Dịch giả: gaygioxuong
Vừa bước vào khu vực của bộ lạc thổ dân Amazon, mấy người chúng tôi đã bị thổ dân bản địa có vũ trang bao vây chật như nêm cối. Đầu Trọc bảo rằng, tên độc của thổ dân vô cùng nguy hiểm, có thể nói chỉ cần xước da chảy máu là chết ngay, ngay cả động vật hung dữ nhất trong rừng là Báo châu Mỹ cũng không thể sống sót được dưới loại độc tố được thổ dân nơi đây chiết xuất ra từ thực vật đó.
Bởi vì thức thời mới là trang tuấn kiệt, chúng tôi nhận thấy hoàn toàn không thể nào chạy thoát khỏi vòng vây của những thổ dân này, cho nên lập tức giơ hai tay lên, biểu thị mình hoàn toàn không có ý định tấn công, mà chỉ mang theo thái độ thân thiện đến đây xin tá túc. Ma Cô Trẻ và Tần bốn mắt thay phiên nhau dùng tiếng Tây Ban Nha để bắt chuyện với họ. Kết quả, toàn bộ những thổ dân đó vẫn tỏ vẻ dửng dưng như không. Tuyền Béo định bước lên giải thích, bị một mũi tên độc bay sát qua người, vậy là không dám ho he gì nữa. Tôi hối thúc Đầu Trọc: "Ông anh Lưu, chẳng phải anh đã nói là biết thổ ngữ của họ hay sao? Mau mau bắt chuyện với bọn họ một chút, cứ giơ tay thế này chẳng giải quyết được cái gì đâu."
Ai ngờ Đầu Trọc cuống hết cả lên, ngay cả vài câu bằng tiếng Quechua cũng quên sạch sẽ. Chúng tôi bị thổ dân dùng dây thừng bện bằng lông lạc đà cừu trói chặt cứng lại thành một hàng, sau đó bị áp giải vào bên trong cái lều lót thảm lông lạc đà đã ngả màu của tù trưởng.
Tuyền Béo chợt nhớ tới một vài lời đồn bóng gió, nhích lại gần chỗ tôi, khẽ hỏi: "Lão Hồ, theo cậu thấy, họ có ăn thịt người không?"
Tôi vừa nghe thấy cậu ta hỏi như vậy, trong lòng chợt giật đánh thót. Nghe nói, có một vài bộ lạc Nguyên Thủy, do năng lực sản xuất lạc hậu, nên sẽ dùng thịt người già yếu và trẻ em chết yểu trong bộ lạc để làm lương thực dự trữ. Một đám thanh niên béo mập, thân thể cường tráng chúng tôi, rơi vào tay họ, không may trở thành món ăn trên yến tiệc thịt người trong truyền thuyết, như thế chẳng phải là thê thảm lắm hay sao. Biết thế lúc trước liều chết đánh cược chống cự lại rồi chết dưới tên độc dù sao vẫn tốt hơn là biến thành món ăn trong mâm, thịt trong bát của kẻ khác.
Ma Cô Trẻ nghe thấy cuộc đối thoại của hai thằng, hoảng sợ tới mức run lẩy bẩy. Thấy y sợ hãi, Tuyền Béo tiếp tục đầu độc đầu óc y: "Cậu cả này thường xuyên ăn sơn hào hải vị, da thịt tương đối non mềm, hết sức ngon miệng. Lát nữa cứ để cho đám thổ dân da đỏ kia bắt cậu khai đao trước tiên, nhờ vậy chúng ta sẽ được ngửi lây một chút mùi vị thịt người."
Ma Cô Trẻ bị cậu ta dọa, nước mắt chỉ trực trào ra, oai phong thường ngày bay biến đi đâu sạch sẽ. Tần bốn mắt không nhịn được, dùng bả vai hích Tuyền Béo một cái: "Sao không thử nhìn xem ở đây ai nhiều thịt nhất. Tôi nghe nói, có một vài bộ lạc thích dùng loại thịt lắm mỡ nhất để cúng tế Thần linh. Lát nữa họ sẽ ném lão Vương cậu vào trong hồ để tẩy rửa sạch sẽ, bôi dầu cọ rồi buộc vào cọc gỗ cho lên quay sống mới đúng."
Tuyền Béo lập tức phản bác, bảo rằng mình chỉ là béo bệu, không như lão Hồ, thân thể cường tráng, toàn thân đều là thịt thăn, tương đối dai giòn. Tôi nói, tại sao vào thời điểm mấu chốt cậu lại phản bội, thẳng tay bán đứng chiến hữu của mình như vậy. Đã vậy, nếu họ có muốn nướng cậu, tớ sẽ mặc kệ không cứu.
Đầu Trọc dở khóc dở cười trước phán đoán càng lúc càng chẳng giống ai của chúng tôi. Lão không nhịn được nữa, nói xen vào: "Bộ lạc này tự mình cày ruộng, ngoài ra còn dựa vào săn bắn để kiếm sống. Cứ đến thời hạn cố định, họ lại cử người mang động vật săn bắt được lên thị trấn để đổi lấy nhu yếu phẩm thường ngày. Họ vẫn có giao tiếp nhất định với xã hội hiện đại, không ăn thịt người, mà cũng chẳng dùng người sống để cúng tế. Hơn nữa, tôi còn đã từng gặp vị tù trưởng già của họ một lần. Thế này đi, tôi sẽ giải thích đầu đuôi với ông ấy, sau đó lại tặng cho họ một ít thuốc chữa bệnh và lông lạc đà cừu(1) là ổn. Mấy người các cậu muôn ngàn lần đừng có làm loạn nữa."
(1) Lạc đà Alpaca hay lạc đà cừu là một loài động vật được thuần hóa thuộc họ Lạc đà Nam Mỹ. Alpaca có vẻ bề ngoài gần giống một con llama nhỏ. Có hai giống loài alpaca: alpaca Suri và alpaca Huacaya. (Wikipedia)
Tôi nghĩ bụng, con mẹ nó ngươi nói thản nhiên cứ như không có chuyện gì vậy. Tại sao lúc ở cửa vào, ngươi không bàn bạc trước với người khác một chút. Đến giờ khi tất cả mọi người đã bị trói, ngươi lại quay ra nói này nói nọ, thật sự là tri nhân tri diện bất tri tâm, đám người kia càng ngày càng không đáng tin cậy. Xem ra, trong hành trình sau này, tôi phải tập trung tinh thần tối đa thì mới có thể dẫn đám quân không chính hiệu này sống sót chạy ra khỏi Amazon được.
Bên trong chiếc lều của Tù trưởng hết sức rộng rãi, xấp xỉ với đại trướng của người Mông Cổ mà tôi đã từng được nhìn thấy khi tham gia đội sản xuất nông thôn ở Nội Mông. Trong lều trang trí vô cùng sơ sài, khắp nơi treo đầy đầu các loại dã thú lẫn những nút buộc năm màu rực rỡ bằng lông lạc đà. Loại nút buộc này nhang nhác giống như những dây kết được treo vào dịp tết ở vùng phía bắc Trung Quốc chúng tôi. Tôi đã từng nghe Shirley Dương nói cho biết, người Inca không có văn tự của riêng mình, mọi thông tin của họ đều được ghi chép thông qua một loại sợi buộc gọi là "Quipu". "Quipu" được làm bằng lông lạc đà hoặc lông lạc đà cừu. Đầu tiên, những sợi dây có màu sắc khác nhau được buộc chụm lại. Tiếp đó, trên những sợi dây chính này lại có chi chít những sợi dây phụ buộc vào. Mỗi một màu sắc mang ý nghĩa khác nhau, ví dụ như màu đỏ biểu hiện cho quân đội, màu vàng biểu hiện cho vàng, màu trắng biểu hiện cho bạc, còn màu xanh lá biểu hiện cho lương thực. Đồng thời, số nút buộc biểu hiện cho một con số, một nút đơn là 10, hai nút là 20, một nút kép là 100. Trong Viện bảo tàng quốc gia của Mỹ có cất giữ một Quipu cực lớn của quốc gia cổ Inca, có tới mấy ngàn nút buộc. Sau khi phá giải, các chuyên gia đã phát hiện ra đó là một bản báo cáo sản lượng nông nghiệp của đế quốc Inca thời xưa. Nghe nói, vào thời điểm thực dân Tây Ban Nha đánh chiếm Cuzco khi ấy, thứ mà cư dân địa phương cất giữ, bảo vệ đầu tiên không phải là vàng rơi vương vãi khắp nơi trên mặt đất mà chính là Quipu đeo bên hông mình. Những dây buộc bằng lông lạc đà cừu này mới là của cải cá nhân quan trọng nhất trong tâm trí của người Inca.
Tù trưởng Bộ lạc là một ông lão gầy quắt queo như que củi. Đầu đội một chiếc mũ kết bằng lông vũ màu đỏ, cổ đeo một chuỗi vòng đá cũ kỹ, bên hông buộc Quipu năm màu rực rỡ, ông lão ngồi xếp bằng ở chính giữa chiếc lều, lặng lẽ bất động dùng đôi con ngươi màu nâu trong cặp mắt sâu hoắm nhìn chằm chằm vào mấy người chúng tôi. Đám dũng sĩ thổ dân đẩy toàn bộ chúng tôi vào trong lều, sau đó quây lại thành vòng tròn, vây ông lão và mấy người chúng tôi vào giữa. Thảm dưới chân chúng tôi được làm bằng da báo và lông lạc đà cừu, đã thể hiện rõ địa vị tối cao của vị tù trưởng quắt queo trước mặt này trong bộ lạc.
Đầu Trọc chỉ vào Quipu bên hông tù trưởng, nói: "Vị tù trưởng này được gọi là Quipu Chamana, trong tiếng Quechua có nghĩa là người bảo vệ nút buộc. Vào thời đại của đế quốc Inca, không phải ai cũng có cơ hội được gặp mặt con cháu của thần Mặt trời, mà đó là đặc quyền của người đeo Quipu đặc trưng của riêng hoàng thất. Một Quipu Chamana xứng chức, phải có khả năng giống như người mù, chỉ dựa vào cảm nhận của ngón tay là có thể đọc được nội dung Quipu. Trong suy nghĩ của dân chúng bình thường, họ có địa vị tối cao. Theo truyền thuyết dân gian, Quipu của hoàng thất được chính tay thần Mặt trời bện ra, bên trên ghi chép những sự kiện quan trọng phát sinh trong đế quốc Inca. Cho nên, Quipu Chamana hoàng thất còn được gọi là Người hầu của thần. Ông lão trước mặt chúng ta chính là hậu nhân của Quipu Chamana hoàng thất."
Nói xong, Đầu Trọc tiếp tục dùng thứ ngôn ngữ nghe rất chối tai, giống như tiếng người bị đứt lưỡi, quàng quạc nói nhăng nói cuội với tù trưởng Chamana một lúc. Lúc ban đầu, vị tù trưởng quắt queo không có phản ứng gì. Nhưng càng về sau, nét mặt của ông lão càng giãn ra. Đến cuối cùng, gương mặt trở nên tươi tắn gần giống như một đóa hoa cúc trong mưa. Ông lão vừa nói chuyện với Đầu Trọc vừa vỗ đùi mình đen đét. Đám dũng sĩ thổ dân vây tròn quanh chúng tôi, đột nhiên giống như lên cơn động kinh tập thể, vừa vỗ đùi vừa nhảy múa vòng quanh chúng tôi.
Tuyền Béo nói, hỏng rồi, họ đang khởi động trước khi nấu cơm, giãn gân giãn cốt chân tay để tóm lấy chúng ta nhắm rượu.
Tôi lùi lại một bước, kéo mấy người chúng tôi xích lại gần nhau, nói: "Thống nhất thế này nhé, nếu tình hình xấu đi, chúng ta lập tức nhào tới đè nghiến vị tù trưởng Tóc Đỏ kia xuống rồi cướp lấy sợi dây buộc của ông ta. Nếu đám thổ dân dám hành động thiếu suy nghĩ, chúng ta sẽ phá hủy cái Quipu quý giá nhất của bọn họ."
Ma Cô Trẻ núp sau lưng Tần bốn mắt, ló đầu ra hỏi: "Chúng ta bị trói chặt cả đám, đè ngửa ông lão kia thì dễ dàng, nhưng làm thế nào để cắt đứt được dây trói?"
Tôi cũng chẳng biết cách nào, nhưng tình hình nguy cấp chẳng có thời gian mà suy nghĩ quá nhiều, bèn nói với mấy người còn lại: "Cùng lắm thì dùng răng cắn đứt nó thôi."
Tần bốn mắt nhìn lướt qua sợi dây buộc to bằng ngón tay, cười méo xẹo, nói: "Lão Hồ, chúng ta đâu có phải chuột đồng chuyên đào hang. Nếu làm vậy, dây thừng còn chưa kịp cắn đứt, anh đã bị bọn họ bắn thủng lỗ chỗ như tổ ong vò vẽ."
Tuyền Béo nhay nhay hàm răng, động viên anh ta: "Liều thì ăn nhiều. Chỉ cần dám làm thì tất cả đều có khả năng xảy ra. Nào, há mồm để cho anh đây nhìn xem răng lợi thế nào."
Chúng tôi đang bàn bạc tìm cách đối phó, tù trưởng Tóc Đỏ đột nhiên ngừng vỗ đùi. Ông lão gọi một dũng sĩ đứng gần đó lại rồi giơ tay phải lên chỉ vào chúng tôi, sau đó vung tay lên ra hiệu chém. Lập tức, dũng sĩ thổ dân móc cây dao ngắn bằng đá được mài bóng loáng bên hông ra, lao vọt về phía chúng tôi. Tôi nghĩ bụng, giết người chỉ cần chặt đầu là xong, ngươi cầm một cục đá nham nhở chém nhóm người chúng ta thì phải chặt đến ngày tháng năm nào mới có thể đứt cổ chảy máu, thật sự tra tấn người ta quá dã man rồi. Tuy nhiên, đám thổ dân này chỉ có sức khỏe mà thiếu hụt kỹ xảo chiến đấu, tôi vẫn có niềm tin nhất định đối với năng lực của mình. Tôi khom người lại, chuẩn bị tấn công thẳng vào hạ bàn của tên này ngay khi y sáp lại gần, đá văng y đi. Đúng vào lúc tôi chuẩn bị sắp ra chân, Đầu Trọc đột nhiên quay đầu về phía tôi, quát: "Không được đánh!"
Chỉ trong chớp mắt đó, cây dao của người thổ dân đã vẽ ra một vệt sáng ngay trước mặt tôi, Tuyền Béo thét lên "lão Hồ". Tôi lảo đảo vài bước, quay đầu lại nói với cậu ta: "Biệt ly từ đây chiến hữu của tôi. Kinh phí hoạt động tháng này, khi nào quay về cậu phải nhớ đóng thay cho tớ đấy."
Tần bốn mắt đứng giữa đám người. Nhìn thấy vẻ đau thương trong đôi mắt tôi, anh ta nói: "Hồ Bát Nhất, anh đừng có ở đó mà giả chết!"
Anh ta vừa nói xong, tôi mới chợt nhận ta mình đâu có bị cây dao đó chém trúng. Người thổ dân da đỏ nhặt dây thừng dưới đất lên, vừa múa may ra hiệu với tôi vừa cười ngây ngô. Đầu Trọc vuốt mồ hôi, lên tiếng giải thích: "Nghe nói chúng ta mang thuốc chữa bệnh và lông lạc đà cừu đến nên họ hết sức phấn khích, vũ điệu vừa rồi là để hoan nghênh chúng ta. Hồ Bát Nhất, một người từng trải như cậu, tại sao vào thời điểm mấu chốt lại giống như xe bị tuột xích thế. Thiếu chút nữa tôi đã bị cậu làm cho sợ chết đứng. Nếu đòn chân kia của cậu đánh ra, ngày hôm nay chúng ta ai cũng đừng mong sống sót ra khỏi đây. Người Titamar đồng lòng như một khi đối phó với kẻ địch, nếu làm tộc nhân của họ bị thương, vậy thì đồng nghĩa với đối nghịch với toàn bộ bộ lạc."
Nghe Đầu Trọc nói xong, tôi lập tức ứa mồ hôi lạnh toát toàn thân. Cũng may vừa rồi đòn chân của tôi chưa đánh ra, nếu không hậu quả thiết tưởng không thể gánh vác nổi. Người thổ dân dùng cây dao đá lần lượt cắt đứt dây thừng cho chúng tôi. Tuân theo lời hứa hẹn lúc trước, Đầu Trọc cung kính móc từ trong ngực áo ra một cái túi da trâu nhỏ, rồi đưa cho tù trưởng tóc đỏ bằng cả hai tay. Đôi mắt chợt sáng bừng lên, vị tù trưởng già lập tức giật lấy cái túi da trâu rồi vội vàng mở ra.
Tuyền Béo hỏi Đầu Trọc: "Cái gì thế? Quý báu lắm hay sao? Anh nhìn xem, ông lão kia phấn khích quá thể." Đầu Trọc cười không nói, ra cái vẻ các cậu tuyệt đối không đoán được đâu.
Mấy người chúng tôi đều rất ngạc nhiên, cả đám nhìn chằm chằm vào cái túi trên tay tù trưởng Tóc Đỏ. Ông lão nhanh chóng lôi từ trong túi ra một vật hình chữ nhật, chẳng thèm nhìn xem đó là cái gì, đeo nó luôn lên mặt. Đến khi ông lão thả hai tay xuống, chúng tôi mới nhìn thấy rõ ràng, vật ông lão đeo trên mặt không phải là cái gì khác, mà chính là một cặp kính lão, gọng mạ vàng.
Sau khi tù trưởng Tóc Đỏ đeo kính lão vào, lập tức trông tươi trẻ hẳn lên. Ông lão chống hay tay xuống đất rồi đứng lên, cầm lấy cái ống thổi tên bên cạnh rồi đi luôn ra bên ngoài. Chỉ một chốc sau, bên ngoài vang lên tiếng kêu "Ya ya". Đầu Trọc nói, đó là tiếng kêu phát ra mỗi khi họ vui mừng, chắc là vị tù trưởng già đã bắn trúng con mồi, giờ đang được đám con cháu chúc mừng đây mà.
Chúng tôi ra ngoài căn lều, trời đã sắp tối hẳn. Thổ dân đốt một đống lửa lên, vây quanh tù trưởng Tóc Đỏ nhảy múa vũ điệu hân hoan của người Anh Điêng, một tay cầm giáo dài giơ lên cao một tay vỗ đùi, đồng thanh hò hét theo nhịp điệu, reo mừng vì vị tù trưởng già đã lấy lại được sự dũng mãnh phi thường của ngày trước.
"Lần trước, khi chúng tôi đi ngang qua đây, do vấn đề về thị lực mà tù trưởng Chamana vẫn luôn sầu não không vui. Trước chuyến đi lần này, ông chủ Vương đã đặc biệt căn dặn tôi, phải nhớ mang cho tù trưởng Chamana một cặp kính lão."
Nhờ vào cặp kính lão, chúng tôi trở thành khách quý của thôn Titamar, được thổ dân bản xứ nhiệt tình tiếp đãi, Đầu Trọc còn đặc biệt được mời vào trong lều lớn để ăn tối với tù trưởng. Bốn người còn lại chúng tôi dự tiệc cùng với các thổ dân khác, ngồi vây quanh đống lửa ở bên ngoài. Trong số đồ ăn được bưng lên, ngoài rất nhiều thịt chim két nướng, còn có cả cơm. Tần bốn mắt nói, hàng năm lưu vực sông Amazon đều có lũ định kỳ rất lớn. Xét tổng thể, trình độ nông nghiệp ở nơi này vẫn đang ở trong giai đoạn đốt rẫy gieo hạt, diện tích gieo trồng lúa ngũ cốc hết sức hạn chế. Đồ ăn chính của cư dân bản địa vẫn chỉ là "Cơm độn", chính là ngô luộc, hiện giờ dùng cơm chiêu đãi chúng ta hiển nhiên là đặc biệt ưu đãi, sợ đám khách xứ lạ chúng tôi không quen với đồ ăn của họ.
Tôi ngồi bên cạnh đống lửa, vừa thưởng thức điệu múa chân chất tự nhiên của thổ dân, vừa than thở thời gian vô tình như nước chảy. Tù trưởng Chamana có quyền uy tối cao, có địa vị như thần thánh trong bộ lạc, thế nhưng vẫn không thể chống lại được tuổi già đi sức yếu dần theo từng năm tháng, một cặp kính lão đã đủ khiến cho ông lão vui như mở cờ trong bụng. Xem ra các cụ nói cấm có sai, điều đáng sợ nhất trong cuộc đời là khi anh hùng mạt lộ, mỹ nhân tuổi xế chiều. Cho dù lúc còn trẻ, một người có huy hoàng đến thế nào đi nữa, đến cuối đời chẳng phải vẫn cứ phải cúi đầu làm người hay sao. Chẳng trách vào thời cổ đại, những vị hoàng đế, vương tướng lại muốn được trường sinh bất lão, ngay cả vị hoàng đế vĩ đại nghìn đời là Tần Thủy Hoàng cũng khó tránh khỏi dục vọng tìm kiếm Tiên Đan. Nhưng lại thật tình không biết, trong cuộc đời, sinh lão bệnh tử là quy luật khách quan của tự nhiên. Ngay cả sao trên trời rồi cũng có lúc rơi rụng, huống chi là con người. Nhìn xuyên suốt lịch sử, tìm đâu ra người có thể chính thức sống mãi cùng trời đất. Về phần những kẻ bịp bợm tự xưng là có thể tu tiên đắc đạo, tuyệt đối là những tên mang nặng bản chất chủ nghĩa duy tâm, là đám đầu trâu mặt ngựa phá hoại khoa học xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Thấy tôi trầm ngâm ngồi yên một chỗ, Tần bốn mắt hỏi tôi đang nghĩ gì thế. Vừa đúng lúc ăn uống no nê đang không có việc gì làm, tôi rảnh rỗi hàn huyên với anh ta. Anh ta vừa khều đống lửa vừa im lặng lắng nghe tôi nói. Đến khi tôi xong nói lời tổng kết về cuộc đời vừa rồi, anh ta đẩy kính mắt rồi bổ sung: "Chính vì kết thúc cuộc đời chỉ còn lại một nắm đất vàng, cho nên từ xưa đến nay, câu chuyện tìm tiên vấn đạo diễn ra nhiều vô kể, đâu chỉ riêng Trung Quốc mới có. Chỉ cần có văn minh nhân loại, bất cứ một quốc gia nào, bất cứ một dân tộc nào mà chẳng có truyền thuyết liên quan đến trường sinh bất lão. Ngay như Đế quốc Inca - đích đến trong hành trình này của chúng ta chẳng hạn, từ thế kỷ 15 sau công nguyên, truyền thuyết về Dòng suối thanh xuân đã hấp dẫn rất nhiều nhà thám hiểm tìm đến, ngay cả Nữ hoàng Anh cũng bí mật bỏ tiền tài trợ cho đội thám hiểm. Giữ mãi tuổi thanh xuân vĩnh viễn luôn có sức hấp dẫn chí mạng đối với con người."
Đây là lần thứ hai được nghe nói đến câu chuyện Dòng suối thanh xuân, tôi tự nhiên liên tưởng đến trải nghiệm ở Tân Cương ngày trước. Vào lúc ấy, khi tôi tới Kanas thì trời đã bắt đầu vào thu. Sau khi đến khu du lịch ven hồ, tôi lập tức quyết định dừng chân lại nơi đó thêm vài ngày. Ở gần khu ven hồ có nhà khách của lực lượng cảnh sát, nhưng nơi đó không mở cửa đón người ngoài ngành. Tôi chỉ ôm tâm lý cầu may hỏi bừa, nhưng rất may là lúc ấy đang thời điểm vắng người, cho nên vẫn vào ở trọ được. Ban đêm ở khu ven hồ rất lạnh và yên tĩnh. Lúc ngủ, phải che chắn kỹ mùng màn, còn phải dùng áo ba đờ xuy để đắp chân. Tuy nhiên, vào ban ngày, ánh sáng mặt trời lại rất chói chang, ấm áp hơn rất nhiều. Người dân địa phương thường xuyên mang tặng cho những nhân viên cảnh sát rất nhiều loại quả vỏ cứng ít nước. Nhân viên nhà khách sẽ mang loại quả đó ra phơi nắng ở trong sân nhà khách, thỉnh thoảng đi qua lại nhặt vài quả ăn, đương nhiên họ cũng sẽ chủ động mời khách trọ nhấm nháp. Tôi thích tán gẫu với người dân địa phương. Qua đó, không chỉ được nghe nói tới rất nhiều phong tục, tục lệ, mà vô tình trong lúc tán gẫu còn thu được những thông tin tương đối hữu ích.
Một hộ dân ở cạnh nhà khách, tam đại đồng đường, ông cụ chủ nhà vô cùng nhiệt tình hiếu khách. Chúng tôi ngồi tán gẫu với ông cụ. Mặc dù chỉ là bèo nước gặp nhau, nhưng ông cụ lấy ra rất nhiều độ ăn tự làm để chiêu đãi chúng tôi. Ông cụ thường xuyên kể về Kanas vào thời mình còn nhỏ, quan trọng nhất là ông cụ có nhắc đến dòng "Suối thần". Lời kể của ông cụ đã làm tôi hết sức hiếu kỳ. Việc tìm kiếm dòng Suối thần đã biến thành chuyến đi mạo hiểm đáng nói nhất khi ấy của tôi. Đến giờ nghĩ lại, có lẽ vì lúc ấy tôi còn quá trẻ, đối với bất cứ điều gì bí hiểm cũng sẽ muốn khám phá, tìm hiểu cho bằng được. Sau khi nghe kể về dòng Suối thần đó, tôi lập tức cho nó vào nhật trình của mình.
Suối thần là một con suối được người dân địa phương thành tâm thờ cúng, thường xuyên có người đi bộ đến đó để cúng bái, cầu nguyện. Để tiết kiệm thời gian, ông cụ cho tôi mượn con ngựa nhà nhà mình, lại còn sai cả đứa cháu của mình dẫn đường cho tôi. Cậu bé đó tên là Arken, bởi vì tóc cậu bé xoăn tít nên tôi đặt biệt hiệu cho nó luôn là Nhóc tóc quăn.
Đa phần trẻ con chăn nuôi du mục lớn lên trên lưng ngựa. Mặc dù lúc ấy Nhóc tóc quăn mới 9 tuổi, nhưng kỹ thuật cưỡi ngựa đã tương đối thuần thục. Chúng tôi vung roi giục ngựa chạy như bay không ngừng nghỉ, trèo đèo lội suối, băng qua một vùng địa hình nhấp nhô. Khi đi qua đầm lầy, con ngựa lúc thì trồi lên lúc thì sụt xuống, quả thực đã khiến cho tôi rùng mình đổ mồ hôi lạnh ngắt toàn thân. Khi còn cách Suối thần một đoạn ngắn, ngựa không thể tiến thêm một bước nào nữa, phía trước chằng chịt cành lá của một loại cây kỳ lạ. Kể ra cũng quái lạ, sau khi đi xuyên qua rừng cây kỳ lạ đó, tầm mắt chợt thoáng đãng hẳn ra, chính giữa xuất hiện một con đường quang đãng rộng rãi, nhưng không phải do bàn tay con người tạo ra.
Chúng tôi thả ngựa cho chúng tự do ăn cỏ, sau đó tiếp tục bộ thêm hai giờ nữa mới đến nơi. Suối thần là một con suối rộng tầm nửa mét, nước suối trong vắt. Điều thú vị nhất là mỗi khi ai đó phát ra âm thanh, nước suối sẽ sủi bọt lấp la lấp lánh. Nếu nhịp điệu âm thanh tăng hoặc giảm, biên độ bọt nước cũng sẽ theo đó thay đổi tương ứng, hết sức thần kỳ. Người dân địa phương tin rằng con suối đó thuộc về thần thánh, trên những thân cây quanh con suối treo kín mít những tấm gỗ nhỏ viết lời cầu nguyện.
Mặc dù Suối thần là nơi thần thánh đến mấy trong suy nghĩ của người dân địa phương đi nữa, nhưng chưa bao giờ từng nghe nói xuất hiện một trường hợp phản lão hoàn đồng nào, nếu không thì người ông của Arken đã nhảy xuống con suối đó để tắm nước lạnh từ lâu rồi. Tôi kể lại câu chuyện xảy ra ở Kanas trước kia cho mọi người nghe để giải trí sau bữa ăn. Tuyền Béo bảo với tôi: "Không tài nào ngờ được, lúc lão Hồ cậu còn trẻ lại thực sự mơ tưởng hão huyền đến thế." Vừa mới định phản pháo lại cậu ta, tôi chợt nhìn thấy Đầu Trọc, người từ nãy đến giờ vẫn nói chuyện phiếm với vị tù trưởng già trong lều lớn, đột nhiên đi ra với gương mặt đầy lo lắng. Tôi rất hiếm khi thấy lão bọc lộ tình cảm ra mặt như vậy, nghĩ bụng có lẽ đã xảy ra chuyện động trời nào rồi. Đầu Trọc đi tới bên cạnh đống lửa, ngồi xếp bằng ngồi xuống rồi nói với chúng tôi: "Đám người Tư Mã Hiền có nhiều khả năng đã vượt lên trước chúng ta rồi."
Lão vừa dứt lời, tâm trạng mấy người chúng tôi lập tức trở nên nóng nảy. Ma Cô Trẻ là người lên tiếng hỏi đầu tiên: "Lúc ở Cuzco, chẳng phải chúng ta đã đụng độ với đám tay chân của hắn hay sao? Dù có thế nào hắn cũng không thể nhanh hơn chúng ta được. Anh nghe ai nói vậy?"
"Không sai được! Vừa rồi tôi đã hỏi mượn tù trưởng một thổ dân biết nói tiếng Tây Ban Nha để dẫn đường. Ông lão bảo với tôi, người duy nhất trong thôn biết nói ngoại ngữ là một thợ săn tên là Adong. Adong phụ trách việc buôn bán với bên ngoài của thôn, hàng tháng sẽ mang các con vật mà thôn dân đánh bắt được lên thị trấn để đổi lấy nhu yếu phẩm sinh hoạt. Nếu gặp dịp tổ chức lễ hội lớn, anh ta sẽ cưỡi lừa đi tới những thị trấn lớn ở xa hơn, bán những đồ thủ công mỹ nghệ do đám phụ nữ làm ra cho du khách. Vì vậy, Adong biết nói vài câu tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Nhưng vào ba ngày trước, có một phụ nữ người châu Á dẫn theo mấy người da trắng vào thôn Titamar, ra giá cao thuê người dẫn đường. Cô ta nói rằng mình là phóng viên báo chí, muốn vào trong rừng quay phim chụp ảnh một vài tư liệu sống. Adong đã xin tù trưởng cho nghỉ để tranh thủ kiếm thêm một khoản thu nhập. Không ngờ, anh ta đi một lèo ba ngày, đến giờ vẫn còn chưa trở về, vợ con anh ta đã đã lo lắng sắp phát điên lên cả rồi."
Ngay khi tôi vừa nghe thấy bốn từ "phụ nữ châu Á", trái tim tôi chợt thót lại. Nhưng khi nghĩ lại, Shirley Dương chạy đi cực kỳ gấp gáp, không thể nào có nhân viên khác đi cùng. Huống chi, nếu như có thời gian tìm người dẫn đường, tại sao cô ấy lại không để lại đầu mối nào cho chúng tôi. Người phụ nữ châu Á tự xưng là phóng viên đó, có nhiều khả năng là người chuyên vẽ bản đồ cho viện khoa học nào đó mà Tưởng Bình đã nói, nữ thành viên duy nhất trong cả đoàn của Cây Sào. Nếu người đó thật sự là cô ta, vậy thì đám người của Cây Sào hiển nhiên đã chia làm ra hai đội. Một đội hình do Trâu Mộng cầm đầu, phụ trách nhiệm vụ ngăn chặn ở Cuzco, đội hình còn lại do nhân viên vẽ bản đồ kia cầm đầu, xâm nhập vào rừng Amazon trước chúng tôi một bước.
Tôi cảm thấy manh mối này không thể coi thường được, đáng bỏ sức đi sâu vào điều tra, vậy là đi cùng với Đầu Trọc vào trong lều để chứng thực lại một lần nữa với tù trưởng Tóc Đỏ.
Khi chúng tôi bước vào bên trong, vị tù trưởng già đang mân mê dây buộc bên hông, không hiểu đang lẩm bẩm điều gì đó. Bên cạnh ông lão có một thiếu niên Anh Điêng tầm 15, 16 tuổi đang quỳ với vẻ mặt đầy nôn nóng. Đầu Trọc lôi tôi qua một góc, khẽ nói: "Quipu Chamana đang dùng nút buộc để xem bói cho cậu thiếu niên này, việc của chúng ta tốt nhất để sau hãy nói."Bởi vì trời đã tối hẳn, thổ dân cắm đuốc lên những cây cột ở xung quanh căn lều. Tù trưởng Chamana ngồi trên một chiếc nệm may bằng da Báo châu Mỹ, vừa sờ lần nút buộc vừa dùng thứ ngôn ngữ mà tôi chẳng hiểu gì cả để phán điều gì đó cho một cậu thiếu niên Anh Điêng nghe. Tôi hỏi Đầu Trọc về nội dung lời xem bói, lão bảo mình chẳng hiểu được nhiều lắm, đại khái là người nhà thiếu niên kia sẽ gặp nạn,... Quả nhiên, trên gương mặt cậu thiếu niên dần dần hiện lên vẻ lo lắng lẫn thất lạc. Tôi nghĩ bụng, mười quẻ bói có chín là lừa gạt, nếu việc gì cũng có thể đoán trước được, vậy thì sống trên cõi đời này còn ý nghĩa gì nữa. Đầu Trọc bảo với tôi: "Người Inca tin tưởng đến mù quáng vào thuật bói toán. Nghe nói, trước khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Inca, Thầy phù thủy đã từng nhìn thấy mặt trời bị ba cái vòng ma quái vây quanh. Khi ấy, toàn bộ đế quốc lâm vào khủng hoảng. Đến nỗi, sau này khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược Inca, trong một khoảng thời gian rất dài được họ sùng bái như thần linh đến giải cứu hiểm họa mất nước."
Tôi tặc lưỡi than thở: "Đó chính là hệ quả tiêu cực của sự mê tín mù quáng thời phong kiến. Người dân Inca chân chất nhất định không ngờ những thần linh người nước ngoài có vẻ ngoài hiền từ thực ra chỉ là những kẻ xâm lược được trang bị một số vũ khí hiện đại. Bọn chúng đến đây hoàn toàn không phải vì muốn giải cứu mối nguy của người Inca, mà là để cướp đoạt vàng bạc và đất đai của họ."
Không biết tù trưởng Tóc Đỏ nói những gì mà cậu thiếu niên Anh Điêng đột nhiên quay ra tranh cãi nảy lửa với ông lão. Hai người họ nói rất nhanh, Đầu Trọc hoàn toàn không kịp hiểu, nói gì đến chuyện phiên dịch lại cho tôi nghe. Chỉ thấy cậu thiếu niên Anh Điêng bắt đầu vung chân vung tay, không ngừng chỉ tay ra bên ngoài, không hiểu đang nói cái gì. Vị tù trưởng già vẫn bình tĩnh ôn hòa giải thích với cậu ta. Không ngờ, cậu thiếu niên càng nói càng cáu kỉnh, cuối cùng dậm chân một cái rồi chạy ra khỏi căn lều lớn.
Tôi nghĩ bụng, thằng ranh con này mới có tí tuổi đầu mà đã không coi ai ra gì, dám hoành hành hỗn láo trước mặt khách khứa và tù trưởng bộ lạc, lát nữa chắc chắn sẽ không tránh khỏi bị ăn đòn. Chỉ có điều, không biết người Anh-điêng đã có luật bảo vệ trẻ vị thành niên hay chưa, lát nữa đừng có đánh trẻ con ngu người đi đấy.
Tù trưởng Chamana không hề có ý định truy cứu trách nhiệm cậu thiếu niên. Ông lão nhìn sang chúng tôi, thản nhiên cứ như không hề có bất cứ việc gì xảy ra vậy. Đầu Trọc và tôi hành lễ với vị tù trưởng, sau đó đi thẳng luôn vào vấn đề, hỏi thăm về người dẫn đường tên Adong và nữ phóng viên người châu Á kia.
Qua lời kể của tù trưởng Tóc Đỏ, chúng tôi đã biết được đôi nét về ngoại hình của người phụ nữ châu Á đó. Cô ta cao tầm một mét bảy mươi, mái tóc đen ngắn ngang tai, cắt theo kiểu đầu demi garcon. Với những nét đặc trưng như vậy, người đó hiển nhiên không phải là Shirley Dương, cũng chẳng phải là cô gái nhỏ nhắn xinh xắn chuyên vẽ bản đồ mà tôi đã gặp ở sân bay Thượng Hải. Đội ngũ của cô ta tổng cộng có sáu người, ngoài cô ta ra còn có ba người đàn ông da trắng và hai người dân bản xứ Peru. Họ mang theo thiết bị chiếu sáng cỡ lớn, còn có cả một chiếc xe việt dã lội nước. Vị tù trường vừa mới nói dứt lời, Đầu Trọc thở dài một hơi: "Xem ra, họ không phải là đám người Tư Mã Hiền. Vừa rồi tôi đã lo nghĩ thái quá."
Tôi bảo: "Lo nghĩ trước chẳng có gì là xấu, tránh cho sau này bị kẻ khác đánh cho trở tay không kịp. Trước khi tiến vào rừng nhiệt đới, chúng ta chỉ có thể tìm mọi cách để vạch ra tuyến đường chính xác trên bản đồ. Giờ vừa khéo có cơ hội, tốt hơn hết là chúng ta hỏi vị tù trưởng này luôn." Đầu Trọc truyền đạt lại ý muốn của tôi với tù trưởng, ông cụ cười tủm tỉm nói với tôi OK.
Tôi lấy tấm bản đồ đã được chỉnh lý lại lần trước ra, nhờ tù trưởng Chamana chỉ đường. Ông lão đeo kính vào, vừa mới nhìn lướt qua đã xua tay với chúng tôi. Đầu Trọc vội vàng hỏi ông lão có chuyện gì. Hai người trao đổi một lúc, Đầu Trọc nhăn mặt phiên dịch lại cho tôi nghe: "Ông lão bảo rằng, nơi mà chúng ta muốn tới nằm ở bờ bên kia của Cây cầu ma, chỉ có thổ dân bản xứ sinh sống trong khu vực bình nguyên Amazon mới biết đường. Phạm vi hoạt động của người thôn Titamar chỉ giới hạn ở khu vực ven sông, bên trong khu rừng ra sao thì họ hoàn toàn không biết gì, không thể nào chỉ cho chúng ta đường đi chính xác được. Ông lão còn nói, phía bên kia Cây cầu ma chính là vùng đất của ác ma, nơi đó đầy rẫy nguy hiểm, nghe nói còn có cả bộ tộc ăn thịt người hoạt động. Tù trưởng hi vọng chúng ta nên quý trọng tính mạng, đừng mạo hiểm qua đó." Thấy trời đã về khuya, chúng tôi thực sự không thể tiếp tục quấy rầy không cho vị tù trưởng già nghỉ ngơi, đành phải cáo từ ra về.
Hai chúng tôi bị từ chối từ ngoài cửa ở chỗ tù trưởng Chamana, trong lòng vô cùng thất lạc. Không ngờ, chúng tôi vừa mới xốc màn cửa lều lên, một bàn tay nhỏ bé đen xì xì đột nhiên thò ra từ bên cạnh. Nhìn lại, chủ nhân của bàn tay đó chính là cậu thiếu niên vừa mới cãi vã với vị tù trưởng già trong lều. Thì ra vừa rồi cậu ta chẳng chạy đi đâu xa, mà trốn ở đống củi ngay bên cạnh lều để nghe trộm cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và tù trưởng. Cậu ta kéo chúng tôi tới đến một chỗ vắng, rồi liên thanh quàng quạc nói với Đầu Trọc, vẻ mặt hết sức nôn nóng. Tôi hỏi Đầu Trọc, thằng nhóc này nói cái gì thế. Gương mặt không dấu được niềm hưng phấn, lão đáp lại tôi: "Cậu bé này biết đường tới chỗ Cây cầu ma, nó nói đồng ý dẫn đường cho chúng ta."
Nghe vậy, tôi cảm thấy rất quái lạ. Vị tù trưởng già rõ ràng bảo rằng trong thôn không có ai từng qua phía bên kia Cây cầu ma. Còn cậu thiếu niên trước mặt, nhìn bề ngoài chắc chỉ tầm mười lăm mười sáu tuổi, chẳng lẽ lại còn hiểu sâu biết rộng hơn cả tù trưởng Chamana đã sống đến từng ấy tuổi hay sao? Hơn nữa, nếu như cu cậu da đỏ này không nói ngoa, vậy thì tại sao vị tù trưởng già lại muốn lừa dối chúng tôi, nguyên nhân ông lão nói trong thôn không có ai biết đường tới chỗ Cây cầu ma là gì? Bên trong chẳng lẽ có bí ẩn rất đáng sợ nào đó? Tôi nhận thấy trong một chốc một lát chẳng thể nào tìm hiểu rõ ràng được, bèn dẫn nhóc da đỏ tới căn lều cỏ mà mấy người chúng ta đang trú ngụ, để cậu bé bình tĩnh từ từ nói chuyện. Không ngờ, cuộc nói chuyện đó lại khơi ra rất nhiều bí mật đã bị tù trưởng Chamana cố gắng che dấu.
Ba người Tuyền Béo đang ngồi trong lều cỏ tán dóc. Tuyền Béo giơ cao chiếc xẻng công binh, vênh mặt nói: "Đợi đến khi tìm thấy cái miếu hòa thượng của người Inca, tôi sẽ chia vàng bạc ở đó ra thành từng phần, dùng máy kéo vận chuyển ra ngoài. Toàn bộ chỗ vàng đó là thành quả lao động của quần chúng nhân dân, không thể để mặc chúng dưới lòng đất bồi táng cho kẻ thống trị tàn ác muôn phần được. Đến lúc đó, nhân dân Peru một phần, nhân dân Trung quốc một phần, công dân Mỹ các cậu thì không tính làm gì, đâu có thiếu một chút tiền hoa hồng nho nhỏ như thế."
Ma Cô Trẻ không đồng ý, y nói: "Dựa vào đâu mà không cho người Mỹ tiền xài. Tôi là Hoa Kiều, lại có cả hộ chiếu Mỹ, vì vậy tôi cho rằng mình phải được chia hai phần."
Tuyền Béo nói: "Thằng ranh này, cậu đã bị chủ nghĩa tư bản mục nát làm hỏng đầu óc mất rồi. Tôi nói cho cậu biết, chia thế là công bằng rồi." Tuyền Béo vừa dứt lời thì nhìn thấy tôi đi vào, vội vàng gọi tôi đến trợ giúp, "Này, lão Hồ, cậu mau qua đây nói cho thằng ranh con này nghe một chút về kinh tế học chủ nghĩa Mác. Đến giờ mà cậu ta vẫn còn ngây thơ cho rằng mình có quyền cướp đoạt thành quả lao động từ tay nhân dân Inca. Hả, cái thằng nhóc da đỏ này là ai? Lão Hồ, không phải đấy chứ, cậu vừa phọt rắm đánh bủm một cái, một em bé đã chào đời, tốc độ nhanh thật đấy, nhanh hơn cả kế hoạch đại nhảy vọt rồi."
Tôi nói: "Tiên sư nhà cậu đừng có nói hươu nói vượn nữa, đây là con trai của người thổ dân dẫn đường, tên nó là Cadillon, có một vài tin tình báo quan trọng muốn nói cho chúng ta biết. Tên béo nhà cậu mau mau nhấc cái mông lên, ra chắn kín cửa lại cho tôi nhờ."
Người trong chế độ công hữu luôn tìm mọi cách tránh tiếp xúc thân mật với người lạ. Hành vi này dễ khiến cho đồng tộc nghi ngờ, có đôi khi thậm chí còn dẫn tới xung đột đổ máu. Nhóc Cadillon vừa bước vào trong lều cỏ của chúng tôi đã lập tức kéo kín tấm vải che cửa, sợ bị thổ dân bên ngoài nhìn thấy. Để cậu bé bớt căng thẳng, tôi không vội hỏi han gì hết, mà chỉ mở ra ba lô lấy ra cho nó một ít chocolate. Nhóc Cadillon ngồi xổm dưới mặt đất, dùng đôi mắt nâu to tướng cảnh giác nhìn đi nhìn lại mấy người chúng tôi vài lượt, cuối cùng mới móc từ bên hông ra một cái thẻ nhỏ rồi chìa ra.
Tôi cầm lấy xem xét. Đó là một chiếc thẻ quân hiệu mà quân nhân Mỹ thường đeo, bên trên khắc tên và biệt hiệu bằng tiếng Anh. Tuy nhiên chữ khắc quá xấu, giống y như gà bới. Tần bốn mắt cầm lấy, xem xong nói: "Tom, một cái tên rất bình thường, biệt hiệu là Rắn Điên, nhưng không hề có số hiệu lẫn phiên hiệu cụ thể."
Đầu Trọc trao đổi một chốc với nhóc Cadillon. Nhưng vốn từ của lão có hạn, hai người vừa nói chuyện vừa ra hiệu bằng tay, vất vả một lúc lâu cuối cùng cũng hiểu được đối phương muốn nói gì. Đầu Trọc cầm chiếc thẻ, phiên dịch lại cho chúng tôi nghe: "Cái thẻ tên hiệu này, nó nhặt được ở nơi cắm trại của đám người kia. Lúc ấy, bố của nó, thợ săn Adong đang nói chuyện phiếm với với người phụ nữ châu Á, nội dung cuộc nói chuyện có liên quan đến Cây cầu ma nằm sâu trong rừng. Cô ta hứa hẹn, sau khi mọi việc xong xuôi sẽ tặng cho thôn dụng cụ lọc nước, hơn nữa còn định kỳ cung cấp thuốc men chữa bệnh miễn phí cho người dân trong thôn. Mặc dù tù trưởng lại tiếp tục công khai ban mệnh lệnh cấm mọi người đi qua phía bên kia Cây cầu ma, nhưng điều kiện mà cô ta đưa ra thật sự quá cám dỗ, đặc biệt là thuốc chữa bệnh. Đối với một bộ lạc bán nguyên thủy có tuổi thọ bình quân không đến bốn mươi tuổi, bất cứ lúc nào có thể chết vì cảm mạo, điều kiện này quả thực là phước trời ban. Bởi vậy Adong bày tỏ sẵn sàng mạo hiểm dẫn đường cho họ, nhưng sẽ chỉ đưa họ đến bên phía bên kia Cây cầu ma, sang đến đó là hết trách nhiệm. Hai bên đã thống nhất như vậy. Adong còn trợ giúp bọn chúng lừa dối vị tù trưởng, chỉ nói là người phóng viên đó muốn đi vào ven khu rừng để quay phim chụp ảnh một vài tư liệu sống. Trước khi khởi hành, Adong dặn đi dặn lại con trai mình không được nói cho bất cứ người nào trong thôn biết chuyện này. Đi từ thôn đến Cây cầu ma, tối đa chỉ mất khoảng hai ngày, thế nhưng Adong đi một mạch năm ngày mà không hề có bất cứ tin tức gì. Sợ cha mình gặp phải bất trắc gì, cậu bé khẩn khoản cầu xin tù trưởng Chamana xem bói giúp, nhưng chẳng bói toán ra gì nhiều. Cậu làm ầm lên muốn đi tìm cha, không ngờ lại bị tù trưởng thản nhiên từ chối. Về sau, khi nghe lỏm được nơi chúng tôi muốn tới cũng nằm ở gần chỗ Cây cầu ma, thế là cậu bé quyết định sẽ dẫn đường cho chúng tôi, nhân đó vào sâu trong rừng để tìm kiếm người cha mất tích đã lâu."
Chúng tôi đột nhiên sinh ra nghi ngờ về xuất thân của đám phóng viên đó. Tần bốn mắt săm soi chiếc thẻ tên hiệu trên tay, nói: "Lần này chúng ta có khả năng không chỉ vướng phải phiền phức từ một phía. Hành tung của đám người Mỹ này bí hiểm, mục đích rõ ràng, e rằng xuất thân của họ không đơn giản."
"Cho dù đối phương là kẻ nào, chúng ta cũng phải chú ý cẩn thận. Ngày mai, khi trang bị đến nơi, chúng ta lập tức xuất phát." Tôi ngẫm nghĩ một lúc, lấy bản đồ ra, nói với Đầu Trọc, "Cậu bé này quá nhỏ, nếu đi theo chúng ta, một là không an toàn, hai là ảnh hưởng đến tốc độ hành quân. Ạnh bảo cậu bé cố gắng ghi chú rõ ràng địa hình lẫn những nơi đặc biệt cần lưu ý trên tuyến đường. Bảo với nó, chúng ta nhất định sẽ đưa cha nó bình an trở về."
Ai ngờ nhóc Cadillon cực kỳ cố chấp. Cậu bé nói, cho dù chúng tôi không dẫn theo mình đi cùng, bản thân nó cũng sẽ lén lút chạy đi tìm cha. Cậu bé còn hết sức kiêu ngạo móc ra một cây dao nhỏ, huơ đi huơ lại giữa không khí, như muốn nói cho chúng tôi biết, mình là một cậu bé dũng sĩ can đảm. Tôi khuyên can hết lời, cậu bé kiên quyết không chịu từ bỏ dễ dàng như vậy. Ma Cô Trẻ hô "Cắt" một tiếng, tóm lấy Cadillon, phát mạnh mấy cái vào mông, sau đó bảo với Đầu Trọc: "Lưu Mãnh, anh nói với nó, nếu dám chạy trốn chúng ta sẽ lập tức báo lại với tù trưởng toàn bộ sự việc người cha ma quỷ của nó cấu kết với kẻ thù bên ngoài. Đến lúc đó, sẽ xét xử vụ việc theo pháp luật nước Mỹ của chúng ta, cả hai cha con nó sẽ bị rút gân lột da, ném xuống sông cho cá sấu ăn."
Cậu bé nghe xong, sợ tới mức khóc òa lên, quỳ trên mặt đất liên tục cầu xin Ma Cô Trẻ tha thứ. Tôi nói, cái con người cậu sao lại đầy một bụng suy nghĩ độc ác thế, ngay cả một đứa nhỏ như vậy mà cũng dọa nạt. Y tỏ vẻ đắc ý, xua tay, nói bằng giọng đầy vênh váo: "Khi còn bé, cứ khi nào cậu đây không chịu ăn cơm, ông nội lại lôi câu này ra hăm dọa, lần nào cũng linh nghiệm. Nhìn thấy chưa, giáo dục đúng phương pháp thì ở đâu cũng sẽ thành công. Trẻ ranh bây giờ không có đứa nào dễ bảo cả. Lưu Mãnh, nói lại với nó, chúng ta hứa chắc chắn sẽ tìm cha nó trở về. Bảo nó đánh dấu xong bản đồ thì mau chóng về nhà tắm rửa đi rồi ngủ ngay."
Dưới sự hăm dọa của Vương Thanh Chính, Cadillon vừa khóc vừa đánh dấu bản đồ cho chúng tôi. Tuyền Béo cảm thấy không đành lòng, nói: "Lão Hồ, có vẻ như chúng ta đã phạm vào tội ngược đãi trẻ em vị thành niên Anh Điêng thì phải, sao lòng tớ lại cảm thấy bất nhẫn thế này."
Tôi đáp: "Đây là điều bất khả kháng. Đứa bé này, bản chất không xấu, nhưng tính cách quá kích động, lại không chịu nghe người khác khuyên bảo. Vào thời kỳ nổi loạn, đứa trẻ nào mà chẳng tôn sùng chủ nghĩa anh hùng cá nhân, chúng ta làm vậy chỉ vì muốn tốt cho nó. Cậu thử nghĩ mà xem, nếu nó thật sự bất chấp hậu quả, tự mình xông vào trong rừng nhiệt đới, sau này chúng ta biết ăn nói thế nào với người dân trong thôn. Chúng ta là người trưởng thành, làm việc phải đúng mực, không thể chiều theo đám trẻ con nóng đầu làm việc bất chấp hậu quả được."
Vẽ xong bản đồ, nhóc Cadillon bị Đầu Trọc bí mật đưa về nhà. Mấy người lớn chúng tôi bị nó quấy rối một chặp, trong lòng thực sự trở nên bất an. Tôi bảo với những người khác: "Giờ có muốn làm gì cũng đã muộn, mỗi người sao lại tấm bản đồ một bản, định ra một địa điểm tập hợp để sau này còn biết đường hội họp với người khác sau khi chia nhau ra hành động. Chuyến đi này, chúng ta không chỉ phải đối mặt với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn các loại nhân tố không xác định đang rục rịch hoạt động ở một nơi bí mật nào đó."
Mặc dù tôi tỏ thái độ cầm chắc chiến thắng trong tay, nhưng thật ra trong lòng không dám chắc một chút nào, đặc biệt là đến giờ vẫn không có lấy một chút tin tức gì về Shirley Dương. Trái tim giống như đang bị lửa thiêu đốt hừng hực, nhưng càng đối mặt với tình huống như thế này, tôi càng phải tỉnh táo. Trong số năm người ở đây, ngoài tôi và Tuyền Béo ra, những người còn lại đều không có kinh nghiệm sinh tồn nơi hoang dã, nói chi đến việc phải xâm nhập vào sâu trong rừng nhiệt đới đầy khắc nghiệt để tìm kiếm ngôi đền thần từ vài thế kỷ trước.
Trước khi ngủ, tôi chợt mong sao mặt trời mọc sớm hơn, để cho chúng tôi có thể mau chóng tiến vào khu rừng rậm Amazon thần bí trước mặt.
Tôi bị tiếng máy móc rầm rĩ đánh thức, mở mắt ra nhìn ra ngoài lều cỏ, trời đã sáng trưng. Ngày hôm qua gặp quá nhiều chuyện căng thẳng, tôi mệt mỏi đến cùng cực, cho nên đã ngủ một giấc say như chết, không mộng mị gì cho đến tận sáng. Đầu Trọc mặc áo ngoài, hô hào chúng tôi: "Mau lên nào, trang bị của chúng ta đã đến!" Đến lúc này tôi mới chợt nghĩ ra, tiếng máy móc rầm rầm bên ngoài không phải là tiếng gì khác, mà chính là tiếng máy bay trực thăng của Vương Phổ Nguyên vận chuyển vật tư đến cho chúng tôi. Tôi vớ bừa lấy một bộ quần áo mặc vào, xốc ba lô lên, nhanh chóng xông luôn ra ngoài.
Thổ dân địa phương dậy rất sớm, có rất nhiều người đang ôm đầu tập trung trên bãi đất trống, nhìn lên con chim khổng lồ bằng sắt thép bay trên trời, tỏ vẻ sợ hãi ra mặt. Tôi vừa lấy tay che mắt vừa bắn đạn tín hiệu. Trên trời, chiếc S-51 màu vàng bay lộn lại. Mấy người Đầu Trọc cũng đã đi ra, đang chạy đôn chạy đáo sơ tán thổ dân. Máy bay trực thăng dần dần dừng hẳn lại trên không trung, Tuyền Béo và tôi gồng mình chống lại gió thổi như bão lốc, tiến lại gần, cởi hai chiếc hòm gỗ buộc lủng lẳng dưới thân máy bay xuống. Người điều khiển giơ ngón tay cái ra hiệu với hai thằng. Chiếc trực thăng lượn vài vòng rồi nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt của chúng tôi.
Vương Thanh Chính nôn nóng mở hòm gỗ ra. Một trong hai chiếc hòm chứa trang bị cá nhân, cái còn lại chứa vũ khí đạn dược. Vương Phổ Nguyên gửi cho chúng tôi trang bị bộ binh chuyên dụng của quân đội Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả quần áo và giày dã chiến vùng nhiệt đới, mặt nạ phòng độc M17A1, dụng cụ cá nhân,... Tuy nhiên, lão ta đã đổi trang bị hành quân M1956 thành trang bị cá nhân nhẹ đa dụng, gọi tắt là LC1. Bộ trang bị này được gói gọn trong ba lô, bao gồm đèn pin hình chữ L bằng nhựa, dụng cụ đào đất, ấm nước, lưỡi lê M9 và túi đạn dược giành cho vũ khí hạng nhẹ. Bộ LC1 này gọn nhẹ hơn nhiều so với bộ M1956 thời kỳ chiến tranh Việt Nam, giảm bớt trọng lượng phải mang theo cho chúng tôi. Xem ra, lần này lão ta đã bỏ hết cả vốn liếng, nhằm mục đích giúp chúng tôi vượt xa đối thủ trên phương diện trang bị. Tôi và Tuyền Béo đã cởi bỏ quân trang bị nhiều năm, không ngờ lại được quay trở lại như ngày xưa, nhưng đồ mặc trên người lại là của binh lính Mỹ. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng có vấn đề gì, quan trọng nhất là đến khi chúng tôi mặc xong quần áo thì mới phát hiện ra, phù hiệu trên tay áo của tất cả đều thêu một chữ "Vương" bắt mắt. Cái lão già Vương Phổ Nguyên kia, đến nước này rồi mà vẫn không quên nhắc nhở chúng tôi ai mới là người bỏ tiền cho hành động lần này. Bản chất gian thương, dù có muốn thay đổi cũng không tài nào thay đổi được.
Sau khi đổi mới toàn bộ trang bị, chúng tôi chào tạm biệt thổ dân Anh Điêng thôn Titamar, khởi hành đi sâu vào rừng rậm Amazon bao la. Nhóc Cadillon đứng vượt lên trước tất cả đám đông, liên tục vẫy tay với chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều thừa hiểu, đứa bé này đã ký thác toàn bộ hi vọng lên mấy người mình, đám người lạ đến từ bên ngoài. Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt cảm giác trọng trách trên vai mình đột nhiên nặng hơn rất nhiều.
Sau khi tiến vào vùng rừng nhiệt đới này, tôi mới chính thức cảm nhận được sự rộng lớn và thần bí của nó. Tần bốn mắt giảng giải: "Sông Amazon, cùng với dãy Andes được người Châu Mỹ La Tinh ví như mâu và thuẫn của họ, là con sông dài nhất thế giới đáng kiêu ngạo của dân bản xứ. Bởi vì nó nằm ở gần xích đạo, cho nên cực kỳ thích hợp cho thực vật nhiệt đới sinh trưởng. Tính tới giờ, thực vật nơi đây có tới hơn 50.000 loại, nhưng con người ta chỉ nhận biết được không quá 3.000 loại. Chủng loại động vật nơi đây cũng rất phong phú, có không ít chim quý thú hiếm. Trong số đó, loài có tính công kích tương đối mạnh phải nói tới Báo Châu Mỹ. Báo Châu Mỹ được người Inca gọi là Mắt lục bảo thạch. Theo truyền thuyết, thần Inca đã từng chịu ân huệ của Báo Châu Mỹ, vì vậy ban cho nó ngôi vị chúa tể rừng nhiệt đới, có thể ăn thịt toàn bộ động vật trong rừng. Nếu muốn săn bắt Báo Châu Mỹ để lấy da của chúng, người ta nhất định phải đặt hai viên lục bảo thạch vào hốc mắt xác của con báo. Nếu không, họ sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt của Thần linh. Rất nhiều dân bản xứ, dù rất thèm muốn bộ da tuyệt đẹp của Báo Châu Mỹ, nhưng khốn nỗi không tìm đâu ra đá lục bảo thạch còn quý hiếm hơn nhiều, cuối cùng đành phải từ bỏ ham muốn săn bắt chúng. Trên thực tế, truyền thuyết này đã vô tình tạo ra tác dụng bảo vệ đối với Báo Châu Mỹ. Thế nhưng, vào thời cận đại, người đi săn phương Tây hoàn toàn chẳng thèm để ý gì tới truyền thuyết lâu đời đó, trắng trợn săn bắt ở lưu vực sông Amazon. Có rất nhiều loại động thực vật, số lượng đang giảm mạnh với tốc độ nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta."
Tục ngữ nói rất hay, lòng tham không đáy rắn nuốt voi. Tôi nhớ lúc mình còn làm Mô Kim Giáo Úy, bản thân đã gặp không ít trộm mộ vô cùng hung ác. Có thể nói, bọn chúng không phải bị tham lam làm mờ mắt như đám săn trộm, mà hành động theo phương châm không chừa lại bất cứ thứ gì, chỉ chăm chăm vơ vét sạch sẽ đồ vật quý giá trong mộ, nếu không mang đi được thì thà rằng phá hủy cũng không muốn để lại miếng ngon cho đời sau hưởng. Cứ kéo dài như thế, mộ táng trên đời này có nhiều đến mấy cũng không còn lại cái nào dưới sự phá hoại của bọn chúng. Đến khi không còn ngôi mộ nào nữa để mà đào, không hiểu bọn chúng sẽ làm cái gì? Xét cho cùng, bọn chúng chẳng phải là cũng ngu xuẩn như bọn săn bắt trộm mù mắt chỉ vì lợi ích trước mắt?
Dựa vào địa đồ và la bàn, chúng tôi từ từ tiến bước trong rừng rậm. Khí hậu nơi đây nóng bức, côn trùng cỡ lớn lẫn những loài thực vật hình thù kỳ lạ với màu sắc rực rỡ ở khắp mọi nơi. Khi đi ngang qua một khúc sông, chúng tôi thậm chí còn nhìn thấy một đàn muỗi to bằng nắm đấm đang lượn vòng trên mặt sông. Tuyền Béo rùng mình một cái, hỏi: "Muỗi lớn như thế, bị nó đốt cho một cái, chắc sẽ mất máu quá nhiều mà hôn mê luôn mất." Hồ Bát Nhất tôi không sợ trời không sợ đất, ngán ngại nhất chính là cái loại muỗi vằn to đùng ve ve bay loạn xạ này. Trước kia hoặc là đốt nhang muỗi, hoặc là đập chết, nhưng lũ muỗi trước mặt còn to hơn cả chim sẻ, cái vòi đầy lông lá lẫn đôi cánh to đùng, ai nhìn thấy mà chả sợ mất mật. Tôi thà rằng đấu tay đôi với Báo Châu Mỹ cũng không muốn bị loại quái vật này nhăm nhe đốt cho một cái. Để tránh đám muỗi khổng lồ đốt, chúng tôi đi trệch ra khỏi bờ sông, chọn những con đường mòn ở sâu trong rừng. Những con đường này do lũ dã thú trong rừng đi qua tạo ra. Mặc dù rắn rết đầy rẫy, chuồn chuồn châu chấu quấy rối, nhưng nói chung vẫn đỡ mệt so với chúng tôi tự mình mở đường hơn rất nhiều.
So ra, nhiệt độ ở trong rừng cao hơn bên ngoài khá nhiều. Đi suốt cả một ngày, mồ hôi mọi người đầm đìa khắp toàn thân, chảy ào ào như là thác đổ. Toàn thân như ngâm trong vại nước nóng, không có đủ không khí mà thở. Tôi, Tuyền Béo cộng thêm Đầu Trọc, tất cả đều đã từng là bộ đội, có thể chất tốt nên còn khá hơn một chút. Hai người Ma Cô Trẻ và Tần bốn mắt đã mệt rã rời, thở hồng hộc như trâu, dùng súng thay cho gậy chống, lê bước ở đằng sau. Tôi nhìn trời rồi nói với Đầu Trọc: "Hôm nay tốt nhất nên tìm một chỗ, dựng lều trại nghỉ ngơi sớm một chút. Rừng nhiệt đới không giống những nơi khác, tìm một nơi an toàn để hạ trại là điều không hề dễ dàng."
Thảm thực vật trong rừng nhiệt đới um tùm, cho dù là dã thú hay rắn kiến cũng đều rất dễ dàng tìm được nơi ấn náu cho chúng. Nếu chúng tôi muốn qua đêm ở đây, lựa chọn nơi hạ trại là công việc quan trọng hàng đầu. Đầu tiên không thể chọn vùng hạ du, tiếp đó là không thể quá gần bờ sông. Sông Amazon đang vào thời kỳ lũ định kỳ, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm do nước lũ dâng cao, chẳng may gặp lũ lụt, muốn chạy cũng không kịp. Cuối cùng, nơi cắm trại không được nằm sát sườn đồi, nguyên do là để phòng tránh bị đất lở chôn sống. Tuy nhiên, chúng tôi đang ở khu vực bình nguyên, không phải lo nguy hiểm sạt lở đất đá, mà thực ra cần phải cẩn thận với cát lún trong rừng nhiệt đới. Tôi nói sơ qua tiêu chuẩn chọn nơi hạ trại cho hai kẻ gà mờ kia nghe một lần. Chúng ta sẽ lấy cái cây lá to ở chỗ này làm làm mốc, chia nhau ra tìm kiếm nơi hạ trại, hẹn nửa giờ nữa sẽ quay về tập hợp. Nhằm mục đích an toàn, tôi xếp Vương Thanh Chính và Tuyền Béo vào một tổ, cử Đầu Trọc chiếu cố Tần bốn mắt, còn một mình mình một tổ. Tôi phân tổ như vậy, đầu tiên là có thể chiếu cố đến hai kẻ tay mơ, thứ hai là người của nhà họ Vương và người của chúng tôi có thể giám sát lẫn nhau, tránh trường hợp có người gây họa cho toàn bộ đoàn thể.
Sau khi tách khỏi bốn người còn lại, tôi ngược dòng đi thẳng về hướng đông, định tìm một chỗ tương đối cao để dễ bề quan quan sát xung quanh rồi tính tiếp. Trong đám cây cối dưới chân đầy rẫy các loài côn trùng nhỏ, rất may là chúng tôi đeo loại giày chuyên dụng để hành quân trong vùng nhiệt đới. Nếu không, chẳng may bị những con vật nhỏ bé này leo lên theo ống quần, đốt cho một cái, vậy thì sẽ phải nếm mùi đau khổ khỏi cần phải bàn. Khi đi ngang qua một bãi cỏ lúp xúp, tôi phát hiện ra trên mặt đất có dấu vết đốt lửa, bèn tiến lại gần quan sát. Khu vực đồi rừng này rõ ràng có dấu vết hoạt động của con người. Đống lửa đã tắt, những cái hố đóng cọc căng lều còn lại trên mặt đất, đều là chứng cứ không thể xóa sạch đi được. Tôi mở chốt an toàn khẩu súng trường, đề phòng có kẻ địch mai phục quanh đây. Sau khi nằm phục xuống ngay tại chỗ quan sát trong chốc lát, tôi không hề phát hiện ra dấu hiệu khả nghi nào. Quanh đây, ngoài tiếng chim thú liên tục kêu vang vọng thì chẳng hề thấy bóng dáng một người nào. Thế là tôi đứng dậy, nhặt một cành cây gẩy đám tro than trong đống lửa đã tắt từ lâu ra. Thế nhưng, ngoài mấy cái xương động vật đã bị đốt vỡ vụn ra, tôi không tìm được bất cứ manh mối nào cả.
Tuy vậy, nơi trú quân này tồn tại đã chứng tỏ ngoài chúng tôi ra, trong vùng rừng nhiệt đới còn có những người lạ khác. Căn cứ vào tốc độ hành quân, bọn chúng có nhiều khả năng là đội ngũ của Cây Sào, tôi cảm thấy tình hình đã trở nên hết sức nguy cấp. Để phòng tránh khả năng mọi người phải chiến đấu bằng hỏa lực với kẻ địch trong tình trạng thụ động, tôi quyết định lập tức lộn trở lại chỗ hẹn ở rừng lá to để chờ những người khác quay về hội họp. Vừa đi ra khỏi nơi trú quân đó chưa được vài bước, tôi chợt nghe thấy ở bờ sông cách đây không xa vang lên tiếng súng nổ, khiến chim chóc khắp nơi bị kinh động nháo nhác bay lên. Tiếp đó lại là một loạt tiếng súng bắn loạn xạ. Tôi nghĩ bụng hỏng rồi, xem ra bọn chúng đã ra tay trư