ tíu. Nghe đâu nhỏ bưng tô cũng phải học cách gõ, âm nào là chào hàng, thanh nào là thu tiền, tiếng nào là "tín hiệu" nghỉ bán, ôi thôi đủ cả. Nghề nào cũng cần phải học, và nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp.
Bác chủ quán đương nằm vắt vẻo trên cái võng mắc ở hai đầu cây phượng. Thằng con, à không phải, thằng cháu của bác mới đúng, đang lăng xăng bưng tô và tính tiền. Còn vợ ông thì thoăn thoắt trụng hủ tíu, bỏ các thứ thịt thà và rau nêm vào tô, rồi chan nước lèo.
Ban đầu anh ta tưởng ông bác làm biếng nên phó thác cho bà vợ và cháu trai, sau mới biết bác bị thọt một chân. Bác vừa đung đưa võng, vừa lắng nghe ca khúc "Bước chân sông hồ" do ca sĩ Hùng Cường trình bày; biết cha mình yêu âm nhạc, con trai lớn của bác đã mua tặng cha hai đĩa CD Dạ Lan tape 22 và 24 về chủ đề Nhạc xưa Phim bộ, với sự góp mặt của rất nhiều giọng ca hải ngoại như Hùng Cường, Ngọc Lan. Duy Quang, Như Mai, Tuấn Vũ,...
- Cậu gì ơi?
Manuel Ngô đứng sững lại, sau đó mỉm miệng cười nhìn bác.
Ngồi dậy đàng hoàng xong, bác mới nói tiếp:
- Cậu hệt như nghĩa huynh của tôi vậy.
- Ông ấy... tên Ngô Kỳ Ân phải không?
- Còn cậu là Ngô Kỳ Anh.
Dù thời gian đã làm hình vóc ông ta biến đổi rất nhiều, song giọng nói thì không, nên Manuel Ngô nhớ lại tính danh của ông ta không mấy khó khăn. Hồi cha y còn sống, người này mỗi khi rủng rỉnh tiền là sẽ dẫn họ đi ăn ở mấy quán cơm của người Hoa gần chợ Bến Thành hay Chợ Lớn.
Bất chợt ông ta nói:
- Cái tiểu đựng tro cốt của nghĩa huynh hiện đang nương náu ở một ngôi chùa.
Manuel Ngô muốn cười lắm, mà cười không nổi. Cha nương dựa chân Phật, còn con nương dựa chân Chúa. Thế gian vui sướng thì quên bẵng Chúa - Phật và Trời - Đất, nhưng hễ sa cơ thất chí hay gặp chuyện bất trắc lại kêu gào các Đấng thiêng liêng giúp đỡ.
Một người đàn ông bất thình lình nhào tới xô y ngã chúi nhủi. Hai người đàn ông cao khỏe đương ngồi ăn ở gần đó vội xông tới giải vây cho y.
Chẳng những không trách, Manuel Ngô còn nói:
- Thôi, mời anh lại ăn hủ tíu với tôi.
Người đàn ông bất nhã ấy mặt dày mày dạn đồng ý ngay tắp lự. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
- Cậu mặc áo dòng làm tôi tưởng Cha xứ...
- Thưa bác, con thích mặc tấm áo này là vì muốn bày tỏ sự tận tâm phụng sự tuyệt đối với Thiên Chúa, và không còn vướng mắc duyên nợ thế tục nữa.
- Ờ, chắc có lẽ tôi là thứ "gà què quanh quẩn cối xay", nên chỉ toàn thấy Mục sư mặc com-lê, áo sơ-mi đóng thùng và quần tây đen.
Manuel Ngô chúm chím cười. Rồi soạn đũa, muỗng và pha nước chấm để ăn hủ tíu. Cử chỉ của y mũ mĩ* quá mức, khiến cho nghĩa đệ của cha bợ ngợ* hết sức. Người đàn ông ăn mày kiêm ăn vạ kia thì đang thong thả ăn hủ tíu.
Phương Vũ đương ngồi ăn ở bàn bên với Vệ Lô Địch, nghe thế thì lấy tay chống gò má và nhếch môi cười.
- Sao cười vậy cha?
- Mắc cười thì người ta cười.
- Mà tại sao lại mắc cười?
- Tại vì tôi mắc cười.
Vệ Minh có rủ hai người xuống Bạc Liêu chơi, nhưng họ từ chối vì muốn có không gian riêng. Ở lại Sài Gòn phồn hoa đô hội, tuy đất chật người đông, phố xá đã thuộc nằm lòng, nhưng khi sánh bước bên người yêu, mọi nẻo đường bỗng trở nên thật mới mẻ, cảnh ồn ào tạp nhạp cũng hóa thơ mộng. Sau khi từ Bắc vô Nam theo diện tản cư, nhạc sĩ Y Vân đã viết nên khúc nhạc bất hủ "Sài Gòn" để cảm ơn vùng đất đã cưu mang và thay đổi cuộc đời của gia đình mình; người đầu tiên trình bày bài hát này là cô ca sĩ Trúc Mai.
Viên Thùy thấy cảnh bát nháo đã được dẹp yên, anh mới trả tiền rồi kéo ghế đứng dậy. Trước khi đi quay đầu lại nhìn kỹ mặt người đàn ông du đãng ban nãy. Thấy anh nhìn chằm chằm mà gã ta vẫn cứ trơ trơ, như thể anh là người tàng hình vậy.
Nội trong buổi tối nay, Viên Thùy đã gặp thêm một chuyện hết sức lạ lùng:
Số là vừa rời khỏi nhà xác chưa được mười phút, Viên Thùy đã phải quay lại tiếp nhận một ca giải phẫu tử thi chưa rõ danh tính. Quái đản ở chỗ, anh ta cứ mím môi mãi mà không chịu "khai dao".
- Không muốn làm phải không? Ra ngoài ngay lập tức. - Bạch Lãng chỉ tay về phía cánh cửa phòng. Giọng của ông đanh lại, nghe nặng nề như tiếng sắt rơi từ trên cao xuống mặt đất.
Viên Thùy dụ dự một hồi, rồi quyết định rời khỏi với cái miệng đóng chặt lại. Đêm đó anh ta về thẳng nhà, không hó hé một tiếng, như thể đang ngậm bánh Thánh trong miệng vào mỗi sáng Chúa Nhật ở nhà thờ.
...
Sau giờ phẫu thuật, Bạch Lãng và cậu học trò Kha Ngạn ghé quán bún ăn lót dạ. Quán bún này bán từ hai giờ sáng đến Chính Ngọ, bán coi cũng khá lắm.
- Tử thi là bạn học cũ của cậu Thùy phải không?
- Thưa thầy, thú thật con không biết.
Mặt mày Bạch Lãng buồn xo. Ông không hỏi chi nữa, lặng thinh ngồi ăn nốt món bún bì, thịt nướng và chả giò.
Sợ thầy ăn bún khô cổ, nên Kha Ngạn không hỏi mà đã đi mua cho mình và thầy mỗi người một bịch nước mía cỡ lớn.
- Hành nghề pháp y sợ nhất là phải giải phẫu người quen của mình. - Bạch Lãng thở dài mà nói cho cậu học trò nghe nỗi lo lắng đang quẩn quanh trong lòng, sau khi đã uống xong một ngụm nước mía ngọt mát. Rồi đứng dậy kêu tính tiền.
oOo
Bà mới mở một lớp dạy nhạc miễn phí cho những người yêu âm nhạc trên đại lộ Gia Định. Lớp học của bà gồm mười bốn học viên; già, trẻ, lớn, bé đều có.
Hôm nay bà vận áo dài trắng trơn màu, đi guốc mộc, mái tóc bới cao gọn gàng, nhưng trông bà cũng không trẻ hơn tuổi thật là mấy. Chung quy đã bước sang hàng thất tuần thì đừng mong cầu gì hai chữ "trẻ hóa".
Bà chưa kịp ngồi vào chỗ của mình, bỗng đâu cụ bà học viên hớt hải thông báo:
- Cô Anzu, cô có hay tin gì chưa?
Vừa cầm giẻ lau bảng, bà vừa hờ hững đáp:
- Thưa cụ, chưa ạ.
- Vừa có ông nào tham nhũng chưa kịp giải ra tòa thì đã bị bắn chết vào rạng sáng hôm qua.
Bà ngừng lau bảng, quay lại hỏi cụ bà:
- Thì... sao ạ?
- Trời ơi, tít báo ghi rõ cháu trai của cô Anzu có mặt ở hiện trường và hiện đang bị tình nghi là hung thủ kìa.
- Hả?
Hiểu rằng cháu trai bị gài bẫy là bởi tại mình, bà tức bản thân đến nỗi lên máu sản hậu. Thấy bà ôm ngực khụy xuống mà thở dốc như sắp đứt hơi, mặt mày thì đỏ au như bị cháy nắng, mười đầu ngón tay co quắp lại và run lên từng hồi, các học viên tới sớm hoảng vía kêu xe cứu thương, gọi cho cảnh sát, rồi chạy ra đường tri hô.
oOo
Chú thích:
1/ "Mũ mĩ" là tiếng địa phương trong Nam, gần đồng nghĩa với "Thùy mị" và "Dễ thương".
2/ "Bợ ngợ" là tiếng địa phương trong Nam, có nghĩa giống với "Bỡ ngỡ".