Từ sáng sớm tinh sương, dân làng tỉnh, tất cả các tỉnh lân cận nữa, đã kéo nhau lũ lượt đến vây quanh pháp trường tỉnh Phú Xuân. Một khán đài rộng lớn đã được dựng lên để đón chờ quan khách, trong đó sẽ có cả người ngoại quốc, còn lâu mới tới, các chỗ để dành cho tử tội ngồi ăn bữa cơm cuối cùng cũng đã được sửa soạn sẵn sàng.
Voi, ngựa, đao phủ thủ cùng giám trảm quan chưa đến, nhưng đoàn quân giữ trật tự đã có mặt rất nhiều. Có cả những tên giả dạng thường dân len lỏi vào các đám đông để nghe ngóng tình hình.
Đa số những người "đi xem chém" là dân chân lấm tay bùn nghe tiếng loa mõ gọi đi coi thì đi. Sợ vạ miệng họ chỉ trao đổi với nhau những lời vô thưởng vô phạt. Một số khác gồm những tay tráng sĩ giang hồ, đi đứng ngang tàng, cười hô hố, và nói năng không chút e dè kiêng nể... Đặc biệt hơn cả là mấy cụ già, mấy ông nhà nho thường thốt những câu ý nhị nhẹ nhàng, ngay thẳng, đanh thép và đôi khi cũng bướng bỉnh ra trò.
Dân quê thích góp chuyện với các vị này. Đôi khi họ còn gợi chuyện để các cụ cao hứng đưa ra các lý lẽ mà họ cố nhớ và suy ngẫm.
Trong một quán nước dựng vội vàng dưới một gốc cây to, một đám đông gồm đủ hạng người đang ngồi uống trà tươi, hút thuốc lào vặt, nói chuyện gẫu giết thời giờ, có người lên tiếng hỏi bâng quơ:
- Chả phải hội hè đình đám gì vui vẻ gì mà sao thiên hạ đua nhau nô nức đến thế?
Một cụ già vuốt chòm râu bạc, nheo mắt trả lời ngay:
- Ngàn năm một thuở đấy ông ạ. Chả mấy khi có cảnh một ông vua xem giết một ông vua. Nhiều ông tướng xem giết nhiều ông tướng. Thì chúng ta cũng coi chơi xem ông vua, ông tướng sống ra sao và họ chết ra sao. Có phải không các cụ?
Một nhà nho phe phẩy chiếc quạt giấy, nan bằng tre đã lên nước bóng như ngà, đỡ lời:
- Chẳng những thế mà thôi đâu, thưa cụ. Người dân còn muốn nhân dịp này đánh giá con người nữa.
- Ủa! Đánh giá ra làm sao ông bạn?
- Đánh giá là xem cả kẻ được, lẫn người thua, anh hùng mã thượng đến mức độ nào.
Một thầy đồ kiết cười ruồi, chõ vào một câu phê bình chua chát:
- Được cũng anh hùng, thua cũng anh hùng! Sao thiên hạ lắm anh hùng thế?
- Chứ sao! Kẻ thắng có độ lượng mới anh hùng, còn người thua cũng được gọi là anh hùng khi điềm nhiên đón nhận cái chết, mặt không thay đổi sắc. Điểm này khó lắm, phải không các cụ?
Cụ già râu bạc vỗ đùi cười khanh khách:
- Thôi tôi hiểu rồi, cái bác đồ gàn này lại nhớ đến chuyện Tam Quốc chứ gì? Có phải cái khúc Tào Tháo nhẫn tâm giết Trần Cung là người ơn cũ, và Lã Bố run sợ trước khi ngửa cổ chịu chết chém ở Bạch Môn Lầu không nào?
Có tiếng oang oang nổi lên cắt đứt câu nói cũng như cái hứng của ông cụ:
- Nói chuyện đời xưa khó hiểu lắm! Hãy bàn chuyện bây giờ đi.
- Chuyện bây giờ à? Thì ngoài mấy ông vua, mấy ông tướng, nghe nói còn một bà già và một đứa con nít cũng phải rơi đầu nữa đấy.
Hai ba người cùng cãi một lượt:
- Chừng như bà cụ đã quá già nên người ta đã "kính lão đắc tràng" rồi mà.
- Bà già nào đâu? Bà Thiếu Phó mà già à?
Một người ra vẻ thông thạo xen lời:
- Bà cụ già 80 tuổi là mẹ ông Thiếu Phó, người ta không dám giết vì sợ mang tiếng ác, còn bà Thiếu Phó thì... kể ra cũng đáng chết lắm.
Tiếng nói oang oang lúc nãy gằn giọng sinh sự liền:
- Tại sao anh dám bảo bà Thiếu Phó đáng chết? Liệu cái thần hồn!
- Thì tại vì trong trận vây đánh thành Trấn Ninh bữa nọ, bà ấy đã làm cho tất cả các anh bị vây sợ té đái ra quần chạy không kịp. Căm tức thì họ phải báo thù chứ còn sao nữa!
Mọi người cười ồ. Rồi mọi người nhốn nháo khi thấy cờ quạt trống chiêng, voi, ngựa từ đàng xa tiến tới.
° ° °
Ba cỗ hổ lao (cũi hổ) vĩ đại được khiêng tới đặt ở ba nơi riêng biệt và được tháo chốt cùng một lúc.
Từ cỗ giữa, ba chàng thanh niên lững thững bước ra. Ba anh em ruột suýt soát bằng nhau, chỉ chênh nhau một hai tuổi. Người trẻ nhất, tuổi không hơn mười tám, dáng điệu ngang tàng hơn hai anh. Chàng quắc mắt nhìn khán đài với vẻ thách thức.
Cỗ bên hữu lố nhố nhiều người đều là võ tướng, đứng đầu không ai khác hơn danh tướng Vũ Văn Dũng.
Đặc biệt nhất là cỗ bên tả, ngoài một ông tướng và một bà tướng tiếng tăm lẫy lừng hơn tướng Dũng, còn một cô gái bé bỏng, cốt cách như một nàng tiên.
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, uy nghi như hai bậc thiên thần, cùng dắt tay Bạch Liên ung dung tiến đến chỗ ngồi đã định sẵn. Tám tên lực sĩ lăm lăm cầm tám cây giáo dài bằng sắt theo hầu, mũi nhọn chĩa sát lưng, chỉ cách chừng nửa thước.
Giám trảm quan, lưng đeo kiếm báu, sải ngựa một vòng rộng trong pháp trường, phóng tia mắt sáng như điện rọi tới chừng chi tiết.
Nhiều người biết mặt kháo nhau:
- Tiền quân Thành đó. Ông này làm giám trảm thì cánh kia hết đường cựa quậy.
Trời gần trưa, ánh nắng chói chang đổ xuống chan hòa như để chứng kiến trọn vẹn tấn bi kịch sắp sửa bắt đầu.
Người xem đông như kiến cỏ. Ai cũng nghển cổ kiễng chân, cố không bỏ sót một cử động nào của các vai chính.
Tất cả bỗng im lặng lắng tai nghe. Tiếng loa thét ồm ồm ra bốn phía. Kể thông thạo giảng cho những người chung quanh:
- Sắp sửa vào việc rồi đó!
Quả nhiên có một toán lính lễ mễ khiêng ba chiếc mâm lớn đặt trước mặt vua Cảnh Thịnh và hai vị hoàng thân.
Mâm giữa dành cho Quang Toản là mâm vẫn dọn cho nhà vua, từ bát đũa chén đĩa đến đồ ăn thức uống đều là những thứ dành riêng cho đấng quân vương ngự thiện. Hai mâm bên dành cho hai vị hoàng thân dĩ nhiên kém sang trọng hơn một bực.
Những người chưa từng thấy quang cảnh này bao giờ ngạc nhiên hỏi nhau:
- Sao lạ thế nhỉ? Sắp giết chết con nhà người ta, lại còn bày đặt đãi tiệc long trọng là nghĩa làm sao?
- Thì cổ lệ đã định như thế lâu rồi. Không theo sao được!
Người khác thêm:
- Ngoài ra, thân nhân hay bằng hữu còn có quyền tế sống tội nhân một tuần nữa chứ!
- Thế à?
Câu hỏi chưa dứt, mọi người đã hoa mắt lên vì thấy xuất hiện giữa pháp trường vài chục tráng sĩ khăn áo trắng toát màu tang chế. Họ xúm quanh chiếc bàn bên tả, nơi ông Diệu, bà Xuân và cô bé Bạch Liên ngồi. Nhanh nhẹn, họ bày la liệt lên bàn những thức ăn nóng hổi họ vừa mang tới, sau khi dẹp qua một bên các món do quân triều đưa lại.
Tươi cười như trong bữa tiệc mừng tuổi thọ, Quang Diệu vuốt râu hỏi:
- Các chú cho vợ chồng con cái ta ăn cái chi mà linh đình thế?
Tráng sĩ dẫn đầu, mặt đen râu quai nón, không ai khác hơn là Lê Đồng, lễ phép thưa:
- Bẩm chủ tướng, cỗ mặn chỉ có độc một món bánh tráng thôi ạ.
- Ủa! Bánh tráng chi mà lạ rứa?
- Bẩm đó là món đặc biệt do chính cô Bạch Liên sáng chế ra đó ạ.
Từ lúc được ngồi ở bên cả cha lẫn mẹ, cô gái ngây thơ đã lấy lại được nét vui tươi nhí nhảnh trên khuôn mặt thanh tú. Bầu không khí mới mẻ cùng những bóng dáng quen thuộc đột nhiên trả về cho đôi môi hồng nhạt nụ cười rạng rỡ mọi ngày.
Bạch Liên vỗ tay cười nói rất tự nhiên:
- Thầy ơi! Đây là món chả rán do con nghĩ ra để bà nội xơi cho lạ miệng trong những ngày bà không ăn chay.
Bánh tráng nhúng nước ăn mãi chán chết! Con cuộn tôm hay thịt vào cùng với nấm hương mộc nhĩ, rồi thả vào chảo mỡ chiên cho thật vàng, chấm nước mắm dấm ớt, ăn ngon không thể tả được. Ròn tan, béo ngậy, miệng nhai tai nghe thật sướng. Phải không chú Đồng?
- Vâng. Ngon tuyệt. Bẩm chủ tướng em mới được thưởng thức món này khi vâng lệnh chủ tướng về làng Bình Phú.
Bạch Liên quay sang nũng nịu với mẹ:
- Con định bụng khi nào thầy mẹ về làng chơi thăm bà nội, sẽ trổ tài nấu nướng để thầy mẹ xơi một bữa cho khoái khẩu. Ai ngờ chú Đồng lại cướp mất nghề.
Bà Bùi cười, mắng yêu con gái:
- Thôi, nghe con gái mẹ khoe, chưa ăn đã thấy ngon rồi...
Bà nâng ly giục chồng:
- Ông xơi rượu đi. Để các chú ấy và con gái ăn kẻo nguội.
Đúng với tác phong con nhà võ, thầy trò ăn uống ào ào như gió cuốn.
Cắn một miếng chả ròn tan, bà vuốt ve con gái khen:
- Mẹ đâu có ngờ con gái mẹ lại có tài biến chế và khéo tay đến thế!
Rồi bà nghiêng đầu bảo chồng:
- Thầy nó à! Thật là ngon tuyệt vời! Thầy nó thấy thế không? Giá năm nọ ta nghĩ ra được món ăn bất hủ này thì khi vào thành Thăng Long, khao quân thì thú vị biết bao nhiêu!
Người cha khen thực tình không kém người mẹ:
- Ngon thực! Sơn hào hải vị chẳng thấm vào đâu. Con gái thầy giỏi ghê gớm lắm đó!
Đang ông, bỗng ông ngước mặt nhìn lên trời, mơ màng tiếp:
- Vua Quang Trung nghĩ ra được món bánh tráng cho lính ăn lúc hành quân mà chưa nghĩ ra được món chả rán cho họ thưởng thức khi chiến thắng. Để ta phải khoe với người tài của con gái ta mới được. Nhất định Đức Vua phải khoái món ăn trác tuyệt này.
Quên hết những người đứng ăn chung quanh, quên luôn cả số phận hẩm hiu đang chờ đợi gia đình mình, cô gái ngây thơ nhõng nhẽo:
- Đức Vua có thích ăn rau sống không hả thầy? Chả rán phải ăn kèm nhiều rau sống mới ngon.
- Thích chứ sao không!
Bà Bùi cũng vui lây, nhoẻn miệng nói đùa:
- Thế nào cũng có thưởng đấy, con ạ.
- À, phải rồi. Thế Đức Vua sẽ thưởng cái chi cho con nhỉ?...
Ông Trần ngẫm nghĩ rồi đáp bừa:
- Chắc lại một con voi, giống như con Tiểu Tượng chứ gì!
- Ồ, thế thì thích quá! Lần này nhất định con để nuôi chơi, chứ không thả vào rừng như con Tiểu Tượng nữa. Lắm lúc con nhớ con Tiểu Tượng ghê cơ!
Mọi người đang ăn uống vui vẻ bỗng giật mình nghe thấy có tiếng "Choang! Choang! Ầm! Ầm!" ở bàn vua Cảnh Thịnh.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK