• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nói về Lư Tuấn Nghĩa là một người khoẻ mạnh giỏi giang, anh hùng vô địch, song xưa nay chưa từng quen tay dưới nước bao giờ. Nay bỗng chốc bị thuyền lật xuống dưới nước, làm cho chàng ta luống cuống rụng rời chân tay, không biết lối nào mà giở. Trương Thuận liền ôm lấy ngang lưng mà ôm thẳng vào bờ. Khi vào tới bờ, đã thấy đóm đuốc sáng trưng, và có năm sáu mươi người đứng đón sẵn ở đấy, chúng đem Lư Tuấn Nghĩa lên bờ, đứng xúm vào tháo dao lưng ra, cởi bỏ hết quần áo, rồi toan đem thừng trói lại. Chợt đâu thấy Đới Tung chạy đến quát ngay rằng:

- Không được động đến Viên Ngoại, cứ mời Viên Ngoại vào chơi.

Đoạn rồi thấy một người mang ra một cái áo gấm, một bức quần thêu đưa đến cho Lư Tuấn Nghĩa, và có tám đứa tiểu lâu la đưa cổ kiệu đến dìu Viên Ngoại lên kiệu mà khiêng đi.

Đi được vài bước, xa trông đã thấy có hai ba mươi đèn lồng sa đỏ, dẫn một toán người ngựa, là Tống Giang, Ngô Dụng và Công Tôn Thắng cùng các vị Đầu Lĩnh kéo đến. Khi kiệu Lư Tuấn Nghĩa gần đến nơi, Tống Giang vội vàng quỳ xuống trước kiệu, rồi các Đầu Lĩnh cũng quỳ theo cả một lượt ở sau. Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy cũng vội vàng xuống kiệu quỳ ra ngoài đất mà nói rằng:

- Tôi đã bị bắt đến đây, xin cho sớm chết là hơn... Tống Giang cười rằng:

- Xin Viên Ngoại hãy cứ lên kiệu, rồi sẽ hay.

Nói đoạn lại dìu Lư Tuấn Nghĩa lên kiệu, rồi các Đầu Lĩnh đều lên ngựa, mà nổi trống khua nhạc đưa thẳng về Trung nghĩa Đường.

Khi tới Trung Nghĩa Đường, các Đầu Lĩnh mời Lư Tuấn Nghĩa vào ghế giữa, đôi bên đèn nến thắp sáng choang, rồi Tống Giang nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng:

- Chúng tôi lâu nay nghe tiếng Viên Ngoại, khác nào sét đánh ngang tai, nay được gặp ngài đây, thực là thỏa lòng khát vọng vô cùng. Vừa rồi bọn anh em có người không phải lỡ phạm đến ngài, xin ngài tha lỗi ấy cho.

Ngô Dụng cũng chạy đến mà rằng:

- Bữa trước tôi có vâng lệnh Huynh trưởng tôi đến cửa ngài, giả làm thầy đoán số, để mời ngài đến núi Lương Sơn cùng tụ đại nghĩa với nhau, mà thay Trời làm Đạo, vậy ngày nay ngài đã tới đây, thực là hạnh phúc cho sơn trại không biết tới đâu mà kể.

Đoạn rồi Tống Giang mới Lư Tuấn Nghĩa ngồi vào ghế thứ nhất. Lư Tuấn Nghĩa cười mà đáp rằng:

- Lư Tuấn Nghĩa tôi khi trước ở nhà thực không có phép gì chết được, nhưng ngày nay đến thực không muốn sống làm chi. Định giết xin cứ giết cần gì phải đùa như vậy?

Tống Giang vui vẻ đáp rằng:

- Lẽ nào chúng tôi dám đùa với Viên Ngoại, thực là chúng tôi khâm phục uy tín của Viên Ngoại, tựa hồ trong lòng đói khát đã lâu, bởi thế chúng tôi mới lập kế mời ngài đến đây, tôn làm chủ sơn trại, cho anh em chúng tôi được sớm khuya theo lệnh của ngài.

Lư Tuấn Nghĩa nói:

- Thôi xin đừng nói nữa, tôi đây muốn chết thì dễ bằng muốn cho tôi theo thì rất khó.

Ngô Dụng vội gạt đi rằng:

- Nếu vậy để hôm khác thì ta sẽ bàn. Nói đoạn liền sai đem rượu lên để thết đãi, Lư Tuấn Nghĩa không sao từ chối được, đành gượng uống năm ba chén rồi nghỉ lại ở đó.

Ngày hôm sau Tống Giang sai giết trâu mổ ngựa, bày tiệc linh đình, mời Lư Tuấn Nghĩa ra dự tiệc, Tống Giang mời năm lần bảy lượt mãi sau Lư Tuấn Nghĩa mới chịu ngồi vào ghế giữa để uống rượu.

Được một vài tuần, Tống Giang đứng dậy nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng:

- Đêm qua thực là có điều không phải, xin ngài tha lỗi cho. Sơn trại chúng tôi đây tuy hẹp nhỏ, song Viên Ngoại cũng nên xét đến hai chữ trung nghĩa mà lưu lại nơi đây, tôi xin thuận tình nhường vị lại ngài, xin chớ chối từ làm chi?

Lư Tuấn Nghĩa đáp:

- Đầu Lĩnh nói lạ thực? Tôi đây bình sinh không có tội gì, nhà cũng đủ ăn, không đến nổi đói. Sống làm dân nhà Tống chết phải làm ma nhà Tống... Không nói đến hai chữ trung nghĩa, thì tôi còn uống liều dăm ba chén ở đây, bằng nói đến hai chữ trung nghĩa thì cái bầu nhiệt huyết của tôi cũng khả dĩ tưới khắp ra đây ngay lập tức.

Người liền tiếp luôn rằng:

- Viên Ngoại đã không chịu ở đây, thì cũng không nên cưỡng bách làm chi, giữ được người Viên Ngoại, chứ giữ thế nào được bụng. Có điều rằng: Anh em tôi cũng không được mấy khi ngài đã hạ cố đến chơi, vậy ngài không bằng lòng nhập đảng, chúng tôi cũng không dám ép, song xin ngài hãy lưu lại ở chơi mấy bữa, rồi xin đưa trả về nhà thế là ổn tiện.

Lư Tuấn Nghĩa nói:

- Đầu Lĩnh đã biết rằng, lưu tôi cũng chẳng được nào, thì xin cho tôi về ngay cho tiện không? Tôi ở đây chỉ e sợ vợ con cửa nhà không biết tin tức ra sao cả...

Ngô Dụng nói:

- Cái đó có khó gì, xin cho Lý Cố đem xe cộ về trước, còn ngài ở lại đây mấy hôm rồi sẽ về sau cũng được...

Nói đoạn liền gọi Lý Cố lên cho ít tiền nong mà giao cho về trước. Khi Lý Cố sắp ra đi, Lư Tuấn Nghĩa dặn với rằng:

- Sự khổ của ta các ngươi đã biết, ngươi về nhà nói với Nương tử bất tất phải lo, nếu ta chưa chết thì ta thế nào cũng về được.

Lý Cố vâng lời mà rằng:

- Các Đầu Lĩnh có bụng quá yêu như vậy, xin chủ nhân hãy ở chơi vài tháng sẽ về, có điều chi mà ngại?

Nói đoạn từ tạ ra đi, Ngô Dụng liền đứng dậy để đưa chân Lý Cố xuống núi. Ngô Dụng cưỡi ngựa đi đến đợi ở bến Kim Sa trước. Được một lát, Lý Cố cùng các người nhà và xe cộ đi đến nơi, Ngô Dụng liền sai năm trăm tiểu lâu la, ngồi vây lại chung quanh, rồi gọi Lý Cố đến trước mặt mà bảo rằng:

- Chủ nhân nhà anh đẫ bằng lòng bàn với chúng ta, nhập đảng, ngồi vào hàng ghế thứ nhì rồi. Trước khi chưa đến đây, đẫ viết bốn câu thơ ở vách, tỏ ý rõ ràng ra đó, anh đẫ biết chưa.

Lư hoa phơ phất chiếc thuyền bơi,

tuấn kiệt vui chơi buổi tối trời,

Nghĩa sĩ tay cầm ba thước kiếm,

Phản rồi chém lũ nghich thần chơi.

Trong bốn câu đó, mỗi câu lấy một chữ đầu hợp thành bốn chữ"Lư Tuấn Nghĩa phản"anh đã biết chưa? Ngày nay chủ nhân anh đi đến đây, đáng lẽ thì đem các anh giết đi ngay, nhưng thế thì ác quá, vậy ta tha cho các anh về, anh phải nói rõ cho mọi người biết chủ nhân không về nữa nhé.

Lý Cố vâng lời, rồi lạy lấy lạy để không thôi, Ngô Dụng liền cho chở thuyền đưa Lý Cố đi, rồi lại trở về sơn trại uống rượu đến chiều mới tan. Sáng hôm sau trong sơn trại lại làm tiệc vui mừng, rất là chững chạc.

Lư Tuấn Nghĩa nói với các Đầu Lĩnh rằng:

- Các ngài có lòng thương không nỡ giết, tôi cũng cảm ơn, song thà các ngài giết ngay, còn hơn bắt giữ ở đây, thực là một ngày đăng đẳng, coi bằng ba thu... . Vậy xin các ngài cho tôi cáo từ hôm nay, không thể lưu lại được nữa.

Tống Giang nói:

- Không mấy khi Viên Ngoại đến chơi, vậy ngày mai tôi xin mời riêng ngài một tiệc, để trò chuyện cùng nhau cho thỏa lòng khát vọng, xin ngài chớ từ chối.

Lư Tuấn Nghĩa không thể từ chối được, lại phải lưu lại cho đến ngày mai. Hết ngày mai lại đến Ngô Dụng thiết tiệc một ngày, rồi đến Công Tôn Thắng một ngày, rồi các Đầu Lĩnh cố nài thiết tiệc một ngày, tất cả hơn một tháng trời mà không hết lượt.

Một hôm Lư Tuấn Nghĩa lấy làm sốt ruột quá chừng, liền nói với Tống Giang để xin về, Tống Giang đáp rằng:

- Chúng tôi còn muốn lưu Viên Ngoại ở chơi ít lâu, song ngài đẫ nhất định đòi về như thế, vậy ngày mai tôi xin mấy chén tiễn hành, riêng về phần tôi, xin ngài chiếu cố đến cho.

Lư Tuấn Nghĩa ở đến ngày mai, nhận bữa tiễn hạnh của Tống Giang, rồi các Đầu Lĩnh lại vật nài với Lư Tuấn Nghĩa rằng:

- Ca Ca chúng tôi kính trọng Viên Ngoại mười phần, thì tôi đây cũng phải kính trọng Viên Ngoại đến mười hai phần. Nay Ca Ca tôi đã được nâng chén rượu tiễn hành vậy còn chúng tôi không lẽ ngài lại còn bỉ thử mà không nhận cho, như thế thực là phiền lòng cho anh em chúng tôi quá đổi!

Bấy giờ Lý Quỳ kêu to lên rằng:

- Tôi bị khổ sở biết bao nhiêu, vào đến Bắc Kinh, mời được ông ta ra đây, nay ông không cho chúng tôi, mời bữa tiệc tiễn hành là nghĩa lý gì? Nếu vậy tôi với ông quyết đấu một phen xem sao?

Ngô Dụng nghe nói cả cười mà rằng:

- Từ cổ đến giờ chưa thấy ai mời khách như thế bao giờ? Tôi xin Viên Ngoại xét đến lòng thành của họ, mà ở lại ít bữa nữa, rồi mới có thể thỏa thiếp cả được.

Lư Tuấn Nghĩa bất đắc dĩ phải lưu lại bốn năm hôm nữa rồi mới từ tạ ra đi. Bỗng đâu lại thấy Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ dẩn một tốp Đầu Lĩnh đến mà nói rằng:

- Chúng tôi đây, tuy thị là hàng đàn em, song đối với Ca Ca cũng có đôi phần đóng góp, vậy không lẽ rằng chúng tôi lại không được tiễn chân Viên Ngoại hay sao? Viên Ngoại không có lòng chiếu cố, tôi đây cũng không dám phàn nàn gì, song chỉ sợ lũ anh em họ lôi thôi xin sự, thực là khó chịu.

Ngô Dụng đứng lên đáp rằng:

- Anh em bất tất phải nóng nảy như vậy, để tôi mời Viên Ngoại hãy chiếu cố ở lại mấy hôm nữa là được rồi...

Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy, không thể từ chối được, lại đành phải ngồi lưu lại ít bữa nữa...Đoạn rồi các Đầu Lĩnh chia nhau tiễn tặng loanh quanh làm cho Lư Viên Ngoại phải trì trệ lần nữa chưa sao mà dứt đi được.

Khi Lư Tuấn Nghĩa bước chân ra đi, chính đương vào dạo tháng năm, tới nay đã thấm thoát đã hai tháng trời, cảnh sắc giang sơn bỗng chốc đã nhuộm màu thu sắc, Lư Tuấn Nghĩa lấy làm sốt ruột không sao chịu được, liền nói với Tống Giang để khẩn khỏan xin về. Tyu cũng làm ra dáng chiều lòng Viên Ngoại mà nhận lời ngay.

Sáng hôm sau Tống Giang sai lấy quần áo cũ, cùng dao gậy của Lư Tuấn Nghĩa đưa ra trả lại, rồi Tống Giang đem một mâm kim ngân, để tặng Lư Tuấn Nghĩa.

Lư Tuấn Nghĩa cười mà nói rằng:

- Tiền của này trong sơn trại làm gì mà có, lẽ đâu tôi lại nhận như thế? Song ngày nay không nhận, thì cũng không lấy đâu làm lệ phí, vậy chỉ xin nhận đủ tiền về tới Bắc Kinh. Hôm đó về gần đến thành, thì đã vừa tối, chàng liền nghỉ trọ ở ngoài hàng, để sáng hôm sau sẽ vào trong thành. Sáng hôm sau chàng trở dậy đi thẳng vào thành, khi đến một nơi ước chừng còn cách hơn một dặm đường nữa, thì vào tới trong thành, bỗng đâu thấy một người đầu tóc bơ phờ, áo khăn rách rưới, chạy đến trước mặt rồi lạy phục xuống đất rồi khóc lên rưng rức.

Lư Tuấn Nghĩa ngạc nhiên nom đến, thì chính là Lãng Tử Yến Thanh, liền hỏi luôn rằng:

- Tiểu Ất! Cớ sao ngươi đến nổi thế?

Yến Thanh gạt nước mắt mà rằng:

- Đây không phải là chỗ nói chuyện, xin Chủ Nhân đến chỗ khác.

Lư Tuấn Nghĩa liền theo Yến Thanh đến một chỗ vắng người để hỏi thăm duyên cớ.

Yến Thanh nói rằng:

- Sau khi Chủ Nhân đi độ nữa tháng, bỗng một hôm thấy Lý Cố trở về nói với Nương Tử rằng: Chu Nhân đẫ quy thuận với Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, mà đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai và lưu lại ở đó. Đoạn rồi hắn báo với Quan Tư, mà thông lưng với Nương Tử, chiếm hết cả nhà cữa tư cơ mà đuổi tôi ra ngoài thành mà kiếm ăn quanh quẩn, để đói, chủ nhân về xem sao? Tôi chắc chắn Chủ Nhân không bao giờ chịu làm nghề lạc thảo, song nếu có quả thế thực, thì xin nghe lời tôi mà trở về ngay đất Lương Sơn, kẻo vào thành bây giờ, thì không bao giờ mà tránh cho khỏi nạn.

Lư Tuấn Nghĩa nghe nói quát lên rằng:

- Vợ ta không phải người như thế, ngươi đừng có nói liều với ta...

Yến Thanh nói rằng:

- Chủ Nhân không có mắt ở đằng gáy, làm chi biết được chuyện sau lưng, bình nhật Chủ Nhân chỉ chuyện chú vào mặt võ nghệ, không đoái đến những việc nhỏ nhen, nhân thế mà Lý Cố tư thông với Nương Tử cũng không hay biết đến. Ngày nay hai người đó đã mưu mô với nhau, nhận làm vợ chồng. Vậy nếu Chủ Nhân về đó thì quyết bị họ hại chứ không sai.

Lư Tuấn Nghĩa quát lên mắng Yến Thanh rằng:

- Nhà ta ở đất Bắc Kinh năm sáu đời nay ai mà không biết tiếng thằng Lý Cố nó có mấy đầu mà nó dám làm như thế? Chẳng hay chính ngươi làm càn rồi ngươi lại nói liều nói lĩnh với ta? Để ta về xem sao, rồi sẽ liệu cho ngươi một thể.

Yến Thanh nhất định không nghe, ôm lấy áo Viên Ngoại mà khóc lên như mưa như gió, Lư Tuấn Nghĩa giuơ chân đạp Yến Thanh ngã lăn xuống đất rồi một mình xồng xộc mà đi thảng về nhà...

Khi về tới nhà, thấy đám chủ quản cùng người nhà, anh nào anh nấy đều có vẽ kinh sợ bàng hoàng. Đoạn rồi Lý Cố đón Viên Ngoại vào trong nhà, cúi đầu lạy ngay lập tức.

Lư Tuấn Nghĩa hỏi rằng:

- Yến Thanh ở đâu? Lý Cố nói rằng:

- Xin Chủ Nhân thông thả rồi hãy nói chuyện. Công việc còn nhiều lắm. Chủ nhân đi xa về khó nhọc, hãy xin đi nghĩ một lát đã.

Vừa nói xong thì thấy Cổ Thị ở đằng sau bình phong, vừa khóc lóc vừa đi ra. Lư Tuấn Nghĩa lại hỏi luôn rằng:

- Nương Tử đây rồi. Yến Thanh đâu? Nói cho tôi biết...

Cổ Thị Gạt nước mắt mà nói rằng:

- Xin trượng phu đừng hỏi vội, nói ra dài dòng lắm, hãy xin nghĩ ngơi đã.

Bấy giờ Tuấn Nghĩa trong bụng lấy là nghi hoặc khó chịu, bèn cố hỏi chuyện Yến Thanh cho kỳ được.

Lý Cố nói rằng:

- Chủ Nhân hãy thay quần áo, vào lễ Từ Đường xơi nước hẳn hoi rồi sẽ nói, đi đâu mà vội.

Nói đoạn liền sai dọn cơn cho Lư Tuấn Nghĩa ăn. Lư Tuấn Nghĩa ngồi vào mâm cơm vừa toan cất bát đũa lên ăn, thì bỗng thấy cữa trước cữa sau ầm ầm cả lên, rồi thấy hai ba trăm người lính phủ xông đến nơi. Lư Tuấn Nghĩa cả kinh, ngồi ngây hẳn người ra, rồi đám lính bắt trói mà vừa đến vừa dong về trong phủ Trung Thư.

Bấy giờ Lưu Trung Thư đương ngồi ngay giữa Công Đường, hai bên tả hữu có đến bảy tám mươi tên lính đứng dàn hàng, đoạn rồi chúng giải Lư Tuấn Nghĩa vào quỳ ở một bên, Lý Cố cùng Cổ Thị quỳ ở một bên.

Quan Lưu Trung Thư ngồi trên quát hỏi rằng:

- Tên kia ngươi vốn là lương dân ở đấùt Bắc Kinh, cớ sao lại dám nhập bọn với đám Lương Sơn Bạc, đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai, nay ngươi còn toan về đây định kết liên trong ngoài, định đến phá Bắc Kinh là nghĩa làm sao? Phải mau mau mà thành thực ra đây...

Lư Tuấn Nghĩa nói rằng:

- Việc đó nguyên vì chúng tôi khờ dại, bị tên Ngô Dụng ở Lương Sơn đem thuật tướng số lừa dối, sau lại bắt giam ở trên núi hơn hai tháng trời, nay mới thoát thân về đây, chứ thục không có lòng gì phản bội, xin ngài xét cho.

Lưu Trung Thư quát lên rằng:

- Ngươi nói lạ! Ngươi ở Lương Sơn mà lại không thông đồng với chúng, thì sao chúng giữ lâu đến như thế, vã chăng đẫ có vợ cùng tên Lý Cố về cáo thú đây kia, lại còn chối về lẽ gì nữa?

Lý Cố quỳ bên kia bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng:

- Chủ nhân đẫ đến đó thì thú thực đi thôi. Trên vách ở nhà đẫ viết bốn câu thơ phản nghịch, đó là chứng cớ rõ ràng còn chối làm chi cho phiền?

Cổ Thị cũng nói rằng:

- Việc đó không phải chúng tôi muốn làm hại gì, song nếu không thú ra, thì liên luỵ đến cả chúng tôi thêm khổ? Người ta thường nói: "Một người loạn chín họ bị oan!"

Lư Tuấn Nghĩa nghe đến đó kêu lên rằng:

- Thực là oan uổng cho ta quá.

Lý Cố lại đế luôn rằng:

- Chủ Nhân phải bất tất phải kêu ca làm gì, việc đã rõ ràng như thế, chi bằng thú phắc đi cho khỏi khổ.

Cổ Thị lại nói rằng:

- Việc dối không ai đến chỗ cửa quan, mà việc thực mà chối làm sao được ...Đã đành rằng một người làm việc, thì chết cũng cam tâm, nhưng còn liên luỵ đến chúng tôi thì sao? Vậy bất nhược thú ngay cho khỏi đòn vọt đến thân.

Bấy giờ Trương Khổng Mục bẩm với Lưu Trung Thư rằng:

- Tên này nó răn đầu rắn mặt xưa nay, nếu không khảo tấn thì sao nó chịu nói?

Lưu Trung Thư truyền lệnh cho tra tấn, tả hữu vâng lời, trói Lư Tuấn Nghĩa ra nằm vật ở đất, rồi đến luôn một trận, bắn vọt máu tươi, chết ngất đi mấy lần mới tỉnh.

Lư Tuấn Nghĩa không sao chịu nổi đòn tấn, liền thở dài than rằng:

- Quả nhiên cung mệnh ta phải chết oan như thế này... thà bất nược nhận liều cho xong chuyện.

Trương Khổng mục nghe nói, liền biên hết khẩu cung, rồi sai đóng gông từ tù nặng trăm cân, cho giam xuống ngục. Những người ngoài phủ nom thấy vậy, ai cũng thương tâm không nỡ xem.

Điều đâu bay buộc ai làm?

Anh hào hết đất phỏng cam chăng trời?

Biết thân đã mắc cạm đời,

Thà rằng vũng nước theo người cho xong?

Bấy giờ trong ngục có một người Tiết Cấp coi ngục, tên là Xái Phúc, quê ở Bắc Kinh biệt hiệu là Thiết Tý Phụ ngồi ở giữa sập, và một người em ruột tên là Nhất Chi Hoa Xái Khánh cầm gậy đứng hầu một bên.

Khi chúng dong Lư Tuấn Nghĩa đến nơi, Xái Phúc bảo Xái Khánh rằng:

- Ngươi đem thằng tử tù ấy giam kỹ vào trong kia, ta đi về nhà một lát, rồi lại đến ngay đây.

Xái Khánh vâng lời, đến Lư Tuấn Nghĩa giam vào ngục, rồi Xái Phúc cầm gậy ra đi lối cữa ngục. Chợt đâu thấy một người quần áo rách rưới, tay bưng một thúng cơm, hai hàng nước mắt sướt mướt đầm đìa mà đi vào. Xái phúc trông biết người đó là Lãng Tử Yến Thanh, liền hỏi rằng:

- Yến Thanh lạm gì thế, đi đâu như vậy?

Yến Thanh quỳ xuống nước mắt dòng dòng, nói với Xái Phúc rằng:

- Xin Thiết Cấp Ca Ca thương hại Chủ Nhân tôi là Lư Viên Ngoại, nay chẳng mai bị giam vào trong lao, không có ai đưa tiền cơm nước, vậy tôi kêu xin được thúng cơm đây, để đem vào cho chủ tôi ăn tạm, xin ông rộng phép cứu cho...

Nói đến đó thì khóc nấc lên, rồi nằm phục xuống đất. Xái Phúc đáp rằng:

- Được, việc đó tôi biết cả rồi, anh cứ đem cơm vào cho ông ta, không hề chi.

Yến Thanh lạy tạ, rồi đem cơm vào lao cho Viên Ngoại.

Đằng kia Xái Phúc đi khỏi chổ cầu, thì bỗng thấy một người đến vái chào mà nói rằng:

- Thưa Tiết Cấp có một người khách, ngồi đợi ở gác hàng tôi, định mời Tiết Cấp đến để nói chuyện, xin ngài đến ngay cho.

Nói đoạn liền mời Xái Phúc đi ngay, Xái Phúc đến nơi thấy Lý Cố ngồi đợi ở đó, đôi bên chào hỏi mời ngồi, rồi Xái Phúc hỏi Lý Cố rằng:

- Chẳng hay chủ quản có việc gì bảo tôi?

Lý Cố thì thầm mà nói rằng:

- Chẳng dám dấu gì Tiết Cấp, việc đó không thể để lâu được nữa, lỡ ra thì khốn, đêm nay thế nào Tiết Cấp cũng kết quả đi cho...tôi có năm mươi lạng vàng đây, xin đưa để ngài chi dùng...còn các quan lại bên trên, tôi khắc xin chu biện tất cả.

Xái Phúc cười rằng:

- Chủ quản không coi miếng đá trên chính sảnh khắc tám chữ "Dân đỏ dễ lừa, trời xanh khó dối"ó sao? Việc này thực là nhẫn tâm quá đỗi, ông tưởng tôi không biết chăng? Ông chiếm hết gia tư của người ta, lấy cả vợ con người ta, nay lại đưa tôi năm mươi lạng vàng, mà xui giết chết người ta, vậy nếu ngày sau Quan Tư xét ra, thì tôi chịu sao nổi tội?

- Nếu ngài chê ít, thì tôi xin đưa thêm năm mươi lạng nữa.

- Lý Chủ Quản ôi! Ông đừng rút vặt nữa. Một ông Lư Viên Ngoại có tiếng ở Bắc Kinh như thế, mà chỉ đáng giá một trăm lạng bạc chăng? Tôi xin nói thực, nếu ông muốn cho chóng được việc, thì cứ năm trăm lạng bỏ ra đây.

- Vâng vâng tôi xin sẵn đủ cả đây, nhưng đêm hôm thế nào ngài cũng giúp cho là được rồi.

Nói đoạn vội vàng đưa tiền cho Xái Phúc, Xái Phúc đứng dậy nhận lấy tiền mà nói rằng:

- Sáng sớm mai cứ đến mà khiêng xác hắn về...

Lý Cố hớn hở vui mừng, tạ ơn Xái Phúc, rồi hai người cùng chia ngả ra về.

Bấy lâu áo chủ cơm thầy,

Đền ơn dễ có phen này đấy chăng?

Sông tham ghê cũng lạ chừng,

Nỗi đời này biết than rằng với ai?

Khi Xái phúc vừa về đến nhà, lại bỗng thấy một người vén rèm bước vào, cất tiếng chào rằng:

- Xái Tiết Cấp, xin chào ngài. Xái Phúc vội quay lại nom, thấy người ấy ra dáng khôi ngô hùng tráng, ăn mặc chỉnh tề, mình mặc áo thanh viên cánh nhạn, lưng thắp giải ngọc não mỡ dê, đầu đội mũ ngài, chân đi giày đỏ, vừa đi vừa vái chào Xái Phúc.

Xái Phúc ngạc nhiên đáp lễ lại rồi hỏi rằng:

- Quan nhân ở đâu đến đây, có việc gì cho chúng tôi được biết?

Người kia nói:

- Xin ngài cho vào nhà trong sẽ nói chuyện.

Xái Phúc liền dẫn vào một gian gác kín, rồi mời ngồi ở đó đ hỏi chuyện.

Người kia nói với Xái Phúc rằng:

- Tôi đây họ Sài tên Tiến, tiểu tự là Tiểu Toàn Phong, người ở quận Hoành Hải, phủ Thương Châu, dòng dõi vua Đại Chu khi trước, nhân xưa nay tôi vẫn có lòng sơ tài trọng nghĩa, kết giao hảo hán bốn phương, bất đồ bị lỡ phạm tội, phải lưu lạc lên Lương Sơn Bạc, mà nhập bọn ở đó. Nay vâng tướng lệnh Tống Công Minh xuống đây để dò tin tức Lư Viên Ngoại, ngờ đâu Viên Ngoại bị đám tham quan nhũng lại, tớ phản vợ dâm, đồng ý với nhau để giam vào tử tội, hiện nay tính mạng chỉ còn trông ở tay ngài, bởi vậy, tôi không dám quản công khó nhọc liều mình đi đến tận đây nói rõ đầu đuôi cho ngài biết ...Nếu ngài chịu lưu tâm cẩn thận, giữ gìn tính mạng cho Lư Viên Ngoại, thì chúng tôi sẽ hết lòng tử tế, không bao giờ dám quên ơn, bằng sinh sự thế nào, thì nay mai binh mã tới nơi, phá hết thành trì, giết sạch quan dân, dẫu Thiên Tử đến đây cũng khó lòng cứu được. Tôi vẫn nghe tiếng ngài là trung nghĩa hảo hán xưa nay, nên mới nói rõ cho ngài biết, và gọi là có nghìn lạng vàng đưa để ngài tiêu, xin ngài chấp nhận lấy cho. Hay là ngài có muốn bắt Sài Tiến thì cứ bắt ngay bây giờ, tôi không phàn nàn chi cả.

Xái Phúc nghe nói toát mồ hôi, ngây người một lúc, không sao trả lời được. Sài Tiến nói rằng:

- Anh hùng xử sự không nên rùi rắng trù trừ, thế nào xin quyết ngay cho.

Xái Phúc nói:

- Xin hảo hán cứ về tôi khắc xin chu tất.

Sài Tiến tạ ơn mà rằng:

- Ngài đã nghe lời, sau này xin đền ơn lớn.

Nói đoạn quay ra gọi người theo hầu là Đới Tung đưa vàng cho Xái Phúc rồi vái chào rồi ra đi.

Xái Phúc thấy hai người đi rồi, trong bụng trù trừ khó nghĩ, vẫn vơ hồi lâu rồi mới đi vào trong ngục, đem các chuyện đó thuật cho Xái Khánh nghe.

Xái Khánh nói với anh rằng:

- Anh vẫn là người quyết đoán xưa nay, một việc con con này có làm chi mà khó? Người ta thường nói:"giết người phải thấy máu, cứu người phải đến nơi". Vậy ngày nay đã có một nghìn lạng vàng ở đây ta cứ nên kê lót hết tất cả mọi nơi, từ Lưu Trung Thư đến Trương Khổng Mục toàn thị những giống tham lam, làm cho họ chẳng nhận? Khi nhận được tiền rồi tất nhiên họ phải kết án liều lĩnh đem bắt đi đày, rồi đó cứu được hay không, thì đã có bọn hảo hán ở Lương Sơn Bạc, ta biết đâu được đến đấy nữa.

Xái phúc nói:

- Em nói chính hợp ý ta... Vậy em đem Lư Viên Ngoại để vào một chỗ tử tế, cơm nước cho ông ta cẩn thận, và bảo qua cho ông ta biết trước.

Hai anh em bàn định xong, liền đem tiền đi để nói lót các nơi cho cẩn thận. Ngày hôm sau Lý Cố đợi mãi không thấy Xái Phúc kết quả Lư Viên Ngoại, liền vội vàng chạy đến để hỏi.

Xái Phúc đáp rằng:

- Chúng tôi đương định hạ thủ, thì thấy Lương Trung Thư cho người xuống bắt phải gìn giữ cẩn thận lấy tính mệnh họ Lưu Trung Thư, mà không cho làm bậy...Vậy việc đó ông cứ lo ở quan trên cho xong, rồi tôi chắc hạ thủ ngay có khó gì?

Lý Cố lại quay về cậy người đem tiền đền nói với Lương Trung Thư.

Lương trung thư đáp rằng:

- Đó là công việc của lao Tiết Cấp, không lẽ ta thân hành đến đấy mà hạ thủ? Hãy để dăm ba hôm nữa thì nó cũng chết, chứ sống thế nào được mà vội? Bấy giờ Trương Khổng Mục đã nhận được tiền của Xái Phúc, rồi đem văn án rút bớt tội xuống, rồi Xái Phúc lại thúc giục để kết đoán mà mau cho xong công việc. Trương khổng Mục đem văn án lên trình Lương Trung Thư.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK