• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khuê Nguyên năm thứ ba, tôi chết.

Độc phát chết bất đắc kỳ tử trước vương tọa, thi thể bị treo lơ lửng trên tường thành để thị chúng.

Sở dĩ tôi có thể biết những điều này, là vì tôi thấy được.

Chính xác là, hồn phách sau khi chết của tôi thấy được.

Tôi vừa chết, hồn phách liền thoát ra, có lẽ là do cái chết đến quá đột ngột, ba hồn bảy vía nhất thời còn chưa ý thức được việc thân thể đã không thể đứng dậy, cho nên không thể tin được, cứ lặp đi lặp lại động tác lao về phía thi thể, lúc va vào cứ xuyên qua thân, mới hiểu được là mình thật sự đã chết.

Sau khi hiểu được điều này, suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi chính là, thì ra chuyện hồn lìa khỏi xác sau khi chết là có thật, không đau, không lạnh, hoàn toàn không hề kinh khủng như trong tưởng tượng.

Lúc còn nhỏ, có một khoảng thời gian tôi cực kỳ sợ chết.

Khi đó tôi vẫn còn ở trên núi Bạch Linh, ôm lấy con thỏ trắng cưng đã chết, khóc suốt ba ngày ba đêm.

Thái sư phụ[1] cười tôi, nói hoa nở có lúc, hoa rơi có thì, cái gì cũng có tuổi thọ của nó, thời điểm đầu tiên ngươi thấy vạn vật, thì vạn vật đó cũng đã có kết cục nhất định, giống nhau cả thôi, khóc cái gì mà khóc?

[1] thái sư phụ: cách gọi sư phụ của sư phụ.

Lúc thái sư phụ nói với tôi những lời này, tôi mới có sáu tuổi, nghe xong trố mắt nhìn một hồi lâu, sau đó ‘oa’một tiếng bắt đầu gào khóc, khóc đến nỗi chim trên núi Bạch Linh bay tán loạn, khóc đến nỗi sư phụ phải vọt vào trong phòng ôm lấy tôi từ tay thái sư phụ.

Thái sư phụ trước tiếng khóc của tôi cùng sự trầm mặc và ánh nhìn tràn ngập cảm giác áp bách của sư phụ phải bịt lấy lỗ tai chạy thoát nhanh như bay, để lại tôi vin trên người sư phụ, nước mắt giàn giụa đầy mồm miệng mơ hồ hỏi người.

“Sẽ chết cả sao? Sư phụ, người và thái sư phụ, đều sẽ chết cả sao?”

Sư phụ phải tốn một hồi lâu mới hiểu được tôi đang nói cái gì, lại tốn một hồi lâu để trấn an cảm xúc của tôi, tôi đã quên mất trong quãng thời gian lâu như vậy người đã nói gì với tôi, mãi cho đến nửa đêm tôi mới ngừng khóc, cả khuôn mặt do khóc mà như biến thành cái đầu heo.

Nhưng cái khái niệm tử vong này đã in thật sâu trong đầu tôi, mấy tháng sau, tôi đều lâm vào cảm giác sợ hãi sẽ mất đi bọn họ, mỗi ngày đều vùi đầu vào phòng sách và phòng thuốc, thái sư phụ hỏi tôi muốn làm gì?

Tôi ôm sách đáp lời ông ấy: “Làm thuốc trường sinh bất lão cho sư phụ và người ăn.”

Nghe thấy vậy thái sư phụ liền cười ha hả, thiếu chút nữa đã té xuống núi.

Vẫn là sư phụ kiên nhẫn, ngồi bên cạnh tôi chỉ dạy từng bước: “Nguyệt Nguyệt, học y thì tốt, nhưng một người vĩnh sinh bất tử[2], cũng rất tịch mịch, có sinh có tử, mới có thể quý trọng những lúc bên nhau, điều này không phải tốt lắm sao? Người chết đi như ngủ một giấc dài, chết rồi thì cái gì cũng không biết, con cẩn thận ngẫm lại xem, cũng không có gì đáng sợ cả.”

[2] vĩnh sinh bất tử: sống mãi không chết.

Tôi buông sách ôm lấy đầu gối sư phụ nói: “Nhưng con sợ con còn sống, mà người cùng thái sư phụ lại không còn, nếu không sư phụ phải hứa với con, lúc con còn sống, người phải luôn ở bên con.”

Rất lâu sau đó, sư phụ cũng không đáp lời, sau lại nói, nhưng cũng chỉ có một câu: “Được, ta sẽ tận lực.”

Sư phụ chưa bao giờ gạt người, có đôi khi tôi lại không quá thích điểm này của người.

Nhưng tôi vẫn cứ quyết tâm học y thuật, mỗi ngày ôm sách tìm thái sư phụ hỏi đông hỏi tây, lúc đầu thái sư phụ còn không muốn, nói giờ mới tìm đến ta, đi mà tìm sư phụ ngươi ấy.

Tôi kì kèo với người nói, ngày nào sư phụ cũng chỉ xem binh pháp rồi tập võ, một phòng đầy sách thuốc đều là của người cất giữ, hơn nữa là tôi đọc có chỗ không hiểu mới đến tìm người, trong này còn có mấy từ tôi không biết.

Thái sư phụ hừ hừ hai tiếng: “Còn chưa học xong hết chữ mà ngươi đã đòi đọc sách?”

Thật ra tôi chỉ mới biết được vài chữ. Bắt đầu từ khi năm tuổi sư phụ liền dạy tôi tập viết, đầu tiên là tên của tôi, sư phụ nắm tay tôi, chấm mực viết một chữ ‘Nguyệt’, tôi hỏi người có nghĩa là gì? Người giải thích: “Đây là tên con, nghĩa là mảnh ngọc dưới ánh trăng.”

“Đẹp không?” Tôi vội vã hỏi.

“Đẹp.” Người khẳng định.

Tôi liền cười thành một đóa hoa, vô cùng vui vẻ.

Người lại viết tên của người, là hai chữ ‘Từ Trì’.

Tôi kỳ quái: “Vì sao có hai chữ?”

“Từ là họ của ta, còn Trì là tên của ta.” Sư phụ chỉ vào hai chữ kia nói.

“Vậy họ của con đâu?”

Sư phụ suy nghĩ một lát, đáp: “Về sau sẽ có, bây giờ còn chưa cần.”

Tôi cũng không quá để ý đến việc này, chỉ ‘dạ’ một tiếng, sau đó liền vui vẻ phấn chấn tô lại ba chữ kia hết lần lại lần.

Thái sư phụ lại giở trò vô lại trước mặt tôi: “Chỉ có ngươi là phiền toái nhất, sớm biết thế thì đã không cho A Trì đem ngươi về nuôi như thế này.”

Tôi là đứa trẻ được sư phụ nhặt được trên núi, lúc người nhặt được tôi thì bộ dáng của tôi như mới hai ba tuổi, một thân một mình ngồi khóc trong chiếc giỏ trúc, không biết là cha mẹ mình đã đi nơi nào, có lẽ là đã bị sói ăn thịt.

Thái sư phụ ngại phiền toái định đem tôi tiễn bước, sư phụ lại nói không thể, để người nuôi tôi là được.

Thật ra khi đó người cũng chỉ mới mười một mười hai tuổi mà thôi, trẻ con nuôi trẻ con, không biết đã phải chịu bao nhiêu đau khổ.

Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi liền cảm thấy mình thật may mắn, có lẽ thái sư phụ cũng cảm thấy như vậy, cho nên thường ngồi trước mặt tôi mà nghiên cứu.

“Vì sao hắn lại nhặt ngươi về nuôi nhỉ? Ta cũng chưa từng thấy hắn nhặt con sói con hổ hay con báo nào về cả.”

Tôi ngoài miệng không đáp, nhưng trong lòng lại phản bác, tôi là người nha! Sao có thể so sánh với con sói con hổ con báo chứ?

Thái sư phụ là thần y nổi danh, nghe nói người có thể làm cho xương trắng mọc thịt, người chẳng lết nổi lại đi đứng như cũ, tôi chỉ chưa từng thấy người chữa cho người chết sống lại bao giờ, nhưng chỉ cần còn một hơi thở qua tay người đều có thể trở lại bình thường, mà chẳng những trở lại bình thường, lại còn có thể xuống núi, khiến cho người dưới núi tôn sùng người làm thần tiên, mồng một mười lăm thắp đầy hương dưới chân núi.

Thái sư phụ cái gì cũng tốt, chỉ là già mà không kính[3], lại còn thích trốn người, mỗi lần cứu một người là lại một lần chuyển nhà, núi Bạch Linh to như vậy, càng chuyển càng vào sâu, càng chuyển càng lên cao, sau cùng chỉ còn thiếu chút nữa là chuyển lên mây ở luôn.

[3] già mà không kính: già mà không để ý đến hành vi bản thân, có những hành vi không phù hợp với tuổi.

Sư phụ nói, thái sư phụ chỉ cứu người hữu duyên, tôi lại hỏi thật ra thì thái sư phụ sợ phiền toái có phải không? Chứ làm sao lại nói chi mà bay bổng như vậy? Chờ tôi học thành y thuật rồi thì sẽ xuống núi, thấy người bệnh, không kể con người, ngay cả sói hổ hay báo tôi đều cứu cả.

Sư phụ nghe xong vỗ vỗ đầu tôi, mỉm cười.

“Nguyệt Nguyệt, con là một đứa trẻ tốt.”

Lúc sư phụ nói câu này thì người mới có mười sáu tuổi, một thiếu niên xinh đẹp anh tuấn dưới ánh mặt trời ấm áp, trong lòng tôi chỉ có một ý niệm duy nhất, may mà sư phụ không nhặt con sói con hổ con báo nào về cả, người chỉ thuộc về một mình tôi mà thôi.

Nguyên nhân lớn nhất để tôi học y là vì không muốn sư phụ rời khỏi mình, không ngờ mới qua hai năm, người lại muốn đi.

Khi biết được tin này, tôi khóc đến trời cũng đen kịt, một mình rời nhà bỏ đi, kiên quyết tỏ rõ sự phản đối của mình.

Năm ấy tôi tám tuổi, cái gọi là rời nhà bỏ đi, cũng chỉ là đi loanh quanh trên núi Bạch Linh, cuối cùng thật sự bị lạc đường, lại gặp trời mưa to, đành phải chui vào một sơn động khóc tiếp.

Sư phụ đi tìm tôi, trên núi không có người, cây cối rất phát triển, ngoài động đầy cây bụi thấp, tôi nhỏ người nên chui vào từ khe hở, sư phụ cũng phải đành tìm mọi cách chui vào theo, lúc người xuất hiện trước mặt tôi thì cả người ướt đẫm, không biết là do mưa hay mồ hôi, trên tay chân và mặt mũi đều là vết xây xát rướm máu.

Sư phụ tìm tôi vất vả như vậy, thấy tôi rồi người cũng không mắng, chỉ ngồi xổm xuống sờ sờ đầu tôi, hỏi: “Trở về nhé?”

Tôi bắt lấy tay người, hỏi: “Sư phụ không đi nữa?”

Người lắc đầu.

Tôi thương tâm ngay cả sức để đứng dậy cũng không có, sư phụ đành cõng tôi về, trên đường vừa đi vừa trò chuyện.

“Nguyệt Nguyệt, con biết vì sao ta lại lên núi Bạch Linh ở không?”

Tôi khóc đã mệt, ánh mắt cũng mở ra không nổi, chỉ biết nằm sau lưng người lắc qua lắc lại cái đầu.

“Ngày bé thân thể ta không tốt lắm, lúc tám tuổi cha ta liền đưa ta đến núi Bạch Linh để cầu sư phụ điều dưỡng, sau đó khỏe dần liền ở lại đây tập võ công học binh pháp, mãi cho đến ngày hôm nay.”

Tôi quá khổ sở, chỉ sụt sùi một tiếng, coi như là đáp lời.

Người cười cười, sau đó lại nói: “Ta xuất thân tướng môn[4], đến hôm nay, nên xuống núi đền đáp quốc gia.”

[4] tướng môn: nhà binh.

“Đền đáp quốc gia?” Tôi không hiểu lắm, thế giới của tôi, chỉ nằm trong phạm vi núi Bạch Linh này.

“Sau này có thời gian ta sẽ về thăm con, chờ con lớn rồi, cũng có thể xuống núi đến tìm ta.”

“Bây giờ con muốn đi với người luôn.” Tôi yêu cầu.

“Bây giờ thì không được.” Người lắc đầu, nhưng lại nói tiếp: “Không phải con muốn làm nữ thần y sao? Chờ con trở thành nữ thần y rồi, thì có thể xuống núi.”

“Không cần, con muốn ở cạnh người.” Tôi bắt đầu học bộ dáng chơi xấu của thái sư phụ, còn dùng hai cánh tay vòng qua cổ sư phụ, nhưng vì tay không có sức, nên chỉ có thể mềm nhũn vắt trên cổ người.

Sư phụ vừa nói chuyện với tôi, vừa cõng tôi về đến hàng rào trúc vây quanh nhà, tôi quá mệt nên mơ mơ màng màng trên lưng người, lúc được thả xuống giường tôi liền nhanh chóng đi vào giấc ngủ, nhưng trước đó vẫn không chịu buông người ra, tay nắm lấy góc áo người không chịu thả.

Ngày hôm sau tỉnh lại, ánh nắng trắng xóa chiếu lên mặt tôi, trong phòng lạnh tanh, tôi để chân trần nhảy xuống giường chạy ra ngoài, liền nhìn thấy thái sư phụ đứng ở cửa bóc hạt dẻ ăn, vừa bóc vừa nói: “Đừng tìm, Từ Trì đã đi rồi, ngoan ngoãn đọc sách thuốc đi, ta sẽ sắp xếp lịch học cho ngươi.”

Tôi ngẩn người cả nửa ngày, cuối cùng mới há miệng, thái sư phụ như sớm chuẩn bị tâm lý, ném hạt dẻ trong tay xuống bịt lấy lỗ tai.

Tôi lại không khóc, chỉ phụng phịu bước tới kéo áo ông ấy.

“Làm gì?” Thái sư phụ bị sự khác thường của tôi dọa đến.

“Đi học.” Tôi rất nghiêm túc trả lời người: “Con muốn làm nữ thần y.”

Hết chương 1.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang